Newsfeed

forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...
IMG_5178.jpeg


Dưới bóng thời gian, làng Đại Bái từng một thời vang danh bốn cõi với những tiếng búa, tiếng đe vang vọng từ sáng sớm đến chiều tà. Bao thế hệ người thợ đúc đồng đã hun đúc nơi đây không chỉ những pho tượng, trống đồng, lư hương, mà còn đúc cả hồn cốt của một làng nghề ngàn năm trân quý. Từng thớ đất, từng giọt mồ hôi của cha ông thấm vào thau đồng đỏ chói, ánh lên những sắc màu lịch sử và văn hóa.



Thế nhưng, như một khúc tráng ca bị ngắt quãng giữa chừng, làng nghề ấy giờ đây lặng lẽ bước vào hoàng hôn của mình. Đất chật, người đông, những dòng kênh xanh xưa kia nay đã đặc quánh phù sa lẫn tro bụi, hóa chất. Khói than, mùi đồng cháy âm ỉ, bao năm vẫn âm thầm len lỏi vào từng nếp nhà, từng phế quản của người làng.



Khi quyết định dỡ bỏ những lò đúc, ống khói được ban hành, lòng người Đại Bái trĩu nặng như có ai vừa hạ hồi chuông đoạn tuyệt. Những khuôn đúc, nồi nấu, đe búa từng là niềm kiêu hãnh của bao gia đình bị cất vào ký ức. Con đường làng từng mòn chân người thợ, nay chỉ còn trơ lại bụi đỏ và những mảng tường lở lói. Bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tinh hoa nghề cổ giờ hóa thành hoài niệm.



Nhưng cũng phải thôi. Mảnh đất không thể thở nổi nữa. Những mầm bệnh, những tổn thương môi trường chồng chất buộc người ta phải lựa chọn. Giữ nghề thì mất người. Bỏ nghề thì mất hồn. Giữa đôi bờ ấy, Đại Bái buộc phải chấp nhận buông tay.

Dẫu cho lửa lò đã tắt, tiếng búa đã im, nhưng tinh thần của người Đại Bái chưa bao giờ chịu ngủ yên. Trong sâu thẳm những bàn tay từng chai sần vì đồng đỏ lửa hồng, trong ký ức của những đứa trẻ từng lớn lên bên lò nung, ngọn lửa nghề vẫn còn âm ỉ cháy. Có người sẽ mang khuôn đúc, mang kỹ nghệ xưa lên những vùng đất mới, lập lên những xưởng nhỏ xa làng cũ, tiếp tục đúc đồng bằng cách thức thân thiện hơn với đất trời. Có người miệt mài khôi phục những hoa văn cổ, gìn giữ bí quyết nghề để dạy lại cho con cháu sau này.



Đại Bái hôm nay có thể không còn vang tiếng lò đúc như xưa, nhưng hồn nghề vẫn lặng lẽ chảy trong từng mạch máu của người làng. Biết đâu đó, một ngày không xa, khi con người tìm được cách hài hòa giữa truyền thống và môi trường, tiếng búa Đại Bái sẽ lại vang lên — không còn là tiếng đập xuống một chương cũ, mà là nhịp ngân vút lên một khúc ca hồi sinh.

Bắc Ninh,8/5/2025
Thêm
14
0
0
Viết trả lời...
HẠNH PHÚC NỞ HOA


Hàng trăm tia nước mát lành đang rửa trôi lớp bụi trắng mỏng trả lại màu xanh mỡ màng cho những chiếc lá hạnh phúc. Mấy cành dài vươn mình đón nắng khẽ rung rinh, nhảy nhót. Tôi như nghe được cả tiếng cười khúc khích phát ra từ tàng cây. Dưới chùm nắng non buổi sớm, những giọt nước li ti trong suốt đọng trên lá hắt ra thứ ánh sáng lung linh, tinh khiết. Vừa tưới cây, tôi vừa vuốt ve, ngắm nghía từng chiếc lá. Sáng sớm là khoảng thời gian tôi cho phép mình được thư thả, không lo nghĩ bất cứ chuyện gì, chỉ tập trung vào những giọt nước, những cơn gió, những chiếc lá, những bông hoa và mọi thanh âm thân thuộc của một ngày bình thường. Đó là tiếng xe chạy hối hả, tiếng rao thu mua đồ cũ, tiếng chim hót ríu rít, tiếng tắc kè nhà ai nuôi và cả tiếng trực thăng bay lượn trên bầu trời.

Chỉ khi thực sự yêu thứ gì đó, người ta mới cảm nhận được giá trị thời gian ít ỏi mà họ phải cố xén ra giữa guồng quay cơm áo gạo tiền để toàn tâm toàn ý dành cho niềm đam mê ấy. Tôi không mê trà nên chẳng thể hiểu được cái thú khi những người yêu trà ngồi mân mê pha và thưởng thức một tách trà nhỏ xíu. Cũng như ai không yêu cây sẽ chẳng hiểu được cảm giác mân mê từng chiếc lá, ngắm nghía từng chồi xanh, hì hục nhổ đi từng cây cỏ… có thể gây nghiện như thế nào. Ngày nào cũng ngắm, cũng soi từng chi tiết trên cây thế mà vẫn có lúc ngỡ ngàng tự hỏi cái chồi này nảy lên từ khi nào, cái cành kia sao bỗng dưng dài thế nhỉ.

Hôm nay, tôi phát hiện cây hạnh phúc của mình ra hoa. Nếu không chú ý, tôi đã chẳng nhìn thấy chùm nụ màu xanh nhạt hơn màu cốm ẩn sâu trong mấy cành um tùm lá cũng màu xanh kia. Điều làm tôi bất ngờ không phải là việc mình vô tình tìm ra bí mật của cây mà là “hạnh phúc”, một loại cây yêu thích của tôi cũng có thể ra hoa. Hoá ra, tôi vẫn chưa hiểu hết đặc tính của cái cây mà tôi đã phải lòng cách đây năm năm. Tôi tưởng rằng mình thấy bản thân yêu nó, chăm sóc nó mỗi ngày, lau từng cái lá của nó… thế là yêu. Mà tôi quên mất rằng yêu là phải hiểu cặn kẽ, hiểu chi tiết, là phải biết nó cần gì, muốn gì, nó có yêu mình không. Tôi cũng chưa bao giờ tự hỏi mình yêu nó như vậy đã đủ chưa? Chỉ thấy lá vẫn xanh, chồi mới vẫn lên là ung dung tự hào về tình yêu của mình. Hay là tôi yêu hạnh phúc chỉ vì “trend”?

Có một dạo, người ta đổ xô đi mua hạnh phúc vì nghe nói trồng hạnh phúc sẽ hạnh phúc và hạnh phúc dễ chăm, dễ sống. Thật vậy, hạnh phúc ưa sáng nhưng ở nơi không có ánh nắng trực tiếp, cây vẫn có thể phát triển bình thường. Hạnh phúc có tán sum suê, lá màu xanh đậm, căng bóng rất đẹp. Vì vậy, hạnh phúc thường được chọn để trang trí cho các văn phòng, sảnh lễ tân ở ngân hàng, khách sạn hay để tạo thêm không gian xanh cho phòng khách, phòng làm việc ở nhà. Hạnh phúc không khó tính, đỏng đảnh, không rực rỡ, sắc màu, không toả ra mùi thơm gì hết nhưng màu xanh mướt của hạnh phúc mang lại cảm giác sức sống căng tràn. Nếu thực sự ngắm màu xanh của hạnh phúc, hẳn ai cũng sẽ thấy lòng mình dịu lại.

Chỉ cần có đủ ánh sáng dù là ánh sáng nhân tạo, hạnh phúc cũng lặng lẽ sống “hạnh phúc” như cái tên của nó. Ở mỗi cành, hạnh phúc sẽ ra các chùm nhỏ gồm ba lá xếp thành hình trái tim. Tuy không ai trồng hạnh phúc để lấy hoa hay hương nhưng người ta vẫn chọn hạnh phúc. Người ta chọn hạnh phúc bởi cái tên của nó làm người ta hi vọng hay người ta chỉ đơn giản muốn chọn một cái cây ưa nhìn mà dễ tính như lời người bán tư vấn? Mà suy cho cùng, dù lý do là gì, miễn sau đó người ta vẫn chăm sóc tốt cho nó là được. Phải không nhỉ? Yêu hay không có quan trọng không?

Cái tên hạnh phúc của nó có lẽ do một người yêu nó thực sự đặt cho. Thật ra, tôi chưa từng tìm hiểu hay nghiên cứu nghiêm túc về nó. Vậy mà tôi luôn tự nhận mình yêu nó. Xấu hổ thật! Giờ thì tôi suy đoán bằng cảm giác, một cảm giác thật lòng khi tôi nghĩ về hạnh phúc chứ không phải bằng sự hiểu biết của tôi về nó. Phải chăng bởi hạnh phúc toả ra thứ tình yêu thuần khiết trong từng cành từng lá của mình nên người ta mới gọi nó là hạnh phúc. Cái gì đi từ trái tim sẽ dễ chạm đến trái tim. Hạnh phúc đã chinh phục tôi bằng chất mộc đơn sơ của mình như thế. Mà có lẽ, chính bởi sự “dễ tính” của mình nên ít ai mang hạnh phúc ra trồng ở ngoài trời, nơi có nắng. Thành phố mà, chen nhau để sống, những nơi có nắng như vậy đâu có nhiều. Và cho nên, những nơi có nắng hiếm hoi ấy phải để dành cho những cây cần nắng mới sống được. Chắc là… hạnh phúc hiểu điều đó dù sống trong nhà, nó sẽ khó mà trổ bông. Thực vật hoá ra cũng giống con người - cần thay đổi và thích nghi, sẵn sàng chấp nhận được mất, hài lòng với hiện tại thì mới có thể “hạnh phúc” sống và cống hiến cho đời.

Đến hôm nay, khi vô tình nhìn thấy những nụ hoa hạnh phúc đầu tiên, tôi mới giật mình mở máy vào mạng tra cứu thông tin về hạnh phúc. Càng tìm hiểu tôi càng ngỡ ngàng nhận ra mình chưa bao giờ hiểu hết về hạnh phúc. Hoá ra, trước giờ tôi chưa đủ yêu hạnh phúc như tôi vốn tự hào và vốn tưởng. Vì chưa đủ yêu nên chưa đủ hiểu. Tôi chẳng hề biết rằng hạnh phúc nếu sống ở ngoài tự nhiên có thể cao tới 30m, y học phương Đông còn dùng nó như một vị thuốc trị sốt, trị thương và một số bệnh khác. Tôi chẳng hề biết rằng nếu được sống trong môi trường lý tưởng, được hấp thụ đủ nắng, đủ dinh dưỡng, hạnh phúc cũng có thể ra hoa… Không ra hoa, hạnh phúc vẫn xanh lá nhưng có phải ra hoa thì sẽ trọn vẹn hơn không? Sống một đời, ít nhất cũng được một lần ra hoa chứ nhỉ? Phải vậy thì cuộc đời mới biết thêm một loài hoa - hoa hạnh phúc.

Nói chuyện cây lại nghĩ chuyện người. Đọc đến đây bạn có tự hỏi “hạnh phúc” mà chúng ta vẫn thường nói đến, thường mơ đến liệu đã nhận đủ “nắng” để ra hoa chưa? Chúng ta đã yêu ai đó, thứ gì đó đủ chưa? Liệu tôi còn chưa đủ yêu những gì nữa?
Thêm
42
0
1
Viết trả lời...
MÙI CỦA YÊU THƯƠNG

Trong vô vàn hành trình khứu giác của đời người, có lẽ không mùi hương nào đeo bám dai dẳng, khắc sâu vào tiềm thức như cái gọi là "mùi của mẹ". Đó không chỉ là một mùi hương đơn thuần, mà là cánh cổng mở về một miền ký ức xa xôi, nơi gói trọn cả bình yên, yêu thương và những tháng năm không thể tìm lại. Mùi hương ấy không thể định nghĩa bằng bất cứ loại nước hoa đắt tiền nào, không thể mua được ở bất cứ cửa hàng nào trên thế giới. Nó là độc bản, là duy nhất, là thứ hương thơm được tôi luyện qua dòng chảy thời gian, qua nhọc nhằn và tình yêu không lời. Chỉ cần một thoáng vấn vít, cả một thế giới thân thuộc lại ùa về, ấm áp, bồi hồi, và đôi khi, cay sè sống mũi.

Mùi của mẹ không phải là một nốt hương đơn lẻ. Nó dịu dàng và chân thật, được tạo nên từ những gì mộc mạc nhất, đời thường nhất. Có mùi mồ hôi mặn mòi vương trên tấm áo bà ba bạc màu sau buổi làm đồng. Đó là mùi của sự tảo tần, của những giọt mặn thấm đẫm đất đai, của lưng còng uốn mình gánh gồng nắng mưa. Tôi nhớ như in, mỗi khi mẹ về từ chợ sớm hay từ mảnh vườn sau nhà, tấm áo cũ vương mùi đất ẩm, mùi sương mai và lẫn vào đó là thứ mùi đặc trưng của riêng mẹ – không thơm thoang thoảng, mà đậm đà, chân chất, nói lên cả một câu chuyện về cuộc đời lam lũ. Rồi có mùi dầu gió, mùi thuốc Nam mẹ hay dùng mỗi khi trở trời đau nhức. Cái mùi nồng nồng ấy giờ đây không còn khiến tôi khó chịu như ngày bé, mà trở thành ký ức về những lần mẹ xoa bóp, những đêm mẹ thức trắng bên cạnh khi tôi ốm. Nó là mùi của sự chăm sóc, của đôi bàn tay chai sạn xoa dịu nỗi đau.

Làm sao có thể quên mùi khói bếp vấn vít trên mái tóc hoa râm của mẹ mỗi chiều? Góc bếp nhỏ với cái kiềng ba chân cũ kỹ, nơi mẹ thổi bùng lên ngọn lửa từ rơm khô hay củi mục. Mùi khói ấy quyện với mùi cơm chín tới, mùi cá kho tộ sôi liu riu, mùi hành phi thơm lừng cả gian nhà. Đó không chỉ là mùi của thức ăn, mà là mùi của sự no đủ, của bữa cơm gia đình đầm ấm, nơi tiếng cười nói, nơi những câu chuyện vụn vặt được sẻ chia sau một ngày dài. Nó là mùi của căn bếp ấm cúng, của người phụ nữ dành cả đời để vun vén cho tổ ấm. Ngay cả mùi vải áo cũ, tấm chăn sờn màu phảng phất nắng sau khi phơi, cũng mang mùi của mẹ. Mỗi sợi vải như giữ lại hơi ấm của mẹ, mùi hương quen thuộc trở thành một vật bảo hộ vô hình. Cái mùi ấy gắn liền với hơi ấm và sự hiện diện của mẹ trong những khoảnh khắc được chở che nhất, khi vòng tay mẹ khép lại quanh tôi, và cả thế giới bên ngoài dường như dừng lại.

Mùi hương ấy, hơn cả một giác quan đơn thuần, là chiếc chìa khóa mở ra cả một rương báu ký ức. Nó gắn liền với những không gian thân thuộc và những khoảnh khắc không thể nào quên, hít hà mùi hương đặc trưng ấy mỗi khi sợ hãi hay tủi thân. Như lần tôi bị ngã xe trầy đầu gối, khóc ré lên vì đau và sợ hãi. Mẹ vội vàng chạy đến, bế xốc tôi lên, và ngay khi vùi mặt vào chiếc áo sờn vai của mẹ, ngửi thấy mùi hương quen thuộc ấy, nước mắt cứ thế chảy dài nhưng lòng lại dịu lại đến lạ. Nỗi đau thể xác dường như được xoa dịu bởi sự an ủi từ mùi hương ấy.

Những buổi trưa hè oi ả, nằm trên chiếc giường tre cạnh mẹ, nghe tiếng quạt nan phe phẩy, và hít hà mùi hương từ mái tóc còn vương mùi dầu gội bồ kết. Cái mùi ấy gắn liền với giấc ngủ trưa bình yên, với những câu chuyện cổ tích mẹ kể bằng giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm. Không gian chỉ đơn giản là gian nhà cấp bốn cũ kỹ, cái giường tre ọp ẹp, nhưng dưới sự hiện diện và mùi hương của mẹ, nó trở thành nơi chốn an toàn nhất, hạnh phúc nhất trên đời. Hay những đêm đông lạnh giá, mùi chăn bông mẹ đắp cho tôi, mùi hơi ấm từ cơ thể mẹ khi mẹ nằm sát bên, xua tan đi cái lạnh buốt giá. Đó là mùi của tình yêu sưởi ấm, của sự hy sinh âm thầm.

Sức mạnh của mùi hương này không chỉ nằm ở khả năng gợi nhớ, mà còn ở sự trường tồn và độc nhất. Đã bao lần tôi đi qua những con phố đông đúc, ngửi thấy mùi khói bếp từ một căn nhà nào đó, mùi thuốc Bắc từ hiệu thuốc cổ, hay mùi mồ hôi của những người lao động... thoáng chốc, tim lại thắt lại vì một nét tương đồng vụn vặt với mùi của mẹ. Những khoảnh khắc "hao hao" ấy không làm tôi nhầm lẫn, mà chỉ càng khẳng định thêm sự độc đáo không thể sao chép của mùi hương ấy. Chỉ mẹ mới có mùi hương đó, bởi nó được dệt nên từ chính cuộc đời mẹ, từ những năm tháng mẹ sống, làm việc và yêu thương chúng tôi.

Đi đâu xa, dù đặt chân đến những vùng đất mới lạ với bao nhiêu mùi hương hấp dẫn, cái mùi của mẹ vẫn như một sợi chỉ vô hình nối tôi về với nguồn cội. Nó là nơi neo đậu tâm hồn, là "nhà", là cảm giác thân thuộc nhất giữa bộn bề cuộc sống. Dù mẹ không còn ở cạnh mỗi ngày, dù khoảng cách địa lý hay cả những khoảng cách không gian và thời gian có thể ngăn chia, mùi hương ấy vẫn sống động trong tiềm thức. Nó không phai nhạt theo năm tháng, trái lại, càng được khắc sâu hơn bởi nỗi nhớ và sự trân trọng. Có những lúc mệt mỏi, chỉ cần nhắm mắt lại và hình dung về mùi hương ấy, tôi lại cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh, như có mẹ ở bên cạnh vỗ về.

Mùi của mẹ - Nó là hiện thân của tình yêu vô điều kiện, của sự hy sinh thầm lặng, là cội rễ mà ta không thể lìa xa. Đó là mùi của sự sống, của lòng bao dung, của sự tần tảo và nhẫn nại. Nó là mùi của bình yên, của hạnh phúc giản đơn, của tất cả những gì ấm áp và thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi người con. Mùi hương ấy không chỉ là ký ức, nó là sự sống động, là hiện diện không thể xóa nhòa. Nó là lời nhắc nhở thường trực về người phụ nữ vĩ đại đã tạo nên cuộc đời mình, về tình yêu không bao giờ vơi cạn. Và cái mùi ấy, mãi mãi còn phảng phất đâu đó trong tâm hồn ta, như một dấu ấn không phai của những tháng năm thiêng liêng.
Thêm
41
0
0
Viết trả lời...
KỂ CHUYỆN THÁNG TƯ
Tháng Tư, những cơn mưa đầu mùa kéo mây đen ùn ùn đến giăng kín bầu trời. Màn mây nặng nề ấy như bà bầu bụng chửa vượt mặt, đi lệnh khệnh trên tấm trần ọp ẹp, chỉ chực chờ tiếng sấm nổ uỳnh lên như phẫn uất, vỡ bầu ối xả nước ào ạt xuống mặt đất.
Phía trên thảm mây, tiếng sấm vần ì ầm rền vang, lúc đùng đoàng đanh gắt như pháo bắn, lúc thì như hàng chục người vần đám thùng phi rỗng lăn lục cục trên nền mây xám đen.
Ngày mưa tháng Tư như thế, đất trời như chuyển dạ. Dưới thì nóng, trên thì lạnh, làm tấy lên những vết thương của chú tôi. Mấy mảnh đạn còn nằm ẩn sâu trong đường gân thớ thịt như bị tiếng sấm sét kích động, ngóc lên cắn xé làm gương mặt chú nhăn lại, tạo rãnh hằn sâu chạy ngang trán, lan xuống hai đuôi mắt, kéo đến tận thái dương.
Giao mùa như thế, cơ thể chú tôi nổi loạn đau nhức, sưng tấy, không đi làm được. Chú thường ở nhà và kể cho bọn trẻ nghe về đời lính chiến của mình.
Dù ngày đầu chú không muốn kể, vì toàn gian khổ, khói lửa đạn bom, chết chóc, nhưng sau này chú lại kể. Kể cho chính mình nghe về những kỷ niệm của thời thanh xuân kiêu hùng, khi được cùng lớp lớp đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Kể để lớp trẻ hiểu thế hệ ông cha đã hy sinh nhường nào. Kể để thế hệ sau hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh mà nâng niu, trân trọng lấy hòa bình.
Nền hòa bình, độc lập ấy phải đánh đổi bằng tính mạng của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, bằng thịt xương của hàng triệu thương binh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Là cái chết của người phía bên kia, nhưng đều là máu đỏ da vàng con Lạc cháu Hồng:
"Khi viên đạn xuyên vào một người lính, dù thuộc bên nào đi nữa, nó cũng xuyên qua trái tim người mẹ."
Thời thế thế thời, họ cũng chỉ là những người lựa chọn sai con đường, cần được thông cảm khi điều kiện, hoàn cảnh xô đẩy họ vào cuộc chiến, buộc phải cầm súng chống lại đồng bào.
Dòng máu nóng của hàng triệu người Việt đổ xuống, thấm vào lòng đất mẹ, hòa tan vào đất để ươm lên mầm xanh hòa bình cho cháu con, để Tổ quốc bừng sáng lên mùa xuân. Một mùa xuân của độc lập, tự chủ, hòa bình, mong sao mùa xuân ấy luôn mãi mãi trường tồn.
Cơn mưa ào ạt tháng Tư như ào ạt kỷ niệm chảy về với chú. Mắt chú long lanh sáng lên, át đi cơn đau trên thân thể, và giọng kể bật lên hào hùng về trận đánh long trời lở đất nơi phòng tuyến Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn.
Giây phút sung sướng nghẹn ngào, chú hướng súng lên trời, xả cả băng đạn khi biết tin giải phóng.
Chú tôi, người con quê lúa, ra đi với sự thảnh thơi, nhẹ nhàng trong suy nghĩ: khi có giặc đến dày xéo đất nước thì cầm súng đánh giặc; giặc tan thì về quê cày cấy trên mảnh ruộng cha ông để lại. Cái chết có đến cũng chẳng nặng nề, vì đã xác định:
"Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực."
Niềm tự hào trào dâng khi đi giữa Sài Gòn rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng, được nghe tiếng người dân Sài Gòn trầm trồ:
"Quân giải phóng có tên lửa to lớn như thế kia, khí thế quân đội mạnh mẽ thế này nên ông Thiệu thua là phải."
Câu chuyện kể tháng Tư của chú cũng không thiếu những nốt trầm. Ngày nằm hầm tránh B52 rải thảm, chú nằm trong cùng. Nắm cơm anh nuôi đưa từ cửa hầm vào đến tay chỉ còn một mẩu, vì cứ qua tay chuyền một người là lại bị cắn bớt đi một ít.
Cầm nắm cơm tí hon mà phát khóc vì tủi thân vì đói. Nhưng cũng đồng đội ấy, khi chú dính mảnh cối bị thương, đã thay nhau cõng chú vượt qua bãi B52 pháo kích về trạm phẫu thuật tiền phương. Cũng vì thế mà bị thương, nhưng chữa lành rồi chú lại tiếp tục chiến đấu.
Có lúc, trong hầm, chú từng định đứng dậy giơ tay cao mong dính đạn để được phục viên. Cũng là đôi tay chú vuốt mắt cho người bạn đồng hương, trước khi người ấy, trong giây phút cuối đời, còn cố móc gói lương khô đưa cho bạn mình.
Hàng tháng trời hành quân vượt Trường Sơn. Ngày nay, ngồi máy bay chưa đầy hai tiếng đã tới, nhưng ngày đó gần sáu tháng ròng rã mới vượt núi băng rừng về đến nơi tập kết.
Hàng tháng trời thiếu gạo, thiếu thức ăn, chỉ có sắn với khoai, rau môn thục, tàu bay. Sốt rét, da vàng, ruồi vàng, bọ chó... Người chiến sĩ quân giải phóng vẫn đi. Trên trời máy bay chực chờ dội bom, dưới đất thú dữ, côn trùng, biệt kích, cạm bẫy, gai chông, bãi mìn... Người chiến sĩ quân giải phóng vẫn đi.
Cực nhọc, khổ ải chả bút mực nào tả xiết. Cái đói cồn cào gan ruột, súng đạn ba lô nặng trĩu trên vai, nhưng ý chí vẫn ngoan cường, quyết tâm:
"Đi không dấu, nấu không khói,"
để đến được nơi tập kết.
Câu chuyện về cánh rừng nguyên sinh thâm u, chưa có dấu chân người, nơi thú dữ còn ngơ ngác khi thấy con người. Con suối trong veo đẹp như cổ tích, cua cá đầy ắp, nhưng cũng có những người vì đánh mìn, đánh lựu đạn bắt cá làm thực phẩm mà bị thương, thậm chí hy sinh.
Có cả câu chuyện người mẹ dắt con lên đòi chế độ. Người bạn chú thật thà khai bị thương lúc đi đánh cá cải thiện cho đơn vị, chứ không phải trong chiến đấu, nên ban chính sách từ chối công nhận thương binh. Bà mẹ kéo con đứng giữa phòng:
"Không giải quyết chế độ thì tôi giả lại con tôi cho các vị. Tôi đẻ con tôi ra lành lặn, kiến tha nó vào tận Trường Sơn mà làm cụt tay à? Đi đánh cá để cải thiện cho đơn vị cũng là chiến đấu, 'thực túc thì binh cường', sao lại không coi đó là chiến đấu?"
Ấy thế mà cuối cùng, cũng được công nhận thương binh.
Lịch tháng Tư mỏng dần đi, thì niềm tự hào về ngày chiến thắng, thống nhất đất nước lại dày lên. Thế hệ trẻ chúng tôi, may mắn không phải chịu đựng khói lửa chiến tranh, vẫn luôn tri ân thế hệ đi trước, trân trọng và hết sức giữ gìn nền hòa bình quý giá của dân tộc.
Đơn giản thôi:
Hòa bình ấy phải đánh đổi bằng máu xương của bao người, trong đó có cả người thân của chúng tôi.
Thêm
35
0
0
Viết trả lời...
THỜI GIAN CÓ CHỜ AI BAO GIỜ!



Thuở ấu thơ, ta ngóng trông ngày mình khôn lớn. Đến khi trưởng thành, ngoảnh đầu nhìn lại, mới giật mình nhận ra những ngày thơ bé ấy là quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời. Những ngày tháng vô tư, hồn nhiên, chẳng lo âu phiền muộn, chỉ đong đầy niềm vui và những giấc mơ trong trẻo.



Tuổi thơ tôi là những mùa hè rực rỡ, là cánh đồng bát ngát trải dài đến tận chân trời, là tiếng cười giòn tan vang vọng giữa triền đê. Thuở ấy, tôi là đứa trẻ quê, những ngày nghỉ học là những ngày phụ giúp ba mẹ. Nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là được cùng đám bạn rong ruổi trên những cánh đồng. Mỗi buổi sớm mai, mỗi buổi chiều tà, chúng tôi lùa đàn bò ra bờ ruộng, mặc cho nắng cháy rám da, mặc cho gió đồng hầm hập phả hơi nóng. Những con bò gầy gò thong dong gặm cỏ, còn lũ trẻ chúng tôi túm tụm lại, tíu tít kể chuyện trên trời dưới biển. Ngày nào cũng gặp nhau, vậy mà câu chuyện cứ nối dài bất tận, như dòng suối nhỏ róc rách chảy qua miền ký ức. Chúng tôi kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện ma trêu người, chuyện người lớn, rồi lại phá lên cười nghiêng ngả.



Những câu chuyện dường như không bao giờ dứt và khi đã cạn chuyện, cả bọn lại lao vào những trò chơi dân gian: đánh trổng, bắn lệnh, u quạ, nhảy dây, trốn tìm… Tuổi thơ nghèo khó, chẳng có đồ chơi đắt tiền, chẳng có công nghệ hiện đại, nhưng niềm vui khi ấy lại giản dị và trọn vẹn biết bao.



Nhớ có hôm, vì mải mê vui chơi mà đàn bò đi lạc vào làng, phá nát vườn rau của nhà ai đó. Đứa nào không may bị bắt gặp thì lãnh ngay mấy roi đau điếng. Tối về, ba mẹ biết chuyện, thế là thêm một trận đòn roi nữa. Những giọt nước mắt tủi hờn rơi xuống, nhưng chỉ cần sáng hôm sau gặp lại nhau, cả bọn lại cười vang như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trẻ con là thế, những nỗi đau rồi cũng chóng qua, chỉ có niềm vui là cứ đọng lại mãi trong tim.



Buổi trưa, khi ba mẹ đã chợp mắt, chúng tôi lại rủ nhau ra vườn dừa đầu xóm. Những tàu lá dừa bỗng hóa thành cả một thế giới kỳ diệu: lá dừa thắt thành đồng hồ, nhẫn, vòng cổ; chong chóng quay vù vù trong gió; cào cào, châu chấu được tỉ mỉ tạo nên từ những bàn tay bé nhỏ. Gần đó, cây mít già đứng trầm mặc qua bao mùa mưa nắng. Chúng tôi trèo lên, hái lá kết thành mũ mão, xiêm y, rồi hóa thân thành những nhân vật tuồng cải lương. Đứa cao hứng cất giọng vọng cổ, đứa lại nhại những câu thoại sân khấu quen thuộc. Dưới bóng cây xanh mát, lũ trẻ quê nghèo như lạc bước vào một thế giới khác, thế giới của mộng mơ và sáng tạo.



Và khi màn đêm buông xuống… những đêm trăng sáng là những đêm rộn ràng nhất. Cả xóm tụ tập trên bãi đất trống ven đường, dưới ánh trăng vằng vặc như dát vàng lên những mái nhà tranh. Ngày ấy, làng quê chưa có điện, trăng chính là nguồn sáng duy nhất. Và cũng chính vì vậy, trăng trở thành tâm điểm của mọi niềm vui. Lũ trẻ con, thanh niên, người già, tất cả quây quần bên nhau, cùng hòa mình vào những câu chuyện, những trò chơi, những tiếng cười trong trẻo. Chúng tôi mải mê vui chơi đến tận khuya, chỉ đến khi đôi mắt trĩu nặng vì buồn ngủ mới luyến tiếc chia tay. Trăng vẫn còn lơ lửng trên đỉnh đầu, dõi theo từng bước chân nhỏ dẫn về tận ngõ. Đêm ấy, tôi mang theo cả niềm vui của một ngày dài vào giấc mơ.

Nhưng dòng chảy của thời gian nào có ngừng lại bao giờ… Tuổi thơ cũng lùi xa dần, như cánh diều bay khuất giữa bầu trời ký ức. Những trưa hè trốn ngủ dưới tán dừa, những buổi chiều thả bò trên cánh đồng, những đêm trăng sáng rộn ràng tiếng cười… Tất cả giờ đây chỉ còn là những mảnh ký ức đẹp đẽ của một thời đã qua.



Làng quê cũng đổi thay nhiều. Những cánh đồng xưa kia giờ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà mái ngói. Đường làng bê tông thẳng tắp, không còn dấu chân lấm lem của lũ trẻ ngày nào. Trăng vẫn treo lơ lửng trên bầu trời, nhưng ánh sáng của nó không còn là tâm điểm của làng quê nữa, bởi những ngọn đèn cao áp đã rực sáng suốt đêm dài. Bạn bè thuở ấy cũng phiêu bạt mỗi người một nơi, người lập nghiệp phương xa, người vùi mình trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền, hiếm khi có dịp gặp lại. Chỉ còn những ký ức lặng lẽ nằm im trong ngăn kéo thời gian. Đôi khi bất chợt mở ra, ta mới giật mình nhận ra tim mình vẫn thổn thức trước những điều xưa cũ.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một vùng trời tuổi thơ để nhớ, để thương. Có những lúc giữa bộn bề cuộc sống, ta chợt thèm được trở về những ngày thơ ấu, nơi hạnh phúc chỉ đơn giản là một trận cười giòn tan giữa đồng, một cánh diều bay cao trong gió, hay một đêm trăng sáng chan chứa bao giấc mơ đẹp.



Nhưng thời gian có bao giờ chờ đợi ai? Tuổi thơ, cũng như gió, như mây, ta có thể cảm nhận, có thể nâng niu trong tâm trí, nhưng chẳng thể nào nắm giữ được. Thứ duy nhất còn lại với ta chính là những ký ức, mãi mãi là một phần của ta, vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Thêm
39
0
0
Viết trả lời...
CỐI XAY BỘT và MẸ


Giờ đây, trong thời buổi công nghệ hiện đại, nhà máy, siêu thị mọc lên san sát, thay thế cho những ruộng lúa, nương ngô… Đồng thời, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày cho bà bầu, trẻ em, người ốm đau… được cung cấp không thiếu: sữa, ngũ cốc và nhiều thực phẩm chức năng khác với vô số thương hiệu nhan nhản, tràn lan trên thị trường, cùng nguồn cung thật – giả lẫn lộn (600 loại sữa bột giả trôi nổi trên thị trường Hà Nội bốn năm nay, giờ mới được phát hiện).

Tôi lại nhớ về mẹ, người đã gắn bó với cối xay bột suốt mấy chục năm cuộc đời.

Đầu tiên phải kể đến chiếc cối đá xay bột nước. Trước khi lấy bố, mẹ làm bên dệt thảm hợp tác xã Hữu Nghị. Rồi liền lúc mẹ sinh hai con, gái là tôi và một em trai. Sinh xong, mẹ chỉ nghỉ vài ngày thì tiếp tục một mình gồng gánh đi làm: một bên gánh là nguyên liệu, bên kia là con, hàng ngày từ nhà đến nơi làm việc. Cho đến năm 1972, thị xã Thái Bình (nay là thành phố) cũng bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh, khi quân Mỹ rải bom vào khu vực; mọi gia đình trong vùng phải sơ tán về các miền quê, trong đó có gia đình tôi. Các công ty, xí nghiệp đóng cửa, mẹ lại về quê giở nghề tráng bánh cuốn, bánh đa – nghề của ông bà ngoại để lại.

Ông bà ngoại vốn ở thị xã Hải Dương, nên chứng minh thư của mẹ ghi là người Hải Dương, sinh ra ở Thái Bình. Ông ngoại là thầy đồ nghèo, bà ngoại đông con không có ruộng vườn nên làm đủ nghề từ nấu xôi, nấu chè, tráng bánh tráng, nấu rượu… Chính nghề nấu rượu đã khiến ông bà bị bắt, tịch thu hết đồ nghề. Lúc đó hai ông bà cùng các con di cư sang thị xã Thái Bình, bắt đầu lại cuộc sống nấu xôi, chè, bánh tráng và sau này là làm giấy tiền.

Chiếc cối xay bột nước đã theo mẹ suốt những năm 70. Bột tráng bánh cuốn mẹ chọn trước hết phải là loại gạo của mậu dịch; gạo để lâu có độ nở, bánh sẽ không bị đứt như gạo mới. Bánh tráng ra nóng hổi, trắng mịn, thoa một muỗng hành phi vàng ươm trên mặt bánh thơm ngậy, kích thích thị giác và khứu giác người thưởng thức.

Ngày đó, trong thời buổi chiến tranh sơ tán về vùng quê, đồ dùng và nhu yếu phẩm không nhiều, người dân không có tiền; họ thèm ăn cũng chỉ biết lấy thóc, gạo mang ra đổi bánh ăn, nhưng số lượng có hạn. Bố tôi lúc đó làm điện ở xí nghiệp, khi sơ tán còn kiêm nghề sửa đài. Công lao động được người dân trả bằng mớ tôm, mớ cá, có khi cả một xe thồ gạch mới nung. Bánh cuốn mẹ tráng ra ế, bố đạp xe về quê nội đổi gạo giúp mẹ. Cũng thời gian này, mẹ mang thai em gái thứ ba, trong thời loạn lạc, gạo khan, củi hiếm, mẹ bàn với bố bỏ thai. Ngày đó không có thuốc phá thai, mẹ xin được thuốc sốt rét của anh bộ đội uống vì nghe một chị mách bảo, nhưng kết quả mẹ ốm nặng mà thai vẫn không ra. Bà cô – vợ chú ruột, không có con – thương xót, khuyên mẹ đừng nghĩ đến nữa, bồi dưỡng sức khỏe rồi sinh con sẽ đỡ vất vả. Hàng tháng bố về chở bánh, bà cô lại gói gém gạo, thóc, khoai… cho bố mang về. Em gái thứ ba ra đời may mắn không bị dị tật, chỉ nhỏ và yếu một chút.

Mẹ chuyển sang tráng bánh đa phơi khô, quạt nướng mang ra chợ phiên bán. Khi thị xã yên bình trở lại, mẹ vẫn tiếp tục tráng bánh cuốn thêm một thời gian nữa. Tôi còn nhớ lúc đó ba bốn chú, trước từng làm cùng bố ở Công ty Bảo đảm Hàng hải Hải Phòng, có việc đến Thái Bình ghé nhà chơi. Một trong các chú là chú Bằng – anh hùng gác đèn biển, người bố từng đề xuất lúc bố làm bí thư đoàn trên tàu. Mẹ đãi các chú bánh cuốn; hôm đó củi hết, tôi phải tỉa mái nhà lợp lá tranh và phên nứa làm củi đun cho đủ. May còn con gà công nghiệp bố nuôi để tiếp khách. Bố tiễn các chú ra tận bãi đậu ô tô; khi về, các chú tặng bố một can dầu và gói kẹo cho các cháu.

Mẹ chuyển sang nhận xay bột cho trẻ em sau khi một lần đi chơi phát hiện có người dân cho gạo vào cối đá kéo như kéo thóc, mẹ chợt nhớ nỗi vất vả ngày trước phải nuôi chúng tôi khốn khó thế nào. Đẻ con đúng năm kháng chiến, mẹ không có sữa phải cho con ăn dặm sớm. Ngâm gạo qua đêm nên chua, giã không mịn, bột không sánh ngon, con dễ bị vấn đề về đường ruột. Mẹ tìm tòi rồi mua được chiếc cối để xay. Nhà tôi ở mặt đường, rất đông người tìm đến xay bột cho các cháu nhỏ. Cối đá to, kéo rất nặng, khi kéo tốn sức, bụng thóp lại; mùa nóng mồ hôi ướt hết người mẹ.

Đến năm 1975, sau giải phóng miền Nam, hai người bạn thân của bố – trước học cùng bố, đã có gia đình ở trong Nam ra Bắc chơi, vào thăm. Thấy mẹ dáng người nhỏ bé, gồng mình vất vả với chiếc cối đá, hai chú bày cách cho bố biến chiếc máy xay cà phê bằng điện của Mỹ mà hai chú thấy trong Nam thành cối xay bột cho trẻ em. (Còn tôi, nhớ mãi hai chú vì đã tặng tôi – con gái bố – một em búp bê mặc váy lộng lẫy, có cặp mắt xanh biếc chớp mở được. Đó là món quà vô giá, không ở đâu có bán.)

Nhờ sự giúp đỡ của hai chú, máy xay cà phê trong Nam được chuyển ra Bắc qua bưu điện, tháo rời để đóng vào hộp bìa vận chuyển. Về đến nơi, bố lắp ghép lại. Thật tuyệt vời, máy xay cà phê cũng xay gạo thành bột trắng ngần. Tất nhiên phải qua ba lần xay thì mới như bột mì ngày nay. Phần bánh xe trong máy nếu xay nhiều sẽ mòn; mẹ nghĩ cách mua dũa về dũa cho sắc, xay nhanh và nhỏ hạt hơn.

Lúc đó nhà tôi rất đông khách đến xay bột cho trẻ em, để làm bánh nếp, bánh giò, bánh khúc, bánh gai, bánh trôi chay… Nhất là những ngày Tết, khách đến xếp hàng dài. Một ngày hai ba chục khách, mỗi người một vài đến hàng chục ký gạo. Các chú chuyển thêm ra Bắc hai ba máy xay bột nữa; nhà tôi lúc này đã có bốn máy. Mẹ thao tác hai máy, tôi viết phiếu chờ cho khách, sau này cũng thao tác được hai máy y hệt mẹ. Hai mẹ con vận hành bốn máy để đáp ứng nhu cầu.

Những năm 80, điện rất khan hiếm, hay mất luôn. Ngày Tết, dân quanh vùng phải đi trước cả tháng, xay gạo dự trữ để khỏi chờ đợi mất thời gian.

Rồi bố tôi thuê thợ đúc gang, mua mô-tơ về tự đóng dựng máy bán cho nhiều người; các thợ đó lại tự đóng dựng máy bán tiếp, nên máy xay bột càng ngày càng phổ biến.

Nhưng mẹ tôi vẫn đông khách nhất, vì bột nhỏ mịn, sạch sẽ. Mẹ rất cầu kỳ, cẩn thận. Mệt thì mệt, nóng tính thì nóng tính, nhưng khách vẫn không bỏ. Các hàng kem Minh Hương, Hải Yến… hàng ngày mang bao lớn bao nhỏ cho mẹ xay, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Rồi có vài cô ở xí nghiệp bánh kẹo làm thêm bánh dẻo, bánh nướng cũng mang hàng yến gạo cho mẹ xay mỗi ngày. Ngày đó tôi đi đâu họ cũng biết tôi là con gái bà xay bột, vì tôi đi học về hay phụ mẹ xay. Nhiều bạn bè tôi lúc đó, tự hào khoe có mẹ là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên; còn tôi tự hào vì mẹ là một bà xay bột, được người dân quanh vùng biết đến. Sao lại không – vì các cô bác sĩ, cô giáo của tôi, cô trong ngành điện, ngành nước, đều thân thiết với mẹ chỉ để được ưu tiên xay bột nhỏ mịn trước.

Mẹ luôn vượt trội hơn người khác, ở chất lượng công việc bình thường nhất, bằng tất cả sự tận tâm của mình.

Đó là những khách xay bột để bồi dưỡng sức khỏe lúc ốm, mang cho con học ôn, con học đại học, mang cho người trong tù… những loại bột ấy được phối đủ thành phần: gạo nếp, đỗ đen, đỗ xanh, hạt sen, dược liệu… sao rang vàng ươm. Ngày nay người ta gọi là ngũ cốc dinh dưỡng.

Viết đến đây, chắc mọi người nghĩ nhà tôi làm khép kín từ xay bột đến đóng máy bán nên giàu lắm. Không đâu, bố tôi vẫn đi làm thợ điện ở nhà máy hàng ngày, chủ yếu để cả nhà có gạo, lương của bố chỉ đủ tiêu, thuốc lá (bố tôi nghiện) và rượu ngày ba chén. Tiền công xay một ký gạo mẹ lấy thấp, chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba người khác, nhất là xay hàng nhiều thì giá rẻ hơn. Vừa phải chăng, vừa đảm bảo bột nhỏ mịn, nên mẹ mới thu hút đông khách.

Máy xay bột phục vụ gia đình năm người ăn uống, học hành, lễ lạt. Mẹ rất hào phóng, bà con, họ hàng thiếu thì cho mượn, các cháu đến mẹ luôn để sẵn tiền lẻ phân phát, nhiều cháu thích đến chơi vì thế.

Sau này nhiều hàng kem mua máy xay, làm khép kín, không ra xay của mẹ nữa. Các hàng bánh xay nhiều chuyển sang hàng máy xát lớn hơn, chỉ còn một số ít người xay bột trẻ em quen đến mẹ.

Năm 2012, mẹ tôi bị tai biến rồi nghỉ xay bột. Giờ mẹ đã không còn nữa. Chiếc máy xay bột đã đi với mẹ một chặng đường thật dài; tuy nhỏ bé nhưng nhờ nó chúng tôi lớn lên, nhiều gia đình nhờ nó cũng phát triển kinh tế. Nhiều trẻ em nhờ ăn bột xay mà cao khỏe, nhiều người đẩy lùi bệnh tật, có sức khỏe làm việc và học tập. Trong thời kỳ bao cấp thiếu thốn đủ bề, bột từ chiếc máy xay nhỏ bé ấy cũng góp một phần đáng kể.
Thêm
40
0
0
Viết trả lời...
Màu của nỗi buồn

Có những ngày khi nhìn vào khoảng không vô định trước mặt tôi lại tự hỏi: “Nỗi buồn có màu gì?” Màu gì nhỉ sao có lúc làm lòng người xao xác như làn khói xam xám, mỏng manh bay là là nơi chái bếp. Màu gì nhỉ sao có lúc làm tim ta đau thắt, ngộp thở tựa đêm đen đặc quánh không tìm ra lối thoát.



Tôi còn nhớ lần đầu tôi biết gọi tên nỗi buồn thì dường như nó có màu xanh lá. Đó là một màu xanh non đầy ấn tượng nhưng cũng dễ dàng quên đi. Những nỗi buồn màu xanh đến khi tôi còn nhỏ, xuất hiện bất ngờ và tan biến không một chút dấu vết. Có thể là vì mẹ mắng, có thể là vì một món đồ mình thích mà phải cho đi, kể cả nỗi ấm ức vì không hiểu sao mình bị trách phạt. Ngày ấy khi buồn nước mắt sẽ tuôn ra ào ạt. Tiếng nức nở cứ vậy mà vỡ ra không một chút giấu giếm. Ngày ấy khi buồn sẽ được vỗ về an ủi nên mọi thứ xung quanh tôi đều thật đẹp.



Tôi bắt gặp nỗi buồn màu nâu khi tôi phải học cách nói lời từ biệt. Tôi nhớ chuyến xe khách vội vã đưa tôi trở về quê khi bà ngoại tôi mất. Tôi thấy một mảng trống trong lòng không sao lấp đầy. Khoảng trống ấy được tôi vá bằng một miếng dán màu nâu. Vì nó là một miếng vá nên không cách nào mất đi. Nó ở đó để tôi lâu lâu lại chạm thấy, nó khiến tôi nhớ bà của tôi, nỗi nhớ cứ trở đi trở lại trong suốt những năm tháng sau này. Nhưng nỗi buồn màu nâu cũng giúp tôi nhận ra cần trân trọng những người thân, những người mình yêu quý. Biết trong đời này chúng ta có bao nhiêu ngày mai mà bây giờ hờ hững với nhau?



Có những nỗi buồn mang màu xám. Khi là màu xám nó khiến tôi không thể tiến lên phía trước, không dám đưa ra quyết định. Tôi tự hỏi giá trị của tôi là gì? Tôi có thể làm được gì? Tôi có thực sự tử tế hay không? Tôi là ai? Nỗi buồn màu xám có nhiều hình dạng khác nhau, đến những lúc sức đề kháng của tôi yếu ớt. Nó đưa tôi đến những không gian mờ mịt, nó làm tôi mệt mỏi và kiệt sức. Nó dạy tôi phải mạnh mẽ hơn. Chỉ có chính tôi mới có thể bước ra khỏi vùng xám xịt ấy. Và chính lúc tôi mông lung trong nỗi buồn của chính mình tôi lại thấy những bàn tay xoè ra sẵn lòng nắm lấy bàn tay tôi. Khi tôi thức tỉnh những bàn tay ấy dẫn lối đưa tôi đến những gam màu tươi tắn khác.



Nỗi buồn màu đen có lẽ là đáng sợ nhất. Đó là những biến cố đến trong cuộc đời mà không ai biết trước. Nó được coi như bão giông, như một trận thiên tai không dự đoán được trước mức độ thiệt hại. Nó cứa vào trái tim ta những vết sẹo không thể biến mất. Tôi đã đi qua những nỗi buồn màu đen không chỉ một hai lần. Nó không tính bằng ngày, bằng tháng mà có thể mất cả nhiều năm trời mới thấy ruột gan không còn xót xa quặn thắt như lúc ban đầu. Có người đi qua được biến cố nhưng cũng có người để nỗi buồn màu đen nhấn chìm. Khi màu đen bủa vây, nỗi buồn có thể trở thành nỗi đau đớn khôn cùng, không cách nào gọi tên, đong đếm. Những người đi qua được bóng đêm trong cuộc đời đều là những anh hùng của chính mình. Họ sẽ là người hiểu rõ nhất ý nghĩa của cuộc sống. Tôi mừng là hơn một lần trong đời tôi đã vượt qua được nỗi buồn màu đen, và tôi vẫn ở đây với tình yêu cuộc sống tha thiết.



Tôi cũng thấy những nỗi buồn trong suốt. Nỗi buồn không có màu, không có hương vị cụ thể. Một chút buồn không vì điều gì cả có lẽ để cho lòng người lắng lại trong những chiều mưa rơi ướt lối về, trong những ngày lá rụng trước hiên vắng. Một chút buồn như gia vị cuộc sống để thế giới này thêm hương, thêm sắc. Một chút buồn để ta nhìn sâu vào đời mình, để ta thấu hiểu đời người, để hồn ta hoà vào trời đất, thấy yêu những điều dung dị quanh mình.



Khi trưởng thành, những lúc buồn người ta không còn hay nói ra nữa. Nước mắt không dễ rơi khi buồn. Nỗi buồn ở mãi trong đáy mắt, thả vào thinh không những khoảng lặng như vô tận. Lúc nhỏ được cho một chiếc kẹo cũng đủ làm nỗi buồn hoá ngọt ngào. Lớn rồi có thể tự mua kẹo, có thể tự mua đồ mình muốn, làm việc mình thích nhưng nỗi buồn lại không còn dễ dàng để nói ra rồi nhanh chóng qua đi.



Nỗi buồn dù màu gì đi nữa có lúc không thể nào yêu, nhất là khi chúng ta còn bé. Có lúc chính tôi cũng trốn chạy những nỗi buồn. Sợ nỗi buồn đến với mình và cũng sợ nỗi buồn của người khác sẽ kéo lòng mình chùng xuống. Vì không dễ để yêu nên không dễ dàng để nói hay chạm tới. Tôi bỗng nhớ đến một đoạn thơ của Quan Dương:



"Ta rinh nỗi buồn ra sông biển
Ta quẳng nỗi buồn xuống biển sông
Bỗng nhiên ta thấy sông và biển
Chìm ngập buồn ta trong mênh mông"



Vậy đó, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".



Khi trải qua vô số nỗi buồn có nghĩa là người ta cũng đã đi qua vô số những sự kiện trong cuộc đời. Con người sẽ dần trưởng thành không những có thể tự che chở cho chính mình mà còn có thể bảo vệ những người yêu thương. Rồi, chúng ta cũng sẽ thấy thật ra nỗi buồn đôi khi cũng rất đẹp, là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Và nỗi buồn cũng sẽ góp phần làm cho ký ức của mỗi người thêm phong phú, có những điều để nhớ mãi không quên.
Thêm
36
0
0
Viết trả lời...
IMG_4770.jpeg

Từ khi còn rất nhỏ, Ngọc đã quen với âm điệu trĩu nặng trong căn nhà ấy. Không phải tiếng ru êm đềm hay lời dặn dò âu yếm như lũ bạn thường kể, mà là giọng quát tháo như dao cứa và những câu nói lạnh tanh, sỉ nhục. Cha cô — ông Dũng — chưa từng động tay đánh con gái một lần nào, nhưng những lời ông nói còn sắc hơn roi vọt.
“Mày ngu dốt giống mẹ mày!”
“Tao chỉ coi mày như con osin trong nhà này thôi!”
“Riêng cái loại mày sống chết tao cũng không quan tâm!”

Ngày nào cũng thế, những câu nói như nhát dao mài mòn trái tim non nớt của Ngọc. Mẹ cô — một người đàn bà hiền lành, chịu đựng — chỉ lặng lẽ cúi đầu, chưa từng dám can ngăn. Cứ mỗi lần cô làm sai một việc nhỏ, ông Dũng lại chửi rủa thậm tệ, ánh mắt như đóng đinh vào đứa con gái duy nhất của mình. Thậm chí khi cô đạt giải học sinh giỏi , ông cũng chỉ lạnh nhạt buông một câu: “Giỏi gì thì cũng vô tích sự.” Ngọc lớn lên với nỗi sợ hãi vô hình. Cô thu mình lại, dần dần chẳng còn cười nói với ai. Mỗi lần ai đó khen ngợi cô, trong đầu lại vang lên giọng cha: “Đừng tưởng mày giỏi giang gì hơn ai.” Những năm tháng tuổi trẻ, cô không dám mơ ước, không dám tin vào bản thân. Trong thẳm sâu, cô tin rằng mình đúng là đứa vô dụng như cha nói.
Năm mười tám tuổi, Ngọc đỗ đại học xa nhà. Lần đầu tiên rời khỏi căn nhà ngột ngạt, cô mới biết thế nào là không khí trong lành của sự lắng nghe và tôn trọng. Ở thành phố, cô gặp những người bạn tốt, gặp thầy cô tử tế, dần dần vết thương cũ được xoa dịu. Nhưng mỗi lần gọi điện về nhà, chỉ cần nghe giọng cha, trái tim cô lại co rút. “Mày học cho cố rồi cũng chẳng làm nên trò trống gì đâu, đừng có mơ mộng.”
Hai mươi lăm tuổi, Ngọc tốt nghiệp thạc sĩ và có công việc ổn định. Khi trở về thăm quê, căn nhà cũ vẫn thế, chỉ có cha cô già đi nhiều, tóc đã lấm tấm bạc. Ngọc đứng trước cổng rất lâu, hít một hơi sâu rồi bước vào. Ông Dũng nhìn thấy cô, ánh mắt vẫn lạnh lùng như xưa. Ông cất giọng cũ kỹ: “Về làm gì? Ở thành phố không ai chứa chấp à?” Ngọc nhìn cha, lần đầu tiên trong đời cô không cúi đầu nữa. Giọng cô trầm tĩnh nhưng cương quyết:
— “Con về để nói với cha rằng những lời cha từng nói, con đều nhớ. Nhưng con không còn tin vào chúng nữa. Con không phải là đứa vô dụng. Con đã tự chứng minh điều đó, không phải cho cha, mà cho chính con.”
Ông Dũng sững người. Lần đầu tiên, trong ánh mắt ông, có một thoáng hoang mang. Ông không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ nhìn theo bóng con gái ra cổng. Suốt đêm hôm đó, ông ngồi lặng trong gian nhà trống, trước bàn thờ vợ cũ — người phụ nữ ông từng đối xử tệ bạc. Trí óc ông quay cuồng với những ký ức xa xưa: khuôn mặt nhỏ thó của Ngọc năm nào, những lần cô khóc vì bị ông nặng lời, ánh mắt cam chịu của vợ… Chưa bao giờ ông thấy nặng nề như đêm nay.
Sáng hôm sau, khi Ngọc chuẩn bị rời đi, ông Dũng bất ngờ đứng trước cổng. Ông không còn vẻ lạnh lùng quen thuộc nữa. Giọng ông khàn khàn, chậm rãi:
— “Cha… cha không giỏi nói lời hay. Nhưng cha sai rồi. Cả đời cha cứ nghĩ cứng rắn là cách dạy con nên người. Hóa ra cha chỉ gieo đau khổ cho mẹ con và cho chính con. Cha xin lỗi… Nếu còn cơ hội, cha muốn sửa sai." Ngọc đứng lặng. Nước mắt chực trào nhưng cô mỉm cười, nụ cười dịu dàng như nắng sớm:

— “Con chưa từng mong cha phải hoàn hảo. Chỉ cần cha nhận ra điều đó… đã là đủ cho con rồi.”
Thêm
74
0
0
Viết trả lời...
Nhà tôi gần một sân ga tỉnh lẻ
Thỉnh thoảng tôi ra chơi cho đỡ nhớ người
Ai cũng bận rộn không xuôi thì ngược
Có lẽ lững lờ chỉ có mình tôi

file-KC4vKEcTYHtCRFNFoaQ1Ki.webp
Tạo ảnh bởi AI.

Từng con tàu xuôi theo ray mộng tưởng
Bỏ lại những buồn vui, hội ngộ sân ga
Từng ô cửa sổ, như từng trang sách
Người đọc lững lờ, có lẽ là tôi...

Tôi lững lờ thương nhớ tuổi đôi mươi
Đã nghẹt thở trong toa tàu "Đổi mới"
Nơi bạn bè tôi ai cũng đi rất vội
Hai mươi năm sau có đứa vẫn không về

Tôi lững lờ thương nhớ những đêm khuya
Hun hút gió chạy ngược về khe núi
Nơi tuổi thơ đã cháy như cành củi
Bếp lửa Xuân ngày cũ đã nguội tàn

Tôi lững lờ trên đỉnh tuyết tan
Khe khẽ tách những tảng băng, chảy xuống
Con tàu hoá dòng sông qua đồng ruộng
Bóng tôi đổ thành một bóng ngày đi ...

29/01/2015.
"Ga Tỉnh lẻ"- Nguyễn Vĩnh Tiến.
Thêm
99
0
0
Viết trả lời...
Tôi vẫn yêu mùa hè như thế. Ngồi dưới ánh nắng ấm áp sớm mai.
Kênh nước trong veo nuôi vườn chanh trĩu quả. Mùa hè đến, tóc tôi có hương chanh luôn được hong khô dưới nắng. Và dù làn da có đen nhẻm đi, tôi vẫn lưu luyến ánh nắng gắt cuối chiều ấy. Mùa hè dần lớn lên với tôi, những vòng lặp phơi lúa đậu, những chuỗi ngày bán buôn hàng nước phụ mẹ. Nhưng trong ký ức của tôi hiện tại, mùa hè đẹp nhất tồn tại vĩnh cửu, đứa trẻ đùa nghịch bên kênh nước, những hoa cỏ rực rỡ trên mái tóc bé gái đó, vui vẻ đuổi bắt chú chuồn chuồn. Bay mất…
Thêm
112
0
0
Viết trả lời...