sáng tác Hoa gạo tuổi thơ nhớ mãi khó quên

sáng tác Hoa gạo tuổi thơ nhớ mãi khó quên

Ngoài cây gạo ở đồng Mang Cá cách làng tôi ở chừng 2 km thì trong làng còn nhiều cây gạo khổng lồ khác nữa. Dọc các con đường làng chính rất là nhiều được trồng cách xa nhau, không biết nó tự mọc hay ai trồng từ thuở nào mà sao cây nào cây nấy cao, to, sừng sững chiếm mất cả một khoảng đất rộng cơ chứ. Những cây gạo khổng lồ còn là chỗ hóng mát buổi trưa của người dân quê tôi mỗi độ hè về và cũng là chỗ ồn ào nhất của lũ trẻ chúng tôi: Chơi trốn tìm, thách đố nhau, chơi ô, đánh khăng, đánh đáo…Và cây gạo đẹp nhất khi tháng ba về, hoa nở đỏ cành và không lúc nào ngưng tiếng ồn ào của lũ chim trời. Chả ai có thể đuổi chúng đi được bởi chúng đậu tít trên ngọn cây cao chót vót tranh cãi điều gì đấy chẳng ai mà hay. Chao ôi! Những cây gạo già tuổi ấu thơ.
Cây gạo đầu làng gắn bó với tuổi thơ chúng tôi với bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn để rồi bao sự thêu dệt về cây gạo ấy cũng quen dần và chúng tôi khắc ghi cho tới khi trưởng thành. Tuổi thơ của tôi như một giấc ngủ trưa vụt bay rồi mất hẳn. Quê hương tôi cứ độ tháng ba về là những cây gạo to, khổng lồ hoa đua nhau nở. Từ những búp nụ xanh lủng lẳng trên cành cây cao dần dần bung hoa đỏ rực. Và chúng tôi cũng tràn đầy niềm vui sắp được nghỉ hè. Hoa gạo dâng tràn trong miền kí ức của lũ trẻ chúng tôi. Hình ảnh những bông hoa gạo như những chiếc lồng đèn lung linh trong nắng gợi cho tuổi thơ của tôi ùa về như một kỉ niệm khó quên. Nó mang đậm cái chất miền quê nông thôn miền Bắc đầy khắc nghiệt của thời tiết 4 mùa. Năm tháng qua đi, chúng tôi lớn lên cũng từ kỉ niệm của cây gạo đầu làng. Chẳng biết có phải như một điều gì khó tả hay linh thiêng gì mà cứ hễ đi ngang qua cây gạo khổng lồ đầu làng là ai cũng phải ngẩng đầu ngắm nhìn một hồi lâu rồi mới rảo bước! Lúc còn bé, bà tôi thường hay hù dọa chúng tôi khi ai đó cất tiếng khóc:
“Im nào, không bà cho ra gốc cây gạo đầu làng đấy!”
Rồi ánh mắt dáo dác nhìn vào không gian tĩnh mịch, bỗng dưng nỗi sợ của trẻ con tan mất. À tôi nhớ rồi! Người lớn hay dọa chúng tôi “Thần cây đa, ma cây gạo” là thế! Có lẽ như vậy mà cứ đứa nào quậy phá là người lớn hù dọa ra gốc đa bỏ đấy là im thin thít, không dám bật ra tiếng khóc, mặt cắt không ra một giọt máu rồi nổi da gà khi nhớ tới cây đa, hoảng hồn bấu víu chặt chân người lớn, có đứa lì lợm đến nỗi dắt đi ngang qua cây gạo chân không đi mà cứ đòi bế mới lạ chứ, chân tay cứng đơ lại mới buồn cười chứ, khóc không dám khóc. Có khi đi ngang qua ngó nghiêng xem có ai thấp thoáng gần đó không mới dám đi không thì tụt dép kẹp nách chạy như ma đuổi. Sợ thật chứ!
cay-gao-do-co-thu-dep.jpg

Hoa gạo - Văn học trẻ - Ảnh sưu tầm
Đó là khi còn bé tí chứ lớn rồi chả có gì đáng sợ. Cây gạo là chỗ chơi lí tưởng nhất của chúng tôi. Đứng dưới gốc cây trông lên ước lượng thì nó cao khoảng 15 mét chứ chẳng chơi. Cây to khoảng 6 đứa trẻ chúng tôi dang tay ra ôm lại. Cành cây vươn dài ngang dọc sải ra như nâng đỡ gió trời. Lá lúc nào cũng xanh tốt lào xào lào xào suốt ngày không ngơi nghỉ. Mùa hoa nở, bọn trẻ chúng tôi không thể trèo lên đó được. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ đến khoảng gần trưa là chúng tôi trốn mẹ cha rủ nhau đi ra cây gạo chơi ném hoa gạo để thưởng thức. Túm năm tụm bảy dưới gốc cây lấy cành cây, đá, dép ném thật mạnh lên cao rồi như “Chó táp phải ruồi” trúng thì hoa gạo rụng xuống. Đứa nào đứa nấy ùa vào tranh nhau la chí chóe “của tao, của tao, tao ném được” rồi có khi những chiếc dép vô tri kia vướng vào cành cây gạo nằm luôn trên đó. Tối về nhà, mẹ cha tặng cho một trận đòn no nê. Nhưng cũng chẳng chừa, ngày mai phục thù rủ nhau đi ném hoa gạo nhưng chủ yếu tiện thể lấy lại chiếc dép bị vương trên cành cây. Quần áo xộc xệch ống cao, ống thấp lê về nhà núp vào xó cửa, mẹ hỏi ra mới biết quần rách lên tới đũng quần lại được một trận đòn vì tốn kim, tốn chỉ (Ngày trước kim, chỉ phải phân phối).
Thời gian cũng đã khá lâu, chúng tôi lớn lên mỗi đứa một phương rồi xa quê. Cây gạo đầu làng vẫn sừng sững đứng đó, là cái tiêu cho bao nhiêu thế hệ đã qua nhớ mãi. Hình ảnh cây gạo với những chuyện ly kì, huyền bí trong trí nhớ mỗi người như câu chuyện cổ tích kể mãi không hết dâng tràn trong những ai đã thắm da dẻ hồng hào với quê hương mình. Những kí ức về cây hoa gạo như lần về tuổi thơ đầy ắp nghĩa tình làng quê, lối xóm với niềm chung vui cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quê tôi giờ đây có nhiều thay đổi, lũy tre bao bọc làng tôi ở mỗi con mương nay bị hạ xuống để nhường lại đường bê tông, nhà mái ngói đỏ thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng kiên cố, và nơi cây gạo xưa là người dân ở ken nhau. Mỗi lần dạo bước qua đó, tôi lại chợt thấy hình ảnh hoa gạo thấp thoáng đâu đây…
Bài của Phùng Văn Định
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre
399
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top