Đề 1: Cảm nhận 4 khổ thơ đầu “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”- Phạm Tiến Duật.

Đề 1: Cảm nhận 4 khổ thơ đầu “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”- Phạm Tiến Duật.

hưnga
hưnga
1. MB:

- Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ khắc họa hình tượng chiếc xe không kính và vẻ đẹp của nguời chiến sĩ lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Điều đó thể hiện rõ qua 4 khổ thơ đầu của bài.

(trích thơ)

2. TB:

* Khái quát chung:

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ diễn ra cam go, ác liệt. Bom Mĩ ngày đêm dội lên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch.

- Xuất xứ: Bài thơ được sáng tác năm 1969 (trong thời kì kháng chiến chống Mĩ), in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”.

- Vị trí + khái quát đoạn thơ: Đoạn thơ là 4 khổ thơ đầu của bài. Tác giả tập trung miêu tả hình ảnh những chiếc xe không kính. Qua đó làm nổi bật vẻ đẹp của những người chiến sĩ lái xe: có phong thái ung dung tự tại, dũng cảm, kiên cường bất chấp mọi khó khăn gian khổ…

* LĐ 1: Đoạn thơ đã khắc họa chân thực hình ảnh chiếc xe không kính:

Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi.

- Xe không kính là một hình ảnh quen thuộc, thường thấy ở tuyến lửa Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Nhưng trong thơ ca thì có lẽ đây là lần đầu hình ảnh ấy xuất hiện.

- Ở hai câu thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả rất thực bằng giọng thơ giàu chất khẩu ngữ giống như lời ăn tiếng nói hàng ngày.

- Nghệ thuật điệp ngữ với các từ phủ định “không” được lặp lại nhiều lần, tác giả đã khẳng định bản thân chiếc xe này là có kính.

- Với các động từ mạnh “giật, rung”, điệp ngữ “bom” lặp lại hai lần lời thơ giúp ta thấy được chính bom đạn của chiến tranh đã tàn phá khiến cho những chiếc xe vận tải vốn nguyên vẹn, lành lặn giờ đây trở thành không kính.

- Qua hình ảnh chiếc xe không kính, tác giả đã nhấn mạnh tính chất gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

* LĐ 2: Trong gian khổ ấy, người chiến sĩ lái xe càng tỏa sáng nhiều phẩm chất cao đẹp. Trước hết, người lính có tư thế hiên ngang, bình tĩnh, tự tin giữa chiến trường.

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

+ Biện pháp đảo ngữ đưa từ láy “ung dung” lên đầu câu gợi thái độ ung dung, đường hoàng, bình thản của những người lính.

+ Điệp từ “nhìn” được nhắc lại ba lần cùng với nhịp thơ dồn dập, giọng thơ mạnh mẽ đã thể hiện cái nhìn khoáng đạt, bao la giữa chiến trường.

+ Nghệ thuật liệt kê “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” đã làm nổi bật tư thế vững vàng, chủ động của người chiến sĩ trước mọi hoàn cảnh. Họ nhìn thẳng vào bom đạn của kẻ thù, nhìn thẳng vào con đường đang bị bắn phá để lái xe vượt qua.

- Câu thơ giúp ta cảm nhận được người chiến sĩ sẵng sàng đối diện với gian khổ mà không hề né tránh, không hề run sợ.

+ Tư thế ung dung, hiên ngang của người lính lái xe ra trận được khắc họa thêm đậm nét qua những hình ảnh hòa nhập vào thiên nhiên:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.

- Tác giả đã mở ra một không gian rộng lớn với những con đường dài phía trước, có gió thổi, có cánh chim chiều và cả những ánh sao đêm. Dường như thiên nhiên vũ trụ như đang ùa vào buồng lái.

+ Điệp ngữ “nhìn thấy…nhìn thấy…thấy” đã gợi tả được những đoàn xe không kính nối đuôi nhau hành quân ra chiến trường.

+ Chiếc xe không kính khiến người chiến sĩ đối diện với bao khó khăn gian khổ mà trước hết là bị gió tạt thẳng vào mắt. Hình ảnh nhân hóa “xoa mắt đắng” thể hiện tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn của người lính lái xe.

+ Hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” gợi liên tưởng đến những chiếc xe phóng với tốc độ nhanh như bay. Lúc đó, giữa các anh với con đường dường như không còn khoảng cách, khiến các anh có cảm giác con đường như đang chạy thẳng vào tim.

+ Từ láy “đột ngột”, hình ảnh so sánh “như sa, như ùa vào buồng lái” đã diễn tả thật tài tình về tốc độ phi thường của tiểu đội xe không kính khi ra trận. Cả một bầu trời đêm như ùa vào buồng lái. Giữa chiến trường ác liệt người chiến sĩ vẫn mở rộng tâm hồn để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên. Câu thơ đã cho ta thấy người chiến sĩ có tâm hồn mơ mộng, lãng mạn.

=> Có thể nói, hiện thực chiến trường trong khổ thơ trên được miêu tả chính xác đến từng chi tiết. Và đằng sau hiện thực đó là một tư thế, một bản lĩnh chiến đấu ung dung, vững vàng của người lính trước những khó khăn, khốc liệt của cuộc kháng chiến.

* LĐ 3: Người chiến sĩ lái xe luôn lạc quan, yêu đời, anh dũng, kiên cường, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy.

Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.



Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

- “Gió”, “bụi”, “mưa” là những hình ảnh tượng trưng cho những gian khổ nơi chiến trường. Hết gió lại đến mưa, đến bụi, khó khăn chồng chất khó khăn. Đường Trường Sơn hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa khô bụi bay mù trời, mùa mưa đường trơn ngập cả bánh xe như thử thách bản lĩnh người chiến sĩ.

- Tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh: “Bụi phun tóc trắng như người già” và “Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” với các động từ mạnh “phun, tuôn, xối” đã diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến trường…

- Gian khổ là thế mà các anh vẫn phì phèo châm điếu thuốc, vẫn mặc kệ trời mưa lái trăm cây số nữa.

- Cấu trúc lặp: “không có…ừ thì” đi liền với kết cấu phủ định “chưa cần” đã nhấn mạnh thái độ bất chấp khó khăn, coi thường gian khổ của những chiến sĩ lái xe.

=> Với ngôn ngữ giản dị, giọng điệu thản nhiên, hóm hỉnh tác giả làm nổi bật tính cách trẻ trung, ngang tàng, tinh thần lạc quan và bản lĩnh kiên cường bất chấp mọi khó khăn thử thách của người chiến sĩ lái xe trên con đường huyết mạch Trường Sơn.

* LĐ chốt:

- Đoạn thơ không chỉ hay về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật.

- Thành công của tác giả là sử dụng thể thơ tự do dễ dàng bộc lộ cảm xúc, cảm hứng hiện thực kết hợp lãng mạn khai thác chất thơ từ hiện thực khốc liệt của cuộc kháng chiến. Giọng thơ sôi nổi, trẻ trung đậm tính khẩu ngữ, ngôn ngữ bình dị cùng các biện pháp tu từ điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ, liệt kê…

- Với những nghệ thuật đó, tác giả đã tái hiện một cách chân thực cuộc kháng chiến Mĩ ác liệt qua hình ảnh chiếc xe không kính. Đồng thời đoạn thơ còn ca ngợi vẻ đẹp của người lính lái xe: bình tĩnh, tự tin, lạc quan yêu đời, anh dũng kiên cường bất chấp mọi gian khổ. Và đó cũng là vẻ đẹp chung của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

3. Kết bài:

- Khép lại trang thơ mà dư âm của nó còn vang mãi trong lòng người đọc.

- Ta còn nhớ mãi hình ảnh chiếc xe không kính trần trụi, biến dạng dưới bom đạn kẻ thù.

- Ta còn ấn tượng về hình ảnh người chiến sĩ lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn với những vẻ đẹp đáng tự hào.

- Là thế hệ trẻ, chúng ta cần tích cực học tập, rèn luyện để viết tiếp trang sử vàng dân tộc, xứng đáng với truyền thống cha anh.
 
167
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top