Dự thi Bỉnh bút - Vân Sơn

Dự thi Bỉnh bút - Vân Sơn

Chiều cuối năm dường như đã khiến cho lão gió Bắc ngại tiến.

Năm nay lão đến thật muộn. Phải chăng là lá vàng hay bầu tâm sự còn chưa muốn dứt khỏi cõi sầu thiên thu? Đâu có thể. Mà nàng xuân thì không có ý nhường quãng đời ngắn ngủi của mình cho bất cứ ai. Cái vẻ dịu dàng nồng thắm của nàng đã bắt đầu với dài tay ra tận Làng Ngọc Đình nằm dựa sát dãy Chung Sơn thoai thoải.

Làng Ngọc Đình, bất chấp cái rét rung hết ruột gan, đã bắt đầu rục rịch, rộn rạo chuẩn bị đồ, lễ đón mừng năm mới. Trong khoảnh sân vuông vức bao quanh bởi phên dậu quấn đầy dây leo, đám trẻ con nô đùa nháo nhác cả lên. Những cái trò nghịch ngợm tai quái suýt thì đã chọc giận cụ đồ Lý bởi còn vướng víu đến mấy cành đào đang chúm chím nụ một màu hồng phấn - mấy cành đào rất quý mà cụ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt chăm bón kỹ lưỡng như những đứa con cầu tự. Cụ tạm ngưng cắt xén ba bốn chậu bạch mai Nghi Tàm bên hông gian nhà trái, nện xuống hai lần guốc. Tiếng guốc gỗ va vào nền gạch nung lát sân đã làm bọn trẻ giật thột. Chúng quay đầu nhìn nhau rồi chạy biến ra ngõ.

- Ông cứ làm như rứa trách chi bọn hắn lị nỏ sợ - Cụ bà ngồi trước thềm, vừa lau chuốt lá dong vừa bỏm bẻm nhai trầu, nói vọng ra.

- Rứa thì Tết ni bà chịu khó mà ngắm lá đào thay hoa hây.

Cụ bà nhìn cây đào, những nếp nhăn trên trán căng phẳng ra dồn đến phía đuôi mắt khiến cho hàm răng lưa thưa không giữ nổi tiếng cười nghẹn ở cổ. Cụ đồ Lý ngả ngớn cười đưa theo để rồi phải mau tay chộp lấy chiếc khăn xếp chữ Nhất sắp rơi ra khỏi đầu. Âm thanh trầm ấm mà rộn rã của hai con người tuổi mãn chiều xế bóng truyền vào trong gió thổi ra khóm tre đầu ngõ, bất chợt làm sáng vang lên cái không khí gia đình ấm cúng của buổi chiều cuối năm hôm ấy.

Lũ chim kéo nhau về líu lo mừng xuân…

Sáng mồng một Tết, sau khi lễ cúng tổ tiên, khoảng giữa giờ Mão, cụ đồ đã chỉn chu bộ áo dài màn the cúc cài lệch lồng ngoài lớp lụa thêu mây trắng tinh khôi và rời khỏi nhà từ lúc tờ mờ ấy. Trời mới hửng sáng, nhưng quạ vàng còn đang ngái ngủ ở nơi đâu sau dãy núi trùng điệp, chỉ he hé mấy chút tơ lông hoàng kim óng ánh nhưng chưa đủ dài và rõ để níu được cung bạc của thỏ ngọc xuống. Thành ra, sương non vẫn mơn mởn sức sống trên chồi lộc đã nảy mầm. Sương trên trời giăng như bức màn, sương dưới đất mỏng như làn khói, và sương còn pha trong mái tóc kéo dài từ thái dương bên này sang thái dương bên nọ của cụ. Đôi ống quần cạp chun vải phi bóng là lượt vờn qua sườn cỏ rảnh rang hơi người. Chẳng mấy chốc hàng giấy Bạch Xuyến đã ở trước mắt. Bạch Xuyến nức tiếng là có nhiều loại giấy tốt, trong đó phải kể đến là giấy dó Yên Thái nhập từ tận Thượng Kinh về. Cụ đồ Lý xưa nay ưa thích nhất loại này, bởi đặc tính xốp nhẹ, bền dai, độ ngấm nước vừa phải và khi viết thì không bị nhòe. Chị chủ quán gặp người quen, hồ hởi ra ngoài cửa mời khách vào. Chị lục trên kệ chất đầy những xấp giấy, trục giấy, còn có cả thẻ tre, tập sách mới đóng, giấy Tàu giấy Tây giấy ta đủ thứ. Từ phía trong cùng cuối dãy, gương mặt bầu bĩnh ấy rạng rỡ tươi tắn. Rút ba bốn cuốn giấy dó bo lụa đỏ tứ xích đã được bồi thêm một lớp đế cho chắc chắn, chị trình ra để vị quan khách ngắm nghía và thẩm định.

- Bóc bốn hụng?

- Dạ bóc bốn cụ ạ.

Cụ đồ gật gù tỏ vẻ vừa lòng. Cụ kẹp hai cuốn trục vào nách và lục trong túi tiền ra mười mấy đồng năm hào trả chị chủ quán. Sau đó dựa vào chiếc gậy trúc dạo qua vài đường trấn nữa mới cất bước ra về.

Thằng Lộc - con chú út, thấy ông nó mang thứ đồ lạ mắt về thì bỏ biếng việc sắp dọn kẹo bánh vào đĩa mà chạy lẽo đẽo theo sau đòi ông bế, mặc cho tí nữa thì đôi chân trần lấm tấm bụi đất giẫm phải chiếc chiếu cói cạp điều cụ bà trải sẵn trên sân. Cụ đồ Lý nựng cháu. Cặp bồ hòn dễ thương sáng loáng lên khi được ông nội cho quà. Nó không muốn được bế nữa, giãy giãy tụt xuống sân để mau chóng chạy đi khoe với anh cả.

Trẻ con đều đã tránh khỏi nơi đây, khoảnh sân chỉ chừa lại khoảng không thanh tịnh. Vuốt cho phẳng phiu tà áo dài, hai gối cụ gập xuống, đè lên cuộn giấy đỏ vẻ nghiêm trang và kính cẩn. Rồi cụ nhấc cây bút đại tự lên từ giá treo. Ngòi bút hơi bung bởi đã mất lần keo định hình, từng tầng tầng lớp lồ lộ. Bên trong, dài nhất và có sắc sẫm, đó là lông loài thỏ hoang phương Bắc suôn ngạnh được lấy làm trụ lõi chống đỡ đầu bút. Bên ngoài dát hai lớp lông dê mỏng mềm trắng ngà ngà, một lớp sau cùng ngắn hơn và lớp trên có độ dài vừa bằng lớp lõi. Sau khi nhúng ẩm, đầu bút tụ lại. Sợi bút về mặt hình thức tuyệt nhiên không có thậm thụt hay dài ngắn hơn so với sợi khác. Cứ mỗi lần như thế thì cụ đồ Lý lại thử ấn đầu bút xuống tấm nghiên chưa có giọt mực để rồi trở về thuôn nhọn lúc nhấc lên thì hai hàm răng móm phải xuýt xoa sao mà cây bút Kiêm Hào Thượng Thư này tuyệt thế, toàn vẹn Tiêm, Tề, Viên, Kiện thế. Nhưng lần này thì mực đã được mài sẵn bởi cụ bà chu đáo. Ngay lúc này đây, cụ bà vẫn đều đều tay trên nghiên mặc. Mùi thơm mực mới rất mát.

Cụ đồ bắt đầu cho bút vào nghiên, nhưng không phải theo lối đạm bút. Mực thấm vào vẫn đủ để cụ sổ nét đậm, rõ, sáng. Bắt đầu từ chữ “Phúc” (福), “Phúc” (福) trong “Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh, lộc tiến vinh hoa phú quý xuân” (福生禮義家堂盛,鹿進榮花富貴春). Thế bút cao như núi, đường bút tựa nước chảy mây trôi. Cách đưa nét của cụ gần với lối hành thảo, do đó nét chữ mang tính liên kết rất cao, có thể thấy nhanh mà không vội, mềm mà không yếu, phóng mà không cuồng, trầm mà không tích. Mỗi chữ như chứa đựng bao tinh túy của sự học thâm uyên suốt một đời của cụ, về cái Cựu học đang sắp lùi dần vào dĩ vãng “giữa thời buổi Tây Tàu nhố nhăng”. Nhưng chí ít đối với sĩ lâm thời bấy giờ vẫn được hưởng tiếng thơm bởi văn hay chữ tốt, người ta vẫn kính trọng, ngưỡng mộ các nhà thư pháp tài hoa như cụ đồ đây. Tuy tuổi đã cao nhưng điều đó càng chứng tỏ kinh nghiệm mà cụ có cho mình trong bao năm lưu luyến đèn sách càng dày dặn thêm. Đôi bàn tay nhăn nheo, lấm tấm đồi mồi này đã từng uốn biết bao nhiêu con chữ như rồng bay phượng múa, đã nặn ra biết bao nhiêu tập thư sách để đời. Giờ đây chỉ khép nép lui vào trong thếp mực.

Đôi tay lấm tấm đồi mồi phẩy một nét phiết, kéo hai nét hoành, sổ một nét thụ, kéo một nét hoành tiếp liền tạo thành chữ “Sinh” (生). Điểm, hoành chiết, thụ, điểm, thụ, hoành chiết, hoành, thụ, thụ, hoành, hoành, thụ, hoành chiết, hoành, điểm, phiết, hoành (禮). Cứ thế tạo nên một khối liền mạch không dứt, cho đến khi đầu ngọn bút đóng một nét hoành ngay cuối chữ “Xuân” (春). Cụ đồ nhấc cây chặn giấy lên, ngắm nghía lại tác phẩm của mình vừa mới hoàn thành. Dân gian thường bảo nhau: “Nét chữ là nết người”, nếu đem câu nói đó mà thẩm hai bức đối đây thì người ta sẽ cho ngay cụ là một người phóng khoáng mà rất khiêm tốn vậy. Chương pháp thực thông thoáng, văn tự thực bay bổng.

- Bây giừ ông định treo ở mô?

- Tui tưởng ta nên treo lên đôi cây cột gỗ ni.

Cụ đồ Lý nheo nheo cặp mắt già nua về phía hai trụ gỗ xoan màu nâu thẫm. Trên đó đã có đinh đóng sẵn từ những năm trước, cụ chỉ việc nhón chân lên để treo sao cho vào được hai cái đinh sắt hàn gỉ. Bộ râu bạc phơ trong lúc vô tình đã vướng phải dây treo tràng pháo thăng thiên rủng rỉnh gần đó. Cụ bối rối một chốc toan định gỡ cả tràng pháo xuống, nhưng tràng pháo đã kịp buông bộ râu xồm xoàm kia ra để mà được yên vị trên thanh xà nhà sạch sẽ mạng nhện.

Sáng mồng một Tết không khí trong lành, gió thoảng hương mấy nhành đào trổ vội đêm qua cùng hương trầm thơm ngát tỏa ra từ bát nhang trên bàn thờ gọn gàng xôi thịt. Thời gian cứ như bị ai kéo lại khiến cho những cơn gió nồm mãi biệt tăm. Nụ mai chưa bung. Chắc phải đợi đến chiều mốt mới mãn khai trắng xóa khắp sân nhà. Trong thanh hương nhã khí, tơ vàng đã buộc chặt được từ xum xuê cành bưởi đến hai con hạc gỗ đặt hai bên gian thờ. Chỉ còn chờ trời đứng nắng là cụ đồ Lý sẽ phải tất bật ra đình lo công sự đến quá nửa chiều mới về. Thằng Lộc và mấy đứa trẻ lại bày trò nghịch ngợm trong sân. Hết trầm trồ bên câu đối có dòng chữ gì mà ngộ thế cho đến ngờ nghệch nhìn chiếc lồng đèn đỏ treo trên cây nêu cao vời vợi. Chúng vui quá, chúng thấy khắp nơi đều là Tết, chúng kết tràng, chân nọ xỏ chân kia, tay nọ bắt tay kia cất giọng lanh lảnh làm rộn rã thêm sức sống mùa Tết cổ truyền:

- “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Nghe ba tiếng sấm mở cờ mà lên…”

____________
Mùa Tết - "Chậm".


bai-tho-ong-do-1.jpg
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
câu đối tết cổ truyền truyen ngan
507
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top