Tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa luôn đan xen hài hòa qua trích đoạn “Đất Nước” - Nguyễn Khoa Điềm

Tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa luôn đan xen hài hòa qua trích đoạn “Đất Nước” - Nguyễn Khoa Điềm

Thích Văn Học
Thích Văn Học
  • Sáng tạo nội dung (content) đến từ Hà Nội
Đề bài:

Đọc đoạn trích:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những ngày tháng mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

(Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)

Phân tích đoạn trích. Từ đó, làm rõ tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa luôn đan xen hài hòa qua trích đoạn “Đất Nước” nói chung và trong đoạn thơ trên nói riêng.


Bài làm:

Ai đó đã từng nói rằng: “Nếu mỗi người không thuộc về một đất nước, một quê hương thì giống như con chim không có tổ, cái cây không có rễ”. Và ai đó cũng từng tự hỏi: “Có mối tình nào nặng sâu hơn mối tình Tổ quốc?”. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy đã có biết bao hồn thơ cất cánh. Với Nguyễn Đình Thi là hình ảnh một đất nước đau thương, căm hờn, quật khởi, vùng lên chiến đấu và chiến thắng huy hoàng. Với Lê Anh Xuân là dáng đứng “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Với Xuân Diệu là vẻ đẹp “Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi tàu rẽ sóng mũi Cà Mau”. Đặc biệt, vào cuối năm 1971 từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm một tiếng thơ hay về đề tài đất nước qua trích đoạn “Đất Nước”. Từ những cảm nghĩ về Đất Nước, tác giả đi đến những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân, qua đó làm rõ tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa được thể hiện trong đoạn trích:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những ngày tháng mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Nguyễn Khoa Điềm được coi là một trong những đại diện tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước, sớm tham gia cách mạng và từng bị địch bắt giam. Thơ ông có sức hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước. Kết tinh cho hồn thơ ấy phải kể đến “Đất Nước” - một trích đoạn thuộc chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”, viết năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Bấy giờ, phong trào đấu tranh chống Mỹ của nhân dân các đô thị miền Nam ngày càng trở nên mạnh mẽ, sôi nổi tiêu biểu là phong trào xuống đường đấu tranh của học sinh, sinh viên. Từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Nguyễn Khoa Điềm đã sáng tác trường ca “Mặt đường khát vọng” để góp thêm tiếng thơ hay về đất nước, để lay động và thức tỉnh ý thức trách nhiệm của mỗi người đặc biệt là của tuổi trẻ đối với quê hương, dân tộc.
Tiếp tục với dòng chảy của cảm xúc, Nguyễn Khoa Điềm có viết trong những áng thơ của mình:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”

Tác giả đã có những cảm nhận rất sâu sắc về đất nước. Đất nước không ở đâu xa mà hiện diện trong mỗi chúng ta. Điệp ngữ “cầm tay” được nhắc lại hai lần, thể hiện một tình cảm đẹp: khi hai đứa “cầm tay” là khi hai đứa hiểu nhau, yêu thương nhau và Đất Nước cũng như đẹp thêm, hài hòa thêm “Đất Nước hài hòa nồng thắm”. Nói cách khác, tình yêu của anh và em đã hòa vào tình yêu Tổ quốc.

“Anh yêu em như anh yêu Đất Nước
Vất vả gian lao tươi thắm vô ngần”
(Nguyễn Đình Thi)

Trong anh, trong em, trong mọi người đều có một phần đất nước. Để rồi khi chúng ta cầm tay mọi người thì “Đất Nước vẹn tròn to lớn” một đất nước lớn lao, cao cả, thiêng liêng và cũng chính đất nước đã gắn kết cả một cuộc đời dân tộc “nơi dân mình đoàn tụ”. Cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm khiến đất nước gắn kết, tạo mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cái riêng với cái chung và lớn hơn nữa là cả các thế hệ với nhau. Như vậy đất nước được cụ thể hóa bằng những hình ảnh thơ gợi cảm mà ẩn sâu trong đó là lời kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc.

Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm đến khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”

Giọng thơ tha thiết, sâu lắng với tiếng gọi “Em ơi em” như một hình thức tâm tình của đôi lứa yêu nhau tạo những lời thơ bay bổng, thấm thía mà cũng chính là lời tự nhủ, lời tự dặn mình. Nguyễn Khoa Điềm đã thơ hóa những vấn đề chính trị, khiến cho tính chính luận không hề khô khan, không còn mang màu sắc giáo huấn mà là lời tự nhủ, tự dặn chân thành xuất phát từ trái tim. Tác giả lại đưa ra những cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước trong câu thơ: “Đất Nước là máu xương của mình”. Có những tượng đài bất tử về đất nước xuất hiện trong thi ca nhưng khi nói đất nước về đời người thì có lẽ chỉ có Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước không ở đâu xa, đất nước hóa thân kết tinh, hiện diện trong sự sống, cuộc đời của mỗi người. Chính vì thế, nghệ thuật điệp cấu trúc “phải biết” đã nhấn mạnh, khắc sâu ý thức về trọng trách của mỗi người. Tuy nhiên, với lời thơ ngân vang, giọng thơ tha thiết, tác giả khiến cho người đọc cảm thấy rằng đây không phải là mệnh lệnh mà chính là tinh thần tự giác một cách cao nhất, mệnh lệnh từ trái tim của “những người biết yêu thương tha thiết” nhưng cũng rực lửa căm thù. Hàng loạt những động từ “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” xuất hiện dồn dập ở mức độ tăng tiến lại càng khơi dậy khát vọng, lí tưởng sống, lẽ sống cao đẹp đối với đất nước: Phải biết cống hiến, hy sinh, hóa thân vào dáng hình xứ sở, quê hương, đất nước để tạo nên một đất nước trường tồn đến ngàn đời sau. Tới đây ta chợt nhớ đến tình cảm của Xuân Diệu, một tình yêu Tổ quốc đến tột cùng tồn tại nơi “dòng huyết chảy”:

“Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông
Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”
(Xuân Diệu)

Hay ở thời bình, người ta dâng hiến sức lực, mồ hôi cho tổ quốc. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc hóa thân:

“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”

Đọc những vần thơ của Nguyễn Khoa điềm ta cảm nhận được tình yêu quê hương Đất Nước và tình yêu đôi lứa luôn đan xen hài hòa. Ở trong thi phẩm Đất Nước Nguyễn Khoa điềm đã thể hiện tình yêu của mình đối với quê hương Đất Nước trên nhiều bình diện: Không gian địa lý, thời gian lịch sử, bề dày văn hóa, cốt cách tâm hồn dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm đã làm sáng lên tư tưởng cốt lõi Đất Nước của Nhân Dân đồng thời gửi gắm một tình yêu sâu sắc, mãnh liệt đối với Đất Nước. Tình yêu Đất Nước không phải một cái gì đó quá to lớn thể hiện bằng những giá trị vật chất mà đôi khi chỉ là những điều bình dị, thân thuộc gắn bó trong cuộc sống hàng ngày, tình cảm gia đình, tình yêu cội nguồn: “Cái kèo, cái cột, hạt gạo, miếng trầu, gừng cay, muối mặn, bà, cha mẹ, dân mình……”. Tình yêu Đất Nước còn gắn liền với tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh sắc quê hương Đất Nước từ không gian hẹp cho đến không gian rộng lớn, từ những cảnh sắc đời thường cho đến những di tích, danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền: “nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi dân mình đoàn tụ, núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái, Núi Bút, non Nghiên, Cửu Long….”. Ngoài ra tình yêu nước còn gắn liền với niềm tự hào về lịch sử, truyền thống cha ông, vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn, cốt cách dân tộc thấm nhuần nhận thức Nhân Dân - chủ thể sáng tạo giữ gìn và bảo vệ Đất Nước qua trường kì lịch sử: “truyền thuyết Lạc Long Quân và u Cơ, truyền thuyết vua Hùng vào ngày giỗ tổ, sự hóa thân của nhân dân vào hình sông hình bể….”. Tình yêu đất nước còn được thể hiện trong việc vận dụng hiệu quả, sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học dân gian: tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích… ngoài ra còn tình yêu nước ấy còn gắn liền với ý thức trách nhiệm với tổ quốc, tinh thần đoàn kết sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc:

“...Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”.

Tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam trong Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Chủ thể trữ tình trong Đất Nước là tiếng lòng của người con trai nói với người con gái, một người yêu nói với một người yêu, người chồng nói với người vợ nên lời trái tim chạm đến trái tim đọng lại tâm hồn và xốn xang nơi xúc cảm. Giọng điệu tâm tình thủ thỉ, vì thế triết luận về đất nước mà không khô khan, triết luận về đất nước mà vẫn đậm đà chất trữ tình. Đất Nước hiện lên vừa lớn lao, cao cả vừa bình dị gần gũi, Đất Nước có trong anh, trong em, trong mỗi chúng ta, trong mỗi kỉ niệm của tình yêu đôi lứa...:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước”

Sự sống của mỗi cá nhân luôn là sự thể hiện cụ thể sinh động hình ảnh của Đất Nước trong mọi giá trị, mỗi con người Việt Nam luôn thừa hưởng, tiếp nối và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần, vật chất của cộng đồng từ hạt gạo ta ăn, ngôi nhà ta ở, ngôn ngữ ta trò chuyện tâm tình, những đạo lý nghĩa tình khi ứng xử….Cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ gắn bó máu thịt với đất nước, hài hòa, gắn kết giữa tôi và ta, riêng và chung, cá nhân và cộng đồng:

“Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn”

Hình ảnh cầm tay là sự biểu hiện cụ thể của mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Tiếp nhận những giá trị bền vững thiêng liêng trong đời sống tinh thần, tình cảm mấy nghìn năm của Đất Nước, tình yêu lứa đôi của anh và em luôn hài hòa nồng thắm thủy chung son sắt gắn kết với tình cảm cộng đồng tạo nên sự vẹn tròn to lớn. Tương lai hạnh phúc của lứa đôi nằm trong tương lai hạnh phúc của Đất Nước:

“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa”

Để làm nên những thành công trong đoạn thơ trên Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng rất nhiều những thủ pháp nghệ thuật mà tiêu biểu như bằng giọng văn trữ tình kết hợp với chính luận; bằng cách sử dụng câu cầu khiến, điệp ngữ “cầm tay”, “phải biết - phải biết” nhắc lại hai lần cùng các động từ mạnh “gắn bó, san sẻ, hóa thân” …nhà thơ như nhắn nhủ mình, nhưng cũng là nhắn nhủ với mọi người nhất là thế hệ trẻ về trách nhiệm thiêng liêng của mình với đất nước. Cái hay là lời nhắn nhủ mang tính chính luận nhưng lại không giáo huấn mà vẫn rất trữ tình, tha thiết như lời tự dặn mình - dặn người của nhà thơ.

“Đất Nước” là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Đặc biệt là đoạn thơ trên đã nhắc nhở ta ý thức trách nhiệm đối với Đất Nước. Những năm tháng hào hùng của dân tộc gắn bó trong những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm đến vậy. Và tư tưởng mà Nguyễn Khoa Điềm truyền tải đến người đọc chẳng phải giống như Nguyễn Đình Thi đã từng ghi lại trong một thi phẩm của mình hay sao:

“Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.”

Nguồn: Sưu tầm
 
Từ khóa
con người việt nam mặt đường khát vọng nguyễn khoa điềm nha tho que huong tình yêu lứa đôi tình yêu đất nước đất nước
659
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top