Dự thi Xuân ấy còn mãi ngàn năm

Dự thi Xuân ấy còn mãi ngàn năm

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Tháng 1 năm 1968,

Chiến tranh có tàn phá nhân loại đến cỡ nào thì cũng không thể ngăn được ánh nắng đón chào mùa xuân.

Bên cạnh những ngày Mỹ đánh máy bay gào rít trên bầu trời, tiếng bom rơi xuống mặt đất nổ tung và tạo ra làn khói xám xịt trên không trung, thì thi thoảng Tráng vẫn thấy thấp thoáng những cánh én liệng bay vào hôm trời quang mây hửng sáng, chút nắng vàng khẽ lấp ló qua những tán cây để ai đó thấy được rằng đông đã qua, kể cả cuộc chiến có gian nan, tất bật, lòng này còn nhiều nỗi bận tâm thì Tráng vẫn kịp nhận ra rằng mùa xuân đang đến.

Không chỉ riêng Tráng, mà tất cả những người lính đều trân quý khoẳnh khắc này. Bầu trời khi ấy không còn mù mịt khói lửa, cũng không có âm thanh của bom đạn, chỉ có tiếng chim én gọi đàn và mùi của mùa xuân tràn đầy sự sống.

Cho dù trên mặt đất có nhiều lỗ hổng do bom đạn để lại, nhiều tấm thảm cỏ xanh ngát có một vài chỗ bị cháy đen... Thì xa xa, Tráng vẫn thấy lấp ló một mầm cây nhỏ xíu mọc trên nền đất hanh khô. Dù không được chăm bẵm nhưng mầm cây ấy vẫn cố gắng tách mình ra khỏi lòng đất để thấy được ánh sáng mặt trời. Khung cảnh đẹp đẽ hiếm hoi trước mắt làm Tráng bỗng nhớ đến ngày mình còn bé, cứ mỗi độ xuân về là những cánh hoa trong vườn đều nở rộ, đẹp đến nỗi Tráng chẳng thể tìm được cho mình một cành hoa đẹp nhất.

Mải suy nghĩ, Tráng quên mất bản thân đang làm nhiệm vụ. Thời gian này chiến khu phát động thế trận chiến tranh nhân dân(1) , mấy tháng nay quân Giải phóng đã huy động được lực lượng lớn nhân dân trên các tỉnh miền Đông tham gia phục vụ cho tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của đội Tráng là vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm vào nội đô cất giấu; cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra và xây dựng “hũ gạo nuôi quân”(2). Trước đó, mỗi gia đình để sẵn năm lon gạo đón chủ lực. Xong, cứ mỗi tuần lại quyên góp một lần cho chiến khu.

Ngoài kia, các bao lương thực đã đầy kín cả căn phòng nhưng đợi mãi mà Giáp chưa thấy Tráng quay lại hỗ trợ. Khi anh đưa ánh mắt tìm kiếm xung quanh thì phát hiện Tráng đứng ngây người một góc nhìn bầu trời, bầu trời đó đang điểm một vài cánh én liệng bay. Giáp cũng ngỡ ngàng, khoảng khắc ấy làm anh khao khát về một cuộc sống tự do sau này, giống như chim én thỏa sức bay lượn trên bầu trời xanh. Nhưng nhớ đến nhiệm vụ, anh vội chạy đến gần Tráng, hối hả:

“Người lính trẻ nghĩ gì đấy, ôm bao gạo đứng như trời trồng mà không mỏi à?”

Tráng cười: “Ha ha, không phải em lười nhác đâu. Nay trời đẹp quá, không biết xuân về từ bao giờ, rồi chẳng mấy mà tết anh ạ!”

“Chú mới vào quân nhỉ? Năm đầu ăn tết trong chiến khu đừng có khóc vì nhớ nhà đó nhé.” – Vừa nói, Giáp vừa nháy mắt tinh nghịch. Làn da anh đen bóng, trông rất khỏe. Hồi mới gia nhập vào tiểu đội, Tráng còn ngỡ ngàng vì lần đầu tiên trong đời Tráng gặp được một người da đen như thế. Sau này Tráng mới biết, làn da đen nhẻm ấy là vì bảo vệ Tổ quốc, vì nhân dân, vì tấm lòng yêu đồng bào dân tộc mà kết thành.

Nhưng rồi, Giáp thấy Tráng thoáng buồn, đuôi mắt Tráng hơi cong, cụp xuống. Tuy buồn nhưng đôi mắt Tráng rất đẹp, rất sáng, con ngươi đen nhánh và lúc nào cũng long lanh.

“Sao thế, mới có vậy mà đã rơm rớm rồi à?” – Giáp trêu ghẹo.

Tráng nghe vậy, lấy lại tinh thần rất nhanh, ánh mắt trở nên quyết đoán và dõng dạc trả lời:

“Nhớ nhà đến mấy cũng phải gác lại anh ạ, để còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vì hòa bình nữa chứ. Em tin chỉ vài mùa xuân nữa thôi, chúng ta sẽ giành lại được độc lập và đón tết sum vầy bên gia đình.”

“Chúng ta đều tin là như thế. Ở đây, ai cũng thèm hương vị bánh chưng, giò xào... hay mùi mứt cháy, bếp lửa ở quê nhà. Nhưng thôi, vì đất nước, vì an toàn của gia đình, và vì những người đồng đội đã ngã xuống. Mình phải kiên cường lên. Đi, nhanh chân nào. Còn nhiều lương thực cần vận chuyển lắm.”

Sau câu nói đó, bóng dáng hai người hòa cùng các chiến sĩ áo xanh và thanh niên xung phong tình nguyện. Ai nấy cũng đều cố gắng chăm chỉ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Cuối tháng 1 năm 1968,

Những ngày cận tết càng làm nỗi nhớ nhà của Tráng thêm da diết. Thầy Tráng thì mất rồi, mất do súng đạn của chiến tranh nên lòng Tráng càng căm ghét kẻ thù. Nhà chỉ còn bu và hai đứa em nhỏ chưa hiểu chuyện mà thôi.

Tráng nhớ bu, nhớ các em, nhớ thêm cả không gian ngày tết sum vầy.

Hằng năm, vào dịp Tến Nguyên Đán là hai bên ngừng bắn, Tráng nhớ không nhầm thì thường vào đêm ba mươi, mồng một, mồng hai và mồng ba Tết. Chỉ duy bốn đến năm ngày này trong năm là người dân thoát cảnh nghe súng đạn, tiếng máy bay gào rít trên bầu trời. Cũng không cần phải ngụy trang trong màn đêm huyền ảo. Hôm ấy, bu sẽ thắp lửa ngọn đèn dầu. Tuy chẳng sáng như ánh trăng nhưng đủ để Tráng thấy rõ gương mặt bu cười hiền từ, phúc hậu. Sự ra đi năm đó của thầy có lẽ là nỗi buồn chẳng bao giờ lành của bu, nhưng Tráng biết bu luôn vì ba anh em mà kiên cường, cố gắng.

Tráng nhớ quá, nhớ mùi thơm của ngọn đèn dầu, mùi khói của tàn tro bên bếp lửa, hay mùi quần áo mới mà bu cất kỹ trong rương đúng ngày mồng một tết mới đem ra mặc. Nhớ cả mâm cơm cúng tất niên chiều ba mươi tết, mâm cơm đủ đầy thịt gà, khẩu thịt lợn, đĩa xôi,... Những miếng thịt lợn thái lát mỏng, thịt gà chặt nhỏ mà Tráng nhai kỹ cả xương hay bát cơm ăn xong sạch bóng đến mức chẳng còn sót lại một hạt nào.

Năm nay, lần đầu ăn tết xa nhà, tuy đã được anh Giáp nhắc trước nhưng lòng Tráng vẫn thấy có chút lạ lẫm.

Anh kể, có năm đơn vị cử anh cùng một vài anh em khác ra binh trạm cách độ 20km để lấy lương thực về cho đơn vị ăn tết. Chẳng may bị địch ném bom, lương thực chẳng còn mà đồng đội vài người bị thương, người thì ra đi với thân thể chẳng còn nguyên vẹn. Vậy là tết năm ấy đơn vị chỉ ăn cháo trắng, vừa đói, lại vừa nhớ nhà. Nhưng cũng chẳng ai nản chí cả, trời lúc ấy mưa to gió rét, tiểu đội gần mười người tránh mưa dưới tấm bạt dựng tạm dưới dốc cây, cho dù thiếu thốn mọi mặt nhưng vẫn ngân nga câu hát hào hùng của dân tộc.

Chiều ba mươi tết (Ngày 28 tháng 01 năm 1968),

Tráng hơi sốt nên cứ miên man trong giấc nghỉ trưa ngắn ngủi, rõ ràng cảm nhận được âm thanh vội vã quanh mình nhưng mãi đến khi Giáp chạy đến và đánh thức thì Tráng mới tỉnh hẳn và nắm bắt được tình hình hiện tại.

“Tráng, dậy đi. Có lệnh của tổ trường rồi, chuẩn bị tiến công ra Đài phát thanh Sài Gòn.”

Tráng mơ màng:

“Bây giờ hả anh? Ôi. Nay ba mươi mà.” – Vừa nói, Tráng vừa khoác trên mình chiếc áo bộ đội, đội mũ tai bèo, nhanh chóng đeo súng trên vai.

“Ba mươi hay mồng một cũng đi. Nhanh, đánh chết chúng nó, đuổi hết chúng nó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

Dứt lời, Giáp cùng Tráng đeo balo trên vai. Hai người lính trẻ đã sẵn sàng cho cuộc chiến giành lại độc lập.

Ngày còn bé, Tráng thường nghĩ rằng “Sao dân mình anh dũng, kiên cường vậy nhỉ? Máu đỏ da vàng mà chẳng sợ sệt trước nòng súng của giặc ngoại xâm.”

Giờ thì có lẽ Tráng đã có câu trả lời cho riêng mình rồi.

Nếu có một gia vị làm cho cuộc sống thêm ngọt ngào, đó chính là tình yêu. Nếu có một khoảng thời gian con người muốn sống hết mình không nuôi tiếc, đó chính là tuổi trẻ. Khoẳng khắc được sống trọn trong tình yêu và tuổi trẻ, với Tráng có lẽ là ngày mà đất nước giành lại được độc lập.

(Mỗi lần nhắc đến Tết, mình lại nhớ đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Do đó, mình dựa trên bối cảnh lịch sử để viết lên câu chuyện này. Hy vọng bạn đọc hiểu được rằng điều mình muốn truyền tải là giá trị cao quý của Tết sum vầy ngày nay, điều đó được đánh đổi bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ anh hùng, liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng,... đi trước để lại. Nhân vật trong chuyện không hề có thực trong lịch sử.)



Chú thích:

- Chiến tranh nhân dân(1) : là chiến lược quân sự tại Việt Nam để chỉ chung các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc do nhân dân Việt Nam tiến hành trong tiến trình lịch sử, được hệ thống thành lý luận trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ (1945-54) và Kháng chiến chống Mỹ (1954-75), và thuật ngữ này lại được dùng để đánh giá những cuộc chiến tranh thời phong kiến.

- Hũ gạo nuôi quân(2): phong trào tiết kiệm do Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam phát động từ cuối 1946. Theo phong trào này, mỗi gia đình hàng ngày bớt một nắm gạo ăn bỏ vào hũ để góp phần nuôi quân đánh giặc. Trong Kháng chiến chống Mỹ, phong trào này tiếp tục được phát huy ở các vùng giải phóng của Miền Nam Việt Nam.
 

Đính kèm

  • 83ca9a1eac1660483907.jpg
    83ca9a1eac1660483907.jpg
    34.9 KB · Lượt xem: 505
Sửa lần cuối:
664
6
6

Vanhoctre

Văn Học Trẻ
Thành viên BQT
19/8/19
804
680
362,999
Việt Nam
vanhoctre.com
Xu
1,338,895
Để mạch cảm xúc của người đọc tập trung, mình nghĩ phần đề ở đầu, bạn để trong ngoặc đó không nên đặt đầu tác phẩm. Nên để ở cuối tác phẩm, xem như sự giao lưu giữa tác giả và độc giả.
 
View previous replies…

Tấm

Thành Viên
12/12/21
33
62
18,000
27
Xu
179,631
Để mạch cảm xúc của người đọc tập trung, mình nghĩ phần đề ở đầu, bạn để trong ngoặc đó không nên đặt đầu tác phẩm. Nên để ở cuối tác phẩm, xem như sự giao lưu giữa tác giả và độc giả.
VanhoctreCám ơn VHT. Vậy mình xin phép sửa phần đó xuống cuối được k ạ
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top