“BÀI CA CHIM BÁO BÃO” - MỘT SỨC SỐNG TRÀO DÂNG CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

“BÀI CA CHIM BÁO BÃO” - MỘT SỨC SỐNG TRÀO DÂNG CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

H
H.A
  • Thành Viên đến từ TP. HCM
Cách mạng là cải cách toàn diện do một dân tộc, một tổ chức hay một cá nhân bằng các hoạt động đấu tranh diễn ra liên tục. Maxim Gorky, nhà văn của “tầng lớp du thủ du thực” khoái trá hưởng ứng bầu không khí sục sôi của những cuộc đấu tranh ở từng ngóc ngách ở nước Nga, từ nhà máy, làng quê, trường học,... qua tác phẩm chào đón thế kỷ XX - "Bài ca chim báo bão". "Bài ca chim báo bão" ra đời dấy lên một làn sóng mạnh mẽ, nối kết thành một tinh thần hào hùng của Cách mạng trong lòng đông đảo quần chúng nhân dân.

Bối cảnh lịch sử cuối XIX - đầu XX ở nước Nga hết sức phức tạp. Giai đoạn này, nước Nga trở thành nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc. Trong tình hình đó, những tư tưởng Bolshevik của Lênin vĩ đại, hừng hực tính chiến đấu đã khích lệ niềm tin tưởng mạnh mẽ trong lòng đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó có Gorky. Vào năm 1901, Maxim Gorky đã là thành viên tiêu biểu và hoạt động sôi nổi trong nhóm “Tia lửa” thuộc Đảng Công nhân dân chủ. Do đó, chúng ta luôn cảm nhận được sức sống của tinh thần Cách mạng vận động rất rõ ràng trong những sáng tác của ông. Mùa xuân năm 1901, thời điểm khởi động kỷ nguyên mới, Maxim Gorky thổ lộ với vợ rằng: “...trong tim anh chói sáng ánh bình minh của mùa xuân và lòng ngực căng tràn nhịp thở..”. Niềm hăng say này cũng dễ dàng bắt gặp trong từng nét bút của nhà văn Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Ví dụ, trong thơ ca có Tố Hữu với “mặt trời chân lý chói qua tim”, còn trong mảng văn xuôi có vô số các nhân vật đại diện, từ cô nữ sinh, cô y tá, vợ người chiến sĩ, đến bà lão hàng nước, ông lão chèo đò... đều hừng hực nhiệt huyết chiến đấu chống xâm lăng. Có thể thấy, văn học Việt Nam thời kỳ đó cực kỳ đậm nét tinh thần cách mạng, giống những gì Gorky hướng đến trong các sáng tác của mình. Đó là một khát vọng mạnh mẽ hướng về sự tự do. Những phong trào cách mạng do đó mà tất yếu phải diễn ra, mở ra con đường giải thoát nhân dân cùng khổ bằng cách đi theo dẫn dắt của Đảng.

Phong trào cách mạng chí ít phải mang theo tinh thần vô vụ lợi, anh dũng, hưởng ứng đấu tranh, xem nhẹ những hiểm nguy chắc chắn sẽ xảy ra để hướng tới cái chung là giải thoát đồng bào và giật lấy tự do. Cũng giống như loài chim báo bão, nó sẵn sàng dùng cánh xé gió bay giữa khoảng trời hung hăng mây bão. Những bất công của xã hội, những mâu thuẫn giữa hai phe phái cầm quyền, sự nghèo khổ làm con người mất lương tri, tất cả đều là những đám mây xám xịt bị dồn nén, gió kết chúng dính vào nhau, đợi một đợt bùng nổ ầm vang. Sau cơn bão, một xã hội tân tiến, tự do và tốt đẹp sẽ xuất hiện, cũng giống như một bầu trời trong xanh, hùng vĩ bao trùm thiên nhiên. Nếu như Dostoyevsky không thường miêu tả cảnh đẹp xung quanh, yêu chuộng việc nhìn thấu vào bên trong con người thì Maxim Gorky hoàn toàn ngược lại. Thiên nhiên trong tác phẩm Maxim Gorky lúc nào cũng đẹp đẽ, vĩ đại qua ánh nhìn tinh tường của một nhà cải cách. Điển hình trong truyện ngắn "Bài ca chim báo bão", từng câu chữ viết ra đưa chúng ta đến một “bình nguyên bạc” rộng lớn, một chiến trường oai hùng của loài chim báo bão. Cụ thể hơn ở chiến trường đó, “mây là là buông thấp dần xuống mặt biển, mỗi lúc một u ám, và sóng biển réo lên, vươn cao lên đón sấm. Sấm vang dậy. Sủi bọt căm hờn, sóng cất tiếng than đáp lời gió. Gió ôm đoàn sóng biển trong đôi tay hùng vĩ và tung sóng lao vào vách đá trong cơn hung hãn man dại, và những khối nước khổng lồ màu ngọc bích vỡ tung tóe thành muôn hạt bụi trong”. Vì đang ở “địa bàn” của chính mình, khác với loài chim hải âu rên rỉ thoái chí, loài chim lặng sợ hãi đấu tranh, con vịt run rẩy ẩn nấp trốn tránh một cách khờ khạo mang theo bản năng kẻ hèn nhát, chim báo bão như một hung thần với “tiếng kêu khao khát bão táp”, “bay lượn ngang tàng và tự do”. Tinh thần cao cả này làm chúng ta liên tưởng đến một tác phẩm của ông vào cuối thế kỷ XIX - “Bà lão Izergil”, đoạn về huyền thoại anh hùng Danko. Danko trong truyện một mình động viên quần chúng vượt lên, băng qua khu rừng sâu hun hút chẳng biết đường lần để tìm đến một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Dẫu con đường khó khăn, rút cạn sức lực, trỗi dậy con người cộc cằn, thô lỗ trong tầng lớp công dân bần hèn, cơ cực nhưng nó vẫn có một tia hi vọng. Nếu quay về, chịu trói buộc và chịu đựng ở mảnh đất cũ, họ đánh mất tương lai. Cũng giống như Danko, chim báo bão không chùn bước trước hiểm nguy, đương đầu xé sóng cản gió với một nỗi hăng say trong trái tim nhỏ bé. Có thể trong “Bài ca chim báo bão” không rõ ràng về sự động viên giúp con người tìm thấy con đường tươi sáng bằng Danko - người đổi lấy sự sống của bản thân để cứu vớt một tập thể to lớn. Tuy nhiên, hình ảnh chim báo bão sảng khoái tung cánh giữa biển khơi đang gọi dậy cơn bão táp lại mang một ánh sáng đẹp đẽ, thức tỉnh những sinh vật bên dưới còn đang lo lắng, sợ sệt. Có lẽ vì thế cho nên văn chương Maxim Gorky luôn được đánh giá cao về khả năng khơi gợi, đánh thức lương tri, khả năng biết xấu hổ sâu thăm thẳm trong tâm hồn con người.

“Bài ca chim báo bão” kết thúc với lời kêu gọi hào hùng: “Dữ dội hơn nữa, bão táp hãy nổi lên!”. Các lực lượng cách mạng vui sướng reo hò về “Bài ca chim báo bão” như một tuyên ngôn cho những cuộc chiến đấu rực lửa. Bài ca sau đó cũng được chép tay, đánh máy, in truyền thành đơn rải khắp các nhà máy, xóm thợ, làng thôn. Câu kết thúc của Bài ca chim báo bão lần nữa được nhắc lại trong tác phẩm “Trước cơn bão táp” (1906) của nhà hoạt động cách mạng đại tài Lênin.

Maxim Gorky cũng được lấy làm ví dụ cho một nhà tiên tri trong sáng tác, đặc biệt với tầm ảnh hưởng của “Bài ca chim báo bão”. Bằng khả năng ngôn ngữ tài ba cùng với vốn am hiểu sâu rộng về đời sống tinh thần, nhà văn đã khai phá khả năng kết nối với trạng thái “mặc khải”. Bài ca được ví như tín hiệu Maxim Gorky gửi đến cho dân tộc về Cách mạng tháng Mười năm 1917. Những con người là dân lao động khổ sai, người đầy tớ, người sống không mục đích, không lý tưởng, không tương lai từ giờ phút ấy đã là những “đồng chí” hướng đến một kết quả chung, san sẻ và yêu thương. Đó là lý tưởng vô cùng đẹp đẽ và mang tính cứu rỗi nhân loại, một lý tưởng “vô sản và thế giới đoàn kết lại”.​
 

Đính kèm

  • 1..png
    1..png
    837.8 KB · Lượt xem: 150
Từ khóa
cách mạng tháng mười nga maksim gorky tác giả lớn của văn học nga
195
3
2

Thích Văn Học

Sáng tạo nội dung (content)
30/9/21
149
15
18,000
Hà Nội
forum.vanhoctre.com
Xu
954,737
Ảnh bạn đăng lên chưa mở rộng (full) nên khi mở bài ra đọc, ảnh không hiện trong bài viết. Bạn hãy điều chỉnh lại

 
  • Like
Reactions: H.A

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top