Mạng xã hội Văn học trẻ

Tháng Mười Một đem làn gió lạnh thổi nhẹ nhàng vương trên những cành cây, màu lá đang úa vàng chờ rụng xuống. Hơi ẩm có lẽ sẽ nhiều hơn khi ta bắt gặp đợt mưa phùn rây bụi nhẹ bay như phun sương. Thỉnh thoảng có ngày nắng e thẹn ló ra rồi vội vàng vụt mất. Thời khắc ấy, cả nước thầy cô được xã hội tôn vinh: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Người xưa có câu “Một chữ cũng là thầy/Nửa chữ cũng là thầy/Không thầy đố mày làm nên/Trọng thầy mới được làm thầy”.
Người ta ngợi ca nghề dạy học nghe sao vinh dự và tự hào quá đỗi. Tục ngữ, ca dao bao đời nay truyền tụng “muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”! Đáng trân quý vô cùng!
Mỗi chuyến đò qua sông bình yên và cập bến bờ vinh quang là một chuyến đò mang nhiều niềm vui, niềm tin và hy vọng. Thầy cô đã phải vất vả rất nhiều trong ngày hai buổi đến trường truyền thụ kiến thức và rèn luyện rất nhiều kĩ năng sống, giáo dục bao thế hệ học sinh mai sau lớn lên rời ghế nhà trường trở thành công dân có ích cho đất nước. Biết nói gì hơn công lao của thầy cô đã mang lại hiệu quả to lớn ấy để các em vững bước vào đời một cách vững vàng nhất. Dẫu hôm nay cuộc sống có đổi thay, đất nước bước sang thời kỳ mới với nhiều hy vọng mới của thời đại công nghệ Thông tin hiện đại. Niềm vinh dự nhân đôi khi ngành Giáo dục được đổi mới toàn diện cơ bản. Phương tiện dạy học hiện đại để sánh kịp các nước có nền giáo dục tiên tiến. So với cách đây 20 năm dễ gì chúng tôi trên bục giảng có những phương tiện ti vi, bảng tương tác rồi ti vi thông minh như bây giờ? Thời đó, giảng dạy có những bức tranh màu là cảm thấy mình đã tiến bộ như thế nào? Nay, bức tranh, bức ảnh đó thay vào là những gì có thật trong cuộc sống hàng ngày, học sinh nhanh nhẹn hơn rất nhiều. Làm nghề dạy học cũng cảm thấy bớt sầu, bớt tủi đi so với những ngành nghề khác. Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang diễn ra ngay từ cấp tiểu học. Chúng tôi hân hoan đón chào chương trình mới trong tư thế mới, sẵn sàng đương đầu với sóng, gió cuộc đời như miền Trung chịu mưa giông, gió giật điên cuồng nhiều ngày. Nghề dạy học của chúng tôi trải qua bao thử thách, gian truân. Các thầy cô biên soạn sách giáo khoa lớp 1, 2, 3 ai muốn mình gặp những “hạt sạn”. Xã hội mới gặp mấy từ chưa có gì là sai mà ai đó dồn chúng tôi vào thế bí? Người đời lên Zalo, facabook, YouTube… hất hàm thách thức bộ sách này với bộ sách kia loạn xị rồi vung đao múa kiếm. Thử có gian nan mới trải nghiệm cuộc đời. Có vinh quang mới thấy sự hy sinh và nỗi nhọc nhằn. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày tràn niềm tin và hy vọng. Nỗi vất vả với học sinh khi học chương trình Giáo dục phổ thông mới là bài học kinh nghiệm ở mỗi thầy cô. Nghề của chúng tôi gieo chữ mọi nơi miễn làm sao học sinh chăm ngoan, học giỏi. Nguồn động viên xua tan sự vất vả là sự quan tâm của xã hội đối với thầy cô và món quà to lớn giúp chúng tôi hoàn thành sứ mệnh trồng người. Chứ đừng tạo dư luận để chém gió, gây áp lực với nghề cao quý của cái nghề cao quý nhất.
Tháng Mười Một sắp gõ cửa mọi nơi. Ngành Giáo dục của chúng tôi rất may mắn mấy năm học phải vượt qua cái dịch bệnh Covid – 19 ác nghiệt. Thật khâm phục các thầy, các cô người mẹ hiền thứ hai của học sinh đã nỗ lực hết mình vì tương lai con em chúng ta. Năm học này chạy đua với thời gian thay sách lớp 4 để kịp với tiến độ cho năm học. Mong chuyến đò nào chúng tôi chở qua sông cũng bình an là lòng nhẹ tênh lắm! Vẫn cứ thương thầy cô nơi rốn lũ miền Trung vật lộn đêm ngày với loại giặc thiên nhiên diệt không bao giờ hết. Thương thầy cô miền rẻo cao bám trường, bám lớp đến với học sinh thân yêu chẳng quản cái rét mùa đông buốt lạnh. Kính dâng những đoá hoa tươi thắm, giỏ hoa bất tử tặng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đầy miền tin và hy vọng.
Phùng Văn Định
Thêm
Chúng tôi mãi mãi đưa đò qua sông
  • Like
Reactions: Vanhoctre
345
1
1
Chú bận quá, ít vào đọc. Thôi, giải quyết xong rồi thì mừng, chú cứ mong các cháu tổ chức nhiều cuộc thi như trước nhé!
Cuộc sống bây giờ khác nghìn lần so với những năm thời bao cấp. Những mảnh đời cơ cực của thời gian đó giờ đây không còn nhiều nữa. Con người, nếp nhà tranh dường như thiếu vắng nhiều, thi thoảng bắt gặp nơi nào đấy chỉ là mái nhà tạm bợ trong nương rẫy để họ làm ăn có chỗ nghỉ ngơi. Rồi tôi tự hỏi "Tại sao những năm 80, 90 có nét hao hao giống cuộc sống trong "Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố?”
Ngô Tất Tố sinh năm 1893 (mất năm 1954) ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Ông để lại cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Tiêu biểu là tiểu thuyết “Tắt đèn”. Một cuốn tiểu thuyết mang giá trị nghệ thuật đầy tính nhân văn mà cho tới ngày nay, bạn đọc vẫn không quên.
Tôi lục soát lại kệ sách gia đình thì ngỡ ngàng tác phẩm vẫn còn nhưng màu đã phai đi với thời gian. Nhìn qua trông cuốn sách có dáng vẻ nhỏ gọn, dễ cầm. Hình minh họa thể hiện rõ nét nội dung chính với nhiều màu sắc bắt mắt, ưa nhìn. Cuốn sách có bìa màu vàng, gồm 278 trang, khổ 13 x19 cm do Nhà xuất bản văn hóa thông tin ấn hành. Tác phẩm này đã in ấn lại nhiều lần của nhiều nhà xuất bản với cách trang trí khác hẳn với bản gốc do Mai Lĩnh xuất bản năm 1939 nhưng cốt truyện không thay đổi. Đọc tác phẩm "Tắt đèn” ta mới biết tỏ nhà văn Ngô Tất Tố phác họa cuộc sống của người nông dân đồng bằng Bắc bộ nghèo khổ như thế nào. Cảnh nông thôn hiện lên với cảnh đêm tĩnh mịch, yên ắng. Tiếng ếch, nhái, chẫu chuộc kêu dài thượt trong đêm nơi ao chuôm, ruộng đồng. Cảnh đình làng, thôn quê nghèo túng, đi làm thuê cho địa chủ. Tiếng chó sủa khi có bước chân của đoàn người đi đòi nộp sưu, thuế. Ngô Tất Tố đã dùng ngòi bút của mình để phản ánh chế độ phong kiến cũ xưa một cách tinh tế, thâm thúy.
Tắt đèn ca ngợi người phụ nữ Việt Nam thời kỳ trước năm 1945 với những phẩm chất tốt đẹp thương chồng, thương con, đối thân, xử thế mẫu mực, hiền lành, chất phát, giàu tình cảm nhưng đươm nét buồn cơ cực. Nhân vật chị Dậu như một mẫu người của thời đại đó đáng khâm phục.
Với 12 chương của 12 hoàn cảnh được Ngô Tất Tố dùng ngòi bút của mình vạch trần chế độ hà khắc, đục khoét, bóc lột người nông dân “Chân lấm tay bùn” dành cho người đọc những kiến thức, câu từ mạch lạc, cứng cỏi, thâm thúy. Tiểu thuyết đã mang vào nền văn học nước nhà giai đoạn 1930 – 1945 hiện thực phê phán. Chương nào đọc lên tôi cứ nghiền ngẫm sự đời thời đó. Oán trách những người có chức, có quyền không bảo vệ dân mà liếm gót giày Tây để hà hiếp, dồn họ vào chân tường, kinh rẻ kiếp nghèo. Ăn trên ngồi trốc mà chẳng biết thương dân.
Đọc tắt đèn chương nào hình ảnh người nông dân hiện lên, tôi đọc cũng rơi nước mắt. Tôi ấn tượng chương 10 và chương 11. Hình ảnh gia đình chị Dậu khốn khổ hiện lên trong bức tranh làng quê nghèo bằng những lời thoại của các con chị mà Ngô Tất Tố ghi lại nghe mà đứt ruột gan. Cái tuổi trẻ con như cái Tý, cu Dần thời ấy sao sành lẽ sống quá. Dường như cái tuổi ý thuở đó, chúng nếm đủ những nghèo khổ và nhận ra người lớn cũng cơ cực, chạy vạy để lo toan cho cuộc sống gia đình. Miếng cơm ngon, manh áo lành là ước mơ lớn lắm có khi về với đất mà chưa được thưởng thức, họa chăng là của bố thí của phú nông, địa chủ. Nghĩ mà thương, người nông dân nghèo khổ là thế! Bán vợ đợ con, cái đói, cái nghèo kéo dài đằng đẵng chẳng có lối thoát nhưng họ vẫn giữ lề lối thôn quê. Họ vẫn phải oằn mình gánh chịu. Ngô Tất Tố ghi lại tất cả những sinh hoạt thường ngày của cái xã hội của nhiều tầng lớp phú nông, bần nông, cố nông. Chắc nhà văn phải chứng kiến và tham gia nhiều vấn đề rắc rối trong xã hội thời đó mới có thể viết lên được những chương văn giá trị như “tắt đèn”.
Tắt đèn mở ra đọc rồi đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm để cảm nhận câu chữ, lời thoại của nhà văn ta oán trách thói hà hiếp dân quá mức đến khinh tởm của quan lại, lí trưởng, địa chủ thời đó. Chỉ có Ngô Tất Tố với các nhà văn thời đó mới vạch trần những thói xấu xa, bỉ ổi đó được. Thương cảnh nghèo khó đến rơi lệ với nông dân “áo rách khố ôm” bị giai cấp địa chủ bóc lột đến tận xương tủy, sống kiếp người chỉ nợ nần chồng chất mà ngóc đầu không nổi, canh cánh bên mình ngủ vẫn chiêm bao sự bủa vây khổ sở. Khép lại cảm thấy tiêng tiếc rồi ước đủ điều cho người dân.
Tắt đèn được chuyển thể thành bộ phim Chị Dậu. Bộ phim ra mắt khán giả năm 1981, là phim nhựa trắng đen chiếu trên màn ảnh rộng do xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất, phim Chị Dậu phản ánh được hiện thực khó khăn, nghèo khó của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 8/1945. Phim có sự góp mặt của diễn viên Lê Vân và NSƯT Anh Thái, và là một trong những bộ phim biểu tượng của điện ảnh Việt. Bộ phim nổi tiếng thuộc hàng những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Phim được sản xuất năm 1980 bởi đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa. Tác phẩm điện ảnh Việt Nam đạt được thành công lớn về nhiều mặt khi khắc họa cuộc sống nông thôn cũng như nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa của Việt Nam trước Cách mạng Tháng tám (1945). Đọc các chương trong “Tắt đèn” và xem cảnh phim “Chị Dậu” ta lại càng khâm phục đạo diễn Phạm Văn Khoa hơn nhiều. Có lẽ đạo diễn cùng cộng sự thuộc và hiểu hết ý của nhà văn Ngô Tất Tố nên mới làm cho phim ăn khách thuở 80 thời mà thông tin văn hóa của người dân còn thiếu thốn đến như thế!
Chuyển thể truyện thành phim mang tới người thưởng thức rất khó. Ngô Tất Tố viết “Tắt đèn” vừa mang âm hưởng cốt cách của nhà văn, lại mang sức hấp dẫn của câu chuyện tới người đọc mà dường như đọc mới biết dòng đời, cuộc sống xưa ngày ấy không dễ gì mường tượng ra được. Tắt đèn” là một tác phẩm phản ánh sâu sắc xã hội xưa với những thứ thuế vô lý, bọn quan lại vô nhân đạo, những đau khổ mà xã hội bất nhân gây ra cho nhân dân thời đó. Lấy hình ảnh Chị Dậu để đại diện cho một tầng lớp nông dân nghèo khổ, Ngô Tất Tố khắc hoạ chân thật những gì bần cùng và đau khổ nhất mà những người tầng lớp thấp phải chịu đựng. Truyện cũng mang giá trị nhân đạo và giá trị nhân văn sâu sắc. Càng đọc ta càng cảm nhận được ý chí kiên nhẫn, chịu đựng, chịu thương, chịu khó của Chị Dậu nhưng cũng không khỏi đau lòng trước những cảnh tượng bần cùng, khổ cực ấy. Tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc những day dứt và đồng cảm không thể nào quên đối với những người nông dân xưa.
Ngày nay, bạn trẻ ít khi cầm đọc cuốn truyện ấy mà miệt mài ôm chiếc điện thoại thông minh để lướt xem những thứ ngoại lai cho phù hợp nhưng một số bạn vẫn thử xem và hoài nghi là người đời hay trách “Sao cứ nói khổ như chị Dậu nhỉ?” Hãy lướt facebook, Google tìm kiếm về tác phẩm “Tắt đèn” đi sẽ khắc rõ.
Phùng Văn Định
Thêm
377
3
0
Ngoài cây gạo ở đồng Mang Cá cách làng tôi ở chừng 2 km thì trong làng còn nhiều cây gạo khổng lồ khác nữa. Dọc các con đường làng chính rất là nhiều được trồng cách xa nhau, không biết nó tự mọc hay ai trồng từ thuở nào mà sao cây nào cây nấy cao, to, sừng sững chiếm mất cả một khoảng đất rộng cơ chứ. Những cây gạo khổng lồ còn là chỗ hóng mát buổi trưa của người dân quê tôi mỗi độ hè về và cũng là chỗ ồn ào nhất của lũ trẻ chúng tôi: Chơi trốn tìm, thách đố nhau, chơi ô, đánh khăng, đánh đáo…Và cây gạo đẹp nhất khi tháng ba về, hoa nở đỏ cành và không lúc nào ngưng tiếng ồn ào của lũ chim trời. Chả ai có thể đuổi chúng đi được bởi chúng đậu tít trên ngọn cây cao chót vót tranh cãi điều gì đấy chẳng ai mà hay. Chao ôi! Những cây gạo già tuổi ấu thơ.
Cây gạo đầu làng gắn bó với tuổi thơ chúng tôi với bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn để rồi bao sự thêu dệt về cây gạo ấy cũng quen dần và chúng tôi khắc ghi cho tới khi trưởng thành. Tuổi thơ của tôi như một giấc ngủ trưa vụt bay rồi mất hẳn. Quê hương tôi cứ độ tháng ba về là những cây gạo to, khổng lồ hoa đua nhau nở. Từ những búp nụ xanh lủng lẳng trên cành cây cao dần dần bung hoa đỏ rực. Và chúng tôi cũng tràn đầy niềm vui sắp được nghỉ hè. Hoa gạo dâng tràn trong miền kí ức của lũ trẻ chúng tôi. Hình ảnh những bông hoa gạo như những chiếc lồng đèn lung linh trong nắng gợi cho tuổi thơ của tôi ùa về như một kỉ niệm khó quên. Nó mang đậm cái chất miền quê nông thôn miền Bắc đầy khắc nghiệt của thời tiết 4 mùa. Năm tháng qua đi, chúng tôi lớn lên cũng từ kỉ niệm của cây gạo đầu làng. Chẳng biết có phải như một điều gì khó tả hay linh thiêng gì mà cứ hễ đi ngang qua cây gạo khổng lồ đầu làng là ai cũng phải ngẩng đầu ngắm nhìn một hồi lâu rồi mới rảo bước! Lúc còn bé, bà tôi thường hay hù dọa chúng tôi khi ai đó cất tiếng khóc:
“Im nào, không bà cho ra gốc cây gạo đầu làng đấy!”
Rồi ánh mắt dáo dác nhìn vào không gian tĩnh mịch, bỗng dưng nỗi sợ của trẻ con tan mất. À tôi nhớ rồi! Người lớn hay dọa chúng tôi “Thần cây đa, ma cây gạo” là thế! Có lẽ như vậy mà cứ đứa nào quậy phá là người lớn hù dọa ra gốc đa bỏ đấy là im thin thít, không dám bật ra tiếng khóc, mặt cắt không ra một giọt máu rồi nổi da gà khi nhớ tới cây đa, hoảng hồn bấu víu chặt chân người lớn, có đứa lì lợm đến nỗi dắt đi ngang qua cây gạo chân không đi mà cứ đòi bế mới lạ chứ, chân tay cứng đơ lại mới buồn cười chứ, khóc không dám khóc. Có khi đi ngang qua ngó nghiêng xem có ai thấp thoáng gần đó không mới dám đi không thì tụt dép kẹp nách chạy như ma đuổi. Sợ thật chứ!
cay-gao-do-co-thu-dep.jpg

Hoa gạo - Văn học trẻ - Ảnh sưu tầm
Đó là khi còn bé tí chứ lớn rồi chả có gì đáng sợ. Cây gạo là chỗ chơi lí tưởng nhất của chúng tôi. Đứng dưới gốc cây trông lên ước lượng thì nó cao khoảng 15 mét chứ chẳng chơi. Cây to khoảng 6 đứa trẻ chúng tôi dang tay ra ôm lại. Cành cây vươn dài ngang dọc sải ra như nâng đỡ gió trời. Lá lúc nào cũng xanh tốt lào xào lào xào suốt ngày không ngơi nghỉ. Mùa hoa nở, bọn trẻ chúng tôi không thể trèo lên đó được. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ đến khoảng gần trưa là chúng tôi trốn mẹ cha rủ nhau đi ra cây gạo chơi ném hoa gạo để thưởng thức. Túm năm tụm bảy dưới gốc cây lấy cành cây, đá, dép ném thật mạnh lên cao rồi như “Chó táp phải ruồi” trúng thì hoa gạo rụng xuống. Đứa nào đứa nấy ùa vào tranh nhau la chí chóe “của tao, của tao, tao ném được” rồi có khi những chiếc dép vô tri kia vướng vào cành cây gạo nằm luôn trên đó. Tối về nhà, mẹ cha tặng cho một trận đòn no nê. Nhưng cũng chẳng chừa, ngày mai phục thù rủ nhau đi ném hoa gạo nhưng chủ yếu tiện thể lấy lại chiếc dép bị vương trên cành cây. Quần áo xộc xệch ống cao, ống thấp lê về nhà núp vào xó cửa, mẹ hỏi ra mới biết quần rách lên tới đũng quần lại được một trận đòn vì tốn kim, tốn chỉ (Ngày trước kim, chỉ phải phân phối).
Thời gian cũng đã khá lâu, chúng tôi lớn lên mỗi đứa một phương rồi xa quê. Cây gạo đầu làng vẫn sừng sững đứng đó, là cái tiêu cho bao nhiêu thế hệ đã qua nhớ mãi. Hình ảnh cây gạo với những chuyện ly kì, huyền bí trong trí nhớ mỗi người như câu chuyện cổ tích kể mãi không hết dâng tràn trong những ai đã thắm da dẻ hồng hào với quê hương mình. Những kí ức về cây hoa gạo như lần về tuổi thơ đầy ắp nghĩa tình làng quê, lối xóm với niềm chung vui cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quê tôi giờ đây có nhiều thay đổi, lũy tre bao bọc làng tôi ở mỗi con mương nay bị hạ xuống để nhường lại đường bê tông, nhà mái ngói đỏ thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng kiên cố, và nơi cây gạo xưa là người dân ở ken nhau. Mỗi lần dạo bước qua đó, tôi lại chợt thấy hình ảnh hoa gạo thấp thoáng đâu đây…
Bài của Phùng Văn Định
Thêm
Hoa gạo tuổi thơ nhớ mãi khó quên
  • Like
Reactions: Vanhoctre
405
1
1
Top