Newsfeed

forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...
[Tình cảm trong thơ liệu có cần sự nâng đỡ bởi trí tuệ?]

Tình cảm bao đời nay vốn là sinh mệnh của thơ ca. Bước vào thế giới của thi ca tức là bước vào thế giới của những giai điệu - những khúc nhạc lòng của tâm hồn, là được chứng kiến những ngóc ngách bí ẩn trong sâu thẳm nội tâm của chính mình, là được bày tỏ nỗi niềm tri âm, tri kỉ với những tấc lòng đồng điệu. Thế nhưng, sự hấp dẫn của thi ca liệu có phải chỉ đến yếu tố tình cảm? Tình cảm là khởi nguồn của thi ca nhưng thứ khiến thơ ca có thể tồn tại qua nhiều năm tháng, bất chấp những thăng trầm của thời gian và cuộc đời chính là trí tuệ. Nói cách khác, cảm xúc trong thơ cần sự nâng đỡ đến từ sức mạnh của chất triết lí. Mỗi nhà thơ vừa là một thi nhân nhưng đồng thời cũng vừa phải là một triết nhân. Anh phải là người biết cân bằng cán cân cảm xúc trong mình, làm sao để tác phẩm của mình không trở nên ủy mị, yếu đuối vì chỉ dung chứa những cảm xúc hời hợt, dễ dãi và cũng phải làm sao để không biến thi phẩm của mình trở thành một bài tuyên ngôn khô khan, đơn điệu chỉ vì đưa ra những bài học, những cách ứng xử đạo đức cứng nhắc, giáo điều. Làm được điều đó âu cũng là một thách thức với người sáng tạo nghệ thuật.

Trí tuệ trong thơ ở đây thực chất là muốn đề cập đến những triết lí, những thông điệp, những cách nhìn mà nhà thơ muốn gửi gắm trong tác phẩm. Trên thực tế, tình cảm và trí tuệ luôn có mối quan hệ gắn kết bền chặt trong thi ca. Vì thơ ca dẫu là sản phẩm tinh thần của nhà thơ, kết tinh những điều gan ruột, khắc khoải nhất trong tâm hồn nhà thơ thì đích đến sau cùng của nó vẫn là người đọc. Tình cảm thơ ca vì thế mang tính cá nhân chứ không có tính cá biệt, đơn lẻ như những ốc đảo cô độc. Muốn làm được điều đó, tình cảm mà nhà thơ truyền tải cũng không thể nhỏ bé, giản đơn, tầm thường mà cần gửi gắm qua đó những giá trị sống, những kinh nghiệm phổ quát của nhân sinh để chạm đến cõi lòng của muôn người, muôn đời. Khi ấy, rõ ràng tình cảm đã được trí tuệ soi rọi và nâng đỡ. Trí tuệ đã trở thành phương tiện đắc lực giúp cho thơ ca thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của một cộng đồng, một dân tộc thậm chí là đời sống của cả nhân loại. Bên cạnh đó, tôi cho rằng mỗi nhà thơ bước lên văn đàn bao giờ cũng muốn khẳng định tài năng và tầm vóc của mình, do đó lẽ dĩ nhiên họ sẽ luôn mong muốn tình cảm mà mình thể hiện trong thơ được phát huy hết những chiều kích rộng lớn của nó. Tình cảm khi được mở rộng tận độ giới hạn sẽ chạm đến trí tuệ. Nghĩa là nhà thơ sẽ mượn tình cảm để đem đến những nhận thức mới cho người đọc, khai mở những tầng sâu mới của trí tuệ.

Xuân Diệu trong suốt hành trình sống của mình luôn bị ám ảnh bởi sự trôi chảy của thời gian. Đối với ông, thời gian là hữu hạn, mỗi khoảnh khắc trôi qua cũng đồng nghĩa với sự tàn lụi, biến mất. Thơ ca vì thế là hình thức để thi nhân chống trả lại trước sự trôi chảy của thời gian và mở rộng biên độ sống của chính mình. Nỗi lòng trân quý cuộc sống của nhà thơ đã được nhà thơ nâng lên thành những triết lí về thời gian vô cùng sâu sắc:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
hay
“Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Hiếm có ai đưa ra triết lí về thời gian độc đáo như Xuân Diệu. Ông nhìn thấy cái sắp xảy ra, sẽ xảy ra trong cái chưa xảy ra và đang xảy ra: xuân đang tới nhưng cũng đồng nghĩa với xuân đã qua, xuân đang còn non cũng đồng nghĩa với xuân đang già. Con người ấy không đợi đến nắng hạ mới hoài xuân mà đã cảm thấy nhớ thương và tiếc nuối mùa xuân ngay trong chính khoảnh khắc mùa xuân căng tràn nhất. Thậm chí ngay trong khoảnh khắc “tay trong tay” với người yêu, cảm giác chia lìa và dự cảm xa cách đã choán ngợp tâm hồn thi nhân: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt/ Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài”. Với một con người ham sống đến vô biên, tuyệt đích thì có lẽ chăng, điều mà Xuân Diệu lo sợ nhất chính là những điều đẹp đẽ trong cuộc đời mình sẽ biến mất. Xuân Diệu không chỉ sống trong hiện tại, ông chạy đua với tương lai. Vì ý thức được sự thay đổi của thời gian nên nhà thơ mới khao khát được chống trả nó bằng việc tăng cường độ sống, tốc độ sống và hơn cả là nuôi dưỡng tình yêu và khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Triết lí về thời gian của Xuân Diệu chính là điều khiến cho thơ ca của ông không bao giờ cũ mòn mà vẫn rất thiết thực với con người muôn thế hệ.

Tình cảm thiết tha trong thơ kết hợp cùng chiều sâu trí tuệ sẽ tạo nên sự sâu sắc trong cảm xúc. Tình cảm trong thơ vì thế đem đến cho người đọc những cảm xúc “thực hơn cả đời thực”, giúp ta được sống thêm nhiều cung bậc, nhiều khả thể trong tâm hồn. Giữa những diễn ngôn về nữ quyền ngày này, nơi người nữ được khẳng định là độc lập về mặt cảm xúc và không còn phụ thuộc vào tình yêu thì khi quay trở về những thập niên 80 của thế kỉ trước, đắm chìm trong những vần thơ tình của Xuân Quỳnh, người ta lại thấy một góc nhìn rất khác. Triết lí về tình yêu trong thơ của chị độc đáo ở chỗ chị dám thành thực thừa nhận khát khao của mình, những yếu đuối của mình mà không chối bỏ nó. Với Xuân Quỳnh, tình yêu là nguồn sống, là toàn bộ cuộc đời của chị. Vì thế, dù có trải qua nhiều mất mát, tổn thương và cay đắng trong tình yêu, chị vẫn sẵn sàng hiến dâng trái tim của mình:

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Nữ quyền đôi khi không chỉ là việc người nữ khẳng định vị thế của mình mà nữ quyền còn là việc người nữ sẵn sàng sống chân thực với cảm xúc và bản ngã của mình, sẵn sàng trao đi tình yêu và được yêu. Trái tim yêu thiết tha đem lại cho Xuân Quỳnh nhiều đau khổ nhưng bên cạnh đó, nó cũng khiến cho cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống một cách trọn vẹn. Như vậy, triết lí về tình yêu của Xuân Quỳnh đã giúp người nữ trân trọng tiếng nói và khát khao của mình, dám sống với những giá trị mình đang có.

Giãi bày cảm xúc trong thơ thì dễ dàng nhưng để nâng cảm xúc ấy lên thành trí tuệ, thành những đúc kết có tính phổ quát thì không phải là chuyện dễ dàng. Điều này đòi hỏi nhà thơ phải là người sống sâu sắc, giàu chiêm nghiệm về đời sống và biết khái quát những điều mình trải qua thành những triết lí muôn thuở. Sự đan kết giữa một trái tim giàu cảm xúc và một trí tuệ đầy sắc sảo sẽ làm nên một nhà thơ vĩ đại và tầm vóc. Tình cảm và trí tuệ vì thế không tách rời mà luôn cần đến nhau, bổ sung cho nhau và nâng đỡ nhau.
Thêm
52
0
0
Viết trả lời...
Dẫn chứng NLXH đáng tham khảo

1. Tuổi trẻ cần sống khác biệt , suy nghĩ của giới trẻ về bình đằng giởi

H’Hen Niê là một cô gái có mái tóc tém, làn da ngăm... hoàn toàn khác với mẫu số chung về cái đẹp của phụ nữ Việt Nam. Ở nơi mà tiếng nói của người phụ nữ thấp bé, người phụ nữ chỉ quẩn quanh đồng rẫy, bếp núc... H'Hen Niê đã chọn cho mình một thái độ sống khác. Cô từ chối lấy chồng vào năm 13 tuổi như những bé gái dân tộc Ê đê; H’Hen đã lựa chọn con đường học vấn. Sự khác biệt đúng đắn trong tư duy đã mở ra cho cho cô nàng Ê đê rất nhiều cơ hội, thành tích mà nổi bật nhất là danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018.

2. Lòng yêu nước, lòng dũng cảm, sự cống hiến

Anh hùng La Văn Cầu khao khát được giải phóng đất nước, La Văn Cầu mới 16 tuổi khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội. Anh đã tham gia chiến đấu 29 trận trong các cương vị chiến sĩ và chỉ huy. Tấm gương La Văn Cầu cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công và thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới quân đội ta mở ra từ chiến dịch Biên giới 1950.

3. Sự kiên trì nỗ lực - Theo đuổi ước mơ, tự tin vào chính mình - Người truyền cảm hứng, tài năng

Khánh Vy - cô gái trẻ được biết đến với danh xưng “hot girl 7 thứ tiếng”.Hiện tại, cô nàng đang là biên tập viên, một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng sở hữu kênh Youtube với hàng triệu người theo dõi. Bên cạnh đó, cô còn là một MC của nhiều chương trình trên sóng truyền hình tiêu biểu là “Đường lên đỉnh Olympia”. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô luôn là một học sinh xuất sắc. Tốt nghiệp loại giỏi ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại Giao. Cô nàng rất năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, ngoài ra cũng đạt được những thành tích rất đáng nể trong học tập. Dù đạt được thành tích như vậy nhưng cô vẫn không ngừng dừng lại, luôn nỗ lực làm mới mình để thoát cái mác “hot girl” và giờ đây cô đã trở thành MC nổi tiếng khi tuổi đời còn rất trẻ, bên cạnh đó cô thường xuyên chia sẻ lối sống tích cực đến các bạn trẻ qua các kênh của mình.

4. Quan niệm về lòng yêu nước của “ Tuổi trẻ “

19 tuổi, anh Đậu Văn Hiếu (19 tuổi, quê ở Nghệ An) xung phong ra Trường Sa, nhận nhiệm vụ ở đảo Cô Lin với tâm nguyện được hiến dâng sức mình cho công cuộc bảo vệ đất nước, anh chia sẻ: "Tuổi trẻ rất đáng giá vì được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ bình yên cho đất nước. Ở nhà, bố mẹ tự hào về mình lắm. Qua đây cho tôi gửi lời nhắn về với gia đình: Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Con cũng nhớ bố nữa". Chính tình yêu nước đã giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà, vững tay súng, chắc tay lái để ở nơi muôn trùng sóng gió vẫn nở nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan mặc cho "nắng bỏng da, mưa rát mặt", vẫn hiên ngang giữa trời canh gác: "Đen hết cỡ rồi, bây giờ nắng phải sợ mình, chứ mình không sợ nắng nữa”

5. Tinh thần tương thân tương ái của giới trẻ - Tuổi trẻ ước mơ, đam mê và khát vọng

Đen Vâu (Nguyễn Đức Cường) là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023, được vinh danh ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Anh từng một công nhân công ty vệ sinh môi trường ở tỉnh Quảng Ninh, với tình yêu âm nhạc, đã trở thành rapper hàng đầu Việt Nam và truyền đi cảm hứng sống và cống hiến cho cộng đồng với nghệ danh Đen Vâu. Đặc biệt, tác phẩm được dư luận quan tâm, đánh giá cao trong năm 2023 là MV "Nấu ăn cho em" đã thu về được hơn 418 triệu đồng chỉ sau một tháng ra mắt. Bài hát “Nấu ăn cho em” truyền tải thông điệp tích cực của dự án “Nuôi em”.

Trong lễ trao giải “Làn sóng xanh năm 2023”, Trần Minh Hiếu (Hiếu Thứ Hai) vinh dự được nhận giải “Nam ca sĩ được yêu thích nhất”, anh đã phát biểu với câu nói truyền cảm hứng rằng: “Ước mơ chỉ là mơ ước cho tới lúc nó thành hiện thực. Đừng quan tâm ước mơ của mình lớn lao thế nào, mình nhỏ nhoi ra sao vì ai rồi cũng phải bắt đầu từ đâu đó”.

6. Tuổi trẻ và vấn đề khởi nghiệp, Tuổi trẻ và việc vượt qua giới hạn

CEO Nguyễn Thị Thu Hoa (sinh năm 1992 tại Phú Thọ) được biết đến là nữ founder và CEO của Trường Foods. Sau khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Thu Hoa được tiếp cận và đam mê với nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình nhà chồng. Nhưng với ước mơ đưa thịt chua đi xa hơn đến mọi miền Tổ quốc, cô đã mạnh dạn bỏ thương hiệu cơ sở Nghị Thịnh - cơ sở nhà chồng, để xây dựng hiệu mới của chính mình. Hiện tại, sản phẩm của công ty chị Hoa chiếm 40% thị phần thịt chua trên toàn tỉnh Phú Thọ. Tính đến tháng 9/2023, Trường Foods bán ra thị trường khoảng 2,5 triệu sản phẩm, duy trì hơn 8.000 điểm bán trên khắp các tỉnh, thành. Sản phẩm của chị Hoa được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp châu Á công bố danh sách Thương hiệu số 1 Việt Nam năm 2023.

7. Lòng yêu nước - Lòng tự hào về lịch sử, đất nước - Năng lực sáng tạo, hợp tác

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội. Công trình có diện tích 38,6ha và là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật. Trong tháng 11 và 12 vừa qua, Bảo tàng đã mở cửa, miễn phí vé vào; chưa đầy 1 tháng, hơn 200.00 lượt khách đã tới tham quan. Nguyễn Hồng Định (19 tuổi) chia sẻ khi tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. "Suốt chiều dài phong kiến tới những đợt kháng chiến gian khổ, tôi tự hào khi thấy bóng hình cha ông nghìn năm dựng và giữ nước".

Đội ngũ truyền thông nhà tù Hỏa Lò là những người trẻ yêu lịch sử, biến những thứ tưởng là “khó nhằn” trở nên viral hơn. Họ xây dựng kênh truyền thông về lịch sử Việt Nam được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm với cách tiếp cận hóm hỉnh, nội dung được cố vấn bởi đội ngũ có chuyên môn khiến Di Tích Nhà Tù Hỏa Lò trở nên vô cùng gần gũi với công chúng. Các nội dung của Fanpage được đội ngũ truyền thông chia làm 2 hình thức: bài đăng chuyên môn và bài đăng tương tác. Các bài đăng được xoay quanh thông tin về Di Tích Nhà Tù Hỏa Lò là chủ yếu. Bên cạnh đó, chủ đề chiến tranh Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung cũng được khai thác.
Thêm
97
0
0
Viết trả lời...
Không có sự bén duyên giữa tôi với sự viết, đây có lẽ là sự chọn lựa lẫn nhau. Văn chương chẳng bao giờ lựa chọn ai dù làm người hầu hay ông chủ của mình, mỗi người tự ướm mình vào cõi thiêng liêng này. Tôi chọn việc viết văn vì tôi là kẻ phù phiếm, thích nghĩ ngợi, tưởng tượng và bằng đủ mọi cách ném mình khỏi lốt trần tục, qua những giấc mơ. Đọc sách với tôi cũng là một phương pháp để trí tưởng được mở ra, loại bỏ hết ấn phong, khiến mọi lỗ chân lông giãn nở, tiếp nhận hết sức mạnh từ thiên nhiên, vũ trụ. Tôi từng cầm cọ, để vẽ. Sau này tôi thôi cây cọ để cầm bút viết, nhưng cọ hay cây viết cũng là bút, viết văn hay vẽ cũng đều là nghệ thuật. Chọn lấy việc viết, tức là tôi đã tự chọn cho mình một số phận khác, khó khăn, đầy bất trắc.

Trong đầu tôi luôn sinh sôi đủ thứ kỳ quái, những hình khối hỗn độn, các khuôn mặt mờ tỏ cắm xuyên vào nhau đòi hỏi được lên tiếng. Tôi cũng nghĩ rằng nếu mình chỉ sống cuộc đời duy nhất, sẽ thật thiệt thòi dù có thọ trăm năm. Cái tôi này cần phải đi thêm nhiều con đường, sống nhiều cuộc người, thỏa chí trong mọi vai diễn trên sân khấu cuộc đời này. Mộng mơ chưa đủ, tưởng tượng chưa đủ, tôi viết. Sáng tạo ra những hình hài mới từ mình vẫn chỉ là một phần nhỏ trong việc viết của tôi. Đam mê và lớn hơn thế, là sự lên tiếng, nhát búa công lý giáng xuống kết án đủ thứ tội lỗi của mình. Đời sống này, ai cũng thế thôi, luôn có những tội lỗi bằng nhiều lý do khác nhau, chúng ta phủ nhận. Làm sao để có trách nhiệm với không chỉ những người mình thân, quen biết hoặc có cảm tình. Khi cứu một người trên đường, sẽ thiệt hại đến thời gian, lắm khi mất đi công việc béo bở, để cứu một con chim dưới móng vuốt mèo, ta sẽ phải đánh đuổi con mèo mà không biết rằng đã khiến con vật bị đói. Vừa rồi trên mạng xã hội có phát tán một video, đám người mổ trâu giữa đường lớn sau khi con vật chết vì tai nạn xe tải. Phải đánh giá vấn đề này thế nào? Một bầy người đói khát, man rợ giữa đường lớn. Tôi không nghĩ những người này thích/đã quen chuyện này, có thể họ đói thật hoặc không biết làm gì với con trâu đã chết nên đành xẻ xác để giao thông không ách tắc. Con vật thì chết rồi, còn đám đông này, liệu sẽ kết tội họ thế nào đây? Hô hoán đừng làm thế hay xông xáo vào đám người, đoạt lại từng miếng thịt còn nóng để đắp lại cho con vật, mong nó được toàn thây? Tôi đã không biết phải ứng phó thế nào, thế thôi, đành viết xuống. Những dòng dài, như điếu văn cho chú trâu tội nghiệp, những dòng dài để kết tội mình đã im lặng và những dòng dài hơn như một lời sám hối cho đám người đã “không biết việc mình làm”.

Rất nhiều người khuyên tôi bỏ viết, tôi vẫn viết. Cũng nhiều người bảo tôi đừng viết như thế này nữa, tôi vẫn viết theo ý mình. Có lẽ viết đã trở thành công việc của riêng tôi. Một trách nhiệm khó rũ bỏ chăng? Tôi cũng quên mình bắt đầu viết từ bao giờ. Rõ ràng không từ việc đọc quá nhiều sách hay từng học ở nơi có liên quan đến văn chương (thời gian đấy, viết với tôi chỉ là sự trả bài, tôi không quan trọng, chẳng quan tâm cho đến khi rời khỏi môi trường đấy). Có lẽ, hãy vứt béng sự kiểm thảo về thời gian, hoàn cảnh hay những thôi thúc dẫn dắt. Quan trọng là tôi đang cầm bút và chưa lúc nào lười biếng.
Thêm
  • Like
Reactions: Thích Văn Học
440
1
1
Viết trả lời...
Sau này con có thể quên nhiều thứ
Nhưng một điều con phải nhớ, đừng quên
Có những người ta chẳng thể biết tên
Nhưng con ơi, họ làm ra Đất Nước.

Dẫu phong ba cũng không hề lùi bước
Giữa mặt trận họ quyết chọn hi sinh
"Tiếc tuổi trẻ rồi cũng tiếc thân mình
Ai cũng tiếc thì còn đâu Tổ Quốc?"

Họ đi mãi, đi về nơi phía trước
Nơi bom đạn vùi lấp những thanh xuân
Để sau lưng dáng mẹ đứng ân cần
Gửi giấc mộng một thời chưa kịp lớn.

Có người lính rời quê khi trời sớm
Chưa kịp về đã hoá khói, sương bay
Bức thư kia gói gọn cả tháng ngày
Tới tay mẹ đã đẫm màu nước mắt.

Có cô gái tuổi xuân thì ngây ngất
Đã khoác màu áo lính dưới "trời mưa"
Gửi tâm tư vào cả những bài thơ
Rồi nằm lại giữa rừng sâu, gió hú.

Có những người vô danh trên bia mộ
Chẳng ai hay họ đã đến từ đâu
Chỉ biết rằng mỗi tấc đất cắm sâu
Là xương thịt của bao người nằm xuống.

Con phải nhớ máu xương là con suối
Chảy âm thầm nuôi sự sống hôm nay
Mỗi bước chân đi trên đất cỏ dày
Là dấu tích những người không trở lại.

Họ nằm đó, dưới bầu trời xanh mãi
Chẳng đợi ai cất vang tiếng ngợi ca
Nhưng quê hương - nơi sông suối, gầm hoa
Là bằng chứng họ làm ra Đất Nước.

Trái tim họ vốn đã nhiều vết xước
Họ không sợ ta không biết là ai
Họ chỉ sợ trong ngày tháng trôi dài
Ta sẽ quên công lao người đã khuất.

Không chỉ nhớ mỗi ông cha đã mất
Phải nhớ người phụ nữ đã hi sinh
Nuôi Cộng Sản nào có tiếc thân mình?
Tạo tiền đề cho một ngày chiến thắng.

Năm bảy lăm, cả Sài Gòn giải phóng
Bắc Trung Nam thống nhất kể từ đây
Con phải nhớ nơi con sống hôm nay
Chôn máu xương của những người Yêu Nước.


IMG_5272.jpeg
Thêm
287
0
0
Viết trả lời...
Em là b útch ì

Anh l à cụctẩ y

-----------------------------------------

Em như bút chì vẽ đời rực rỡ,
Tầng mây thơ phiêu lãng giữa trời xanh.
Mỗi sớm mai, em tô màu hy vọng,
Mỗi chiều về, em điểm nụ cười anh.

Em yêu nắng, yêu mưa, yêu mùa gió,
Yêu cuộc đời dù lắm lúc chông chênh.
Em là em — một mảnh hồn son trẻ,
Chưa từng ngừng tin vào những điều lành.

Còn anh bên em — như cục tẩy âm thầm,
Cứ lặng lẽ xóa đi bao vệt nhớ.
Xóa ngây thơ, xóa ước mơ… dang dở,
Xóa nụ em cười lấp lánh trang thơ.

Anh có biết — tình em đâu dễ tẩy,
Dẫu bao lần anh gắng xóa không thôi.
Nét bút chì vẫn hằn sâu nhức nhối,
Dẫu nhòe đi... vẫn chẳng thể mờ phai.

Bởi em sống bằng con tim nồng ấm,
Còn anh tham lam, ôi tro bụi hoang vu.
Cứ bội bạc, cứ quay lưng lạnh lẽo,
Bút chì em vẫn phác thảo sắc màu.
Thêm
261
0
0
Viết trả lời...
Cảm ơn má đã không biến ba con thành nhân vật phản diện,


Hồi nhỏ, ba là anh hùng trong mắt tôi, ba rất tuyệt vời.

Thời niên thiếu, ba trở thành hình mẫu người đàn ông tốt mà tôi đặt ra cho bạn trai tương lai.

Lúc trưởng thành, từng mảng tối trong gia đình bắt đầu hé lộ, ba tôi là người ba tốt nhưng không phải là người chồng tốt.

Ba chưa bao giờ đánh đập má tôi, ba đi làm lo tài chính gia đình. Chắc đó là hai điểm tốt duy nhất mà ở khía cạnh một người chồng mà ba tôi đã làm được.

Ba tôi gia trưởng. Đối với ba, đàn ông làm việc lớn ở ngoài, đàn bà lo việc trong nhà. Tuy sau này, má tôi cùng ra đi làm với ba, nhưng khi trở về nhà, mọi việc nhà cửa, cơm nước, lo con cái, đều là má tôi làm. Ba không hề xắn tay phụ lấy. Kể cả khi má tôi bệnh, mệt, ba cũng không quan tâm. Chỉ duy nhất khi má tôi sinh con, nằm cữ, không thể ra nấu cơm, giặt giũ, ba mới làm.

Ba tôi độc đoán. Trong nhà, những việc lớn liên quan tài chính, ba tôi tự quyết định. Có lần Tết, ba tôi đánh bài thua sạch tiền, sẵn tiện, ba bán luôn đám mía non với giá rẻ để lấy tiền đánh bài tiếp. Và má tôi không có quyền lên tiếng dù mấy đám mía đó là tài sản, công sức của cả hai vợ chồng.

Ba tôi là người chồng vô tâm. Trong ký ức tuổi thơ, mỗi lần Tết đến, nhà nhà đều đi chụp hình gia đình, riêng gia đình tôi, chỉ duy nhất có hai lần chúng tôi chụp hình đủ mặt cả nhà. Còn lại, toàn là má tôi bồng bế, chở bốn anh em xuống studio để chụp hình. Mỗi năm, mới đầu tháng chạp, còn cả tháng nửa mới tới Tết, ba tôi đã có mặt ở các sòng bài từ sáng đến khuya, ăn ngủ luôn ở sòng bài. Thậm chí đến sáng mùng một, ba cũng không hề về nhà. Chỉ có mấy má con lủi thủi với nhau đón tết. Ngày Tết, mặc cho má một mình lo toan mọi thứ, dọn dẹp nhà cửa, dẫy cỏ mộ ông ngoại, gói bánh tét, đúc bánh chưng, làm mức, lo cúng ông công, ông Táo, lo cúng tất niên, giao thừa, lại thêm coi sóc bốn đứa nhỏ leo nheo. Ba tôi vẫn tàng tàng ăn ngủ rồi đi đánh bài, hiếm hoi lắm, hôm nào đánh bài thua, hết tiền sớm, ba mới về sớm được một bữa, thế mà cả nhà vui như hội. Có năm, nửa đêm giao thừa, đợi mấy đứa con ngủ say, má đi tới từng sòng bài kiếm ba. Tìm được ba, năn nỉ ba về nhà đón mùng một với cả nhà, nhưng ba bỏ mặc. Má một mình, đi bộ về nhà, nửa đường, tủi thân ngồi khóc ở ống cống.

Những điều đó, má chưa bao giờ kể cho chúng tôi nghe. Những gì má kể, chỉ là ba làm lụng vất vả thế này, ba làm lụng vất vả thế kia để tụi tôi thấy được sự hy sinh cao cả của ba, nhưng lại không thấy được sự hy sinh lặng thầm của má. Chúng tôi lớn lên trong một gia đình êm ấm. Tôi vô cùng biết ơn má vì điều đó. Tuổi thơ tôi trôi qua trong êm đềm, không phải thấy cảnh mâm bay, chén rơi trong giờ ăn, không phải thấy cảnh người lớn đánh đập, chì chiết nhau. Cũng bởi vì, má tôi cố nhịn nhục và giấu nước mắt vào trong.

Khi trưởng thành, tôi dần dần nhận ra những góc khuất ấy, đã dần thấy được những lần má khóc thầm. Má cũng dần dần mở lòng hơn để kể với tôi, những câu chuyện má giấu rất lâu rồi. Vì má biết, tôi đủ trưởng thành để hiểu.

Tôi vô cùng biết ơn má, đã cho tôi một tuổi thơ hoàn hảo, không sứt mẻ để tôi có thể trưởng thành một cách trọn vẹn về nhân cách và cảm xúc. Tôi vô cùng cảm ơn má, má đã không biến ba thành nhân vật phản diện trong mắt những đứa trẻ là bọn tôi.
Thêm
352
0
0
Viết trả lời...
IMG_5178.jpeg


Dưới bóng thời gian, làng Đại Bái từng một thời vang danh bốn cõi với những tiếng búa, tiếng đe vang vọng từ sáng sớm đến chiều tà. Bao thế hệ người thợ đúc đồng đã hun đúc nơi đây không chỉ những pho tượng, trống đồng, lư hương, mà còn đúc cả hồn cốt của một làng nghề ngàn năm trân quý. Từng thớ đất, từng giọt mồ hôi của cha ông thấm vào thau đồng đỏ chói, ánh lên những sắc màu lịch sử và văn hóa.



Thế nhưng, như một khúc tráng ca bị ngắt quãng giữa chừng, làng nghề ấy giờ đây lặng lẽ bước vào hoàng hôn của mình. Đất chật, người đông, những dòng kênh xanh xưa kia nay đã đặc quánh phù sa lẫn tro bụi, hóa chất. Khói than, mùi đồng cháy âm ỉ, bao năm vẫn âm thầm len lỏi vào từng nếp nhà, từng phế quản của người làng.



Khi quyết định dỡ bỏ những lò đúc, ống khói được ban hành, lòng người Đại Bái trĩu nặng như có ai vừa hạ hồi chuông đoạn tuyệt. Những khuôn đúc, nồi nấu, đe búa từng là niềm kiêu hãnh của bao gia đình bị cất vào ký ức. Con đường làng từng mòn chân người thợ, nay chỉ còn trơ lại bụi đỏ và những mảng tường lở lói. Bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tinh hoa nghề cổ giờ hóa thành hoài niệm.



Nhưng cũng phải thôi. Mảnh đất không thể thở nổi nữa. Những mầm bệnh, những tổn thương môi trường chồng chất buộc người ta phải lựa chọn. Giữ nghề thì mất người. Bỏ nghề thì mất hồn. Giữa đôi bờ ấy, Đại Bái buộc phải chấp nhận buông tay.

Dẫu cho lửa lò đã tắt, tiếng búa đã im, nhưng tinh thần của người Đại Bái chưa bao giờ chịu ngủ yên. Trong sâu thẳm những bàn tay từng chai sần vì đồng đỏ lửa hồng, trong ký ức của những đứa trẻ từng lớn lên bên lò nung, ngọn lửa nghề vẫn còn âm ỉ cháy. Có người sẽ mang khuôn đúc, mang kỹ nghệ xưa lên những vùng đất mới, lập lên những xưởng nhỏ xa làng cũ, tiếp tục đúc đồng bằng cách thức thân thiện hơn với đất trời. Có người miệt mài khôi phục những hoa văn cổ, gìn giữ bí quyết nghề để dạy lại cho con cháu sau này.



Đại Bái hôm nay có thể không còn vang tiếng lò đúc như xưa, nhưng hồn nghề vẫn lặng lẽ chảy trong từng mạch máu của người làng. Biết đâu đó, một ngày không xa, khi con người tìm được cách hài hòa giữa truyền thống và môi trường, tiếng búa Đại Bái sẽ lại vang lên — không còn là tiếng đập xuống một chương cũ, mà là nhịp ngân vút lên một khúc ca hồi sinh.

Bắc Ninh,8/5/2025
Thêm
300
0
0
Viết trả lời...
HẠNH PHÚC NỞ HOA


Hàng trăm tia nước mát lành đang rửa trôi lớp bụi trắng mỏng trả lại màu xanh mỡ màng cho những chiếc lá hạnh phúc. Mấy cành dài vươn mình đón nắng khẽ rung rinh, nhảy nhót. Tôi như nghe được cả tiếng cười khúc khích phát ra từ tàng cây. Dưới chùm nắng non buổi sớm, những giọt nước li ti trong suốt đọng trên lá hắt ra thứ ánh sáng lung linh, tinh khiết. Vừa tưới cây, tôi vừa vuốt ve, ngắm nghía từng chiếc lá. Sáng sớm là khoảng thời gian tôi cho phép mình được thư thả, không lo nghĩ bất cứ chuyện gì, chỉ tập trung vào những giọt nước, những cơn gió, những chiếc lá, những bông hoa và mọi thanh âm thân thuộc của một ngày bình thường. Đó là tiếng xe chạy hối hả, tiếng rao thu mua đồ cũ, tiếng chim hót ríu rít, tiếng tắc kè nhà ai nuôi và cả tiếng trực thăng bay lượn trên bầu trời.

Chỉ khi thực sự yêu thứ gì đó, người ta mới cảm nhận được giá trị thời gian ít ỏi mà họ phải cố xén ra giữa guồng quay cơm áo gạo tiền để toàn tâm toàn ý dành cho niềm đam mê ấy. Tôi không mê trà nên chẳng thể hiểu được cái thú khi những người yêu trà ngồi mân mê pha và thưởng thức một tách trà nhỏ xíu. Cũng như ai không yêu cây sẽ chẳng hiểu được cảm giác mân mê từng chiếc lá, ngắm nghía từng chồi xanh, hì hục nhổ đi từng cây cỏ… có thể gây nghiện như thế nào. Ngày nào cũng ngắm, cũng soi từng chi tiết trên cây thế mà vẫn có lúc ngỡ ngàng tự hỏi cái chồi này nảy lên từ khi nào, cái cành kia sao bỗng dưng dài thế nhỉ.

Hôm nay, tôi phát hiện cây hạnh phúc của mình ra hoa. Nếu không chú ý, tôi đã chẳng nhìn thấy chùm nụ màu xanh nhạt hơn màu cốm ẩn sâu trong mấy cành um tùm lá cũng màu xanh kia. Điều làm tôi bất ngờ không phải là việc mình vô tình tìm ra bí mật của cây mà là “hạnh phúc”, một loại cây yêu thích của tôi cũng có thể ra hoa. Hoá ra, tôi vẫn chưa hiểu hết đặc tính của cái cây mà tôi đã phải lòng cách đây năm năm. Tôi tưởng rằng mình thấy bản thân yêu nó, chăm sóc nó mỗi ngày, lau từng cái lá của nó… thế là yêu. Mà tôi quên mất rằng yêu là phải hiểu cặn kẽ, hiểu chi tiết, là phải biết nó cần gì, muốn gì, nó có yêu mình không. Tôi cũng chưa bao giờ tự hỏi mình yêu nó như vậy đã đủ chưa? Chỉ thấy lá vẫn xanh, chồi mới vẫn lên là ung dung tự hào về tình yêu của mình. Hay là tôi yêu hạnh phúc chỉ vì “trend”?

Có một dạo, người ta đổ xô đi mua hạnh phúc vì nghe nói trồng hạnh phúc sẽ hạnh phúc và hạnh phúc dễ chăm, dễ sống. Thật vậy, hạnh phúc ưa sáng nhưng ở nơi không có ánh nắng trực tiếp, cây vẫn có thể phát triển bình thường. Hạnh phúc có tán sum suê, lá màu xanh đậm, căng bóng rất đẹp. Vì vậy, hạnh phúc thường được chọn để trang trí cho các văn phòng, sảnh lễ tân ở ngân hàng, khách sạn hay để tạo thêm không gian xanh cho phòng khách, phòng làm việc ở nhà. Hạnh phúc không khó tính, đỏng đảnh, không rực rỡ, sắc màu, không toả ra mùi thơm gì hết nhưng màu xanh mướt của hạnh phúc mang lại cảm giác sức sống căng tràn. Nếu thực sự ngắm màu xanh của hạnh phúc, hẳn ai cũng sẽ thấy lòng mình dịu lại.

Chỉ cần có đủ ánh sáng dù là ánh sáng nhân tạo, hạnh phúc cũng lặng lẽ sống “hạnh phúc” như cái tên của nó. Ở mỗi cành, hạnh phúc sẽ ra các chùm nhỏ gồm ba lá xếp thành hình trái tim. Tuy không ai trồng hạnh phúc để lấy hoa hay hương nhưng người ta vẫn chọn hạnh phúc. Người ta chọn hạnh phúc bởi cái tên của nó làm người ta hi vọng hay người ta chỉ đơn giản muốn chọn một cái cây ưa nhìn mà dễ tính như lời người bán tư vấn? Mà suy cho cùng, dù lý do là gì, miễn sau đó người ta vẫn chăm sóc tốt cho nó là được. Phải không nhỉ? Yêu hay không có quan trọng không?

Cái tên hạnh phúc của nó có lẽ do một người yêu nó thực sự đặt cho. Thật ra, tôi chưa từng tìm hiểu hay nghiên cứu nghiêm túc về nó. Vậy mà tôi luôn tự nhận mình yêu nó. Xấu hổ thật! Giờ thì tôi suy đoán bằng cảm giác, một cảm giác thật lòng khi tôi nghĩ về hạnh phúc chứ không phải bằng sự hiểu biết của tôi về nó. Phải chăng bởi hạnh phúc toả ra thứ tình yêu thuần khiết trong từng cành từng lá của mình nên người ta mới gọi nó là hạnh phúc. Cái gì đi từ trái tim sẽ dễ chạm đến trái tim. Hạnh phúc đã chinh phục tôi bằng chất mộc đơn sơ của mình như thế. Mà có lẽ, chính bởi sự “dễ tính” của mình nên ít ai mang hạnh phúc ra trồng ở ngoài trời, nơi có nắng. Thành phố mà, chen nhau để sống, những nơi có nắng như vậy đâu có nhiều. Và cho nên, những nơi có nắng hiếm hoi ấy phải để dành cho những cây cần nắng mới sống được. Chắc là… hạnh phúc hiểu điều đó dù sống trong nhà, nó sẽ khó mà trổ bông. Thực vật hoá ra cũng giống con người - cần thay đổi và thích nghi, sẵn sàng chấp nhận được mất, hài lòng với hiện tại thì mới có thể “hạnh phúc” sống và cống hiến cho đời.

Đến hôm nay, khi vô tình nhìn thấy những nụ hoa hạnh phúc đầu tiên, tôi mới giật mình mở máy vào mạng tra cứu thông tin về hạnh phúc. Càng tìm hiểu tôi càng ngỡ ngàng nhận ra mình chưa bao giờ hiểu hết về hạnh phúc. Hoá ra, trước giờ tôi chưa đủ yêu hạnh phúc như tôi vốn tự hào và vốn tưởng. Vì chưa đủ yêu nên chưa đủ hiểu. Tôi chẳng hề biết rằng hạnh phúc nếu sống ở ngoài tự nhiên có thể cao tới 30m, y học phương Đông còn dùng nó như một vị thuốc trị sốt, trị thương và một số bệnh khác. Tôi chẳng hề biết rằng nếu được sống trong môi trường lý tưởng, được hấp thụ đủ nắng, đủ dinh dưỡng, hạnh phúc cũng có thể ra hoa… Không ra hoa, hạnh phúc vẫn xanh lá nhưng có phải ra hoa thì sẽ trọn vẹn hơn không? Sống một đời, ít nhất cũng được một lần ra hoa chứ nhỉ? Phải vậy thì cuộc đời mới biết thêm một loài hoa - hoa hạnh phúc.

Nói chuyện cây lại nghĩ chuyện người. Đọc đến đây bạn có tự hỏi “hạnh phúc” mà chúng ta vẫn thường nói đến, thường mơ đến liệu đã nhận đủ “nắng” để ra hoa chưa? Chúng ta đã yêu ai đó, thứ gì đó đủ chưa? Liệu tôi còn chưa đủ yêu những gì nữa?
Thêm
283
0
1
Viết trả lời...
MÙI CỦA YÊU THƯƠNG

Trong vô vàn hành trình khứu giác của đời người, có lẽ không mùi hương nào đeo bám dai dẳng, khắc sâu vào tiềm thức như cái gọi là "mùi của mẹ". Đó không chỉ là một mùi hương đơn thuần, mà là cánh cổng mở về một miền ký ức xa xôi, nơi gói trọn cả bình yên, yêu thương và những tháng năm không thể tìm lại. Mùi hương ấy không thể định nghĩa bằng bất cứ loại nước hoa đắt tiền nào, không thể mua được ở bất cứ cửa hàng nào trên thế giới. Nó là độc bản, là duy nhất, là thứ hương thơm được tôi luyện qua dòng chảy thời gian, qua nhọc nhằn và tình yêu không lời. Chỉ cần một thoáng vấn vít, cả một thế giới thân thuộc lại ùa về, ấm áp, bồi hồi, và đôi khi, cay sè sống mũi.

Mùi của mẹ không phải là một nốt hương đơn lẻ. Nó dịu dàng và chân thật, được tạo nên từ những gì mộc mạc nhất, đời thường nhất. Có mùi mồ hôi mặn mòi vương trên tấm áo bà ba bạc màu sau buổi làm đồng. Đó là mùi của sự tảo tần, của những giọt mặn thấm đẫm đất đai, của lưng còng uốn mình gánh gồng nắng mưa. Tôi nhớ như in, mỗi khi mẹ về từ chợ sớm hay từ mảnh vườn sau nhà, tấm áo cũ vương mùi đất ẩm, mùi sương mai và lẫn vào đó là thứ mùi đặc trưng của riêng mẹ – không thơm thoang thoảng, mà đậm đà, chân chất, nói lên cả một câu chuyện về cuộc đời lam lũ. Rồi có mùi dầu gió, mùi thuốc Nam mẹ hay dùng mỗi khi trở trời đau nhức. Cái mùi nồng nồng ấy giờ đây không còn khiến tôi khó chịu như ngày bé, mà trở thành ký ức về những lần mẹ xoa bóp, những đêm mẹ thức trắng bên cạnh khi tôi ốm. Nó là mùi của sự chăm sóc, của đôi bàn tay chai sạn xoa dịu nỗi đau.

Làm sao có thể quên mùi khói bếp vấn vít trên mái tóc hoa râm của mẹ mỗi chiều? Góc bếp nhỏ với cái kiềng ba chân cũ kỹ, nơi mẹ thổi bùng lên ngọn lửa từ rơm khô hay củi mục. Mùi khói ấy quyện với mùi cơm chín tới, mùi cá kho tộ sôi liu riu, mùi hành phi thơm lừng cả gian nhà. Đó không chỉ là mùi của thức ăn, mà là mùi của sự no đủ, của bữa cơm gia đình đầm ấm, nơi tiếng cười nói, nơi những câu chuyện vụn vặt được sẻ chia sau một ngày dài. Nó là mùi của căn bếp ấm cúng, của người phụ nữ dành cả đời để vun vén cho tổ ấm. Ngay cả mùi vải áo cũ, tấm chăn sờn màu phảng phất nắng sau khi phơi, cũng mang mùi của mẹ. Mỗi sợi vải như giữ lại hơi ấm của mẹ, mùi hương quen thuộc trở thành một vật bảo hộ vô hình. Cái mùi ấy gắn liền với hơi ấm và sự hiện diện của mẹ trong những khoảnh khắc được chở che nhất, khi vòng tay mẹ khép lại quanh tôi, và cả thế giới bên ngoài dường như dừng lại.

Mùi hương ấy, hơn cả một giác quan đơn thuần, là chiếc chìa khóa mở ra cả một rương báu ký ức. Nó gắn liền với những không gian thân thuộc và những khoảnh khắc không thể nào quên, hít hà mùi hương đặc trưng ấy mỗi khi sợ hãi hay tủi thân. Như lần tôi bị ngã xe trầy đầu gối, khóc ré lên vì đau và sợ hãi. Mẹ vội vàng chạy đến, bế xốc tôi lên, và ngay khi vùi mặt vào chiếc áo sờn vai của mẹ, ngửi thấy mùi hương quen thuộc ấy, nước mắt cứ thế chảy dài nhưng lòng lại dịu lại đến lạ. Nỗi đau thể xác dường như được xoa dịu bởi sự an ủi từ mùi hương ấy.

Những buổi trưa hè oi ả, nằm trên chiếc giường tre cạnh mẹ, nghe tiếng quạt nan phe phẩy, và hít hà mùi hương từ mái tóc còn vương mùi dầu gội bồ kết. Cái mùi ấy gắn liền với giấc ngủ trưa bình yên, với những câu chuyện cổ tích mẹ kể bằng giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm. Không gian chỉ đơn giản là gian nhà cấp bốn cũ kỹ, cái giường tre ọp ẹp, nhưng dưới sự hiện diện và mùi hương của mẹ, nó trở thành nơi chốn an toàn nhất, hạnh phúc nhất trên đời. Hay những đêm đông lạnh giá, mùi chăn bông mẹ đắp cho tôi, mùi hơi ấm từ cơ thể mẹ khi mẹ nằm sát bên, xua tan đi cái lạnh buốt giá. Đó là mùi của tình yêu sưởi ấm, của sự hy sinh âm thầm.

Sức mạnh của mùi hương này không chỉ nằm ở khả năng gợi nhớ, mà còn ở sự trường tồn và độc nhất. Đã bao lần tôi đi qua những con phố đông đúc, ngửi thấy mùi khói bếp từ một căn nhà nào đó, mùi thuốc Bắc từ hiệu thuốc cổ, hay mùi mồ hôi của những người lao động... thoáng chốc, tim lại thắt lại vì một nét tương đồng vụn vặt với mùi của mẹ. Những khoảnh khắc "hao hao" ấy không làm tôi nhầm lẫn, mà chỉ càng khẳng định thêm sự độc đáo không thể sao chép của mùi hương ấy. Chỉ mẹ mới có mùi hương đó, bởi nó được dệt nên từ chính cuộc đời mẹ, từ những năm tháng mẹ sống, làm việc và yêu thương chúng tôi.

Đi đâu xa, dù đặt chân đến những vùng đất mới lạ với bao nhiêu mùi hương hấp dẫn, cái mùi của mẹ vẫn như một sợi chỉ vô hình nối tôi về với nguồn cội. Nó là nơi neo đậu tâm hồn, là "nhà", là cảm giác thân thuộc nhất giữa bộn bề cuộc sống. Dù mẹ không còn ở cạnh mỗi ngày, dù khoảng cách địa lý hay cả những khoảng cách không gian và thời gian có thể ngăn chia, mùi hương ấy vẫn sống động trong tiềm thức. Nó không phai nhạt theo năm tháng, trái lại, càng được khắc sâu hơn bởi nỗi nhớ và sự trân trọng. Có những lúc mệt mỏi, chỉ cần nhắm mắt lại và hình dung về mùi hương ấy, tôi lại cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh, như có mẹ ở bên cạnh vỗ về.

Mùi của mẹ - Nó là hiện thân của tình yêu vô điều kiện, của sự hy sinh thầm lặng, là cội rễ mà ta không thể lìa xa. Đó là mùi của sự sống, của lòng bao dung, của sự tần tảo và nhẫn nại. Nó là mùi của bình yên, của hạnh phúc giản đơn, của tất cả những gì ấm áp và thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi người con. Mùi hương ấy không chỉ là ký ức, nó là sự sống động, là hiện diện không thể xóa nhòa. Nó là lời nhắc nhở thường trực về người phụ nữ vĩ đại đã tạo nên cuộc đời mình, về tình yêu không bao giờ vơi cạn. Và cái mùi ấy, mãi mãi còn phảng phất đâu đó trong tâm hồn ta, như một dấu ấn không phai của những tháng năm thiêng liêng.
Thêm
246
0
0
Viết trả lời...
KỂ CHUYỆN THÁNG TƯ
Tháng Tư, những cơn mưa đầu mùa kéo mây đen ùn ùn đến giăng kín bầu trời. Màn mây nặng nề ấy như bà bầu bụng chửa vượt mặt, đi lệnh khệnh trên tấm trần ọp ẹp, chỉ chực chờ tiếng sấm nổ uỳnh lên như phẫn uất, vỡ bầu ối xả nước ào ạt xuống mặt đất.
Phía trên thảm mây, tiếng sấm vần ì ầm rền vang, lúc đùng đoàng đanh gắt như pháo bắn, lúc thì như hàng chục người vần đám thùng phi rỗng lăn lục cục trên nền mây xám đen.
Ngày mưa tháng Tư như thế, đất trời như chuyển dạ. Dưới thì nóng, trên thì lạnh, làm tấy lên những vết thương của chú tôi. Mấy mảnh đạn còn nằm ẩn sâu trong đường gân thớ thịt như bị tiếng sấm sét kích động, ngóc lên cắn xé làm gương mặt chú nhăn lại, tạo rãnh hằn sâu chạy ngang trán, lan xuống hai đuôi mắt, kéo đến tận thái dương.
Giao mùa như thế, cơ thể chú tôi nổi loạn đau nhức, sưng tấy, không đi làm được. Chú thường ở nhà và kể cho bọn trẻ nghe về đời lính chiến của mình.
Dù ngày đầu chú không muốn kể, vì toàn gian khổ, khói lửa đạn bom, chết chóc, nhưng sau này chú lại kể. Kể cho chính mình nghe về những kỷ niệm của thời thanh xuân kiêu hùng, khi được cùng lớp lớp đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Kể để lớp trẻ hiểu thế hệ ông cha đã hy sinh nhường nào. Kể để thế hệ sau hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh mà nâng niu, trân trọng lấy hòa bình.
Nền hòa bình, độc lập ấy phải đánh đổi bằng tính mạng của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, bằng thịt xương của hàng triệu thương binh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Là cái chết của người phía bên kia, nhưng đều là máu đỏ da vàng con Lạc cháu Hồng:
"Khi viên đạn xuyên vào một người lính, dù thuộc bên nào đi nữa, nó cũng xuyên qua trái tim người mẹ."
Thời thế thế thời, họ cũng chỉ là những người lựa chọn sai con đường, cần được thông cảm khi điều kiện, hoàn cảnh xô đẩy họ vào cuộc chiến, buộc phải cầm súng chống lại đồng bào.
Dòng máu nóng của hàng triệu người Việt đổ xuống, thấm vào lòng đất mẹ, hòa tan vào đất để ươm lên mầm xanh hòa bình cho cháu con, để Tổ quốc bừng sáng lên mùa xuân. Một mùa xuân của độc lập, tự chủ, hòa bình, mong sao mùa xuân ấy luôn mãi mãi trường tồn.
Cơn mưa ào ạt tháng Tư như ào ạt kỷ niệm chảy về với chú. Mắt chú long lanh sáng lên, át đi cơn đau trên thân thể, và giọng kể bật lên hào hùng về trận đánh long trời lở đất nơi phòng tuyến Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn.
Giây phút sung sướng nghẹn ngào, chú hướng súng lên trời, xả cả băng đạn khi biết tin giải phóng.
Chú tôi, người con quê lúa, ra đi với sự thảnh thơi, nhẹ nhàng trong suy nghĩ: khi có giặc đến dày xéo đất nước thì cầm súng đánh giặc; giặc tan thì về quê cày cấy trên mảnh ruộng cha ông để lại. Cái chết có đến cũng chẳng nặng nề, vì đã xác định:
"Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực."
Niềm tự hào trào dâng khi đi giữa Sài Gòn rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng, được nghe tiếng người dân Sài Gòn trầm trồ:
"Quân giải phóng có tên lửa to lớn như thế kia, khí thế quân đội mạnh mẽ thế này nên ông Thiệu thua là phải."
Câu chuyện kể tháng Tư của chú cũng không thiếu những nốt trầm. Ngày nằm hầm tránh B52 rải thảm, chú nằm trong cùng. Nắm cơm anh nuôi đưa từ cửa hầm vào đến tay chỉ còn một mẩu, vì cứ qua tay chuyền một người là lại bị cắn bớt đi một ít.
Cầm nắm cơm tí hon mà phát khóc vì tủi thân vì đói. Nhưng cũng đồng đội ấy, khi chú dính mảnh cối bị thương, đã thay nhau cõng chú vượt qua bãi B52 pháo kích về trạm phẫu thuật tiền phương. Cũng vì thế mà bị thương, nhưng chữa lành rồi chú lại tiếp tục chiến đấu.
Có lúc, trong hầm, chú từng định đứng dậy giơ tay cao mong dính đạn để được phục viên. Cũng là đôi tay chú vuốt mắt cho người bạn đồng hương, trước khi người ấy, trong giây phút cuối đời, còn cố móc gói lương khô đưa cho bạn mình.
Hàng tháng trời hành quân vượt Trường Sơn. Ngày nay, ngồi máy bay chưa đầy hai tiếng đã tới, nhưng ngày đó gần sáu tháng ròng rã mới vượt núi băng rừng về đến nơi tập kết.
Hàng tháng trời thiếu gạo, thiếu thức ăn, chỉ có sắn với khoai, rau môn thục, tàu bay. Sốt rét, da vàng, ruồi vàng, bọ chó... Người chiến sĩ quân giải phóng vẫn đi. Trên trời máy bay chực chờ dội bom, dưới đất thú dữ, côn trùng, biệt kích, cạm bẫy, gai chông, bãi mìn... Người chiến sĩ quân giải phóng vẫn đi.
Cực nhọc, khổ ải chả bút mực nào tả xiết. Cái đói cồn cào gan ruột, súng đạn ba lô nặng trĩu trên vai, nhưng ý chí vẫn ngoan cường, quyết tâm:
"Đi không dấu, nấu không khói,"
để đến được nơi tập kết.
Câu chuyện về cánh rừng nguyên sinh thâm u, chưa có dấu chân người, nơi thú dữ còn ngơ ngác khi thấy con người. Con suối trong veo đẹp như cổ tích, cua cá đầy ắp, nhưng cũng có những người vì đánh mìn, đánh lựu đạn bắt cá làm thực phẩm mà bị thương, thậm chí hy sinh.
Có cả câu chuyện người mẹ dắt con lên đòi chế độ. Người bạn chú thật thà khai bị thương lúc đi đánh cá cải thiện cho đơn vị, chứ không phải trong chiến đấu, nên ban chính sách từ chối công nhận thương binh. Bà mẹ kéo con đứng giữa phòng:
"Không giải quyết chế độ thì tôi giả lại con tôi cho các vị. Tôi đẻ con tôi ra lành lặn, kiến tha nó vào tận Trường Sơn mà làm cụt tay à? Đi đánh cá để cải thiện cho đơn vị cũng là chiến đấu, 'thực túc thì binh cường', sao lại không coi đó là chiến đấu?"
Ấy thế mà cuối cùng, cũng được công nhận thương binh.
Lịch tháng Tư mỏng dần đi, thì niềm tự hào về ngày chiến thắng, thống nhất đất nước lại dày lên. Thế hệ trẻ chúng tôi, may mắn không phải chịu đựng khói lửa chiến tranh, vẫn luôn tri ân thế hệ đi trước, trân trọng và hết sức giữ gìn nền hòa bình quý giá của dân tộc.
Đơn giản thôi:
Hòa bình ấy phải đánh đổi bằng máu xương của bao người, trong đó có cả người thân của chúng tôi.
Thêm
193
0
0
Viết trả lời...