Nhà Xẻ dọc trái tim

Nhà Xẻ dọc trái tim

Hương cầm đóm mạ lên, mạ non mùa xuân nhỏ nhắn, từng đóm mạ cấy xuống đồng. Đã gần trưa cả thuở ruộng cuối cùng cũng đã xong, cô lau vội giọt mồ hôi trên trán. Đương lúc định rút dây chăng mạ thì nghe thấy tiếng gọi:

- Chị Hương ơi, chị ơi, anh Dũng gửi thư về này.

Hương vội thu dọn đồ đạc rồi đi về, đầu đội nón lá đã rách, chân còn chẳng kịp rửa, bùn dính nên đôi chân, hơi lạnh. Hương chẳng để ý nữa, cứ thế đi từ đồng về nhà. Căn nhà của Hương ở ven sông, mái lợp ngói, một căn nhà ba gian bên gốc gạo. Trước cửa nhà có anh Trương đứng cầm thư đứng đợi và cả Lam, tiếng Lam ríu rít vui mừng:

- Quý lắm em mới gọi về đấy.

Hương cầm lấy bức thư, phong thư màu nâu đỏ, chất giấy sờ lên hơi sần sùi, phong bì thư ghi rõ tên người thương. Cô nhìn anh Trương, nói lời cảm tạ rồi tự để lá thư lên chiếc nón cạnh giếng. Nhìn hình bóng mình phản chiếu xuống nước, một gương mặt trái xoan đang mỉm cười, nước giếng vẫn còn hơi lạnh nhưng Hương dường như chẳng quan tâm, cô chỉ muốn mau chóng rửa sạch sẽ tay chân không muốn bức thư bị dính một chút bùn đất nào.

Cái Lam đứng ở sân giếng, nhìn chị mình vội vã, cô cũng chẳng dám chọc chị gái, vội ra ngoài kiếm củi về nấu cơm. Căn nhà chỉ còn Hương, cô vào gian buồng, chiếc sập nhỏ ở bên cạnh cửa sổ ngồi xuống nhìn lá thư, từ từ mở ra:

“Quảng Trị, ngày 3 tháng 3 năm 1972.

Hương thương mến,
Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày anh vừa tròn hai mươi. Ở nơi đóng quân, các anh em đều có làm bánh gai cho anh ăn, mấy anh vậy mà làm bánh khéo lắm, ăn cực kì ngon lành. Anh chỉ ước Hương ở đây để thử cái hương vị ấy thôi.

Mỗi đêm nằm canh giữ trong hầm đất, tiếng pháo nổ trắng trời, lúc đấy anh nghĩ không biết có mạnh khỏe để chiến đấu trận này không? Quân Mỹ đang nhắm về thành cổ Quảng Trị, anh biết rất có thể sẽ chiến đấu một trận ác liệt, nhưng vẫn chỉ đang chờ đợi thôi. Anh sợ em lo lắng, trao gửi lá thư này về, không biết sau bao lâu em sẽ nhận được nhỉ? Anh sẽ sớm trở về thôi, không phải hôm nay, mà là một ngày mai đất nước cùng chung một nhà. Anh sẽ đưa em đến thành cổ này, nhìn non sông nước ta đẹp sao kể xiết, để nói với em rằng, tình này sẽ bền vững dẫu năm tháng đổi thay.

Anh đưa thư đang đứng ở đây này, anh ấy cứ giục mọi người nhanh lên, nếu có thể gặp anh ấy, thế nào em cũng sẽ cười ngặt nghẽo vì tính anh ấy quá ư cẩn thẩn. Chiến sự bận rộn, anh xin dừng thư ở đây, Hương và gia đình mạnh khỏe nhé!

Thương nhớ em, anh Dũng.”

Hàng chữ vội vã xiêu vẹo, nhưng Hương vẫn nhận ra nét bút của anh Dũng, cứng cáp mà mạnh mẽ. Nhìn thấy chữ là nhớ đến người, Hương có thể tưởng tượng được đang vò mái tóc xoăn của mình, da anh chắc lại đen thêm rồi. Lời anh nói trước khi hành quân đến giờ vẫn còn văng vẳng bên tai, anh nói “Chờ anh về”, vậy mà đã qua hai mùa lúa thơm.

Ông bà Hai về nhà, mặt cười tươi hớn hở, trong bữa cơm cứ nhìn Hương mãi, Hương hơi ngây ngẩn, chẳng lẽ bố mẹ đã nghe chuyện, đã dặn Lam trước là không được nói với bố mẹ mà. Cô nhìn em gái, thấy mặt em gái cũng ngẩn ngơ không hiểu, Hương thầm thở phào, chắc là chuyện khác đi.

Cuối cùng bà Hai cũng mở miệng, bảo:

- Hôm nay bố mẹ sang bên nhà chú Kha ở làng bên, nhà chú ấy giàu có nhất vùng, lại có một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, thằng bé đang đi học ở Hà Nội về. Mẹ nhìn qua rồi, nó lễ phép, ăn nói rõ ràng, còn có vẻ yêu mến con nữa, Hương à.

Hương cuối cùng cũng đã hiểu ý, cô buông bát cơm xuống, nhìn bố mẹ giọng kiên định:

- Con sẽ không quen với anh ấy đâu, chúng con chỉ là bạn bè thôi.

- Con bé này, sao cứ kén cá chọn canh nhỉ? Mẹ với bà Kha bên đấy rất thân, sau này gả sang đấy không lo chuyện mẹ chồng nàng dâu, sống sung sướng. Hay là mày vẫn còn nghĩ đến nó?

Ông Hai kéo tay bà lại, nhẹ giọng bảo:

- Có gì thì từ từ bảo ban con cái, đừng giận dữ bữa ăn thế.

Lam nhìn chị, mắt chị Hương đã đỏ lên, cô cũng khuyên mẹ:

- Anh Dũng rất tốt mẹ ơi, hai người quen nhau từ bé, mẹ cứ để chị theo lòng.

Bà Hai trừng mắt nhìn con thứ, bảo:

- Thằng Dũng, lúc nào cũng là nó, nó đi vào miền trong đã hơn một năm rồi. Chiến sự còn dài, chị mày mà lấy nó thì có ngày cô độc đến già.

Hương nhìn bố mẹ, cô đứng dậy, bảo:
- Con sẽ không lấy ai cả, bố mẹ đừng ép con.

Nói rồi cô bước vội ra ngoài, trời xuân vẫn còn hơi lạnh. Hương chỉ mặc tấm áo mỏng, lại ra bãi sông, ở đó có một cái chòi bằng tre mà các bác đi ra đánh cá dựng lên để nghỉ chân. Cô nhìn mặt nước mang tấm áo xanh ngọc, cỏ mọc san sát hai bên vệ bờ, người dân đi qua lúc nào cũng phải cẩn thận không bị trượt ngã rơi xuống. Lại nhớ lúc tuổi ấu thơ, cô và anh Dũng cũng chỉ là những đứa trẻ dại, ra sông bắt cá không may bị trượt chân. Cô mếu máo khóc nắm lấy vạt áo của anh, nức nở:

- Em sẽ bị nước cuốn đi mất, hu hu.

Cô vẫn nhớ lúc đấy anh Dũng cũng chỉ hơn cô có hai tuổi, nghịch ngợm nhất xóm Tre, một tay anh bám lấy thân chuối, tay còn lại nắm lấy tay cô. Cơn nước mùa hè tạt vào mặt, vào người hai đứa trẻ, lạnh lẽo, đôi môi anh đã tái nhưng vẫn cố gắng cười nói, an ủi:

- Có gì đâu, cây chuối này chắc lắm, anh sẽ kéo em lên.

Càng nghĩ, Hương càng bật cười chua xót, nước mắt rơi vì nhớ anh, nhớ dáng vẻ lém lỉnh tinh nghịch của anh. Nhìn thấy sự dịu dàng lớn lên từng ngày của anh. Chuyện ngày hôm đó, rõ ràng để chống với nước sông lạnh giá, anh đã đuối sức lắm rồi, một tay bám chặt lấy thân chuối, một tay giữ lấy cô, miệng thì không ngừng gọi cứu. Anh Dũng bây giờ đã trưởng thành, nhìn thấy bom đạn, pháo trắng, anh muốn đi đến nơi đất nước cần anh, muốn tìm đến đồng bào cùng chung chí hướng, anh bỏ học ở Hà Nội, ngược xuôi xin vào quân ngũ, đi vào miền trong.

Những lá thư của anh, có lá thư vì đường chuyển quân thần tốc mà bị rách, thậm chí có lá thư dính đầy bùn đất nhưng Hương vẫn giữ. Anh kể chuyện gặp được những người bạn mới ngày ngày cầm súng, anh kể chuyện ngày bị lạc được nhân dân cưu mang, kể cả mái tóc xoan hay bị cắt gọt thành đầu đinh, cứ khi nào rỗi rãi lại nhờ đồng đội cắt giúp. Ngày đầu tiên, người bạn kia cắt giống như nước sông chòng chành, vậy mà cắt vài lần đã nhanh gọn như mấy thợ hớt ngoài tiệm. Anh còn kể, còn kể mỗi đêm nhớ Hương, nhớ nhà nỗi nhớ của anh khiến Hương lại nghĩ suy đến chàng trai trẻ mười lăm tuổi kia từng ước mơ đi khắp mọi miền đất nước, những chuyện về anh khiến cô chẳng kìm được nước mắt.

Trời đã vào hè, ngày tháng vẫn qua đi bình yên như thế, mùa lúa đang độ chín, thỉnh thoảng hương gạo nếp còn non thơm cả cánh đồng, trong cánh cò bay bạt ngàn, Hương nhìn thấy một chiếc bóng màu xanh. Là ai kia từ phía xa, bước chân rắn rỏi? Là ai kia, mũ cối hình ngôi sao che đi nửa gương mặt? Là ai kia, đã lâu không về, bọn trẻ con túm tụm lại hò reo. Chàng trai ngồi xuống, bứt một chiếc cỏ gà trêu chọc đàn em, tặng mỗi đứa một viên kẹo. Thì ra là chiếc kẹo quy hình tròn, đứa nào đứa nấy vui vẻ cùng chạy đi chơi, chỉ còn người chiến sĩ đứng đó, nhìn đồng ruộng tươi xanh, hay anh đang nhìn cô gái ngẩn người nhìn cố nhân?

“Anh về rồi.”

***

Người dân trong xóm Tre hôm nay vui mừng lạ thường, từ cổng làng, những thúng bánh, thúng cau trầu đội lên đầu những người phụ nữ. Họ đang rước lễ, một đám cưới của anh lính. Cô gái ấy vậy mà đã đợi được chàng trai của mình về, cùng kết nghĩa vợ chồng trăm năm chẳng phai.

Chiếc nến màu đỏ thắp sáng trong phòng. Hương nhìn anh âu yếm, này khuôn mặt rám nắng, này hàng mi cứng cỏi, này sống mũi dọc dừa, mỗi lần kiêu ngạo là cả khuôn mặt ấy đều khiến người khác không kìm được mà ngắm nhìn.

- Có phải lấy được anh, em hạnh phúc lắm chăng?

Anh cười nhìn Hương trêu chọc, cô ngại ngùng không muốn chìm sâu trong ánh mắt yêu thương ấy, dựa vào vai anh, thủ thỉ:

- Em cứ nghĩ đây chỉ là mơ thôi, chẳng ngờ được lại hạnh phúc đến nhường này.

- Tất cả đều là thật, anh sẽ đưa em đi khắp Bắc Nam, chỉ chờ ngày giải phóng thôi. - Anh chạm vào từng sợi tóc của cô, như là thì thầm, trân trọng.

Hương ôm chặt lấy anh, có thể lắm chứ, anh chỉ được về phép một tháng, rồi lại đi, chiến trường chông gai vẫn chờ anh, đồng đội cũng đứng ở đó đợi. Cô yêu anh, muốn giữ anh ở lại bên mình nhưng rồi một ngày, anh sẽ đi thôi. Tuy vậy, giờ phút này hãy để anh là của riêng cô, để hai người hòa là một. Nến cháy đượm rồi vụt tắt, chỉ còn ngọn gió êm dịu ngày hè mơn man ngoài kia làm rung rinh tán cây.

Nắng nóng đã đổ xuống oi ả lên miền quê Bắc Bộ, Hương ra sau vườn hái cam sành ăn đỡ giải nhiệt. Nghe thấy tiếng người đến, hóa ra là anh Trương đưa thư tín:

- Cô Hương, nhà mình có thư này.

- Vâng, em cảm ơn, mời anh vào nhà xơi nước.

- Ôi, tôi còn vài bức thư chưa gửi, để hôm khác nhé cô!

Bóng anh Trương khuất sau con ngõ, Hương nhìn bức thư được gửi đến, là thư của anh Dũng nhưng nơi gửi lại ở mãi Quảng Trị xa xôi, có lẽ nào là thư của đồng đội anh gửi chăng?

Trưa, khi Dũng nhận được thư, vội mở, lá thư chỉ có vài dòng ngắn gọn mà khiến anh trầm ngâm mãi. Chỉ đến lúc chiều, nhìn vợ, anh thở dài bảo:

- Hai ngày nữa anh sẽ đi vào Quảng Trị.

- Nhưng...nhưng anh chỉ mới về nhà được nửa tháng mà?

Dũng nhìn sâu vào đôi mắt của Hương, nói:

- Nhưng chiến trường cần anh, em yên tâm, anh sẽ sớm về thôi.

Hương ôm anh, nước mắt tủi hờn rơi xuống, lúc này cô chỉ ích kỉ như một đứa trẻ muốn anh ở bên, không muốn anh rời xa. Nhưng là, chiến đấu bảo vệ đất nước là ước mơ từ thuở thiếu niên của anh, cô giữ anh lại nhưng trái tim anh lại một lòng bước đi, vậy thì, cứ để anh được thỏa ước nguyện.

Dũng cố gắng chở củi, sửa lại đèn dầu, đóng lại cái chân bàn bị gãy, đôi bàn tay anh dày rộng cứ thoan thoát làm việc, anh sợ hãi lần này đi có khi sẽ không trở về được. Loa phát thanh ở làng đã thống kê sơ bộ tình hình ở Quảng Trị nhưng lần này, lá thư gửi về lại càng đẫm máu hơn, bọn Mĩ đang chuẩn bị thực hiện chiến dịch “Lam Sơn 72”, một thành trì nhỏ như Quảng Trị sao lại bị chú ý như vậy, bao nhiêu bom đạn mà trinh sát thu thập được đủ khiến lòng người xao động. Năm 72, định rõ sẽ là một hồi mưa tanh gió máu!

Nhân lúc Hương đi chợ, anh cầm lấy cây bút viết thư, hi vọng khi bản thân mình đi, vợ anh sẽ vơi bớt đau lòng. Anh thương vợ, anh cũng tự trách mình tại sao lại vội cưới Hương, tính mạng anh nằm trên chiến trường, nơi đầu súng giặc. Nếu như anh có bỏ mạng nơi sa trường, chẳng phải Hương sẽ cứ cô độc như vậy sao? Càng nghĩ, anh càng tự trách bản thân mình nóng vội, trong tim như có ngọn lửa cháy hừng hực với bao suy nghĩ dai dẳng mà dằn vặt.

Ngày anh lên đường, người thân hai bên nội ngoại đều đến thăm, trong cái ồn ào vui vẻ kia, người ta chúc cho anh thuận lợi bình an, lại quan sát thấy bóng người phụ nữ có chồng lên đường, đôi mắt kia tràn đầy lo âu và lưu luyến. Chẳng ai biết được, rồi hôm nay đi, có chăng ngày người lính trở về, một tay cúi chào Tổ quốc, tay kia nắm lấy tay em nói yêu em mãi như lòng này yêu đất nước?

Trước khi lên xe, anh nhìn lại thật sâu người con gái yêu thương, hai mươi tuổi chẳng tiếc đời xanh, bố mẹ anh đã mất, anh chỉ còn nỗi bận lòng là người vợ mới cưới, nhìn cô rớm nước mắt, anh quay người đi, chiếc mũ cối cứ vậy mà che đi đôi mắt anh đỏ ửng, không ai nhìn thấy sự đau xót, sự lưu luyến trong đôi mắt anh, cái người ta nhìn thấy chỉ là sự dứt khoát chiến đấu vì đời. Chiếc xe nổ máy, xa dần rồi xa dần mãi mãi.

Hương một mình trở về nhà, căn nhà trống vắng chẳng có anh, cô tự cầm lấy vạt áo của mình xoa đi đôi mắt đỏ, rồi anh sẽ về thôi, anh sẽ không thể thất hứa được. Cô lại bên giường, nhìn hai chiếc gối màu đỏ, trên chiếc gối của anh vẫn còn hơi ấm, cô cầm lên. Một tờ giấy ở trên giường cứ thế vào tầm mắt, Hương mở ra, thì ra là nét chữ của anh.

“Hương yêu mến,

Khi em đọc được lá thư này, có lẽ anh đã đi xa rồi. Trận chiến phức tạp, lần này ắt sẽ ác liệt hơn lần trước, anh đi không phải vì muốn lập chiến công hiển hách, áo gấm về làng mà muốn sớm ngày đất nước về chung một nhà thực hiện lời hứa năm xưa, em à, em hiểu cho anh chứ?

Nếu như, nếu như nhận được khăn trắng về làng, vậy thì xin em cũng đừng buồn. Em đừng khóc, vì mỗi lần em khóc là tim anh đau đớn hơn cả châm gai, xiềng xích. Em hãy sống tốt, đừng để bản thân một mình cô độc, xin em hãy hạnh phúc!”

Hương nhìn bức thư, nước mắt sớm cạn lại từ đâu tuôn chảy, cô sẽ không khóc nữa đâu, anh sẽ không hi vọng cô khóc mà, đúng không? Khi nào anh về, cô sẽ trách mắng anh, sẽ bắt anh phải rút lại lời nói, cô đã là vợ anh, cô sẽ không đi đâu cả, chỉ ở lại căn nhà này chờ anh về. Nhưng, anh sẽ về, phải không?

Ngày tháng dần qua, mỗi ngày Hương đều lên trên thị xã để nghe thông báo mới về tình hình chiến trường miền Nam, ngày hai tám tháng sáu chiến dịch tàn sát, san bằng thành cổ Quảng Trị bắt đầu, mỗi đêm hè oi ả không ngủ được, cô lại đếm từng ngày, từng giờ một. Đêm nay đã là đêm thứ tám mươi rồi, trận chiến đang nghiêng về ta, đến khi nào thì mới kết thúc đây?

Tin Quảng Trị thắng lợi, Lam chạy vội sang nhà chị gái báo tin, hai chị em ôm nhau vui mừng òa khóc, cuối cùng đã chiến thắng rồi. Cô chỉ chờ đợi tin anh về, bình an trở về là đủ rồi. Cơn mưa cuối hè mang theo chút hơi lạnh của đầu thu, đã là cuối tháng chín, Hương mỗi ngày đều đến bưu điện, cô chỉ mong nhận được một bức thư từ miền Trung ruột thịt, giữa dòng người đi nghe tin báo về, đâu đó có những cô gái, những bà mẹ, người thân cũng đang ngóng chờ người từ chiến trường hay chỉ là một phong thư báo bình an, ít ra, họ còn có cái mà gửi gắm, có cái mà hi vọng về ngày mai sum vầy.

Một ngày trời trong, nắng vàng trải dài từ bãi tre đầu làng, trên những mái ngói cong cong, trên những thuở ruộng xanh xanh mãi, Hương từ ngoài đồng về, thấy ở phía đầu làng có bóng người, là một anh lính, chàng trai mặc bộ áo xanh đã sờn màu, chiếc mũ cối đã rách vài chỗ, chiếc ba lô đằng sau nặng nề nhưng chẳng khiến người chùn bước chân. Chiếc cuốc trong tay hơi run run, có lẽ tâm trạng của chủ nhân nó đang mừng vui biết chừng nào, bóng dáng người kia không giống anh nhưng nếu biết được một chút tin tức, Hương cũng mãn nguyện.

“Cô ơi, cho tôi hỏi nhà anh Dũng cô Hương ở đâu vậy?”. Chàng trai vẫn còn trẻ, trông khuôn mặt anh mệt mỏi vì những bước chân đi xa.

“Tôi...tôi chính là vợ anh Dũng, đồng chí có phải là?”

Chàng trai nhìn Hương, trong đôi mắt anh ánh lên nét buồn bã, đôi hàng mi hơi cụp xuống, run rẩy. Thấy chàng trai hơi bối rối, Hương mời anh vào nhà, rót chén nước mát mời khách:

- Nhà chẳng có gì, anh đành xơi nước cho bớt nóng.

- Vâng, tôi cám ơn chị.

Chàng trai bưng bát nước lên, một ngụm, hai ngụm. Anh đặt chén nước xuống, lại mở chiếc ba lô ra, từ trong ba lô là một hộp gốm được đậy kín và một chiếc túi nhỏ thêu hình hoa. Anh đều để hết lên chiếc bàn, dưới ánh mắt ngỡ ngàng của Hương, anh cụp mắt xuống, không dám nhìn thẳng vào người trước mắt, anh nói:

- Tôi tên là Hưng, bạn của anh Dũng, chúng tôi nhập quân cùng một ngày, trên chiến trường cũng cùng một đơn vị, tình cảm rất tốt.

Anh Hưng nhìn hộp gốm màu nâu đất trên bàn, cắn răng nói tiếp:

- Chúng tôi cùng chiến đấu, cùng trông giữ thành cổ, trong tám mươi mốt ngày đêm, ở đầm hào nước dâng ngập. Bao nhiêu chiến sĩ vì không trụ được đã mất mạng, bom đạn trút như mưa. Chúng tôi nhìn đồng đội ngã xuống, lòng đau xót nhưng vẫn tiếp tục bền gan kiên trì. Công lí cũng đứng về phe ta, hôm mười sáu tháng chín đã giữ được thành cổ, coi như là sự an ủi đối với những người đã khuất.

Giọng anh chiến sĩ nghẹn lại, trên khuôn mặt đã thấm đẫm sương gió của tuổi trẻ cứ thế mà khiến tim Hương chợt thắt lại, cô nhìn hũ gốm, cố giữ cho giọng không bị lạc đi, đôi mắt chờ mong, hỏi:

- Thế...chồng tôi, anh Dũng có khỏe không?

Đến đây, đôi mắt người chiến sĩ đỏ lựng, giọng nói run run đau xót:

- Anh Dũng đã yên nghỉ rồi.

Anh cắn chặt răng, cố gắng không nhìn người vợ của bạn hữu, nói tiếp:

- Ngày thứ tám mươi mốt, anh đã bị thương rất nặng, chiến đấu ngày đêm, vết thương ngấm nước, anh chỉ chờ nghe tin đồng đội báo về ‘Trận này thắng rồi’ rồi cứ thế nhắm mắt mà ra đi.

Hương nắm chặt lấy gấu áo, cô nhìn bình gốm, lấy tay lên chạm vào, lại mở trong chiếc túi nhỏ, là một bông hoa đã héo khô, chỉ còn lờ mờ nhìn được sắc đỏ trong đó.

- Ngày cuối cùng, khi sức anh đã yếu, anh nhờ tôi hái cho anh một đóa hoa. Anh bảo đóa hoa hồng mà bà con chở từ Đà Lạt về rất đẹp, vợ anh chắc chưa nhìn thấy bông hồng nào đẹp như vậy, anh muốn mang về tặng vợ. Cánh hoa ấy đẹp lắm, tôi không nỡ thiêu cùng xương cốt anh, bèn để hoa khô về cho chị.

Hưng nhìn người phụ nữ, đôi mắt cô hơi run nhưng chẳng mảy may khóc, anh nghĩ, có lẽ đó là vì nước mắt cũng chẳng kể hết đau xót này. Anh đã nhìn bao nhiêu đồng đội ngã xuống, có người may mắn còn nguyên vẹn, nhưng có những người bạn, người anh em, máu thịt hòa chung vào bùn đất, bị vùi sâu mãi mãi vào đất mẹ, không biết, có chờ được ngày đất nước hòa bình, thi hài trở về quê hương chôn rau cắt rốn; lúc ấy anh chỉ ước được khóc thật to để lòng vơi bớt nỗi buồn, nhưng rồi có đổ lệ được đâu?

- Xin chị vơi bớt nỗi buồn, tôi cũng xin phép rời đi trước để báo tin cho gia đình những đồng đội khác.

Hưng cúi đầu, nghiêm, giơ tay chào người đồng chí kia lần cuối, lần này anh đi, có lẽ sẽ ra tiếp chiến trường, cũng không biết là, có gặp lại nhau được nữa không, chỉ đành nghiêng mình tạm biệt lần cuối. Khi bước ra ngoài cửa, người phụ nữ cất tiếng hỏi:

- Anh ấy...ra đi có thanh thản không?

- Vâng, đồng chí Dũng ra đi rất thanh thản.

- Vậy là tốt rồi...tốt rồi... cảm ơn đồng chí, anh đi mạnh khỏe.

Người lính kia bước đi xa dần, chiếc ba lô vẫn còn nặng, nặng vì bao chiến sĩ mong ngóng về nhà đoàn tụ với người thân. Trong chiếc ba lô kia, có những người được tro cốt toàn thân trở về nhưng có những anh đã không về được nữa, chỉ còn tấm áo mang về cho mẹ già thôi xót nhớ mong.

Nhà anh Dũng bao trùm một không khí tang thương, người ra người vào đông đúc nhưng chẳng ai cất lấy nụ cười. Bà Hai nhìn con gái ôm hũ tro ngẩn người, lại ôm con rồi khuyên nhủ:

- Thôi, về với cha mẹ thôi con.

Hương lắc đầu, áo tang che đi gần nửa khuôn mặt, cô ôm chặt hũ tro, nói:

- Con không về đâu, con ở đây với anh Dũng.

Bà mẹ thương con chỉ ôm con gái khóc, cả xóm Tre ôm trong mình nỗi tang thương về người chiến sĩ đã mất. Anh mới hai mươi tuổi, đời xuân xanh vẫn còn dài, bỏ lại nhân thế mà đi về cõi vĩnh hằng.

***
“Bà ơi, sau đó thì sao ạ, bà ấy có sống hạnh phúc không?”

Trong gian nhà, người bà tóc đã bạc phơ, khuôn mặt nhăn nheo đầy vết đồi mồi, bà Lam nhìn đứa chắt còn thơ lại nhìn hàng cau trước vườn. Đất nước đã hòa bình rồi, ước nguyện của anh chị đã thành nhưng chẳng còn cô Hương và anh Dũng nữa.

- Bà ấy sống tốt lắm, bà ấy đã đi vào Quảng Trị, thăm nơi mà người chồng của mình đã chiến đấu, đài tưởng niệm ở thành cổ vẫn còn vững vàng. Rồi bà ấy lại vào đến cả Sài Gòn, đi thăm Cà Mau, chỗ nào nơi đất nước cũng đến thăm để cùng thực hiện ước nguyện ngày xưa của người đã khuất.

- Vậy thì tốt quá, bây giờ chiến tranh đã chẳng còn, đất nước đã hòa bình rồi.

Bà cụ nhìn về phía chân trời, nơi ánh chiều tà buông xuống, có tiếng người phụ nữ gọi con:

- Giang ơi, con mau về đi tắm, đừng quấy rầy bà cụ Lam nghỉ ngơi nữa.

Đứa bé nhìn bà cụ, nói:

- Cụ ơi, con về đây, hôm khác con lại đến thăm nhé!

- Ừ, con mau về đi.

Đứa trẻ đi xa dần sau ngõ, bà cụ chống gậy, từ từ đi ra sau vườn, bà nhìn những bông hoa hồng đã nở đỏ rực. Vừa ngồi xuống, tay chân đã yếu đi nhiều, vẫn cầm chiếc xẻng nhỏ vun đất vào gốc cây, vừa làm bà vừa nói:

- Cuối cùng chị cũng đi rồi, tháng trước cháu em có gửi từ Đà Lạt về giống hoa hồng đỏ tươi đẹp lắm.

Cụ già rơm rớm nước mắt, cụ ngồi khóc như một đứa trẻ hờn dỗi, lấy từng nắm đất vun cho cây, miệng vẫn thì thào nói:

- Chị Hương, đất nước đã hòa bình, năm ngoái em còn vào Quảng Trị, em nhìn thấy thành cổ, lại đi khắp miền Nam nhưng năm nay, em yếu lắm rồi, sắp không đi được nữa. Chị và anh dưới đấy đừng lo lắng gì cả.

Ánh chiều đã tàn, màn đêm cứ từ từ buông xuống nơi xóm nhỏ. Bà cụ lại nhớ cái đêm kinh hoàng ấy, nỗi bàng hoàng hiện về.
Cuối năm 1972, Mĩ quyết tâm san bằng Hà Nội, bom đạn cứ thể nổ ra ở miền Bắc. Trong tiếng đạn lạc, bà chạy đến nhà chị gái cũng đưa chị đến hầm trú ẩn. Chị gái vẫn ngồi thẩn thơ ôm tro cốt anh, chị không chịu đi, còn bảo:

- Chị ở đây, đợi anh về. Nếu mà có bom rơi, anh sẽ dẫn chị đi đến nơi nào không còn bom đạn nữa.

Trong lúc hỗn loạn, anh Trương vội kéo Lam đi, dưới chân trời bừng sáng như ngàn vạn pháo hoa, có những tiếng rung tai nhức óc khiến Lam giật mình, cô bật khóc vì người chị của mình. Lúc quay trở về, cầu bên làng đã sụp xuống, người dân quay trở về ngôi nhà của họ, thu dọn lại tàn tích đêm qua. Lam chỉ thấy chị gái nằm trên giường, máu từ trên người đổ ra, thấm ướt vào cánh tay, thấm ướt cả bông hoa hồng đã héo khô kia. Dòng máu đỏ thế mà lại nhuộm cho cánh hoa thêm đỏ thắm, thêm diễm lệ lạ lùng. Chẳng ai hiểu được lòng chị, cho rằng chị ngốc nghếch nhưng chỉ Lam hiểu được, nếu không có anh, mỗi đêm ngàn sao sẽ không sáng tỏ nữa mà chìm trong sương mù vô tận. Ngôi sao kia vậy mà đã đi rồi, họ có nhìn thấy Lam không, nhìn thấy xóm Tre đã thay da đổi thịt qua năm tháng, có nhìn thấy người người hạnh phúc vì Tổ quốc một nhà?
 

Đính kèm

  • ảnh bộ đội.jpg
    ảnh bộ đội.jpg
    85.8 KB · Lượt xem: 243
Sửa lần cuối:
865
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top