Mạng xã hội Văn học trẻ

Tóm tắt tác phẩm: Mở đầu tiểu thuyết là nhân vật trung tâm là Lịnh, người bạn tù mang số hiệu 2910 của nhân vật xưng tôi. Anh được miêu tả là người trí thức tài hoa vướng lụy vì hoài bão, một lòng vững vàng hướng về Cánh Mệnh tại trại an trí V.B. Lịnh chưa từng uống rượu, che giấu tâm tư trong vỏ bọc lý tưởng. Lịnh không dự bữa tiệc mà ông đội cố ý sắp đặt để anh em giải khuây, để không bị hiểu nhầm anh đưa cho nhân vật tôi cuốn vở “Tâm sự của nước độc”. Câu chuyện kể về Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo. Từ ngày vợ cậu mất vì tai nạn tàu hỏa, cậu đâm ra rượu chè, bỏ bê việc ấp, và đặc biệt căm ghét máy móc hay những món đồ công nghệ tiên tiến. Sau hôm chè chén và văn nghệ hôm giỗ Mợ Lãnh, chủ ấp không lần nào khóc và uống rượu nữa. Bá Nhỡ, người được vợ chồng cậu Lãnh Út cứu khỏi án tử hình, cũng là người vun vén công việc thay Lãnh Út, thấy thế thì lo lắng, cầu đoàn người múa hát nhà nghề vực dậy tâm hồn cậu chủ, nhưng cậu nhất quyết ra lệnh bãi. Vào một đêm mưa, Cậu muốn uống rượu, trong cơn say Cậu đánh tiếng muốn nghe tiếng hát cô Tơ. Bá Nhỡ vui lòng, chạy tìm tin tức cô Tơ khắp nơi và mời về cho bằng được. Sự tình không dừng lại ở đó, cô Tơ có lời hứa cùng người chồng đã khuất là ông Chánh Thú sẽ không hát nữa trừ khi có người đệm bằng cây đàn thờ dựng trong buồng. Cây đàn ấy làm từ gỗ quan tài người trinh nữ, chứa đựng một thứ bùa yểm nào đó. Người sử dụng cây đàn, rất nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí ông Chánh Thú dưới cung Thủy Tinh để ông đầu thai về trần gian. Một lần là ông khách vùng Bắc vì mạng còn vững nên chỉ bị liệt nửa bên người, còn lần này là chính Bá Nhỡ muốn dùng thân hiến tế, cứu Lãnh Út khỏi cơn mê. Một năm sau có chùa Đàn mọc lên ở ấp Mê Thảo. Về sau, ấp Mê Thảo sang tay người ngoại quốc. Lãnh Út cố giữ lại hai mẫu tự điền và chùa Đàn được dựng lên trong khoảng đó. Mưỡu cuối dưới dạng một bức thư bộc bạch với sư thầy Tuệ Không của nhân vật tôi mở ra một điểm nhìn mang chất “cách mạng” thường thấy ở các tác phẩm văn xuôi giai đoạn này. Lịnh 2910 là Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo ngày trước, từ o bế cái sống cá nhân chuyển sang một lý tưởng mới cao cả hơn, đó là lý tưởng của Đảng. Đồng nhất sư thầy với cô Tơ và oán trách, đi tu là một cách chối bỏ đời sống, là cách tự tử dần, không xứng đặt cạnh thay đổi nhiệt thành của Lãnh Út (hay Lịnh 2910). Lời khuyên, sự động trong hành động phát triển của con người nghệ sĩ thời kháng chiến.

Cũng như những sáng tác giai đoạn trước, tác phẩm Chùa Đàn vẫn còn đậm chất “yêu ngôn” của một Nguyễn Tuân duy mỹ. Nhưng việc thêm vào phần Dựng và Mưỡu cuối, tác phẩm làm rõ rệt sự giằng xé giữa hai tiếng nói bên trong tâm hồn nhà văn, một là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, một là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Đó là một tâm thế chung của các văn nghệ sĩ trước biến thiên của cuộc đời, đặc biệt mâu thuẫn rõ rệt với trường hợp Nguyễn Tuân - “người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật”. Chùa Đàn là móc giữa phân cách một Nguyễn Tuân say mê cái đẹp và một Nguyễn Tuân giác ngộ Cách Mạng. Chùa Đàn là tác phẩm ma mị, quái đản chốt sổ danh sách những sáng tác lấy cảm hứng “yêu ngôn” của Nguyễn Tuân, cũng là tác phẩm thuần túy nghệ thuật cuối cùng. Vì sau đó, ông theo Cộng Sản và sáng tác của ông nhằm phục vụ tuyên truyền cho chế độ. Lý do Nguyễn Tuân cho phép những yếu tố ma quỷ xuất hiện trong tác phẩm mình không phải hù dọa, hay tạo yếu tố kinh dị, kích thích sự tò mò của người đọc. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đăng có đưa ra nhận xét rằng: “Nguyễn Tuân [...] luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt… những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”. Hiện thực bóp nghẹt cái tôi sáng tạo của nghệ sĩ, buộc nó phải lựa chọn một phe để phó thác. Nhưng lựa chọn thế nào cũng có sự mất mát riêng. Những cảm xúc khác biệt đan xen này đã tạo nên một tác phẩm kiệt tác trong văn học - nghệ thuật.

Về tên nhan đề, hình dung về một ngôi chùa không có một pho tượng Phật để thờ cúng, mà ở đó người ta thờ cây đàn đáy, thờ nghệ thuật một cách nghiêm trang và thành kính. Ở đó, tín ngưỡng duy nhất là cái đẹp, cái nghệ thuật thuần túy, chứ không phải một tư tưởng, một trường phái vĩ mô về cuộc đời. Tuy tác phẩm về sau nằm trong mạch văn sám hối, lột xác theo Cách mạng nhưng chúng ta vẫn thấy sự miễn cưỡng trong quá trình phá kén ấy. Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh tỏ thái độ: “Vừa giác ngộ cách mạng được ít ngày, tác giả Yêu Ngôn, cũng như của Vang Bóng Một Thời, Thiếu Quê Hương. . . làm sao đã có thể lột xác ngay được”. Cái giữ chân phe "nghệ thuật vị nghệ thuật" ở lại với ông chính là một “thân nhộng” mềm oặt, sinh động còn sót lại ấy. Chùa Đàn vẫn là một ngôi miếu tôn thờ cái đẹp. Cây đàn trong tác phẩm không phải ai cũng có thể chạm vào và gảy ra tiếng nhạc, mà phải là người tuyệt nhiên trân trọng nghệ thuật, không màng danh lợi, vươn tới sự tuyệt hảo trong thẩm mỹ mới có thể gảy dây âm. Thêm một điểm, kết cấu Chùa Đàn như một vở ca trù. Mà đối chiếu thời gian lịch sử, ca trù là một nét văn hóa thời trung đại, phảng phất trong sinh hoạt, và là trò tiêu khiển phục vụ đời sống tinh thần của tầng lớp trí thức trung lưu. Ở Tâm sự của nước độc, tuyến nhân vật đều mê đắm với loại hình nghệ thuật ca trù, chúng ta cảm nhận được Nguyễn Tuân đã áp bộ lọc của ký ức vào trong phần này, niềm nuối tiếc về một thời đã qua. Bằng chứng là sự thay đổi và lựa chọn của ba nhân vật chính: Bá Nhỡ quyên sinh vì nghệ thuật, Lãnh Út tìm thấy lý tưởng nơi Cộng sản, cô Tơ khép lại tiếng ca, sống âm thanh nơi chùa chiền thanh tịnh. Và ở đầu phần Dựng, ông đội và các tù nhân đều mong cầu nghe lại một bài ca đúng điệu cho thỏa cuộc đời.

Đi sâu vào tác phẩm, chi tiết Lãnh Út không khóc, không nói mà chỉ ra mồ hôi tóc trong trận giỗ vợ làm mình liên tưởng đến hình ảnh cây đàn dựng bên góc bàn thờ vã mồ hôi như tắm vào những đêm áp giỗ ông Chánh Thú. Đó là một cảm giác cô đơn, lẻ loi của kẻ độc hành vì mất đi người bạn đồng hành. Hay ở cách hiểu khác, cả hai đều thèm khát được vùng dậy, được người khác khơi gợi để cống hiến. Đây là hình ảnh hình bóng “cách mạng” chính thức đầu tiên mình nhìn thấy trong tác phẩm. Vào thời điểm sau giải phóng miền Bắc, tình hình xã hội - chính trị rất nhiều biến động, đặc biệt là nạn đói năm Ất Dậu, khiến lòng người trở nên bất an, lo sợ. Đồng bào trong nước nói chung đều còn một khoảng không sâu thẳm cần được lấp đầy. Có thể Cách mạng là một cách để bình ổn tinh thần người dân lúc đó, song những người làm nghệ thuật cũng không thể “sống chết mặc bay”. Mỗi công dân đều phải khai thác triệt để giá trị từ bản thân để cống hiến hết mình cho lý tưởng, cho đời, cho đất nước. Suy nghĩ lánh nạn ở một nơi chay trường, thanh tịnh, bất động trong sự vận động của đời sống là sai, là hèn, là nên từ bỏ. Cụ thể ở phần Mưỡu cuối, nhân vật tôi chỉ thẳng những người như sư thầy Tuệ Không, cô Tơ là đánh bạc gian, là đứng bên rìa cuộc sống, dù được hưởng thụ vật chất được tạo ra bằng lao động của cuộc đời. Một lần nữa, tinh thần hưởng ứng đấu tranh, anh dũng, thâm nhập vào hiểm nguy được thể hiện làm sáng rực lý tưởng cách mạng chớm nở ở Nguyễn Tuân.

Nhiều nhà phê bình chê trách Nguyễn Tuân đưa phần cuối một cách gượng ép vào tác phẩm, làm phá vỡ tính thẩm mỹ thiêng liêng vốn có. Nhưng đối với người không chuyên nghiên cứu như mình, vẫn thấy ở phần Mưỡu cuối có cái hay riêng. Nhờ nó mà cái hiểu về sự phân thân trong tác phẩm càng rõ ràng. Lịnh chính là Lãnh Út, sư thầy Tuệ Không là cô Tơ, và phải chăng tôi chính là Bá Nhỡ? Và tất cả đều là bản thân Nguyễn Tuân. Một người vốn trải qua những mất mát vì hoàn cảnh mà đâm ra mất lý tưởng, một người vốn phải chết lại được cứu sống và hết lòng với ân nhân, một người khao khát cất tiếng hát, dâng tặng nghệ thuật cùng với tri âm. Cả ba nhân vật đều hợp nhất với tâm lý hỗn mang của các nghệ sĩ trên văn đàn lúc ấy. Cũng nhờ phần cuối mà văn chương Nguyễn Tuân dần hòa hợp hơn với phương hướng sáng tác nhằm tuyên truyền, vận động. Lời vận động ở mưỡu cuối thẳng thừng, sắc bén đã soi tỏ hành trạng người trí thức ở buổi đầu nền độc lập. “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc cách mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tợ ạ”. Tô màu cách mạng trên một tác phẩm đầy yếu tố linh dị, huyễn hoặc, đúng thật chỉ có ngòi bút tài hoa Nguyễn Tuân mới có thể nghĩ đến. Mục đích thêm vào phần Dựng và Mưỡu cuối bên cạnh Tâm sự của nước độc để ca ngợi Cách mạng. Nguyễn Tuân đã hoàn thành mục tiêu xuất sắc. Một Lãnh Út tuyệt vọng sau cái chết của Bá Nhỡ đã thề độc “không bao giờ cầm đến một chén nào của cuộc đời này” và trở nên cực kỳ tỉnh táo, hoạt động cách mạng sôi nổi, hướng niềm tin vào Đảng. Con người trong tác phẩm văn xuôi giai đoạn 1945-1975 được thể hiện trước hết ở tư cách đại diện cộng đồng, được đặt giữa dòng chảy lịch sử và những biến cố của cuộc sống xã hội. Sự thay đổi của Lãnh Út thành Lịnh 2910 vừa thích nghi được với thời cuộc đó, vừa thể hiện tinh thần mới mẻ, tích cực nhờ sự dẫn dắt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đúng là có phần cực đoan khi buộc cô Tơ lên ngọn đầu đài mà chỉ trích và cho rằng để thực hiện con đường đã chọn, theo Cộng sản, buộc diệt bỏ con người cũ. Thông qua hai đề từ, ta có thể thấy điều đó. Đâu cần phải thế, những cái đặc điểm vốn có trong con người ông cũng có cái hay để tiếp tục phát huy. Theo mình, nó chưa bao giờ là cũ để bị diệt, bị thay thế.

Tác giả khẳng định: “Còn có dục vọng nào chính đáng sâu sắc rộng đẹp bằng ý thức Cách Mệnh” là hợp lý trong hoàn cảnh tác phẩm. Bởi thời ấy, đói nghèo, chết chóc, khổ đau, chính những con người vô sản ấy kết nối với nhau trở thành một chuỗi mắt xích vững bền. Tư tưởng cách mạng khi ấy đúng là một phần đã an ủi được nhiều nhóm đang run rẩy, bất an. Phần nhắn gửi sư thầy Tuệ Không, nhân vật tôi có bộc lộ hi vọng về một ngày mới trong tương lai sáng sủa hơn, văn minh hơn. Có lẽ đó là những cốt lõi nhà văn muốn đề cao và gửi gắm niềm tin vào Nhà nước đương thời.

Ai trong chúng ta đều phải trải qua những bước ngoặt của cuộc đời, ở từng bước ngoặt sẽ là một ta khác với cách xử lý hoàn toàn khác. Có thể do còn non trẻ trong cách tiếp nhận, sự phân vân thể hiện quá mức rõ rệt, lựa chọn của Nguyễn Tuân làm ảnh hưởng uy tín của ông trên văn đàn nhưng đó không hẳn là lựa chọn sai. Bởi tài năng của ông đủ làm tốt cho dù có đứng ở phe phái nào. Sự thêm thắt này mình cho rằng không phải vì Nguyễn Tuân sợ sệt mà đâm ra đổi trắng thay đen, ông chỉ đang uốn nắn thân mình để phù hợp cho từng thời kỳ. Và giai đoạn ấy, ông có lẽ đã nghĩ lựa chọn phục vụ Cách mạng là lựa chọn đúng.
Thêm
CHÙA ĐÀN - CẢM HỨNG “YÊU NGÔN” THOÁNG MÀU CÁCH MẠNG
150
4
0
Cách mạng là cải cách toàn diện do một dân tộc, một tổ chức hay một cá nhân bằng các hoạt động đấu tranh diễn ra liên tục. Maxim Gorky, nhà văn của “tầng lớp du thủ du thực” khoái trá hưởng ứng bầu không khí sục sôi của những cuộc đấu tranh ở từng ngóc ngách ở nước Nga, từ nhà máy, làng quê, trường học,... qua tác phẩm chào đón thế kỷ XX - "Bài ca chim báo bão". "Bài ca chim báo bão" ra đời dấy lên một làn sóng mạnh mẽ, nối kết thành một tinh thần hào hùng của Cách mạng trong lòng đông đảo quần chúng nhân dân.

Bối cảnh lịch sử cuối XIX - đầu XX ở nước Nga hết sức phức tạp. Giai đoạn này, nước Nga trở thành nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc. Trong tình hình đó, những tư tưởng Bolshevik của Lênin vĩ đại, hừng hực tính chiến đấu đã khích lệ niềm tin tưởng mạnh mẽ trong lòng đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó có Gorky. Vào năm 1901, Maxim Gorky đã là thành viên tiêu biểu và hoạt động sôi nổi trong nhóm “Tia lửa” thuộc Đảng Công nhân dân chủ. Do đó, chúng ta luôn cảm nhận được sức sống của tinh thần Cách mạng vận động rất rõ ràng trong những sáng tác của ông. Mùa xuân năm 1901, thời điểm khởi động kỷ nguyên mới, Maxim Gorky thổ lộ với vợ rằng: “...trong tim anh chói sáng ánh bình minh của mùa xuân và lòng ngực căng tràn nhịp thở..”. Niềm hăng say này cũng dễ dàng bắt gặp trong từng nét bút của nhà văn Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Ví dụ, trong thơ ca có Tố Hữu với “mặt trời chân lý chói qua tim”, còn trong mảng văn xuôi có vô số các nhân vật đại diện, từ cô nữ sinh, cô y tá, vợ người chiến sĩ, đến bà lão hàng nước, ông lão chèo đò... đều hừng hực nhiệt huyết chiến đấu chống xâm lăng. Có thể thấy, văn học Việt Nam thời kỳ đó cực kỳ đậm nét tinh thần cách mạng, giống những gì Gorky hướng đến trong các sáng tác của mình. Đó là một khát vọng mạnh mẽ hướng về sự tự do. Những phong trào cách mạng do đó mà tất yếu phải diễn ra, mở ra con đường giải thoát nhân dân cùng khổ bằng cách đi theo dẫn dắt của Đảng.

Phong trào cách mạng chí ít phải mang theo tinh thần vô vụ lợi, anh dũng, hưởng ứng đấu tranh, xem nhẹ những hiểm nguy chắc chắn sẽ xảy ra để hướng tới cái chung là giải thoát đồng bào và giật lấy tự do. Cũng giống như loài chim báo bão, nó sẵn sàng dùng cánh xé gió bay giữa khoảng trời hung hăng mây bão. Những bất công của xã hội, những mâu thuẫn giữa hai phe phái cầm quyền, sự nghèo khổ làm con người mất lương tri, tất cả đều là những đám mây xám xịt bị dồn nén, gió kết chúng dính vào nhau, đợi một đợt bùng nổ ầm vang. Sau cơn bão, một xã hội tân tiến, tự do và tốt đẹp sẽ xuất hiện, cũng giống như một bầu trời trong xanh, hùng vĩ bao trùm thiên nhiên. Nếu như Dostoyevsky không thường miêu tả cảnh đẹp xung quanh, yêu chuộng việc nhìn thấu vào bên trong con người thì Maxim Gorky hoàn toàn ngược lại. Thiên nhiên trong tác phẩm Maxim Gorky lúc nào cũng đẹp đẽ, vĩ đại qua ánh nhìn tinh tường của một nhà cải cách. Điển hình trong truyện ngắn "Bài ca chim báo bão", từng câu chữ viết ra đưa chúng ta đến một “bình nguyên bạc” rộng lớn, một chiến trường oai hùng của loài chim báo bão. Cụ thể hơn ở chiến trường đó, “mây là là buông thấp dần xuống mặt biển, mỗi lúc một u ám, và sóng biển réo lên, vươn cao lên đón sấm. Sấm vang dậy. Sủi bọt căm hờn, sóng cất tiếng than đáp lời gió. Gió ôm đoàn sóng biển trong đôi tay hùng vĩ và tung sóng lao vào vách đá trong cơn hung hãn man dại, và những khối nước khổng lồ màu ngọc bích vỡ tung tóe thành muôn hạt bụi trong”. Vì đang ở “địa bàn” của chính mình, khác với loài chim hải âu rên rỉ thoái chí, loài chim lặng sợ hãi đấu tranh, con vịt run rẩy ẩn nấp trốn tránh một cách khờ khạo mang theo bản năng kẻ hèn nhát, chim báo bão như một hung thần với “tiếng kêu khao khát bão táp”, “bay lượn ngang tàng và tự do”. Tinh thần cao cả này làm chúng ta liên tưởng đến một tác phẩm của ông vào cuối thế kỷ XIX - “Bà lão Izergil”, đoạn về huyền thoại anh hùng Danko. Danko trong truyện một mình động viên quần chúng vượt lên, băng qua khu rừng sâu hun hút chẳng biết đường lần để tìm đến một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Dẫu con đường khó khăn, rút cạn sức lực, trỗi dậy con người cộc cằn, thô lỗ trong tầng lớp công dân bần hèn, cơ cực nhưng nó vẫn có một tia hi vọng. Nếu quay về, chịu trói buộc và chịu đựng ở mảnh đất cũ, họ đánh mất tương lai. Cũng giống như Danko, chim báo bão không chùn bước trước hiểm nguy, đương đầu xé sóng cản gió với một nỗi hăng say trong trái tim nhỏ bé. Có thể trong “Bài ca chim báo bão” không rõ ràng về sự động viên giúp con người tìm thấy con đường tươi sáng bằng Danko - người đổi lấy sự sống của bản thân để cứu vớt một tập thể to lớn. Tuy nhiên, hình ảnh chim báo bão sảng khoái tung cánh giữa biển khơi đang gọi dậy cơn bão táp lại mang một ánh sáng đẹp đẽ, thức tỉnh những sinh vật bên dưới còn đang lo lắng, sợ sệt. Có lẽ vì thế cho nên văn chương Maxim Gorky luôn được đánh giá cao về khả năng khơi gợi, đánh thức lương tri, khả năng biết xấu hổ sâu thăm thẳm trong tâm hồn con người.

“Bài ca chim báo bão” kết thúc với lời kêu gọi hào hùng: “Dữ dội hơn nữa, bão táp hãy nổi lên!”. Các lực lượng cách mạng vui sướng reo hò về “Bài ca chim báo bão” như một tuyên ngôn cho những cuộc chiến đấu rực lửa. Bài ca sau đó cũng được chép tay, đánh máy, in truyền thành đơn rải khắp các nhà máy, xóm thợ, làng thôn. Câu kết thúc của Bài ca chim báo bão lần nữa được nhắc lại trong tác phẩm “Trước cơn bão táp” (1906) của nhà hoạt động cách mạng đại tài Lênin.

Maxim Gorky cũng được lấy làm ví dụ cho một nhà tiên tri trong sáng tác, đặc biệt với tầm ảnh hưởng của “Bài ca chim báo bão”. Bằng khả năng ngôn ngữ tài ba cùng với vốn am hiểu sâu rộng về đời sống tinh thần, nhà văn đã khai phá khả năng kết nối với trạng thái “mặc khải”. Bài ca được ví như tín hiệu Maxim Gorky gửi đến cho dân tộc về Cách mạng tháng Mười năm 1917. Những con người là dân lao động khổ sai, người đầy tớ, người sống không mục đích, không lý tưởng, không tương lai từ giờ phút ấy đã là những “đồng chí” hướng đến một kết quả chung, san sẻ và yêu thương. Đó là lý tưởng vô cùng đẹp đẽ và mang tính cứu rỗi nhân loại, một lý tưởng “vô sản và thế giới đoàn kết lại”.​
Thêm
“BÀI CA CHIM BÁO BÃO” - MỘT SỨC SỐNG TRÀO DÂNG CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG
243
3
2
Top