Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Bài viết mới

Đang có mặt

Nguyên Hương với những trang văn viết cho tuổi học trò chân thành, giàu cảm xúc luôn để lại ấn tượng sắc nét trong lòng độc giả trong suốt hai thập kỉ qua với những tác phẩm quen thuộc như: Lời hứa của mùa hè, Gia sư, Sếp phó, Học trò phố huyện, Ngày có bốn mùa,…Với truyện dài Học trò phố huyện, một lần nữa người đọc được hoà mình vào thế giới tuổi mộng mơ của năm cô học trò với những ấp ủ đầy khát khao và hoài bão cho tương lai tươi sáng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió giữa những rừng cà phê ngút ngàn.

Ngũ Long Công Chúa

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là năm cô gái tuổi teen với năm tính cách khác nhau, mỗi người một vẻ, một thế mạnh riêng. Hoài: cô nàng mọt sách giỏi toán, ít nói, sống hướng nội, nấu nướng giỏi. Tâm An: giỏi tiếng Anh, giàu nghị lực, mạnh mẽ. Tú Quyên: bơi lội giỏi, nhiều ước mơ, tính cương trực, thẳng thắn. Minh Thi: diễn kịch giỏi, cá tính. Hạnh Chi: xinh xắn, đáng yêu, yếu đuối, dễ bị lôi kéo.

Không hẹn mà gặp, năm cô gái tụ họp tại phòng trọ nhà Hoài và trở thành bạn thân thiết của nhau. Họ không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn cùng nhau thêu dệt những ước mơ màu hồng tạo nên một tình bạn đẹp đẽ hiếm có, trải qua nhiều thử thách. Nhưng giông tố bất ngờ ập đến khiến cuộc sống của các cô gái trẻ bị đảo lộn. Mỗi người có một cách ứng xử khác nhau trước biến cố. Người có ý chí nghị lực tự vươn lên, tự bơi chải còn kẻ bị hoàn cảnh đưa đẩy chết chìm trong sóng gió cuộc đời.

Sự ra đời của quán cà phê mang tên Quán Nhớ là kết quả của những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của các cô gái. Ở đó, họ được thể hiện những thế mạnh của mình, được cùng nhau trải nghiệm những kỉ niệm đáng nhớ. Đó cũng là thời điểm tình yêu đầu chớm nở, tình bạn thêm sâu sắc, tình cảm gia đình nồng ấm,… được dịp hé mở, bộc lộ vô cùng tự nhiên và thuần khiết. Sự xuất hiện của năm chàng trai Huỳnh, Tiến, Dũng, Thành, Mẫn luôn bên cạnh giúp đỡ năm cô gái khiến cho truyện dài thêm phần hấp dẫn, có chiều sâu và lung linh màu sắc.

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc

Nguyên Hương vô cùng thành công khi khắc khoạ tính cách đặc trưng của năm cô gái. Xung quanh mỗi nhân vật đều có đất diễn không lấn sân nhau. Do vậy, tâm lí nhân vật được tác giả miêu tả khá kĩ. Trong suốt chiều dài của cuốn sách, điển hình là nhân vật xưng “tôi” - cô bé Hoài - được tác giả chăm chút, đầu tư miêu tả diễn biến tâm kì công nhất.

Điều gây ấn tượng của độc giả về cô bé Hoài là một cô bé chăm chỉ, thông minh, sống tình cảm và nội tâm. Tuy sinh ra ở phố nhưng cô bé không ít lần tự ti về hoàn cảnh không mấy khá giả của gia đình mình. Dù vậy, Hoài vẫn được cha mẹ đặc biệt yêu thương, quan tâm hơn hẳn hai em của mình. Còn trên lớp cô được thầy yêu, bạn mến.

Cô bé vẫn vô tư vui chơi, học tập và làm việc cùng với nhóm Ngũ Long Công Chúa. Đặc biệt, cô bé được hai chàng trai cùng thầm thương trộm nhớ được tác giả miêu tả đã băn khoăn, lo lắng ra sao trước ranh giới tình bạn – tình yêu, giữa hai thế giới con nít – người lớn, những e ngại khi chạm vào ngưỡng cửa cuộc đời.

Hơn thế, là những diễn biến tâm lí của Hoài trước vấp ngã của Hạnh Chi được tác giả dụng công miêu tả, bộc lộ những góc khuất của tâm hồn con người: có chút ân hận, đau xót, tự trách mình vô tâm sao không thấu hiểu và giúp đỡ bạn nhiều hơn trong khả năng mình có thể. Ngoài ra, tâm lí Hoài còn được bộc lộ sâu sắc khi cô bé nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô, bạn bè, anh chị em,…

Xây dựng tình huống truyện bất ngờ

Có lẽ, điều khiến độc giả bị cuốn hút vào câu chuyện của năm cô bé học trò là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đầy bất ngờ của Nguyên Hương. Đầu tiên cần đề cập đến là tình huống: cà phê rớt giá khiến bao gia đình trồng cây này phải lao đao vì kinh tế đi xuống. Chính điều đó làm thay đổi cuộc sống êm đềm của các cô gái. Người mạnh mẽ, cứng cỏi như Tâm An, Minh Thi, Tú Quyên thì dễ dàng vượt qua còn Hạnh Chi yếu đuối đã tự đánh mất mình. Theo đó, câu chuyện buồn của Hạnh Chi đã lấy đi không ít nước mắt của các nhân vật, trong đó có cả nỗi ân hận muộn màng của họ vì đã không quan tâm đến bạn nhiều hơn.

Hay tình huống Hoài không hiểu sao người mình thầm thương lại không hề quan tâm cô như trước. Câu trả lời được hé lộ ở đoạn cuối truyện. Đặc biệt là nhân vật ẩn danh giúp đỡ kinh tế cho năm cô gái mở Quán Nhớ vẫn là một bí ẩn mà tác giả giấu kín. Tất cả khiến cho câu chuyện về năm cô bạn trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Chưa bao giờ người đọc được thoả mãn trí tò mò như sau khi mở cuốn sách ra và khi gấp cuốn sách lại ấn tượng đó vẫn còn nguyên vẹn.

Học trò phố huyện là một cuốn sách giàu nữ tính với những yêu thương, giận hờn vu vơ của tuổi học trò. Điều đó khiến cho cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất viết về lứa tuổi mới lớn. Năm cô gái nhỏ như năm cô công chúa với thiên đường là phòng trọ đã cùng nhau vượt qua những âu lo, bài vở và mơ ước tương lai, đã từng cãi cọ giận hờn trêu chọc, đã trải qua bao buồn, vui, nước mắt, nụ cười,… Vì tuổi của họ đã mở ra cả một bầu trời hoa mộng. Một câu chuyện lấp lánh màu thiện lương, đẹp đẽ và trong ngần tựa giọt sương buổi sớm.

Nguyễn Minh

học trò phố huyện 03.JPG
Thêm
Học trò phố huyện - Nguyên Hương
  • Like
Reactions: Vanhoctre
591
1
0
Nếu ai từng ôm ấp “Giấc mơ Mĩ”, coi đó là thiên đường của những người giàu có thì khi đọc truyện “Chuyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)” mang màu sắc tự truyện sẽ trải qua một cú sốc nặng về văn hoá. Vì đời đâu có đẹp như mơ! Tác giả người Iran sống tại Mĩ Daniel Nayeri sẽ đưa người đọc cùng trải nghiệm cuộc sống của những người nghèo nói chung và người nhập cư nói riêng trong một cuốn tiểu thuyết dày dặn trên 400 trang hoà nhập cùng lối sống “Lang bạt kì hồ” của gia đình anh.

Hành trình đến nước Mĩ

Đó là câu chuyện rất dài kể về cuộc hành trình của cậu bé 12 tuổi, Khosrou, tên một vị hoàng đế Ba Tư, từ thành phố quê hương xinh đẹp Isfaran (Iran) đến Dubai, Ý làm dân tị nạn rồi đặt chân đến thành phố Edmond, bang Oklahoma (Mĩ) với cái tên Mĩ: Daniel. Trên lớp, cậu được giáo viên chủ nhiệm khuyến khích kể về câu chuyện cuộc đời mình.

Không li kì, rùng rợn như truyện trinh thám, kinh dị, câu chuyện của Daniel chân thật, đến bất ngờ! Đó là câu chuyện đẹp như mơ về gia đình Hồi giáo sống hạnh phúc trong ngôi nhà rộn rã tiếng chim kêu và hương hoa nhài thơm ngào ngạt và ngược lại là những tháng ngày khốn khổ như dưới địa ngục của những kẻ hành khất khi họ rời Iran, làm dân tị nạn rồi sang Mĩ.

Daniel là đứa trẻ cô độc, luôn xa lánh và bị bạn bè kì thị về nguồn gốc dân Iran của mình. Cậu sống với mẹ, chị gái và cha dượng sau khi đến Mĩ. Cha cậu ở Iran thường xuyên gọi điện cho con trai và kể những câu chuyện thú vị để cậu không quên nguồn gốc của mình.

Trong những câu chuyện mình kể Daniel vô cùng tự hào về nguồn gốc gia đình dòng dõi vương tôn quý tộc sống sung túc, đủ đầy của mình. Anh lí giải chúng bằng cổ tích, truyền thuyết và thần thoại xứ Ba Tư với niềm tự hào, hãnh diện vô bờ. Tuy thế, khi là kẻ nhập sư với cuộc sống nghèo đói, cơ cực cậu không giấu nổi nỗi hổ thẹn trước mọi người.

Nghệ thuật kể chuyện bậc thầy

Nếu nàng Scheherazade hàng đêm nghĩ ra một câu chuyện để thuyết phục tên vua tàn bạo thì Daniel theo cách đó thuyết phục cả lớp và độc giả bằng những câu chuyện có thật không theo trình tự thời gian hấp dẫn và thú vị liên quan đến văn hoá, lịch sử Ba Tư đầy lạ lẫm, cuốn hút, gây tò mò mang giá trị giáo dục rất cao bởi những bài học triết lí nhân sinh sâu sắc mà cậu bé tự rút ra cho mình. Cùng với đó là cá tính của người kể chuyện: đối đãi với độc giả như cách người Iran dành cho khách những điều tốt đẹp nhất.

Cách kể chuyện lạ lẫm, khác thường của cuốn tự truyện vừa hài hước vừa bi thương đó đã gây mê hoặc, buộc người đọc không rời mắt khỏi trang sách và tự hỏi phần diễn biến tiếp theo sẽ là gì. Cuốn tiểu thuyết như một bức tranh ghép hình với những miếng ghép hỗn loạn. Chúng yêu cầu người đọc tự xếp từng mảnh ghép phù hợp để hoàn thiện bức vẽ hoàn mĩ tuyệt đẹp tựa tấm thảm Ba Tư trứ danh.

Những biến cố trong cuộc đời Daniel như những nốt trầm trong một bản tình ca cơ bản là buồn. Tuy vậy, đâu đó trong cuốn sách vẫn le lói những tia hi vọng dành cho cậu bé học lớp 7: quyền hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ suy nghĩ và hành động đúng đắn. Cuộc đời anh tuy là bản nhạc xô bồ nhiều nốt thăng, nốt giáng nhưng nếu tìm được sự đồng cảm và tin yêu của những người xung quanh thì nỗi bất hạnh sẽ vơi bớt và hạnh phúc nhân lên nhiều hơn.

Ngôn ngữ đậm đà bản sắc văn hoá Ba Tư

Chuyện đời tác giả cùng gia phả tổ tiên, ông bà được kể bằng chất Ba Tư thấm nhuần trong từng con chữ. Văn hoá Ba Tư là một trong những nền văn hoá lâu đời nhất trên thế giới, nổi tiếng bởi những tấm thảm được làm nên bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, những món ăn nức danh liên quan đến nghệ tây, và đặc biệt là văn học với những áng thơ cổ cùng những câu chuyện đầy ắp những chi tiết hoang đường nhưng vô cùng mĩ lệ. Tất cả được chuyền tải trong tác phẩm với những trăn trở về những đối cực trong cuộc đời: hạnh phúc – bất hạnh, sự sống – cái chết, giàu sang – nghèo khổ, tình yêu – lòng thù hận,…Chúng vô cùng phong phú mang đậm văn hoá vùng Trung Đông đầy bí ẩn và khác thường.

Câu chuyện được soi rọi qua lăng kính bé nhỏ, thấu suốt và vượt qua suy nghĩ hạn hẹp về người nhập cư với tinh thần vô cùng tiến bộ như lời Daniel khi mở đầu cuốn sách: “Nếu bạn lắng nghe, tôi sẽ kể lại cho bạn một câu chuyện. Chúng ta sẽ biết nhau, hiểu nhau, và rồi không còn là kẻ thù nữa”. Chúng được truyền tải qua thứ ngôn từ tự tâm của một đứa trẻ tội nghiệp nhưng không hề yếu đuối đã học được sự đối mặt với thực tế hơn là chạy trốn chúng. Và vì thế chuyện buồn này đã lùi vào quá khứ, một vết thương đã liền da nhắc người trong cuộc nhớ những đau đớn tột độ đã xảy ra với một đứa trẻ non nớt.

“Chuyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)” sẽ hấp dẫn người đọc cả nội dung lẫn nghệ thuật. Người đọc được tắm mình trong vẻ đẹp giao thoa, hội tụ và kết tinh của nhiều nền nền văn hoá khác nhau. Một cuốn tiểu thuyết đáng đọc không chỉ làm say mê độc giả nhí mà còn khiến cho độc giả trưởng thành bị thuyết phục và buộc phải suy ngẫm. Rằng con người luôn cần nhau, cần được yêu thương, quan tâm và thấu hiểu vì xét về bản chất chúng ta cũng giống nhau cả thôi!

Nguyễn Minh

chuyện buồn chẳng có thật đâu.JPG
Thêm
Truyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy) - Daniel Nayeri
  • Like
Reactions: Vanhoctre
491
1
2
Là một trong những tác giả viết về lứa tuổi thiếu nhi hay nhất Việt Nam, Nguyên Hương đã dành một vị trí trang trọng trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Với Những chuyến tàu đi, một tập truyện ngắn dành cho lứa tuổi 10+, một lần nữa càng khẳng định tài năng và tâm huyết của nữ văn sĩ khi đi sâu vào khai thác những câu chuyện vô cùng gần gũi nhưng ý nghĩa về đời sống thường nhật cùng những tâm tư sâu kín của những người trẻ.

Ý nghĩa tên truyện

Những chuyến tàu đi thông thường miêu tả một hoạt động của một sự việc cụ thể: tàu rời bến. Ngoài nghĩa đen, trong cuốn sách này, Những chuyến tàu đi là tên của một trong 20 truyện ngắn của Nguyên Hương, là so sánh ngầm chỉ thời gian đang trôi và mỗi ga xép của chuyến tàu đó là nơi lưu giữ những gì dung dị nhất nhưng cũng đẹp đẽ nhất của mỗi người về cuộc đời và con người. Ngoài ý nghĩa thể hiện về thời gian, Những chuyến tàu đi cũng là sự thể hiện của sự dịch chuyển về không gian trong từng truyện ngắn, đó là: Không gian trường học, không gian gia đình và không gian khác.

Những câu chuyện đời

Tập sách hơn 200 trang là tặng vật vô giá mà Nguyên Hương đã chắt chiu từ những rung động tinh tế nhất của lứa tuổi mộng mơ mà ai trong chúng ta cũng từng một lần trải qua trong đời. Đó là những câu chuyện rất đời, rất thực, hết sức giản dị như vẫn thường xảy ra ở xung quanh tác giả. Chúng chứa đựng nhiều bài học nhân sinh sâu sắc, thấm thía cùng thứ gia vị ý nghĩa: tình yêu thương con người.

Người đọc chắc hẳn vô cùng ấn tượng bởi những câu chuyện về tình nghĩa thầy trò (To live to fight, Lời hứa của mùa hè,…), tình bạn (Tinh thần thượng võ, Sao bỗng dưng muốn khóc, Cậu và tớ, Không chịu tầm thường,…), tình cảm gia đình ( Chị Hai, Ngày hôm qua, Đón hoa, Những chuyến tàu đi…), tình yêu (Mối tình đầu, Hoa rù rì,…) cứ bừng nở như những đoá hoa rực rỡ muôn màu, phảng phất hương thơm trong từng truyện ngắn tuy giản dị đấy mà ấm áp nghĩa tình, gây ấn tượng mạnh và chất chứa những nỗi niềm suy tư dành cho mỗi chúng ta.

Phong cách viết văn nhẹ nhàng, thanh thoát

Mỗi khi đọc xong một truyện ngắn của Nguyên Hương người đọc có cảm giác tựa như cảm nhận thấy chiếc lá nhẹ rớt xuống mặt hồ mùa thu tạo thành những đợt sóng lan toả ra xung quanh khẽ khàng và êm dịu. Với văn phong nhẹ nhàng, bình dị và đong đầy cảm xúc, nhà văn luôn khiến độc giả dừng lại trong từng câu chữ để chiêm nghiệm số phận từng nhân vật được ràng buộc trong mối quan hệ tưởng như vô cùng đơn giản trong trang sách của chị.

Nguyên Hương là nhà văn viết cho tuổi trẻ và vì tuổi trẻ. Cái cảm thức về thanh xuân như bừng bừng sống dậy trong mỗi chúng ta cùng với sự đồng cảm với hoàn cảnh, suy nghĩ, hành động đến tính cách, số phận của từng nhân vật. Người đọc cảm giác như mình trẻ lại để sống có ý nghĩa và biết yêu thương nhiều hơn. Mỗi màu sắc trong từng truyện ngắn của Nguyên Hương góp phần làm lung linh và phong phú thêm những sáng tác vốn đã được độc giả trẻ tuổi yêu thích và tìm đọc.

Ngôn ngữ gần gũi, giản dị, đời thường

Những chuyến tàu đi được nữ văn sĩ nhào nặn từ cuộc sống và cảm hứng văn chương. Do đó ngôn từ vô cùng gần gũi, giản dị bởi nhân vật như bước ra từ chính cuộc đời vậy. Người đọc khó lòng quên được những câu thoại thốt ra từ nhân vật đều là những lời ăn tiếng nói hàng ngày của những người trẻ vô cùng gần gũi và sống động. Hay những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật cũng rất đời.

Viết về gia đình, người đọc bắt gặp tình anh em, tình cha con, nghĩa vợ chồng sâu nặng trong Ngày hôm qua hay tình chị em nồng ấm trong Chị hai,…Viết về lớp học, người đọc bắt gặp hình tượng lớp trưởng với niềm đau đáu cống hiến và tự hoàn thiện mình qua: To live to fight, Lớp trưởng, Dấn thân,…Viết về tình yêu, người đọc được chứng kiến mối tình đẹp đẽ nhưng không thành đầy tiếc nuối thấm đẫm tình cảm qua: Mối tình đầu, Hoa rù rì,…

Dù trong lớp học, trong gia đình hay môi trường khác thì nhân vật với tính cách ngoại hình không thể trộn lẫn, muôn màu muôn vẻ sống động và sắc nét khiến độc giả vừa đồng cảm vừa suy xét số phận, cuộc đời từng nhân vật một cách dễ dàng.

Với 20 truyện ngắn là 20 câu chuyện có buồn, vui, nước mắt, nụ cười với kết thúc khác nhau nhưng chúng là kết tinh của quá trình quan sát, cách viết và cách đặt vấn đề vô cùng sáng tạo, tỉ mỉ và kĩ lưỡng của Nguyên Hương. Điều cuối cùng và là đích đến của Những chuyến tàu đi mà tác giả muốn gửi gắm chính là sự trưởng thành và hạnh phúc của con người trong cách cảm, cách nghĩ và cách sống. Chúng là đích đến vô giá không chỉ dành riêng cho lứa tuổi mới lớn. Giống như chia sẻ của chính tác giả đã bày tỏ trong Quà muộn: “Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn”.

Nguyễn Minh

những chuyến tàu đi.JPG
Thêm
Những chuyến tàu đi - Nguyên Hương
  • Like
Reactions: Vanhoctre
637
1
0
Là người thổi hồn cho sử Việt qua những trang tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, lần này Nghiêm Đa Văn thể nghiệm qua truyện kí lịch sử vô cùng mới mẻ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng hào hùng và sự hi sinh anh dũng của người chiến sĩ cách mạng giàu lòng yêu nước và tài năng vượt trội mang tên: Nguyễn Đức Cảnh. Cuốn sách được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhân dịp kỉ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã gây xúc động với đông đảo độc giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là các thế hệ trẻ Việt Nam.

Tấm gương anh hùng cách mạng sáng chói

Sinh trưởng trong gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học, lòng yêu nước sâu sắc và ảnh hưởng từ người cha ưu tú, Nguyễn Đức Cảnh đã thừa hưởng những tinh hoa từ gia đình và vùng đất địa linh nhân kiệt Thái Bình là nơi ươm mầm những hạt giống cách mạng cho cả nước. Bản thân anh là một trang nam nhi học rộng, ham hiểu biết, thông minh, có chí khí, sớm thấu hiểu nỗi lầm than, cơ cực của người dân mất nước và nung nấu trong anh lòng căm thù giặc sâu sắc.

Từ một thanh niên mới lớn chưa từng trải anh đã trở thành một thanh niên yêu nước trưởng thành qua những trải nghiệm của bản thân: tham gia Hội ái hữu học sinh nghèo, viết đơn khiếu nại cho những người không may, dạy học, làm thợ in. Từ trong gian lao, thử thách, người con trai trẻ tuổi ấy đã giác ngộ cách mạng và đi theo con đường cứu nước mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra và trở thành hạt nhân của các phong trào đấu tranh của nhân dân lao động.

Cho dù bị giặc Pháp bắt và giam giữ nhưng trong tù anh vẫn không nao núng tinh thần, vẫn hoạt động cách mạng, sáng tác thơ từ biệt mẹ hiền. Cho dù lĩnh án chém đầu, người con trai ấy vẫn hiên ngang, bất khuất. Tất cả làm nền tảng hun đúc lên bức chân dung người anh hùng cách mạng trẻ tuổi, chí lớn vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng vô cùng kì vĩ, lung linh. Điều đó khiến cho bao thế hệ trẻ Việt Nam thêm yêu mến, nể phục, tự hào và sẵn sàng noi theo tấm gương người chiến sĩ cách mạng tài năng, trẻ tuổi đầy nhiệt huyết ấy trong thời đại mới.

Ngôn ngữ chân thật, sinh động, giàu hình ảnh

Là nhân vật lịch sử có thật nhưng qua lăng kính văn chương, hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh trở nên đặc sắc hơn với ngôn ngữ: chân thực, sinh động và giàu hình ảnh. Qua gần 200 trang sách gói gọn trong 13 chương, với lối truyện kí, tác phẩm như một bức tranh sống động phác hoạ bức chân dung đẹp đẽ về người chiến sĩ cộng sản bất khuất của giai cấp công nhân. Người chiến sĩ ấy được tác giả lột tả qua quá trình sinh trưởng từ ấu thơ cho đến lúc giác ngộ cách mạng, hoạt động cách mạng và hi sinh như một thước phim quay chậm.

Nhân vật chính trong thước phim đó được tác giả vẽ lên từ hoàn cảnh xuất thân (gia đình, quê hương), đến ngoại hình tuấn tú, ngôn ngữ hào sảng với lời căn dặn chí tình, chí nghĩa với thanh niên thế hệ mới: “Mình là người cách mạng, làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ số mệnh của mình” vẫn như vang vọng đâu đây có sức mạnh thức tỉnh và lay động tâm hồn biết bao người.

Với tính cách mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất tưởng như không khó khăn hay thử thách nào khiến người chiến sĩ ấy ngã gục – ngay cả cái chết – và quá trình chiêm nghiệm, học hỏi, tìm tòi, khám phá để tìm đến lí tưởng cách mạng chân chính; lãnh đạo công nhân, thợ thuyền đấu tranh giành quyền lợi cho mình, Nguyễn Đức Cảnh xứng đáng trở thành tượng đài về người cộng sản kiên trung trong tâm khảm và trái tim của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Giọng văn mềm mại, uyển chuyển, giàu cảm xúc

Có lẽ vì có kinh nghiệm viết tiểu thuyết lịch sử nên lần này viết kí lịch sử tác giả đã đạt được thành công mĩ mãn. Các kiến thức về lịch sử được đan cài trong cuốn sách không hề khô cứng mà ngược lại làm tôn lên bức chân dung rạng ngời Nguyễn Đức Cảnh qua những trang viết mềm mại, uyển chuyển làm nên tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời dành tặng độc giả về một thời hào hùng và vẻ vang của dân tộc những năm đầu thế kỉ XX.

Đó là những trang văn chứa đầy cảm xúc khi tác giả miêu tả thiên nhiên với những so sánh, nhân hoá, liên tưởng độc đáo; là bức tranh đời sống lầm than của những người lao động nghèo; là những tên chủ nhà máy độc ác, tham lam với những thủ đoạn bỉ ổi; là bức tranh tâm trạng với đối thoại – độc thoại nội tâm của nhân vật chính khi chứng kiến những sự chướng tai, gai mắt với công nhân, thợ thuyền…Đặc biệt là những hình ảnh thô bạo, tàn nhẫn của nhà tù thực dân dành cho vị lãnh tụ trẻ tuổi khiến người đọc không cầm lòng nổi. Tất cả, khiến chúng ta thêm trân trọng những cống hiến vĩ đại mà Nguyễn Đức Cảnh dành cho cách mạng Việt Nam.

Dù chỉ là một cuốn sách nhỏ viết theo thể loại truyện kí nhưng tác phẩm vượt qua giới hạn những con chữ đã khắc hoạ vô cùng rõ nét từng chặng đường quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của người chiến sĩ cách mạng đã cống hiến thanh xuân cho cuộc đời dân tộc. Vì cuộc đời người con đất Thái Bình ấy đã nằm trọn trong những trang văn vô cùng thấm thía của Nghiêm Đa Văn, xứng đáng để độc giả có thêm hiểu biết và suy ngẫm về một tấm gương sáng chói, xứng đáng để lớp lớp các thế hệ độc giả ngưỡng mộ.

nguyễn đức cảnh.JPG
Thêm
Nguyễn Đức Cảnh - Nghiêm Đa Văn
487
2
0
Thành danh và nổi tiếng trên con đường viết văn thay vì làm thợ may, nhà văn Nguyên Hương đã thể hiện bút lực dồi dào qua những sáng tác dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Với Sếp phó người đọc được trải nghiệm qua từng con chữ vào thế giới tuổi học trò muôn màu, muôn vẻ của cái lớp học nổi tiếng thì ít nhưng tai tiếng thì nhiều: 10D2. Một cuốn sách đầy ý nghĩa dành cho tuổi hoa và cả những người đã từng đi qua những năm tháng thanh xuân đáng nhớ ấy.

Lớp học đặc biệt

10D2, cái tên chỉ cần xướng lên đã đủ thấy độ hot của nó: lớp cá biệt, lẹt đẹt nhất khối 10. Lớp có 45 thành viên, trong đó là 26 bạn nữ, còn lại là nam. Cái lớp tồn tại nhiều thành phần bất trị ra mặt cũng như giấu mặt, chưa bao giờ được thưởng cờ luân lưu, tuần nào cũng bị lưu tên dưới cột cờ. Đặc biệt hơn, là lớp đầu cấp nhưng đã hai đời làm lớp trưởng. Thu Hoa là đời đầu tiên, sau này là Quy. Sổ đầu bài chưa bao giờ đạt điểm A, luôn là những lời phê bình khiển trách của các thầy cô vì những tội danh: đi học muộn, nói chuyện riêng, điểm kém, cùng những trò trêu chọc, cãi lộn, gây gổ như chuyện thường ngày ở huyện,…Đến nỗi, lớp trưởng Quy và lớp phó học tập Đoan Trang xin từ chức và cô Loan chủ nhiệm cũng bó tay có ý định xin thôi chủ nhiệm lớp.

Cốt truyện đơn giản, sống động, nhiều chi tiết bất ngờ

Truyện thể hiện cuộc đấu đá căng thẳng giữa hai phe: chính – tà. Từ khi Bảo, học sinh đặc biệt của lớp, xin làm lớp trưởng, cứu nguy cho cái lớp cá biệt đó thoát khỏi tình trạng rắn không đầu: lớp trưởng, lớp phó xin phục chức và cô Loan quay lại làm chủ nhiệm. Mặc dù rất yếu về mặt sức khoẻ nhưng cái đầu thông minh và đa mưu túc trí như Khổng Minh – Gia Cát Lượng của Bảo đã giúp cho 10D2 một bàn thua trông thấy khi Bảo làm lớp phó phụ trách phong trào. Bộ ba cán bộ lớp quyết không để lớp bị nêu tên dưới cột cờ nữa và ít nhất một lần nhận được cờ luân lưu. Nhưng sóng gió cứ thế bất ngờ ập đến, mặc cho ban cán sự ra sức phấn đấu cho lớp đạt thành tích nhưng vẫn có kẻ giấu mặt phá ngang. Mọi người biết đích danh thủ phạm mà không có chứng cứ.

Đối nghịch với bộ ba cán bộ lớp là bộ ba con sâu làm rầu nồi canh Tuân – Hoàng – Vinh mà Tuân là kẻ đứng đầu, tựa như Tào Tháo, chuyên gia của những chiêu trò quậy phá âm thầm với đầu óc mưu ma chước quỷ, khiến phong trào lớp đi xuống nhằm hạ bệ các sếp. Cả hai phe đều biết quá rõ bản chất của nhau nên từng hành động của bên này và bên kia đều bị bắt bài. Quả là kì phùng địch thủ! Vì cả hai phe đều đi guốc trong bụng nhau nên cuộc đấu trí càng ngày càng gay cấn.

Cùng với đó là những chi tiết bất ngờ xảy đến với 10D2 vào những dịp đặc biệt như chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3: tặng hoa cho các bạn nữ hay chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3: làm báo tường,…Những sự kiện dành cho cá nhân từng nhân vật như là điểm nhấn giúp truyện trở nên có hồn và cuốn hút hơn.

Đọc Sếp phó, người trưởng thành như trẻ lại khi hồi tưởng về những kỉ niệm chân thực thời học sinh còn lứa tuổi mới lớn như đồng cảm với tác giả qua từng chi tiết trong truyện. Các nhân vật sống động như bước từ đời thực vào trang sách. Đó là hình ảnh một kẻ chuyên ném đá giấu tay khiến lớp đứng hạng bét; là hình ảnh một lớp trưởng năng động, đầy nhiệt huyết; là hình ảnh lớp phó học tập duyên dáng, dịu dàng làm rung động biết bao con tim; là hình ảnh một sếp phó phong trào hiểu biết, thông thái với những việc làm hợp lòng dân,…

Văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, hài hước – dí dỏm

Lấy bối cảnh học đường, Sếp phó được thể hiện bằng lối viết văn nhẹ nhàng, trong sáng nhiều chi tiết mộng mơ tựa như tâm hồn của lứa tuổi học trò vậy. Người đọc được phiêu lưu qua từng con chữ để đến với thế giới của những người trẻ tuổi với những đoạn miêu tả lớp học, thầy cô, từng thành viên cùng đối thoại hay miêu tả nội tâm nhân vật (đặc biệt là Tuân) vô cùng thành công với những tình cảm và lí lẽ riêng. Ở đó, tình bạn, tình thầy trò và cả những rung động đầu đời trong veo được ngợi ca.

Cái lớp học 45 người đó được tác giả xây dựng với từng chi tiết và từng nhân vật vừa chân thực, vừa dí dỏm lại hài hước ngộ nghĩnh có niềm vui, nỗi buồn, có nụ cười, nước mắt,…Nhưng trên tất cả là những kỉ niệm êm đẹp mà bất kì một cô cậu học trò nào cũng đã từng trải qua. Những cái tên hay biệt danh khiến không ít người đọc phì cười như: Trung Chị, Bích Thuỷ - Sữa Ông Thọ hay Phạm Đình Tuân – Vệ Sĩ Hào Hoa được xướng danh trong cuộc thi văn nghệ,…Vấn đề không phải nhận cờ luân lưu hay chiếm trọn trái tim cô bé lớp phó ngoan, hiền, học giỏi mà kết thúc truyện như thách đấu trí tưởng tượng của người đọc.

Tuổi học trò thật vô tư, hồn nhiên nhưng cũng vô cùng tinh nghịch mà khi đi qua rồi người ta mới ngoái đầu đầy tiếc nuối. Cảm ơn tác giả đã xây dựng lên một câu chuyện như một món quà đặc biệt dành tặng cho mỗi chúng ta. Ở đó, những bài học nhân sinh được người đọc trân trọng như một bảo vật. Chúng nhắc nhở mỗi người đừng quên những tháng năm còn ngồi trên ghế nhà trường đầy hoa mộng và mãi mãi khắc ghi trong tim hình ảnh bạn bè, thầy cô và mái trường yêu dấu.

Nguyễn Minh

sếp phó.JPG
Thêm
Sếp phó - Nguyên Hương
534
2
0
Vũ Quần Phương là cái tên chỉ nhắc đến thôi đã biết đó là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông là nhà thơ đạt nhiều giải thưởng cao quý và có đóng góp không nhỏ với nền văn học nước nhà. Trong sự nghiệp đồ sộ của mình, Thơ tặng tuổi thơ là một trong những cuốn sách viết nên bởi những vần thơ tuyệt bút gửi tặng bạn đọc nhiều thế hệ. Nó dẫn dắt người đọc đắm chìm vào thế giới trong trẻo và hồn nhiên của tuổi thơ, ở đó tình cảm gia đình là chủ đề xuyên suốt tác phẩm với những rung động quá đỗi chân thực, ngọt ngào.

Với 38 bài thơ mà mỗi bài là một câu chuyện nhỏ bằng thơ bát ngát tình, tác giả nhắn nhủ với những người thân yêu của mình bức thông điệp về tình yêu vô cùng ý nhị và sâu sắc. Là người anh trai yêu em bé hết mực: Yêu to nhất nhà. Là tình cha ấm áp tựa vầng thái dương, trân quý từng khoảnh khắc bên con: Cuộc đời thăm thẳm trôi trôi mãi/ Níu lại từng giây con với cha. Là nỗi nhớ da diết, sâu lắng của người ông dành cho cháu: Lại nhớ và thương cu Tuệ quá/ Cái hôm sinh nhật có đông không? Ngoài ra là các bài thơ dành cho các em giống như lời tâm sự của nhà thơ: Tất cả đều là lòng yêu thương và sự nương tựa của tôi vào các em… để được bước cùng với các em trong cuộc đời ấm áp và cũng đầy bão gió này. Phải là con người có trách nhiệm, yêu thương gia đình hết mực với tấm lòng đôn hậu, bao dung thì tác giả mới có thể sáng tạo ra những vần thơ mênh mang, trong trẻo và hồn nhiên đến vậy.

Thơ tặng tuổi thơ là tập hợp những bài thơ trong veo nhưng cũng giàu chiêm nghiệm và chất chứa suy tư. Đó là niềm cảm thương sâu sắc trước những số phận, cuộc đời éo le và dành tình cảm thân thương với những con người bình dị trong cuộc đời rộng lớn như: Vầng trăng trong xe bò, Hoa một loài cây, Đợi mẹ…Tác phẩm không chỉ là tâm sự của nhà thơ dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn dành cho cả những người từng đi qua tuổi thơ. Với giọng thơ thủ thỉ, tâm tình; ý thơ mang tính giáo dục cao; lời thơ ăm ắp cảm xúc vừa gần gũi vừa hóm hỉnh, có nhiều biện pháp tu từ: so sánh, liên tưởng, liệt kê,…cuốn sách thực sự chinh phục trái tim của độc giả ở mọi lứa tuổi.

Từ những bài thơ miêu tả sự vật, sự việc: Ngọn lửa, Ngưỡng cửa, Tích tắc tích tắc,… đến thiên nhiên: Gió, Mưa, Ổi găng, Mùa hoa bưởi,… và con người: thơ cho con và cho cháu,…tất cả đều lung linh, kì ảo mang vẻ đẹp huyền diệu. Chúng được hoà lẫn, lồng ghép vào nhau tạo nên những vần thơ tuyệt vời, giàu ý nghĩa chất chứa nhiều cảm xúc về: đạo làm người, tình yêu thiên nhiên – yêu quê hương – đất nước, không quên nguồn cội. Không những thế, những vần thơ đong đầy tình người ấy khiến trí tưởng tượng của các em bay thật cao, thật xa, giúp các em nuôi dưỡng những phẩm chất tốt như: lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và sẻ chia. Từ đó giúp các em hiểu mình và hiểu người hơn.

Với những vần thơ có ngôn từ bình dị nhưng giàu xúc cảm, mang tính suy tư về tình người, tình đời với chiều sâu nội tâm con người, Vũ Quần Phương như nói giùm những người anh, người cha, người ông và các em những nỗi lòng và sự trăn trở của một con người tài hoa có tâm, có đức với niềm đam mê vô tận với thơ ca vốn là lẽ sống của cuộc đời ông.

01.JPG


Thêm
Thơ tặng tuổi thơ - Vũ Quần Phương
367
2
0
Nếu như cha mẹ là người ban cho chúng ta hình hài thì thầy cô như cha mẹ thứ hai trao cho mỗi người kiến thức. Trong suốt cuộc đời chở đò, thầy cô luôn miệt mài ngày đêm bên trang giáo án đưa các thế hệ học trò qua sông tri thức cập bến thành công. Cuốn sách Người thắp đèn cho núi - nhiều tác giả, là tuyển tập gồm 23 truyện ngắn xúc động và tràn ngập tình thương mến dành cho lứa tuổi 7+ như một sự tri ân sâu sắc với những người lái đò thầm lặng ấy.

Người thắp đèn cho núi là những áng văn mộc mạc, chân phương, là kết tinh của những câu chuyện mà khi nhớ lại bạn đọc không khỏi rưng rưng. Mỗi câu chuyện là một tấm gương chân thực, sống động và sâu sắc về thầy cô để lại trong lòng người đọc những cảm xúc và ấn tượng khó phai mờ. Họ không chỉ đem ánh sáng tri thức đến với học trò mà còn khơi dậy ngọn lửa trong tâm hồn các em.

Sự nghiệp trồng người cao cả

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Bởi thầy cô là hình mẫu sự tận tâm, tận lực không chỉ trao truyền cho học trò kĩ năng chinh phục kiến thức mà còn dạy các em nhân cách sống đẹp. Vinh quang và cao quý thay sứ mệnh trồng người cao đẹp và thiêng liêng của thầy cô. Người đọc hẳn không quên hình ảnh người thầy vừa dạy học cho lũ trẻ vừa dạy lẽ sống cho dân bản ( Thầy ĐạmBùi Việt Phương); người thầy dạy học trò tình yêu thương, sự đồng cảm và chung tay giúp đỡ những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh (Vòm trời cổ tích – Điểm Lê). Hay hình ảnh những cô giáo dạy học sinh những bài học quý giá về thực tế cuộc sống như cô Hoài (Giọt nước mắt thầu đâu – Mạc Ly), cô Phượng (Bài học ở rừng – Lê Trâm). Hình ảnh thầy cô hiện lên qua những trang văn rất đỗi bình thường nhưng vô cùng vĩ đại bởi họ biết cách truyền cảm hứng cho học trò.

Những áng văn lắng đọng yêu thương

Chưa bao giờ bạn đọc được tiếp xúc với những truyện ngắn đằm thắm, dạt dào tình người đến vậy! Với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy cô luôn quan tâm và dành tình yêu với học trò như những đứa con (Em gọi cô là mẹ - Du An). Dù trên đất liền, hải đảo xa xôi hay vùng núi cao hiểm trở, thầy cô đã cống hiến hết thanh xuân, hi sinh bản thân mình, vượt những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để dồn hết tâm sức ươm những mầm xanh cho đất nước (Người thắp đèn cho núi – Lê Quang Trạng). Do đó hình bóng cô thầy luôn gắn liền với trái tim và kí ức bao thế hệ, tạo nên trong lòng các em những kỉ niệm trong sáng, chân thành, tươi đẹp (Nghề giáo – Lục Mạnh Cường , Đường hoa – Nguyễn Thu Hằng,…). Vì thầy cô không chỉ nắm tay, mở ra chân trời tri thức mà còn nâng cánh những ước mơ bay thật cao, thật xa (Ước mơ trong bão – Chu Thanh Hương). Tất cả xuất phát từ chữ tâm trong sáng, ngọn lửa đam mê với nghề, vì trách nhiệm với học sinh thân yêu, thầy cô luôn động viên, uốn nắn các em (Vì cô đã tin – Võ Thu Hương, Giai điệu tình yêu – Võ Thu Hương, Cô giáo vỡ lòng của tôi – Vũ Tuyết Mây,…)

Do vậy, tình thầy trò luôn khăng khít, bền chặt, vô cùng trong sáng và đầy tin yêu. Ngọn lửa ấm áp tình người đó mãi cháy sáng xua tan giá lạnh mùa đông, trào lên mênh mang trong mỗi mùa hiến chương các nhà giáo.

Những bài học giản dị từ gương thầy cô

Ngoài việc không chỉ phản ánh tình nghĩa thầy trò: Thầy cô luôn thân thiện, hết lòng yêu thương, chỉ dạy cho trò mà cuốn sách còn khẳng định thầy cô luôn là hình mẫu lí tưởng, là gương sáng khiến học trò kính trọng và biết ơn, hết mình rèn giũa bản thân trên con đường tu đức, luyện tài, rèn lối sống để ngày mai lập nghiệp. Đó là hình ảnh người thầy để lại trong lòng học trò những kí ức đẹp với cách truyền đạt kiến thức và tấm lòng đôn hậu (Lá đổ - Vũ Thị Huyền Trang); là người thầy dạy văn với cuộc sống nhiều bươn trải, thiếu thốn nhưng yêu nghề bằng cả trái tim (Ở cạnh nhà thầy – Vũ Thị Huyền Trang). Đó là cô giáo với hình ảnh đẹp trong lòng các thế hệ học trò về lòng tâm huyết với nghề, tính cách ngay thẳng, chính trực (Cô giáo và học trò cũ – Nguyên Hương); là những trăn trở của cô giáo trong sự nghiệp trồng người (Bông hoa phấn trắng – Lê Phương Liên). Điều đó khiến cho học trò thêm yêu quý, ngưỡng mộ và nể phục tài năng và tâm huyết của thầy cô.

Những câu chuyện về thầy cô đều đẹp đẽ đến mức gần như thuần khiết dẫu cho còn nhiều khó khăn, gian khổ lẫn những bất trắc nhiều lúc khiến chúng ta cảm thương thay những thiếu thốn vật chất mà thầy cô đã nếm trải. Do đó hình ảnh những kĩ sư tâm hồn bám trường, bám lớp ngày đêm cống hiến tài và tâm cho đàn em thơ luôn là hình ảnh lung linh nhất, rực rỡ nhất, đáng trân trọng nhất xứng đáng để mỗi chúng ta thêm trân quý và tự hào.

Nguyễn Minh​

người thắp đèn cho núi.JPG
Thêm
Người thắp đèn cho núi - Nhiều tác giả
498
2
1

ilaydam

Thành Viên
6/12/22
7
1
3,000
smmgoal.com
Xu
9,895
Trong suốt cuộc đời chở đò, thầy cô luôn miệt mài ngày đêm bên trang giáo án đưa các thế hệ học trò qua sông tri thức cập bến thành công.
 
Hàng năm vào đêm 15 tháng 8, sau khi ánh trăng soi bóng núi trước làng, các cô gái làng Kiều lại quây quần bên chiếc chày giã gạo và hát về mùa màng. Tương truyền, từ rất xa xưa, đã có một cây cầu cầu vồng tuyệt đẹp giữa núi San và mặt trăng, đi bộ từ mặt đất lên mặt trăng không khó, đặc biệt là vào đêm rằm ngày 15 tháng 8, có nhiều cô gái làng Kiều trèo lên núi San mặc quần áo hoa văn sặc sỡ, mang theo một cái giỏ mây đầy hạt kê, từng người một leo lên cầu Hồng Kiều để đến mặt trăng.

Vì sao trăng đêm trung thu sáng.jpg

(Vì sao trăng đêm trung thu sáng)
Trên cung trăng có một cây hoa thơm ngát, khi trăng tròn lá hoa sẽ đung đưa trong gió nhẹ, cành lá đầy hoa thoang thoảng hương thơm ngào ngạt. Các cô gái nghe già làng nói: "Nếu hái hoa thần thơm vào ngày mười lăm tháng tám, đem xay với bột kê, ăn sẽ trừ được tai họa, bệnh tật”.

Mặt trăng ngày đó không sáng như bây giờ, nó có một màu vàng mờ ảo không rõ đường. Các cô lên cung Trăng, hái hoa thơm ngào ngạt trộn vào kê, rủ nhau giã kê bên cạnh mặt nước soi bóng ánh trăng.

Một ngày nọ, một cô gái trong làng muốn leo lên Cung trăng và hái một bông hoa thần để nấu cháo cho người mẹ ốm đau đã lâu của mình. Cô trèo lên Hồng Kiều với chiếc giỏ mây trên lưng, thật bất ngờ, khi vừa bước lên mặt trăng, Hồng Kiều đã bị gãy. Cô gái rơm rớm nước mắt nghĩ đến mẹ và cô sẽ không bao giờ được về quê nữa. Cô ngồi dưới gốc cây thần ngày nào cũng giã kê cho đến khi bột trắng, mịn, đều ngày này qua năm khác.

Cứ đến ngày 15 tháng 8 khi trăng tròn, người con gái nhớ quê hương, nhớ người thân nên rắc thứ bột trắng mịn mỏng manh lên trần gian, bột trắng lần lượt được rắc xuống, biến thành một thứ nước trong vắt như nước, phản chiếu cảnh vật và trái đất một cách rõ ràng sáng sủa và sạch sẽ. Cô gái nhìn những xóm làng vắng lặng, yên bình dưới ánh trăng, thầm cầu mong cha sống lâu, mẹ khỏe, nhà cửa bình an, mùa màng bội thu. Vào thời điểm này, những người già trong bộ tộc cũng sẽ chỉ lên mặt trăng và nói với thế hệ trẻ: "Các con ơi, các con có biết tại sao vào ngày 15 tháng 8 trăng lại sáng như vậy không? Đó là khi chị em con nhớ quê và rắc bột kê vào thế giới! "

***

Câu chuyện hư cấu nhưng cũng thể hiện nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ. Trăng rằm nhớ quê, có lẽ không phải tự nhiên mà các thi sĩ muôn đời đều ngắm trăng rồi nhớ về cố hương: “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”.

(truyện dịch)
Thêm
Vì sao trăng đêm trung thu sáng
  • Like
Reactions: Vanhoctre
501
1
1
Mùa hè, bố mẹ thường đưa cậu con trai về quê thăm bà. Khi đã lớn hơn được một chút, cậu nói với bố me;

-Con đã lớn rồi, sao bố mẹ cứ toàn coi con là đứa con nít thế? Con có thể tự mình về thăm bà được rồi mà.

Trung Thu.jpg


Sau khi tranh luận một hồi, bố mẹ cũng đồng ý. Họ tiễn con trai ra ga, dặn dò thêm mấy thứ, và cậu bé thì cứ luôn mồm:

-Vâng, vâng, con biết rồi, con biết rồi. Bố mẹ nhắc đi nhắc lại đến cả 100 lần rồi đấy.

Khi đó, người bố nói với cậu bé:

-Này con trai, nếu như con bỗng nhiên cảm thấy không ổn hay sợ hãi, thì đây là cái này cho con.

Nói rồi bố đút một cái gì đó vào túi của cậu bé.

Cậu con trai ngồi xuống trong toa, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Xung quanh cậu, những người lạ xô đẩy nhau, ồn ào, đi vào đi ra, người soát vé có vẻ không hài lòng nhìn cậu, rồi một người khác cũng thế. Cậu bỗng cảm thấy khó chịu , rồi mỗi lúc càng trở nên nặng nề, khó chịu hơn. Cậu thấy sợ hãi, thu mình vào một góc, nước mắt lưng tròng.

Cậu bé chợt nhớ ra bố đã bỏ một cái gì đó vào túi. Cậu run rẩy lấy từ đó ra một mẩu giấy, mở ra đọc:

“Con trai nhỏ, bố đang ở toa bên cạnh”.

P.S: Trong cuộc sống cũng như vậy, chúng ta cần phải tin tưởng, cho phép con được rời khỏi vòng tay, nhưng chúng ta luôn luôn cần phải có mặt ở toa kế bên, để con mình không bị sợ hãi.

Hãy luôn bên con- khi chúng ta vẫn còn sống !!!!

---
Truyện ngắn Nga
Dịch: Phan Hung
Thêm
Toa kế bên
744
2
3
BÉ VÀ MÈO

Hôm nay ngày chủ nhật
Bé được nghỉ ở nhà
Cứ chạy vào lại ra
Vờn chú mèo ngủ nướng

Ô! em nằm thật vướng
Gọn lại chị còn đi
Đã bảo ngủ ở kia
Cứ thích bày trò cãi

Nhanh không chị kể ngoại
Trưa cho nhịn bây giờ
Cá nướng với sữa chua
Sẽ cho ai ngoan nhất

Oa bánh kem với mứt
Đầy trong tủ chào mời
Dậy nào cùng chị chơi
Meo meo yêu em nhất.

Cảm tác theo ảnh sưu tầm
15/8/22
Thêm
Bé và mèo
567
4
1

Trang cá nhân

“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. Thích Văn Học @ Thích Văn Học:
    Hiện tại không có giá trị qui đổi gì em nhé
  2. hưnga @ hưnga:
    cho em hỏi xu có những tác dụng gì ạ
Top