CẢM NHẬN, PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU HOÀN CHỈNH 9 CÂU ĐẦU ĐOẠN TRÍCH "ĐẤT NƯỚC"

CẢM NHẬN, PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU HOÀN CHỈNH 9 CÂU ĐẦU ĐOẠN TRÍCH "ĐẤT NƯỚC"

Jenny Lục Ngạn
Jenny Lục Ngạn
Cảm nhận về đoạn thơ sau trong đoạn trích “Đất nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

(Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr.118)


I. MỞ BÀI
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tk mở bài chung
- Giới thiệu yêu cầu của đề bài:


II. THÂN BÀI

1. Khái quát

1.1. Hoàn cảnh và mục đích sáng tác
Trường ca “ Mặt đường khát vọng” viết năm 1971 tại chiến khu Trị- Thiên, giữa không khí sục sôi chống Mĩ của cả dân tộc và được in lần đầu năm 1974. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, giúp họ thấy được vai trò, sứ mệnh của thế hệ mình, từ đó xuống đường đấu tranh hoà nhịp với cuộc kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc.

1.2. Nội dung đoạn trích “Đất nước"
Đất Nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận rất riêng về đất nước nên hình ảnh đất nước, Tổ quốc hiện lên văn học thật muôn màu muôn vẻ. Các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm thường thể hiện vẻ đẹp đất nước bằng những hình ảnh hoành tráng, kỳ vĩ, mỹ lệ hay gắn đất nước với một thời điểm lịch sử cụ thể. Điển hình như Nguyễn Đình Thi đã viết về đất nước bằng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

(Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi)

Hoàng Cầm gắn hình ảnh đất nước với cuộc kháng chiến chống Pháp:

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì

(Bên kia Sông Đuống - Hoàng Cầm)

Nguyễn Khoa Điềm khi viết về đất nước đã thể hiện những cảm nhận rất mới mẻ, sâu sắc. Nhà thơ đã chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc; giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lối trò chuyện thân mật; hình ảnh và ngôn từ giản dị mang đậm màu sắc dân gian và viết về đất nước trong một không gian và thời gian rộng. Từ chỗ cảm nhận đất nước ở ba chiều là chiều dài về lịch sử, chiều rộng về địa lí và chiều sâu về văn hóa phong tục nhà thơ đi đến khẳng định tư tưởng có tính then chốt: Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân".

1.3. Bố cục Đoạn trích gồm hai phần:
- 42 câu đầu: Cảm nhận về đất nước trong tính toàn vẹn ở các phương diện nhiều mặt: địa lý, lịch sử, văn hoá, tâm hồn và lối sống.Từ đó nhà thơ khơi gợi ý thức trách nhiệm của mỗi người với đất nước.
- 46 dòng cuối: Tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

2. Phân tích đoạn thơ
2.1. Giới thiệu đoạn thơ
Đoạn thơ gồm 9 câu thơ đầu này là những cảm nhận ban đầu của nhà thơ về Đất nước và để trả lời cho các câu hỏi: Đất nước có tự bao giờ? Đất nước tồn tại ở đâu? và quá trình lớn lên của đất nước như thế nào?

2.2. Hai câu thơ đầu: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi.
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể.
Cội nguồn thiêng liêng của Đất nước (Đất nước có tự bao giờ)
Trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ, tác giả đi tìm sự lý giải về sự sinh thành của đất nước để trả lời cho câu hỏi "Đất nước có từ bao giờ?". Với cách mở đầu rất tự nhiên, nhà thơ khẳng định đất nước đã có từ trước khi ta sinh ra, khi ta lớn lên và biết nhận thức về thế giới quanh mình thì đất nước “đã có rồi”. Không thể trả lời chính xác rằng đất nước có tự bao giờ, Nguyễn Khoa Điềm đã mượn cách mở đầu của truyện cổ tích "ngày xửa, ngày xưa" để nói về cội nguồn của đất nước. Vận dụng ngôn từ một cách độc đáo, sáng tạo, nhà thơ không chỉ cho thấy đất nước chắc chắn đã có từ cái thuở xa lắc xa lơ nào đó, từ rất lâu đời mà còn gợi ra một không gian cổ tích, thần thoại, khiến cội nguồn đất nước trở nên thiêng liêng, kì diệu. Đất nước mình là đất nước của một nền văn học dân gian đặc sắc với biết bao câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Chính những câu chuyện cổ và những bài hát ru thuở ta còn nằm nôi là nguồn sữa ngọt lành chăm bẵm tâm hồn cho ta để lớn lên ta biết yêu đất nước con người. Về ý nghĩa của truyện cổ với đời sống tinh thần con người, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xúc động mà viết nên:
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần
(Truyện cổ nước mình)
Năm chữ “Đất Nước đã có rồi” và bốn chữ "ngày xửa, ngày xưa" vang lên đầy tự hào góp phần khẳng định sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long
(Huỳnh Văn Nghệ)

2.3. Bảy câu thơ: Đất nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn
... Đất nước có từ ngày đó
Đất nước rất gần gũi thân thiết với mỗi con người (Đất nước tồn tại ở đâu?)
Khi nói về đất nước người ta cũng thường đặt ra các câu hỏi như "Đất nước là gì?" và "Đất nước tồn tại ở đâu?" và rồi thường tự cho rằng đất nước là cái gì đó cao siêu, trừu tượng khó định nghĩa và khó nắm bắt. Nhưng ở đoạn thơ này Nguyễn Khoa Điềm đã cho chúng ta thấy đất nước thiêng liêng, kì diệu nhưng không ở đâu xa, trái lại gần gũi, thân thiết đến bất ngờ.
* Đất nước là những người thân yêu nhất: Đất nước không ở đâu xa mà là những người thân yêu nhất như bà, cha và mẹ. Là hình ảnh người bà với "miếng trầu bà ăn", là hình ảnh người mẹ với "câu chuyện mẹ kể" và "tóc mẹ thì bới sau đầu", là cả cha và mẹ trong câu thơ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Không phải ngẫu nhiên khi viết về đất nước nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại ba lần nhắc đến hình ảnh người mẹ và nhiều nhà thơ khác cũng thường so sánh hình ảnh đất nước, tổ quốc với hình ảnh người mẹ. Hình ảnh tổ quốc trở thành mĩ từ thật đẹp trong thơ Chế Lan Viên khiến tác giả cho rằng mình đã đi nhưng cần vượt nữa để được gặp lại bà mẹ tổ quốc: "Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương". Nhà thơ Tố Hữu lại liên tưởng đất nước giống như hình ảnh bà mẹ gánh gồng, tảo tần:
Việt Nam, Ôi tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, người đẹp hơn nhiều,
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng,
Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng".
(Chào xuân 67 - Tố Hữu)
* Đất nước là những gì bình thường, bình dị nhất xung quanh cuộc sống của mỗi con người: Đất nước không cao siêu trừu tượng mà có thể đơn giản là câu chuyện mẹ kể, miếng trầu bà ăn, có trong những phong tục tập quán, trong cái kèo cái cột, thậm chí có trong những thứ nhỏ bé như hạt gạo...
- Đất nước gắn với những phong tục, tập quán từ bao đời của người Việt Nam như tục ăn trầu, tục bới tóc sau đầu:
+ Tục ăn trầu: Hình ảnh miếng trầu từ xưa đến nay rất quen thuộc với bao nhiêu thế hệ người Việt Nam. Người Việt Nam có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Miếng trầu không chỉ xuất hiện trong các dịp ăn hỏi, cưới xin, hội hè, ma chay... mà còn được dùng mời khách đến nhà để tỏ lòng hiếu khách. Hình ảnh “miếng trầu” cũng là một hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ từng xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, trong ca dao, thơ ca...
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
(Mời trầu - Hồ Xuân Hương)
Miếng trầu trở thành hiện thân của tình yêu thương, lòng thủy chung, son sắc trong tâm hồn dân tộc. Đất Nước có trong “miếng trầu bây giờ bà ăn” gợi nhắc phong tục ăn trầu của người Việt, gợi nhớ về câu truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” được xem là xưa nhất trong những câu truyện cổ. Như vậy, trong miếng trầu dung dị ấy là mấy ngàn năm văn hóa, văn hiến của đất nước. Từ phong tục ăn trầu, người Việt còn có tục nhuộm răng đen:
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Hoàng Cầm)
+ Tục bới tóc sau đầu: Câu thơ "Tóc mẹ thì bới sau đầu" không chỉ gợi tả một nét đẹp thuần phong mỹ tục lâu đời của người Việt mà còn làm hiện lên hình ảnh người mẹ với búi tóc sau gáy, làm nổi bật vẻ đẹp dịu dàng, đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam.
- Đất nước còn có trong đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc, có trong tình nghĩa sâu nặng của cha và mẹ: "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Có lẽ câu thơ về tình nghĩa sâu nặng ấy được gợi ý từ một câu ca dao đẹp:
“Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được vận dụng một cách đặc sắc, nhẹ nhàng mà thấm đượm biết bao ân tình. Nó gợi lên được ân nghĩa thủy chung ở đời: gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau lâu năm thì tình nghĩa càng son sắc, mặn nồng.

2.4. Hai câu thơ: Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
và: Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã, giần, sàng
Đất nước lớn lên, trưởng thành
- Không dừng lại ở ở việc tìm về cội nguồn, sự tồn tại mà nhà thơ còn nỗ lực hình dung quá trình lớn lên, trưởng thành của đất nước. Phải chăng, khởi thủy và quá trình lớn lên của Đất nước là văn hóa được kết tinh từ tâm hồn và tính cách anh hùng của con người Việt Nam. Để nói hết được những điều đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc đến hình ảnh cây tre, vốn từ lâu đã trở nên quen thuộc trong tâm thế của mỗi người Việt Nam:
"Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín"
(Cây tre Việt Nam - Thép Mới)
Hình ảnh cây tre đã đi vào truyền thuyết Thánh Gióng với người anh hùng nhổ tre đánh giặc. Hai chữ “lớn lên” gợi liên tưởng đến hình ảnh chú bé làng Ngà mới lên ba vươn vai thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt khi Đất Nước bị giặc Ân xâm lược. Cây tre vì thế đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần dân tộc quật cường đánh giặc cứu nước và giữ nước. Cây tre còn trở thành biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam thật thà chất phác, cần cù, chăm chỉ, đôn hậu thuỷ chung, yêu chuộng hoà bình... Bởi vì:
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
(Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

Câu thơ "Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc" như vậy đã thể hiện quá trình lớn lên của đất nước. Đất nước lớn dần lên trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ bờ cõi, trong những cuộc trường chinh không ngừng nghỉ của cha ông trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.
- Đất nước còn bắt đầu và lớn mạnh dần lên trong quá trình lao động lam lũ, vất vả để làm ra hạt lúa, hạt gạo, làm ra những giá trị vật chất cho đất nước thể hiện rõ qua câu thơ "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng". Thành ngữ "Một nắng, hai sương" đã cho thấy đất nước lớn lên trong nhọc nhằn, lam lũ. Các động từ “Xay - giã - giần - sàng” là những hoạt động trong quy trình sản xuất ra hạt gạo. Để làm ra hạt gạo ta ăn hằng ngày, người nông dân phải trải qua bao nắng sương vất vả gieo cấy, xay giã, giần sàng. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là mồ hôi vị mặn nhọc nhằn của người nông dân. Bởi vậy, ăn hạt gạo dẻo thơm ta phải nhớ công ơn người đã làm ra nó:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
(Ca dao)
Cũng vì vậy mà nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận và khái quát quá trình đi lên đầy gian lao của đất nước:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
(Mùa xuân nho nhỏ-Thanh Hải)

3. Đánh giá về nội dung và nghệ thuật

Để viết nên những vần thơ có sức lay động thực sự, có khả năng vượt qua mọi định luật băng hoại của thời gian không thừa nhận cái chết(Satưkhốp Sêđrin), nhà thơ phải vừa có tài năng và tâm huyết, vừa đắm mình vào cuộc đời, vừa không ngừng tìm tòi khám phá, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Một nhà thơ nước ngoài đã từng thấm thía giá trị cao quí của lao động thi ca:
“Phí tổn ngàn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”
Nhà thơ phải “trả giá cắt cổ” cho ngôn ngữ thơ ca nếu muốn những vần thơ ấy trở nên bất tử. Lao động nghệ thuật là hình thức lao động của trí óc và trái tim. Phải có những rung động mãnh liệt trước cuộc đời và những khám phá, sáng tạo độc đáo ta mới có thơ ca chân chính. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bằng rung cảm mãnh liệt, sự tâm huyết và tài năng nghệ thuật đặc biệt đã sử dụng một cách đầy sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học dân gian như: sử dụng cách mở đầu của chuyện cổ tích, sử dụng thành ngữ, nhắc đến các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, hình ảnh ca dao, phong tục tập quán để thể hiện quan niệm đất nước rất gần gũi thân thiết với mỗi con người. Những cấu trúc được lặp đi lặp lại như "Đất nước có từ...", "Đất nước có trong...", "Đất nước bắt đầu...", "Đất nước lớn lên..." góp phần thể hiện quá trình sinh thành, tồn tại và lớn lên của đất nước, trải qua thời gian và trong tiềm thức của con người. Cùng với thể thơ tự do, phóng túng, câu thơ dài ngắn không đều; ngôn từ, hình ảnh giản dị, gần gũi; nhịp điệu linh hoạt; chất trữ tình kết hợp với chất chính luận, cảm xúc kết hợp với suy tưởng đã tạo nên những câu thơ hấp dẫn, cảm động... Những đặc sắc nghệ thuật này đã tạo ra vẻ đẹp riêng cho thơ Nguyễn Khoa Điềm và thể hiện sâu sắc hơn những cảm nhận sâu sắc, mới mẻ, độc đáo của ông về đất nước. Đoạn trích "Đất nước" giúp chúng ta thấy yêu và gắn bó hơn với quê hương, đất nước mình. Từ đó ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với đất nước.

St
 
Từ khóa
nguyễn khoa điềm que huong đất nước
  • Like
Reactions: Thích Văn Học
2K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top