Những dẫn chứng hay cho nghị luận bài thơ Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Những dẫn chứng hay cho nghị luận bài thơ Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Thích Văn Học
Thích Văn Học
  • Sáng tạo nội dung (content) đến từ Hà Nội
Để hiểu và làm bài nghị luận hay thì chúng ta cần nhớ nhiều dữ liệu văn học. Bài thơ Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có chiều sâu và rất hợp với những cây viết hiểu biết sâu, dẫn chứng nhiều. Dưới đây là một số dẫn chứng hay mọi người cùng tham khảo nhé.

Từ câu thơ “Khi ta...” đến câu thơ “... hóa núi sông ta”.

- Đoạn :
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.

Liên hệ với câu ca dao :

“Tay bưng dĩa muối chén gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

- Đoạn :

“Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”.

Liên hệ với câu ca dao :

“Cày bừa đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

- Đoạn :

“Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”.
Vì đây là lời khẳng định sự đoàn kết ruột thịt và gắn kết của nhân dân cho nên có thể liên hệ với ca dao :
+ “Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

+ “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

- Đoạn :

“Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Liên hệ với ca dao :

+ “Dẫu ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mồng mười”.

+ “Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Liên hệ với “Tiếng hát sang xuân” của Tố Hữu để nói đến việc bao thế hệ đã sống, chiến đấu và truyền lại tình yêu Tổ quốc cho cháu con :

“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành...”.

- Đoạn :

“Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”.

Liên hệ với bài thơ “Sao chiến thắng” của Chế Lan Viên :

“Ôi Tổ quốc ! Ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc ! Nếu cần ta chết :
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

- Đoạn :

“Em ơi em đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”.

Lời nhắn nhủ tăng tiến dần từ gắn bó đến san sẻ và cao nhất là “hóa thân” có nghĩa là cống hiến hi sinh cho đất nước. Giống như hình ảnh của chú bé Lượm trong bài thơ “Lượm” của Tố Hữu:

“Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo ?”.

Hay hình ảnh của nữ thanh niên xung phong trong bài “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ :

“Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yêu trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Đã hóa thành những làn mây trắng ?”,

Hoặc liên hệ với “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân :

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đứng bắn
Máu Anh phun theo lưa đạn cầu vồng.”

- Đoạn :

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”.

Có thể liên hệ với “Đất nước” của Bằng Việt để nói đến các thế hệ đã nối tiếp nhau cống hiến cuộc đời mình để dựng xây đất nước :

“Những thế hệ chiến tranh sẽ còn nguyên âm hưởng
Trong thế hệ hòa bình nối tiếp lớn theo nhau
Gió lại thổi vào thu... Qua tất thảy
khổ đau và vui sướng,
Vị ngọt vẫn theo ta, từ Tháng Tám ban đầu !”.
Hay liên hệ với hai câu thơ khác của Bằng Việt :
“Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai”.

- Đoạn :

“Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

Liên hệ với câu tục ngữ :

“Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

Hoặc bài thơ “Mỗi người dân Việt Nam – một cọc nhọn Bạch Đằng” của Phạm Xuân Dũng :

“Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Sóng biển kia dìm xác giặc bao lần”.

- Đoạn :

“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

Liên hệ với “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi :

“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;”.

Liên hệ với câu thơ của Phan Bội Châu :

“Dân là dân nước
Nước là nước dân”.

Nếu bạn có những dẫn chứng hay hơn, dễ nhớ hãy bổ sung cùng mình nhé!
 
Từ khóa
bình ngô đại cáo chúng ta con gái con trai giặc đến nhà đàn bà cũng đánh nguyễn khoa điềm nhan dan phan bội châu đất nước
467
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top