Ánh lửa hồng tái sinh cuộc đời Mị

Chi tiết ánh lửa hồng trong Vợ chồng A Phủ là gì và chúng có ý nghĩa thế nào để làm nổi bật hoàn cảnh, số phận của nhân vật? Những chi tiết liên quan tới ánh lửa xuất hiện trong nhiều giây phút của cuộc đời Mị như chứng kiến mọi diễn biến cuộc đời, tâm lí của cô, ở cuối bài giống một biểu tượng nghệ thuật bị bỏ quên: "Nhưng Mỵ vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết đấy, cũng thế thôi. Mỵ vẫn trở dậy, vẫn sưởi, Mỵ chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về thấy Mỵ ngồi đấy, A Sử ngứa tay đánh Mỵ ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mỵ vẫn ra sưởi như đêm trước. Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mỵ trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên."; "Ðám than đã vạc hẳn lửa. Mỵ không thổi cũng không đứng lên. Mỵ nhớ lại đời mình."...

Ánh lửa hồng tái sinh cuộc đời Mị.png

(Ánh lửa hồng tái sinh cuộc đời Mị)

Một sự gặp gỡ ngẫu nhiên đến thú vị là trong chương trình ngữ văn Trung học phổ thông có rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đề cập đến ánh lửa. Từ ánh lửa thiêng được cha ông truyền lại cho con cháu: “Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm đến ánh lửa hồng vui nhộn, ngập tràn sức sống trong buổi chiều tà của người thiếu nữ vùng sơn cước trong thi phẩm tuyệt bút “Mộ” của Hồ Chí Minh. Từ những ngọn lửa, đóm hồng le lói, yếu ớt trong đêm trầm buồn của phố huyện trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đến ngọn đuốc rực sáng nơi chốn lao tù trong đêm cho chữ, truyền bài học nhân sinh trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Từ ánh lửa nơi chiếc đèn dầu trong đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ đang tỏ rõ bản lĩnh tuyên chiến với cái đói, với sự hung hãn của “tử thần” trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân đến lửa hồng rực cháy khắp núi rừng của dân làng Xô Man trong đêm “Đồng khởi” quật ngã kẻ thù để làm chủ cuộc sống .v.v.. Nhìn chung, trong mỗi tác phẩm, sự hiện diện của lửa hồng (tuy mức độ đậm nhạt có khác nhau) đều mang đến cái hồn, sức sống cho câu thơ hay mỗi trang văn. Có nó, tác phẩm trở nên có dung mạo, đời sống riêng, giàu ý nghĩa và sức ám ảnh; tạo nên độ trường tồn vĩnh cửu của tác phẩm và sự tỏa lan xuyên dài qua năm tháng.

Tuy nhiên, theo tôi (và cả riêng ai nữa?) ấn tượng nhất, ám ảnh nhất vẫn là ánh lửa thường xuyên hiện hữu trong mỗi bước ngoặt tái sinh nhiệm màu của cuộc đời Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
Từ muôn đời, lửa hồng luôn là người bạn thủy chung, muôn kiếp đồng hành với con người, làm nên tính đột phá của nền văn minh nhân loại; sự thăng tiến mạnh mẽ của xã hội loài người. Lửa hồng có mặt khắp nơi, hiện diện trong từng nếp nhà, gắn kết từng kiếp nhân sinh, làm nên sự phong phú về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của con người. Đối với các dân tộc thiểu số, lửa hồng không chỉ là thực tại vật chất hữu hình mà còn là hình ảnh của thế giới siêu hình. Bởi thế, trong những buổi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng bao giờ cũng có mặt ngọn lửa thiêng. Điều đó lý giải tại sao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhiều tác phẩm đề cập hình ảnh ngọn lửa đến như vậy. Một mặt, nó là một thực thể tất yếu gắn kết mật thiết với đời sống con người; mặt khác, các văn nghệ sĩ mượn nó để tạo lập sự phong phú, tính đa nghĩa cho những “đứa con tinh thần” mà mình đã sản sinh ra.

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”(phần trích giảng), có bốn lần ngọn lửa, bếp lửa xuất hiện thì đã hai lần liên quan đến sự đột biến trong sự phục sinh của cuộc đời Mị. Mị là cô gái H′Mông hiếu thảo, trẻ trung, xinh đẹp và tài hoa. Cô thổi sáo giỏi, có tài uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Bao nhiêu trai làng mê, đem lòng say đắm người thiếu nữ tài năng và nhan sắc ấy. Họ kiên trì “đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị” và bền lòng đi theo tiếng sáo của Mị từ đồi này đến núi nọ trong những đêm tình lãng mạn của mùa xuân.
Nếu như ngày trước bố Mị không nghèo, giá như thống lí Pá Tra là “quan phụ mẫu” chân chính, biết thương dân nghèo như thương con thì cuộc đời của Mị sẽ tốt đẹp và Mị sẽ thỏa nguyện với hạnh phúc như lòng mình hằng mong ước. Cuộc đời là bể khổ, đường đời mấy khi bằng phẳng, kiếp nhân trần không dễ mấy ai “thuận buồm xuôi gió”. Để đủ tiền cưới, bố Mị phải vay nhà thống lí Pá Tra, mỗi năm trả lãi cả một nương ngô. Đến năm Mị đã lớn, món nợ ngày xưa vẫn còn. Thấy Mị thảo hiền, xinh đẹp, tài hoa, thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị: “Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho!”. Bố Mị phân vân, bản thân Mị thì quyết liệt phản đối bởi không muốn sa bẫy nơi nhà giàu, làm thân tôi đòi, bị tước đoạt cuộc sống, sự tự do.

Và rồi, như một định mệnh đã được lập trình trước, đêm xuân năm ấy, Mị bị “sa bẫy” của kẻ bất nhân, A Sử đã cướp Mị về làm vợ để trừ nợ. Từ đây, đời Mị lại dấn thân vào vòng oan nghiệt như là sự tiếp bước theo lối mòn định mệnh mà Đạm Tiên, Thúy Kiều đã trải qua trước đó.

Chương đầu kiếp làm dâu nhà người là chuỗi thời gian đan cài những uất ức, đau đớn “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”, khóc vì tủi thân, khóc vì trách phận bởi không chấp nhận thân phận nô lệ (một thứ nô lệ chung thân) suốt đời tôi đòi cho nhà giàu, phải kéo lê đời mình đến kiệt sức cho kẻ quyền uy, phi nhân tính.

Bế tắc trong cuộc sống, Mị nghĩ đến cái chết, muốn ăn lá ngón để tự vẫn, hằng mong giải thoát bi kịch đời mình. Người bố biết, hết lòng can ngăn. Không được chết, Mị uất ức bưng mặt khóc. Cô ném nắm lá ngón như ném đi cái khát vọng được giải thoát cho đời mình. Mị chấp nhận sự an bài của định mệnh, quay lại chốn “địa ngục trần gian”.

Trong nhà thống lí Pá Tra, một mặt bị bóng ma thần quyền ngự trị, ám ảnh, Mị đinh ninh rằng: “Nó bắt mình về trình ma nhà nó rồi thì chỉ biết ngày rũ xương ở đây thôi…”; mặt khác thế lực cường quyền với sự đàn áp, chà đạp một cách dã man, đã dần dần giết chết con người Mị. Ở lâu trong lao khổ, miệt mài cật lực làm việc như một cỗ máy, Mị đã quen rồi. Sóng gió cay nghiệt của cuộc đời đã làm cho tâm hồn Mị trở nên chai lì, trơ cứng. Đời Mị vẫn tồn tại nhưng con người thực thì dường như đã chết, trở thành cái bóng vô cảm, vô hồn, vất vưởng. Đâu rồi một tâm hồn thiếu nữ hồn nhiên, yêu đời, nhí nhảnh? Đâu rồi một “dáng hồng” vui sống, nhiệt tình năng động, trở thành thanh nam châm có sức quyến rũ và cuốn hút mọi người. Tất cả đã qua rồi, đã bị bão táp thời gian và hoàn cảnh chôn vùi. Giờ đây chỉ còn trơ trọi một cái xác thô, tâm hồn gỉ nát, cùn mòn, mặc kệ chảy trôi giữa biển đời ê chề, nghiệt ngã. Cha con nhà thống lí không hề coi Mị như một con người đúng nghĩa. Không ở đâu mạng sống, nhân cách con người bị rẻ rúng và bị chà đạp một cách tàn nhẫn. Và cũng không ở đâu con người lại tự coi rẻ mình và tuyệt vọng đến thế!

Thế nhưng, đằng sau cái dáng đau khổ, lầm lũi và câm lặng như “con rùa nuôi nơi xó cửa” ấy là một tâm hồn không hoàn toàn giá lạnh. Ngọn lửa của lòng ham sống, muốn được sống cho ra một con người, muốn được sống đàng hoàng, hạnh phúc; muốn được yêu thương, cùng với đó là niềm khát khao yêu đời vẫn cứ tiềm tàng, âm ỉ, cháy đâu đó trong góc khuất nơi thẳm sâu ở tâm hồn Mị. Như thỏi than hồng được ấp ủ, giấu vùi trong tro, khi có ngoại cảnh tác động, nó sẽ nhen lên, để rồi bùng cháy dữ dội, mạnh mẽ không gì cưỡng nổi.
Tác nhân đầu tiên chính là vẻ đẹp, sức sống, chất tình tứ lãng mạn tuyệt vời của mùa xuân. Ngày xuân năm ấy, bản làng rộn rã trong niềm hân hoan nghinh xuân, đón tết “Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ”. Đâu đó “trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy”. Khí xuân êm đềm, rộn rã; sức xuân cuồng nhiệt, mạnh mẽ; hồn xuân quyến rũ dạt dào. Tất cả đang dậy men, làm say mê lòng người. Như bao chàng trai, cô gái khác, Mị không dửng dưng như những năm trước, mà xao xuyến đến nao lòng, cô thèm hội nhập với mọi người trong những ngày xuân quyến rũ.

Tác nhân thứ hai, đấy là tiếng sáo. Cả không gian ngập tràn tiếng sáo. Tiếng sáo rủ bạn đi chơi nơi đầu núi, tiếng sáo kết nối tình thân ở đầu làng, tiếng sáo vẫy gọi tình nhân nơi đầu đường. Tiếng sáo gợi nhắc một thời vàng son của Mị: “Ngày trước Mị thổi sáo giỏi”. Để rồi “tươi nguyên” ngày tháng quá khứ, nhức buốt kỉ niệm: “Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Và rồi, thanh âm thiết tha ấy lại hội tụ, nén đầy, cứ mãi rập rờn trong đầu Mị, nỉ non trong tim Mị thành tiếng lòng thổn thức.
Đối với Mị, tiếng sáo là bài ca muôn thuở của sự sống, là biểu tượng của tự do – tình yêu – hạnh phúc mà bấy lâu nay dường như bị lãng quên, giờ đây được đánh thức, hồi sinh. Hóa ra, bên trong con người câm lặng kia, tiếng sáo vàng son ngày xưa vẫn hằng bảo lưu trong lòng, giữ gìn vẹn nguyên nơi kí ức, như thỏi than hồng ủ kín, có cơ hội là trỗi dậy thăng hoa.

Sức sống bừng lên mạnh mẽ, bên bếp lửa, Mị “lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Đây không còn là thể cách thưởng thức chén rượu ngày xuân thông thường, mà thực chất là lối uống cho hả giận, nuốt cay đắng, nén tủi cực vào lòng. Mị say lịm người, hiện thực hiển hiện trước mắt nhưng vô tâm, lòng cô đang sống lại những ngày trước. Chén rượu xuân đã đánh thức sức mạnh thể lý con người Mị, giúp cô can đảm vượt thoát thực trạng bị trói buộc, cầm tù về thể xác.

Lúc này, tâm hồn Mị thăng hoa trong ngập tràn cảm xúc. Từ trong chết mòn, trơ cứng, Mị lại tìm gặp sự hồi sinh, lòng thấy “phơi phới trở lại”. Cảm xúc trở nên đột biến “đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Một sự nhận thức tinh tế về mình “Mị trẻ lắm”, để rồi khẳng định mạnh mẽ “Mị vẫn còn trẻ”. Thế giới ngục tù có thể làm bào mòn, hư hao tâm hồn Mị nhưng không đủ sức tàn phá vẻ đẹp “một tòa thiên nhiên” ngọc ngà của người sơn nữ. Mị vẫn còn trẻ đẹp, hay nói đúng hơn, đang độ trẻ đẹp, mà trẻ đẹp thì có quyền hưởng trọn tự do, hạnh phúc của tuổi trẻ, Mị muốn đi chơi, thụ hưởng cái quyến rũ của sắc xuân, sống trọn niềm vui ngày tết. Mị muốn tiếng sáo của mình theo gió thăng hoa, ngân vang hòa quyện với đất trời trong tiết xuân rộn rã. Quả là, sức sống bấy lâu nay bị đè nén bỗng trào lên mạnh mẽ, không thể trói buộc, không thể dập tắt được nữa. Mị thèm hòa với dòng người đi chơi tết, thưởng xuân đến cháy lòng.

Từ ý nghĩ thức tỉnh, dẫn đến hành động quyết liệt có tính cách mạng. Mị đến góc nhà “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Câu văn không chỉ thuần túy mang một nội dung là khêu lên ngọn đèn vật lý, thắp sáng căn phòng mà còn bao hàm ý nghĩa thắp sáng tâm hồn, rọi sáng cuộc đời quá ư ngột ngạt, tăm tối, đầy bùn lầy tù đọng của mình, xua đi bao âm u, tăm tối, lạnh lẽo nơi cõi ngục tù một thời giăng bủa. Ngọn lửa ấm áp ấy “kích hoạt”, thôi thúc “thỏi than hồng” bấy lâu ấp ủ trong tâm hồn Mị, khiến nó giờ đây rực cháy mãnh liệt, ấm nóng hơn, nồng đượm hơn. Lửa lòng đã nhen lên trong cô nguồn hi vọng, niềm cứu rỗi!
Lửa hồng thắp sáng căn phòng, lửa lòng sưởi ấm, “đốt nóng” tâm hồn, tiếng sáo rập rờn thổn thức trong trí óc, tất cả gọi mời Mị về với sự sống, làm nên niềm hy vọng, sự phục sinh. Giờ đây, Mị trở thành con người của tự do, đi theo tiếng gọi của lòng mình. Hành động tiếp nối hành động, tạo nên “Hiệu ứng đô mi nô”: Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa ở phía trong vách, sửa soạn đi chơi tết.

Giữa lúc lòng yêu đời, sự ham sống, sức hồi sinh trỗi dậy mãnh liệt nhất thì cũng là lúc nó bị quật xuống phũ phàng nhất. A Sử bước vào, thản nhiên, lầm lì trói đứng Mị vào cột nhà (đấy cũng là trói cái khát vọng vừa mới manh nha, chớm nở của người con gái ấy). Sợi dây trói là hiện thân hung tợn của một lối hành xử đầy tính dã man thời trung cổ, hiện thân của sự chống lại quyền sống chính đáng, chống lại tự do, khát vọng hạnh phúc của con người. Trói xong vợ, A Sử tắt đèn (tắt đi khát vọng, dập tàn sự sống vừa mới manh nha, hé mở trong Mị), đi ra, lạnh lùng “khép cửa buồng lại”.

Sự trỗi dậy của tâm hồn Mị trong đêm tình mùa xuân chưa đủ mãnh lực cần thiết để đổi thay cuộc đời, đổi thay số phận. Nhân vật cần có điều kiện chín muồi, hành động cách mạng mãnh liệt hơn. Cuộc trỗi dậy hôm nay chỉ là dấu hiệu của sự hồi sinh, hứa hẹn bão táp mạnh mẽ đã gần kề!

Và sự thật, cuộc cách mạng đổi thay đời Mị là cái đêm mà A Phủ bị trói và trong tình trạng cận kề cái chết. Đây là một đêm mùa đông lạnh đến buốt xương. Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị chỉ biết làm bạn với ngọn lửa “Nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo”. Trong thế giới tù ngục của nhà thống lí Pá Tra, ngọn lửa mãi là bạn thâm giao, tri kỉ, tri âm luôn đồng hành với Mị. Có lửa hồng đêm đông, Mị mới đủ sức chống chọi lại với “những tiếng tích tắc” của đêm dài. Có ngọn lửa, Mị đỡ đi phần nào cái buốt lạnh của đêm thâu. Lửa không chỉ sưởi ấm thể lý bên ngoài mà còn sưởi ấm cái giá băng, cô quạnh trong thẳm sâu của tâm hồn Mị. Hằng đêm, Mị tìm đến nó nhằm tâm tình, đối thoại, sẻ chia, mong tìm niềm ủi an, sự vỗ về, cho khuây khỏa phần nào cái bi kịch, niềm đau, bao ngang trái mà mình nếm trải.

Ngọn lửa vật lý nơi bếp sưởi kia cũng chính là “phiên bản” sinh động của ngọn lửa nội tâm mà Mị đã nhen lên, khêu sáng trong đêm xuân ngày trước. Ngọn lửa lòng ấy mãi luôn hiện hữu, đồng hành, dưỡng nuôi nhựa sống, mầm sinh nơi con người Mị.

So với ánh lửa đêm xuân ngày trước, lửa hồng đêm đông này mạnh mẽ hơn, chói sáng hơn và tất nhiên, sức nóng, sự tỏa lan cũng dữ dội hơn. Ánh lửa ngọn đèn trong đêm xuân thật yếu ớt, leo lét được Mị khêu lên cho sáng; thì nay, lửa hồng nơi bếp lửa đêm đông được Mị “phù phù thổi”, để rồi “ngọn lửa sưởi bùng lên”. Viết về bếp lửa đêm đông, Tô Hoài không quản công nhắc về nó, hay liên quan đến nó cả thảy 13 lần. Thế mới biết, lửa hồng nơi bếp lửa, lửa lòng nơi tâm can được Mị nhen nhóm lần này mạnh mẽ, quyết liệt đến nhường nào. Sức sáng của nó đã đánh thức sự rã rời, mệt mỏi, sức đuối dần và cái chết cận kề của A Phủ, đồng thời soi tỏ cho Mị – thông qua đôi mắt đờ đẫn của A Phủ – rằng, cái con người một thời gan góc, vẫy vùng, giờ đáng thương kia vẫn còn sống. Mặc kệ, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay, sưởi lưng “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Mị lạnh lùng, vô cảm trước một thân phận mỏng manh, tội nghiệp. Đấy là chuyện thường ngày của cái gia đình này, có gì đáng bận tâm. Hơn nữa, nỗi đau của đời Mị quá lớn, Mị đâu còn lòng nào nghĩ đến tha nhân. Trái tim Mị không đủ sức đập cho người, ủ nóng cho tha nhân. Lòng Mị đã giá băng, cửa đóng, then cài.

Và rồi một đêm khuya nữa lại đến, Mị trở dậy, thổi lửa, hơ tay, sưởi lưng. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, soi tỏ cho Mị thấy đỉnh cao của bi kịch bất hạnh, nơi ánh mắt của người con trai khốn khổ ấy: “Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đấy là những hạt châu quý hiếm của một gã đàn ông mạnh mẽ, gan góc, bướng bỉnh và can trường, đặc biệt chưa từng biết khóc. Đấy là nước mắt đầy khổ đau và bi kịch. Nước mắt của tuyệt vọng, van xin; hay của oán hờn, trách móc. Và cũng có thể, đấy là nước mắt của trối trăng thay lời vĩnh biệt. Ánh lửa lại dội vào thẳm sâu tâm khảm Mị, đánh thức cái quá vãng buồn đau một thời “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được”. Ánh lửa cũng gợi nhắc một bi cảnh hãi hùng về cái chết thê thảm của người đàn bà phận mỏng ngày trước, cũng bị trói đứng thế này. Ánh lửa đánh thức và làm sống lại tình thương con người trong Mị. Người đàn bà khốn khổ ấy đang lo lắng và dự cảm về cái chết đáng thương của người đàn ông tội nghiệp. Ánh lửa giúp Mị nhận thức tỉnh táo về tội ác tày trời mà kẻ bất lương gây ra. Thấy rõ cái phi lí, phi nghĩa, phi nhân của ngôi nhà oái oăm và oan nghiệt này. Mị muốn cứu A Phủ, giải thoát thân phận của kẻ bất hạnh, đường cùng. Nhưng rồi, nỗi sợ hãi khi nghĩ mình phải chết thay lại ám ảnh, khiến Mị run người…

Đám than “đã vạc hẳn lửa”, bóng tối bưng như mực tràn ngập không gian, nuốt chửng căn nhà. Ngọn lửa vật lý, ánh sáng tự nhiên vụt tắt, ẩn mình khuất lấp trong những tàn than. Nó nhường bước cho ngọn lửa mới – Lửa hồng tâm hồn, lửa hồng nhân văn – mạnh mẽ chói sáng và ấm nóng hơn. Ngọn lửa ấy có sức nóng cách mạng, sức sáng của tình thương và ánh vàng hi vọng, hứa hẹn một tương lai huy hoàng, xán lạn, có sức mạnh làm nên đổi thay diệu kì. Ánh lửa ấy là năng lượng kích hoạt con người một thời yếu đuối, sợ hãi, chai lì nay đã đủ nhiệt tâm, giàu can trường, đầy sức mạnh “rút con dao cắt lúa, cắt nút dây mây” giải thoát A Phủ, để rồi giải phóng cả bản thân mình. Và cả hai làm lại cuộc đời, xây dựng cuộc sống mới. Ở đó là cả “một mùa xuân” của tự do, hạnh phúc, tràn trề sức sống và khát vọng!

Tác phẩm khép lại trong một kết thúc có hậu. Lửa hồng đêm đông ngày ấy đã tắt, nhưng trong kí ức bạn đọc, nó mãi bảo lưu và trường tồn, mãi tỏa sáng và ấm nóng như ngọn lửa lòng mạnh mẽ của người sơn nữ có tên là Mị. Để mỗi khi chúng ta gặp phải nghịch cảnh của cuộc sống, giá băng nỗi niềm của cuộc đời, hãy “sưởi” nó, biết đâu, ta sẽ có sức mạnh vượt lên tất cả!

Tri Chương (Giáo viên Ngữ Văn – Trường THPT Nguyễn Thái Bình-Thăng Bình – Quảng Nam)

(Bài viết được đăng tải trong Tạp chí “Thế giới trong ta” (Cơ quan ngôn luận của Hội khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam – Số PB15 (Tháng 9 năm 2011))
 
Từ khóa Từ khóa
ánh lửa hồng tái sinh cuộc đời mị bên bếp lửa cô thổi sáo giỏi lửa hồng mị là cô gái h′mông ngọn lửa ngọn lửa lòng thồng lí pá tra vợ chồng a phủ đêm nào mị cũng khóc
  • Like
Reactions: Vanhoctre
864
1
1
Trả lời
Ai thích bài Để Mị nói cho mà nghe.... hông? Trong bài này, tác giả dù đề cập chính tới biểu tượng ánh lửa (đối lập, tôn vinh) tâm trạng của Mị, song bên cạnh đó, Tri Chương cũng đồng thời nhắc tới các biểu tượng quan trọng khác, ví như tiếng sáo đêm tình Mùa xuân. Đối với Mị, tiếng sáo là bài ca muôn thuở của sự sống, là biểu tượng của tự do – tình yêu – hạnh phúc mà bấy lâu nay dường như bị lãng quên, giờ đây được đánh thức, hồi sinh. Hóa ra, bên trong con người câm lặng kia, tiếng sáo vàng son ngày xưa vẫn hằng bảo lưu trong lòng, giữ gìn vẹn nguyên nơi kí ức, như thỏi than hồng ủ kín, có cơ hội là trỗi dậy thăng hoa.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.