Đề bài: Phân tích vẻ đẹp và số phận của nhân vật Vũ Nương.

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp và số phận của nhân vật Vũ Nương.

hưnga
hưnga
a. MB:

Hình ảnh người phụ nữ là đề tài quen thuộc, gợi cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ, nhà văn. Có rất nhiều tác phẩm thành công khi viết về mảng đề tài này, trong đó có “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Truyện giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp và số phận bất hạnh của nhân vật Vũ Thị Thiết hay còn gọi là Vũ Nương.

b. TB:

* Khái quát chung về tác phẩm:

- Giới thiệu xuất xứ (hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn trích)

- Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện.

- Giới thiệu chi tiết các luận điểm cần phân tích

+ “Chuyện người con gái Nam Xương” được trích trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục”, có nguồn gốc từ truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”.

+ Truyện kể về nhân vật Vũ Thị Thiết xinh đẹp nết na lấy chồng là Trương Sinh nhà giàu nhưng có tính đa nghi. Trương Sinh đi lính, nàng ở nhà sinh con, chăm sóc và lo tang cho mẹ chồng chu đáo.

+ Trương Sinh trở về nghe lời con trẻ đã nghi oan cho vợ thất tiết, mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi. Nàng thanh minh không được, hàng xóm bênh vực, Trương Sinh cũng không nghe. Uất nhục, nàng đã trẫm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn.

+ Dưới ngòi bút giàu lòng nhân ái của Nguyễn Dữ, Vũ Nương được khắc họa với những nét đẹp đáng tự hào: yêu chồng, thương con, hiếu thảo…Nhưng cuộc đời của nàng lại là những trang đầy nước mắt.

* Luận điểm 1: Vũ Nương là một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết.

- Ngay từ đầu truyện Vũ Nương được giới thiệu “tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”.

- Trong xã hội phong kiến, một người phụ nữ đẹp phải hội tụ đủ các yếu tố: “tam tòng, tứ đức”, “công, dung, ngôn, hạnh”. Vì cảm mến dung hạnh ấy mà Trương Sinh đã xin mẹ “đem 100 lạng vàng cưới về”. Chi tiết này đã tô đậm vẻ đẹp nhan sắc và phẩm chất của nàng.

* Luận cứ 1: Với tư cách là người vợ, nàng luôn yêu chồng, thủy chung, khao khát có một gia đình hạnh phúc.

* Trong cuộc sống vợ chồng bình thường: nàng hiểu chồng có tính “đa nghi”, “phòng ngừa quá mức” nên Vũ Nương đã khéo léo cư xử đúng mực, nhường nhịn, giữ gìn khuôn phép nên không lúc nào vợ chồng thất hòa.

=> Nàng là người phụ nữ hiến thục, khôn khéo để vun vén cho gia đình hạnh phúc.

* Khi Trương Sinh đi lính Vũ Nương tiễn biệt chồng bằng những lời lẽ nặng nghĩa ân tình “Chàng đi chuyến này thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Câu nói ấy ta thấy ước mong của nàng thật bình dị, chẳng mong gì vinh hoa phú quý, nàng chỉ cần chồng bình yên trở về đoàn tụ gia đình.

- Nàng cảm thông, lo lắng cho những vất vả, hiểm nguy mà chồng phải đối mặt nơi chiến trường “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng.”

- Qua lời nói dịu dàng, nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ nhung da diết “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng,cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”.

=> Đúng là lời nói, cách nói của một người vợ hết mực thùy mị, dịu dàng. Trái tim ấy giàu lòng yêu thương, biết chịu đựng những thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa, thật đáng trân trọng biết bao!

* Khi xa chồng:

- Nỗi nhớ chồng cứ đi cùng năm tháng: “mỗi khi bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”

- Nàng mơ về một tương lai gần sẽ lại bên chồng như hình với bóng. Nàng dỗ con chỉ cái bóng của mình trên vách mà bảo đó là cha Đản.

- Trương Sinh đi lính nàng ở nhà một lòng chờ trông ngóng đợi:“Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”.

* Ngay cả khi bị nghi oan thất tiết: nàng đã hết lời thanh minh, giãi bày “Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Những lời thanh minh nàng hi vọng cứu vãn hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ.

=> Qua tâm trạng bâng khuâng, nhớ thương, đau buồn của Vũ Nương, Nguyễn Dữ vừa cảm thông vừa ca ngợi tấm lòng son sắc, thủy chung của nàng. Và nỗi nhớ ấy, tâm trạng ấy cũng chính là tâm trạng chung của những người phụ nữ trong thời loạn lạc, chiến tranh.

* Khi ở dưới thủy cung: Vũ Nương vẫn ngày đêm nghĩ đến chồng, gia đình.

* Luận cứ 2: Vũ Nương là người con dâu hiếu thảo với mẹ chồng.

- Thương nhớ chồng bao nhiêu nàng dồn hết tâm sức chăm sóc mẹ chàng.

- Mẹ Trương Sinh vì nhớ con mà sinh đau ốm. Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật, lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”

- Rồi khi mẹ nằm xuống nàng lo liệu chu toàn giống như cha mẹ đẻ của mình.

- Lời trăng trối của mẹ Trương Sinh trước lúc lầm chung “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con chẳng phụ mẹ” đã ghi nhận công đức của nàng. Cách đối xử của Vũ Nương với mẹ chồng không đơn thuần là trách nhiệm mà còn là tình cảm của một người con hiếu thảo, giàu tình yêu thương.

* Luận cứ 3: Là người mẹ, nàng hết lòng yêu thương con.

- Trương Sinh đi lính vừa đầy tuần nàng sinh một bé trai đặt tên là Đản. Nàng vừa là cha, vừa là mẹ chăm sóc, dạy dỗ con thơ.

- Thương con không có cha bên cạnh, mỗi tối nàng trỏ cái bóng của mình trên tường mà bảo đó là cha Đản. Chi tiết đó thật cảm động biết bao! Cái bóng ấy để khỏa lấp nỗi vợ nhớ chồng, con nhớ cha, để bé Đản luôn có cảm giác cha luôn bên cạnh. Và ngờ đâu chính cái bóng ấy đã đẩy nàng đến nỗi oan khuất sau này.

* Luận cứ 4: Vũ Nương là người phụ nữ đảm đang, trọng danh dự.

- Những ngày Trương Sinh đi lính, một tay nàng lo liệu mọi công việc trong gia đình: Đối nội, đối ngoại, sinh con, nuôi con, chăm sóc phụng dưỡng mẹ chồng…Lĩnh vực nào nàng cũng chu toàn.

- Khi bị Trương Sinh nghi oan là thất tiết, nàng đã hết lời thanh minh để giữ gìn danh dự. Khi bị chống mắng nhiếc, đánh đuổi đi nàng vô cùng đau khổ. Nàng tắm gội chay sạch ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời thề với thần sông “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin là cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho tôm cá, trên xin làm cơm cho diều quạ và chịu khắp mọi người phỉ nhổ”

- Thế rồi nàng trẫm mình tự vẫn. Nàng thà chết chứ không chịu sống ô nhục, sống trong sự cười chê, khinh bỉ của người đời. Hành động trẫm mình tự vẫn của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo vệ phẩm giá. Đối với người con gái đức hạnh và giàu đức hi sinh, phẩm giá còn cao hơn sự sống.

- Sau này khi gặp Phan Lang có cơ hội nàng liền gửi chiếc hoa vàng nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan với mong muốn phục hồi danh dự, trả lại tiếng thơm nơi trần thế.

* Luận cứ 5: Không những thế Vũ Nương còn là người phụ nữ trọng tình, trọng nghĩa, sống vị tha, nhân hậu.

- Ở chốn làn mây, cung nước nhưng nàng vẫn một lòng hướng về chồng con, quê hương và khao khát được đoàn tụ.

- Trương Sinh là người đẩy nàng đến cái chết nhưng nàng không một lời oán giận. Khi nghe Phan Lang kể về tình cảnh sầu thảm của Trương Sinh nàng đã ứa hai hàng nước mắt.

- Cuối tác phẩm khi đàn giải oan được lập, nàng đã trở về nói vọng vào lời từ biệt. Điều đó khiến Trương Sinh nguôi ngoai nỗi ân hận và nuối tiếc.

- Dù thương nhớ chồng con, khao khát được đoàn tụ nhưng vẫn quyết giữ lời hứa sống chết bên Linh Phi. Chi tiết ấy làm nổi bật nàng là người trọng tình, trọng nghĩa.

=> Nguyễn Dữ đã đặt Vũ Nương vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để khắc họa tính cách. Ở nàng hội tụ đủ các yếu tố công, dung, ngôn, hạnh, là tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.



* Luận điểm 2: Xinh đẹp, giỏi giang là thế lẽ ra Vũ Nương phải được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng sống trong xã hội phong kiến, cuộc đời nàng lại là những bi kịch đắng cay.

- Bi kịch của nàng bắt nguồn từ cuộc hôn nhân mang màu sắc mua bán. Vũ Nương vốn “con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”, còn Trương Sinh muốn lấy được Vũ Nương chỉ cần “nói với mẹ đem trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ”. Trương Sinh là sản phẩm của chế độ trọng nam khinh nữ. Vì tính đa nghi, hay ghen của mà Vũ Nương phải luôn chịu đựng sự xét nét “phòng ngừa quá sức”.

- Khi TS đi lính nàng phải sống trong cảnh cô đơn phòng không gối chiếc. Những ngày nàng sống hạnh phúc thật ngắn ngủi “Sum họp chưa thỏa tình chăn gối đã chia phôi vì động việc lửa binh”.

- Đau khổ hơn nàng phải chịu nỗi oan thất tiết. Trương Sinh trở về nghe lời nói ngây thơ của con trẻ “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư?... Trước đây có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” đã nghi oan cho vợ thất tiết. Trương Sinh về nhà la um lên cho hả giận, mẵng nhiếc, đánh đuổi nàng đi. Nàng bị chà đạp về thể xác, bôi nhọ về danh dự, đày đọa về tinh thần. Bị dồn vào bước đường cùng nàng phải tìm đến cái chết trong đau đớn, tủi nhục.

+ Suy cho cùng cái chết của nàng là do chế độ phong kiến thối nát với chiến tranh phi nghĩa xảy ra liên miên, với chế độ nam quyền độc đoán mà hiện thân là Trương Sinh.

- Bi kịch của Vũ Nương còn thể hiện ở cuối tác phẩm. Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa theo sau là 50 chiếc xe cờ tán võng lọng…nói lời từ biệt rồi biến mất đi. Nàng muốn trở về mà không thể trở về, khát khao hạnh phúc mà chẳng có được hạnh phúc. Đó chính là bi kịch đau đớn nhất của Vũ Nương và cũng là bi kịch đau đớn nhất của một kiếp người.

* Luận điểm chốt:

- “Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ hay về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật.

- Thành công của Nguyễn Dữ là xây dựng tình huống truyện độc đáo đặc biệt là chi tiết cái bóng; nghệ thuật thắt nút, mở nút đầy bất ngờ với người đọc, sử dụng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại để khắc họa tính cách nhân vật.

- Cách kể chuyện hấp dẫn đan xen kể, tả thực với các chi tiết kì ảo hoang đường.

- Kể chuyện theo ngôi thứ 3 là câu chuyện khách quan, tăng độ tin cậy, kết hợp tự sự với miêu tả và biểu cảm.

- Qua những nghệ thuật ấy, Nguyễn Dữ đã làm nổi bật vẻ đẹp và số phận của nhân vật Vũ Nương. Hình ảnh nàng Vũ Thị Thiết khiến ta liên tưởng đến nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du hồng nhan nhưng bạc phận. Vẻ đẹp, số phận của nàng chính là vẻ đẹp và số phận chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

C. KB:

- Khép lại trang sách mà dư âm của nó còn vang mãi trong lòng người đọc.

- Ta còn nhớ đến Vũ Nương – người phụ nữ thùy mị, nết na, yêu chồng, thương con, đảm đang, tháo vát…

- Ta còn xót xa trước những đau khổ mà nàng phải gánh chịu.

- Nguyễn Dữ hết lời ca ngợi vẻ đẹp của nàng đồng thời lớn tiếng tố cáo xã hội phong kiến thối nát đã cướp đi cuộc sống tốt đẹp của con người. Phăng chăng đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm
 
98
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top