Mạng xã hội Văn học trẻ

TẢN MẠN THÁNG SÁU

Nắng tháng sáu bước chân trần bỏng rát, hàng phượng già phờ phạc, hanh hao ngày hạ khát. Tháng sáu rơi nửa chừng nỗi nhớ, lao xao như lá trên cành, nhẹ nhàng như đám mây trôi trên bầu trời xanh, như những ngọn sóng nhỏ trong lòng, câu thơ rơi như một nốt nhạc trầm. Tháng sáu của những ngày mưa nhẹ, như những nụ hôn êm đềm của thiên nhiên, như nhạc điệu mà lòng người thấu hiểu.

Tháng sáu mùa thi, con đường học trò anh đưa em đi vào nỗi nhớ. Kỷ niệm những ngày tháng hồn nhiên, đầy tươi trẻ như những đóa hoa khoe sắc màu rực rỡ. Tháng sáu của những giọt mồ hôi trên từng trang sách, cùng nhau chia sẻ những nụ cười trong những bữa cơm trưa nghẹn ngào chốn học đường. Tháng sáu mùa thi kết thúc, nụ cười và niềm vui tràn ngập không gian, như mùa hạ cứ kéo dài đà đận, mãi lâu rồi mới nổ thành giông.

Tháng sáu với những rung cảm đầu đời, những cung bậc cảm xúc hòa quyện thành một khúc tình ca. Tháng sáu về gợi nhớ cảm xúc vụt cháy trong tim, như những bông hoa mới nở. Một cái nhìn, một tiếng cười, một lời nói, như những ngọn lửa nhỏ, thắp sáng tâm hồn tuổi thanh xuân. Tháng sáu trôi qua như một bức tranh kỷ niệm tuyệt đẹp trong trái tim mỗi người. Tháng sáu ghi lại những thời khắc đáng nhớ, nơi những kỷ niệm và cảm xúc đầu đời như hạt mưa nhỏ tưới ướt tâm hồn.

Tháng sáu về, quê tôi với những đồng cát trắng nắng chang chang, gió lào rát bỏng hoà quyện hương biển mặn mòi, oằn mình trong sự nung đỏ hừng hực của nắng gió. Thương lắm miền Trung ơi, với cái bóng của thiên tai luôn đe dọa, những cơn bão lớn có thể quét qua đất này mà không báo trước, những cơn mưa lớn tràn lên từng con sóng, cuốn trôi đi tất cả về phía cuối nguồn, để lại sau lưng những mất mát đáng thương. Trái tim người miền Trung đập mạnh, bất khuất và rạng ngời, mảnh đất gắn với tuổi thơ tôi, gắn với tình người hiền hoà và trung thực còn hằn in trên đôi bàn tay thô ráp, chai sạn, đẫm mồ hôi hong thành những vệt muối trắng, hằn trên làn da đen nhẻm, cháy nắng của những đứa trẻ mảnh đất “ triền đông rặng Trường Sơn trong câu hò ví giặm”.

Ta đi ngang qua bao nhiêu mùa hạ, những va vấp trên đường đời … Mỗi mùa hạ mang trong mình những câu chuyện riêng, những khoảnh khắc ngọt ngào, những thử thách đầy gian nan. Mỗi lần vấp ngã, ta đã học cách đứng dậy, vươn lên và tiếp tục sống. Những cuộc gặp gỡ và chia ly, những niềm vui và nỗi buồn, giúp ta trưởng thành từ những trải nghiệm, từ những sai lầm và từ sự học hỏi. Dưới ánh mặt trời mỗi buổi sáng mai, ta tiếp tục bước đi với niềm tin và hy vọng.

Ta đã đi ngang qua bao nhiêu mùa hạ, để nỗi nhớ cứ đầy thêm, tháng sáu xưa xin xếp vào ký ức.

Nguyễn Minh Hiếu

Thêm
250
2
0
BẾN VẮNG



Nắng chiều xuyên qua hàng cây xanh mờ, những tia nắng vàng rải rác trên mặt nước u ám. Những đám mây xám tạo nên không gian trầm lắng. Dọc triền sông cây cỏ phủ kín, hoang vu, những bông lau bàng bạc đã úa, rụng rơi theo con gió nhẹ. Không gian ảm đạm và hụt hẫng như mùa đông tới gần.

Khoác trên mình chiếc áo len rách nát, sắc màu nhạt phai theo thời gian. Cơ thể gầy gò, suy sụp, yếu đuối và mệt mỏi trong cảnh túng quẫn và cô đơn. Chai rượu luôn kè kè bên mình, nguồn an ủi duy nhất trong cuộc sống khắc nghiệt của ông. Gương mặt hằn những đường gân như lưới đan, nhăn nheo, méo mó. Từ xa, ông trông như gốc cây già cằn cỗi, vươn lên giữa sa mạc của cuộc đời khắc nghiệt.

Tính khí của ông thất thường, ngang tàng, khắc sâu trong khoé mắt. Ánh mắt mờ nhòe chứa đựng nỗi cô đơn, quạnh vắng. Đôi khi, ông mắt nhắm mắt mở, nghiêng người về phía sông và thả những tiếng rên rỉ, hỗn loạn của lòng.

Ông không thèm nói chuyện với người khác, không quan tâm đến sự xô bồ của cuộc sống xung quanh. Ông chỉ biết nắm chặt cán lưới, liếm môi và nhìn chằm chằm vào sợi dây vụn vỡ. Thỉnh thoảng, ông cất tiếng hát bất kể giọng của mình như một khúc nhạc buồn lạc lõng cứa vào không trung.

Thuyền nan cũ kỹ, nơi ông coi đó là nhà, góc tối phía mạn là chiếc chiếu đơn con trai ông nằm. Đứa con tật nguyền không thể đi lại và phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của ông. Bên cạnh kê cái kệ nhỏ bằng gốc cây vớt được vào mùa lũ với những bông hoa giả trong không gian mờ tối. Trái tim nặng trĩu, ông thấy bất lực, không thể thay đổi hoàn cảnh khó khăn mà con trai đang phải đối mặt. Ông tự trách, tự hỏi điều gì mình đã làm sai trong quá khứ, đã gây ra tất cả những đau khổ cho con. Mỗi cử chỉ, mỗi tiếng nói và quyết định đều bị ông lùng sục và đặt ra vấn đề tại sao không thể thay đổi số phận của con trai mình.



Biến cố cuộc đời ngày ông nhập trường đại học, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Chàng trai thôn quê, hiền lành, chân chất, bỡ ngỡ trước phồn hoa, đô hội chốn thị thành. Những bài giảng đầy áp lực, cạnh tranh khốc liệt và cả những trò vui trác táng đã lôi kéo ông theo một hướng khác. Những đêm thức trắng, khu nhà trọ xô bồ, cuộc sống mờ mịt với tiếng nhạc đánh rơi từ những quán bar ồn ào. Những giá trị giản đơn từ quê hương nghèo khó đã trở nên xa cách, biến ông thành một người hoàn toàn khác, xa lạ với giá trị đích thực của cuộc sống, với chính mình. Ông bắt đầu lạc lối, những niềm vui tạm thời và cảm giác phấn khích ngắn hạn là tất cả những gì ông đam mê. Những lời khuyên và cảnh báo từ gia đình, bạn bè không thể nào thấm vào tâm trí, ông mắc kẹt trong vòng xoáy của sự lôi cuốn và ảo tưởng.

Quyết định buộc thôi học với ông bây giờ như vô nghĩa, không hề mảy may giúp ông tỉnh ngộ. Tính khí ngang tàng, lối sống hưởng thụ như đã ăn sâu vào trong máu. Ông tiếp tục viết tiếp cuộc đời mình thêm những trang mới theo cách đó.

Thèm khát sự hưởng lạc, ông mơ về những bữa tiệc xa hoa, những cuộc ăn chơi thâu đêm, không thể kháng cự. Rời chốn thị thành, ông lên rừng tham gia vào đám thổ phỉ. Những lời đồn thổi về sự giàu có đã thúc đẩy ông và lũ bạn không ngừng khao khát sở hữu, bất chấp mọi thứ. Ông thành một kẻ tham lam và mất hết nhân cách.

Thung lũng hẻo lánh nằm sâu trong vùng núi xa xôi, ánh mặt trời chiếu xuyên qua hàng cây thông rậm rạp, khắc nghiệt và bí ẩn. Mỏ vảng thổ phỉ lậu nổi tiếng, thu hút những tay đào vàng phiêu lưu và tham vọng từ khắp nơi. Các hang động với những hầm mỏ sâu, đường hầm bí ẩn. Những cuộc ẩu đả và thanh toán ân oán giang hồ diễn ra thường xuyên, man rợ như thời trung cổ. Ánh mắt tham lam và đôi tay vấy bẩn, dòng người ồn ào và xô bồ như những con kiến. Tiếng đào, tiếng mìn, tiếng cãi vã và cả tiếng xoèn xoẹt của đao kiếm đêm ngày tạo thành một bản hổ lốn bi thương về sự tham lam không kiểm soát. Có tiền, ông cuốn vào vòng xoáy ăn chơi vô tội vạ. Những ngày tháng trôi qua với cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ, tiền bạc trở thành trung tâm của cuộc sống. Ông bị cuốn vào một thế giới ăn chơi, không giới hạn. Những bữa tiệc xa hoa, những chuyến du lịch sang trọng và những món đồ đắt đỏ trở thành thú vui xa sỉ.

Vàng có thể thay đổi cuộc đời, nhưng cũng có thể biến nhân cách con người tha hoá đến man rợ.



Con sóng uỳ ạp dưới mạn thuyền, tiếng bìm bịp xào xạc ăn đêm, khoàng khoạc kêu thương. Bình tĩnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên chiếc thuyền mục nát. Cảnh hồn ma chết chóc như vẫn đeo bám lấy tôi khi vật lộn trong dòng nước, hoảng loạn và tuyệt vọng. Tôi cố gắng nắm lấy một chút sự sống trong tay, nhưng nước lại tràn vào miệng, ngạt thở và chôn vùi tất cả những hy vọng. Hơi thở trở nên khó khăn, vẫy vùng để thoát khỏi vòng vây của cái chết. Đêm, gánh nước đêm trăng, tôi trượt chân chơi vơi dưới dòng nước lũ. Rồi tối om, không nhớ gì nữa. Trong cơn tuyệt vọng, một cánh tay vững chắc xuất hiện, kéo tôi lên khỏi cơn ác mộng. Từng nhịp thở trở lại của tôi là một phép màu, một lời nhắc nhở rằng cuộc sống vẫn còn rất quý giá và đáng sống.

Sóng vỗ, chiếc thuyền khẽ tròng trành. Đôi chiếc thuyền mạn, vỗ sóng lượt vội, hắt nhẹ những tia sáng mờ nhạt từ ngọn đèn gió xuống lòng sông, làm sóng sánh những con sóng bàng bạc.

- Dậy rồi hở? Hôm qua mày uống nhiều nước đấy.

Ông chồm qua, lục lọi trong bóng đêm vơ lấy chai rượu, không kịp rót ra chén, vừa tu, vừa làu bàu:

- Mày sống rồi! Trở về mà làm người tử tế con nhé!

Mùi rượu, mùi cơ thể sộc lên, mắt tôi cay nồng. Khịt mũi, tôi nằm yên. Chiếc thuyền lắc lư làm tôi muốn ói.

- Để tao lấy cho mày bát cháo, ăn cho đỡ đói.

Tôi cúi người, vẻ biết ơn. Ông quay đi, miệng lẩm bẩm.

- Ăn xong rồi về đi. Lần sau nhớ cẩn thận, đời không có hai lần để cứu nữa đâu đấy.

Hơi rượu cay nồng phả ra từ miệng, mặt ông dãn ra, nụ cười hiền từ chối những góc tối và sự tiêu cực, như vượt qua mọi giới hạn và khác biệt.



Rời thuyền, tôi bước chân về làng, khoác trên mình tấm áo ông cho, cảm giác hạnh phúc tràn đầy khi nghĩ đến gia đình và họ hàng đến chúc mừng. Ba mẹ ôm lấy tôi, không ngừng rơi nước mắt hạnh phúc và cảm động. Mẹ tôi tay liến thoắng, dục ba tôi sắm sửa lễ cảm tạ, miệng lẩm bẩm:

- Ông già gàn ấy ư! Ông ấy đã cứu biết bao nhiêu người, nhưng có bao giờ ông nhận.

Có lần, nhà chức trách địa phương đến, ghi hình, viết báo tuyên dương, nhưng ông đều từ chối. Người ghét thì thêm vào, người biết thì xót xa, chắc ông xám hối và để phúc cho con.

Sau cái đận ở rừng, ông trở nên giàu có. Trong những cuộc vui thác loạn, ông gặp một người phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ. Với nụ cười ngọt ngào và vẻ ngoài quyến rũ, người phụ nữ ấy nhanh chóng chinh phục trái tim ông. Họ sống trong một thế giới xa hoa và chi tiêu một cách xa xỉ. Ông sẵn lòng cung cấp mọi thứ cô muốn. Những khoản tiền lớn dần trôi qua như cát trong tay. Trái tim phụ nữ đó dường như đã trở nên lạnh lẽo và xa cách. Mọi thứ đổ vỡ khi người phụ nữ đẹp đột ngột rời đi, bỏ lại ông và đứa con tật nguyền. Ông trắng tay trước sự phản bội, hận thù đời, ông ôm con trở lại khúc sông quê.



Ngày tôi và gia đình trở lại thăm ông, khoảng sông vắng lặng, như quên mất sự hiện hữu của bố con ông. Chiếc thuyền không còn neo đậu bến xưa, đi đâu từ lúc nào không ai biết. Có người thấy chiếc thuyền trôi tận tới ngã ba sông lớn. Và ông già đang ngật ngưỡng bên mép sông nước cạn mùa gió chướng ùa về …

Nguyễn Minh Hiếu



Thêm
195
0
0
CHUYẾN XE CHIỀU




Ông ngồi đó, co ro trong phòng khu nhà khách dành cho nhà giáo trước khi nghỉ hưu. Bên cửa sổ, gió rít liên hồi, mang theo hơi lạnh của mùa đông. Cây mộc miên già quằn quại trong cơn khát đêm man dại. Những nhánh cây gầy guộc, lêu nghêu vươn lên cào cấu, xé rách từng mảng trời đêm đen thẫm. Vết thương cũ lại tái phát, nhức nhối với vết thương lòng.



***


Sáng đầu đông, ánh mặt trời vàng vọt chiếu lên cánh cửa thép nặng nề sau song sắt nhà tù. Con trai ông bị kết án vì phạm tội nghiêm trọng. Nhìn con, đôi mắt mờ đi và gương mặt mệt mỏi, nhưng trong ánh mắt vẫn còn tia hy vọng và tình yêu dành cho cha.

Bạn nó làm mất tiền đóng học phí, sợ bị bố đánh và nhà trường đuổi học. Thương bạn, nó đã lừa cậu học khoá dưới mang xe đi cắm lấy tiền. Mẹ cậu bạn liền làm đơn, trình báo với công an là con mình bị cướp.

Con ông bị kết án ba năm tù giam, tính từ ngày bị bắt. Lúc nghe tòa xử, tai ông như ù đi, tim như có vật gì đó đâm trúng. Những người dự khán dìu ra ngoài phòng xử, ông ngã người xuống chiếc ghế băng kê ngoài hành lang khi ánh mắt chạm phải chiếc xe thùng chở phạm. Ông chạy theo níu chặt vào cửa xe tù, nói mấy câu nghèn nghẹn: “ Cố mà cải tạo cho tốt nhé con, bất cứ hoàn cảnh nào, bố cũng theo con, sẽ luôn bên con, cùng con cố gắng”.

Hai cha con ngồi đối diện nhau, ông chia sẻ với con trai về cuộc sống, về những người hàng xóm, bạn bè và những thay đổi xã hội mà nó đã bỏ lỡ trong những năm qua. Ông kể về những kỷ niệm của gia đình, những bữa tối ấm cúng và những giờ phút hạnh phúc bên nhau. Ông nói về những điều tốt đẹp, chia sẻ về những hành động sai trái mà con đã làm và hậu quả. Ông truyền đạt sự thấu hiểu và sự hối hận, khuyến khích con tìm về cải thiện và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lòng nhói đau, trái tim người cha không cho phép ông uỷ mỵ.

Chuông báo hết giờ thăm phạm, ông đặt chiếc hộp nhỏ, bên trong tấm lụa mềm màu cỏ úa đã sờn lá thư mẹ nó đã mất, cùng những tấm ảnh kỷ niệm gia đình. Ông nhắc con hãy nhớ về nguồn gốc và những giá trị gia đình mà nó đã bỏ lỡ. Nắm chặt tay con và nhắn nhủ, tình yêu và sự tha thứ, dù trong tình huống khó khăn nhất, gia đình vẫn là nguồn động lực mạnh mẽ để con người thay đổi và tìm lại chính mình.

Phải chăng, cái nghèo, cái nghiệp đeo đuổi cái trí, mà lãng quên đi chữ tâm.



***


Ông đau đớn nhìn vào chiếc ảnh gia đình treo trên tường, trái tim ông như được nén lại trong lòng ngực, nỗi cô đơn tràn ngập trong tâm trí.

Con trai thứ du học Mỹ theo diện học bổng phi chính phủ và định cư luôn ở đó. Ngày chia tay, mắt ông đẫm lệ. Ôm chặt con trong vòng tay, trái tim ông ứa máu, cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bóng ông lẻ loi dưới chân bức ảnh gia đình và ông khóc. Nước mắt đàn ông sao nó khô và mặn chát.

Ông luôn tự hỏi liệu đứa con yêu của mình có cảm thấy như ông không? Có phải ông đã đúng khi để con trai một mình đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt, xa lạ và không dễ dàng nắm bắt. Cô đơn vẫn bám chặt lấy ông, như người bạn đồng hành không chờ đợi.



***


Trở mình khe khẽ, giọng thều thảo, ông nói trong hơi thở:

- Lấy hộ mình viên thuốc, trên va ly ấy.

Người đồng hành trên chuyến xe vội vã lục va ly lấy thuốc, nhìn ông vẻ thương hại. Những vết nhăn trên khuôn mặt già mua quyện lại, hằn thêm vẻ yếu đuối.

- Ông có mệt lắm không. Thuốc đây ông nhé, ngủ đi chút rồi sẽ khoẻ lại. Tôi có chiếc bánh đậu và chai nước vối, con gái tôi gần nhà sai cháu mang sang, giờ hẵng còn nóng, ông dùng tạm nhé.

- Cảm ơn ông. Chắc nghỉ ngơi đôi chút rồi sẽ khoẻ lại thôi.

Chuyến xe chiều chầm chậm. Xa xa phía cuối đường chân trời, những đám mây như những tàn tro lạnh lẽo. Tiếng gió xào xạc qua cửa sổ, như những ngọn lửa tàn phai, nhẹ nhàng thổi những kỷ niệm xa xăm.

Ngày ấy, chàng sinh viên sư phạm năm cuối, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc vào nam chiến đấu. Gác bút nghiên, chắc tay súng bảo vệ quê hương. Ngày trở về, mang theo niềm vui chiến thắng và những vết thương của chiến tranh, lên giảng đường, viết tiếp những giấc mơ còn dang dở.

Năm tháng qua đi, trên dòng đời tấp nập đó, thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người. Như dòng suối róc rách chảy xiết vào lòng yêu thương. Mặt trời cuối ngày rồi sẽ tắt, lặn lội chèo đò qua bão táp phong ba cập bến bờ hạnh phúc, đến nơi rồi nụ cười đọng mãi, lặng lẽ quay về lái tiếp chuyến đò sau.



***


Nắng chiều chiếu qua cửa sổ, tiếng gió đưa lá rơi nhè nhẹ như tiếng thở dài của tâm trạng mơ hồ trải qua lớp màn mây mờ mịt. Những kỷ niệm buồn từ quá khứ như những con dao sắc lẹm găm thẳng vào trái tim, khiến nỗi đau lây lan khắp cơ thể. Hình ảnh mờ mờ, ảo ảo từ quá khứ tràn ngập trong tâm trí, như một trận mưa bất chợt rơi xuống lòng, ngập tràn trong cảm giác mất mát và hụt hẫng. Bài hát buồn trên đài phát thanh khiến trái tim ông nhói đau: Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày. Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi. Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời. Không chờ, không chờ ai, ta ru ta ngậm ngùi … Thanh âm buồn tan biến vào hoàng hôn cuối cùng của ngày.

Lê vội bước chân trên con ngõ nhỏ về nhà sau chuyến hành trình, không gian trống rỗng như tâm hồn bỏ quên, những chiếc ghế trống trải đầy bụi bặm và bóng tối, chẳng ai còn ngồi để trò chuyện và sẻ chia. Còn lại đây nỗi cô đơn, hoang vắng.

Căn phòng lạnh, vô hồn, chỉ còn tiếng đồng hồ trên tường lặng lẽ buông …

Nguyễn Minh Hiếu

Thêm
215
0
0
Tuổi thơ tôi gắn với ruộng đồng, bờ bãi, ngọt thơm của lúa, mùi tươi mát của cánh đồng, vị cay nồng của những giọt mồ hôi trên vai gầy của mẹ. Tình yêu với ruộng đồng đến tự nhiên như hơi thở.

Quê tôi vùng chiêm trũng, gắn với những triền đê lộng gió, rặng tre xanh xào xạc, ôm lấy xóm làng như cánh tay người mẹ ôm ấp, bao bọc đàn con. Thanh âm vọng về từ nỗi nhớ quê của người con xa xứ: Quê tôi như thuở nào, tháng ngày đời gieo neo. Con chim kêu chiều chiều, nghe vời vợi hắt hiu. Câu hò sâu lắng ru đời tình nghĩa nặng. Nhạt phai má hồng …

Vùng chiêm trũng quê tôi: Mưa, lũ trắng đồng. Hạn, nắng như thiêu đốt, cuộc sống của người dân lam lũ, nhọc nhằn. Đất giàu mùn bã hữu cơ, nhưng chỉ canh tác được một vụ mùa. Sau vụ, gốc rạ tự đâm chồi, nổ đòng đòng và chín. Nhánh lúa rai dẫu cỗi cằn như đứa trẻ mồ côi, nhưng cứng cáp và khả năng chịu đựng đến không ngờ.

Nắng rực rỡ buổi sáng mai, lũ trẻ con chúng tôi cỡi trâu đi mót lúa, háo hức trước cuộc hành trình. Áo trắng bị nắng chói chang phai mờ, chiếc mũ rơm đội đầu làm nổi bật nét đáng yêu. Đôi bàn tay nhỏ nhắn và nụ cười rạng rỡ, chúng tôi bắt đầu công việc của mình. Nhỏ bạn tôi tham lam đi trước, khoanh khẳng định chủ quyền, nắc nẻ với nụ cười chiến thắng.

Việc tuốt lúa rai không được như lúa mùa, lúa chiêm vụ chính. Mẹ tôi tay cầm nhánh lúa thận trọng đặt nó trên lòng bàn tay, sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ, cẩn thận kéo những hạt lúa từ nhánh ra. Sau khi loại bỏ những hạt lúa từ nhánh, mẹ chuyển sang tuốt lúa rai từ bóng lúa, cẩn thận chà nhẹ những hạt lúa ... Vất vả là vậy, nhưng cơm gạo rai lại đặc biệt ngon.

Lúa rai có hương thơm nhẹ đầy cuốn hút, có vị ngọt tự nhiên và đậm đà. Nấu chín, hạt gạo trở nên mềm nhũn, thơm ngon và có độ dai vừa phải. Nhai kỹ nên cơm ngọt và bùi. Đặc biệt những mẻ gạo nếp rai nấu lên tạo ra một hương vị đặc biệt, thơm ngon và đậm đà. Nó là hồn cốt của văn hoá ẩm thực đất quê tôi. Với tôi, đó là báu vật của đồng.

Tuổi thơ tôi trải qua những ngày giáp hạt đói nghèo. Chúng tôi đi khắp các cánh đồng và ruộng nương, cào đất, lùng sục đồng lúa ướt mót những bông lúa rai để qua đi tháng ba, ngày tám. Ngày giáp hạt, mỗi bữa ăn là một thử thách. Đôi khi, chỉ đủ để xua tan cơn đói, có đâu mà để dành. Nghèo là vậy, nhưng mẹ không quên nhắc phần dành cụ hàng xóm, chờ vụ mới.

Nhớ lần, khách của bố từ thời chiến trường ra thăm, mẹ tôi trốn cửa sau chui bờ rào sang hàng xóm vay gạo. Bữa cơm chiều đạm bạc, chỉ có rau, mấy con cá rô đồng kho nghệ, lá mùi tàu và mấy bát cơm chưa đầy. Mắt bố đỏ hoe. Tiễn khách về, bố trách mẹ như tự trách mình. Những cảnh tương tự như thế diễn ra suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Nỗi buồn mơ hồ, đầy ám ảnh …



Nhớ quê, nhớ mùi hương của đồng cỏ xanh biếc, của những cánh đồng lúa chín vàng. Nhớ những ngôi đình cổ xưa, ngói đỏ rêu phong, nhớ những đồng cát trắng nắng chang chang, gió lào bỏng rát hoà quyện hương biển mặn mòi, oằn mình trong sự nung đỏ hừng hực của nắng gió, nhớ tình người hiền hòa và trung thực. Mảnh đất gắn với tuổi thơ ngọt ngào và những kỷ niệm êm đềm đáng nhớ. Mùa lúa rai còn trong ký ức, gian khó nhọc nhằn vẫn hằn trên khoé mắt.

Dẫu bây giờ cuộc sống đã đổi thay, nhưng còn đó những con người vẫn không chịu lớn, dẫm đạp lên nhau trong cánh đồng trũng của tâm hồn.
Thêm
358
5
0
Sau bữa trà dư, tửu hậu, lão Cả Ngớn nói như biết rồi.

- Này ông giáo, tôi hỏi khí không phải, thằng con tôi nó nói, kim loại không tan được trong Acid sulfuric ông hè?

Máu ông thầy nổi lên, ông đứng phắt dậy đáp trả.

- Làm gì có chuyện đó, tôi đã đi dạy mấy mươi năm.

- Thế mà có đó ông giáo ạ. Thế tôi hỏi ông nhé, vàng có phải kim loại không? Thế ông thử bỏ chỉ vàng vào trong lọ Acid sulfuric xem nó có ăn mòn không?

Lão phá lên cười, mặc cho ông giáo ngây người, ngờ ngợ.

- Chắn chắn rồi ông giáo ạ. Nếu thằng con ông mà bỏ vào, ông sẽ không ngần ngại thò tay vào mà lấy nó ra ngay. Vậy tôi hỏi ông, nó có kịp ăn mòn không!

Lão cười hềnh hệch, ra điều rất khoái chí. Ông giáo im bặt, ngây người bần thần với câu hỏi lố. Ông lại có thêm bài học về cuộc đời mà ông học mãi mấy mươi năm nay chưa thuộc.

Nhà lão cách nhà ông giáo vài con ngõ, mỗi lần nhà có khách, y như rằng lão mời bằng được ông sang dự. Chắc lão muốn chút cho có học, điều mà lão ao ước được người đời nhìn nhận và ngưỡng mộ khi quảng giao để khoe mẽ và đánh bóng bản thân. Chắc lão muốn bổ sung thêm nguồn sưu tập mà cuộc đời lão đang thiếu, cái mà lão đang khao khát, khi cả cuộc đời lão không có được.

Quê lão ven bờ sông Lam, trải dài đồng lúa mênh mông và những đồng cỏ êm đềm. Mẹ lão đẹp nổi tiếng trong vùng, gương mặt tròn trịa, ấm áp như nắng mai, ánh mắt trong veo như làn sương sớm mơ màng, khiến lòng người chìm đắm trong sự dịu dàng và thuần khiết. Tóc dài, óng ả như một dòng suối trong làn gió mơn man. Những sợi tóc mềm mại lay động, nụ cười tươi rạng ngời trên môi. Đôi má hồng hào rực rỡ, như những cánh đào đang nở rộ giữa vùng quê yên bình.

Ngày ấy, nhóm kỹ sư trẻ về vùng quê ven dòng Lam khảo sát xây cầu. Ông ta bước đi qua đời mẹ lão như một cơn gió mát lành vào ngày hè oi ả. Họ ăn ở cùng dân xóm tôi, nương tựa vào xóm làng trong sự ngóng chờ làm thay đổi vùng quê nghèo, ngóng chờ những cây cầu nối những bờ vui. Cái gì đến rồi sẽ đến, như qui luật muôn đời của vạn vật.

Chiều hoàng hôn, bên dòng Lam êm đềm như điệu nhạc hòa quyện giữa hai trái tim. Tình yêu trỗi dậy như một bông hoa khẽ khàng nở trong tim hai người. Họ bắt đầu hòa mình vào những khoảnh khắc ngọt ngào, tạo nên những kỷ niệm đẹp đẽ giữa đồng cỏ và những khóm bụi hoang sơ. Ông đã gieo mầm niềm tin và hy vọng. Những cánh đồng lúa vẫn tiếp tục mùa màng, và dòng sông vẫn trôi qua, trái tim họ hoà quyện cùng nhau, thành vũ điệu mãnh liệt, đầy hạnh phúc.

Khi hình hài lão đang hình thành, cũng là lúc mẹ lão cuốn vào vòng xoáy của sự dối lừa và lòng ham muốn. Sự phản bội đã gieo rắc hỗn loạn và đau khổ. Bà bị tổn thương với niềm tin và tình yêu bị đánh mất, cảm xúc hận thù và oan trái dần trỗi dậy. Đàn ông hình như không bao giờ xứng đáng với tình yêu sâu sắc, duy nhất mà đàn bà dành cho họ, bởi bản chất họ là kẻ săn mồi. Không một người thợ săn nào mà cả đời chỉ tập trung vào một con mồi, cho dù có hấp dẫn đến đâu. Phải chăng qui luật muôn đời vẫn thế, hồng nhan thì bạc phận.

Trong bóng tối của của cuộc đời, lão vụt xuất hiện từ những kẽ hở của thế giới. Chưa từng biết đến tình yêu và sự chăm sóc, bước chân đầu tiên của lão đặt lên mặt đất, đón nhận một thế giới khắc nghiệt, không khoan dung. Lão trở thành một người lạc hướng, không có nơi nương tựa, lang thang giữa những con phố cô độc và hư hỏng. Mắt lão lúc nào cũng tràn đầy nỗi buồn và thất vọng. Trong suốt quãng đời còn lại, lão đối mặt với cảnh thị phi, bụi bặm và bất công. Ngày đường phố, đêm gầm cầu, lão chịu đựng những cơn đói khát cùng cực với cái lạnh căm căm khi màn đêm buông xuống. Nhung nhớ của sự yêu thương và bảo vệ từ những vòng tay ấm áp đáng yêu không bao giờ đến. Lão mang trên mình những vết thương tâm hồn khó có thể lành lại.

Trong đám giang hồ mà lão từng sống, từng chung đụng, lão tỏ ra ngang tàng, anh chị. Một đứa trong nhóm buộc miệng gọi lão là Cả Ngớn. Với đầu óc tăm tối, lão chỉ hiểu rằng, cả là đầu, là lớn. Ngớn chắc lão hiểu, mọi người ngớn lão, xã lánh lão. Chắc cũng một phần lão ngớn cả với chính mình. Chẳng hiểu gì sất, nhưng lão thấy vui vui, vì ít ra lão cũng có cái tên và cả tên lót nữa.

Rít hơi thuốc lào dài đến tận cổ, lão ho sằng sặc. Vợ lão vội lao ra, chẳng thèm nhìn lão, hắng giọng.

- Khổ quá, nói mãi. Ông hút cho lắm vào rồi lại làm khổ tôi.

Quay qua, cựa cựa cái cổ mà dường như chẳng còn chỗ cho cái ngấn nào, không thấy ông giáo đâu, hất giọng.

- Ông giáo về rồi à. Tội thân ông, hôm qua mình đi vắng, vợ lão sang nói khó, xin vay ít tiền gửi cho thằng con học đại học, đại hiếc gì đó tận Sài Gòn. Thật khổ, đã nghèo lại còn sĩ.

Lão vuốt vuốt chòm râu dài như gang tay bên nút ruồi to tổ bố dưới cằm, gật gật đầu, vẻ đắc ý.

Vợ lão cao giọng, nói như đầy hiểu biết.

- Tôi nghe mấy bà ngoài chợ kháo nhau, cái gì gì mà khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết. Như cái thằng Dương Tu nào đó trong truyện Tam quốc, khôn quá nhìn thấu tâm can thằng Tào Tháo, nó đành phải giết. Ngu quá không nói làm gì. Chỉ có thằng Tư Mã biết là sống. Không hiểu ông giáo thuộc loại nào. Rõ khổ.

Nói xong, vợ lão loẹt quẹt bước vào, ra vẻ đắc ý như vừa sáng tạo ra câu châm ngôn cao quí.

Vợ lão, người đàn bà thứ hai trong cuộc đời lão. Bà bước vào cuộc sống của lão khi lão đang rơi vào những thời điểm buồn rầu và thất vọng nhất. Người đàn bà cộc cằn, tính khí thất thường, hay bốc đồng nhưng tháo vát. Gương mặt mang nét trầm lặng và biểu lộ sự chịu đựng của thời gian. Những nếp nhăn hằn sâu trên trán như gánh nặng của cuộc sống đã từng đè nặng lên vai bà.

Tiếng bình bịch ngoài cổng, con gái lão về. Tóc xanh pha đỏ tứ bề. Chiếc áo croptop quá ngắn, để lộ phần bụng thô tục. Váy cũn cỡn bó sát cơ thể, tạo sự tương phản với hình hài không đối xứng.

Lão nhìn hắt ra, buông câu hững hờ.

- Lo mà ăn chơi, đàn đúm. Cứ tụ tập ăn chơi rồi có ngày. Cứt nát mà đòi có chóp.

Cô con gái ra điều hiểu biết, nói giọng đầy triết lí.

- Ông bô lạc hậu quá rồi. Chuẩn của thời nay nó phải thế.

Mặt lão sần sần, gân cổ trồi lên, nói cứng.

- Mày vừa vừa phải phải thôi, không bụng lại cưỡng lên đó.

Nó cười hề hề, mặt câng câng như thách thức.

- Thế cả thôi mà ông bô. Làm đĩ với một người hay với nhiều người cũng có khác gì nhau đâu. Chính chuyên mà làm gì, mệt với ông quá.

Lão im lặng, dường như những lời này diễn ra hàng ngày. Với con gái lão, nó có một cái gì đó gọi là gia đình, khác lão, không khốn khó và bất hạnh như lão ngày xưa, thế là đủ. Lão nín nhịn, vì ngày mai giỗ mẹ nó.

Mẹ nó cũng là thành viên trong nhóm giang hồ tứ chiếng, mất sau một lần chỉ huy đám đàn em đi đòi nợ thuê. Trái tim lão thi thoảng vẫn rung lên, đau đáu mỗi khi nhìn lại ký ức đen tối ấy. Tay ôm lồng ngực, từ sâu thắm lão nhận biết tim mình đang còn đôi chút máu màu đỏ.

Thằng con đầu học dở trung học, theo đám bạn bè ăn chơi lêu lổng, bỏ nhà đi biệt tăm, biệt tích. Một thời gian sau, lão nghe tin nó chạy trốn qua Camphuchia làm bồi trong sòng bạc vùng sát biên giới Tây nam. Ngày mẹ nó mất, thay vì đối mặt với trách nhiệm và chăm sóc gia đình, nó gửi tiền về với lời nhắn cộc lốc: “Con cúng mẹ”. Lão buồn lắm, lặng lẽ một mình trong căn phòng tối, ánh đèn mờ ảo phản chiếu lên khuôn mặt già mua. Ánh mắt bi thương tràn đầy trong đôi mắt mờ mịt, như thể chứa đựng cả một biển nước mặn đắng của nỗi buồn và thất vọng. Những gợn sóng của nỗi đau chạy qua tâm trí lão, như xé nát tâm hồn. Lão chỉ còn biết tự trách mình, lão không còn đủ sức lực và thời gian để kéo các con trở về. Ngày ấy người ta bỏ rơi lão, bây giờ lại một lần nữa lão tự bỏ rơi chính mình, tim lão thắt lại. Nỗi buồn như một cơn bão dữ dội tàn phá tâm hồn lão, để lại trong lão một cái hố sâu không đáy.



Chuông điện thoại reo, ông giáo lẳng lặng cầm máy, tiếng thằng thứ hai gọi về.

- Bố ơi, nhà trường thu học phí, đã quá hạn gần tháng rồi. Nơi con làm thêm dịch dã nên đã đóng cửa. Với lại, tiền ăn tháng này bố chưa gửi …

Ông giáo bần thần, lặng lẽ cúp máy sau mấy lời hỏi thăm sức khoẻ và cuộc sống của con. Ông ngồi lặng lẽ, bên giá sách cao ngút đầu, tay bó gối, nhìn chằm chằm như vô định. Gánh nặng cuộc đời, sự chênh lệch xã hội ập đến từ mọi phía. Gia đình ông phải đấu tranh để kiếm sống và duy trì một cuộc sống bình thường, trong khi mức lương không xứng với công sức và đóng góp trong việc giáo dục và nuôi dưỡng tương lai cho xã hội. Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, việc chi trả hóa đơn cho mua sắm hàng ngày và nuôi dưỡng gia đình trở nên cực kỳ khó khăn và căng thẳng trong một xã hội chịu sự đổi mới và biến đổi nhanh chóng, gia đình ông như bị tụt lại phía sau và gặp khó khăn để thích nghi với những thay đổi.

Con gái đầu theo ngành sư phạm, ra trường dạy tít trên miền núi đã được mấy năm nay. Cũng có đôi lần người bạn cũ làm to trên tỉnh, ngỏ ý xin cho nó về gần nhà. Nhưng sự đời đâu có dễ, lận đận mãi mà việc vẫn không thành. Đành rằng gia đình ông không có tiền, nhưng tính sĩ diện đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Người biết thì cảm thông, người ghét thì thêm vào, hàng xóm có đôi người gọi ông là gàn dở.

Kỳ nghỉ hè này, nó về thăm nhà, tay xách, nách mang cả một đống quà đựng trong mấy bì tải, nào là mít, măng khô, sung muối. Nó hí hửng bảo thầm tự tay nó làm, có phần mà gửi biếu mấy bác hàng xóm. Ông giáo lắc đầu, nhìn nó mà ứa nước mắt. Bà giáo ôm lấy con, sờ nắn, luôn miệng nhắc nó gầy đi và xanh lắm.

Sau bữa cơm chiều, dưới ảnh trăng bàng bạc, bên cái chõng tre ngoài sân, nó tíu tít kể bố nghe về chuyện đời, chuyện người, chuyện cơ quan nó. Đã mấy mươi năm trong nghề, những chuyện đó làm ông ngán lên tận cổ, nhưng thầy nó vui vui, ông cố tỏ ra hào hứng.

- Bố à, giáo dục khó thật đấy bố nhỉ? Thằng học trò lớp con chủ nhiệm, nó nói cô dạy nhặt được của rơi, tìm người trả lại, nó làm đúng như lời cô dạy. Thế mà về bố nó chửi: Sao mày ngu thế con. Ra xã hội, bạn bè nó nói thằng gàn dở.

Ông giáo lặng người. Nó cao hứng, hồ hởi kể tiếp:

- Ngày xưa, con nhà giàu, con nhà làm quan, con thầy giáo mới được nâng điểm trong học tập, con nhà nghèo, yếu thế thì không. Bây giờ tất cả đều được nâng. Vì sao bố biết không? Vì thành tích cả đó bố ạ! Đôi khi bố mẹ nó có chạy chọt, quan tâm đến vấn đề đó đâu. Tự nhà trường đẩy và nâng nó lên đấy chứ. Bệnh thành tích mà, hay bố nhỉ!

Ông giáo tay mâm mê chén trà nóng, hắng giọng.

- Giáo dục chúng ta thay đổi nhiều quá. Phải chăng chúng ta đang lạc hậu. Bố nghĩ chúng ta đang lạc đường thì đúng hơn.

Nó ôm cổ ông giáo, gặng hỏi vẻ lo lắng.

- Thế là sao hả bố? Vậy theo bố thì phải làm sao?

- Muốn khỏi lạc đường, trước hết chúng ta phải lạc hậu. Dù sao lạc hậu có xuất phát điểm thấp, nhưng cũng đang đi đúng đường. Nếu ví xã hội như trận bóng, thì giáo dục chỉ nên là hậu vệ, đừng nên là tiền đạo, nhô lên cao quá. Bảo thủ một chút, nhưng nó ổn định con ạ.

Cả đời ông đau đáu với cái nghề làm dâu trăm họ, làm thế nào để đáp ứng mong đợi lớn lao của xã hội và gia đình, đối mặt với áp lực và kỳ vọng tạo cho ông sự căng thẳng, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nhà giáo thường không nhận được đủ sự công nhận và đánh giá xứng đáng cho công việc của mình. Dù đã cống hiến công sức và nỗ lực, thu nhập và địa vị xã hội của giáo viên thường không tương xứng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thiếu động lực và đánh mất niềm đam mê trong việc giảng dạy, nhất là thế hệ trẻ, mới vào nghề.

Trăng nhô lên cao quá đỉnh đầu, ông giáo trở mình ho rũ rượi bởi căn bệnh hen suyễn kinh niên chữa mãi không lành. Con gái ông nán lại, đứng ngẩn ngơ nhìn theo những tia sáng mờ ảo trên bầu trời đêm. Đôi mắt âu lo chứa đựng sự hoài niệm và trăn trở về tương lai.

Ánh trăng chênh chếnh phía cuối con đồi phía xa xa, ông trằn trọc nghỉ về chuyện đời, chuyện nhà, thi thoảng lại thở dài thườn thượt. Nằm bên, bà giáo nắm lấy tay ông, nói rất khẽ.

- Hay ông mai sang nói khó với gia đình lão Cả Ngớn lấy một câu, còn có mà kịp gửi cho thằng bé. Cuối tháng có lương sẽ trả. Tội thân thằng bé, vừa đi học, vừa đi làm thêm phụ giúp gia đình. Khổ nỗi, mấy tháng nay lại dịch dã …

Ông giáo trầm ngâm, lưỡng lự, nghe chừng cũng xuôi xuôi. Ông cũng muốn rất đời, rất người, nhưng tính khí ông sĩ diện, cái nghiệp mấy mươi năm trong nghề nó quật. Ông mắt nhằm, mắt mở, thì thầm nho nhỏ như tự nói với chính mình: “ Thôi, đành vậy!”.



Mặt trời nhô lên quá gang tay trên ngọn núi xa xa, chuông điện thoại rung lên. Đầu dây bên kia, lão Cả Ngớn réo rắt.

- Dậy thôi ông giáo ơi, tôi sang chở đi ăn sáng nhé. Nhanh lên chút, bà và cháu nhà tôi đang đợi, hôm nay có quán mới khai trương ngon lắm. À, mà này, trưa nay giỗ mẹ các cháu, ông bà giáo sang uống với gia đình tôi chén rượu. Nhớ sang đấy ông giáo nhé.

Ông giáo bần thần, miệng lẩm bẩm: Trưa nay lại chi thêm một khoản …




Thêm
314
4
0
NGƯỜI ĐÀN BÀ BÊN SÔNG



Bên hiên căn nhà nhỏ nơi cái ngõ sâu hút hút, bé tẹo liền kề con đường cấp phối nứt rạn lởm chởm, tay bó gối, bà nheo mắt nhìn sang khu đô thị mới xây bên kia dòng Lam đục, mơ màng trong cảm giác ảo ảnh. Thời gian trôi tựa bóng câu qua cửa, phụ mẫu đã theo tổ tiên về bên kia tiên giới, bà cũng đã sấp sỉ lên lão, mắt nay đã kéo những vệt sương giăng trên nét mặt người đàn bà cô lẻ. Ánh mắt xa xăm, trống vắng, cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Giọt nước mắt trong đêm sao mà nó hận, tại sao cuộc đời này lại khốn nạn với bà đến vậy.

Mười sáu tuổi, bà qua một đời chồng.

Tiếng hò rầu rĩ bên bến sông quê vọng lại: “Từ thuở ấy, em cầm chiếc lá, đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi, Diêu Bông hời!... ...ới Diêu Bông!... ”. Trên nền trắng đục của trời đông, người con gái ấy hiện lên như một ánh sao lẻ loi, tựa hồ mất điểm tựa, chỉ như tìm kiếm một vì sao lạ. Dòng Lam miên man trôi bên những giọt nắng cuối ngày vàng vọt, bầy vạc sành vội bay lên, để lại tiếng kêu thương khắc khoải. Những tia nắng cuối đông buồn bã rơi từ bầu trời xám xịt, lạnh lẽo qua màn sương mù dày đặc. Bà về ngôi nhà lá bên kia sông, bóng bà mỏng gầy trong tà áo dài hồng nhạt, khuất dần trên con thuyền nhỏ.

Phía xa xa, bên xoáy gềnh dưới bến sông, Uông khua vội mái chèo. Trái tim anh đau đớn như bị nhấn nát, khi biết người con gái mà anh yêu thương đã chọn bước đi trên con đường hôn nhân bên người khác. Những kỷ niệm êm đềm mà họ đã chia sẻ cùng nhau dường như bị cuốn vào vực sâu của quá khứ. Anh nhớ những nụ cười, những lời hứa và kế hoạch tương lai đã được xây dựng cùng nhau.

Hai đứa thương nhau ngày tóc còn để chỏm, uỳ oạp tắm mùa sông nước cạn, chăn trâu cắt cỏ ven triền đê lồng lộng gió. Bố bà biết chuyện, gầm lên thách thức: “ Mi mà lấy thằng nớ, tau giết. Họ nhà ni chưa bao giờ bước qua lời nguyền với dòng họ bên nớ. Nọ có cưới xin chi hết! Mi lấy ai cũng được, dù đui, què, sứt, mẻ chi tau cũng đồng ý, nhưng riêng con trai nhà bên nớ thì nọ đời mô, mi hiểu chưa?”. Dùng dằng đến cuối đông, bà thôi không ra bến sông đợi Uông vào những đêm trăng nữa. Bà sang sông. Trái tim bà bồi hồi đau đớn, kí ức đen tối trong vòng tròn thời gian. Là lúc hoa môi còn mang hơi ngọt của niềm hạnh phúc và hy vọng, cơn bão không lời tạm biệt đã ập đến, đánh đổ mọi dự định và mong muốn. Từng nhịp đập của trái tim, nay đã biến thành những hồi ức đau thương đang xao lãng, nhấp nhổm như những đợt sóng dữ dội ập vào bờ cát mềm. Ánh mắt ẩn chứa sự tủi hờn, như bức tranh vỡ nát của kí ức hạnh phúc chưa kịp trải qua, cảm nhận.

Sau ngày cưới, gia đình chồng cất cho căn nhà lá bên bãi bồi, chỉ cần rảo bước ra sau, chân đã chạm mép sông. Sau cuộc hôn nhân gán ghép vội vàng do mai mối, đám cưới vội vàng tất bật, bà quen dần và chấp nhận phận đàn bà như nó vốn có nơi quán ven sông bao đời nay. Ngày lại ngày thấm thoát mấy mươi mùa trăng gầy, qua lại quẩn quanh bên mép sông, tới tháng nhìn xuống bầu ngực, tay vơ vội nón lá che cái bụng lép kẹp khi qua đám đông, che đi miệng lưỡi thế gian, như đọn dao cùn cứa đi cứa lại. Chiều chiều ngang chợ Cồn bên bến bãi, qua ngõ nhà nhỏ bạn hồi còn ở bên kia sông, nghe tiếng con trẻ e a, đứng ngoài ngõ nhìn vào mà thèm, mà khóc. Cả trong mơ bà cũng cố quên đi cái nhìn định kiến về người phụ nữ không có con nối dõi tông đường, nơi cái bến quê nghèo bao đời nay vẫn vậy. Những đêm tĩnh lặng, dế rỉ rả nhả những lời nỉ non đến não ruột, bà nấc lên giữa màn đêm đặc quánh, tay bó gối, buông tiếng thở lăn dài theo con sóng, thấy sợ cái phận đàn bà, biết dạt đến bến đỗ nào cho đỡ tủi phận, tủi lòng. Trời chẳng thương gì cả, thứ thiếu thì chẳng cho, chứ thứ thừa thì càng làm cho thừa thãi, cái thừa của phận má hồng, bạc phận.

Thế là chị ơi, rụng bông gạo đỏ …

Rồi chiến tranh.

Theo tiếng gọi khi tổ quốc lâm nguy, xa rời cuộc sống chài lưới quẩn quanh bên mép sông, những lời dị nghị xa gần dòng họ, anh lặng thầm lên uỷ ban xã đăng ký tòng quân. Ngày tiễn chồng ra trận, bà nuốt nước mắt cảm nhận làn gió lạnh thoảng qua, như điềm báo trước cho mùa đông lạnh buốt đến gần. Bà đứng đó, mưa bụi bay, rơi đọng xuống từng góc mắt, cay xè. Tim bà thắt lại, mơ hồ, ảo ảnh.

Trời tím dần, bà về lại căn nhà lá bên mép sông, hoang vu, trống vắng. Cô đơn ập đến mỗi buổi sáng mai, trải dài từ bình minh tới hoàng hôn, nó như một bóng ma đeo bám, không buông bỏ như trò đùa của số phận.

Và chiến tranh …

Tháng năm đằng đẵng đợi chờ mong, đổi lấy vành tang trắng, trên mái đầu xanh.

Bên ngoài là ra đi, bên trong thì ở lại, dòng Lam vẫn miên man trôi, bức tranh mơ ước về gia đình hạnh phúc, tiếng cười đùa con trẻ, giờ thành những ký ức mờ nhạt, chẳng còn có những thư tay viết vội từ phía trận trường đổ vào như những tia hy vọng mong manh, làm nổi lên nỗi sợ sâu thẳm, cô độc. Ngày lại ngày, căn nhà lá vắng vẻ đi qua những chiều mưa, đêm trở gió.



Qua được bên kia dòng Lam lạnh buốt đêm cuối đông, bàn tay thô ráp bám chặt rễ bần gân guốc mọc dại bên bãi bồi ven sông, bất ngờ tôi lên cơn sốt rét, tay không còn đủ sức nâng đầu lên được nữa, cơ thể cứ luội dần, luội dần. Trong bóng tối của đêm, áo lính ướt đẫm, bám sát vào cơ thể đầy sẹo rách nhiều ngày đêm dưới khói lửa chiến trường. Con sóng vẫn uỳ ạp vỗ bờ, tiếng bìm bịp xào xạc ăn đêm, hơi thở trở nên khó khăn, da mặt nhợt nhạt, cựa quậy gắng thoát khỏi vòng vây của cái chết. Rồi tối om, không nhớ gì nữa. Trong cơn tuyệt vọng, một cánh tay xuất hiện, sốc nách lôi sền sệt lên bãi cỏ mềm trong tiếng thở dốc, hổn hển.

Mở mắt, tôi thấy mình co ro trong căn nhà lá bên sông, ngăn bởi vách thưng bằng nứa, trong đêm mưa bụi mịt mùng.

- Anh đang sốt cao đấy, nằm im. Tôi đã nấu xong nồi cháo hến cào ở bến sông quê tôi, anh ăn xong sẽ nhẹ người thôi. Anh ở chiến trường ra à?

Người đàn bà ngồi bên cạnh tôi hỏi, bên mép chiếc cót tre trong căn nhà lá. Đầu tôi đau như búa bổ, hai mắt sưng tấy lên do nằm rừng đã lâu, nhức nhối.

- Cảm ơn cô đã cứu. Tôi ở chiến trường đã mười năm có lẻ, đơn vị giao liên.

- Thế đơn vị anh ở mô?

- Tận bên Lào cô ạ, trên đường hành quân, bị lạc.

- Mà anh đang ốm thế này thì đi làm sao…

- Cô cho xin ở lại, sáng mai tôi đi ngay cho kịp đơn vị.

- Nhưng anh phải ăn hết chỗ cháo ấy nhé, nhớ uống cốc nước gừng tươi cho ấm, rồi cũng sẽ đỡ ngay thôi.

Đêm đã về khuya, khuya lắm. Mưa phùn gió bấc. Trong bức vách thưng bằng nứa đã lâu ngày bốc lên mùi ẩm mốc, bà ngồi ở góc phòng tối, bóng tối kín đáo như lòng bà. Ánh đèn dầu mờ ảo hé lộ những nét trăn trở, những dấu vết của thời gian đã đi qua, thấy sự cô đơn quấn quýt lấy mình như bóng tối vây kín, khiến bà cảm thấy mất đi phần lớn của chính mình, khao khát được yêu thương, che chở. Lấy gì để đo những đêm dài, đêm từng đêm, thời gian trôi nhanh như ánh sao băng bay ngang bầu trời, nay đã hơn ba mươi mùa cây lá rụng, giờ đây bà vẫn nằm một mình giữa bốn bức vách lạnh lẽo, ganh tỵ với tiếng trẻ khóc, cười, tiếng chuyện trò, thậm chí chửi rủa của các gia đình xung quanh. Bà khát khao một mái ấm gia đình, có chung mong ước cuộc sống êm đềm, tình cảm, không bon chen, ganh đua với đời.

Trong ánh đèn dầu mờ ảo, bên kia bức vách, người đàn ông của bao năm chiến trận, thì thoảng lại trở mình phát ra tiếng động rất khẽ. Nơi ấy, chỉ cách một bức vách bằng nứa, mà sao bà thầy xa vời vợi. Trong bóng tối của đêm, bà cảm nhận mỗi nhịp đập của trái tim mình, nỗi khát khao cuồn cuộn. Hai bầu ngực ưng ức đau, nén vội, phập phồng, bà se sẽ cài vội khuy áo bung ra tự lúc nào, chợt nhớ ngày con gái. Và bà khóc. Khác với mọi hôm, nước mắt sao hôm nay khô và mặn chát.

Đêm, càng về đêm, mưa bụi bay như dày hơn. Trên bến vắng, chỉ còn đôi chiếc thuyền neo đậu ngoài xa, chiếc vó bè nặng trĩu cũng như im lìm ngủ, lác đác có đốm đèn hắt từng vệt sáng đục xuống lòng sông. Ngửa mặt nhìn vào khoảng lặng hư vô, cảm nhận ánh đèn cũng gầy guộc, lẻ loi, cũng tái mét, chơi vơi, cũng như bà, leo lắt nhưng không sao chợp mắt.

Đêm là chuyện của đất trời. Và định lượng ấy vẫn cứ đồng hành một cách khắc nghiệt với những người đàn bà bị đóng đinh bởi chữ góa, thế thôi.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, người lính trận đã đi tự lúc nào, chỉ còn cánh cửa khép hờ…



Tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, bà giáo lật đật dậy thổi cơm sớm cho thằng bé kịp đón xe vào trường nhập học. Đọc vội tập bản thảo trên bàn, bà giáo la toáng lên, lôi ông giáo dậy.

- Này cái ông kia, sao ông ác vậy.

Ông giáo còn đang ngái ngủ, lơ mơ chưa hiểu chuyện gì, bà giáo đã hắng giọng.

- Tại sao ông lại để cho người lính ấy ra đi. Chỉ đi thế thôi à!

Lúc này ông giáo mới lờ mờ hiểu chuyện.

- Chính chuyên. Chính chuyên bà hiểu chưa.

- Chính chuyên là cái gì, họ không phải là con người ư? Văn chương mà như thế à! Không biết ngày xưa đầu tôi để ở đâu mà lại lấy ông cơ chứ.

- Ừ, cảm ơn bà. Ngày xưa đầu bà để trên ngực tôi ấy.

Ông giáo cười, hát dăm ba câu cũ rích: Chuyện về một đêm trăng thanh, em thì thầm ngày đó yêu anh …

Nguyễn Minh Hiếu



( Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2. SĐT: 0972196241. Email: hieuloinl2@gmail.com )

Thêm
296
3
0
NGÀY ẤY, CHỊ TÔI ĐÃ SỐNG



Ngoài khung cửa, cánh chim đảo cánh bay vụt lên không trung, tiếng hót trong veo như còn đọng lại phía sương mai. Ánh sáng từ cửa sổ phản chiếu mảng tường sáng màu tạo cảm giác nhờ nhợ. Tiếng ro ro từ máy đo nhịp tim, huyết áp hoà quyện mùi của chất lỏng và yến mạch nổi lên từ các dụng cụ y tế gây cảm giác buồn nôn. Tôi bám chặt thành giường, thở dốc, rên rỉ vượt cạn, các nút gân trên cổ trồi lên chống chịu. Cơn co thắt xuyên qua cơ thể, cơ bắp căng đầy, co rút.

Tiếng cô y tá gắt gỏng như trấn an bệnh nhân.

- Con gái lớn thì phải lấy chồng. Lấy chồng thì chửa, chửa thì đẻ, mà đẻ thì phải đau. Mà đau thì … im mồm đi.

Tôi im bặt, mím chặt môi tứa máu kìm nén nỗi đau. Cái Hằng bạn tôi nghiêng mình ghé tai qua khe cửa nhỏ, không nhịn được, bật lên tiếng cười khe khẽ như tán đồng với cái triết lý tưởng như vô lý ấy.

Giọng cô ý tá đều đều, không dấu được sự hồ hởi, gọi vọng ra.

- Con trai, con trai nhé. Người nhà đâu, vào đỡ một tay.

Cái Hằng bước nhanh qua hành lang, tay vơ vội chiếc làn đựng đồ dùng trẻ sơ sinh, miệng liếng thoắng.

- Thằng Hùng đâu, chuẩn bị đồ giúp chị mày nhé.

Quay sang anh Thành, giọng trách móc như ra lệnh.

- Ơ, cái anh này, làm bố rồi đấy, sao cứ ngơ ngơ, ngáo ngáo vậy. Mau vào mà sửa soạn đón mẹ con nó về đi chứ!

Vẻ khù khờ, chân chất làm cho anh trở nên đáng yêu và gần gũi. Anh luống cuống, đôi chân như không thể điều khiển, bước lảo đảo nhưng không dấu được cảm giác vui sướng, hạnh phúc. Hai bàn tay nắm chặt, đan vào nhau như thầm cảm ơn món quà tuyệt vời mà tạo hoá ban cho sau bao gian khó, những mặc cảm, thị phi của đời.



Tuổi thơ chị em tôi không may mắn có được tình thương của bố, ông mất trong một lần đi theo đám thợ sơn tràng, khai thác gỗ đan bè trôi sông. Nghe người làng kháo nhau, trong trận mưa lũ dữ dội, sông như con quái vật đói khát, háo hức đòi lấy đi những sinh mạng vô tội. Những con sóng dữ, cao ngất ngưởng, mặt nước dâng cao, cuồn cuộn nhấn chìm cả những bờ cát, cây cối dọc triền sông. Trên bè mảng, mọi người cố gắng hướng mũi lách qua vùng nước xoáy, bất lực nhìn khi sức lực không còn. Bè đâm mạnh vào một tảng đá lớn, vỡ tung ra từng mảng, cuối trôi đi tất cả về phía cuối nguồn.

Căn nhà trống vắng, cảm giác cô đơn và buồn bã tràn ngập không gian. Mẹ tôi suy sụp tinh thần, nỗi buồn cứ len lỏi trong tim, ánh mắt mờ nhạt, lưng còng xuống như nhánh lúa gặp bão giông, nụ cười như đã ngủ quên, nhăn nheo quyện lại với nhau như vỏ trái bòng tháng tám. Trong những đêm tĩnh lặng, bà nhớ về những kỷ niệm xưa, giờ đây, chỉ còn lại một mình, bước đi trong cõi đời hiu quạnh.

Ngôi nhà nhỏ bé trông không khác gì tổ ong, vách tường mục nát, chút ánh sáng lẻ loi từ những khe hở nhỏ trên mái nhà, ảm đạm và u ám. Ngày qua ngày, mẹ tôi với đôi bàn tay rách nát, vẫn cố gắng sẻ chia miếng cơm ít ỏi cho các con. Chúng tôi ngồi xung quanh cái bàn nhỏ, nhìn nhau với ánh mắt đói khát, nhưng không dám đụng vào miếng cơm cuối cùng vì lo cho đứa em nhỏ nhất. Thằng Hùng tròn 2 tuổi khi tôi bước sang tuổi mười ba.

Nương tựa vào nhau, chúng tôi làm đủ mọi công việc để kiếm sống, tiền kiếm được cũng chẳng đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình. Sức khỏe của mẹ suy giảm do cảm lạnh thấm dần qua những ngày ra đồng, ra bãi sớm hôm không được chữa trị. Căn bệnh viêm đa khớp lâu ngày ảnh hưởng đến tim đêm đêm dày vò, nặng nề như một tảng đá khổng lồ, đau đớn từng nhịp đập, mỗi hơi thở như lưỡi dao sắc bén cắt từng mảnh cơ thể.

Bên giường nhỏ, giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, hơi thở dốc, cố nắm lấy tay tôi, giọng thều thào:

- Mẹ có lỗi với con, con phải chịu khổ rồi. Em còn nhỏ, các con nương tựa vào nhau, lo cho em nhé. Dù thể nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống, phải sống cho ra con người, con nhé.

Tôi đủ lớn để cảm nhận nỗi đau khi mất mẹ, trái tim như muốn vỡ thành từng mảnh nhỏ. Bầu không khí trống rỗng lan tỏa trong căn nhà mà từ trước đến nay đã trở thành nơi ấm áp, nơi mà mẹ tôi đã dành tình yêu và sự quan tâm vô điều kiện cho gia đình.

Nắng cuối chiều tim tím, mây xám tràn ngập bầu trời, tiếng gió rít làm cong quật những nhánh cây như lời thở than của tâm hồn. Nước mắt không thể cầm lại, chúng tuôn trào như muốn làm cho cảm giác cô đơn và mất mát. Người thân trong gia đình đến bên tôi, chia sẻ như thấu hiểu hiểu được nỗi đau trong lòng. Mẹ đã là tia nắng cuối cùng của cuộc đời, và giờ đây, chị em tôi đứng trước một thế giới mờ mịt, vô định. Thằng Hùng lẫm chẫm ôm lấy chân chị, mắt ngơ dại đứng bên linh cữu mẹ, giật giật, bấu áo chị đòi cơm. Bóng chiều buông, cơn gió lạnh thổi qua nghĩa trang im lìm. Mẹ đã đi và không trở về nữa, đôi mắt mơ hồ nhìn chằm chằm vào hàng bia mộ, hy vọng có thể đánh thức mẹ từ giấc ngủ dài. Tôi ôm em vào lòng, nghẹn ngào tiễn mẹ đi, bóng chị em tôi lẻ loi trong trời chiều tĩnh lặng.

Ngôi nhà trở nên lặng lẽ, âm thầm như bị một phần tâm hồn mất mát. Tiếng đồng hồ treo trên tường trở thành nhạc phụ đầy u uất, nhấp nháy từng giây buông ngắt quãng, như lời nhắc nhở về sự thoáng qua của cuộc sống. Tiếng chuông nhỏ từ nhà thờ xa vọng về … Ban thờ mẹ nghi ngút khói hương, tôi chết lặng. Nỗi cô đơn, hoang vắng lan tỏa trong không gian nhỏ bé của căn phòng. Mẹ đã ra đi, để lại khoảng trống rỗng chẳng thể nào lấp đầy. Ánh mắt tôi dừng lại trước bức ảnh gia đình cũ, nụ cười của mẹ vẫn đọng lại trong từng nét chân dung.

Dì nhẹ nhàng đặt tay trên vai tôi, vành tang trắng phủ xuống, quệt qua quệt lại.

- Khấn mẹ đi con. Đừng khóc nữa, sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì, qua lễ tốt khốc, dì đón các con về.

Tôi nhìn dì và nhìn lên ban thờ mẹ, nghẹn ngào lòng trắc ẩn.

Dì sống trong một con ngõ nhỏ, chỉ cách nhà tôi vài bước chân. Chồng mất để lại con thơ dại trong cảnh túng quẫn, dù đã cố gắng làm lụng nuôi con nhưng rồi dì cũng ngã quỵ vì bạo bệnh. Sau khi lần lượt bán đổ, bán tháo đồ đạc trong nhà, vay mượn bà con hàng xóm và gom góp từng đồng để thuốc thang chạy chữa cho chồng nhưng không qua khỏi, dì gần như trắng tay trong căn nhà trống huơ, trống hoác. Đau đớn vì nỗi mất mát quá lớn đó, dì ngã quỵ. Việc đồng, việc nhà, dạy dỗ con thơ … một mình dì cáng đáng, cố gắng vượt qua nỗi buồn tinh thần vì mất người thân yêu nhất, nỗi đau thể xác lo làm thuê, làm mướn không ngơi tay, nuôi con thơ và dành dụm trả dần món nợ vay mượn thuốc thang lo cho chồng, giờ phải lo cho chị em tôi nữa, thật của đáng tội.

Gửi em cho dì, qua ngày giỗ mẹ, tôi quyết định lên thành phố đi làm, lấy tiền nuôi em và phụ giúp cho dì, mong sao thay đổi mảnh đời khốn khó.

Ngày tiễn ra đầu làng, dì khập khiễng ôm tôi vào lòng.

- Con yên tâm đi đi, đi về phía tương lai. Dù bất cứ chướng ngại nào, con cũng cố mà vượt qua. Thằng Hùng ở nhà với dì và các em, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, gắng gượng rồi cũng qua ngày, con nhé.

Tôi ôm dì thật chặt, dù có thế nào cũng phải sống. Phía sau tôi còn có ban thờ và vong linh bố mẹ, có em, có dì, còn quê hương, bản quán.

- Con sẽ trở về, dì chờ con nhé.

Vuốt nhẹ mái tóc của tôi, mắt nhạt nhoà nhìn xa xăm, mông lung và cô quạnh, đọng lại những giọt nước mắt khô nhoè trong khoé mắt. Thằng Hùng ngơ ngác, nó đâu biết rằng chị nó sẽ đi xa. Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi, sớm muộn chi rồi cũng về, như bao ngày qua nó ngóng đợi.

Tiếng coi xe thúc dục, tôi ngoái đầu nhìn lại, bóng dì tôi dần khuất phía xa trong con ngõ nhỏ đầu làng. Không gian buồn bã, trầm lắng, không có âm thanh nào ngoài tiếng gió nhẹ thoảng qua, làm rung lắc những chiếc lá vàng …



Phòng xử án trang nghiêm, công tố viên trình bày kết luận của cơ quan điều tra, bị cáo là công nhân khu công nghiệp của tỉnh, sống trong khu nhà trọ gần nơi làm việc. Bị cáo là người ngoại tỉnh, có thân nhân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự. Do không quen biết người đưa ma túy, không có cơ sở để điều tra mở rộng vụ án. Từ những bằng chứng và kết luận của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo do nhẹ dạ, cả tin, thương người nên xách giúp chiếc va ly mà không biết bên trọng có ma tuý… Căn cứ vào pháp luật hiện hành, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 18 tháng tù, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Mong rằng, sau khi thụ án, bị cáo sớm hoà nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Tôi gục xuống, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi như lời cảm thông, thương hại. Những giấc mơ, hy vọng và kế hoạch đã tan biến như khói trong một khoảnh khắc. Mọi cố gắng và nỗ lực suốt những ngày qua dường như chỉ là một trò đùa vô nghĩa của số phận.

Nhận quyết định tha tù trước thời hạn do cải tạo tốt, phía trước tôi là một cuộc sống mới, hoàn toàn khác biệt so với những năm tháng ẩn mình trong tù. Tôi đã trải qua một quá trình tìm lại bản thân và xây dựng lại cuộc đời mình từ những tàn tích của quá khứ. Sự tha thứ của xã hội là cơ hội để bắt đầu lại, cuộc sống đã trao cho tôi một cơ hội thứ hai, và tôi sẽ không để phí. Từ một người đã mắc phải sai lầm, tôi muốn trở thành nguồn cảm hứng và hy vọng cho những người khác.

Phải sống, phải vượt lên chính mình. Lời mẹ dặn trước khi mất còn văng vẳng trong tâm trí tôi: “ Dù thể nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống, phải sống cho ra con người”.



Chuyến xe cuối ngày chầm chậm trôi, anh ngồi bên, nhìn con, gật gật đầu, không kìm được những giọt nước mắt đầy vui sướng, thầm cảm ơn trời phật đã mang con đến, lẳng lặng tận hưởng hạnh phúc, thi thoảng lại mỉm cười mãn nguyện.

Tôi gặp anh trong một chiều mưa rả rích. Tôi kể về cuộc đời, về những đam mê và mơ ước của mình. Anh lắng nghe, cảm nhận sự trăn trở và nỗi đau từng chặng đường tôi đã đi qua. Những câu chuyện của tôi chạm đến trái tim anh, nóng chảy. Anh không phán xét, không nhìn thấu qua tôi như một con số, thay vào đó, anh lắng nghe và tôn trọng. Những lời động viên và sự tin tưởng của anh đã lan tỏa đến từng giọt mưa rơi. Ghé sát tôi anh thì thầm, dẫu mọi thứ tôi đang trải qua chỉ như một cơn ảo ảnh, cảm nhận hơi thở ấm nóng của anh phả vào vai, vào từng chân tóc phía sau. Đừng đếm những gì đã mất, hãy quý trọng những gì đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát.

Từ ngày đó, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những khó khăn và chia sẻ niềm vui. Dù anh và tôi sinh ra ở hai thế giới khác biệt, chúng tôi đã tìm thấy nhau, đồng hành cùng nhau trên con đường chung. Và dưới mưa rơi, chúng tôi đã xây dựng một tình yêu vững chắc, chắp cánh cho những ước mơ và hy vọng.



Thằng Hùng tay nâng niu bàn chân bé, thì thầm vào tai anh điều gì đó, cả hai cùng cười.

Cuộc đời buồn không chỉ kết thúc bằng một nốt nhạc đau thương. Nơi những trái tim mong manh, những cánh hoa cuối cùng cũng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Mặc dù họ vẫn mang những vết thương của quá khứ, nhưng biết cách yêu thương và đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những đau khổ đã qua, cuộc đời trở nên sâu sắc hơn, từ những ký ức buồn đó là bài học quý giá và biết cách đặt bước đi vững chắc trên con đường tương lai. Cãi vĩ đại nhất, đôi khi lại là cái đời thường nhất.

Không phải tất cả những vết thương đều chảy máu, cũng không phải chảy máu mới đau …



Nguyễn Minh Hiếu
Thêm
344
2
0
Bên hiên căn nhà nhỏ nơi cái ngõ sâu hút hút, bé tẹo liền kề con đường cấp phối nứt rạn lởm chởm, tay bó gối, bà nheo mắt nhìn sang khu đô thị mới xây bên kia dòng Lam đục, mơ màng trong cảm giác ảo ảnh. Thời gian trôi tựa bóng câu qua cửa, phụ mẫu đã theo tổ tiên về bên kia tiên giới, bà cũng đã sấp sỉ lên lão, mắt nay đã kéo những vệt sương giăng trên nét mặt người đàn bà cô lẻ. Ánh mắt xa xăm, trống vắng, cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Giọt nước mắt trong đêm sao mà nó hận, tại sao cuộc đời này lại khốn nạn với bà đến vậy.​

Mười sáu tuổi, bà qua một đời chồng.

Tiếng hò rầu rĩ bên bến sông quê vọng lại: “Từ thuở ấy, em cầm chiếc lá, đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi, Diêu Bông hời!... ...ới Diêu Bông!... ”. Trên nền trắng đục của trời đông, người con gái ấy hiện lên như một ánh sao lẻ loi, tựa hồ mất điểm tựa, chỉ như tìm kiếm một vì sao lạ. Dòng Lam miên man trôi bên những giọt nắng cuối ngày vàng vọt, bầy vạc sành vội bay lên, để lại tiếng kêu thương khắc khoải. Những tia nắng cuối đông buồn bã rơi từ bầu trời xám xịt, lạnh lẽo qua màn sương mù dày đặc. Bà về ngôi nhà lá bên kia sông, bóng bà mỏng gầy trong tà áo dài hồng nhạt, khuất dần trên con thuyền nhỏ.

Phía xa xa, bên xoáy gềnh dưới bến sông, Uông khua vội mái chèo. Trái tim anh đau đớn như bị nhấn nát, khi biết người con gái mà anh yêu thương đã chọn bước đi trên con đường hôn nhân bên người khác. Những kỷ niệm êm đềm mà họ đã chia sẻ cùng nhau dường như bị cuốn vào vực sâu của quá khứ. Anh nhớ những nụ cười, những lời hứa và kế hoạch tương lai đã được xây dựng cùng nhau.

Hai đứa thương nhau ngày tóc còn để chỏm, uỳ oạp tắm mùa sông nước cạn, chăn trâu cắt cỏ ven triền đê lồng lộng gió. Bố bà biết chuyện, gầm lên thách thức: “ Mi mà lấy thằng nớ, tau giết. Họ nhà ni chưa bao giờ bước qua lời nguyền với dòng họ bên nớ. Nọ có cưới xin chi hết! Mi lấy ai cũng được, dù đui, què, sứt, mẻ chi tau cũng đồng ý, nhưng riêng con trai nhà bên nớ thì nọ đời mô, mi hiểu chưa?”. Dùng dằng đến cuối đông, bà thôi không ra bến sông đợi Uông vào những đêm trăng nữa. Bà sang sông. Trái tim bà bồi hồi đau đớn, kí ức đen tối trong vòng tròn thời gian. Là lúc hoa môi còn mang hơi ngọt của niềm hạnh phúc và hy vọng, cơn bão không lời tạm biệt đã ập đến, đánh đổ mọi dự định và mong muốn. Từng nhịp đập của trái tim, nay đã biến thành những hồi ức đau thương đang xao lãng, nhấp nhổm như những đợt sóng dữ dội ập vào bờ cát mềm. Ánh mắt ẩn chứa sự tủi hờn, như bức tranh vỡ nát của kí ức hạnh phúc chưa kịp trải qua, cảm nhận.

Sau ngày cưới, gia đình chồng cất cho căn nhà lá bên bãi bồi, chỉ cần rảo bước ra sau, chân đã chạm mép sông. Sau cuộc hôn nhân gán ghép vội vàng do mai mối, đám cưới vội vàng tất bật, bà quen dần và chấp nhận phận đàn bà như nó vốn có nơi quán ven sông bao đời nay. Ngày lại ngày thấm thoát mấy mươi mùa trăng gầy, qua lại quẩn quanh bên mép sông, tới tháng nhìn xuống bầu ngực, tay vơ vội nón lá che cái bụng lép kẹp khi qua đám đông, che đi miệng lưỡi thế gian, như đọn dao cùn cứa đi cứa lại. Chiều chiều ngang chợ Cồn bên bến bãi, qua ngõ nhà nhỏ bạn hồi còn ở bên kia sông, nghe tiếng con trẻ e a, đứng ngoài ngõ nhìn vào mà thèm, mà khóc. Cả trong mơ bà cũng cố quên đi cái nhìn định kiến về người phụ nữ không có con nối dõi tông đường, nơi cái bến quê nghèo bao đời nay vẫn vậy. Những đêm tĩnh lặng, dế rỉ rả nhả những lời nỉ non đến não ruột, bà nấc lên giữa màn đêm đặc quánh, tay bó gối, buông tiếng thở lăn dài theo con sóng, thấy sợ cái phận đàn bà, biết dạt đến bến đỗ nào cho đỡ tủi phận, tủi lòng. Trời chẳng thương gì cả, thứ thiếu thì chẳng cho, chứ thứ thừa thì càng làm cho thừa thãi, cái thừa của phận má hồng, bạc phận.

Thế là chị ơi, rụng bông gạo đỏ …

Rồi chiến tranh.

Theo tiếng gọi khi tổ quốc lâm nguy, xa rời cuộc sống chài lưới quẩn quanh bên mép sông, những lời dị nghị xa gần dòng họ, anh lặng thầm lên uỷ ban xã đăng ký tòng quân. Ngày tiễn chồng ra trận, bà nuốt nước mắt cảm nhận làn gió lạnh thoảng qua, như điềm báo trước cho mùa đông lạnh buốt đến gần. Bà đứng đó, mưa bụi bay, rơi đọng xuống từng góc mắt, cay xè. Tim bà thắt lại, mơ hồ, ảo ảnh.

Trời tím dần, bà về lại căn nhà lá bên mép sông, hoang vu, trống vắng. Cô đơn ập đến mỗi buổi sáng mai, trải dài từ bình minh tới hoàng hôn, nó như một bóng ma đeo bám, không buông bỏ như trò đùa của số phận.

Và chiến tranh …

Tháng năm đằng đẵng đợi chờ mong, đổi lấy vành tang trắng, trên mái đầu xanh.

Bên ngoài là ra đi, bên trong thì ở lại, dòng Lam vẫn miên man trôi, bức tranh mơ ước về gia đình hạnh phúc, tiếng cười đùa con trẻ, giờ thành những ký ức mờ nhạt, chẳng còn có những thư tay viết vội từ phía trận trường đổ vào như những tia hy vọng mong manh, làm nổi lên nỗi sợ sâu thẳm, cô độc. Ngày lại ngày, căn nhà lá vắng vẻ đi qua những chiều mưa, đêm trở gió.



Qua được bên kia dòng Lam lạnh buốt đêm cuối đông, bàn tay thô ráp bám chặt rễ bần gân guốc mọc dại bên bãi bồi ven sông, bất ngờ tôi lên cơn sốt rét, tay không còn đủ sức nâng đầu lên được nữa, cơ thể cứ luội dần, luội dần. Trong bóng tối của đêm, áo lính ướt đẫm, bám sát vào cơ thể đầy sẹo rách nhiều ngày đêm dưới khói lửa chiến trường. Con sóng vẫn uỳ ạp vỗ bờ, tiếng bìm bịp xào xạc ăn đêm, hơi thở trở nên khó khăn, da mặt nhợt nhạt, cựa quậy gắng thoát khỏi vòng vây của cái chết. Rồi tối om, không nhớ gì nữa. Trong cơn tuyệt vọng, một cánh tay xuất hiện, sốc nách lôi sền sệt lên bãi cỏ mềm trong tiếng thở dốc, hổn hển.

Mở mắt, tôi thấy mình co ro trong căn nhà lá bên sông, ngăn bởi vách thưng bằng nứa, trong đêm mưa bụi mịt mùng.

- Anh đang sốt cao đấy, nằm im. Tôi đã nấu xong nồi cháo hến cào ở bến sông quê tôi, anh ăn xong sẽ nhẹ người thôi. Anh ở chiến trường ra à?

Người đàn bà ngồi bên cạnh tôi hỏi, bên mép chiếc cót tre trong căn nhà lá. Đầu tôi đau như búa bổ, hai mắt sưng tấy lên do nằm rừng đã lâu, nhức nhối.

- Cảm ơn cô đã cứu. Tôi ở chiến trường đã mười năm có lẻ, đơn vị giao liên.

- Thế đơn vị anh ở mô?

- Tận bên Lào cô ạ, trên đường hành quân, bị lạc.

- Mà anh đang ốm thế này thì đi làm sao…

- Cô cho xin ở lại, sáng mai tôi đi ngay cho kịp đơn vị.

- Nhưng anh phải ăn hết chỗ cháo ấy nhé, nhớ uống cốc nước gừng tươi cho ấm, rồi cũng sẽ đỡ ngay thôi.

Đêm đã về khuya, khuya lắm. Mưa phùn gió bấc. Trong bức vách thưng bằng nứa đã lâu ngày bốc lên mùi ẩm mốc, bà ngồi ở góc phòng tối, bóng tối kín đáo như lòng bà. Ánh đèn dầu mờ ảo hé lộ những nét trăn trở, những dấu vết của thời gian đã đi qua, thấy sự cô đơn quấn quýt lấy mình như bóng tối vây kín, khiến bà cảm thấy mất đi phần lớn của chính mình, khao khát được yêu thương, che chở. Lấy gì để đo những đêm dài, đêm từng đêm, thời gian trôi nhanh như ánh sao băng bay ngang bầu trời, nay đã hơn ba mươi mùa cây lá rụng, giờ đây bà vẫn nằm một mình giữa bốn bức vách lạnh lẽo, ganh tỵ với tiếng trẻ khóc, cười, tiếng chuyện trò, thậm chí chửi rủa của các gia đình xung quanh. Bà khát khao một mái ấm gia đình, có chung mong ước cuộc sống êm đềm, tình cảm, không bon chen, ganh đua với đời.

Trong ánh đèn dầu mờ ảo, bên kia bức vách, người đàn ông của bao năm chiến trận, thì thoảng lại trở mình phát ra tiếng động rất khẽ. Nơi ấy, chỉ cách một bức vách bằng nứa, mà sao bà thầy xa vời vợi. Trong bóng tối của đêm, bà cảm nhận mỗi nhịp đập của trái tim mình, nỗi khát khao cuồn cuộn. Hai bầu ngực ưng ức đau, nén vội, phập phồng, bà se sẽ cài vội khuy áo bung ra tự lúc nào, chợt nhớ ngày con gái. Và bà khóc. Khác với mọi hôm, nước mắt sao hôm nay khô và mặn chát.

Đêm, càng về đêm, mưa bụi bay như dày hơn. Trên bến vắng, chỉ còn đôi chiếc thuyền neo đậu ngoài xa, chiếc vó bè nặng trĩu cũng như im lìm ngủ, lác đác có đốm đèn hắt từng vệt sáng đục xuống lòng sông. Ngửa mặt nhìn vào khoảng lặng hư vô, cảm nhận ánh đèn cũng gầy guộc, lẻ loi, cũng tái mét, chơi vơi, cũng như bà, leo lắt nhưng không sao chợp mắt.

Đêm là chuyện của đất trời. Và định lượng ấy vẫn cứ đồng hành một cách khắc nghiệt với những người đàn bà bị đóng đinh bởi chữ góa, thế thôi.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, người lính trận đã đi tự lúc nào, chỉ còn cánh cửa khép hờ…



Tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, bà giáo lật đật dậy thổi cơm sớm cho thằng bé kịp đón xe vào trường nhập học. Đọc vội tập bản thảo trên bàn, bà giáo la toáng lên, lôi ông giáo dậy.

- Này cái ông kia, sao ông ác vậy.

Ông giáo còn đang ngái ngủ, lơ mơ chưa hiểu chuyện gì, bà giáo đã hắng giọng.

- Tại sao ông lại để cho người lính ấy ra đi. Chỉ đi thế thôi à!

Lúc này ông giáo mới lờ mờ hiểu chuyện.

- Chính chuyên. Chính chuyên bà hiểu chưa.

- Chính chuyên là cái gì, họ không phải là con người ư? Văn chương mà như thế à! Không biết ngày xưa đầu tôi để ở đâu mà lại lấy ông cơ chứ.

- Ừ, cảm ơn bà. Ngày xưa đầu bà để trên ngực tôi ấy.

Ông giáo cười, hát dăm ba câu cũ rích: Chuyện về một đêm trăng thanh, em thì thầm ngày đó yêu anh …

Nguyễn Minh Hiếu
Thêm
119
2
0
Top