“Tây Tiến” của Quang Dũng là một đỉnh cao của thơ ca viết về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám – 1945. Qua nỗi nhớ thương đồng đội, nhà thơ đã dựng lên bức tượng đài sừng sững mà bi tráng, rất đẹp và sinh động để ca ngợi người lính Tây Tiến oai hùng. Bài thơ kết tụ tài hoa nghệ sĩ của Quang Dũng, với ngôn từ đặc sắc, hình ảnh độc đáo, gợi cảm và giàu âm điệu – mà nói như thi sĩ Xuân Diệu: “Nghe như ngậm nhạc trong miệng”.
Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) chính tên là Bùi Đình Diệm, quê làng Phượng Trì (tức làng Phùng), huyện Đan Phượng, Hà Đông; nay thuộc Hà Nội. Làng Phùng giàu truyền thống văn hóa và các danh nhân lịch sử. Thủa nhỏ, Quang Dũng sống và học tập ở Hà Nội. Ông có một số tác phẩm in chung hoặc in riêng, thuộc các thể ký, truyện ngắn và thơ. Bài thơ “Tây Tiến” (viết năm 1948) là thi phẩm nổi tiếng của ông; về sau được in ở tập “Mây đầu ô”, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội – 1986. “Tây Tiến” là tráng ca về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ tài hoa, bản sắc Quang Dũng, đưa ông vào vị trí hàng đầu của các nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tây Tiến là một đơn vị quân đội, thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng biên cương Tây Bắc Việt Nam và phối hợp với bộ đội Pathet Lào đánh Pháp ở Thượng Lào. Trong hoàn cảnh cực kỳ gian khổ sống giữa núi rừng heo hút, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề, nhưng các chiến sĩ Tây Tiến – phần đông là các chàng trai Hà Nội – vẫn lạc quan, anh dũng chiến đấu. Quang Dũng là đại đội trưởng Tây Tiến từ đầu năm 1947, đến cuối năm 1948 thì được điều động sang đơn vị khác. Năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nhớ đến đồng đội cũ, ông viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”, sau đổi là “Tây Tiến”. Bài thơ là một kiệt tác của thơ ca Việt Nam hiện đại, thể hiện cảm xúc yêu mến, lòng khâm phục của tác giả trước vẻ đẹp hào hùng mà lãng mạn và tinh thần bi tráng của người lính Tây Tiến. Tính độc đáo về nội dung và bút pháp tài hoa của Quang Dũng trong “Tây Tiến” là không thể trộn lẫn trong thơ ca cách mạng nước ta.
Phần đầu bài thơ, Quang Dũng biểu lộ nỗi nhớ Tây Bắc không nguôi. Núi rừng và người dân nơi đây đã che chở, gắn bó với đoàn quân Tây Tiến. Nỗi nhớ ấy thấm đậm cả không gian và thời gian:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Ta như nghe thấy tiếng gọi thiết tha, đầy yêu thương của tác giả đối với Tây Bắc, với đồng đội. Nhà thơ nhớ đồng đội, nhớ núi rừng và các bản làng đã đi qua. Đặc biệt, tác giả nhớ cảnh hành quân gian khổ trên núi rừng Tây Bắc:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thức lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Bốn câu thơ thật hay. Một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, hiểm trở, hùng vĩ và rất thơ mộng, được vẽ nên bằng trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ, với biện pháp nghệ thuật tương phản và phóng đại. Hành quân trên núi cao có mây che phủ, người lính Tây Tiến như đi trong mây (Heo hút cồn mây súng ngửi trời). Gian khổ mà vẫn vui. Quang Dũng dùng từ ngữ mới lạ, táo bạo, lại hóm hỉnh, tinh nghịch, đầy chất lính: “súng ngửi trời”. Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là câu thơ rất gợi cảm và tài hoa, toàn thanh “không” và “bằng”, làm ta nhớ đến âm điệu câu thơ diệu nghệ của thi sĩ Tản Đà: “Giang hồ mê chơi quên quê hương” (trong bài Thăm mả cũ bên đường) và hai câu thơ tuyệt mĩ của Xuân Diệu: “Sương nương theo trăng ngưng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (bài Nhị hồ). Núi rừng Tây Bắc ghi lại cảnh buồn đau của đồng đội: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên mũ súng bỏ quên đời”. Nhưng nơi ấy cũng có cái vui bình dị của cuộc sống bản làng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Tiếp đó, Quang Dũng nhớ đến cảnh sinh hoạt chan hòa, vui tươi của chiến sĩ Tây Tiến với đồng bào Tây Bắc. Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng thể hiện đậm nét trong đoạn này. Cảnh và người thật là thơ mộng, có nét hoang dại chân thực, rất quyến rũ, đáng yêu, được nhà thơ chấm phá một cách tinh tế. Những câu thơ rất có duyên. Điệu thơ nhịp nhàng, lâng lâng như tiếng hát, như điệu nhảy hút hồn của các sơn nữ:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Anh lính lãng mạn, hào hoa xuất thân Hà Nội như ngỡ ngàng, ngơ ngác, đầy vui sướng khi thấy các cô gái Thái xinh đẹp đang múa lượn trong ánh lửa trại sáng rực và tiếng khèn trầm bổng. Và đây nữa, dáng vẻ uyển chuyển gợi cảm của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc mới đáng yêu làm sao:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Những bông lau đong đưa theo chiều gió, hay là dáng điệu và ánh mắt đong đưa của cô gái trên thuyền? Dù hiểu theo cách nào cũng thật là đẹp. Hiếm có những câu thơ độc đáo, có duyên và hay đến thế!
Điểm tựa và cốt lõi của bài thơ là hình ảnh đoàn quân Tây Tiến vừa chân thực, vừa lãng mạn và bi tráng. Người lính Tây Tiến được tác giả khắc họa sắc nét từ ngoại hình đến nội tâm. Quang Dũng tô đậm những cái khác lạ, sử dụng linh hoạt biện pháp nghệ thuật tương phản, với trí tưởng tượng phong phú, nên hình ảnh người lính Tây Tiến đã tác động mạnh và sâu vào sự rung cảm của người đọc. Đây là vẻ ngoại hình độc đáo đến khác thường, gây ấn tượng đặc biệt về người chiến sĩ Tây Tiến:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.
Sống nơi rừng thiêng nước độc, vô vàn gian khổ, nên bộ đội Tây Tiến thường bị sốt rét, da xanh xám, rụng hết tóc, hoặc phải húi trọc đầu. Hình ảnh ấy trông vừa thương, vừa thấy ngồ ngộ. Cùng thời, nhà thơ Tố Hữu cũng mô tả về anh Vệ quốc quân: “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ” (bài Cá nước). Các chi tiết: “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” biểu hiện cái tướng mạo phi thường, dữ dội và cả lòng căm thù giặc của người lính Tây Tiến khiến kẻ địch phải khiếp sợ, được nhà thơ khéo léo kết hợp với vẻ đẹp nội tâm rất đáng yêu của các anh: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Đấy là nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ các thiếu nữ Hà thành duyên dáng – một nỗi nhớ chân thực và rất lãng mạn của những chàng trai hào hoa, phong nhã gốc Hà Nội. Có lẽ chỉ có “dáng kiều thơm” mới xứng với kẻ anh hùng! Câu thơ tuyệt diệu! Thật thế. Thi sĩ Tản Đà tài danh, nổi tiếng đa tình, có hồi sinh chắc cũng phải nể!
Quang Dũng biểu hiện cảm xúc xót thương vô hạn và ca ngợi cái chết bi hùng của người lính Tây Tiến:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Những cái chết xa nhà, xa quê hương. Đó là sự thật, là cái bi, thể hiện nỗi đau nghẹn ngào trong lòng tác giả. Bộ đội Tây Tiến biết là phải hy sinh, nhưng lý tưởng cao đẹp khiến các anh tự giác đón nhận hy sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Lại nhớ đến hình ảnh người ra đi cứu nước trong bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm: “Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại”. Bộ đội Tây Tiến chiến đấu xa quê hương, lúc chôn cất không có ván, chỉ có manh chiếu bọc thân! Các anh đã “về đất” – chứng tỏ sự hy sinh vì Tổ quốc rất thanh thản. Nhà thơ dùng từ rất hay, dùng cách nói giảm, làm nhẹ nỗi đau, độc đáo mà lại đậm tính dân tộc. Sự hy sinh của các anh khiến sông núi cũng xúc động, cảm thông: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”! Đấy là tiếng khóc thống thiết, nỗi đau xé ruột của nhà thơ, của nhân dân, của đất trời trước cái chết của người chiến sĩ Tây Tiến. Đó cũng là khúc nhạc trầm hùng của núi rừng Tây Bắc đưa tiễn các anh.
“Tây Tiến” của Quang Dũng là một đỉnh cao của thơ ca viết về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám – 1945. Qua nỗi nhớ thương đồng đội, nhà thơ đã dựng lên bức tượng đài sừng sững mà bi tráng, rất đẹp và sinh động để ca ngợi người lính Tây Tiến oai hùng. Bài thơ kết tụ tài hoa nghệ sĩ của Quang Dũng, với ngôn từ đặc sắc, hình ảnh độc đáo, gợi cảm và giàu âm điệu – mà nói như thi sĩ Xuân Diệu: “Nghe như ngậm nhạc trong miệng”.
Tây Tiến – Bài thơ đặc sắc của Quang Dũng
Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) chính tên là Bùi Đình Diệm, quê làng Phượng Trì (tức làng Phùng), huyện Đan Phượng, Hà Đông; nay thuộc Hà Nội. Làng Phùng giàu truyền thống văn hóa và các danh nhân lịch sử. Thủa nhỏ, Quang Dũng sống và học tập ở Hà Nội. Ông có một số tác phẩm in chung hoặc in riêng, thuộc các thể ký, truyện ngắn và thơ. Bài thơ “Tây Tiến” (viết năm 1948) là thi phẩm nổi tiếng của ông; về sau được in ở tập “Mây đầu ô”, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội – 1986. “Tây Tiến” là tráng ca về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ tài hoa, bản sắc Quang Dũng, đưa ông vào vị trí hàng đầu của các nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tây Tiến là một đơn vị quân đội, thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng biên cương Tây Bắc Việt Nam và phối hợp với bộ đội Pathet Lào đánh Pháp ở Thượng Lào. Trong hoàn cảnh cực kỳ gian khổ sống giữa núi rừng heo hút, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề, nhưng các chiến sĩ Tây Tiến – phần đông là các chàng trai Hà Nội – vẫn lạc quan, anh dũng chiến đấu. Quang Dũng là đại đội trưởng Tây Tiến từ đầu năm 1947, đến cuối năm 1948 thì được điều động sang đơn vị khác. Năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nhớ đến đồng đội cũ, ông viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”, sau đổi là “Tây Tiến”. Bài thơ là một kiệt tác của thơ ca Việt Nam hiện đại, thể hiện cảm xúc yêu mến, lòng khâm phục của tác giả trước vẻ đẹp hào hùng mà lãng mạn và tinh thần bi tráng của người lính Tây Tiến. Tính độc đáo về nội dung và bút pháp tài hoa của Quang Dũng trong “Tây Tiến” là không thể trộn lẫn trong thơ ca cách mạng nước ta.
Phần đầu bài thơ, Quang Dũng biểu lộ nỗi nhớ Tây Bắc không nguôi. Núi rừng và người dân nơi đây đã che chở, gắn bó với đoàn quân Tây Tiến. Nỗi nhớ ấy thấm đậm cả không gian và thời gian:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Ta như nghe thấy tiếng gọi thiết tha, đầy yêu thương của tác giả đối với Tây Bắc, với đồng đội. Nhà thơ nhớ đồng đội, nhớ núi rừng và các bản làng đã đi qua. Đặc biệt, tác giả nhớ cảnh hành quân gian khổ trên núi rừng Tây Bắc:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thức lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Bốn câu thơ thật hay. Một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, hiểm trở, hùng vĩ và rất thơ mộng, được vẽ nên bằng trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ, với biện pháp nghệ thuật tương phản và phóng đại. Hành quân trên núi cao có mây che phủ, người lính Tây Tiến như đi trong mây (Heo hút cồn mây súng ngửi trời). Gian khổ mà vẫn vui. Quang Dũng dùng từ ngữ mới lạ, táo bạo, lại hóm hỉnh, tinh nghịch, đầy chất lính: “súng ngửi trời”. Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là câu thơ rất gợi cảm và tài hoa, toàn thanh “không” và “bằng”, làm ta nhớ đến âm điệu câu thơ diệu nghệ của thi sĩ Tản Đà: “Giang hồ mê chơi quên quê hương” (trong bài Thăm mả cũ bên đường) và hai câu thơ tuyệt mĩ của Xuân Diệu: “Sương nương theo trăng ngưng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (bài Nhị hồ). Núi rừng Tây Bắc ghi lại cảnh buồn đau của đồng đội: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên mũ súng bỏ quên đời”. Nhưng nơi ấy cũng có cái vui bình dị của cuộc sống bản làng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Tiếp đó, Quang Dũng nhớ đến cảnh sinh hoạt chan hòa, vui tươi của chiến sĩ Tây Tiến với đồng bào Tây Bắc. Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng thể hiện đậm nét trong đoạn này. Cảnh và người thật là thơ mộng, có nét hoang dại chân thực, rất quyến rũ, đáng yêu, được nhà thơ chấm phá một cách tinh tế. Những câu thơ rất có duyên. Điệu thơ nhịp nhàng, lâng lâng như tiếng hát, như điệu nhảy hút hồn của các sơn nữ:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Anh lính lãng mạn, hào hoa xuất thân Hà Nội như ngỡ ngàng, ngơ ngác, đầy vui sướng khi thấy các cô gái Thái xinh đẹp đang múa lượn trong ánh lửa trại sáng rực và tiếng khèn trầm bổng. Và đây nữa, dáng vẻ uyển chuyển gợi cảm của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc mới đáng yêu làm sao:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Những bông lau đong đưa theo chiều gió, hay là dáng điệu và ánh mắt đong đưa của cô gái trên thuyền? Dù hiểu theo cách nào cũng thật là đẹp. Hiếm có những câu thơ độc đáo, có duyên và hay đến thế!
Điểm tựa và cốt lõi của bài thơ là hình ảnh đoàn quân Tây Tiến vừa chân thực, vừa lãng mạn và bi tráng. Người lính Tây Tiến được tác giả khắc họa sắc nét từ ngoại hình đến nội tâm. Quang Dũng tô đậm những cái khác lạ, sử dụng linh hoạt biện pháp nghệ thuật tương phản, với trí tưởng tượng phong phú, nên hình ảnh người lính Tây Tiến đã tác động mạnh và sâu vào sự rung cảm của người đọc. Đây là vẻ ngoại hình độc đáo đến khác thường, gây ấn tượng đặc biệt về người chiến sĩ Tây Tiến:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.
Sống nơi rừng thiêng nước độc, vô vàn gian khổ, nên bộ đội Tây Tiến thường bị sốt rét, da xanh xám, rụng hết tóc, hoặc phải húi trọc đầu. Hình ảnh ấy trông vừa thương, vừa thấy ngồ ngộ. Cùng thời, nhà thơ Tố Hữu cũng mô tả về anh Vệ quốc quân: “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ” (bài Cá nước). Các chi tiết: “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” biểu hiện cái tướng mạo phi thường, dữ dội và cả lòng căm thù giặc của người lính Tây Tiến khiến kẻ địch phải khiếp sợ, được nhà thơ khéo léo kết hợp với vẻ đẹp nội tâm rất đáng yêu của các anh: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Đấy là nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ các thiếu nữ Hà thành duyên dáng – một nỗi nhớ chân thực và rất lãng mạn của những chàng trai hào hoa, phong nhã gốc Hà Nội. Có lẽ chỉ có “dáng kiều thơm” mới xứng với kẻ anh hùng! Câu thơ tuyệt diệu! Thật thế. Thi sĩ Tản Đà tài danh, nổi tiếng đa tình, có hồi sinh chắc cũng phải nể!
Quang Dũng biểu hiện cảm xúc xót thương vô hạn và ca ngợi cái chết bi hùng của người lính Tây Tiến:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Những cái chết xa nhà, xa quê hương. Đó là sự thật, là cái bi, thể hiện nỗi đau nghẹn ngào trong lòng tác giả. Bộ đội Tây Tiến biết là phải hy sinh, nhưng lý tưởng cao đẹp khiến các anh tự giác đón nhận hy sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Lại nhớ đến hình ảnh người ra đi cứu nước trong bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm: “Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại”. Bộ đội Tây Tiến chiến đấu xa quê hương, lúc chôn cất không có ván, chỉ có manh chiếu bọc thân! Các anh đã “về đất” – chứng tỏ sự hy sinh vì Tổ quốc rất thanh thản. Nhà thơ dùng từ rất hay, dùng cách nói giảm, làm nhẹ nỗi đau, độc đáo mà lại đậm tính dân tộc. Sự hy sinh của các anh khiến sông núi cũng xúc động, cảm thông: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”! Đấy là tiếng khóc thống thiết, nỗi đau xé ruột của nhà thơ, của nhân dân, của đất trời trước cái chết của người chiến sĩ Tây Tiến. Đó cũng là khúc nhạc trầm hùng của núi rừng Tây Bắc đưa tiễn các anh.
“Tây Tiến” của Quang Dũng là một đỉnh cao của thơ ca viết về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám – 1945. Qua nỗi nhớ thương đồng đội, nhà thơ đã dựng lên bức tượng đài sừng sững mà bi tráng, rất đẹp và sinh động để ca ngợi người lính Tây Tiến oai hùng. Bài thơ kết tụ tài hoa nghệ sĩ của Quang Dũng, với ngôn từ đặc sắc, hình ảnh độc đáo, gợi cảm và giàu âm điệu – mà nói như thi sĩ Xuân Diệu: “Nghe như ngậm nhạc trong miệng”.
(Đào Ngọc Đệ)