Mạng xã hội Văn học trẻ

Lại 1 năm mới, lại 1 chuỗi ngày lặp đi lặp lại. Khi mọi nơi đang chìm đắm trong sự hân hoan và sắc vàng rực của ánh đèn, cả một bầu không khí tràn ngập sự tươi vui cũng lan tỏa đến được góc phòng tối của tôi. Lặng nhìn phố phường nhộn nhịp trong dòng người đông đúc, đắm mình vào cái lấp lánh muôn màu sắc, khí trời tỏa ngát hương thơm từ những đóa hoa khắp chốn dường như đã trở thành 1 thói quen mỗi khắc giao thừa trong tôi. Chẳng cần tham gia, chẳng cần đông đúc, chỉ 1 mình 1 nơi cùng tách cà phê đã nguội cũng đủ để khiến lòng tôi dâng lên 1 cảm giác bâng khuâng đến lạ. Năm mới chính là dịp đáng để ăn mừng trong tim mọi người đúng không? Nhưng tôi thì chẳng thiết quan tâm làm gì bởi việc ngồi hồi tưởng lại xem mình đã bỏ qua điều gì trong quá khứ đối với tôi mà nói thì cũng chẳng vui vẻ gì mấy. Ấy thế nhưng, trong cái đống suy nghĩ lộn xộn ấy, vẫn có 1 thứ làm tôi háo hức... “Pháo hoa”.



Nó là thứ đã tô điểm cho Tết, là thứ đã ghi lại dấu ấn không phai trong lòng tôi đến tận bây giờ. Dù lớn hay nhỏ, nơi đông người hay chỉ mình ta thì pháo hoa vẫn luôn tỏa sáng rực rỡ trên nền trời đêm. Cái âm thanh pháo bay lên cũng tựa như âm thanh của những ước mơ, những cảm xúc thuở nhỏ ta thả lên bầu trời. Nó... đẹp lắm... rất lộng lẫy, rất tự do, nhưng cũng đượm buồn. Mỗi viên pháo hoa là 1 phần kí ức, chúng đã nở bung ngay khi chạm đến bầu trời, để ta thấy rằng ta đã từng rất hồn nhiên, vô lo vô nghĩ đến mức nào. Khoảnh khắc muôn dặm vang lên âm thanh đặc trưng thì cũng là lúc gian phòng tôi được tô thêm biết bao màu sắc. Chẳng hiểu sao nó làm tôi xao xuyến đến lạ, dường như, nó nhắc tôi nhớ về thứ bản thân đã đánh mất, có thể tôi đã quên nó từ lâu, nhưng cũng có thể nó chưa từng tồn tại. Đâu đó sâu thẳm trong tim, tôi muốn nắm lấy những tia lửa sắp tàn ấy, giữ nó thật kĩ để nó không biến mất. Bởi, khi nhìn chúng, tôi bỗng thấy ấm áp lạ thường. Giá mà thời gian trôi chậm lại mỗi khi pháo hoa bừng nở, ắt hẳn sẽ tuyệt lắm khi chụp được giây phút những tia lửa nhỏ ấy tỏa sáng cùng các vì sao... và cũng để tôi được nhìn tuổi thơ của bản thân lâu hơn một chút, gác lại những âu lo, phiền muộn của cuộc sống hiện tại rồi tự tin chào tạm biệt bản thân trong quá khứ.



Lúc mà tách cà phê trên tay cạn thì cũng là lúc tràng pháo hoa cuối cùng được bắn xong. “ Thế là hết rồi đấy, tiếc nuối cái gì nữa, tiếp tục học bài thôi nào.” Đó là những gì bản thân nhắn nhủ với tôi, nhưng chỉ vài giây thôi, cho hồn tôi được chiêm ngưỡng bầu trời chơi vơi, nơi mà trước đó còn ngập tràn bao cảm xúc của mọi người. Vì biết đâu năm sau ta sẽ chẳng được ngắm nữa, chỉ có thể ngồi lặng nghe âm thanh mình đã từng rất thích để tập trung vào công việc đang dang dở. Tương lai mà, đâu ai đoán trước được gì, đúng không?
Thêm
  • 72717494_2456469964448838_3328589879054434304_n.png
    72717494_2456469964448838_3328589879054434304_n.png
    155.4 KB · Lượt xem: 129
430
4
0
Viết trả lời...
Khói là chất liệu dệt nên sắc cảnh lịch sử, đặc biệt là Việt Nam. Nó là dải lụa êm dịu cuốn theo dòng sông kí ức. Nó gắn liền với nhân dân ta qua từng giai đoạn; từ những làn mưa bom đạn thời chiến tranh, từ những bếp lửa bập bùng khắc chạng vạng, hay từ những ống khói thời kì công nghiệp hiện nay. Đồng thời, khói cũng lặng lẽ góp mặt trong khung tranh văn hóa của dân tộc ta qua ánh lửa nhẹ êm từ chiếc điếu thuở xưa.

Ta đều biết, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhưng sẽ là thiếu nếu nhắc đến trầu mà không nhắc đến thuốc lào, nó cũng là một “khúc dạo đầu” không thể thiếu của nhân dân ta, có lẽ bởi vị cay của nó khác với trầu, lại thêm phần gọn gàng và công đoạn chuẩn bị bớt phức tạp hơn. Nó trao ta chút khoái cảm nhẹ nhàng, nó dìu ta vào sông mơ, khơi lên cái lâng lâng để cuộc gặp mặt thêm phần thăng hoa, cảm xúc. Thời nay, ít khi tôi được thấy chiếc điếu xuất hiện thường xuyên; nhưng khi ta nhìn lại thước phim xưa cũ, ta có thể thấy chẳng ai là không biết tới thuốc lào, từ nam thanh nữ tú đến tầng cao lớp thấp, chúng ta làm bạn với điếu cày như một thú vui giản dị, như một tập quán đã nằm sẵn trong văn hóa từ lâu.

Trong mắt tôi, hình ảnh điếu thuốc lào thật đẹp, từ khoảnh khắc nhả khói pha vào bụi nắng vàng nhạt, tan nhẹ vào không trung, đến âm thanh giòn tan khi các cụ rít một hơi thật sâu vào lá phổi. Nắng cứ thế mà chảy xuống, phủ lên chiếc điếu một sắc màu ấm áp tô điểm cho cái khung cảnh dường như bị chậm lại bởi dòng cảm xúc tràn ra cả không gian. Thuốc lào không chỉ ở bên dân ta vào buổi sáng, nó còn cùng ta tâm sự dưới đêm trăng. Khói thuốc thoáng nhuộm ánh trăng, lững lờ pha vào khoảng không tĩnh lặng bị rung lên bởi tiếng rít, lặng trôi trên tách trà vàng lờ mờ như mặt hồ phủ sương đêm.

Có một điều khá thú vị là dù dân ta hút thuốc sành điệu là thế, chế tác ra nhiều loại điếu là thế; nhưng, loại thuốc này vốn không bắt nguồn từ đất Việt Nam ta, Lê Quý Đôn ghi chép rằng từ năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ (1660), đời vua Thần Tông nhà Lê, người nước Ai Lao ( Lào) mang giống tương tư thảo (cỏ tương tư) đến nước Nam, dân ta mới đem trồng. Từ đó, loại thuốc “quyến rũ” vô cùng này được quan, dân, đàn bà, con gái đua nhau hút, đến nỗi có người nói rằng: “Nhịn cơm ba ngày còn được, chứ một lúc nhịn hút thuốc thì không được”. Tôi nghĩ cũng vì thế mà loại thuốc này mới mang một cái tên giản dị là thuốc Lào.

Thế tại sao dù biết hút thuốc lào không có lợi cho sức khỏe, ông cha ta không ngưng việc hút thuốc lại? Theo tôi, vì ngoài việc mang lại khoái cảm khi hút, ngày xưa dân ta còn yêu thích thuốc lào bởi họ quan niệm rằng hút thuốc lào có thể trừ được các bệnh phong hàn, sơn lam, chướng khí. Vậy nên thuốc lào ngày càng trở nên phổ biến, người người hút, nhà nhà hút. Nhưng có thời, thuốc lào lại chính là nguyên nhân gây ra nạn cháy nhà lớn. Đó cũng là lí do vì sao năm Ất Tị, đời Cảnh Trị (1665), nhà vua đã hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt những kẻ trồng thuốc, bán thuốc, hay hút thuốc giấu. Thế nhưng thuốc lào là một văn hóa, và dĩ nhiên đã là văn hóa thì làm sao có thể muốn bỏ là bỏ, muốn triệt là triệt. Trước lệnh cấm của nhà vua, đã có nhiều người tài tình khoét thân tre đang sống để làm điếu hút, hoặc chôn giấu điếu bát xuống đất, chỉ để hở miệng khỏi mặt đất để lén lút hút tận hưởng chút “khoái cảm thường niên”, vì thế mà lại càng sinh hoả tai. Về sau, triều đình biết không thể tuyệt được, nên đành bỏ lệnh cấm ấy. Những chiếc điếu bị vùi xuống đất, nay lại được đào lên, lau sạch sẽ, sóng nước trong lòng điếu tiếp tục reo vang nhả khói. Từ đó, dân ta có câu:​

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”​

Đến tận bây giờ, khi ta dạo quanh một vòng hồ Tây nơi thủ đô nghìn năm văn hiến, dừng chân tại quán cà phê ven đường, làn khói thuốc vẫn sẽ thẫn thờ trôi qua trước đôi mắt. Với người dân, hình ảnh chiếc điếu thuốc dựng cạnh chiếc bàn nhựa, bên trên là tách cà phê đen cùng ấm trà vàng đậm vị dường như đã quá đỗi thân thuộc. Chính âm thanh rít điếu giòn giã ấy đã một phần lặng lẽ góp mặt tô nên góc phố Hà Nội, đồng thời cũng pha vào dòng văn hóa lâu đời nơi đây. Qua lăng kính nơi tôi, khi khói được pha vào không gian, nó nhẹ nhàng tua chậm khung cảnh được rưới màu nắng, phủ mờ khuôn mặt người thưởng thức tưởng như trao cho họ một tấm màn mỏng, khẽ gửi người ấy một chút riêng tư rất đỗi tinh tế.

Ấy mới nói, dù cuốn theo dải băng lịch sử từ thời chiến đến cả thời bình, thuốc lào vẫn luôn là một phần văn hóa dân tộc ta, dù có lẽ nó không mấy nổi bật như trầu cau, hay tỏa sáng như thi ca, thuốc lào vẫn ở đó. Nó nép mình bên chiếc bàn nhỏ, dựng bên cạnh những chiếc ghế gỗ xưa hay trong góc nhà, giúp ta thư giãn một khắc giữa đời sống xô bồ ngoài kia một cách chậm rãi, dịu dàng,...​
Thêm
  • tải xuống (3).jpg
    tải xuống (3).jpg
    45 KB · Lượt xem: 159
  • Like
Reactions: Lý Cao Nguyên
496
1
0
Viết trả lời...
Với tư cách là thính giả, cũng như bao người, tôi cũng đã được lắng nghe bản giao hưởng của thiên thanh, với đoạn điệp khúc là sự giao thoa mùa màng, từng nốt nhạc tượng trưng cho một sự thay đổi nhẹ nhàng của tự nhiên. Và khuôn nhạc của mùa thu đã để lại trong tôi một sự lắng đọng, rồi nghiễm nhiên chiếm lấy một góc trong tâm hồn. Đôi khi tôi tự đặt câu hỏi rằng điều gì từ mùa thu đã làm tôi lay động đến vậy? Không, không phải là hợp âm của lá vàng rơi...Có lẽ, câu trả lời lại đến từ ngay chi tiết lặng lẽ nhất...Mưa.

Tôi đoán sẽ hơi khó hiểu khi nói mưa lại là đặc trưng của mùa thu, dù gì thì đó cũng là hiện tượng có thể xảy ra bất kể là mùa nào. Nhưng khi mưa đến vào khắc thu, nó lại mang một vẻ đẹp đến khác lạ... Chẳng như mưa đầu mùa của nàng xuân, một cơn mưa nhẹ tênh, ấm áp nhờ sắc trời; thì mưa khi pha vào thu, nó lại trở nên thoáng buồn, nặng trĩu. Đôi khi, một cơn mưa thu lại nhuộm xám cung đường, mặc cho thảm lá vàng có lộng lẫy đến đâu thì cũng thu mình lại vài phần; lại thêm sự giao thoa với mùa đông càng làm cho màn mưa khoác lên một vẻ đượm buồn man mác trái ngược hẳn với những làn mưa đầu mùa xuân đầy hương hoa.

Từng giai đoạn mưa của mùa thu lại mang một nét đẹp khác nhau. Ngay từ lúc trời nổi gió dưới bầu trời xám nhẹ, ta lại thoáng ngửi thấy một làn gió cuốn theo mùi hương thạch thảo. Một loài hoa mang sắc tím tinh tế mà buồn thoang thoảng chỉ khẽ nở vào mùa này. Cái khuôn gió cứ thế trôi dần vào khoang mũi rồi từ từ lấp đầy hai lá phổi bằng hương thơm nhẹ nhàng cùng dòng khí se lạnh chỉ tồn tại độc nhất một mùa; ấy cũng là lúc những dải lá khô dát vàng mặt đất theo chiều gió tạo nên nét đẹp riêng cho trời thu.

Rồi mưa bắt đầu rơi...lất phất...dần dần dày đặc hơn, rồi trở nên nặng trĩu, tạo nên một màn sương lững lờ trên mặt đất. Dường như, đây là giai đoạn đã làm cho mùa thu chậm lại, nhưng đồng thời cũng làm lòng ta dâng lên chút đượm buồn pha lẫn bình yên. Trong cái lạnh bao trùm muôn nơi cùng không khí pha chút ảm đạm, tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng chỉ muốn tìm một góc yên tĩnh để tận hưởng khung cảnh suy tư này, đắm chìm trong những dòng suy nghĩ riêng của bản thân hay chỉ đơn giản là dành chút thời gian hiếm hoi để sống chậm hơn. Có thể khiến cho nhịp sống mọi người bớt vội vã hơn, tôi nghĩ đây là điều mà chỉ có cơn mưa mùa thu làm được.

Sau cơn mưa rào, ta lại được thấy những sợi nắng xuyên qua bầu trời xám biếc, dịu dàng rơi xuống khắp không gian. Những hạt mưa đọng trên cành lá lúc này lại trở nên lấp lánh như pha lê dưới bầu trời giờ đã trong veo, cao vút đặc trưng của mùa này. Trong lăng kính của tôi, đây là lúc mà khung cảnh trở nên rực rỡ, lay động nhất; thảm lá vàng vừa nãy còn thu mình bây giờ đã khoác lên lớp áo vàng óng ả, những bông thạch thảo vừa nãy còn man mác buồn bây giờ đã e thẹn để lộ ra sắc tím lung linh tô điểm bằng những hạt mưa đính trên cánh hoa. Có lẽ, đây cũng là lúc mà nhịp sống người dân dần hối hả, xô bồ trở lại như ban đầu.

Nét đẹp của cơn mưa thu không chỉ được thể hiện ở ngoài đời thực mà cũng đã được đưa vào trong thi ca; đôi khi tôi lại thấy những dòng thơ tình mượn nét đượm buồn của làn mưa để nói thay nỗi lòng:

“Chiều hôm nay giọt mưa lại lất phất,
Tuôn nỗi sầu chồng chất lối anh đi.
Níu bàn chân kỷ niệm mãi ôm ghì,
Mưa hay lệ mà mi trào ướt đẫm?"

Sự lãng mạn mùa thu đem lại chưa bao giờ thua kém các mùa khác trong những áng thơ tình. Mưa vào khắc thu lại càng động lòng hơn vì nó gợi lên những nỗi nhớ, chẳng biết là vì không khí pha sắc buồn rầu, hay là vì nhũng suy nghĩ ta thả trôi theo màn sương...

Chính vì vậy, ta có thể thấy rằng cơn mưa đã làm cho mùa thu trở nên lãng mạn hơn, nổi bật hơn để không thua kém cái nắng đầu mùa của mùa xuân, cơn nắng gay gắt của mùa hạ hay không khí giá lạnh của mùa đông. Ngoài ra, mưa thu còn cho ta giây phút suy tư, yên bình để tránh khỏi nhịp sống xô bồ của đô thị...
Thêm
  • tải xuống (2).jpg
    tải xuống (2).jpg
    66.7 KB · Lượt xem: 149
467
4
0
Viết trả lời...