Hướng dẫn Phân tích 14 câu thơ đầu trong bài “Tây Tiến” (Quang Dũng) – Dàn ý chi tiết

Hướng dẫn Phân tích 14 câu thơ đầu trong bài “Tây Tiến” (Quang Dũng) – Dàn ý chi tiết

Chiến tranh đã qua đi, tấm áo hòa bình ấp ôm mảnh đất hình chữ S đã được nhiều thập kỉ, đã hàn gắn được phần nào bao vết thương đớn đau, bao mất mát hi sinh của một thời lửa đạn. Nhưng ngày hôm nay, trong nền hòa bình này, ta đọc lại “Tây Tiến” để một lần nữa nhớ về thế hệ các anh, những người lính trẻ trung và dũng cảm, trong mạch nguồn nỗi nhớ khi xưa của nhà thơ Quang Dũng. Bức tượng đài bằng thơ về các anh vẫn luôn sừng sững, sống mãi những vẻ đẹp hào hùng của một thời trai trẻ

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

….

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

5535

Phân tích 14 câu thơ đầu trong bài Tây Tiến (Quang Dũng)​



HỆ THỐNG LUẬN ĐIỂM, Ý CHÍNH 14 CÂU THƠ ĐẦU TRONG BÀI THƠ “TÂY TIẾN” (QUANG DŨNG)

Nỗi nhớ về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, nỗi nhớ về con đường hành quân hùng vĩ dữ dội nhưng cũng rất thơ mộng trữ tình (14 câu thơ đầu).

-2 câu đầu: Nỗi nhớ về Tây Tiến một thời chính là cảm hứng cho toàn đoạn thơ


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

+ Câu thơ cảm thán “!”, và điệp từ “nhớ” như để khắc họa về nỗi nhớ.

+ Đó là nỗi nhớ về sông Mã – một chứng nhân lịch sử; nhớ đồng đội – Trung đoàn Tây Tiến năm nào; nhớ núi rừng Tây Bắc – địa bàn hoạt động cách mạng.

+ Cách nói “xa rồi” tạo nên sự bâng khuâng. Điệp và láy vần “ơi” - “chơi vơi”: tạo âm hưởng của tiếng gọi đi vào không gian mênh mông của thế giới hoài niệm.

-6 câu thơ tiếp theo: Con đường hành quân vừa dữ dội, hùng vĩ vừa thơ mộng trữ tình. Nổi bật trên đó là hình ảnh người lính với bao khó khăn gian khổ nhưng tâm hồn vẫn lãng mạn hào hoa:

Bức tranh thứ nhất: Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ dữ dội vừa rất thơ mộng trữ tình

- Hàng loạt các địa danh được nhắc đến qua đoạn thơ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu,...

- Ấn tượng đầu tiên về núi rừng Tây Bắc chính là sương:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

+ Cách ngắt nhịp 4/3, làm cho câu thơ rơi vào động từ “lấp” và kết thúc ở từ “mỏi”. Khiến người đọc hình dung ra cảnh tượng: sương dày đến độ che lấp đi cả đoàn quân.

+ Nhưng vẫn có cái lãng mạn với “hoa về” (hoa nở, hương hoa phảng phất), “đêm hơi” (đêm sương mờ ảo).

- Ấn tượng thứ hai về Tây Bắc là dốc đá cheo leo và đèo cao:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

+ Câu thơ thứ nhất: 7 chữ có tới 5 thanh trắc: “dốc – khúc – khuỷu – dốc – thẳm” tạo cảm giác vô cùng hiểm trở về con đường hành quân. Đây cũng chính là chất nhạc trong thơ Quang Dũng.

+ Điệp từ “dốc” được nhắc đi nhắc lại 2 lần, cùng cách ngắt nhịp 4/3 làm cho phần nhấn của câu thơ rơi vào từ “dốc” giúp ta hình dung ra đèo tiếp đèo, dốc tiếp dốc cứ thế lên cao rồi lại xuống thấp.

+ Biện pháp nhân hóa “súng ngửi trời” – vừa gợi lên độ cao rợn ngợp vừa pha chút hóm hỉnh, hài hước của người lính.

Hình ảnh người lính hiện lên giữa thiên nhiên hùng vĩ:

Tinh nghịch, hóm hỉnh, lạc quan: Cách nói “súng ngửi trời” thể hiện vẻ đẹp của người chiến binh dũng cảm, họ đang chiếm lĩnh tầm cao thiên nhiên mà tiến lên. Từ đó có thể thấy vẻ đẹp con người ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ.

Lãng mạn hào hoa: Trong gian khổ nhưng vẫn cảm nhận và thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở nhưng cũng rất lãng mạn trữ tình.

+ Đoạn thơ sử dụng nhiều từ láy tạo hình “khúc khuỷu”: chỉ sự quanh co khó đi; “thăm thẳm”: vừa sâu lại vừa cao; “heo hút”: vắng vẻ, xa xôi.

+ Điệp ngữ “ngàn thước” kết hợp với động từ tương phản “lên – xuống” ở hai vế của câu thơ đã khắc họa vẻ hùng vĩ, chênh chênh của núi rừng.

+ Câu thơ thứ tư: “Nhà ai ... mưa xa khơi” được dệt nên bởi những thanh bằng như kéo dài thêm con đường hành quân nhưng lại tạo cảm giác êm ái nhẹ nhàng.

Sự kết hợp các thanh bằng trắc trong sáu câu thơ trên tạo cho đoạn thơ những âm điệu khác nhau, nói như Xuân Diệu là “đọc Tây Tiến, người ta như ngậm âm nhạc trong miệng”.

Bức tranh thứ hai: Là hình ảnh người lính hiện lên giữa thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc hiểm trở

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”

- 4 câu thơ: Miêu tả sự hi sinh của người lính giữa bao gian khổ, thiếu thốn.

- 2 câu đầu: Sự hi sinh của người lính

+ Cách nói giảm nói tránh” “không bước nữa”, “bỏ quên đời” để làm cái bi lụy giảm đi thay vào đó là chất bi tráng, hào hùng.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”

+ Câu cảm thán: Bày tỏ sự thương tiếc.

- 2 câu sau: Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang vu luôn ẩn chứa những hiểm nguy.

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

+ Phép nhân hóa: “cọp trêu người – thác gầm thét” để tô đậm sự hoang vu, bí hiểm

của núi rừng Tây Bắc.

+ Điệp ngữ: “Chiều chiều”, “đêm đêm” gợi ra không gian về khuya với những hiểm nguy luôn rình rập.

- 2 câu cuối: Cảm xúc thương nhớ của nhà thơ khi nhớ về bản làng Tây Bắc thân yêu.

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

+ Từ cảm thán “Nhớ ôi” dạt dào tình thương nỗi nhớ. Nhà thơ nhớ “cơm lên khói”, nhớ mùa “thơm nếp xôi” là hương vị đặc trưng của núi rừng cũng như nghĩa tình quân nhân.

+ Từ “mùa em” là một sáng tạo ngôn ngữ của Quang Dũng dùng để chỉ vẻ đẹp của những cô thiếu nữ Mai Châu.

+ Vẻ đẹp của nghĩa tình quân dân của em, của nếp xôi đã hòa quyện vào nhau làm nên nỗi nhớ bâng khuâng đọng mãi trong lòng người.

Kết luận: Thơ Quang Dũng hồn hậu, chân thực ở chỗ nhà thơ không né tránh những hiện thực tàn khốc, đau thương của chiến tranh. Ngòi bút ấy cũng rất đỗi lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa, đặc biệt khi viết về hình ảnh những người lính Tây Tiến với sự trẻ trung, tinh thần bất khuất, sung sức và bền lòng trước tiếng gọi của Tổ quốc. Với giọng thơ trang trọng, cảm xúc dạt dào, đôi lúc lắng đọng, khắc khoải, bút pháp tả thực kết hợp với những hình ảnh bay bổng, lãng mạn, nhà thơ Quang Dũng đã xây dựng thành công bức tượng đài người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, lãng mạn và bi tráng. Bức tượng đài ấy sẽ còn sống mãi trong văn chương nghệ thuật, trong tấm lòng người yêu thơ và trong trái tim của lớp lớp thế hệ thanh niên sau này.
 
Từ khóa
hình ảnh người lính nỗi nhớ về thiên nhiên núi rừng tây bắc phân tích 14 câu thơ đầu trong bài tây tiến quang dũng tây tiến
992
0
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top