Nhà Bệnh viện tâm thần - Híp bốn mắt

  • Thread starter Thread starter Híp
  • Ngày gửi Ngày gửi

Nhà  Bệnh viện tâm thần - Híp bốn mắt

Híp
Híp
  • Thành Viên 30
Bệnh viện tâm thần
Lam xách giỏ hoa quả, đeo chiếc ba lô, chào bác tài rồi bước xuống trạm xe bus. Đã một năm rồi cô không về thăm nhà. Lam đi học Đại học ở một thành phố lớn phồn hoa, vội vã. Nhưng nơi đây, ngay từ khi đặt chân xuống xe, cái hương vị quê nhà không lẫn vào đâu được ùa vào mũi. Cô gái có mái tóc dài chấm vai, thân mình mảnh khảnh dang rộng đôi tay như muốn ôm một thứ vô hình nào đó mà hít ngửi thật sâu.
Bước vào cổng, Lam ngó vào chòi bảo vệ hù bác Năm. Người đàn ông tuổi đã ngả về chiều, mắt đeo kính đang ngồi đọc báo bị giật mình.
“Cái Lam đó hả? Cha bố cô, sao giờ mới chịu mò về?” Bác Năm tất tưởi chạy ra, đôi tay gầy gò nắm chặt vai Lam nói.
Lam bỏ đồ xuống vòng tay ôm chặt bác, đầu dụi vào lồng ngực bác, ngửi mùi thuốc lào quen thuộc. “Con về nghỉ hè ạ.”
“Đi vào trong nhà cho mát, các mẹ cô đang bận, hôm nay viện nhận thêm người mới.” Bác Năm thúc giục.
Đây là một viện tâm thần nhỏ. Cả viện chỉ có ba dãy nhà xếp hình chữ U, bao gồm cả khu hành chính và khu chữa bệnh. Ở giữa là khoảng sân lớn trồng rất nhiều cây và hoa, trông thoáng mát như một công viên xanh. Bước đi dưới bóng xà cừ xào xạc, Lam bồi hồi nhớ lại ngày còn bé. Hình ảnh cô bé Lam nhỏ tuổi thắt bím tóc hai bên chạy theo chàng trai chừng hai mươi tuổi đuổi bắt bướm, tiếng cười khanh khách như vọng lại từ một nơi xa. Hay hình ảnh bé Lam ngồi ngẩn người cùng chị gái phòng bên đến tùng chiếc lá cây, đếm từng viên sỏi. Tất cả những hình ảnh ấy như chỉ mới ngày hôm qua. Thời gian trôi nhanh quá, giờ cô đã lớn.
Cách đây mười tám năm, sau một đêm trực vất vả, bác sỹ Xuân đi qua cổng sau bệnh viện trở về nhà thì chị nghe thấy tiếng khóc trẻ con. Đoạn đường này rất vắng, xung quanh lặng ngắt ngư tờ. Tiếng khóc như tiếng ai kéo đàn nhị thê lương. Chị nhìn quanh thì thấy một bọc nhỏ dưới gốc cây ven đường, bên trong là bé con được quấn tã qua loa. Người mẹ nào đã nhẫn tâm bỏ lại khi bé còn đỏ hỏn, không một bức thư, không một chiếc áo. Chị Xuân đưa bé về viện và cùng các bác sỹ khác bàn bạc rồi quyết định xin nhận nuôi. Bé được đặt tên là Lam, cái tên mang hi vọng đem lại cho con một tương lai trải rộng và tươi sáng như bầu trời ngày hôm ấy.
Lam đẩy cửa bước vào phòng, đây vốn là một cái kho nhỏ của bệnh viện, cách xa khu bệnh nhân. Các mẹ sợ cô bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh nên xin viện trưởng cho phép và dọn cho cô một căn phòng nhỏ này, cũng để tiện chăm sóc cho Lam khi còn bé. Lâu dần quen với cuộc sống, Lam ở lại đây luôn, không về nhà các mẹ nữa. Căn phòng vẫn sạch sẽ như ngày cô chưa đi học xa, chắc các mẹ vẫn thường xuyên giúp cô dọn dẹp. Lam nằm vật ra giường, cả người thả lỏng, miệng mỉm cười chìm vào giấc ngủ.
Lúc tỉnh dậy thì đã là giờ cơm trưa, Lam dụi mắt nhìn quanh. Một người phụ nữ đang treo quần áo của cô vào tủ, một người thì gọt hoa quả, một người thì đang cắm hoa tươi vào bình. Lam bật dậy gọi: “Mẹ.”
“Dậy rồi đấy à?” Ba người phụ nữa đưa mắt lại nhìn cô cười.
Đây là ba người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của Lam. Những người đã nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo cô nên người, cho cô một mái ấm, và không bao giờ bỏ rơi cô. Lam chạy lại ôm từng người làm nũng, cô dụi đầu vào cổ mẹ Xuân như là còn bé lắm.
“Học hành có vất vả lắm không? Đã nói đừng có học bác sỹ làm gì rồi, không nghe mẹ cơ. Giờ học gầy cả người rồi đây này.” Chị Xuân xoa đầu Lam trách móc.
Lam chạy lại bàn nước, cầm quả táo lên cắn, nói: “Con muốn sau này thành bác sỹ tâm thần như các mẹ, mấy bệnh nhân náo loạn chỉ cần hai phút là dẹp yên, ngầu biết bao.”
Chị Hoa ngừng tay gọt quả nhìn Lam: “Con thật sự muốn trở thành bác sỹ tâm thần hả? Sẽ rất vất vả, con nhìn mẹ Hà của con đi, bà ấy còn chẳng buồn lấy chồng kia kìa.”
“Mẹ Hà không cần lo, sau này đã có con ở bên mẹ.” Lam quay lại nháy mắt với mẹ Hà.
“Rồi… Mẹ Xuân với mẹ Hoa cô không độc thân như tôi, nên sau này tôi nhờ hết vào cô đó.” Mẹ Hà vừa nói vừa đặt bình hoa xuống cạnh cửa sổ, mẹ cười hiền từ còn tươi hơn những bông hoa đang nở rộ trong bình.
Lam bỗng chợt nhận ra, thì ra, các mẹ của cô đều đã có tuổi cả rồi. Những người phụ nữ nô đùa cùng cô ngày ấy, bây giờ khóe mắt đã có nếp nhăn, tóc đã thêm vài sợi bạc. Đây là những người phụ nữ mang cho cô cuộc sống, mang cho cô hi vọng, cho cô tình yêu và sự bao dung. Lam không quá tò mò người sinh ra mình là ai, không quá oán trách người đã nhẫn tâm bỏ lại mình. Chỉ cần được sống, dù không được như bao người khác, có một mái ấm đầy đủ thì Lam cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Đối với Lam, các mẹ, những người thân ở đây, hay cả những bệnh nhân cô từng gặp cũng chính là những người cho cô tất cả.
“Mới năm nhất thôi, con còn cả một quãng thời gian dài cần cố gắng hết mình. Các mẹ lúc đó cũng có tuổi cả rồi, con có thể suy nghĩ và lựa chọn học định hướng chuyên sâu mà con muốn. Đừng vì các mẹ mà lựa chọn ở lại đây, nơi này chỉ là một thành phố nhỏ.” Chị Xuân dặn dò Lam.
Lam nhìn mẹ Xuân, người phụ nữ năm ấy bồng cô về, khuyên nhủ những người chị em đồng nghiệp của mình cùng nhau nuôi nấng cô. Lam cúi đầu ngậm ngùi nói: “Con chỉ muốn học xong rồi về đây làm thôi, đây là nhà con, con còn biết đi đâu nữa, con muốn ở gần các mẹ.”
“Con đi học cũng không vất vả lắm đâu, các mẹ đừng lo. Các mẹ mới cần chú ý giữ gìn sức khỏe đó. Có phải mẹ Hoa gầy đi rồi không?” Lam ôm ôm, xờ xờ hết người này đến người khác, nói.
Ba người mẹ nhìn nhau rồi nhìn Lam, họ cũng không nỡ xa cô, nhưng càng không nỡ để cô vất vả. Lam là một cô bé năng động hoạt bát, so với những người khác có một gia đình đầy đủ thì Lam càng nên có một cuộc sống tự do, vui vẻ mà cô muốn. Thời gian càng trôi, họ càng già, Lam càng lớn. Đến một lúc nào đó Lam cũng cần phải có cuộc sống riêng mà họ không cho con bé được. Nhìn con lớn lên và trưởng thành chính là một niềm hạnh phúc viên mãn dù cho giữa họ không có quan hệ máu mủ, ruột già.
Thành phố này nhỏ lắm, viện tâm thần cũng nhỏ, nhưng trong lòng Lam thì nơi này lớn lắm, dùng bao nhiêu tình thương cũng không lấp đầy được nó trong lòng cô.
Bệnh nhân ở đây không nhiều, nhưng cũng không thiếu hình ảnh mọi người đi lại trên hành lang, họ nói chuyện với nhau, đôi khi là tự nói chuyện một mình. Viện trưởng từng nói với Lam, giao tiếp cũng góp phần giúp người bệnh hòa nhập với xã hội. Vì vậy, Lam thường ngồi trò chuyện với các cô, các bác bệnh nhân hoặc phụ bếp như một sự đóng góp, cảm ơn đối với bệnh viện. Hồi bé khi thấy bệnh nhân kích động, gào thét, có nguy cơ gây tổn thương bản thân và người khác được các các chú điều dưỡng khỏe mạnh hỗ trợ, Lam cảm thấy rất sợ hãi. Các mẹ thường dặn Lam không được qua khu bệnh nhân chơi. Giờ Lam lớn rồi, cô không còn sợ hãi như trước nữa. Sau này học xong, Lam sẽ về đây, trở thành một phần trong đó.
Lam được nghỉ hè một tháng, hè này cô quyết định về đây chơi, hè các năm sau sẽ giành thời gian học và đi làm thêm phụ các mẹ. Dù sao các mẹ cũng còn có gia đình riêng của mình nữa. Lam rất ngoan, ngày bé không khóc, không quấy; lớn lên chăm chỉ học hành, còn thi đỗ Đại học Y. Trong mắt Lam, những nhân viên y tế như những thiên thần áo trắng vậy. Nụ cười của những bệnh nhân được ra viện, trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội luôn làm cho tâm hồn bé Lam rung động. Từ nhỏ Lam đã có ước mơ được trở thành người như các mẹ của mình.
Lam đang nói chuyện cùng một bác bệnh nhân lớn tuổi thì có bệnh nhân khác lại gần nói với Lam: “Bầu trời ơi, mẹ cháu tìm, đang đứng ở kia kìa.” Người đàn ông chỉ tay về phía dãy nhà hành chính. Lam tưởng các mẹ tìm mình, cô đứng dậy chào hai bác rồi vội chạy về phòng.
Trước sảnh, viện trưởng đang đứng nói chuyện với một người phụ nữ trẻ. Lam cũng không để ý nhiều hỏi viện trưởng: “Con chào viện trưởng, có phải các mẹ tìm con không ạ? Con qua phòng mà không thấy ai.”
Viện trưởng nhìn Lam rồi nhìn người phụ nữ, Lam thấy không khí giữa ba người thật lạ. Bác viện trưởng bảo họ vào phòng ngồi nói chuyện. Lam ngạc nhiên lắm, đánh mắt nhìn sang người phụ nữ bên cạnh tò mò. Cô này đẹp quá, nhưng Lam có thể nhận ra đôi bàn tay này cũng đã không còn trẻ nữa, chỉ là sự sang trọng và quý phái đã che đậy đi phần nào. Cặp kính râm làm cho Lam không đoán được tâm tình của người phụ nữ.
Trong căn phòng của viện trưởng, trên ghế bành dài là Lam và ba người mẹ của mình, đối diện là người phụ nữ trẻ. Chị Xuân sốt ruột nhìn viện trưởng: “Hôm nay viện trưởng có khách quý sao?”
“Đây là cô Hương Giang, từ thành phố bên cạnh tới, cô ấy muốn gặp mấy mẹ con các cô, còn cụ thể như thế nào thì mọi người cứ từ từ nói chuyện. Tôi nghĩ, tôi không tiện tham dự cho lắm.” Nói rồi viện trưởng bước ra ngoài, đóng cửa để lại năm người ngồi nhìn nhau đầy tò mò và nghi hoặc.
Lúc này, người phụ nữ lạ tháo xuống mắt kính, mắt cô đã ửng đỏ như sắp khóc nhìn Lam, Lam bối rối nghe người phụ nữ nói: “Chào các chị, chào con, con tên Lam phải không? Tôi… Tôi… Tôi là mẹ ruột của cháu Lam.”
Tất cả mọi người sững sờ, chị Hà đứng bật dậy, những người khác như đứng hình vài giây. Người phụ nữ hít sâu, lôi khăn mùi xoa chấm nước mắt, nói: “Năm đó tôi còn trẻ dại, ngoài ý muốn mang bầu nhưng không nỡ bỏ con. Sau khi sinh, vì bất đắc dĩ nên để lại cháu ở cổng sau bệnh viện. Tôi thường thấy bác sỹ đi về nhà bằng đường này, lúc ấy chỉ hi vọng cháu may mắn gặp người tốt cưu mang giúp đỡ. Nhiều năm này, tôi luôn sống trong dằn vặt, tự vấn. Tôi vẫn lén về nhìn cháu, nhưng không có đủ dũng khí và điều kiện để nhận cháu.”
Lam cảm thấy mình như tạm thời mất tri giác, tai ù đi, các tế bào thần kinh như tê liệt. Tiếng khóc của người phụ nữ như đâm thẳng vào trong tâm trí Lam, Lam không biết phải làm gì lúc này.
Mẹ Xuân đặt mạnh cốc nước xuống bàn, gằn giọng: “Vậy giờ con bé lớn rồi, cô muốn về đón nó để cho lương tâm đỡ cắt dứt à?”
Mẹ Hoa nắm chặt tay Lam, nhìn người phụ nữ mà không kìm nén được nói: “Kể từ thời điểm chị bỏ lại Lam, chị đã mất đi quyền lợi làm mẹ con bé.”
Lam vẫn ngồi đó, họng như bị chặn lại không phát ra được âm thanh nào. Cô tưởng rằng mình không quan tâm, không tò mò. Nhưng lúc người phụ nữ trước mặt này nói là mẹ đẻ của cô thì từ sâu trong tâm, Lam lại không bình tĩnh được như vậy.
“Tạm thời cô cứ về đi, tôi nghĩ Lam cần có thời gian để tiếp nhận chuyện này. Cô để lại phương thức liên lạc, sau khi Lam đủ bình tĩnh để nói chuyện chúng tôi sẽ liên hệ với cô.” Chị Hà nói với người phụ nữ. Tạm thời cho con bé và chính các chị thời gian để bình tĩnh lại đã.
Sau khi để lại phương thức liên lạc, người phụ nữ ra về với khuôn mặt đầy nước ngoảnh lại nhìn Lam. Lam hoảng hốt.
Đêm ấy, Lam xin ngủ cùng các mẹ. Con bé không còn bình tĩnh được như hồi chiều nữa, Lam khóc nấc lên như một đứa trẻ. Người phụ nữ xa lạ kia chính là người sinh ra cô, cũng là người đã từng không cần cô nữa. Cô không biết mình phải làm gì bây giờ.
“Giờ con đã lớn, dù con có đưa ra bất kỳ quyết định gì thì các mẹ vẫn là mẹ của con, đây vẫn là nhà của con, bé con à. Tất cả đều không thay đổi.” Mẹ Xuân vừa nói vừa ôm cô vào lòng, tay khẽ vuốt lưng cô.
Các mẹ nói đúng, quá khứ từng bị bỏ rơi nhưng hiện tại thì không. Cô không còn là đứa trẻ người ta không cần nữa, cô đã có các mẹ, cô đã có nhà của mình.
Lam ngủ say trong vòng tay ấm áp của mẹ Xuân, du dương bên tai là giọng hát khe khẽ của mẹ Hà, hơi thở thơm mát của mẹ Hoa. Tất cả đều như những năm tháng còn nhỏ. Sau này có sao thì hiện tại cô cũng đã và đang được hạnh phúc.

Nguồn ảnh: internet
Truyện ngắn Bệnh viên tâm thần - Văn học trẻ.jpg
 
492
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.