Mạng xã hội Văn học trẻ

i.doanhnhansaigon.vn-2014-11-11-_dn582-hh071114-bst-tranh-son-dau-3-copy-1508395640.jpg
Giữa trưa, đường vắng. Phố xá yên ắng và ráo hoảnh. Xe cộ thưa thớt, ánh nắng đặc quánh, hơi đất nồng nặc. Dư âm phảng phất từ những ngày cuối năm trầm mặc. Tôi về nhà, trên con xe lấm tấm bụi mịn. Con đường của những ngày giáp Tết Nguyên Đán thân thương đến lạ, chỉ gói gọn trong bàn tay những kẻ đã thân thuộc đường đi nước bước.

Dừng xe tại ngã tư, một gã bán hàng rong đang chật vật ngồi trên vỉa hè, tay chải chuốt, chân xếp bằng. Lưng gã cong sầm, bóng bẩy như món bánh tôm dậy mùi ngò rí, phảng phất từ hàng bánh ướt dựng tạm bàn ghế ngoài con lộ. Món bánh ấy thường ngày tôi rất thích, nhưng lúc này đã hết sạch và rảnh ráo như thứ không khí đặc quánh, chết tiệt, hối thúc con người ta trở về. Bỗng nhiên, tôi thấy đồng cảm với gã. Với cái bao tử đói khát của mình. Với cái thứ lưng chừng chơi vơi khốn nạn đang níu kéo đôi chân mình.

Chẳng biết gã bán thứ gì, vì gần như trên sảng có gì, gã cũng đều trưng ra. Một chút bánh kẹo, quà vặt, cà phê gói loại rẻ tiền, mẫu mã lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một số sách báo, tạp chí, không rõ tòa soạn, không rõ thời gian in ấn. Có lẽ chúng cũng lâu đời, cằn cỗi như mái tóc khô quắp, rối bời như rễ cây có trời mới gỡ nổi. Mái tóc ấy làm người ta chú ý những chiếc lược. Chúng treo lủng lẳng thành xâu, nằm la liệt trên đất và trên đôi tay gã. Đôi tay gã làm tôi chú ý đến cái nắng. Cơn giận tam bành của đất trời đã nhuộm đen gần hết hai bàn tay cằn cỗi. Có lẽ ông trời quyết trừng phạt gã, trừng phạt những con người tha phương muốn bám đất bám thân, trước dịp đoàn viên hiếm có, sau cả năm vất vả, thăng trầm, đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố.

Không khó để ai đó mủi lòng và đồng cảm với gã. Tôi thấy một cặp nam nữ, người phụ nữ trẻ trung, người đàn ông thì đáng tuổi cha chú. Cô diện mạo sang trọng, có vẻ đang trên đường mua sắm vài thứ trang hoàng tết. Cô bước xuống gác baga, đôi tay chìa ra ít lộc. Cô ta sẽ lấy chiếc lược, tôi đoán thế. Không có nhiều lựa chọn cho một kẻ sang trọng trước mớ hổ lốn, ngổn ngang từ một con người bần túng, sống dưới đáy cùng xã hội.

Nhưng thay vì cúi sầm, xuýt xoa, hay cảm tạ. Gã ta gào lên như một con thú. Gã xua đuổi người phụ nữ khỏi giang sơn hôi hám ẩm mốc hôi hám của gã, khỏi cuộc sống cùng cực không còn cơ hội vực dậy của một kiếp người. Người phụ nữ ném vội tờ bạc xuống đất theo phản xạ. Gã bán rong liền chụp dính sau một nhịp trống ngực liên hồi. Gã không ngần ngại gì cả, càng không thấy nhục nhã, mà còn bỏ ngay vào miệng, nhai ngấu nghiến như đói.

“Mẹ! Gặp ngay thằng điên!” Người đàn ông vội kéo tay cô khỏi nghịch cảnh.

“Cho tiền làm gì, phí thật. Có lộc cũng không biết hưởng, một lát tụi lông bông lại giật mất!” Một số xung quanh rù rì như thế.

Ừ, gã điên mà, ai đứng ở ngã tư cũng nói thế. Nhưng khác “họ”, tôi không thấy miệt thị chút nào. Bằng một cách thần kì nào đó, tôi lại rất nể phục gã. Thật, tồn tại giữa cuộc đời này, ai cũng là kẻ điên, nhưng cứ nghĩ mình tỉnh táo. Ừ, chỉ có kẻ điên mới theo đuổi những thứ ảo mộng mù quáng giữa một cuộc sống hữu hạn. Ừ, chỉ có người khờ dại mới không nhận ra, không ý thức được sự tù túng, ngột ngạt giữa một xã hội hiện sinh, không còn đủ chỗ cho những trái tim biết rung cảm. Thế thì thà làm một gã điên để tự do sống không lo không nghĩ, còn hơn phải trở thành một người bình thường, với đủ thứ hoài bão chạy tuột về sau, trước ước mơ ngày càng thu hẹp hay thỏa hiệp ngày một rõ ràng.

Đèn nháy, tôi tăng ga, rời khỏi ngã tư. Rời khỏi những ồn ào, lo toan của tâm trí. Đâu đó trong tôi, trong những con người “bình thường” ngoài kia, một khát vọng điên loạn tiềm tàng như ngọn lửa mùa đông dần lụi, chưa biết lúc nào sẽ lại bừng lên.

Hết.

Huỳnh Kha





Thêm
Điên
8
0
0
Screenshot 2024-03-04 130522.png

Đó là vào một ngày thứ bảy cuối tháng tư. Trên chiếc xe buýt chỉ quẩn quanh ngoài ngoại ô thành phố. Đã mười lăm phút kể từ khi chàng trai xem đồng hồ, chuyến xe vẫn vậy, vẫn miên man một hành trình vô định như chưa muốn thoát khỏi miền kinh tinh tế mới nghèo nàn.

Có lẽ nó cũng như tôi, cũng lười nhác, thích nhìn đồng cỏ mênh mông, thích trông ra khoảng trời mơ mộng. Hoặc đơn giản, nó sinh ra chỉ để ngắm nhìn cuộc sống chuyển mình, chỉ để mỗi ngày bắt đầu rồi kết thúc hành trình cô liêu, bình dị, và vô thường như thế.

Bầu trời không nắng cũng chẳng mưa. Râm rang chỉ có mây trắng rong ruổi cùng đoàn xe, và trái tim phiêu bồng của lữ khách.

Xe dừng trạm. Không một ai bước xuống, chỉ mỗi cô gái bước lên. Cô nhìn quanh một lượt những hàng ghế. Bỗng ngập ngừng nhìn về phía chàng trai. Đôi mắt mở to trông chờ sự đồng cảm. Bằng giác quan đặc biệt của một tâm hồn lạc lối, chàng trai quay đi, chỉ để lại sự thờ ơ, cùng cái phớt lờ trên mặt. Nhưng cô chẳng ái ngại, cô muốn được che chở, muốn được yêu thương, muốn được vỗ về từ một bờ vai xa lạ, nhưng chí ít phải cùng thế hệ.

Họ ngồi xuống cạnh nhau. Chàng trai ghế ngoài, nơi cửa kính. Cô gái ghế trong, cạnh cửa ra. Bánh xe lăn, người ta lại hòa mình vào bản nhạc sến nhẹ nhàng, trầm lắng mà tôi vừa chọn trên máy hát. Có lẽ cà phê hay nước tăng lực đều không hiệu quả. Tôi cần thay đổi cái không khí chết tiệt này nếu muốn tiếp tục cầm lái.

Bản nhạc tôi chọn nói về một chàng trai tiền tiến, phải ra đi, không hẹn ngày trở lại. Bản nhạc cũng khóc thương cho kiếp sống hẩm hiu, đơn chiếc của một cô gái hậu phương, một góa phụ thờ chồng, một người mẹ, người chị, có con, có em, cũng tham gia mặt trận chiến đấu.

Tiếng guitar cuối cùng cũng dứt, tôi tắt máy phát, tắt lịm cả không gian ồn ào, phức tạp, nơi bàng dân thiên hạ, chen chúc, xô bồ. Không rõ bản thân nghĩ gì. Hình như tôi muốn ai đó phải suy nghiệm, phải thấm thía những gì mắt thấy, tai nghe, đặc biệt là những người trẻ.

Sự yên ắng quả là một trải nghiệm vô giá. Nhưng với cô gái thì không. Cô sợ sự tĩnh lặng đến chóng mặt, sợ cảm giác hòa nhịp của hàng chục con tim như đôi nam nữ quấn quýt lấy nhau trong đêm nồng cháy.

Cô ghì chặt một bên tay áo chàng trai. Chàng trai biết nhưng anh không phản ứng. Đôi chân cô run rẩy, đá thuốc vào chiếc túi ngăn cách giữa cả hai. Xấp tài liệu rơi ra. Một số chứng từ cá nhân, tài liệu sách vở, thông tin lý lịch, hồ sơ xin việc, và bằng cấp. Lúc này chàng trai mới phản ứng. Anh lom khom nhặt chúng lên, bỏ tư trang về chỗ cũ, rồi ôm lấy.

Khoảng cách giữa hai người được kéo lại, không còn thứ gì ngăn cách những đôi chân, nhưng khoảng cách tâm hồn họ thì ngày một xa hơn, xa như thể trông chờ mưa tuôn sau những ngày triền miên nắng tỏ.

Ngang qua con sông nhỏ, ngăn giữa con đường đất đỏ và cánh đồng phủ đầy cỏ rêu. Có thể thấy tấm bảng “Cấm lai vãng” ngoài rìa sông dù bụi đường đã vùi lấp ít nhiều. Tôi nghe nói, những vụ chết đuối thường xảy ra ở đây, thông thường là tự tử, một số thì tai nạn, nhưng tư trang, vật dụng cá nhân, thường nằm lại gọn gàng.

Có lẽ, hà bá, ma da xứ nước, hoặc long vương chỉ dung chứa những linh hồn tội lỗi. Của cải, tư trang, hay bất cứ thứ gì vướng bận hồng trần, người ta cần trút bỏ, để cắt đứt hệ lụy với dương gian.

Chàng trai tự hỏi, bao lâu để người ta tìm ra danh tính kẻ xấu số. Một ngày, vài tháng, hay nhiều năm. Nhưng chí ít cần ai đó quan tâm, và tìm đến. Chàng trai sợ bị mục rữa, sợ da thịt ngày càng bở ra, sợ cảm giác quanh năm cá tôm rúc rỉa,…

Chàng trai không đủ can đảm.


Tôi đạp nhanh chân ga, bỏ xa khúc sông đau thương, lúc nào cũng đăm đăm biển cấm. Chàng trai cảm thấy thật nhẹ nhõm, cảm thấy cô gái bên cạnh tự lúc nào đã ngả vào vai mình. Một thứ sức nặng vô hình, không đong đếm, nhưng nhẹ tênh, cho anh, cho cô, cho tôi, cho những con người lạc lối, thứ động lực khó diễn tả hết bằng lời.

Thì ra, họ cũng giống nhau! Anh thở phào và lịm đi.


Đêm xuống. Chàng trai choàng tỉnh. Hành trình của anh đã kết thúc như một giấc mơ. Nhưng dù nên thơ hay ác mộng, chúng ta vẫn phải thức dậy, dậy để nhận ra chuyến đi đã kết thúc, kết thúc để bắt đầu một hành trình mới.

Không thấy cô gái nữa. Nhưng nghe nói, cô đã xuống xe để đổi chuyến vào nội thành. Trước khi đi, cô đã nói cảm ơn anh, cảm ơn tôi, cảm ơn vì thứ sức mạnh vô hình nào đó, cô cũng không biết rõ. Có lẽ hành trình của cô vẫn tiếp tục, thật tốt cho cô.

Hết
Thêm
Trôi
475
2
0
12saigon-qua-cua-so-15296826404931753328090.png

Chúng tôi đèo nhau giữa cơn mưa, hướng căn nhà nhỏ phía ngoại ô thành phố. Ngôi nhà cấp bốn xập xệ, nằm thu mình giữa những căn hộ xuống cấp, đồng bộ cùng khu dân cư hẻo lánh, hiu quạnh.

Đến cửa, tôi nhấn kèn xe. Cổng không chuông, không tín hiệu báo, nhưng đã chốt sẵn khóa, bên trong không có người. Kỳ thực tôi muốn nghe âm thanh gì đó. Giọng mình nhỏ, động cơ thì yếu, thôi chỉ còn kèn xe. Tôi muốn chắc chắn đôi tai không bị ù vì sự gầm rú oai oái của đất trời. Hoặc, chỉ để ai đó kịp rời đi, trước khi bị phát giác. Bạn biết đấy, sống ở nơi như thế rất sợ “những vị khách không mời”.

Em bước xuống trước. Nhanh nhảu và mảnh khảnh. Dáng vẻ mảnh mai của con gái đang tuổi trăm rằm. Giọt mưa cứa vào da thịt em, vào lớp áo lụa mỏng manh – trắng tinh tươm như thiêu đốt tâm hồn người thiếu nữ. Vô tình ném vào lòng tôi nỗi niềm bâng quơ khó tả, thoảng chút gì đó bùi ngùi, và đau xót.

Cửa mở, em chạy vào bật điện. Đèn sáng. Tâm hồn cũng thắp lên ánh đuốc. Ấm áp, tường minh, và an toàn.

“Mưa kìa!” Em cười, còn tôi vẫn đứng trơ ngươi giữa mưa giông và gió bấc.

“Ừ, mưa.” Tôi nói

Đôi bàn tay đan lại, em co rúm, tôi xuýt xoa. Căn phòng lạnh lẽo, chỉ tôi và em, nhưng vẫn đủ để tâm hồn cả hai co thắt. Dừng chân bên bàn làm việc giữa phòng khách, tôi đặt người xuống ghế, chống cằm lên khung cửa, thong dong nhìn ra ngoài.

Từ chỗ chúng tôi có thể trông thấy những ngôi nhà cao tầng tráng lệ, những buynh đinh sừng sững cao chọc trời từ trung tâm thương mại. Ẩn hiện ngoài xa có cả những ngọn đèn đường đủ màu, biển quảng cáo sặc sỡ, mờ mờ ảo ảo trong cái lạnh áp thấp khắc nghiệt.

Chúng tôi từng thấy bản thân ở đó, giữa những bảng điện đường, và xe cộ nối đuôi như mắc cửi. Nhưng lần đó là từ xe Hoàng Duy – đồng nghiệp tôi tại công ty. Anh ta vừa mua nhà tại trung tâm thành phố, hiển nhiên chúng tôi là những vị khách đầu tiên. Duy không xấu, nhưng bản tính khoe khoang, khiến anh ta khó kiếm bạn bè. Tôi cũng không ưa cái cách gã một tay giữ vô lăng, một tay đong đưa chùm chìa khóa. Tôi càng không thích xế hộp. Máy lọc khí và điều hòa phà phà mùi động cơ khó ngửi.

Nhưng em thì khác. Tạo vật nhỏ bé của thượng đế dường như rất thích thú. Tôi chăm chú nhìn em. Em âm thầm mở kính. Hôm đó mưa phùn, từng đợt và lất phất. Chúng tôi lén lút nhìn nhau, ngạc nhiên khi cả hai đều lấm lét. Một chốc ngượng ngùng dâng lên trong tâm trí khiến hai đứa chỉ biết quay đi, quay về hướng khác, quay về phía mưa… Mặc cho ngoài kia, gió đã cuốn đi những nốt nhạc tươi vui trên gương mặt.

“Mưa kìa!” Em nhắc nhở.

Cơn mưa kẻ xiên góc, ướt đẫm gương mặt tôi, cuốn trôi cả ước mơ, và hoài bão.

“Ừ. Mưa,” tôi đóng cửa.

Chúng tôi vào phòng tắm. Tôi lấy khăn. Em nghịch bông tắm và xà phòng. Nước nóng phà hơi trên mặt sàn lạnh lẽo. Hơi nước tráng gương mờ ảo, huyền huyễn như mặt kính cửa sổ phía ngoài. Em quay đi, đôi tay thoăn thoắt cởi cúc áo. Đầu tôi quấn khăn. Mái tóc ướt át. Suy nghĩ dằn xé. Tôi quấn cả thứ bản năng tội lỗi đang trỗi dậy trong mình, dằn vặt bỏ ra ngoài.

Rời phòng tắm, tôi ngồi xuống sô – pha. Vô tuyến đã bật. Tin tức thời sự chẳng có gì hấp dẫn. Tôi chuyển sang kênh thể thao. Vặn thật nhỏ volume, tôi chồm người, ngóng sang nhà hàng xóm. Tiếng một nam, một nữ vang lên đằng sau bức tường. Chiến tranh bắt đầu rồi đấy, tôi lẩm nhẩm. Hơi kỳ cục, nhưng lúc này tôi cảm thấy khá phấn khích.

Đôi vợ chồng ấy là bạn chúng tôi. Họ đã định cư ở đây trước khi chúng tôi chuyển đến sống. Có khi trước cả một số người khác nữa.

Gã đàn ông không ưa tôi, nhưng người phụ nữ lại có cảm tình. Bà thường mang cho chúng tôi ít bánh hoặc đồ ăn vặt. Quan hệ đôi bên thân thiết như người trong nhà. Nhưng riêng gã đàn ông thì không. Việc nhìn mặt chúng tôi đôi khi khiến gã khó chịu. Gã dọa sẽ báo cảnh sát, tòa án, hoặc báo chí. Gã thề không để yên, nếu biết tôi còn sống trên đời. Biết sao được, gã là luật sư. Một tên luật sư quèn thường tỏ ra đạo đức và thích xía mũi vào chuyện người khác. Nhưng may thay, gã lại chết nhác. Những lời hăm dọa, răn đe, hay bổ báng, chỉ có thể thốt ra khi đã thấm men.

Người phụ nữ là một bảo mẫu. Hằng ngày, bà làm việc tại nhà trẻ tư cách trường em học không xa. Có lẽ vì thói quen nghề nghiệp, bà dễ đồng cảm, và xem chúng tôi như con cái.

Thì họ hiếm muộn mà.

Họ thường xuyên cãi cọ. Đôi khi, không hẳn vì chuyện của chúng tôi, đôi khi, còn cả những việc vặt vãnh, như một lon đồ hộp, cái điều khiển vô tuyến, đến những việc lớn hơn, như mưu sinh, tiền nhà, điện nước, và chi tiêu. Trong một lần xô xát cách đây vài tháng, tôi nghe loáng thoáng người phụ nữ gào khóc và than vãn rằng, họ đã từng hạnh phúc, từng vui vẻ trải qua những ngày tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, từng mơ ước về một ngày mai xem nhau là tất cả, nhưng cảm xúc chết dần theo thời gian và năm tháng.

Chỉ vì họ không có con…

Người phụ nữ không quan trọng vấn đề sinh nở. Nhưng gã đàn ông luôn tỏ ra bảo thủ. Hợp, rồi lại tan. Rạn nứt, rồi hàn gắn. Họ không ngừng ngờ vực. Không rõ hôn nhân là bước tiến thăng hoa trong quan hệ hay cột mốc đánh dấu sự kết thúc của một tình yêu? Có lẽ, sau bao nhiêu năm tháng, họ vẫn chưa thể hiểu rõ.

Nên thôi. Thà sống trong nghịch cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Trớ trêu thay! Một lối sống thực dụng, quá ư đớn đau, và nghiệt ngã.

Chợt, em bước ra từ nhà tắm. Trong bộ đồ ngủ yêu thích, chạy đến, ngã vào người tôi, nằm gọn trong lòng tôi, thắt chặt con tim bi quan, và ngờ vực. Mọi suy nghĩ trong tôi chợt chững lại. Tôi ôm lấy em, trao em sự đồng cảm, và quyến luyến. Trong phút giây mơ hồ ngắn ngủi, tôi bỗng nhiên sợ mất em, sợ sự tuần hoàn, nhưng hữu hạn của thời gian, sợ sự thay lòng, bạc dạ, đầy nghiệt ngã của nhân sinh, và tạo hóa.

Tiếng cãi cọ từ nhà bên đã tắt. Có lẽ họ nghe thấy chúng tôi, cũng có lẽ không. Cuộc tranh luận phải đi đến hồi kết.

Giọng em run lên, dường như cũng cảm nhận được phần nào. Những lo lắng và suy tư. “Mưa… Mưa kìa!”

“Ừ! Mưa!” Giật mình, tôi nhìn ra ngoài. Đặt ngang giữa sân, sào quần áo vẫn chưa mang vào trong. Nhưng giờ không muộn hay sao. Có lẽ, chúng đã ướt mèm, ướt đẫm trong sự thờ ơ, và bạc bẽo, của tôi, của em, của chúng ta. Nhưng tôi vẫn đi ra, cố gắng làm gì đó để chuộc lỗi, để tâm hồn vơi đi sự áy náy.

Nhưng rồi em kéo tôi trở lại. Bên cạnh em. Sự mềm yếu của con tim, khỏa lấp cơn tỉnh táo đột ngột của lý trí. Chúng tôi cứ nằm đó, hòa quyện vào nhau, nghe rõ tiếng hơi thở phì phò, tiếng trống ngực đập huỳnh huỵch, nhịp đập như bơm thêm máu, khiến gương mặt em đỏ bừng và xuân sắc.

“Mưa kìa!” Em cười.
Hết
Huỳnh Kha
Thêm
Chúng ta - Họ
623
2
0
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
  • Like
Reactions: Thích Văn Học
Thích Văn Học
Thích Văn Học
Khúc mắc ấy như cứa vào tim gan vậy ha. hihi
Dạo này thời tiết thay đổi mình cũng hay nghĩ về vài kỉ niệm cũ, cảm thấy ngây ngô ngớ ngẩn. Cảm thấy mình thật là dở tệ vô cùng luôn. Xấu hổ kinh lên được :(((
Top