Dự thi Mất Tết

Dự thi Mất Tết

Cuối con dốc gồ ghề của đoạn đường đất nhỏ nối liền dãy ruộng phần trăm với trục đường bê tông liên thôn chạy dọc xóm Đồng, thím Năm dáng người hơi khòm đang nặng nề đẩy chiếc xe cút kít chở đầy rau muống lên dốc. Chiều nào cũng cỡ giờ này, thím đẩy xe rau đầy cắt ở đám ruộng dưới dốc về nhà. Lúc này, mặc lòng bài nhạc xuân vui tươi vang khắp ngõ lớn ngõ nhỏ phát từ giàn loa thùng nhà anh Tỵ, trên gương mặt người đàn bà vẫn rặt một nét ủ rũ, cúi đầu bước đi.

- Hôm nay nhiều thế thím? - Đang ngắm nghía cây mai cảnh của mình trong sân, anh Tỵ hướng đôi mắt còn hàm một nét cười - vì gốc mai năm nay đích thị là sẽ nở vào đúng ba ngày Tết - nhìn về phía thím Năm và xe rau cất giọng như chào hỏi.

- Còn một góc rau già, cắt nốt một chốc gieo phân luôn anh ạ! - Thím Năm nheo đôi mắt đùng đục đã dày vết chân chim, ánh mắt buồn bã nhìn anh, giọng rầu rầu trả lời.

Anh Tỵ biết tại sao thím buồn. Chả là anh Đông con trai thím mới hôm kia bia bọt với cái đám lêu lổng ngoài xóm Kè, lời qua tiếng lại thế nào mà xảy ra đánh nhau, phải đến bốn anh dân phòng đô con của xã can thiệp mới dẹp yên được. Cũng may không ai bị thương gì nặng. Nhưng có cha mẹ nào không đau đáu khi con mình suốt ngày lông bông với một đám không đàng hoàng? Lại cùng năm mãn tháng, ai đâu không mong ước mọi điều suôn sẻ đến với mình?​

1646843361333.jpeg

(Mất Tết - Ảnh: Internet)
Thím Năm vóc người tầm thước, khuôn mặt xương xẩu với hai gò má cao cao trông hơi khắc khổ. Cái khắc khổ ấy như vận từ vẻ ngoài vào cuộc đời bà. Tuổi mới ngoài năm mươi mà trên mái tóc thưa thớt muối đã nhiều hơn tiêu. Cuộc đời thím chắc phải đến khi nhắm mắt xuôi tay nó mới thôi khổ. Khổ vì chồng, vì con.

- Xẩm rồi, không bắt được nồi cơm lên à? Tẩn mẩn cái gì ngoài đồng từ hồi chiều đến giờ này mà còn đi nữa đấy? - Chú Năm xẵng giọng, tay khua chiếc nạng gỗ va vào cái đòn nhựa dưới sàn kêu rột rột, tỏ vẻ không hài lòng khi thím vừa về lại chuẩn bị đi tiếp.

- Đồng hôm nay nước về. Tôi vội đem phân xuống ruộng rau gieo cho chóng, để một lát tối trời không thấy đường. Mình ăn cơm trễ một chút đi. - Thím Năm trả lời ông chồng, rồi cũng đẩy cả phân cả thau trên cái xe cút kít vội vàng đi xuống ruộng, mặc kệ tiếng “hứ” rõ vang của ông chồng đang bực mình.

Chú Năm từ cái năm bị lật xe gỗ đè trúng, phải cưa đi một chân thì tính tình thay đổi hẳn. Ngồi một chỗ không phụ giúp được gì cho thím chắc cũng bứt rứt trong người, chú trở nên cáu bẳn, nhìn thím làm cái gì cũng trái con mắt. Mới đầu thím chưa quen với cái sự đổi thay này của chú thì mươi bữa cũng lại giận hờn, trách chú tính tình đổi khác. Nhưng dần dà thím Năm cũng thương cho cái chân què của chú, một người đang bình thường nay lại trở thành tật nguyền chắc trong tâm chú đều đau đớn hơn ai hết. Ôi! Chỉ trách cái số vợ chồng thím nhiều lận đận.

Thím Năm gieo xong chỗ phân bước lên bờ thì trời đã tối hẳn. Đồng ruộng bao phủ bởi một màu đen của đêm; trong mênh mông bóng tối, giữa đồng chỉ còn một người là thím. Mấy người đàn bà cấy ráng cho xong khoảng ruộng thưa để kịp nghỉ Tết cũng đã lên bờ từ lâu. Lũ ếch đồng bắt đầu đi kiếm ăn, thỉnh thoảng lại phát ra âm thanh rẽ nước kêu rọc rọc. Thím Năm lại lom com đẩy xe đi về. Qua cửa nhà anh Tỵ, bóng đèn huỳnh quang hắt ánh sáng ra cửa sổ, soi bóng thím Năm loằng ngoằng nửa in xuống mặt đường, nửa in lên hàng rào dâm bụt phía bên kia - cái bóng đứt khúc nhưng vẫn nhìn ra được một người phụ nữ với cái lưng hơi khòm… Hai mươi hai tháng Chạp, ngoài đường không khí Tết cũng dần rộn ràng. Xóm Đồng đã thấy lấp ló nào mai, nào cúc chúm chím những nụ hoa màu vàng tươi đang trở mình bung ra khỏi lớp đài hoa xanh non chật chội mừng đón xuân về. Không gian cũng dậy mùi rim gừng thoang thoảng từ bếp của nhà ai. Nhưng với gia đình thím Năm thì Tết có vẻ vẫn còn xa lắm.

Cơm nước xong, thím Năm một mình lục đục dưới bếp xắt rau, nấu cháo cho heo, một lát lại thấy thím loanh quanh ngoài vườn - mượn ánh điện mờ mờ chiếu ra từ gian bếp thấp - tranh thủ tưới nước đám rau cải trong đêm,... Một ngày của thím sẽ kết thúc khi hoàn tất các công việc của một bà nội trợ. Chú Năm với một chân bị cụt cũng chỉ ngồi một chỗ vừa xem thời sự vừa ngẫm mấy thế cờ tướng, có hôm lại lộc cộc chống cây nạng qua bên lão Hùng nhà ở đầu con hẻm nhỏ phía bên kia đường. Nhà lão sống bằng nghề đan lát, đến tối lão lại chong điện ngồi trước bậc thềm chuốt nan một mình. Chú hay qua đó chơi, nói mấy chuyện làng trên xóm dưới với lão. Mà cũng không hẳn! Có khi còn cả những câu chuyện ở cách họ tới nửa vòng Trái Đất - chuyện của một đứa em nào đó bên đàng ngoại lão Hùng, vượt biên hồi sau Giải phóng, người hiện đang sống tận bên Ca - Li… Không thể đỡ đần vợ việc nặng, việc nhẹ lại của đàn bà, thành ra người rảnh rang thì cứ thế rảnh rang, người bận rộn lại quần quật cả ngày lẫn đêm vẫn chưa hết việc.

Chú Năm cái thời trai tráng là một thợ mộc có tay nghề trong làng. Hồi bà cụ thân sinh còn sống, chú quen thím Năm bà không thuận. Bà nói không hợp tuổi. “Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu tứ hành xung”. Chú Ngọ, thím Dậu đời này khắc nhau. Nhưng chú thương quá không bỏ được thì bà cũng đành cưới về. Một năm sau thím sinh được con Hai. “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng” - người đời vẫn hay nói vậy. Nhưng rồi hai đứa, ba đứa, bốn đứa đều con gái tất. Bà cụ đã khó lại càng khó khăn hơn với thím. Con đông, con cái lại èo uột lắm bệnh đau, cái nghề mộc của chú suýt kham không nổi mấy miệng ăn trong nhà. Khi đứa con gái thứ tư lên năm tuổi, chú thím cũng ráng sinh thêm đứa nữa, kiếm cậu con trai để bà cụ vừa lòng. Không biết trời thương hay trời phạt, thím sinh được đứa con trai thật. Cái đêm mà thím sinh ra anh Đông, năm ấy anh Tỵ còn bé, anh nắm cây đèn pin con cọp chạy quanh hô hoán khắp cả xóm Đồng: “Thím Năm sinh con trai rồi, thím Năm sinh con trai…, nhà chú Năm có con trai rồi…”. Từ đấy cả làng hay nói vui rằng “quý như Đông”. Đến nay cái câu “quý như Đông” ấy vẫn còn, nhưng người ta dùng để dè bỉu nhiều hơn. Vì cậu Đông quý tử nhà chú Năm bây giờ đổ đốn, ăn chơi cờ bạc, đánh nhau… chắc cũng chỉ thiếu hàng trắng là chưa dây vào. Thím Năm chỉ biết nước mắt rửa mặt mà sống.

- Má mới bán đàn heo kia, đưa tiền đó tôi mượn đi. Đi lứa gà này về chắc chắn có lời tôi trả lại má. - Anh Đông người đã ngà ngà say. Trên chiếc võng cước mắc chắn ngang lối đi xuống nhà dưới, thím Năm vừa thiêm thiếp đã bị anh lay đến tỉnh.

- Tiền đấy tao để cho con Kim. Mấy bận nó gửi về tao đều chắt mót đưa mày dần cả rồi. Nay mai người ta dạm ngõ, có gả nó thì cũng nên có lễ cho đàng hoàng. Giờ đưa mày nữa qua năm đám cưới lấy gì... Người ta khinh cho. Vợ chồng con Hai, con Ba đến con Tư đứa nào cũng khổ, mày không thương chị mày à con? - Giấc ngủ bất thình lình bị cắt ngang, thím Năm nghèn nghẹn thầm thì giọng còn ngái ngủ. Tết năm nay heo được giá, lãi được chút đỉnh thím cũng mừng thầm nhưng nào dám tiêu, dành dụm làm của hồi môn cho đứa con gái sắp gả chồng.

- Kim… Kim… Má lúc nào cũng chỉ biết con Kim. Nó làm có tiền nó nuôi má thì là con má, còn tôi nợ nần ngập đầu, chắc không phải con má đâu. Thằng này từ nay có chết cũng cóc cần ai nhé!

Anh Đông lớn tiếng quát tháo. Sẵn hơi men trong người cùng với sự yên tĩnh của buổi đêm làm cái giọng hục hặc của anh trở nên càng đáng sợ. Anh đánh mạnh tay xuống đầu võng, quay người bỏ đi. Thím Năm đang ngồi bị lực tay anh con trai đánh mạnh xuống, chới với thím bật ngửa cả người ra sau, suýt thì rơi khỏi chiếc võng.

Độ mấy năm trước vừa rộ lên cái nghề buôn gà chọi sang Trung Quốc, anh Đông hùn hạp với bè bọn cũng đi buôn. Mới đầu nghe bảo cũng lời lãi lắm. Có tiền rồi thì cũng nướng cho mấy cái ngón rượu chè, cá độ, chọi gà… chứ vợ chồng chú thím Năm có hưởng được cân đường, hộp sữa nào đâu. Dạo này đi buôn không còn khá, nhưng nết đã quen ăn lười làm, cứ thế không nghề ngỗng, đàn đúm ăn chơi rồi lại báo khổ cuộc đời đã nhiều tảo tần của thím.

- Hừ hừ… nửa đêm nửa hôm, ồn ào không cho ai ngủ. - Chú Năm bị giật mình, hắng giọng trách lẩy.

Nước mắt thím Năm chảy dài, lại một đêm mất ngủ. Trằn trọc, thím nghĩ ngợi về quá khứ. Nghĩ xem từ bao giờ con trai thím bắt đầu cái sự đổ đốn cho đến hiện tại. Hình như khoảng độ anh học cuối cấp hai, mười bốn mười lăm gì đấy. Phải rồi, cái năm mà chú Năm bị tai nạn…​

***
- Tôi không học nữa đâu, má đừng có sắm sách vở làm gì.

- Sao đấy? Hệ A trượt thì học hệ B, thời nay mới học hết cấp hai thì làm được việc gì? - Thím nhẹ giọng đáp lời cậu con trai sau một phút chưng hửng vì nghe anh bảo mình không đi học nữa. Anh Đông thi trượt trung học phổ thông công lập. Thím Năm bấm bụng cũng muốn cho anh đi học trường dân lập dẫu học phí là cao hơn, cốt muốn anh thành người có chữ nghĩa. Trước đó, bốn đứa con gái đều đã bị chú thím cho nghỉ khi học hết cấp hai; hai đứa thì học nghề may, còn hai đứa cho đi làm thuê kiếm tiền. Từ trong thâm tâm thím vẫn muốn đứa con trai duy nhất này được ăn học cho tử tế dù gia cảnh đã khốn nạn lắm rồi sau cái vụ tai nạn của chồng. Là con út, lại con trai độc nhất, anh Đông được nuông chiều hơn các chị trong nhà nên thím Năm cũng như mọi lần muốn tìm lời ngọt ngào khuyên giải.

- Học làm gì tốn tiền, ba đã như vậy tôi đi học chỉ thêm khổ. Hơn nữa học dốt, chả thiết.

- Nhưng… -
Thím Năm còn chưa kịp nói tiếp, anh con trai đã gạt phăng:

- Má mà mua về tôi đốt hết, không học là không học. Từ mai tôi lên trên bác Kiên học thợ mộc, sẽ làm cái nghề mộc của ba. Vậy đi cho nhẹ người. - Nói xong anh Đông quay phắt đi, bỏ lại sau lưng người mẹ cặp mắt đã đỏ hoe.

Đứa con lớn tiếng với thím. Mới đầu thím nghĩ con chỉ buồn vì tai nạn của ba nên mới nói vậy, từ từ khuyên nhủ ắt con sẽ nghe. Nhưng anh bỏ đi đúng một tuần, đi lên bác Kiên học thợ thật. Mỗi lần thủ thỉ khuyên bảo của thím về sau chỉ nhận về những lời quát nạt lớn lối của đứa con. Anh bắt đầu hỗn xược, không muốn nghe thím nói chuyện. Chú Năm thì ngập trong nỗi bi ai của cái chân què, hơn một năm đó có còn quan tâm được tới điều gì? Anh Đông ra ngoài học việc, kết giao nhiều bạn bè. Nhưng khốn khổ là việc thợ thầy của anh cũng chẳng học được tới đâu, ngày càng ít trở về nhà, càng không còn nói chuyện với chú thím. Khoảng cách giữa anh với ba má lớn dần. Thím Năm quê mùa, hiền từ bất lực với việc kéo đứa con trai đang tuổi mới lớn ra khỏi những cám dỗ.​

***​

- Cho hỏi nhà anh Nguyễn Thành Đông đây phải không bác? - Một cậu thanh niên mặc chiếc áo gió màu đen vừa dựng xe bên hàng rào vừa hỏi vào trong nhà.

Thím Năm có dự cảm chẳng lành. Đang lom khom nhổ mớ cải thìa ở góc vườn, thím đặt vội cái rổ xuống đất, gấp gáp đứng dậy. Hai tay dính đầy đất thím chùi vội ra đằng sau mông. Cái quần sa tanh đen bỗng chốc nổi bật vài vệt trắng xám trông chẳng mấy tươm tất. Nhìn về phía cậu trai, ém giọng thím đáp:

- Đúng rồi! Có gì sao cậu?

- Cháu đến thu tiền lãi. Hai tháng rồi anh Đông chưa đóng nhưng gọi không được bác ạ!

- Lãi gì đấy cháu, vay bao nhiêu? - Ngực thím đánh trống thình thịch, sợ cậu thanh niên nói ra một con số trên trời.

- Lãi vay ngân hàng ạ! Hai tháng hai triệu ba, còn tiền vay bao nhiêu thì bác cứ gọi đến ngân hàng, cháu không biết.

- Ơ cậu hay nhỉ! Đi thu tiền mà bao nhiêu không biết, đừng thấy chúng tôi nông dân ít học định lừa đảo nhé.

Cậu trai tặc lưỡi, giơ tờ giấy báo nợ đề tên con trai thím ra:

- Đây bác xem, tên anh Đông, có cả dấu công ty, cháu lừa bác làm gì? Trả giúp cháu để đủ chỉ tiêu cháu còn nghỉ Tết.

Thím không biết đằng nào, lòng nhấp nhổm bấm máy gọi cho anh Đông. Đúng là nợ của anh ấy rồi. Anh đáp gọn lỏn bảo bà cho mượn tiền đóng giúp rồi tắt máy.

Từng giờ trôi qua cơn lo lắng cứ lớn dần. Cuối năm người ta đi “săn” con nợ ráo riết. Không biết anh ấy vay bao nhiêu, có vay nơi nào khác nữa không? Gần đây nghe được anh thua độ ở hồ gà nhà lão Khâm, chắc phải thua dữ lắm thì lời đồn thổi mới tới tai thím như vậy. Chỉ sợ nhất anh bốc tiền nóng, như thế lãi mẹ lãi con chỉ có đường bỏ xứ trốn đi thôi. Mới tuần rồi anh trai cả của lão Hùng cũng vì tín dụng đen mà cả hai vợ chồng đã phải dắt nhau bỏ trốn, để lại hai đứa con nheo nhóc cho vợ chồng lão già nuôi nấng trông đến tội nghiệp. Cũng là vay nóng lãi suất cao. Vậy là coi như hết. Đường trở về với cha mẹ, con cái hẳn là đã không còn vì một khi đã bỏ trốn đồng nghĩa với số tiền đã vượt quá xa khả năng chi trả. Có cặm cụi cả đời cũng không thể nào có đủ tiền để mong trở về. Trước nay phàm là người nào trong làng lâm vào hoàn cảnh ấy cũng đều đã bặt vô âm tín, có chăng là thưa thớt những cuộc gọi lén lút về cho người thân vì còn phải trốn mặt chủ nợ. Nghiệt ngã! Ở cái vùng quê nghèo đang lúc trở mình vươn lên theo đà phát triển chung của xã hội này, bài học ấy đã rất rõ ràng từ mấy năm nay. Thế nhưng con thím không nhìn thấy, hoặc là nói anh ấy không muốn nhìn vào. Cả ngày thím Năm cứ bần thần, nghĩ đến tình cảnh nhà lão Hùng rồi bụng dạ lại nóng ran, một lúc lại đưa mắt nhìn ra cửa ngóng anh con trai về để hỏi han cho tỏ nhẽ.

Bình thường anh Đông đã ít nói chuyện với thím, lại thêm cái chuyện mượn tiền mấy hôm trước nên có cạy miệng thế nào anh cũng chẳng nói. Thím Năm ôm một mớ rối rắm trong lòng. Nói với chú Năm cũng chẳng được gì, chú cứ dửng dưng như không: “Có khôn thì mạng đấy ráng mà giữ, ngu dại thì chết ở đâu chết, tao đem về chôn”. Trời ơi! Chồng với con. Thím biết chú cũng nóng nảy trong ruột, nhưng lời nói ra miệng lúc nào cũng phải ngành ngạnh như vậy. Thím nghĩ điều thông cảm cho chồng, nhưng càng thông cảm cho chú thì thím lại càng trở nên cô đơn. Con có lớn nhưng chẳng có khôn, chồng thì không thể chia sẻ được cái gì, càng không thể bảo ban con. Nhiều lúc cứ muốn ban đêm đi ngủ thế là ngủ luôn cho nhẹ cái thân nhưng mỗi ngày vẫn cứ tỉnh dậy theo tiếng gà gáy sáng. Nỗi chồng, nỗi con cứ thế đè nặng trong lòng người đàn bà với vẻ ngoài già hơn tuổi ấy.

Xế chiều, thím Năm lui cui trở mẻ rim gừng đang phơi nắng. Tết đến không đủ mâm cao cỗ đầy gì nhưng cũng phải có ít bánh mứt đặt lên bàn thờ, ấy là phong tục. Thấy anh Tỵ qua chơi, thím bưng cả nia gừng đang làm dở dè dặt bước lại gần cái chõng tre bên góc sân nơi anh đang ngồi, thím ướm giọng:

- Anh Tỵ này, khi nào ngồi với thằng Đông anh dò hỏi giúp tôi chuyện nợ nần bên ngoài của nó ra sao nhé. Mấy hôm trước người ta đến nhà đòi tiền mà có hỏi thế nào cũng không được. Tôi sợ nó vay nóng, vỡ nợ thì có mà chết, anh ạ! - Lót dép ngồi xuống sân, thím tựa cái lưng cong cong vào gốc mít, ánh mắt như cầu xin, tha thiết nhìn anh Tỵ đang ngồi nhâm nhi bát nước chè với chú Năm như thể nhìn thấy nơi bấu víu duy nhất.

Anh nhấp xong ngụm trà, môi còn ép chặt vào răng, mắt nhắm nghiền như tận hưởng vị đắng từ từ trôi xuống và mùi thơm nhẹ dậy lên cánh mũi. Đặt bát nước chè xuống mặt chõng tre, anh Tỵ không dám nhìn thẳng ánh mắt đang mong đợi của người đàn bà. Anh biết thím mong đợi điều gì. Mong sao số tiền anh Đông gây nợ bên ngoài không quá lớn. Đoán rằng nếu phải cầu xin đứa con gái hoãn cưới để tiền đó chuộc lại được cuộc đời của thằng em trai thì bà cũng làm. Nhưng thím Năm ơi, dù có đánh đổi hạnh phúc của bốn đứa con gái và cả phần đời hẩm hiu của thím thì cũng thật khó để kéo anh Đông về với đường ngay lối thẳng khi mà tự bản thân anh ấy không muốn quay về. Anh Tỵ hiểu những lời mà anh sắp nói ra đây chẳng khác nào án tử cho chút hy vọng bé nhỏ của thím:

- Tiền nóng cả đấy thím ạ! Vay của lão Khâm cũng kha khá. Ở cái xóm Đồng này ai chả biết lão ấy trước nay toàn cho những người thua độ ở hồ gà nhà lão vay bạc ba mươi (30%/ tháng), nghe đâu chỗ anh Đông “thân tình” lão để hai lăm. Nhưng khi số tiền phình ra quá to thì bạc hai lăm hay ba mươi cũng không còn nhiều ý nghĩa.

Thím Năm lặng thinh. Buổi chiều bên góc sân nhà mình, tiếng nói chuyện đứt quãng của hai người đàn ông thi thoảng lại cất lên nhưng thím đã không còn nghe được họ nói gì. Mẻ rim gừng trắng phau mà thím dày công chuẩn bị để đón Tết cũng mất đi hương vị.​

***
Chiều hai tám Tết.

Nhóm côn đồ là tay chân của lão Khâm đến nhà tìm anh Đông. Đã mấy hôm nay anh trốn bặt. Đến hai lần trước đều không gặp, hôm nay chúng không còn đe dọa suông, thẳng tay đập phá. Tên cầm đầu mặt mũi bặm trợn, mình xăm trổ hình thù quái dị. Một tay hắn nâng bát nước chè nhẹ nhàng đưa lên mũi ngửi, một tay lăm lăm con dao găm sáng quắc chỉa về phía chú Năm, giọng thong thả nhả từng chữ nhưng ánh mắt sắc lạnh kia thì hoàn toàn đối lập, đầy sự chết chóc:

- Ông già, nhắn với thằng Đông trả tiền. Nó còn không trả thì liệu mà trốn cho kỹ, tao mà gặp được…

Nói chưa hết câu hắn dừng lại, đưa dao giật ngang qua cổ một đường dứt khoát làm thành động tác giả biểu thị: giết. Tay trái hắn ném mạnh bát nước chè đang cầm vào chân tường… vỡ tan. Mảnh vỡ văng ra tứ phía, một mảnh bay sượt qua mặt thím Năm - từ lúc nào đã đổ sụp xuống bên ngạch cửa. Nói xong hắn hất đầu ra hiệu cho đồng bọn, rút. Năm đứa hổ báo đi cùng thu lại bộ dạng hung hãn đang gào hét, đập phá đồ đạc, quay đầu đi thẳng ra cửa. Tiếng bô xe chát tai gai óc xa dần để lại làn khói xám còn vẩn ngoài đầu ngõ.

Sự im lặng dị thường bao trùm ngôi nhà. Căn phòng khách nát không còn một thứ gì. Lúc sau, thím Năm hoàn hồn. Không còn hơi sức quan tâm đến một đống hỗn độn nào miểng, nào ghế đẩu cái vỡ cái lành nằm lăn lốc trên sàn, thím Năm cố thu hết chút sức lực cuối cùng lết về phía chú Năm. Ôm lấy một chân của chú, thím khóc nấc:

- Bán đi ông, bán cả đi. Coi như ông trời trừng phạt vợ chồng mình sinh con mà không biết dạy. Cứ để thế này mãi cũng chẳng sống nổi đâu.

Chú Năm đã không còn cái vẻ dửng dưng như vẫn thường. Một giọt nước mắt từ khóe mắt trũng sâu của người đàn ông rơi xuống, rớt trên mu bàn tay gân guốc của vợ, nóng hổi.

Số tiền nợ của anh Đông áng chừng phải bán hết ruộng, căn nhà và ngót nghét hai sào đất vườn của chú thím. Thế là hết sạch. Hai ông bà rồi sẽ trở thành những kẻ trắng tay. Hai hôm trước ngày nào đến tìm anh Đông bọn chúng cũng nạt nộ, đe dọa đủ điều. Chú thím Năm đã từng thoáng qua ý nghĩ bán nhà để trả nợ. Nhưng nghĩ đến cái cảnh tuổi già hai vợ chồng không còn căn nhà chui ra chui vào thì lại lần lữa. Đến hôm nay đã không còn con đường nào khác. Sáng này thím nghe bảo bọn chúng đang lùng sục tìm con bà khắp nơi. Có lẽ chỉ cần tìm được nó thì mọi thứ thật sự sẽ kết thúc. Không cha mẹ nào đành lòng mặc dù căn nhà là quá khứ, cũng là tương lai của hai vợ chồng; bán đi chính là bán cả quá khứ và tương lai rồi. Tuổi già sau này hai người sẽ ra sao đây? Thím và cái chân què của chú.
***
Thím Năm đứng dưới gốc cây mít, nhìn sang nhà hàng xóm đang tất bật sửa soạn bữa cơm tất niên. Cô cháu gái nhà anh Tỵ còn ra vẻ trầm ngâm, sắp xếp mâm ngũ quả chưng Tết đến mấy lần vẫn chưa ưng ý. Lại nhìn về phía ngôi nhà sắp không phải là của mình, đôi mắt sưng híp của thím lần nữa nhập nhòa. Với thím giờ khắc này Tết đã rất xa xôi.

-----------------​
Tác giả: A Kha












 
803
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top