sáng tác Tết nhớ món canh quê hương - Nguyễn Minh

sáng tác Tết nhớ món canh quê hương - Nguyễn Minh

Thế là Chúa Xuân đã nhẹ nhàng gẩy chiếc đũa thần khiến vạn vật thay áo mới. Đó cũng là lúc, nàng đánh thức sắc hồng trên những nụ đào còn e ấp trên cành, làm xanh những mầm lộc non biêng biếc khắp cây cối. Tưởng như, chúng đã ngủ quên từ rất lâu trong tiết giá lạnh mùa đông. Những ngọn gió xuân mơn man tựa hơi thở ấm áp cùng cơn mưa phùn nhè nhẹ rơi. Chúng trở thành thứ đặc sản thứ thiệt của mùa xuân. Mỗi dịp Tết đến – xuân về, bà ngoại tôi lại ra vườn đẵn buồng chuối tiêu xanh còn non để dành “Chờ mẹ con nó về”. Mùi Tết đang đến thật gần…

Có nỗi nhớ dai dẳng, cồn cào trong không khí đón Tết rộn ràng, phấn khởi và chan chứa niềm vui. Bên mâm cơm ấm cúng, quây quần sum họp người thân, là những món ăn đặc trưng dịp Tết: bánh chưng, xôi gấc, dưa hành, thịt đông, giò, nem rán,… Và tôi không bao giờ quên được bát canh chuối giả tam tam vàng ươm, thơm nức mẹ học từ bà ngoại, bao giờ cũng hết trước. Món ăn chắt chiu biết bao tình cảm nồng ấm mẹ dành cho con.

Bà ngoại tôi là người làng Vân Đình, trước thuộc Hà Tây nay nhập thành Hà Nội. Có hai con sông chảy qua đây là sông Đáy và sông Nhuệ. Vùng đất nổi tiếng với sản vật đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng: Vịt nướng, giò chả, bánh cuốn, bánh dày, đồ gốm…

Mẹ kể rằng, thời trẻ, bà ngoại tôi nổi tiếng là con gái đảm của làng Vân Đình. Dịp cỗ bàn nào bà ngoại cũng xăm xắn nấu nướng khiến mọi người vô cùng hài lòng. Còn ông ngoại tôi hay sáng tác thơ văn. Mỗi dịp Tết, bạn văn, bạn thơ đến chơi đều được thưởng thức món canh chuối mà tấm tắc khen ngon.

Cá kho chuối xanh, ếch xào chuối xanh, ốc nấu chuối xanh (ốc om chuối đậu), chân giò nấu chuối xanh,…Món nào nấu cùng chuối xanh cũng thơm ngon, bổ dưỡng. Nhưng với tôi, đặc biệt nhất vẫn là món canh chuối giả tam tam. Đây là món ăn chống ngán được cả nhà ưa thích nhất mà bà ngoại luôn nhớ nằm lòng.

Hai chín Tết, ông ngoại ngồi gói bánh chưng, bánh tày còn bà ngoại chuẩn bị nấu nướng. Riêng món canh chuối, dì tôi được bà ngoại giao đẵn chuối trong vườn rồi chặt ra thành từng nải nhỏ. Còn mẹ tôi chuẩn bị nguyên liệu như bóc hành, tỏi, nhặt rau thơm, thái thịt ba chỉ, rán đậu, giã nghệ và lọc mẻ.

Món canh chuối giả tam tam của bà ngoại là một món canh hỗn hợp nhiều nguyên liệu với nhiều công đoạn. Thứ chuối chọn nấu phải là chuối non vì chuối già nấu lên sẽ bị chua. Bà ngoại khéo léo xắt từng quả ra từng nải, lột vỏ, xắt lát đem ngâm nước muối loãng khoảng ba mươi phút cho bớt dựa rồi đem rửa sạch. Để tay hết dính dựa, bà bèn nhúng vào nồi đựng gạo.

Thịt ba chỉ, bà ngoại ướp với hành tím băm nhỏ chia đôi, một nửa ướp thịt với chút nước mắm cho thơm còn một nửa dùng để xào chuối. Điều khác biệt cũng là bí quyết nấu canh chuối ngon của bà ngoại là dùng thật nhiều mỡ lợn thay bằng dầu ăn. Chính bí quyết này mới giúp món ăn thêm béo ngậy.

Tiếp đến là phi hành với mỡ lợn rồi cho thịt ba chỉ vào quay vàng lên, sau đó cho chuối vào xào rồi đổ lạc vào cùng. Thêm một chút bột canh cho đậm vị. Rồi cho nghệ đã giã lọc lấy nước vàng cùng nước mẻ đã lọc đun mười phút cho ngấm. Sau đó đổ nước xăm xắp mặt chuối. Lượng lửa đun liu riu tránh cho chuối không bị khê khét cho đến lúc chín.

Muốn biết chuối chín chưa chỉ cần dùng một chiếc thìa ấn nhẹ vào hạt lạc trong bát, nếu thấy lạc bở tơi tức là được. Bà ngoại lại thêm đậu phụ đã rán vàng. Nêm gia vị vừa miệng cùng tỏi đập dập, hành hoa, tía tô, lá lốt thái nhỏ vào đảo đều là món ăn đã hoàn thành.

Tôi hay lăng xăng quanh quẩn bên gian bếp trấu lửa hồng ấp iu, nồng đượm của bà ngoại. Bà ngoại dạy tôi dùng que cời sắt chọc cho trấu chảy đều vào bếp. Tôi lấy trấu ném vào phía trong bếp khiến lửa rực lên hừng hực, vừa ấm áp, vừa thích thú với đôi mắt rực sáng. Bóng bà ngoại đổ dài trên nền đất trong vũ điệu ánh sáng bập bùng của lửa.

Lúc đang nấu, bọn trẻ chúng tôi chốc chốc lại vào ngó nghiêng món ăn đã xong chưa. Khi nấu xong, mùi hương của món ăn bay ra tận ngõ như mời gọi lũ trẻ háu ăn. Chúng tôi liên tục chạy vào bếp để thử món ăn. Bao giờ bà ngoại cũng múc cho tôi một bát thưởng thức trước để riêng.

Đợi cho lũ trẻ đi hết, tôi hít hà đầy lồng ngực mùi vị của chuối xanh nấu chín hoà quyện với vị béo bùi của lạc, của đậu phụ vàng ươm, vị chua chua của mẻ cùng vị ngọt mềm của thịt ba chỉ,…Chỉ ngẫm nghĩ lại thôi mà tôi thấy hạnh phúc với niềm vui nhỏ nhoi của đứa trẻ được bà ngoại yêu thương.

Ba mươi Tết nào, mâm cúng gia tiên nhà mẹ có đủ các món ngon với màu sắc và toả hương hấp dẫn. Trong đó, không thể thiếu bát canh chuối vàng ruộm, bốc khói nghi ngút. Đó là sự kết hợp tinh hoa của những nguyên liệu tuy đơn giản nhưng tạo nên sức hấp dẫn riêng.

Còn tôi, vô cùng ưa thích món canh chuối ấy. Tôi bưng bát cơm gạo Thái dẻo ngon, nóng hôi hổi cùng với món canh chuối miền quê với các nguyên liệu dừ tinh, tròn vị, đan quyện vào nhau mà lòng rộn lên niềm hạnh phúc khó tả. Đã ăn miếng thứ nhất cứ muốn ăn thêm miếng thứ hai, thứ ba,…

Ngày mẹ đi lấy chồng miền biển, hành trang mẹ mang theo chẳng có gì, chỉ có cuốn sổ da dạy nấu ăn đã sờn màu của bà ngoại. Trong đó, có rất nhiều món ngon kèm công thức chế biến được bà ngoại ghi cần thận và bí quyết nấu ăn ngon bà ngoại truyền lại. Tết nào, mẹ tôi cũng nấu món canh chuối còn bố tôi gói bánh chưng. Món canh chuối mẹ đặt tên là “quê hương”.

Chị em tôi vô cùng hào hứng rửa lá dong và thích thú nhìn bố gói bánh. Tôi cũng học bố tự gói một chiếc bằng lòng bàn tay. Hình dáng tuy không đẹp nhưng tôi vô cùng sung sướng vì đó là sản phẩm tự tay mình làm ra. Sau này, trong những bữa cơm thường, cứ có món canh “quê hương” là chúng tôi hiểu rằng lúc đó mẹ nhớ nhà.

Nồi bánh chưng sôi lục bục với những gộc củi lớn, chốc chốc được bố tôi đẩy thêm củi vào. Trong không khí ấm cúng ấy, cả nhà mang tam cúc ra chơi. Mẹ tôi luôn thắng còn bố tôi thì liên tục thua. Những tiếng nói cười vang vọng cả căn nhà nhỏ. Cả nhà hồ hởi trong cái khoảnh khắc đón giao thừa thiêng liêng ấy. Tiếng pháo nổ đùng đoàng, giòn giã. Quá nửa đêm, bố tôi vớt bánh ra, ép nước, rồi đi nghỉ. Còn tôi vô cùng thích thú với thành phẩm bánh chưng mi - ni của mình.

Tôi giờ này tuy đã có gia đình riêng nhưng vẫn thường xuyên nấu món “quê hương”. Cả nhà tôi đều yêu thích. Mặc dù tập hợp tất cả những nguyên liệu cần nấu nhưng món canh chuối tôi nấu không thể so sánh bằng món canh vấn vương mùi khói bếp của bà ngoại. Nó níu kéo tôi trở lại với những kí ức tươi đẹp khi còn có bà ngoại gần bên.

Bà ngoại theo ông ngoại đi xa, mỗi lần về quê ăn Tết, mọi người trong gia đình không ai không nhắc đến những món ăn ngoại nấu cùng món canh chuối giả tam tam tôi yêu thích. Món ăn của ngoại được chính tay tôi đạo diễn có chút hương vị khác biệt. Tôi mang bát canh đặt lên bàn thờ mà sống mũi cay cay. Ngoại ơi! Có đứa cháu nhỏ ngày nào, mỗi lần lên thăm quê, thường quấn quýt bên ngoại không rời, giờ đây đã trưởng thành và cầu mong ngoại nơi chín suối luôn mỉm cười bình an!

Nguyễn Minh
Canh chuối giả tam tam _Nguyễn Minh.jpg

@Ảnh: Tết nhớ món canh quê hương - Văn học trẻ. Nguồn: Internet​
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
món tết nguyễn minh tết nhớ món canh quê hương
705
3
7

Đỗ Thị Sen

Thành Viên
5/1/23
11
7
3,000
Thái Nguyên
Xu
115,315
Quê em cũng có được món ăn dân dã này, thật nhớ ngày còn bé bên mâm cơm có món này là ăn liền mấy bát luôn á, cảm ơn tác giả ạ
 

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Lần đầu mình được biết món canh chuối xanh. Thiết nghĩ nó thật ngon và có nhiều kỉ niệm với bạn. Nhờ đọc văn của bạn, mình biết thêm nhiều điều thú vị!
 
View previous replies…

Nguyễn Minh

Thành Viên
17/12/20
136
163
43,000
38
Xu
1,107,920
Lần đầu mình được biết món canh chuối xanh. Thiết nghĩ nó thật ngon và có nhiều kỉ niệm với bạn. Nhờ đọc văn của bạn, mình biết thêm nhiều điều thú vị!
Triều AnhMình muốn chia sẻ món ăn ngon mà đơn giản này đến mọi người. Hi vọng nó hữu ích cho những người đam mê ẩm thực!
 
  • Love
Reactions: Triều Anh

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top