Đề cương Trọng tâm kiến thức truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài - Triều Anh

Đề cương Trọng tâm kiến thức truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài - Triều Anh

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
f14d6a340bf8d3a68ae9.jpg

Ảnh: Triều Anh

VỢ CHỒNG A PHỦ

Tô Hoài

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả


- Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại.

- Ông có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau của đất nước.

2. Xuất xứ tác phẩm

Vợ chồng A Phủ (1952) là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc, in trong tập truyện Tây Bắc (1953). Tập truyện được tặng giải nhất - Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955.

3. Tóm tắt tác phẩm

Mị, một cô gái xinh đẹp, yêu đời, có khát vọng tự do, hạnh phúc bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Lúc đầu Mị phản kháng nhưng dần dần trở nên tê liệt, chỉ "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Đêm tình mùa xuân đến, Mị muốn đi chơi nhưng bị A Sử (chồng Mị) trói đứng vào cột nhà. A Sử đi chơi ngày tết, cậy thế con quan phá những cuộc chơi, bị A Phủ đánh. A Phủ bị bắt, bị phạt vạ và trở thành kẻ ở trừ nợ cho nhà thống lí. Vì không may để hổ vồ mất một con bò, A Phủ đã bị đánh, bị trói đứng vào cọc đến gần chết. Mị đã cắt dây trói cho A Phủ, hai người chạy trốn đến Phiềng Sa. Mị và A Phủ trở thành vợ chồng và đã giác ngộ, trở thành du kích.

II. ĐỌC- HIỂU VĂN BẢN

1. Nội dung

a. Nhân vật Mị

- Cuộc sống thống khổ:
Mị vốn là cô gái trẻ, đẹp, yêu đời nhưng vì món nợ truyền kiếp, bị bắt làm “con dâu gạt nợ” nhà thống lý Pá Tra, bị đối xử tàn tệ, mất ý thức về cuộc sống.

+ Mị đau khổ khi phải sống với kẻ mà mình không yêu: “có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”, thậm chí Mị còn định ăn lá ngón để giải thoát nhưng vì thương cha già phải chịu nhiều khổ não nên đành phải nén lại tiếp tục cuộc sống.

+ Mị bị tê liệt về tinh thần:

§ Sống “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

§ Và tiếng thở dài buông xuôi: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”.

+ Mị bị đọa đày về thể xác:

§ Dù làm việc gì Mị “lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi” ª bị hành hạ bởi lao động khổ sai, cực nhục.

§ “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng” ¨ một thứ ngục thất giam cầm tù nhân – nơi giam cầm cuộc đời, tuổi trẻ và tự do của Mị.

=> Chế độ thực dân, phong kiến nghiệt ngã cùng với tư tưởng thần quyền có thể giết chết mọi ước mơ, khát vọng, làm tê liệt cả ý thức lẫn cảm xúc con người.

- Sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc:

+ Mùa xuân đến:

§ “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét dữ dội”.

§ “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ”.

§ “đám trẻ đợi Tết, chơi quay cười ầm trên sân trước nhà”.

§ “ngoài đầu núi lấp ló đã có ai thổi sáo rũ bạn đi chơi”.

§ “Mị lén lấy hũ rượu cứ uống ực từng bát”.

ª Không khí xuân đặc biệt ở Hồng Ngài đã tác động mạnh mẽ đến sự hồi sinh của Mị.

+ Mị đã thức tỉnh:

§ “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị” ª kỷ niệm sống dậy.

§ “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”ª ý thức về thời gian, ý thức về tuổi trẻ, tuổi xuân.

§ “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa, nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”ª ý thức về thân phận, về quyền sống chính đáng.

+ Mị muốn đi chơi: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”, “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”.

+ Khi bị A Sử trói vào cột, Mị “như không biết mình đang bị trói”, vẫn thả hồn theo tiếng sáo, những cuộc chơi, những đám chơi.

=> Khát vọng mãnh liệt - hiện thực phũ phàng khiến cho sức sống ở Mị càng thêm phần dữ dội.

- Sức phản kháng mạnh mẽ

+ Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị dững dưng, vô cảm: “vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Nếu A Phủ là cái chết đứng đấy cũng thế thôi".

+ Nhưng khi nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị xúc động, nhớ lại mình, đồng cảm với người (trước đó Mị cũng bị trói như thế, nước mắt chảy xuống không thể lau được), nhận ra tội ác của bọn thống trị “chúng nó thật độc ác”.

+ Mị mạnh dạn, quyết định cắt dây cởi trói giải thoát cho A Phủ và chạy theo A Phủ giải thoát cho cuộc đời mình.

=> Khi sức sống tiềm tàng trong tâm hồn nhân vật được hồi sinh, nó sẽ là ngọn lửa không thể dập tắt. Nó tất yếu chuyển thành hành động phản kháng táo bạo ở những nạn nhân của giai cấp thống trị, chính họ sẽ đứng lên chống lại cường quyền, áp bức, chống lại mọi sự chà đạp, lăng nhục, vật hóa con người để cứu lấy và giải phóng cuộc đời mình.

b. Nhân vật A Phủ

- A Phủ là người có số phận éo le, là nạn nhân của thủ tục lạc hậu và cường quyền phong kiến miền núi:

+ Mồ côi cha mẹ.

+ Lúc bé đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác.

+ Lớn lên nghèo đến nỗi không lấy nổi vợ “không có ruộng, không có bạc, A Phủ không thể lấy nổi vợ”.

+ Bị bắt, bị tra tấn tàn nhẫn và biến thành kẻ nô lệ suốt đời, suốt kiếp vì dám đánh con quan làng.

+ Bị thống lí Pá Tra trói đứng cho đến sắp chết vì sơ ý để hổ ăn mất bò.

- A Phủ là người có phẩm chất tốt đẹp:

+ Có sức khỏe phi thường, dũng cảm: “chạy nhanh như ngựa”, dám đánh con quan làng.

+ Yêu tự do, yêu lao động: lúc nhỏ “không chịu ở dưới cánh đồng thấp, A Phủ trốn lên núi”, lớn lên “cày giỏi và săn bò tót rất bạo”.

+ Có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt: vượt lên hoàn cảnh mồ côi, nghèo khó; chảy nước mắt khi bị trói; vùng lên chạy khi được Mị giải cứu.

=> Cuộc sống khổ cực đã hun đúc ở A Phủ tính cách thích tự do, gan góc, một tinh thần phản kháng mạnh mẽ.

c. Giá trị của tác phẩm

* Giá trị hiện thực:
Miêu tả chân thực số phận cực khổ của người dân nghèo, đồng thời phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi.

* Giá trị nhân đạo

- Sự cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với số phận bất hạnh của con người.

- Phê phán sâu sắc bọn chúa đất miền núi, những thế lực chà đạp con người.

- Phát hiện và trân trọng những phẩm chất cao đẹp của con người, nhất là tình yêu tự do và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người dân miền núi Tây Bắc.

- Giải phóng con người khỏi sự chà đạp, cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

2. Nghệ thuật

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật sinh động có nhiều điểm đặc sắc (A Phủ được miêu tả qua hành đồng, Mị chủ yếu khắc hoạ ở nội tâm).

- Trần thuật uyển chuyển, linh hoạt; cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên mà ấn tượng; kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo.

- Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi.

- Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ,...

3. Ý nghĩa văn bản

Tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến miền núi; đồng thời thể hiện số phận đau khổ của người dân lao động miền núi và phản ánh con đường giải phóng, ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ.

III. Tổng kết

- Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đoạ, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.

- Tác phẩm khắc hoạ chân thực những nét riêng về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.
Biên soạn: Hoàng Cung​
 
Từ khóa
a phủ nhân vật mị ôn thi 12 ôn thi thpt ôn văn tô hoà triều anh vợ chồng a phủ
2K
2
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top