Cây dừa Bình Định

Cây dừa Bình Định

hưnga
hưnga
Cây dừa Bình Định ( có dùng yếu tố miêu tả)

Mở bài:

Dừa là một loài cây quen thuộc của đất nước Việt Nam. Trên dải đất cong cong hình chữ S này, đi đến bất cứ nơi đâu ta cũng bắt gặp cây dừa. Ở miền Nam, tỉnh Bến Tre, dừa được trồng rất nhiều. Và đến Bình Đinh, trên những chặng đường dài ở quốc lộ, đâu đâu mọi người cũng thấy cây dừa được trồng thành rừng bạt ngàn, xanh ngắt, cao lớn. Ở xứ sở miền Nam Trung bộ này, cây dừa là loài cây đặc trưng của vùng đất miền Trung đầy nắng, đầy gió. Chính vì vậy, nơi đây có câu ca dao quen thuộc:

Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

Thân bài:

1. Đặc điểm chung của cây dừa:

a. Nguồn gốc:

Cây dừa được các nhà nghiên cứu cho rằng nó có nguồn gốc ở Đông Nam Á, một bộ phận khác lại cho rằng nguồn gốc của chúng ở miền tây bắc Nam Mỹ. Điều này đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng nhưng cây dừa đã trở nên phổ biến ở trên khắp thế giới. Dừa là một loại cây có khả năng thích nghi vô cùng tốt, nó phát triển mạnh mẽ tại những vùng có đất pha cát, đồng thời nó có khả năng chịu mặn cũng như ưa thích các vùng đất nhiều nắng và mưa. Chính bởi đặc tính này mà cây dừa rất phổ biến ở các bờ biển nhiệt đới, thậm chí ở một số những vùng núi cao cây dừa vẫn phát triển. Ở Việt Nam, cây dừa được trồng phổ biến ở những tỉnh có nền nhiệt cao, mưa nhiều và đặc biệt nó đã trở thành loại cây đặc sản của tỉnh Bình Định.

Nhưng ở xứ sở Bình Định này, nguồn gốc cây dừa được kể lại bằng một câu chuyện truyền thuyết đầy cảm động về tình yêu của một đôi trai tài gái sắc. Đó là chàng Lửa dũng cảm, tài năng và nàng Nếp xinh đẹp, hiếu thảo. Cả hai yêu thương nhau nhưng không đến được với nhau, để rồi khi chết đi hóa thành một loại cây có những chiếc lá như hình cái lược của người con gái, có những chùm quả xanh chi chít ôm tròn quanh ngọn cây, nước ở trong quả ngọt lịm và lớp thịt màu trắng thì béo ngậy.

b.Đặc điểm về cây dừa:

-Hình dáng:

Dừa là một loài cây trong họ Cau. Gốc lớn, tua tủa chùm rễ ăn sâu, bám chắc xuống đất. Cây dừa trông cao lớn như vậy nhưng lại là loại cây thân cỏ, cao đến 10m, ở thân có những khoanh tròn nối nhau. Cây dừa không có cành mà chỉ có tàu dừa mọc trên ngọn thành vòng tròn, xòe đều ra tứ phía. Có khi tàu dừa dài tới hai ba mét khi già khi rụng để lại vết sẹo trên thân.

Trên mỗi tàu dừa có rất nhiều lá. Lá dừa màu xanh bóng mọc xuôi theo theo hai bên cuống của tàu dừa, mỗi lá dừa lại có nhiều khía, tách lá thành nhiều mảnh nhỏ. Từ các nách bẹ, từng chùm quả mập mạp, màu trắng sữa chìa ra, biến dần thành quả có màu xanh. Quả dừa mọc thành chùm, quả tròn, phía đuôi hơi thon lại. Ngoài cùng của quả dừa là lớp xơ bao bọc, trong là cùi dừa trắng tinh, béo ngậy, nước dừa ngọt mát trong lành.

-Nơi trồng:

Cây dừa phát triển tốt trên đất pha cát và có khả năng chống chịu mặn tốt. Cây dừa rất ưa thích các nơi sinh sống có nhiều nắng và lượng mưa bình thường (750–2.000 mm hàng năm), điều này giúp dừa trở thành loại cây định cư bên các bờ biển nhiệt đới một cách tương đối dễ dàng. Bình Định là một vùng đất nắng, nóng lại có biển với đất cát nên cây dừa được trồng rất nhiều và phát triển rất mạnh. Ở đây, cây dừa mọc như rừng, ở ven sông, men theo bờ ruộng, trên sườn đồi, rải theo bờ biển… Cả một dãi đất dài của tỉnh từ thành phố Quy Nhơn đến tận Tam Quan, cây dừa được trồng bạt ngàn với nhiều loại. Nào là dừa lửa lá đỏ, vỏ hồng, dừa xiêm thấp lè tè, quả tròn nước ngọt, dừa nếp lơ lửng giữa trời, quả vàng xanh mơn mởn…



2 Công dụng của cây dừa nói chung và đối với người dân Bình Định nói riêng:

Có lẽ cây dừa là một loại cây thật đặc biệt bởi mọi bộ phận của cây đều có thể được người Việt Nam nói chung và người dân Bình Định nói riêng tận dụng, không một phần nào bị bỏ phí lại. Chính vì vậy người dân Bình Định đã cất tiếng ngợi ca:

Dừa xanh sừng sững giữa trời

Đem thân mình hiến cho cho đời thủy chung

Từ những chiếc lá dừa to đẹp được thu về để lợp nhà, để đan lại thành những món đồ thủ công mỹ nghệ được mọi người yêu thích. Thân của cây dừa được sử dụng để làm cột, làm những con cầu nhỏ bắc qua mương hay tạo ra những món đồ lưu niệm xinh xắn. Ngay cả phần rễ của cây dừa cũng được con người tận dụng để làm chất đốt hoặc thuốc nhuộm. Rồi những bông dừa già cũng được người dân thu hoạch về để trang trí, củ hủ dừa (hay đọt dừa non) được sử dụng để chế biến thành các món ăn lạ miệng giàu giá trị dinh dưỡng...

Thế nhưng, trên cây dừa phần có giá trị nhất có thể nói chính là những trái dừa. Những trái dừa tươi ngon nhất thường được dùng để lấy nước - một thứ nước giải khát tự nhiên vô cùng có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho hệ tiêu hoá cũng như giải nhiệt nhanh chóng trong những ngày hè oi bức. Với những trái dừa khô và già hơn, người ta thường sử dụng phần cùi của nó. Cùi dừa được dùng để chế biến các món kho hay đồ xôi, sử dụng làm các loại mứt không thể thiếu trên bàn tiếp khách của mỗi gia đình ngày Tết. Cùi dừa còn được sử dụng để làm sữa dừa, kẹo dừa, chiết lấy dầu hay làm xà phòng. Sau đó, phần bã cùi dừa người ta cũng chẳng vứt đi mà tận dụng để làm phân bón hay một loại thức ăn giàu chất béo cho gia súc. Ngay đến phần vỏ cứng của trái dừa cũng được giữ lại để sử dụng làm các mặt hàng thủ công tinh xảo rất được ưa chuộng.

Sống gắn bó và rất mực thủy chung với người, cây dừa là niềm kiêu hãnh của người dân Bình Định. Cây dừa còn tạo nên vẻ đẹp cho cảnh quan nơi đây. Hàng dừa xanh tạo thành hành lang tự nhiên có mái che nhất là ở Tam Quan- Hoài Nhơn. Đi trong làng rợp mát bóng dừa, gió đầy nắng vờn trên ngọn lá. Không gian tràn ngập tiếng chim, hối hả gọi nhau qua những tàu lá dừa phất phới. Bóng dừa còn làm cho các cô gái nơi đây có làn da trắng mịn.

Cây dừa còn đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Những bức tranh về làng quê, những bài hát quê hương hay có hình ảnh cây dừa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có một bài thơ về cây dừa thật đặc sắc:

Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu

Dang tay gọi gió, gật đầu gọi trăng

Thân dừa bạc phếch tháng năm

Quả dừa đàn lợn con nằm trên cao

Kết luận:

Cây dừa ngày nay vẫn là một trong những nét đặc trưng của các vùng quê miền ven biển. Bờ biển trong xanh cùng hàng dừa sai trái là hình ảnh làm nên thương hiệu cho biển nước ta trong đó có tỉnh Bình Định. Cây dừa sẽ mãi theo con người Việt Nam nói chung và con người Bình Định nói riêng trong cuộc sống tương lai.
 
145
3
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top