Soạn văn Vài nét về nhà văn Sương Nguyệt Minh, Ngữ văn 10, Cánh Diều

Soạn văn Vài nét về nhà văn Sương Nguyệt Minh, Ngữ văn 10, Cánh Diều

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Tác giả Sương Nguyệt Minh là nhà văn, nhà báo và là đại tá đang công tác tại Ban sáng tác - Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn đã giành nhiều giải thưởng văn học. Để học tốt hơn văn bản Người ở bến sông Châu (sách giáo khoa Ngữ văn 10, bộ Cánh Diều), VHT mời các em học sinh 10 cùng tìm hiểu đôi nét về nhà văn Sương Nguyệt Minh.

sương_nguyệt_minh_chân_dung.jpg
Ảnh: Nhà văn Sương Nguyệt Minh (sưu tầm)

Sương Nguyệt Minh tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1958. Quê ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nhà văn xuất thân trong gia đình Nho học. Anh từng là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Sương Nguyệt Minh tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Ngữ văn. Là người thích đi và không ngại gian khổ, Sương Nguyệt Minh đã in dấu chân của mình qua khắp các miền Tây Bắc, Tây Nguyên. Chính vì thế mà tác giả viết văn bằng sự trải nghiệm và thể nghiệm của một con người đi ra từ cuộc chiến, của một con người từng lăn lộn qua những ngày đói no cùng nhân dân trong các chuyến thực tế.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh có phong cách sáng tác khá độc đáo. Trong các sáng tác của anh, hình ảnh làng quê với những góc nhìn vừa hiện thực, vừa lãng mạn đan cài, soi chiếu vào nhau được hiện lên chân thật và sống động. Hiện lên trên mỗi trang văn của Sương Nguyệt Minh là phong cách viết lịch lãm, tài hoa nhưng tinh tế. Nguyễn Hữu Đại đã từng nhận xét về văn phong của Sương Nguyệt Minh như sau: “Nếu như có thể nếm được, thì các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đều có vị ngọt và cay. Đó là vị ngọt của phong cảnh làng quê của trăng nước, tình người, vị cay xót của số phận con người”. Có thể nói, cảm xúc của Sương Nguyệt Minh được dồn nén chân thực, xúc động qua những mảnh đời, những thân phận éo le, ngang trái, những tình cảm trớ trêu, nghiệt ngã sau trận chiến. Nhà văn chú ý khai thác thân phận, trách nhiệm, tình yêu, bi kịch thời hậu chiến… thông qua những trang viết đầy ám ảnh và lôi cuốn, gửi đến độc giả những bức thông điệp thấm thía, sâu sắc về bài ca sức sống mãnh liệt của con người, về lòng nhân ái, niềm tin yêu và khát vọng sống trong an bình.

Các tác phẩm tiêu biểu: Đêm Thánh Vô Cùng (tập truyện ngắn, năm 2011); Lửa cháy trong rừng hoang; Người về bến sông Châu; Nỗi đau dòng họ; Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao; Bản kháng án bằng văn; Mây bay cuối đường; Đêm làng Trọng Nhân; Đêm Pà Cò; Nơi hoang dã đồng vọng; Những bước đi vào đời; Đi qua đồng chiều (tập truyện ngắn, năm 2004); Mười ba bến nước; Dị Hương (tập truyện ngắn, năm 2011); Đàn ông chọn khe ngực sâu (tập tản văn, năm 2013); Trong cơn đại hồng thủy; Miền hoang (tiểu thuyết, năm 2014).

Các giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi bút ký báo Giáo dục thời đại năm 2004 với tác phẩm "Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao"; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn cuộc thi Nhà xuất bản Giáo dục với tác phẩm "Những bước đi vào đời", năm 2004; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm 1999 – 2004 với tập bút ký "Trong cơn đại hồng thủy"; Giải thưởng cuộc thi tập truyện ngắn của Nhà xuất bản Thanh niên với tập truyện ngắn "Đi qua đồng chiều", năm 2004; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội với tác phẩm "Bản kháng án bằng văn", năm 1996; Giải thưởng truyện ngắn cuộc thi Cây bút vàng của tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (1998 - 2001) với tác phẩm "Lửa cháy trong rừng hoang"; Giải thưởng cuộc thi bút ký Đài tiếng nói Việt Nam năm 2002 -2003 với tác phẩm "Đêm Pà Cò"; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004 với tác phẩm "Mười ba bến nước"; Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2010.​

Riêng truyện ngắn Người về bến sông Châu được các tác giả biên soạn sách giáo khoa Chương trình 2018 đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10.
....................................................
Triều Anh biên tập. Chúc các em học tốt!
 
Từ khóa
giải thưởng của sương nguyệt minh người ở bến sông châu văn 10 cánh diều nhà văn sương nguyệt minh nhận định về sương nguyệt minh phong cách sáng tác của sương nguyệt minh tác phẩm chính của sương nguyệt minh tiểu sử sương nguyệt minh
7K
0
3

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Văn chương phải chạm tới thân phận con người​


Sương Nguyệt Minh là nhà văn mặc áo lính có 25 năm cầm bút. Anh là tác giả của bảy tập truyện ngắn, hai tập bút ký - tản văn và mới đây nhất là tiểu thuyết Miền hoang được trao giải sách hay 2015.

Từng là lính trận ở biên giới Tây Nam và tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, văn chương Sương Nguyệt Minh luôn tràn đầy cảm hứng trận mạc, số phận người lính. Độc giả cũng biết đến anh với cái nhìn sắc sảo và ngòi bút tung tẩy về tâm lý xã hội hiện đại, về đề tài phụ nữ...

* Miền hoang tiếp tục những trang viết về chiến tranh, với một vùng hiện thực ít được đề cập trong văn học. Điều gì thôi thúc anh trở lại với vùng ký ức ấy?

- Quê tôi ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; chỉ riêng thôn tôi sống cũng đã có ba người lính nằm lại chiến trường Campuchia. Chúng tôi ra trận trong tâm thế “giúp bạn cũng là giúp mình”.

Sau 5 năm đi bộ đội và từ chiến trường trở về quê, một người mẹ có con cùng làng, cùng ngày nhập ngũ, cùng một đơn vị đã ôm lấy tôi nức nở: “Lúc đi thì có anh có em, lúc về sao anh không rủ em về?”.

Người anh họ ra chiến trường cùng tôi, tối hôm trước còn ngủ với đồng đội trong hầm dã chiến ở bãi phù sa trồng bí ngô bên sông Tonlesap, sáng hôm sau không thấy. Anh em bổ đi tìm, thấy anh nằm cách trận địa cao xạ khoảng 200m, bị đóng một cọc vào miệng, và bốn cọc vào bàn chân, bàn tay...

Mỗi dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ, đồng đội gặp lại nhau, những câu chuyện như thế cùng với lớp lớp ký ức của bạn bè thức dậy. Đồng đội tôi cứ thúc giục, và trách tôi không viết về những năm tháng đau đớn ấy.

Còn một điều nữa, tôi có cảm giác cuộc chiến này dường như đang bị lãng quên trong những mối lo toan cơm áo gạo tiền của cuộc sống đương đại gấp gáp. Đành rằng chiến tranh đã qua, chúng ta phải sống với ngày hôm nay và tương lai, nhưng máu xương của bao người ra trận thì không thể lãng quên...

* Anh viết Miền hoang dễ hay khó ?

- Quá nhọc nhằn. Tôi đặt bút viết từ tháng 5/2013 đến giữa năm 2014 thì xong, bản thảo lúc đầu không đầy đặn như bây giờ. Từ bản thảo này, tôi nhận được sự chia sẻ, động viên của anh em đồng nghiệp, bạn văn.

Tôi nhận thấy nếu cứ để như thế thì sẽ lại giống, lại đi vào vết chân của người viết văn trước. Phải mở một hướng mới lạ, khác biệt và từ một người kể lúc đầu, tôi cho bốn nhân vật thay nhau kể. Năm điểm nhìn cuộc chiến và đời sống khác nhau.

Lúc đầu không có đề từ ở mỗi chương, sau tôi nghĩ nên có thông tin thông tấn. Chính thông tin có tính chất báo chí thay cho đề từ lại là bối cảnh cho nhân vật thể hiện tính cách, cá tính; đồng thời độc giả trẻ hiểu thêm về một cuộc chiến ở ngoài biên giới. Cách làm đề từ này cũng cho tôi cảm hứng khác với kiểu đề từ mang tính triết lý như người ta vẫn làm...

* Có cảm giác cuốn tiểu thuyết này, chất văn không đậm đà, nhiều dụng công... như vốn thấy ở các truyện ngắn của anh. Một sự chủ ý hay do áp lực quá lớn của nguồn tư liệu đồ sộ?

- Tôi nghĩ Miền hoang là cuốn tiểu thuyết chỉ ít chất thơ, chất trữ tình so với các truyện ngắn của tôi thôi. Đây là chủ ý của tôi, muốn giảm thiểu sự đưa đẩy dẫn dắt rề rà, để tạo nhịp độ nhanh hơn cho tác phẩm.

Mỗi lần viết là một lần làm mới, không chỉ mình khác với người khác, mà còn phải khác với chính mình trước đây. Có lẽ cái “tạng” của tôi phải cựa quậy, luôn luôn thay đổi, để đa giọng điệu, đa phong cách. Miền hoang với tôi là một bước ngoặt trong nỗ lực thay đổi ấy.

Tôi vẫn thường hỏi bạn bè có đọc được đến trang cuối cùng không? Nếu đọc đến trang cuối cùng thì nghĩa là tôi yên tâm, còn nếu bỏ dở có nghĩa là nhà văn thất bại. Trong khối tư liệu đồ sộ như thế, cũng phải chọn những gì rất điển hình, phục vụ cho tư tưởng tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật phải liên tục xuất hiện, trang nào cũng phải xuất hiện, làm cho bạn đọc bị dẫn dụ ... “ngộp thở”.

* Nhìn lại chặng đường sáng tác của mình, anh tự nhận thấy tính đa giọng điệu, đa phong cách thể hiện thế nào?

- Giai đoạn đầu tôi viết trong trường thẩm mỹ truyền thống với những tác phẩm như Đêm làng Trọng Nhân, Người về bến sông Châu, Nỗi đau dòng họ, Mây bay cuối đường... Sau đó có sự thay đổi với những bút pháp hiện thực, huyền ảo như Nơi hoang dã đồng vọng, Mười ba bến nước, Dị Hương, hay mổ xẻ, nghĩ ngợi về các vấn đề tâm lý xã hội như tạp văn Đàn ông chọn khe ngực sâu... Còn bây giờ là sự thay đổi các điểm nhìn, cách kể khác biệt ở Miền hoang.
(Báo Phụ Nữ online)​
 

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Dấn thân và bùng nổ​


Ngỡ như anh là người trầm tĩnh suy tư, nhưng khi gặp mặt tôi mới hay, anh đôn hậu và chân tình. Anh bộc bạch đủ mọi chuyện, kể cả những ví von hài hước, châm biếm ngay chính mình. Tôi lại bị thu hút đúng như khi đọc truyện của anh. Lúc ngạc nhiên, lúc lại bật cười...

Long đong trước khi “bán chữ”

Sự nghiệp văn chương chưa đâu vào đâu, Nguyễn Ngọc Sơn (tên thật của nhà văn Sương Nguyệt Minh) đã lấy vợ năm 1986 và quyết dấn thân vào con đường buôn bán kiếm tiền. Thời bao cấp, đời sống cán bộ công nhân viên như anh chàng Sơn 28 tuổi còn nhiều khó khăn.

Cho dù đã mang cấp hàm thượng úy làm tuyên huấn tại Học viện Quân y, nhưng đâu có đủ tiền nuôi vợ, khi ấy còn là sinh viên năm thứ nhất. Đến khi có con trai đầu lòng, chẳng còn cách nào khác phải lén ngầm đi buôn bán kiếm tiền mua sữa cho con.

Đầu tiên là nuôi gà giống tại nhà, nhưng không biết cách nuôi nên gà chết cả đống, mất cả chì lẫn chài. Sau về tận quê Ninh Bình buôn trứng vịt lộn, cũng sôi hỏng bỏng không, vì đâu có biết gì. Hàng trăm quả trứng, bọc giấy nhét cả vào thùng sắt thế là đi tong. Xe nó xóc cho đến người cũng nôn ọe nữa là trứng. Hai vợ chồng cùng khóc trong đêm tối không dám cho bà con tập thể biết.

Tờ mờ sáng đem cả thúng trứng vỡ đổ xuống ao. Toi mất hết số vốn để dành cả năm trời. Ngẫm thấy kiếm tiền nuôi vợ con sao mà khó. Nhưng không nản, chàng Thượng úy Sơn lại dấn thân một chuyến buôn nữa, vào tận “Sè Gòn” chơi một quả toàn tập: quần, áo lót đàn bà. Một cây vàng làm vốn chứ có ít. Đóng liền hai thùng chật ních hàng.

Sơn ta nghĩ phen này quyết làm giàu, không một vốn bốn lời, thì cũng phải một bung thành hai. Đúng là trời không có mắt chẳng ủng hộ người nghèo. Hai vợ chồng khênh hàng đi đâu cũng chẳng ai mua. Vì sao không biết. Mẫu mã ư? Không, rất đẹp mà. Chất liệu ư? Đâu có, toàn vải xịn bóng mượt. Hay là giá cả? Hạ lấy vốn cũng chẳng ai thèm.

Thế mới chết. Sau cùng mới vỡ nhẽ vì kích cỡ bé quá. Mua nhầm hàng. Thế là muốn khóc không còn nước mắt. Vì ức quá! Chẳng lẽ đấm ngực mà chết!? Vỡ mộng làm giàu lại quay về làm anh thượng úy đủ tiền mua tem phiếu như ngày nào. Sơn ta chỉ biết thở dài ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nhưng vẫn chưa hết nhé. Dù sao trời cũng không phụ lòng người. Có gan làm giàu. Thua keo này bày keo khác. Phút lóe sáng trong một thời cơ mà chỉ có Thượng úy Sơn mới nghĩ ra. Đó là việc đào giếng khoan nước bán cho các hộ dân ở khu tập thể của Học viện Quân y.

Bởi ngày ấy cả khu hỏng nguồn nước máy. Nghe chừng không biết bao giờ có nước trở lại. Sớm tối, đêm hôm mọi người thay nhau đi hứng nước và đi xin nước ở tận xa. Trong cơn cồn cào khát nước ấy, Sơn ta có ý tưởng mới lạ, khoan giếng bán nước. Giếng sâu cả trăm mét mới có nước sạch.

Hai trăm rưỡi hộ dân trong khu tập thể của Học viện kìn kìn đến mua. Thế là ông chủ máy nước Nguyễn Ngọc Sơn nổi lên như một hiện tượng tài ba. Nhưng rồi cuối cùng lộc đến cũng chẳng được là bao khi nguồn nước chính được khôi phục. Thôi thì cứ gọi là một chuyến làm ăn thành công duy nhất cũng an ủi phần nào cho anh chàng chuyên trách tuyên huấn nghèo rớt mùng tơi.
Nhưng sau những vụ làm ăn đổ bể, lại quá vất vả, chàng Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn bỗng nhận ra mình phải quẳng mọi bon chen, xô đẩy, quay về với ước mơ từ thời trai trẻ. Đó là mộng văn chương. Thế là anh rũ hết mọi chuyện mưu sinh chạy chợ cò con.

Quả không ngờ Nguyễn Ngọc Sơn đã trở về với chính mình. Những con chữ cuồn cuộn tuôn chảy. Ngay những đêm đầu tiên cầm bút, mọi chuyện trùng điệp trở về, với những hình ảnh làng quê, hay ký ức của một thời cầm súng chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và chiến trường Campuchia. Nóng bỏng và quyết liệt. Đó là những đêm thức trắng không còn biết mệt mỏi. Cuộc dấn thân mới bắt đầu từ đây.

Sự bùng nổ bất ngờ

Ngay tác phẩm đầu tiên Nguyễn Ngọc Sơn đã gặp sự cố kỳ lạ với cái bút danh bị biến hóa. Đó là truyện ngắn Nỗi đau dòng họ, ban đầu với cái tên tác giả là Sơn Nguyệt Minh, trong bản thảo. Bút danh được ghép bởi ba cái tên Sơn (tác giả) với tên vợ là Nguyệt và con là Minh. Nhưng không hiểu sao khi in ra lại thành Sương Nguyệt Minh.

Ngay ở một số bài báo in ở Báo Quân đội nhân dân, hay vài nơi khác cũng bị người đánh máy sửa thành Sương Nguyệt Minh. Thậm chí có nơi còn in sai hẳn thành Sương Nguyệt Ánh. Nói mãi không được, cái tên Sương Nguyệt Minh được in đi in lại thành danh xưng, thôi đành chịu. Thế là nhà văn trẻ quân đội lúc đó mang tên Sương Nguyệt Minh ngay từ truyện ngắn đầu tiên. Cho đến tận bây giờ vẫn không hay cái tên ấy bị thay đổi từ đâu và do ai gây ra.

Nhưng cái bút danh đầy trắc trở ấy cũng gắn với những sự cố ngay sau khi truyện Nỗi đau dòng họ in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tháng 5-1992). Dân quê anh ở Yên Mỹ xôn xao về truyện ngắn này kể về sự mâu thuẫn giữa hai dòng họ trong làng. Một dòng họ đối địch còn cử người đại diện lên tận Hà Nội kiện tác giả vì cho là đã bêu xấu họ trên báo chí. Họ còn lùng tìm và điều tra ai là tác giả.

Khi biết chính cái tên Nguyễn Ngọc Sơn, người làng Yên Mỹ là tác giả Sương Nguyệt Minh, họ còn đe dọa nếu anh về làng sẽ ăn no đòn, không tha. Đúng là phải ba năm sau đó, nhà văn trẻ Sương Nguyệt Minh mới dám về làng, dưới sự bảo vệ của những thanh niên trai tráng thuộc dòng họ Nguyễn nhà anh. Nhưng vẫn chưa hết vận hạn.

Cũng bởi sự kiện tụng đó mà truyện ngắn Nỗi đau dòng họ, tuy được đánh giá là hay, nhưng không được đưa vào diện xét giải cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm ấy. Có thể nói truyện ngắn Nỗi đau dòng họ mở đầu cho sự nghiệp văn học của Sương Nguyệt Minh.

Cho dù trước đó từ những năm từ 1975 đến 1978, anh đã từng không ít lần viết báo, nhưng đúng là khi dấn thân vào lĩnh vực văn chương anh đã nổi lên như một hiện tượng, với sự cố bất ngờ. Đồng thời truyện ngắn này là sự khích lệ sau đó cho một loạt truyện ngắn và những tập sách ra đời của Sương Nguyệt Minh.

Năm 1998, anh được chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên. Sau đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh làm Trưởng ban Văn xuôi, với quân hàm đại tá. Đến năm 2010, anh xin thôi chức và chuyển sang Ban Sáng tác của Tạp chí cho đến nay.

Nói về những hệ lụy văn chương, Sương Nguyệt Minh còn kể đến cuộc tấn công ghê gớm khác vào tác phẩm của anh. Đó là dư luận dồn dập tranh luận về tập truyện ngắn Dị Hương, khi được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010.

Có những bài viết khảo luận về tập truyện ngắn Dị Hương, với những thẩm định chủ quan và có phần suy luận sai lệch, được một tờ báo mạng in đúng ngày mùng một tết 2011. Cả nhà anh sửng sốt với dư luận ồn ào nói về Dị Hương đã bôi nhọ lịch sử, sai lệch về tư tưởng, không đáng được giải thưởng...

Không khí đượm buồn trong ngày xuân làm cả nhà không vui. Bạn bè đồng nghiệp có người còn nghi kị, hay lo sợ nhà văn Sương Nguyệt Minh sụp đổ tinh thần. Nhưng anh vẫn tỏ ra bình tĩnh với một bản lĩnh kiên cường của người lính.

Bởi anh biết họ, những người gây sóng gió cho anh, không hề khách quan mà còn có sai lệch trong những quy kết chụp mũ. Thậm chí có người còn đọc không kỹ lưỡng đã phát ngôn thiếu trách nhiệm nên anh cùng những người thân trong gia đình giữ vững tinh thần và im lặng không nóng vội cãi vã hay đăng đàn tranh luận. Mọi chuyện dần tắt sau hai tháng ồn ào, nhưng dù sao cũng để lại dư âm, vang vọng nỗi sầu nhân thế.

Không ngờ hai năm sau sóng gió lại nổi lên, khi Sương Nguyệt Minh đưa tiểu thuyết đầu tay của mình dự Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014. Đó là cuốn Miền Hoang nói về cuộc sống chiến tranh của những người lính về cả hai phía địch - ta.

Tác giả đã có nhiều tìm tòi nghệ thuật biểu hiện tâm lý nhân vật, với con mắt tinh tế, khi soi sáng số phận và tính cách đối kháng của những nhân vật đầy phức tạp. Họ sống trong một hoàn cảnh trớ trêu, phải dựa vào nhau, khi bị lạc trong một miền rừng núi, hoang vu. Mỗi người là một câu chuyện, với những số phận đưa đẩy họ vào cuộc chiến.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tác phẩm muốn truyền đạt ý tưởng, khi niềm tin và khát vọng được sống trong hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp con người vươn tới một tương lai tươi sáng. Vậy mà dư luận lại nổ bùng với nhiều sự soi sét khác nhau trên văn đàn. Đặc biệt cuốn sách còn được mổ xẻ kỹ đến mức Hội đồng chấm giải phải luận bàn đến mấy buổi. Cuối cùng Miền Hoang không được vào giải. Quả là một sự kiện văn học còn phải khám phá nếu cần thiết.

Khắc khoải những dư chấn

Nhưng thật bất ngờ sau đó tiểu thuyết Miền Hoang lại được nhận Giải sách hay năm 2015 (do Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục trao tặng). Đúng là đường đời muôn nỗi. Những hệ lụy của tác phẩm văn học khá khách quan, khi thuận, khi nghịch không thể ngăn cản. Sự dấn thân là một quá trình lao động khổ sai. Mọi ý tưởng đôi khi trượt khỏi những biến hóa của đời sống nhân vật, nếu bản lĩnh nghệ thuật của tác giả không vững vàng.

Hơn nữa, giữa muôn vàn lớp sóng của đại dương dư luận, nếu con tàu văn học không bị chòng chành mới là chuyện lạ. Nhưng con tàu vẫn hướng tới chân trời. Đó mới chính là đời sống văn học. Và, những tác phẩm của Sương Nguyệt Minh chính vì thế mà trở thành hiện tượng đáng được bạn đọc quan tâm.

Tác giả: Vương Tâm
 

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Đi qua bến nước mười ba...​

Người ta thường bảo những người ở Văn nghệ Quân đội thường có cá tính mạnh, lúc đầu tôi cũng không chắc thế, nhưng càng về sau tôi càng thấy đúng. Quen biết Sương Nguyệt Minh lâu tôi biết anh đúng là một tay vừa hổ lửa vừa hồn nhiên, lại có khi lạnh lùng, phớt đời. Anh đã yêu ai thì yêu hết mình, người anh yêu có sai thì anh cũng quyết ngăn đập, đắp đất chắn sóng đã, rồi hồi sau mới đóng cửa bảo nhau, còn ai bị ghét thì anh hoặc là lặng lẽ phớt lờ, không nhắc đến tên, coi như người đó không tồn tại trong đời anh, hoặc là quyết liệt phải trái đến cùng. Thời gian càng trôi đi, tuổi anh càng nhiều thêm thì anh càng điềm đạm, đằm sâu, bây giờ thì dường như anh chẳng còn ghét ai.

Cái bút danh Sương Nguyệt Minh của anh thế nào thì nhiều người biết rồi, đại khái nó ghép từ tên thật của anh, vợ, con trai và bị người ta làm cho chệch đi nhưng tôi không hiểu một người bướng bỉnh như anh lại cam chịu giữ nguyên như thế!

Bước vào làng văn, Sương Nguyệt Minh đã gây ra một cú xì căng đan lớn với truyện ngắn đầu tay “Nỗi đau dòng họ”, bởi nguyên mẫu, sự kiện của truyện giống thật quá và người ta đã kiện anh đến long tóc gáy và phải tốn bao nhiêu thời gian cùng giấy mực vụ đó mới êm xuôi!

Rồi Sương Nguyệt Minh lại bị “tai nạn” nghề nghiệp lần thứ hai. Tập truyện ngắn “Dị hương” của anh được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và có nhiều ý kiến trái chiều dữ dội vì anh viết về một cặp nhân vật lịch sử luôn luôn gây tranh cãi: Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh. Bản thân tôi thấy đó là một truyện ngắn hay và đặc sắc của Sương Nguyệt Minh, một cú ngoặt lớn.

Truyện ngắn lịch sử duy nhất của anh vừa công bố đã gây ra giông tố. Lúc đó tôi còn non nớt trong làng văn và mới về cơ quan nên cũng chỉ biết lắng nghe, hiểu được phần nào nỗi buồn của anh, không biết nói thế nào vì khi ấy tôi còn sơ với anh. Nhưng càng lùi xa tôi càng thấy những tai nạn nghề nghiệp khiến người ta trưởng thành, vững vàng hơn rất nhiều và đôi khi chuyện đó rất khó tránh với giới văn nghệ sĩ.

Những ý kiến trái chiều là một phần của đời sống văn nghệ, chẳng phải khi bộ ba truyện ngắn lịch sử: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp khi mới ra đời cũng chịu bao búa rìu dư luận đó sao và chúng giờ vẫn là những truyện hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Những tác phẩm càng bị người ta tranh luận thì sức sống và sự hấp dẫn của chúng càng lớn.

Tôi cho rằng những truyện kể trên của Nguyễn Huy Thiệp cùng với “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh là tập hợp những truyện ngắn hay nhất viết về “cặp đôi” đối lập gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử là vua Quang Trung và Gia Long.

Nhưng không phải qua “Dị hương” người ta mới biết đến Sương Nguyệt Minh, trước đó anh đã là cây truyện ngắn có tiếng và là biên tập viên rất tâm huyết của Văn nghệ Quân đội. Anh là người rất có duyên với các giải thưởng văn chương và các nhà điện ảnh, nhiều truyện ngắn của anh đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và đạt được những thành công đáng kể.

Đã lớn tuổi nhưng Sương Nguyệt Minh vẫn còn ham học, khi tôi về Văn nghệ Quân đội, một lớp học tiếng Anh nho nhỏ đã được hình thành và tôi đứng lớp. Thành viên của lớp học bao gồm nhà văn Khuất Quang Thuỵ, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Mạnh Hùng và một người bạn nữa.

Khuất Quang Thuỵ lớn tuổi nhất lớp nhưng rất sáng ý, Sương Nguyệt Minh là đàn anh thứ nhì nhưng cũng khá “ngoan ngoãn” học bài, chỉ có hai “ông” Đỗ Tiến Thuỵ và Nguyễn Mạnh Hùng thì ganh đua nhau rất quyết liệt về điểm số! Một lớp học toàn Đại tá, Trung tá “máu mặt” nên rất sôi nổi, đặc biệt ở các bài dịch thì các nhà văn luôn là những người rất sáng tạo và linh hoạt về ngôn ngữ.

Nếu ai thân với Sương Nguyệt Minh thì biết anh là người có chủ kiến quyết liệt và rất hăng hái. Buổi họp mặt nào có anh không khí đều rất tưng bừng, sinh động và anh thường là người lĩnh xướng. Sương Nguyệt Minh đã đưa ra ý kiến thì quyết không chịu lùi bước và thua cuộc, thậm chí có lần anh đã suýt có cuộc “đấu súng” với một ông Tướng chỉ vì kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình.

Tôi đã đến chơi nhà Sương Nguyệt Minh vài lần và bạn bè văn chương cũng hay tụ họp nơi ấy. Đó là một căn nhà nhỏ trong ngõ trên con đường Nguyễn Xiển nhộn nhịp. Sương Nguyệt Minh là người quảng giao, quý người, nên mỗi lần tụ họp ở nhà anh đều khá đông người và luôn có những ông bạn rất khác thường nên cuộc ăn nhậu nào cũng rất vui và tưng bừng tranh luận!

Thỉnh thoảng Sương Nguyệt Minh lại phóng con xe máy Future màu xanh đến cơ quan lấy sách báo và thăm bạn bè, vì anh ở ban sáng tác nên không bắt buộc phải đến thường xuyên. Ai cũng bảo ngồi sau xe máy của Sương Nguyệt Minh thì sợ lắm vì tính anh hay giật mình vì mải nghĩ đâu đó hoặc thảng có một bóng hồng nào vụt qua khiến anh bối rối.

Nói như thế nhưng tôi biết Sương Nguyệt Minh làm việc gì cũng say đắm và chuyên nghiệp. Thời gian khó anh đã từng làm nhiều nghề để mưu sinh, thậm chí đi buôn thượng vàng hạ cám. Làm báo làm văn, anh cũng là tay tổ và hăng hái. Hồi anh chưa làm Trưởng ban, chỉ là biên tập viên, anh đã ôm đồm gần như hết việc trong ban, ông Trưởng ban gần như chỉ việc đi chơi và kí duyệt bài anh đã chuẩn bị sẵn.

Lúc viết báo, anh cũng năng nổ nhiệt tình, anh giữ mục cho vài tờ báo, công việc khá căng thẳng và áp lực nhưng anh viết nhởn nhơ như không. Thỉnh thoảng đi với anh, thấy kĩ năng làm báo, viết báo của anh rất chuyên nghiệp, chúng tôi nể phục và học được ở anh rất nhiều.

Mới gần đây anh công bố cuốn tiểu thuyết đầu tay “Miền hoang” và ngay lập tức gây được chú ý. Là người lính từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, anh đã có những trang viết rất khốc liệt và đầy xúc động về cuộc chiến chống lại quân Khmer Đỏ. Cuốn sách có những đoạn dữ dội đến mức những người đọc nhạy cảm đôi lúc phải dừng lại tĩnh tâm mới có thể đọc tiếp được.

Sương Nguyệt Minh là người cao to, điển trai, khí chất mạnh mẽ, tôi tưởng rằng những người như anh thì không bao giờ khóc, thế mà chúng tôi đã từng nhìn thấy nước mắt của anh. Trái tim nhà văn và người lính cũng có lúc không thể chịu được những nỗi đau gan ruột hoặc nỗi buồn quá lớn. Người nghệ sĩ có trái tim dễ xúc động và tâm hồn nhạy cảm, có lẽ vì thế mà họ mới dễ rung cảm trước vẻ đẹp hoặc giận dữ, phẫn nộ trước cái ác, cái xấu để viết và sáng tạo.

Những khi gặp mặt, thỉnh thoảng Sương Nguyệt Minh nói chúng tôi những lời gan ruột mà tôi vẫn ghi nhớ. Ví dụ, anh bảo, nếu định làm điều gì đó báo hiếu với bố mẹ mình thì hãy làm ngay đừng có đắn đo, chần chừ vì rất có thể sau đó không còn cơ hội làm nữa, rồi ân hận đến hết đời. Hoặc anh bảo, tất cả những câu chuyện đời hay dở của nhà văn rồi độc giả sẽ quên đi, cái còn lại là tác phẩm của họ. Nếu không có tác phẩm thì có làm ông này, bà nọ cũng không có ai nhớ hết. Có lẽ cũng vì lí do như vậy mà anh đã xin thôi chức giữa lúc đang sung sức để chuyên tâm vào sáng tác. Sau sự dứt ra với công việc hành chính và sự vụ ấy, anh đã có “Dị hương” và “Miền hoang”.

Có hai truyện ngắn của anh mà tôi rất thích đó là “Mười ba bến nước” và “Đêm thánh vô cùng”. “Mười ba bến nước” thì cay đắng, buốt giá với nỗi đau chiến tranh, hậu chiến, thân phận đàn bà. Còn “Đêm thánh vô cùng” là sự tưng tửng, nỗi cô đơn của con người ở ngay ngôi nhà của mình trong xã hội hiện đại. Những truyện đó khá dài, gọi là truyện vừa cũng được và cùng với “Dị hương”, có lẽ chúng là những góc tam giác rất điển hình trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh.

Sương Nguyệt Minh là một người nhiệt tình nên khi có những vụ việc khó xử liên quan đến văn chương và gia đình, tôi thường gọi điện cho anh để nhờ tư vấn. Cách xử lí của anh rất quyết liệt, rốt ráo. Từng là người lính trên chiến trường nên anh ít khoan nhượng và quyết liệt đi đến cùng.

Tôi cũng học được phần nào sự cứng rắn và bản lĩnh của anh. Tôi biết anh từng nhận được những lời mời hấp dẫn về công việc, chức vụ và thù lao nhưng anh đã từ chối để làm một người tự do. Là một người tự do anh có thể viết và nói theo ý mình mà không phải quá thận trọng lo lắng.

Một lần anh kể với tôi dự định bắt tay vào cuốn tiểu thuyết thứ hai nhưng có vẻ anh vẫn chưa gạt bỏ được những thứ vặt vãnh, để làm cho xong. Quyết liệt với đối thủ nhưng lại rất nể vì bạn bè, có lẽ thế nên anh cứ dây dưa mãi chưa dứt ra khỏi sự vụ để làm xong những kế hoạch lớn lao.

Thỉnh thoảng tôi muốn gọi điện trách móc anh về những dự định chưa thực hiện, tôi thấy tiếc cho nội lực và sự trải nghiệm của anh. Với vốn liếng ấy, sức sống ấy, có lẽ anh sẽ còn tung ra được những chưởng lực mạnh mẽ và ấn tượng hơn nữa. Một người tài hoa và đam mê, quyết liệt với văn chương như anh lại không vùng vẫy đột sáng một lần nữa cho thỏa chí ư?

Sương Nguyệt Minh, anh đã từng đi đến bến nước mười ba, nghĩa là đã dám phá vỡ cái khuôn khổ thông thường. Bây giờ anh sẽ đi đến nước thứ bao nhiêu đây, mười bốn hay mười lăm? Tôi biết một người lính thực sự sẽ không bao giờ dừng lại trừ phi anh ta hi sinh hoặc đã vươn tới đỉnh cao của đời mình...

Tác giả: Uông Triều
 
Sửa lần cuối:

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top