Tác giả Sương Nguyệt Minh là nhà văn, nhà báo và là đại tá đang công tác tại Ban sáng tác - Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn đã giành nhiều giải thưởng văn học. Để học tốt hơn văn bản Người ở bến sông Châu (sách giáo khoa Ngữ văn 10, bộ Cánh Diều), VHT mời các em học sinh 10 cùng tìm hiểu đôi nét về nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Ảnh: Nhà văn Sương Nguyệt Minh (sưu tầm)Sương Nguyệt Minh tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1958. Quê ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nhà văn xuất thân trong gia đình Nho học. Anh từng là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Sương Nguyệt Minh tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Ngữ văn. Là người thích đi và không ngại gian khổ, Sương Nguyệt Minh đã in dấu chân của mình qua khắp các miền Tây Bắc, Tây Nguyên. Chính vì thế mà tác giả viết văn bằng sự trải nghiệm và thể nghiệm của một con người đi ra từ cuộc chiến, của một con người từng lăn lộn qua những ngày đói no cùng nhân dân trong các chuyến thực tế.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh có phong cách sáng tác khá độc đáo. Trong các sáng tác của anh, hình ảnh làng quê với những góc nhìn vừa hiện thực, vừa lãng mạn đan cài, soi chiếu vào nhau được hiện lên chân thật và sống động. Hiện lên trên mỗi trang văn của Sương Nguyệt Minh là phong cách viết lịch lãm, tài hoa nhưng tinh tế. Nguyễn Hữu Đại đã từng nhận xét về văn phong của Sương Nguyệt Minh như sau: “Nếu như có thể nếm được, thì các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đều có vị ngọt và cay. Đó là vị ngọt của phong cảnh làng quê của trăng nước, tình người, vị cay xót của số phận con người”. Có thể nói, cảm xúc của Sương Nguyệt Minh được dồn nén chân thực, xúc động qua những mảnh đời, những thân phận éo le, ngang trái, những tình cảm trớ trêu, nghiệt ngã sau trận chiến. Nhà văn chú ý khai thác thân phận, trách nhiệm, tình yêu, bi kịch thời hậu chiến… thông qua những trang viết đầy ám ảnh và lôi cuốn, gửi đến độc giả những bức thông điệp thấm thía, sâu sắc về bài ca sức sống mãnh liệt của con người, về lòng nhân ái, niềm tin yêu và khát vọng sống trong an bình.
Các tác phẩm tiêu biểu: Đêm Thánh Vô Cùng (tập truyện ngắn, năm 2011); Lửa cháy trong rừng hoang; Người về bến sông Châu; Nỗi đau dòng họ; Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao; Bản kháng án bằng văn; Mây bay cuối đường; Đêm làng Trọng Nhân; Đêm Pà Cò; Nơi hoang dã đồng vọng; Những bước đi vào đời; Đi qua đồng chiều (tập truyện ngắn, năm 2004); Mười ba bến nước; Dị Hương (tập truyện ngắn, năm 2011); Đàn ông chọn khe ngực sâu (tập tản văn, năm 2013); Trong cơn đại hồng thủy; Miền hoang (tiểu thuyết, năm 2014).
Các giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi bút ký báo Giáo dục thời đại năm 2004 với tác phẩm "Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao"; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn cuộc thi Nhà xuất bản Giáo dục với tác phẩm "Những bước đi vào đời", năm 2004; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm 1999 – 2004 với tập bút ký "Trong cơn đại hồng thủy"; Giải thưởng cuộc thi tập truyện ngắn của Nhà xuất bản Thanh niên với tập truyện ngắn "Đi qua đồng chiều", năm 2004; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội với tác phẩm "Bản kháng án bằng văn", năm 1996; Giải thưởng truyện ngắn cuộc thi Cây bút vàng của tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (1998 - 2001) với tác phẩm "Lửa cháy trong rừng hoang"; Giải thưởng cuộc thi bút ký Đài tiếng nói Việt Nam năm 2002 -2003 với tác phẩm "Đêm Pà Cò"; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004 với tác phẩm "Mười ba bến nước"; Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2010.
Riêng truyện ngắn Người về bến sông Châu được các tác giả biên soạn sách giáo khoa Chương trình 2018 đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10.
....................................................
Triều Anh biên tập. Chúc các em học tốt!