Thông Báo Ý kiến của Ban giám khảo về tác phẩm thi tuần 5

Thông Báo Ý kiến của Ban giám khảo về tác phẩm thi tuần 5

Thy Việt
Thy Việt
Tuần 5 của cuộc thi viết theo chủ đề "nhà" có 25 tác phẩm dự thi, trong đó 3 bài dự thi không hợp quy định ( 2 bài do chỉ đăng facebook, 1 bài do không đủ lượng chữ theo quy định). Số lượng thơ giảm nhiều, và gia tăng "cạnh tranh" ở mục truyện ngắn đã đem tới nhiều thú vị ở thể loại này, tản văn giữ ổn định. Sau đây BTC đưa ra bản đánh giá chung về các tác phẩm dự thi như sau:

6327


1/ Xẻ dọc trái tim – Vũ Thị Trà My

- Mạ non mùa xuân nhỏ nhắn >> miêu tả này không hay lắm.
- từng đóm mạ cấy xuống đồng >> để đóm mạ lần nữa gây lặp, và dùng cũng không được hay, từng cây mạ được cẩn thận cấy xuống đồng
- bùn dính nên đôi chân, hơi lạnh: dấu phẩy rất tùy ý, có lẽ là do viết xong không soát lỗi kĩ
- Anh chỉ ước Hương ở đây để thử cái hương vị ấy thôi. >> câu này về mặt câu chữ, nghĩa thì chẳng có sai lầm gì, nhưng hiện thực đang ở chiến trường, cận kề cái chết lúc nào không hay, ước Hương ở đây để chung hoạn nạn sao, nên cần viết là: Anh ước gì mình có thể bên Hương để chia sẻ cái hương vị ấy thôi. Các chiến sĩ ngày xưa viết thư cẩn thận chữ nghĩa lắm.

cẩn thẩn

và chi tiết nữa là: ôm tro cốt người chiến sĩ là không đúng, chiến tranh chết chóc rất nhiều, những người lính tự tay chôn đồng đội rồi làm tạm kí hiệu để có ngày đến tìm lại đưa họ về quê chứ không có chuyện đốt xác hoặc đưa tro cốt về ngay được.Cái kết bi một cách không hợp lí với tư tưởng con người ngày ấy. Dù đau thương khắp nơi, nhưng lớp người ngày trước cứng cỏi đến kì lạ, họ sống và vươn lên sau những mất mát đau thương. Chi tiết giàu có nhất vùng cũng không nên để, vì nhà người ta có thể khá hơn nhà khác, đủ ăn đủ mặc là tốt rồi, nhưng đồng lòng cùng tổ quốc, đa số đều đã quyên góp hết của cải để cống hiến cho cuộc đấu tranh giành độc lập, viết “địa chủ” thế khá là bất ổn.

- Mình viết liệt kê lỗi khá nhiều, toàn là lỗi nhỏ nhỏ nhưng lại thành sạn lấn cấn, là vì mình tiếc cái truyện này của bạn quá, My viết nhiều đoạn xúc động, có mạch truyện rõ ràng, đoạn sau để ở hồi tưởng của người em dành cho chị gái, anh rể mình, kể cho đứa cháu nghe càng hay, vì nó như một sự nhắc nhớ, trân trọng hi sinh của một lớp người để quê hương đẹp, yên bình như hôm nay. Đoạn này mình đánh giá rất tích cực. Rồi chọn đề tài này mình cũng đánh giá cao, qua các truyện trước đó và cả tác phẩm nhuận bút Trà My gửi, mình luôn đánh giá bạn là cây bút có khoảng phát triển rộng. Mong bạn cố gắng thêm, cách những tác phẩm hoàn hảo chỉ còn bước nhỏ nữa thôi.

Và chắc chắn My cũng đã có thành công nhất định khi đọc được nhận xét của độc giả Lan tím: “Mình thích truyện của bạn Trà My. Có lẽ bởi bố mình là thương binh, mình lớn nhờ những câu chuyện bố kể về 1 thời hào hùng mà đau thương đó. Nên khi đọc truyện của Trà My mình đã rất đau lòng”.

2/ Đưa mẹ về nhà – Trương Nguyễn

“Nhưng Minh không có thích nơi này ở đây toàn cái mùi gì nồng nặc khó chịu”. >> Câu này bạn đọc riêng mới thấy nó chưa được chau chuốt.

Lỗi chính tả: “run rẫy” -> run rẩy

Truyện này của bạn rất hay. Dùng góc nhìn của Minh để nhìn nhận câu chuyện về gia đình không may mẹ mắc ung thư, đã điều trị rất lâu trong bệnh viện, loáng thoáng qua các chi tiết để đoán ra điều ấy, rồi sự thay đổi trong ngôi nhà khi thiếu mẹ, khi có người bệnh tật, nó xuống dốc rất nhanh, bố từ “béo bụng”, vui vẻ giờ thường buồn rầu, “bụng xẹp”. Cách dùng sự mô tả ám chỉ này khá thú vị. Sự chuyển cảnh của về giấc mơ của Minh, mẹ khỏi bệnh nấu bữa sáng cho gia đình, tôi hiểu mục đích của bạn khi viết đoạn này tuy nhiên chưa được viết tốt, vì nếu bỏ đi tôi thấy tác phẩm vẫn đủ như cũ, nếu miêu tả chân thực hơn là mẹ có bên, nhà ba người đủ đầy như trước, hạnh phúc biết bao, để lúc tỉnh dậy hiện thực tàn khốc thì sẽ đẩy cao trào nhân vật lên. Nỗi lo thường trực đi vào giấc mơ để chứng tỏ ám ảnh mất đi cũng là một điều hay, nhưng ở đứa trẻ còn cái hiểu cái không thì đi theo hướng này không tạo sự đột phá xuyên suốt tác phẩm.

3/ Bóng ma – Kì Phong

Kì Phong với lối viết chắc tay, câu từ gọn ghẽ, các chi tiết sắp xếp có trật tự logic cao để đem đến cho bạn đọc một bài viết thực sự hay. Miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng xuất sắc, ở đoạn Tập lấy trộm xe , sự thay đổi tâm lí của Tập, từ một chàng trai sáng của có phần cao ngạo giờ giống con cóc góc tường cuối bài, xấu xí, bẩn thỉu, có phần hèn mọn. Câu hỏi như xoáy sâu vào tâm can Tập cũng như của bạn đọc “Vì sao hả con”.

Giống như bạn đọc Thiện Đức nhận xét: “một tác phẩm tạo cho người đọc một cảm giác nghèn nghẹn, không diễn tả và gọi tên được chính xác là một tác phẩm có mị lực. Mỗi một đời người ai cũng sẽ đều trải qua những va chạm cùng đôi lần vấp ngã. Nhiều hay ít, âu cũng do những điều kiện đủ đầy tạo nên. Nhưng chỉ khi tận cùng nỗi khổ đau nhất thì người ta mới trân quý những điều tưởng chừng bình thường nhất. Tận cùng tội lỗi là là nỗi đau trong quá khứ nhưng lại là hạnh phúc của hiện tại, vì lúc này ta mới hiểu: Thế nào là mới là nhà?”

Bạn đọc Ánh Kim: Đọc "Bóng ma" của tác giả Kì Phong phải công nhận một điều rằng tác giả viết rất tuyệt, dường như mọi chi tiết trong truyện không có chi tiết nào là dư thừa, nó vừa đủ để mang lại cảm giác thoải mái cho người đọc. Mạch chuyện tuy có nhiều cảnh, đan xen giữa hiện tại và quá khứ, nhưng giữa những lần chuyển cảnh lại rất mượt, rất tự nhiên mà không hề mang cảm giác gượng ép. Đối với bản thân em thì câu truyện tựa như một dòng sông vậy, nó cứ chầm chậm nhẹ nhàng nhưng mang lại cảm giác nặng nề trong lòng. Đó là sự tiếc nuối đối với cuộc đời của một chàng trai còn quá trẻ. Lúc đầu đọc có thể thấy câu truyện dường như chẳng liên quan gì đến chủ đề "Nhà", nhưng càng đi sâu vào bên trong ta càng thấy được ý nghĩa của chữ "Nhà" trong tiềm thức của nhân vật. Bản thân em có rất nhiều dấu chấm hỏi xung quanh chi tiết "những hình thù mơ hồ lẩn lút đan xen trong tâm trí" trong giấc mơ của Tập mỗi khi đêm về, xuất hiện ở phần đầu và cả phần cuối câu truyện. Phải chăng, "những hình thù" đó chính là "bóng ma", là nỗi ám ảnh về một mái nhà có mẹ mà khi xưa Tập chẳng trân trọng, hay đó là khát khao của cậu về một mái nhà đầy ấp tình thương trong hiện tại và cả tương lai?

Bên cạnh đó, đọc câu truyện, em còn nhìn ra được sự tàn nhẫn của xã hội. Những tưởng sau những lỗi lầm nhất thời, Tập sẽ tiếp tục con đường học tập để sửa chữa quá khứ tốt hơn. Nhưng không! Chẳng hiểu vì sao Tập lại trở thành một người vô gia cư, rồi thành một nhân viên trong quán cơm với vợ chồng chủ quán quá đỗi cay nghiệt. Phải chăng, xã hội chẳng sẵn lòng bao dung, mở rộng vòng tay tha thứ cho vết đen ấy của nhân vật”

Những nhận xét này chúng tôi đều thấy khá hay, chính xác để đưa vào đây.

Sạn nhỏ: Ví thực tế cuộc đời như cốc bia, tan đi lớp bọt để lại thứ chất lỏng vàng đậm đặc, đắng nghét bên dưới >> Nếu thực sự bia “xấu”, “không ngon”, thì tại sao người ta lại bỏ nhiều tiền để mua bia về uống , đợi cái lớp bọt “đẹp đẽ” tan đi để thưởng thức cái đắng vàng bên dưới? Câu này nếu chọn đối tượng ẩn dụ khác sẽ đẹp hơn nhiều.

4/ Bóng mẹ tựa cửa chiều hôm – Trần Hàn

Trần Hàn miêu tả cảnh vật vô cùng đẹp, cách sử dụng ánh sáng để hòa vào cộng hưởng với cái nghèo cái buồn nơi căn nhà nghèo nàn và người mẹ già ở đó chờ con. Đọc những câu chữ của Hàn, trong đầu tôi hiện lên một bức tranh mưa với gam màu tối, le lói lên chút ánh sáng mờ, đẹp nhưng u buồn. Bất chợt tôi nghĩ tới truyện “Hai đứa trẻ” (ở nhịp, ở ánh sáng bóng tối, ở cái không khí có phần buồn chán trong bài).

Bài viết được giữ ở nhịp chầm chậm, rất hợp lí với khoảng thời gian chờ đợi mòn mỏi của người mẹ. Những sự cộng hưởng đó đem đến một bài viết hay, nhưng trừ cái kết. Tuần này, cái kết vẫn là một điểm trừ mà các BGK đều nhất trí cho rằng đó là một điểm trừ của Trần Hàn. Rất đáng tiếc.

5/ Giấc mơ có mẹ - Minh Phong

-Minh Phong có nhược điểm về dùng câu từ chưa trau chuốt, bạn ấy giống như một người viết bằng bản năng của chính mình, bù lại Phong có cách xây dựng cốt truyện tốt, biết chọn những chi tiết cần tập trung miêu tả để gây xúc động cho bạn đọc.

Sạn về bệnh lí của nhân vật Thiện là cái chính chúng tôi cũng không biết rõ, nhưng nó hợp lí với tất cả những gì bạn tạo dựng khiến độc giả dễ dàng chấp nhận.

Hải Liên: “Bài viết của Minh Phong đánh thức những ký ức đau buồn mà tôi tưởng rằng mình đã quên lãng vào một ngày mùa xuân năm 2009. [….] câu chuyện còn có giá trị cảnh tỉnh rất lớn: Có bao nhiêu người cha như thế? Bao nhiêu đứa con như thế? Bao nhiêu người phụ nữ bất hạnh như thế? Sự cảnh tỉnh này liệu có đánh thức lương tri của những ông chồng coi gia đình như một quán trọ miễn phí trên đời hay không?”

Linh Ann: “Đọc truyện ngắn này, MP vẫn giữ phong độ để câu chuyện của mình có bút lực khá ổn định. Câu chuyện xúc động phản ánh về một gia đình mẹ cam chịu, hy sinh và vị tha, còn người cha lại ngoại tình, lạnh lùng, vô tình, lại có bà nội cay nghiệt. Đứa con vô tình lại là nạn nhân của tất cả điều đó. Mẹ vì quá hy sinh, quá bao dung chở che khiến con lệ thuộc vào mẹ. Bố xa cách khiến cho vị trí của ông trong lòng đứa trẻ ít đi rồi mất dần. Bà nội, lẽ ra sẽ phải yêu thương để giúp đứa trẻ mở lòng trở lại thì lại biến đứa bé vô tội ấy thêm khép mình hơn nữa”.

6/ Nuôi con bằng trái tim, dạy con bằng lý trí - Linh Ann

Câu chuyện đồng thoại “dễ thương quá đỗi” này của Linh Ann đem đến cuộc thi một cơn gió mát, khi bạn đọc đang chìm trong những u ám, đau buồn, tối tăm cuộc sống bỗng vui vẻ hơn với những chú cá Rô ron lém lỉnh, chú cá cờ nội tâm và một bà mẹ thương con tiêu biểu của nhiều bà mẹ mà chúng ta hay gặp.

Sạn: Bạn miêu tả tập tính bắt cá của loài Bói cá chưa chính xác, nếu thay bằng lão Cò, Cốc hoặc một bầy vịt bơi ngang qua thì hợp lí hơn, Bói cá không tấn công liên tiếp và để hụt con mồi như thế, chúng được biết đến là loài có khả năng chờ đợi thời cơ, ngụp sâu trong nước và sức mạnh ở đôi cánh.

7/ Căn nhà nhỏ cuối phố - Hipbonmat

Một thí sinh mới xuất hiện nhưng đem đến sự sôi động cho cuộc thi rất nhiều. Bài viết của bạn khá tròn vẹn và dễ thương. Tôi thích nhất đoạn ba đứa trẻ đụng mặt chơi đùa, dù còn nhỏ nhưng những đứa trẻ đã rất tự lập, có suy nghĩ riêng, chính chúng cũng là sợi dây kết nối, nhanh giận cũng nhanh quên, tâm hồn thiện lương, biết suy nghĩ vì người khác. Híp viết khá ổn định và khiến những “đối thủ” khác phải dè chừng

Sạn:

“trong khả năng anh luôn giành những điều tốt đẹp nhất chúng”>> một lỗi sai chính tả và có vẻ thiếu một từ liên kết “nhất cho chúng”

Chằn trọc >> trằn trọc

Ông bố đoạn trước nhìn vợ thâm tình, đoạn sau đã tính cưới cô Liên, chồng cô Liên bỏ đi không về cũng không rõ đã vứt bỏ về mặt luật pháp chưa? Những điều này nhỏ nhưng nên làm rõ sự chuyển biến tâm lí và hoàn cảnh mỗi người trước khi ghép lại.

8/ Nói với ba – Doãn Vy

Bài viết này chưa đủ số lượng chữ tối thiểu theo yêu cầu cuộc thi với một tác phẩm tản văn, truyện ngắn. Và dù bạn để mục truyện ngắn nhưng tôi thấy nó nên ở mục tản văn. Bạn viết đã có cảm xúc nhưng bài viết quá ngắn để thể hiện nhiều về phong cách của bạn.

9/ Sau cơn mưa trời lại sáng – Lily

Đọc bạn xây dựng cốt truyện khá tốt, câu chuyện đời thường, bình dị mà gần gũi, tác giả dường như đã lột tả được nội tâm cũng như tính cách của đa số những người mẹ trẻ hiện nay. Tuyết với tính cả thèm chóng chán, bỏ giáo viên đi làm công nhân, bỏ công nhân để lấy chồng. May mắn là đã chọn đúng. Dù cuộc sống có thể có bão giông như lúc đầu tác giả ám chỉ nhưng có mấy vấn đề về bài viết như sau:

-Lỗi chính tả: dặn đẻ (rặn), xuýt chút nữa (suýt), thúc trực (túc trực) và nhiều lỗi thiếu dấu chữ khá nhiều.. khiến tôi cảm thấy bạn chưa thực sự để tâm trau chuốt và soát các lỗi.

-Lỗi dùng câu: Đến cuối cầu thang, cô nhìn thấy một hình bóng quen thuộc. Là ...Học. Anh vẫn chưa về. Vì quay lưng lại nên chắc anh không biết có người đang tiến lại gần. >> Anh vẫn chưa về khiến tôi khó hiểu nghĩa câu này quá.

-Ngoài ra, phần đầu giống như Tuyết đã sinh đứa con thứ hai rồi nhớ về quá khứ khi cô này sinh bé Hà, nếu phần này tác giả viết về cuộc sống sáng sủa hơn chút thì mới thấy “trời lại sáng” đúng nghĩa. Làm lành với chồng, “sau cơn mưa” nhưng ở phần “trời sáng” này, bạn viết với ám chỉ sắp có cơn bão đến, người mẹ trẻ đứng bậc thềm ru con, đứa con lớn hiểu chuyện ngoan ngoãn, đứa út thương mẹ không khóc nhưng cứ gợi lên một sự buồn.

Lily đã có cảm giác về truyện, hãy cố lên và tôi tin bạn sẽ viết tốt trong tương lai.

10/ Một buổi chiều thu - Lan tím

Qua một buổi bắt cua, qua câu chuyện ba đứa bạn, tác giả đã làm rõ mối quan hệ giữa lũ trẻ: ba đứa chơi thân với nhau, Linh nghèo nhất, có nguy cơ phải bỏ học vì nhà nghèo, Hương và người kể chuyện đủ ăn, có phần khá hơn. Làng quê nghèo, tác giả đã miêu tả chính xác và thực gần gũi khung cảnh nông thôn một thời. Thế hệ 9x trở về trước chắc ai cũng cảm thấy quen thuộc.

Cách trình bày không có khoảng trống, không ngăn cách với “20 năm sau”, trình bày với những con chữ quá dính nhau hơn nữa chữ nhiều sẽ khiến rối mắt. Bạn đưa số phận của ba cô gái ở sau này tôi nghĩ không cần thiết lắm, rõ ràng tạo độ chân thực về lời kể, tuy nhiên lại làm mất tính văn chương của bài viết. Chỉ cần kết ở gặp lại dù không đủ cả ba đứa, nhưng làng quê chốn cũ đầy ắp kỉ niệm ấy vẫn theo chúng tôi, để lại điều gì đó vừa vui tươi vừa man mác thương nhớ có vẻ tốt hơn.

Tài khoản Thiên Thanh nhận xét khá hay về tác phẩm của bạn: “Xuôi theo mạch truyện mình thấy như chính mình là người đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy hoài niệm ấy. Câu truyện khiến mình bật cười vì những câu thoại, tình tiết hài hước, nhưng cái hay của tác giả là đã lồng vào đó những khoảng lặng vừa đủ để khiến người đọc dừng lại ngẫm nghĩ, suy tư và thổn thức. Mình rất thích nhân vật "tôi" vì tấm lòng của cô bé đối với bạn mình, vừa chân thành lại đơn thuần quá đỗi. Cả mẹ của "tôi" cũng là một người phụ nữ hiền hậu, bao dung, tuy trách mắng nhưng bà lại hiểu cho những việc làm của con gái mình.”

11/ Cha chạm vào loang lổ rêu phong - Nguyên là một tác phẩm mang tính triết lý giáo dục cao.

Xuyên suốt tác phẩm hiện lên hình ảnh một người cha với nét cương nghị và đức hi sinh hết mình cho con. Còn đứa con là đại diện cho những người trẻ vô tâm với chính bậc sinh thành ra mình. Vũ có một người bố giỏi chơi cờ nhưng anh lại không thích học chơi cờ để có thể đánh cờ cùng bố. Chỉ đến khi bố anh qua đời anh mới học và chơi cờ rất giỏi. Chỉ bằng chi tiết này thôi Nguyên đã đưa ra lời cảnh tỉnh cho nhiều người con vô tư đến vô tâm rằng"có không giữ mất đừng tìm". Tôi thương và xót xa cho bố Vũ và trách Vũ vì anh"chỉ biết nhận mà không biết cho". Tuy mồ côi mẹ nhưng Vũ vẫn có một tuổi thơ hạnh phúc bên bố nhưng anh lại khó chịu khi thấy bố đi đánh cờ về khuya. Giá anh hiểu đó là thú tiêu khiển duy nhất mà bố anh có để hiểu và thương bố hơn. Tuy nội dung Nguyên đã truyền tải những thông điệp rất hay nhưng về phần nghệ thuật thì Nguyên viết có phần lỏng tay ở truyện ngắn lần này. Nó chưa thực sự thuyết phục được tôi. Với tiết tấu chậm, lời văn có phần khó hiểu.

12/ Tình cảm gia đình – Sunnie Ngô Hoàng Yến

Tôi hiểu lí do bạn đăng ở mục riêng Gia đình yêu thương và không xếp nó vào thể loại nào, vì đây là một bài nghị luận về gia đình, có phân tích, giải thích về hai chữ Gia đình, các loại quan hệ gia đình, cách thể hiện, ý nghĩa của gia đình với mỗi người và cuối cùng là trách nhiệm mỗi người nên có để giữ gìn gia đình ấy.

Hoàng Yến còn là một học sinh, ở góc độ cuộc thi “nhà”, bài viết này không phù hợp. Diễn đàn có cuộc thi dành riêng cho lứa tuổi học sinh, mong bạn có thể tham gia và thể hiện tài năng của mình.

13/ Người nhà quê – Nguyễn Trương Tấn Huy

Sự trở lại của Tấn Huy trong cuộc thi tuần thứ năm với một màu sắc vô cùng mới mẻ. Như vậy đủ để thấy rằng Tấn Huy là một cây viết đa dạng về các thể loại, bạn ấy không chỉ viết tản văn hay mà làm thơ cũng tuyệt nữa.

Vẫn là những câu từ mượt mà pha lẫn với chút buồn man mác. Điều đó đã tạo nên phong cách của riêng bạn, chỉ cần nghĩ tới bạn thôi là thấy một chàng trai đa tình và nội tâm chứa chan tình cảm.

Trở lại với bài thơ tuần này, Tấn Huy đã làm tôi nhớ đến tác phẩm được coi là một trong những truyện hay nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – “Mắt Biếc”. Một chàng trai với nỗi niềm đau đáu cùng quê hương yêu dấu, gửi gắm tình cảm của mình bên người con gái vốn dĩ trái tim đã thuộc về phố thị tự bao giờ. Kẻ theo người chạy, kẻ tìm người trốn thì rốt cuộc cùng chỉ là hai đường thẳng song song chẳng có điểm dừng. Đề tài vốn dĩ được rất nhiều người viết, nhưng khi đọc thơ của bạn lại cảm nhận được có một điều gì đó mới mẻ vô cùng.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở bài thơ này một phần là nhịp điệu. Tôi cũng chưa hiểu rõ chủ ý của bạn là gì, nhưng trong những khổ đầu bài thơ bạn để câu 7, câu 8 ko theo nhịp khiến cho tôi có cảm giác vần nhịp đã bị hạn chế nhiều. Đoạn cuối bạn cũng chuyển nhịp khá đột ngột, nó khiến tôi bị hẫng thay vì trôi chảy khi đọc, khác với những tản văn bạn thường viết trước đó. Nếu bạn nghĩ “gieo vần nhiều thành ra nó có điểm dừng và lụy quá” thì không phải. Chí ít nó cũng phải phù hợp về mặt nhịp điệu để độc giả đánh giá nó là “thơ”, chứ không phải “tản văn” bạn ạ.

Đồng thời cụm từ “người nhà quê” trong khổ thơ này tôi nghĩ bạn dùng chưa được đẹp cho lắm:

“Đường khuya vắng che hồn buồn sợ lạnh,
Không có em anh ngồi cạnh đơn côi.
Trời đầy sao nhưng không có em tôi,
Người nhà quê, bồi hồi nhung nhớ”

Mong chờ những tác phẩm tiếp theo từ bạn với một ngòi bút vô cùng phong phú. Trân quý!

14/ Nỗi đau nào đưa đến chuyện chia phôi? – Hoài Anh

Tôi đã rất nghẹn ngào và xúc động sau khi đọc bài thơ này của bạn. Trước mỗi một sự mất mát đau thương, dù là thể xa hay tâm hồn đi chăng nữa thì không ai có thể kìm lòng được mà không bật khóc. Dịch bệnh thế kỉ đang bao trùm lên không chỉ riêng đất nước của chúng ta mà gần như tất cả các nước trên thế giới. Kéo theo đó là hậu quả vô cùng tàn khốc, khiến ai nấy cũng gần như rơi vào bế tắc và khủng hoảng. Và một trong số đó là nỗi đau khi mất người thân của chính mình.

Đọc thơ của bạn, tôi thấy mình cần sống chậm hơn để tha thiết yêu với cuộc đời này, cần chia sẻ và yêu thương những người xung quanh mình bằng những hành động nhiều hơn, thay vì chỉ nghĩ và dừng lại trong tâm tưởng. Cảm ơn bạn với một bài thơ hay, mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Xin được mượn câu thơ của bạn để gửi lời cầu nguyện tới mọi người:

“Em mong sao ngày mai trời sẽ tạnh
Lệ không còn vương trên mắt Việt Nam”

Về nội dung thì đây là một câu chuyện xúc động nhưng về nghệ thuật thì tôi có một góp ý nho nhỏ là:

Cách dùng từ của bạn chưa được đẹp cho lắm. Tôi lấy ví dụ ngay từ câu thơ đầu tiên “mình thương nhau từ thuở còn nhà quê”. Hoài Anh ơi! Nhà quê là gốc gác của bạn thì dù bạn đi trăm phương ngàn hướng vẫn luôn là “người nhà quê” nên bạn dùng từ “thuở còn nhà quê” là không đúng. Ở câu thơ thứ hai khổ 2 cũng vậy “anh phong ba tự mình lên thành phố” tôi hiểu dụng ý câu thơ của bạn nhưng cách gieo vần này khiến tôi hơi khó hiểu. Có lẽ do buộc mình vào chủ đề tuần “làng quê” nên câu thơ bớt đi cái đẹp vốn có thể được diễn đạt theo ý khác. Mong chờ bạn ở những tác phẩm tiếp theo.

15/ Thả cảnh diều thơ – Hoài Sa

Hoài Sa đến với cuộc thi “Nhà” bằng một bài thơ vô cùng thú vị với “áng thơ ông”. Có một chút gì đó vừa đùa vui, vừa ngông như chính bạn đã viết trong bài thơ của mình. Đó là điểm mà tôi khá thích ở bài thơ của bạn.

Với nhịp thơ 2/2/3 xuyên suốt bài thơ khiến tôi cảm nhận được sự tươi vui, nhộn nhịp. Hình ảnh chim én bay cao trên bầu trời rộng lớn, con cua đồng nhởn nha bò trên mặt mặt đất, nơi có những sơi rơm vàng óng ánh vừa được phơi ngoài đồng ruộng và cả bãi dâu, cánh diều hút gió…tất cả đều gợi cho tôi một làng quê yên bình và êm ả mà tôi đã trải qua suốt cả tuổi thơ mình.

Cảm ơn bạn với một bài thơ ngắn gọn, súc tích và đáng yêu đến vậy. Mong được nhận bài dự thi của bạn ở những tuần thi tiếp theo ạ.

16/ Quê ngoại – Hải Liên

Hải Liên đã cho độc giả thấy mình là một cây viết khá tiềm năng trong cuộc thi này. Không chỉ viết truyện ngắn ổn, thơ Hải Liên làm cũng khá là hay.

Với bài thơ “Quê ngoại”, Hải Liên đã khắc họa một làng quê vô cùng thân thương và gần gũi với biết bao thế hệ lớn lên từ đó. Dẫu có nghèo nhưng chan chứa những yêu thương.

Vẫn là đụn rơm gánh rạ, luống mạ ghềnh sông, hàng cau trước ngọ, tiếng ru hời của bà của mẹ mặn nồng mùi biển, và cả sân phơi đầy ắp lúa…nhưng bạn đã làm nó vô cùng sinh động và đẹp dưới ngòi bút của mình.

Tuy nhiên bài thơ ngũ ngôn của bạn, mặc dù đã chuẩn về vần và luật nhưng hình ảnh thơ chưa thật sự đột phá. Hi vọng trong tương lai Hải Liên sẽ có những sáng tác hay hơn, xúc động hơn. Cảm ơn Hải Liên với một bài thơ hay.

17/ Lối về am cũ – Cỏ Phong Sương

Sự trở lại của Cỏ Phong Sương lần này gần như nhận được sự ủng hộ và mong đợi rất nhiều từ độc giả, qua những phản hồi tích cực đến từ tác phẩm, chúng ta có thể phần nào đánh giá được Cỏ Phong Sương là một cây bút khá tiềm năng và được yêu mến trong cuộc thi này.

Khi đọc “Lối về am cũ” tôi đã rưng rưng xúc động đến nghẹn ngào. Tôi thương tác giả khi phải trải qua những biến cố của tuổi ấu thơ. Đồng thời cũng mừng cho tác giả vì đã nhận được sự cưu mang che chở của thầy. Vẫn với lối viết dịu dàng đầy chất thơ như thủ thỉ tâm tình, vừa chậm dãi vừa thấm đẫm đạo và đời với một lượng từ vựng về Phật giáo vô cùng phong phú – điều vốn được coi là thế mạnh của Cỏ Phong Sương, khiến tác phẩm của Cỏ trở nên độc đáo và cuốn hút người đọc vào từng dòng chữ mà tác giả đã gửi hồn vào đó.

Ngoài ra thông qua tác phẩm này tác giả cũng đã khéo léo truyền đạt cho độc giả những thông tin hữu ích về việc đi khất thực của các tu sĩ hay truyền thống “an cư kiết hạ” trong Phật giáo. Người ta hay nói “tu hành khổ hạnh” nhưng qua ngòi bút của Cỏ Phong Sương thì tôi lại thấy hiện lên hình ảnh những vị chân tu “an nhiên tự tại” giữa dòng đời biến ảo vô thường. Cảm ơn tác giả vì một sáng tác hay.

18/ Nếu quê là nhà, đi bao xa, mới tới? – Phạm Như Ý

Tác phẩm “nếu quê là nhà, đi bao xa, mới tới?” là một tác phẩm tạo sự tranh cãi cho tuần thi này.

Bài tản văn của bạn là một tác phẩm khá hay, khéo léo lồng ghép những hiện thực mà thành phố đang phải gánh chịu vì dịch bệnh khiến ai cũng có cảm giác buồn và man mác và nhớ tới tuổi thơ, nhớ tới quê hương của mình.

Tuy vậy, do lạm dụng việc tả cảnh hơi nhiều khiến người đọc có đôi phần bị ngợp. Nếu bạn lồng ghép những đoạn tâm lý hoặc đẩy cảm xúc của nhân vật “tôi” một cách rõ nét hơn thì sẽ đọng lại nhiều hơn cho độc giả. Đôi lời cảm nhận về tác phẩm, mong bạn cố gắng ở những lần sau.

19/ Thóc – Tiểu Mai

Tác phẩm” thóc” tác giả Tiểu Mai là những kỷ niệm dấu yêu của tác giả về gia đình và quê hương. Cách viết của bạn về cái nghèo, cái đói và sự giúp đỡ của cô giáo đối với gia đình đứa học trò nghèo đã thực sự làm tôi rung động. Tôi xin phép được mượn lời nhận xét của bạn Minh Phong cho tác phẩm này vì đánh giá của bạn khá là đầy đủ và chi tiết:

“Tiểu Mai dùng những cụm từ ẩn dụ rất tuyệt: “Cái hòm thóc ngày bé tôi nhìn thấy to thế, bây giờ sao nhỏ tí. Cứ sau vụ gặt thì gõ nghe tiếng chắc nịch. Còn đến năm học mới thì gõ kêu boong boong”, cái âm thanh lúc còn đầy thóc bên trong, với âm thanh khi đã vơi hẳn thóc “boong boong” gắn với thời điểm đến năm học mới làm người đọc đủ hiểu những sự thương khó gì đã xảy ra. Cả gia đình sống bằng nghề nông, trông chờ vào vụ lúa, làm nông cực lắm, hạt thóc vàng ươm làm lương thực dự trữ cho cả gia đình, thóc tràn bồ cả nhà no ấm, nhưng vì sự học hành của con cái, chẳng cách nào phải bán gấp đóng tiền cho con bằng bạn bằng bè. Rồi cả cái niềm tử tế đùm bọc của bà giáo mà khiến làng quê nghèo khó ấy càng thêm ấm áp tình người. Những đứa trẻ quê lớn lên bằng thóc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Bài viết ở phần đầu, kể mà không cảm, nhưng lại làm người đọc tràn đầy cảm xúc về cái tình nghĩa quê hương, tình thương bố mẹ. Phần sau nhiều dòng tản mạn về phấn thóc dặm ngứa êm ả mà da diết hơn, văn chương hơn rất nhiều. Tôi rất thích cách bạn chơi chữ: bố mẹ mong chúng con “thoát cảnh đồng ruộng” nhưng chúng con chẳng bao giờ có thể “thoát cảnh đồng ruộng” được. Bố mẹ chẳng bao giờ muốn thấy con cái chịu khổ như mình, đành gắng sức làm cho con ăn học để thoát nghèo khổ, nhưng những thóc lúa từ đồng ruộng gắn bó với con những ngày thơ ấu, dạy cho con biết yêu bố mẹ, quê hương, yêu ruộng đồng, làng xóm, yêu dẻ lúa, bờ tre…. Chẳng bao giờ có thể rời khỏi tâm trí con.

Thóc tràn trong tôi rồi Mai ơi….”

Tuy nhiên,Tiểu Mai vẫn mắc một lỗi rất đáng tiếc là có một số câu văn trở nên thừa, thậm chí là không nên có trong bài. Ví dụ như “Hạt thóc bây giờ chẳng còn giá trị cao như những ngày xưa đó”. Không! Tiểu Mai ơi với một đất nước coi lúa nước là một nền văn minh như Việt Nam thì dù ở thời đại nào hạt thóc vẫn còn nguyên giá trị. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Văn Học Trẻ.

20/ Quê nhà thương nhớ - Phạm Mỹ Liên

Tác phẩm”Quê nhà thương nhớ” của tác giả Phạm Mỹ Liên đã đưa người đọc về với một miền quê bình yên với những con người hồn nhiên chân chất. Bạn đã khắc họa rất thành công hình ảnh người dân quê hiếu khách và “tình làng nghĩa xóm” quá những hình ảnh rất đỗi thân thương. Đoạn văn tôi thích nhất trong bài của bạn là:

“Ở quê ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tất đỗi dễ thương khi các bà các mẹ thỉnh thoảng sai mấy nhỏ đem qua nhà hàng xóm ăn lấy thảo khi thì đĩa khoai đĩa đậu mới luộc, khi thì nải chuối chín bói, khi thì những chiếc bánh sắn có nhân đậu đen bên trong, lúc thì chén chè đậu xanh ăn giải nhiệt… tất cả thấm đẫm tình quê.”

Ngôn ngữ mà bạn thể hiện cũng dịu dàng như những người dân quê, không cần bóng bẩy, trau truốt quá nhưng lại mang đến một ấn tượng đẹp cho tôi.

Nhưng có một vài chi tiết tác giả xử lý tình huống chưa được khéo và chính điều đó làm giảm giá trị của tác phẩm. Ví dụ câu “bạn tôi vẫn luôn hỏi câu cái xứ cậu ở quê ơi là quê có gì đâu mà thương mà nhớ”. Theo tôi đây là câu hỏi dễ gây tổn thương cho đối tượng được hỏi. Bởi dù có quê ơi là quê đi chăng nữa thì đó cũng là chốn bình yên của mỗi con người. Việc “bạn tôi luôn hỏi” khiến cho một người có xuất thân nhà quê sẽ có cảm giác không được thoải mái về vấn đề này. Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi cùng Văn Học Trẻ.

Bài viết không đăng trên forum

21/ Bài học nhân ái của mẹ từ mái nhà thân yêu – Nguyễn Thanh Dũng

Tác phẩm “Bài học nhân ái của mẹ từ mái nhà thân yêu” là một tác phẩm khiến cho tôi băn khoăn giữa đôi bờ tản văn hay truyện ngắn? Nhưng phải công nhận tác phẩm là những dòng xúc cảm rất chân thành và ngọt ngào của tác giả dành cho người mẹ quá cố. Tôi bắt gặp ở tác phẩm những câu văn đậm chất nghệ thuật như “những giọt nước mắt cứ chảy dài như mạch nước ngầm được khơi đúng mạch”. Thực sự đọc câu văn này tôi cảm thấy nhoi nhói trong tim. Bài viết là của một thầy giáo dạy Toán viết Văn nên có đôi chỗ còn mắc lỗi lặp từ. Có những đoạn tác giả sử dụng quá nhiều từ “tôi” trong một câu văn khiến cho câu văn đó trở lên lòng vòng khó hiểu. Một vài lỗi nho nhỏ vậy thôi nhưng tác phẩm vẫn đáng được hoan nghênh vì những cảm xúc mà nó mang lại. Chúc thầy luôn thành công trong sự nghiệp trồng người – người lái đó vĩ đại. Văn Học Trẻ mong nhận được nhiều tác phẩm hơn nữa từ thầy.

22/ Cách để yêu một thành phố - Phương Trúc

Với nhịp điệu chậm dãi nhẹ nhàng, Phương Trúc đã đưa độc giả cảm nhận vào từng nỗi nhớ của mình bằng một giọng văn hết sức nhẹ nhàng và êm dịu. Cách bạn yêu một thành phố cũng đáng yêu làm sao. Nó vừa khiến tôi xúc động, vừa khiến tôi xót xa và thương nữa.

“Thật ra đáp án lại là yêu mọi thứ trải qua khi bạn ở thành phố đó, cả lúc vui lẫn khi buồn. Bạn sẽ nhớ người hay bán đồ ăn sáng mỗi buổi vội vã đi làm. Nhớ những lúc không vì gì mà lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhớ những khi chia sẻ cả không gian, thời gian với người mà bạn trân quý. Bạn nhận ra khi từng chóng mặt trong guồng quay cuộc sống, bạn chỉ muốn trốn tránh đi và về nhà. Nhưng khi ở nhà quá lâu, bạn thật sự thèm cảm giác bận rộn một lần nữa. Hoà mình trong lòng phố đông người và hít bầu không khí ồn ã.

Bạn sẽ cảm thấy yêu một thành phố chỉ qua một cái tên. Sài Gòn hay Hồ Chí Minh, thanh âm ấy giờ bật thốt ra khuôn miệng cũng mang âm vực thật đáng yêu. Vì cái tên ấy gắn liền với một khoảng thời gian gắn bó với bạn. Một cái tên đã cùng bạn trải qua bao thăng trầm, cùng bạn trưởng thành, cùng bạn xây dựng điều gì đó lớn lao, cùng những người bạn yêu thương trải qua quãng thời gian vui vẻ.”

Đây là những câu văn thật đẹp và gây xúc động mạnh trong lòng tôi. Cầu mong cho Thành phố mang tên Bác nói riêng và đất nước của chúng ta nói chung, sớm đánh tan được dịch bệnh và trở lại với nhịp sống vốn có của mình. Cảm ơn bạn với một tản văn hay.

23/ Khi xa nhà - Phương An

Đọc tác phẩm “Khi xa nhà” của Phương An, tôi phần nào hiểu được cảm giác của một người con xa xứ, đến một đất nước xa xôi, một phương trời mới lạ thì nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân nó day dứt đến nhường nào.

Cách bạn cảm nhận về nhà ở cái tuổi ẩm ương mới lớn nó cũng giống với hầu hết những người đã đi qua tuổi thơ như vậy. Với mong muốn được vùng vẫy, bay nhảy tự do khiến cho chúng ta luôn nghĩ nhà là nơi kìm hãm bước chân mình. Chỉ khi nào mình đủ lớn, đủ nhận diện được nhiều điều trong cuộc sống, thì khi nhìn lại mình mới nhận ra “Nhà” chính là nơi sàng bao dung, bảo vệ, che chở và yêu thương chúng ta vô điều kiện. “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa” , “là vùng an toàn” mà ai cũng khao khát trở về.

Với lối viết gần như kể đã khiến tác phẩm gần gũi với độc giả hơn bao giờ hết. Nhưng cũng vì sự dụng giọng văn kể nên nó cũng gây ra một số hạn chế nhất định cho tác phẩm. Ví dụ cách ngắt nhịp ở những câu rút gọn, dẫu chấm là không cần thiết. Bạn có thể thay thế bằng một câu dài hơn hoặc sử dụng dấu phẩy để nối các câu lại với nhau. Điều đó khiến câu văn của bạn mượt mà hơn. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và bình an nơi xứ người và mong bạn sớm có dịp về thăm gia đình, khi mà dịch bệnh đã dần tan.

24/ Cách gọi một cái tên - Thanh Thương

Với tác phẩm “Cách gọi một cái tên” Thanh Thương đã mang lại cho độc giả một khái niệm khá mới mẻ về nhà. Nó không chỉ dừng lại ở nơi mà chúng ta đã sinh ra và lớn lên với những còn người có cùng huyết thống. Mà “nhà” còn là trường, lớp với bạn bè thầy cô đã đồng hành cùng với ta trên những chặng đường đời. “Nhà” còn là thành phố mà ta đã học tập, làm việc và gắn bỏ yêu thương khi ta đã trưởng thành. Thông điệp bạn đưa ra ở cuối tác phẩm cùng vô cùng đẹp “Dù thế nào, nhà cũ hay nhà mới đều là những nơi chúng ta đã và sẽ từng thuộc về. Họ cần ta và ta cũng cần họ. Đừng rời đi và sẽ không có ai bỏ rơi bạn cả.”

Cảm ơn bạn vì một tác phẩm hay. Mong nhận được sự đồng hành của bạn trong thời gian tới, ngay cả sau khi cuộc thi “nhà” đã kết thúc. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và bình an dù bạn đang phải sống trong vùng tâm dịch.

25/ Lời yêu thương chưa ngỏ - Hồng Phương

Tác phẩm “Lời yêu thương chưa ngỏ” của tác giả Hồng Phương đã khiến tôi rơi nước mắt ngay từ những dòng đầu tiên, khi tác giả đã viết lên những sự tàn nhẫn, đau thương mà chúng ta đang phải gánh chịu trước đại dịch thế kỷ đang bao trùm lên toàn cầu.

Tôi cũng muốn chạy ngay đến bên bên ôm mẹ của mình và nói “con yêu mẹ” trước khi nó trở thành quá muộn. Dù đó là câu nói rất đỗi thân thương nhưng ngay cả bản thân tôi cũng chưa bao giờ nói với mẹ của mình một cách tự nhiên nhất. Có lẽ là bởi vì chúng ta quen nhận được sự yêu thương từ cha mẹ, gia đình mà quên đi mất họ cũng rất cần được yêu thương lại.

Cảm ơn bạn đã thức tỉnh tôi, để tôi thấy rằng mình có lỗi với mẹ biết nhường nào. Ngay khi đọc xong tác phẩm này, dù không thể về ngay với mẹ do dịch bệnh, nhưng tôi sẽ nhấc máy lên gọi mẹ và nói: “mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm”. Thật sự cảm ơn bạn rất nhiều vì những cảm xúc tốt đẹp mà bạn đã mang lại cho tôi và độc giả. Chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc, an vui.

Tuần 5 với sự bổ trợ đề tài con "Làng quê" đã kết thúc, tuần 6 với chủ đề "Thu về muôn nẻo" mong sẽ nhận được sự ủng hộ của các tác giả và bạn đọc.

Xem thêm: Các tác phẩm dự thi tuần 4 và nhận xét của BGK
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bóng ma cỏ phong sương cuộc thi viết chủ đề nhà giấc mơ có mẹ làng quê lối về am cũ thu về muôn nẻo tuần 5 cuộc thi ý kiến của ban giám khảo
682
4
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top