Dự thi Xanh trong phố

Dự thi Xanh trong phố

... Nó đốt nhang bàn thờ Ngoại rồi thừ người ngồi mân mê bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề Điện công nghiệp, nó sinh ra và lớn lên trong thành phố này. Ngày mẹ nó chuyển dạ, bà ngoại đưa vào trung tâm y tế quận, không quên mang theo lon bia sàigòn để tắm trắng cháu*. Ngày đó nhập khẩu thành phố còn khó khăn, Ông ngoại cầm giấy chứng sinh và sổ hộ khẩu đi làm khai sinh và nhập khẩu, 3 ngày sau ba nó từ dưới quê lên thăm rồi ra uỷ ban phường nhận giấy khai sinh và hộ khẩu cầm về.

Hai năm sau, khi vừa xong việc khảo sát thiết kế xây dựng nhà máy cho công ty đối tác liên doanh Việt -Nhật tại Hà Nội, ông ngoại bạo bệnh rồi qua đời, quà để tặng sinh nhật cháu là chiếc xe lửa 1 đầu kéo 2 toa chạy bằng pin vẫn còn nguyên trong hộp.

Bà ngoại lo cho ăn uống, giặt giũ, nhắc nhở giờ giấc học hành, chỉ vẽ cách ăn ở cư xử ở đời; tiền bạc ba mẹ dưới quê gởi lên phụ giúp một phần. Mỗi năm 2 lần, được ba đưa rước về quê chơi dịp tết và nghỉ hè. Ba thương nhưng ít nói, chỉ nhắc nhở gắng học - vâng lời và hiếu lễ với ngoại.
Cuối năm lớp 9 gia đình Nội có sự cố tai ương, sợ không lo đủ kinh phí cho nó tiếp tục ăn học, ba định hướng cho học Trung cấp nghề, sau khi tốt nghiệp trung cấp, sẽ có bằng THPT và có việc làm để có thể tiếp tục học liên thông.

Nghe nó học Trung cấp nghề, bạn bè quen thân đứa nào cũng cười, động viên thì ít, chế giễu thì nhiều... Nó thốt một câu như tự động viên mình: "Tụi mày cố lấy bằng cử nhân rồi làm Giám đốc, tao làm giám xúi cũng được!"
Trong tổ học tập, nó nhỏ tuổi nhất, cái chú ngoài 50 làm tổ trưởng, nhưng cũng cố lấy bằng Trung cấp nghề vì yêu cầu công việc hiện tại. Sở dĩ nó gọi bằng chú vì ổng nhỏ hơn ba nó mấy tuổi lận. Nó cày lý thuyết, làm bài rồi in ấn gởi cho các thành viên, thực tập thì được các anh - chú chỉ vẽ tận tình.
Cuối khóa đi thực tập kéo điện lưới ở miền tây, những việc nặng nhọc cũng nhờ các bậc trưởng bối chỉ cách lập thế đòn bẩy hoặc con lăn... nên cũng đỡ phí sức, tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh tiến độ công trình. Chú Tổ trưởng nói:

-Qua kết chú em mầy! Hổng chửi thề, hổng hút thuốc, hổng cờ bạc, uống rượu thì đôi ly xã giao, nói năng chừng mực có trên dưới trước sau. Rất tiếc qua hổng có con gái, chứ hông thì qua chọn chú em mầy làm rể!

Nó cười cười:

-May mà hổng có, chứ có đừng chửi con đồ cà chớn à nhen!

Cả tổ được phen cười hỉ hả...
Tổng kết cuối khóa - nhận bằng rồi liên hoan chia tay, các thành viên bịn rịn không rời và hẹn gặp lại nhau vào khóa liên thông cao đẳng.
Rồi khi liên thông Cao đẳng điện CN, tổ học tập chỉ có 5 người trong đó có 2 người mới, chú Tổ trưởng không tham gia khóa học nên nó được cử làm tổ trưởng tổ học tập.
Những tháng ngày thực tập xa phải ở lại công trình, có khi đôi ba bữa lại di dời lán trại... quen dần với sương gió nắng mưa, với vai trò tổ trưởng làm nó rắn rỏi và chững chạc hơn nhiều.
Những đêm chưa ngủ, sau khi kết toán khối lượng hoàn thành - nhân công và vật tư hao phí trong ngày, sắp xếp hoạch định công việc ngày mai... trong rã rời mỏi mệt, trong mơ màng nó nhớ nhà, nhớ ngoại, nhớ ba, nhớ về những yêu thương mà mọi người dành cho, ước gì bây giờ nó có thể nói lên tiếng lòng mình.

Ba tháng thực tập, ba Công ty với 7 đoạn Công trình có địa hình khác nhau. Ngoài khoản hợp đồng ký kết với nhà trường, Công ty hỗ trợ thêm 50-150k/ngày/người. Xong đợt thực tập, Thầy chủ nhiệm lớp giữ tổ nó lại giúp Công ty bạn hoàn thiện đường điện công xưởng, lắp đặt camera giám sát để kịp ngày khai trương. Khi nhận bản vẽ và vật tư, nó đề nghị công ty tăng cường thêm người. Công ty cử thêm 2 kỹ sư và 4 nhân viên giao cho nó điều hành.
Sau khi tập hợp anh em chia thành 3 nhóm, 2 nhóm 4 người gồm 1 kỹ sư làm nhóm trưởng, 2 nhân viên công ty và 1 thực tập sinh. Nhóm nó 3 người thực tập sinh. Trước khi bắt tay vào việc nó hướng dẫn cụ thể, dặn dò anh em thi công cẩn thận, thao tác kỹ lưỡng, điều gì chưa nắm chắc thì hỏi lại rồi làm. Lúc đầu cứ 1h nó đi quan sát một lần, có gì chưa đạt bắt tháo ra lắp đặt lại. Sang ngày thứ hai đến nửa buổi nó mới đi, ngày thứ ba nó an tâm để anh em làm.
Sáng, trưa, chiều đều ra quán quen mối của Công ty để dùng bữa.
Chị chủ quán độ ngoài 30 thấy mặt nó non choẹt nên thỉnh thoảng cũng nói chuyện dỡn chơi chọc ghẹo đôi câu, nó chỉ cười trừ.
Đến bữa cơm chiều ngày thứ hai, hai kỹ sư đề nghị làm xị giải mỏi, thấy anh em có vẻ hưng phấn nên nó gật đầu. Đến tua thứ ba thì 1 anh kỹ sư hỏi:

- Anh làm nghề này bao lâu rồi?

Nó ngẩng lên nhìn dáo dác, khi xác định được người hỏi nó bèn trả lời:

- Dạ em thực tập gần được 2 năm!

Anh chàng kỹ sư lắc đầu ra vẻ không tin, anh ấy nói:

- Tui ra trường đi làm cũng 3 năm rồi, nhưng cũng chưa thấy tay nào làm nghề 2 năm mà có bản lĩnh như anh!

Nó cười cười vừa chỉ mấy anh em thực tập vừa trả lời:
- Không tin? Anh cứ hỏi anh em trong nhóm thực tập đây thì biết!

1_87197.jpg


Chị chủ quán cũng đía đía:
- Cái tướng thư sinh này mà làm trưởng toán thì chỉ có gốc với dù thôi.
Nó cười toe rồi nói:

- Thấy vậy chớ hổng phải vậy nghen, tui là dân cùi bắp thứ thiệt nè!

Mọi người cười rộ.
Lịch làm việc là 5 ngày, xong sớm nửa ngày, nó nhờ 2 kỹ sư mời Giám đốc xuống nghiệm thu bàn giao.
Sau khi khởi động, chạy thử nghiệm hoàn chỉnh, ký biên bản bàn giao, nhận giấy xác nhận thời gian thực tập. Trước khi chia tay, Giám đốc bồi dưỡng cho anh em mỗi người một phong bì dày dày giống nhau, riêng nó Giám Đốc bắt tay và trao phong bì tận tay. Vừa ra khỏi cổng công ty, anh em mở phong bì ra xem, mỗi người 5 tờ 200k, về phòng nó mới mở ra, cũng 5 tờ nhưng mệnh giá 500k.
Không phải công việc lúc nào cũng suôn sẻ, có lúc kéo cáp quang do đuối sức sơ ý tuột tay - vấp chân trượt ngã sây sát; lúc leo giàn đạp trúng vũng nước trượt dài, nếu không có dây đai bảo hộ thì...

Rồi cũng đến lúc hoàn tất khóa học, lễ tổng kết khai mạc vào chiều tối, cũng mũ tua dây áo choàng truyền thống lên nhận bằng tốt nghiệp, cũng ôm nhau chụp hình kỷ niệm, cũng cay cay khoé mắt khi chia tay. Người lớn trong nhà không ai tham dự, ngoại đau chân, nội nằm viện nên ba mẹ không thể lên mừng con tốt nghiệp. May có ba chị em bạn dì và em gái đến "mừng hùn", thế là mấy chị em dắt nhau làm một chầu nước gọi là "rửa bằng".
Sáng hôm sau ngoại làm mâm cơm cúng tạ lễ rồi hạ xuống cả nhà liên hoan.
Mấy đứa bạn thân chí cốt được tin ghé mừng, bây giờ thì hi ha hỉ hả , đứa thì năm nhất năm hai Đại học, đứa thì Cao đẳng do hết chỉ tiêu, đứa vẫn còn mài quần chật vật thi tốt nghiệp phổ thông. Nó thực sự hạnh phúc với thành quả đạt được do nỗ lực của mình kèm theo một ít may mắn.

Mười ngày trước, thầy chủ nhiệm giới thiệu làm cho một công ty đang thi công sửa chữa và lắp mới đường điện trong sân bay Tân Sơn Nhất mà không qua giai đoạn thử việc. Lương cơ bản chính thức 8 triệu chưa tính tăng ca và phụ cấp. Được tin Ngoại mừng thấy rõ.
Mấy bữa nay Ngoại làm mệt, ăn uống kém, khám bệnh uống thuốc 2 ngày rồi nhưng không thuyên giảm.
Sáng đó đi nhận việc, làm quen với môi trường chung quanh, trưa về nhà nghỉ ngơi hôm sau là bắt tay vào công việc. Nó dự tính chiều nay đưa Ngoại nhập viện để tiện theo dõi bệnh tình.
Trên đường đi lòng dạ nó nôn nao chưa từng thấy, nó nghĩ hay là áp lực ngày đầu nhận việc, chắc chắn không phải vì trước giờ có thế đâu?
Vừa chớm cổng Công ty, chuông điện thoại reo dồn dập, nó đưa xe lên hành lang, gạt chống chân rồi bắt máy. Chưa kịp hỏi, đầu dây bên kia là giọng nói nghẹn trong tiếng khóc: "Ngoại đột tử rồi, về gấp".
Nước mắt nó ứa ra làm nhoè không gian trước mặt, tai nó ù đi, người nó dại đi như không còn chút sức lực, nỗi ân hận trào dâng nó muốn hét hoặc khóc thật to, phải chi sáng nay nó đừng đi nhận việc, phải chi nó đưa Ngoại đi bệnh viện sớm hơn...
Bên tai nó như vẫn ong ong lời ba dặn: "đàn ông không được rơi nước mắt, phải luôn trấn tĩnh để còn giúp người giúp mình giải quyết sự việc ổn thoả".
Ngồi một lúc lấy lại bình tĩnh, nó kiếm nước rửa mặt, gọi điện cho Công ty hủy lịch nhận việc vì lý do tang sự rồi nổ máy quay xe trở về với Ngoại.
Xế trưa hôm ấy cha mẹ nó lên, dì dượng cậu mợ tập trung đông đủ để lo tang lễ...
Hôm nay mọi người đã về, trở lại nơi ở và vùi đầu vào công việc thường nhật. Tro cốt Ngoại được gửi gấm bên Chùa nơi Ngoại quy y tam bảo.
Cầm bằng tốt nghiệp trên tay nó ước gì Ngoại sống lâu trăm tuổi để nhìn thấy nó thành đạt dẫu còn nhiều va vấp ngoài kia. Thấy nó thành gia lập thất, con nó sẽ gọi ngoại là bà Cố.
Nghĩ tới con, nó tự hỏi con nó có quậy phá Cố như nó không? Nó chợt nhoẻn miệng cười.
Trên bàn thờ di ảnh Ngoại, hình như Ngoại cũng đang cười với nó!
 
Sửa lần cuối:
1K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top