Dự thi Tết mồ côi

Dự thi Tết mồ côi

Nhà bác Khang nằm cuối một con hẻm nghèo. Ngày thường, bác hiền như cục đất nhưng cứ rượu vào là bác hung hãn hẳn, từ lời nói đến cử chỉ cứ như một thằng lưu manh sống ở xó chợ nào đó, hở tí là dọa đánh. Mọi cuộc vui hiếm hoi trong cái xóm lao động này đều phải kiêng dè bác. Lúc mới ngồi vào bàn, bác cười nói vui vẻ lắm, điệu bộ hiền lành của một người lao động chân tay như tất cả những người ngồi cùng đây. Ngót nghét vài ly, cái điệu cười chất phác mới nãy trở nên ồm ồm, nghe đến rợn người. Sau những cuộc vui như vậy, bác lẩn thẩn về nhà với dáng vẻ của một thằng lưu manh chẳng thiết đời. Và tôi nghe ra những tiếng chửi bới, la hét inh ỏi của vợ con bác cùng những tiếng đổ bể loảng xoảng vọng từ cuối hẻm. Cả nhà tôi nhìn nhau, chỉ biết lặng lẽ thở dài. Có hôm tôi thấy bác chở hai đứa con gái nhỏ đi sắm sửa những ngày giáp Tết, ba cha con cười nói vui vẻ trên chiếc xe máy cà tàng. Hạnh phúc của một gia đình nhỏ tưởng chừng chỉ giản đơn vậy thôi. Chiều tối hôm đó, tôi lại thấy bác xách lỉnh kỉnh những lon bia, mặt mũi đỏ ửng, hơi thở nồng mùi cồn, chân bác loạng choạng, té ngã. Những lon bia rơi ra khỏi bọc ni lông, đập xuống nền đất, móp méo. Bác cúi xuống, nhặt bỏ lại vào bao, lẩn thẩn đi về nhà. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc vọng từ cuối hẻm, giọng lanh lảnh của con gái. Không phải một đứa mà là hai. Tiếng khóc của chúng va vào nhau, cứa từng khúc ruột. Những lần như vậy, hàng xóm cũng chạy đến can ngăn. Thường thì sẽ có hai người đàn ông chạy lại, cùm tay chân bác, lôi xềnh xệch vào nhà. Bác Khang vẫy vùng, miệng vẫn chửi những tiếng oán đời mà ngày thường bác nén dưới cái vỏ hiền lành của một người cha, người chồng. Người ta sợ thì vẫn sợ nhưng bác thì vẫn cứ hay ghé vào những cuộc vui rượu chè, nhất là những đám tất niên cuối năm. Và người ta thì cũng theo lệ tiếp bác từng ly trong sự dè chừng và hãi sợ.

Đó là những ngày giáp Tết. Hai đứa con gái nhà bác Khang sợ nhất là những ngày như thế. Ngày mà làng xóm, họ hàng chèo kéo đến những đám tất niên. Bác Khang sẽ đi. Chúng sẽ bị đòn, bị mắng chửi như những con thú bởi chính người cha lúc rời nhà vẫn cười nói và dặn dò chúng ngoan ngoãn học bài. Trời ơi chúng sợ! Chúng chỉ biết sợ thôi chứ chẳng làm gì khác được nữa. Chúng không thể thù ghét người cha ruột thịt của mình. Hoặc nếu có thì chỉ là trong lúc bị đòn roi đánh xuống và sau đó lại mủi lòng trước cái ôm cùng lời xin lỗi khi cha chúng tỉnh rượu. Không thể đặt gánh thù lên vai cha mình, chúng ruồng rẫy những chất cồn đã làm dấy lên con quỷ trong con người vốn hiền lành và yêu chiều chúng. Nhưng kì lạ quá, hôm nay chúng co mình trong góc nhà đợi cha về mãi mà vẫn chưa thấy. Hai đứa con nít phải rúc vào một xó xỉnh trong nhà để tránh con quỷ độc ác mang hình hài cha chúng để mắt đến và nện những cú đá đau điếng lên hai cơ thể non nớt, chưa đủ trưởng thành. Con Cún- đứa con sau của bác Khang quay qua hỏi chị mình:

-Chị ơi, sao ba chưa về hả chị? Em mệt quá, em muốn đi ngủ.

Đứa trẻ buồn ngủ đến díu cả mắt nhưng không sao dám đặt lưng lên giường. Chúng sợ cha về thấy sẽ càng nổi giận và rồi chúng sẽ bị ép vào góc tường, chỉ biết giơ hai tay lên để đỡ lấy những đợt roi vụt xuống.

-Chị không biết nữa. Hay mình ở đây ngủ chút đã, xíu nữa ba về chắc sẽ làm bể đồ, ba phá xong, mệt rồi sẽ ngủ. Tới hồi đó hai đứa mình hẵng ra.

Con bé Mèo- đứa con gái đầu lòng của bác Khang thỏ thẻ với em mình. Hai đứa co quắp lại trong góc nhỏ chật hẹp, tay đặt lên đầu gối, đỡ lấy sức nặng của đầu. Hai đứa thiu thỉu ngủ. Bỗng. Chúng nghe thấy tiếng người ta ồn ào trước cổng nhà. Hai đứa nhỏ mắt díu lại nhưng vẫn lật đật xỏ dép chạy ra. Chúng thấy người ta đỡ một cái băng ca vào nhà, cả chục người túm tụm lại trước trước cổng, có vài người còn mang theo đèn pin rọi vào. Trên cái băng ca ấy, họ phủ một lớp chiếu mỏng, chúng nó thấy nhô lên hình thù của vật gì cưng cứng, trông giống cái gối dài con Mèo ngày thường hay ôm trước lúc ngủ. Trời tối quá, ánh đèn pin mờ nhòe làm chúng không sao nhìn rõ thứ được đặt trên cái băng ca ấy. Hai chị em ngớ người, ngạc nhiên. Lúc con Cún mấp máy môi, định lại hỏi đám người đang vây trước cổng thì cô Hồng- hàng xóm kế bên chạy đến, kéo tay hai đứa nhỏ khỏi đám đông đầy người hóng chuyện. Cô giải thích với chúng rằng người ta được mẹ chúng nhờ mang đồ đạc để vào nhà, xong chuyện rồi sẽ đi, còn dặn chúng ở đây chơi đến khi nào xong rồi hãy qua. Chúng gật gật đầu, ánh mắt tỏ vẻ khó hiểu nhưng lại chẳng dám hỏi nhiều.

Hai đứa nhỏ, đứa con lớn vừa lên lớp một, đứa còn lại vẫn đang học mẫu giáo. Chúng còn quá thơ ngây để hay tin rằng cha chúng đã mất. Bác Khang đã tự đâm phải một cây cột điện trên đoạn đường vắng sau một đám tất niên của họ hàng. Nghe người ta nói bộ dạng lúc đó của bác thảm lắm. Cú đâm mạnh đến mức làm bác gãy xương chân, vỡ cả sọ. Khi người ta tìm thấy, máu đã chảy thành vũng, một vài vết đặc quánh lại trên thân cây cột điện. Sọ bác vỡ ra, lõm xuống, nát bấy, mặt bị hủy đến dị dạng, không còn nhìn ra hình dáng con người. Cứ như người nằm đó chẳng phải bác Khang mà đích thị là một con quỷ nằm trong vũng máu, dậy mùi cồn và men rượu.

Nghe tin chồng mình gặp chuyện, cô Thúy- vợ bác Khang vội vàng bỏ ca trực chạy về. Hai dòng nước mắt chảy giàn giụa, gương mặt tái nhợt đi. Cô lau nước mắt, nén những giọt lệ chực tuôn thành suối, hít một hơi thật sâu rồi chạy sang nhà cô Hồng tìm gặp hai đứa nhỏ. Cô dặn kĩ chúng nó đêm nay ngủ yên ở đây, chớ có qua nhà vì đang có việc. Hai đứa trẻ nhìn mẹ chúng hớt hải chạy về liền níu chặt góc áo, hết con chị lại con em hỏi chuyện. Người đàn bà khổ sở hay tin chồng vừa đi, thấy hai đứa trẻ như vậy liền tức giận quát mấy tiếng. Con Cún lẫn con Mèo thấy vậy im re, lẳng lặng theo chân cô Hồng vào phòng ngủ. Chân chúng đi mà mắt cứ hướng chăm chăm vào dáng vẻ hớt hải chạy về phía nhà của mẹ nó. Dù không biết rõ việc gì nhưng linh cảm non nớt trong chúng mách bảo rằng đã có chuyện chẳng lành xảy ra. Đêm hai mươi chín trôi qua trong tiếng nức nở của cô Thúy và giấc ngủ trằn trọc của hai đứa nhỏ. Con ma men trong xóm lao động nghèo từ đó không thấy bóng. Nhưng nó rời vòng nhân gian trên xác thịt của một người cha, người chồng, một trụ cột của gia đình. Căn nhà nhỏ cuối xóm nghèo không còn những tiếng mắng chửi, la hét và đổ bể loảng xoảng. Và cũng không còn những tiếng cười vui vẻ, ríu rít trên chiếc xe cà tàng dựng trước cổng nhà. Chiếc xe ấy chở bao kí ức ngày hai đứa trẻ còn có cha, vui vẻ và ấm áp kì lạ. Rồi cũng chính nó đã tiễn người đàn ông xấu số về bên kia thế giới. Đớn lòng! Mấy ngày sau đó, con Mèo và con Cún được mẹ nó chở lên nhà ngoại cách đó không xa để làm tang lễ cho bác Khang. Không ai dám để cho hai đứa nó đối mặt với di ảnh của cha mình. Đám tang cũng diễn ra nhanh chóng vì Tết đến người ta kiêng đi và cũng chẳng thể để lâu trong nhà vì sợ xui rủi. Mồng 2 Tết, đám tang cuối hẻm vang những đợt kèn trống buồn thảm, như đối nghịch với thanh âm vui tươi của mấy bài nhạc xuân phát trên loa phường.

Hai đứa nhỏ bên nhà ngoại đã quên khuấy chuyện tối hôm đó. Chúng vui vẻ đón Tết với bà, vẫn nghe lời mẹ rằng cha đã đi làm công trình ở đất khác, lâu lắm mới về. Mà bản thân chúng còn lạ gì cảnh cha chúng xa nhà đâu. Vì là dân lao động tay chân, bác Khang rất hay nhận làm một chân thợ cho công trình nào đó thiếu người. Mỗi lần đi như vậy là tầm hai tháng mới về. Hai đứa trẻ ở nhà ngoại đến mồng hai là ngày chôn cất cha chúng thì tự dưng con Cún thấy buồn. Nó thui thủi bỏ về nội. Trên đường, nó ghé qua nhà mấy đứa nhỏ cùng tuổi để chơi nhưng lạ quá. Người lớn trong nhà ai cũng nhíu mày, xua xua tay ra hiệu đuổi nó và kéo những đứa bạn nó trở vào trong nhà. Nó gặp phải hai ba lần như vậy thì mặt buồn thiu, chẳng hiểu sao người ta không cho nó lại chơi. Nó nào biết bởi chuyện cha nó vừa mất hai hôm trước nên người ta đâm ra ruồng rẫy và coi nó như một thứ điềm xui rủi ngày đầu năm. Tết năm nay nó thành trẻ mồ côi cha. Bức tranh gia đình nó nay đã mất đi một mảnh ghép. Tất thảy những đau đớn đó nó chẳng hề hay biết. Mà có biết đi chăng nữa thì nó còn quá nhỏ để thấu tận cùng sự mất mát, khổ sở ấy. Cuối cùng, con Cún đến nhà tôi, lật đật chạy vào. Thấy mẹ tôi đứng trước cửa, nó hơi sững lại, chân đi lùi. Nhưng khi không nhìn thấy cái xua tay từ chỗ bà lại tiếp tục bước vào. Nó chào mẹ tôi mấy tiếng, xin vào nhà chơi. Được bà đồng ý, nó hớn hở cởi dép, lon ton chạy vào nhà, miệng í ới gọi tên con bé em tôi. Con Cún lướt qua tôi, cười một cái rạng rỡ thay lời chào. Tôi đến chỗ mẹ và nghe thấy một tiếng thở dài. Lòng tôi bỗng nặng trĩu và cũng lại thở dài. Ở đây, người ta rất kiêng để trẻ mồ côi vào nhà dịp tết, huống gì là một đứa trẻ vừa mất cha cách đó vài ngày. Mẹ tôi cũng kiêng cử những chuyện như vậy. Nhưng tình thương trong bà không cho phép bà hắt hủi một đứa con nít vừa mới mất đi một chỗ dựa tinh thần. Nếu làm vậy, bà sẽ thấy mình tội lỗi và ác độc. Con Cún và đứa em tôi chơi cùng nhau ở gian nhà dưới. Rồi chúng hát, tiếng hát ngây ngô, trong sáng của những đứa trẻ vang lên, hòa vào nhau:

“Ba đi xa thì con với mẹ

Mẹ đi xa thì con với ba...”
Nguồn ảnh: pinterest
 

Đính kèm

  • Tết mồ côi- Văn học trẻ.jpg
    Tết mồ côi- Văn học trẻ.jpg
    121.7 KB · Lượt xem: 401
569
4
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top