Nhà Nhà - Nơi tôi được đổ đầy yêu thương - Hạ Vân

Nhà Nhà - Nơi tôi được đổ đầy yêu thương - Hạ Vân

Hạ Vân
Hạ Vân
  • Thành Viên 31
Nơi tôi được đổ đầy yêu thương

Hồi nhỏ tôi đã từng rất thích vẽ khi thấy những bức tường vẽ những khối màu cá tính, sặc sỡ, đậm nét trên con đường đi học về. Tôi đã từng mơ ước mình cũng sẽ trở thành một họa sỹ tự do như các anh chị ấy. Được thoải mái rong ruổi khắp nơi thể hiện những niềm cảm hứng của mình. Rồi thi thoảng dừng chân lại một nơi nào đó, hay một đất nước nào đó. Có nhiều tiền thì có thể mở một hai triển lãm tại nơi đó, không nhiều tiền thì thăm thú các triển lãm tại nơi đó. Tôi đã từng thấy mình thật hạnh phúc trong những giấc mơ ấy.

Bố tôi - Văn học trẻ.jpg


Ấy vậy mà lớn lên tôi bỗng trở thành người nhát cáy từ khi nào. Trở thành một cô gái mà lúc nào cũng tuân thủ và nghe lời, nghiêm túc một cách nghiêm trọng hóa. Lấy một tấm bằng cử nhân đại học một chuyên ngành sư phạm , trở về quê nhà công tác tại một trường học. Rồi đến kỳ thi công chức, cũng ứng tuyển chuẩn bị hồ sơ giấy tờ đủ kiểu để tham gia kỳ thi. Mọi thứ như được sắp sẵn, an bài rồi, chỉ chờ thời gian để tôi được thực hành việc đó. Ước mơ ngọt ngào hồi nhỏ của tôi bay biến từ lúc nào. Thay vào đó, tôi thực hiện mơ ước cho bố mẹ mình, đáp ứng được mong mỏi của bố mẹ. Tôi chưa bao giờ ghét bố mẹ vì điều đó. Tất cả mọi sắp xếp của bố mẹ cũng là sự ưng lòng, đồng ý với tôi. Tôi tự biết rằng ngành học của mình, tự biết rằng mơ ước cô giáo của mình cũng có thể tự do, có thể hạnh phúc. Niềm tin của tôi càng vững chắc khi mỗi giờ lên lớp là một niềm vui khi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh háo hức của các em. Khi trên các trang mạng xã hội tôi gây dựng cho các em trao đổi kiến thức càng ngày càng nổi tiếng. Khi các kênh truyền thông, những bài giảng online của tôi được các em ủng hộ hết mình. Tôi tin rằng mình cũng đạt được ước mơ của chính mình theo một cách nào đó rồi.

Mọi thứ gần như hoàn hảo khi kì thi công chức sắp tới. Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý, khá tự tin về chuyên môn. Kiến thức nằm lòng trong tay. Còn khoảng mười ngày nữa đến kì thi quan trọng đó. Bố nói với tôi : “ Con cùng bố đến nhà ông này”. Rồi bố kể, rằng đó là nhà ông quan chức có tiếng ở tỉnh này, dường như mọi người đạt kết quả như mong muốn trong kì thi này đều phải qua ông ấy phê duyệt. Thế nên bố muốn tôi qua trò chuyện và gọi là “ có tí quà” hỏi thăm ông ta. Tôi có chút sửng sốt. Tôi vốn biết chuyện này là đương nhiên trong mỗi kì thi. Nhưng với tâm lý của một người như tôi thà rằng làm hợp đồng cả đời còn hơn xin cầu cạnh người nào đó như vậy. Tôi còn lưỡng lự hỏi bố:
- Vậy số tiền bố định đưa cho ông ấy là bao nhiêu ?
- Cũng không nhiều lắm , khoảng mấy trăm triệu thôi. – Bố tôi buồn buồn đáp.

Mấy trăm triệu, con số đó làm tôi ù tai đi. Bố tôi lấy đâu ra được nhiều tiền như vậy? Lương của bố mỗi tháng cũng chỉ có năm sáu triệu, còn không đủ thu chi trong gia đình. Vậy mà bố gom một trăm triệu đi xin việc cho tôi. Bố nói, đó là “giá chung”, những người đi trước, ai cũng thế rồi. Tôi thật không hiểu, ở một vùng quê nghèo như này, sao lại có chuyện như thế được. Một chuyên ngành như tôi, vốn đã và đang thiếu giáo viên trầm trọng. Huống hồ tôi còn tốt nghiệp bằng chính quy, nhiệt huyết muốn về quê xây dựng nền giáo dục cho các em cho bằng các nơi khác trong nước. Cái ước mơ của tôi có lẽ nó quá ngây thơ chăng? Tôi còn nghĩ rằng tôi sẽ được mời nếu ngỏ ý muốn về nơi đây công tác. Vậy mà giờ đây, tôi cũng giống như bao người ngoài kia, cũng phải kê chân lót gối mới có thể làm một việc tưởng chừng đơn giản đó. Tôi nói bố cho con suy nghĩ hai ngày. Trằn trọc hai đêm , nỗi uất ức khiến giọt nước mắt lăn dài. Giá mà tôi không về đây công tác thì tôi cũng được giữ lại trường đại học, học thêm một hồi nữa, rồi làm giảng viên ở đó. Nhưng tôi không đành, nhà chỉ có mình tôi. Bố mẹ lại hay đau ốm, tôi không yên tâm. Hơn nữa bố mẹ thương tôi một mình xa nhà, nên chỉ muốn con được đi làm gần nhà, để bố mẹ yên tâm hơn. Ngày tôi quyết định về làm ở nhà, bố đã vui sướng biết nhường nào. Cả mấy đêm nói mơ cũng cười. Tôi biết, mấy năm tôi đi học xa nhà bố mẹ đã rất buồn rồi.

Hai ngày tôi đóng cửa phòng, ngồi thẫn thờ trước bàn học, đấu tranh tư tưởng. Số tiền kia mặc dù tôi có thể bằng cách này cách kia kiếm ra để nhanh chóng trả nợ cho bố. Tôi cũng có thể theo chân bố để đi đến nhà ông ấy, gặp lại chính ông ta để cầu cạnh cho công việc của mình suôn sẻ. Thế nhưng tôi không muốn đánh mất chính mình, càng không muốn đánh mất những người mình thương yêu nhất. Mấy ngày nay bố cũng khá mệt mỏi chắc lo chuyện tiền nong ấy. Tóc bố bạc đi hai phần, gương mặt gầy rộc đi, lúc nào cũng căng thẳng lo lắng. Mẹ thì hay thở dài, mỗi lần tôi bắt gặp mẹ thở dài liền quay mặt đi. Tôi buồn vì để mẹ phiền lòng như thế. Từ nhỏ, mẹ đã luôn tự hào về tôi. Mẹ là một người nông dân nhỏ, ít học nên mẹ đặt ước mơ học hành đó cho tôi. Mẹ nói “ con hãy học thật tốt, học thay cả phần mẹ”. Tôi luôn lấy đó làm động lực cho mọi sự cố gắng học hành của mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi làm bố mẹ hoang mang, lo lắng như này. Không khí căng thẳng đến trong từng bữa cơm. Bố mẹ lặng lẽ ăn uống, thi thoảng vẫn không quên gắp miếng ngon cho tôi. Giống hệt ngày tôi còn bé, giờ sắp sửa ba mươi tuổi rồi vẫn thế.
Tối đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi có cuộc nói chuyện nghiêm túc và dài như vậy với bố mẹ. Nói với bố mẹ rằng tôi sẽ không đi gặp ông ta, không có chuyện “đút lót” nào diễn ra cả. Rằng tôi sẽ có nhiều cách phấn đấu cho sự nghiệp của mình:

- Bố mẹ cho con cơ hội lần này, được tự mình quyết định tương lai của chính mình. Nếu con thi tốt, con được công tác tại tỉnh nhà thì tốt. Con vẫn làm theo kế hoạch của bố mẹ, phát triển sự nghiệp của mình tại nơi đây. Nhưng nếu thật sự con không được làm việc ở đây. Con sẽ tự phát triển sự nghiệp riêng cho chính mình. Một nhà sư phạm như con, con biết rằng sứ mệnh của mình là truyền đạt kiến thức đến cho các bạn nhỏ. Và con biết, thời đại 4.0 bây giờ còn nhiều hơn một phương án dạy truyền thống như thế. Vậy nên con xin bố mẹ tôn trọng quyết định này của con. Không hẳn là con tự tin quá đà, tự mãn về bản thân, nhưng con không muốn tiếp tay cho một thói xấu như vậy nữa. Và hơn nữa, nhà mình cũng không có điều kiện cho việc đó.

Bố mẹ nhìn nhau trong im lặng. Nét mặt bố giãn ra, mẹ thì nhìn bố không chớp mắt. Bố nói rằng, trước giờ bố mẹ vẫn tin tưởng, ủng hộ tôi. Bố cũng là một cán bộ từ thời xưa, nên cái việc đó với bố cũng là sự đấu tranh tư tưởng. Mọi việc bố mẹ làm đều xuất phát từ tình thương tôi. Tôi hiểu điều đó. Và thật may, sau tối đó, bố mẹ yên tâm hơn ở tôi. Kì thi diễn ra như trong khả năng của mình. Tôi thậm chí cũng chẳng mấy lo lắng về kết quả thi. Và rồi một ngày, cái ngày chờ đợi của bố mẹ đến. Bố mẹ thông báo cho tôi kết quả thi. Tôi đỗ. Bố đã khóc một trận như mưa, mẹ cũng khóc nhưng len lén trách mắng bố:
- Cái ông này trẻ con quá
- Tôi đâu có cứng rắn được như bà. Con gái tôi đúng là số một, luôn làm niềm tự hào của tôi. Đúng là bình rượu quý. Không gả đi đâu hết mới được.
- Cái ông này, nói linh tinh, tôi đang mong cháu bế mà ông nói thế à?- Mẹ thầm mắng yêu bố
Nhìn cách bố mẹ yêu nhau, hạnh phúc như thế, tôi biết mình đã thắng. Thắng cho niềm tin của mình, thắng cho tình yêu của mình, thắng chính mình, thắng chính cái tư tưởng của xã hội này. Và giờ thì tôi hiểu, sẽ có rất nhiều khoảng thời gian trong cuộc đời này bạn sẽ thấy chán ghét bố mẹ, chán ghét những áp đặt của bố mẹ. Nhưng thế giới của bố của mẹ thì chỉ có con cái là trung tâm của cái vũ trụ ấy. Thế nên cuộc sống luôn đưa đến cho chúng ta những mâu thuẫn để cho ta cơ hội giải quyết mâu thuẫn ấy, để ta cơ hội hiểu nhau và bắt đầu lại mọi thứ.

Tôi lặng lẽ viết một dòng thông báo nhỏ đến cộng đồng học trò của mình, rằng tôi đã được chính thức trở thành giáo viên của các em rồi. Nhưng từng dòng của các em nhắn lại còn khiến tôi cảm động hơn. Rằng với các em, tôi đã là một người thầy, người cô lớn nhất, đầy yêu thương nhất với các em.
Bỗng thấy mình yêu thế giới này lạ kì, tôi đã thật sự trở thành người hạnh phúc rồi.

Hạ Vân
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
422
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top