Chia Sẻ Ý nghĩa của các nhan đề: Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà, Mùa xuân nho nhỏ, Những ngôi sao xa xôi

Chia Sẻ Ý nghĩa của các nhan đề: Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà, Mùa xuân nho nhỏ, Những ngôi sao xa xôi

Mỗi tác phẩm trong văn học đều chứa đựng những ý nghĩa trong nội dung và thông điệp cốt lõi mà nhà văn muốn gửi gắm. Chính vì vậy, nhan đề của từng tác phẩm thường mang những giá trị nhất định để người đọc có sự hứng thú và khám phá.

xkk (22).png


1. Lặng lẽ Sa Pa


Mẫu 1

Sở dĩ tác giả đặt tên cho tác phẩm là “Lặng lẽ Sa Pa” vì ở nơi đó có khí hậu mát mẻ, trong lành, làm cho đầu óc người ta cảm thấy khoan khoái, trút bỏ được những âu lo, muộn phiền. Bên cạnh đó, cái nơi tưởng chừng như hoang vu, lặng lẽ ấy ở Sa Pa thực chất lại không hề buồn tẻ như tên gọi của tác phẩm. Bên trong cái vỏ yên tĩnh ấy là đời sống của những con người đầy trách nhiệm, có tâm huyết với công việc, có lòng nhiệt thành với đất nước. Tuy nhiên, họ lại là những nhà khoa học không tên, bởi tên tuổi của họ gắn liền với công việc hằng ngày. Cũng như anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn, ông kỹ sư vườn rau SaPa, hay anh cán bộ chuyên nghiên cứu sét ở trung tâm. Họ là những con người đã có một đời sống cao đẹp, cống hiến hết mình cho công việc, dành cả tâm huyết và tài năng để phục vụ cho tổ quốc. Ta có thể thấy, ý nghĩa sâu sắc của nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” chính là sự tôn vinh và ca ngợi của tác giả dành những nhà khoa học đang hy sinh thầm lặng cho đất nước.

Mẫu 2

Nhắc đến Sa Pa, người ta vẫn thường hay nghĩ đến nơi núi rừng thơ mộng bên cạnh nét hoang sơ hiếm thấy. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tựa tựa đề “Lặng lẽ Sa Pa” chính là nơi yên lặng, ít tồn tại sự sống của con người, là nơi hoang vu, ít các hoạt động trao đổi giữa người với người. Tuy nhiên thực tế ngược lại, tuy Sa Pa khoác lên mình lớp áo của sự yên ắng, nhưng tận sâu bên trong đó là sự sôi nổi của những con người nơi đây. Họ là những nhà khoa học không tên đã sống một cuộc đời rất đẹp, họ chấp nhận với những cái tên tạm bợ gắn liền với công việc đang làm. Đó anh thanh niên miệt mài làm công tác dự báo khí tượng thủy văn ở đỉnh Yên Sơn với độ cao 2600 mét, là ông kỹ sư vườn rau, hay anh cán bộ chuyên nghiên cứu bản đồ sét... Thế nhưng những nhà khoa học “không tên” ấy lại luôn sống hết mình với trách nhiệm, họ sôi nổi, nhiệt huyết với công việc, ngày đêm lao động hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước mặc dù chỉ “lặng lẽ” ở nơi núi rừng Sa Pa tĩnh lặng. Cũng chính vì lý do đó mà tác giả Nguyễn Thành Long đã đặt cho tác phẩm nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” với hàm ý tôn vinh và ca ngợi vẻ đẹp của những nhà khoa học đã công tác âm thầm với ngọn lửa nồng nhiệt nhất để bảo vệ cho đất nước ở nơi núi rừng Sapa yên tĩnh, hoang sơ. Thông qua đó, tác giả muốn mượn đặc điểm của địa danh để làm nổi bật vẻ đẹp của những con người đang “lặng lẽ” tồn tại, công tác và làm việc tại đó. Thế mới thấy, Sa Pa “lặng lẽ” hay lạnh lẽo chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài, và sâu bên trong mới có thể thấy được tinh thần, sự nồng ấm và nhiệt thành của những con người nơi đây nói chung, và của những nhà khoa học đang “lặng lẽ” góp sức cho đời nói riêng.

2. Chiếc lược ngà


Mẫu 1

“Chiếc lược ngà” là một nhan đề hay thể hiện nội dung, tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Đó chính là hình tượng nghệ thuật chứa đựng tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng. Chọn hình ảnh “Chiếc lược ngà” làm nhan đề cho tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã bộc lộ tài năng của mình trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm qua một hình ảnh nghệ thuật cô đúc, giàu ý nghĩa. Với bé Thu, chiếc lược ngà là kỉ vật của người cha, là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ nơi chiến khu dành cho mình. Với ông Sáu, chiếc lược ngà là một vật quý giá thiêng liêng bởi nó chứa đựng bao yêu thương, mong đợi của người cha và làm dịu đi nỗi ân hận vì đã đánh con… Với nhan đề ấy, nhà văn không chỉ nói tình cha con thắm thiết sâu nặng mà còn gợi cho người đọc thấm thía những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra.

Mẫu 2

Chiếc lược ngà là một nhan đề hay, thể hiện được nội dung tư tưởng cốt lõi của tác phẩm. Chiếc lược ngà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật chứa đựng tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng. Chọn hình ảnh chiếc lược ngà - kỷ vật của người bạn trao cho con làm nhan đề tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được tài năng của mình trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm trong một hình ảnh nghệ thuật cô đúc, giàu ý nghĩa. Với bé Thu “chiếc lược ngà” là kỷ vật của người cha, là nỗi nhớ thương mong nhớ của người cha nơi chiến khu dành cho mình. Cầm chiếc lược trong tay, bé Thu được sưởi ấm bởi tình cha, như có người cha ở bên. Với ông Sáu, Chiếc lược ngà đã trở thành một vật quý giá, thiêng liêng với ông Sáu. Nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương mong đợi của người cha và làm dịu đi nỗi ân hận đã đánh con của ông. Trao cây lược cho con, ông Sáu như đã nói với được với con gái yêu tình cảm của mình. Chiếc lược ngà không chỉ nói lên tình cha con thắm thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc thấm thía những mất mát, éo le đau thương do chiến tranh gây ra cho bao gia đình.

3. Mùa xuân nho nhỏ


Mẫu 1

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" là tiếng lòng tha thiết của một người gắn bó sâu sắc với quê hương, đất nước. Qua nhan đề bài thơ, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào ước nguyện chân thành của tác giả. Mùa xuân là mùa khởi đầu trong năm, là thời điểm vạn vật sinh sôi, nảy nở, tràn đầy sức sống. Hình ảnh "mùa xuân" chính là ẩn dụ cho những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi con người. Danh từ "mùa xuân" kết hợp với từ láy "nho nhỏ" thể hiện sự khiêm nhường, giản dị, chân thành của tác giả. Nhà thơ mong muốn được trở thành "mùa xuân nho nhỏ" cống hiến, góp phần làm nên mùa xuân lớn, đem cái tôi riêng hòa vào cái ta chung của dân tộc, đất nước. Nhan đề còn gợi mở mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời, mùa xuân đất nước đến ước nguyện trở thành "mùa xuân nho nhỏ" dâng hiến cho cuộc đời. Như vậy, nhan đề bài thơ đã thể hiện sâu sắc ước nguyện cống hiến, tình yêu tha thiết dành cho quê hương, đất nước đáng trân trọng của nhà thơ Thanh Hải.

Mẫu 2

"Mùa xuân nho nhỏ" là một nhan đề hay, một ẩn dụ đầy sáng tạo, giàu ý nghĩa đã góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm - ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời. “Mùa xuân” mang ý nghĩa tả thực – đó là mùa khởi đầu của một năm, là mùa của lộc non lá biếc, của vạn vật sinh sôi nảy nở. “Mùa xuân” còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân hay chính là sức trẻ trong tâm hồn và trí tuệ, là nhiệt huyết và năng lực cống hiến của mỗi người vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước. Từ láy “nho nhỏ” làm rõ hơn đặc điểm của mùa xuân rất giản dị, rất khiêm nhường. Đặt tên cho tác phẩm như thế, Thanh Hải đã thể hiện ước nguyện, khát vọng khiêm nhường mà rất đỗi chân thành, tha thiết, cao đẹp. Ông ước muốn làm “mùa xuân nho nhỏ”, nghĩa là đem tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất – dù bé nhỏ - của mình để hòa vào mùa xuân lớn của cuộc đời, của đất nước. Nhan đề bài thơ cũng thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Ai cũng phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.

4. Những ngôi sao xa xôi


Mẫu 1


Nhan đề Những ngôi sao xa xôi như muốn gợi nhớ về những ngôi sao trong trí nhớ của nhân vật Phương Định, đó là khoảng thời gian yên bình, hạnh phúc và ấm áp khi cô gái trẻ được sống trong tình thương của gia đình. Điều này cho thấy tấm lòng của cô luôn luôn hướng về gia đình, về nơi chôn rau cắt rốn. Nhan đề của tác phẩm còn muốn nói lên rằng, ba cô gái đi làm thanh niên xung phong giống như những ngôi sao sáng trên bầu trời vô cùng rộng lớn, tinh thần yêu nước, sự dũng cảm, vẻ đẹp tâm hồn của họ luôn toả sáng lấp lánh một cách diệu kì. Và họ càng tỏa sáng hơn nữa khi tràn đầy nhiệt huyết để luôn hoàn thành nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn gian khổ. Sự tỏa sáng của họ khiến người dân Việt Nam bao đời đều cảm thấy khâm phục. Nói tóm lại, qua nhan đề này, tác giả Lê Minh Khuê muốn làm nổi bật tâm hồn mơ mộng, trong sáng của những cô gái trẻ, đồng thời cũng muốn ca ngợi tinh thần dũng cảm của các cô gái trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ vì độc lập dân tộc. Các cô gái đã hi sinh cả tuổi thanh xuân trên tuyến đường Trường Sơn tàn khốc – đây cũng là biểu tượng, là hình ảnh đẹp tượng trưng cho cả một thế hệ trẻ Việt Nam vô cùng anh dũng thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Mẫu 2

Trước hết, nhan đề "Những ngôi sao xa xôi" gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi sao lớn trên bầu trời thành phố quê hương mà Phương Định - nhân vật chính trong truyện - thường hay nhớ lại. Hình ảnh ấy gắn liền với những kỉ niệm êm đềm tuổi ấu thơ bên gia đình, bên người thân. Điều đó cho thấy dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, những cô gái thanh niên xung phong vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng. Sâu sắc hơn, nhan đề đó góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của truyện: chủ nghĩa anh hùng, vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong chiến tranh yêu nước. Ba cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm ác liệt ở tuyến đường Trường Sơn, tiêu biểu cho thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ, sẽ mãi mãi là những ngôi sao lấp lánh trên đỉnh cao Trường Sơn, xa xôi mà gần gũi trong lòng yêu thương cảm phục của mọi người, mọi thời đại. Tên truyện khơi gợi cảm xúc lãng mạn cách mạng, phần nào làm giảm bớt những đau thương, mất mát cảu chiến tranh.

Các bạn có thể xem các bài viết cùng chủ đề:
TẠI ĐÂY
 
Từ khóa
chiếc lược ngà lặng lẽ sa pa mua xuan nho nho những ngôi sao xa xôi
  • Like
Reactions: Phong Cầm
480
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top