Nhà Bố là Nhà - Nguyên Hà

Nhà  Bố là Nhà - Nguyên Hà

Chiếc xe ì ạch lăn bánh. Có lẽ do quá nặng nên phải mất mấy giây động cơ gào lên ầm ĩ bánh xe mới chịu lết đi trên mặt đường. Phong ngồi thu mình vào góc trong cùng của dãy ghế cuối, dãy năm ghế nhưng lại ngồi đến sáu người. Tuy hơi chật chội, nhưng Phong vẫn thấy may mắn hơn hàng dài người đang đứng chen chúc trước mặt mình. Xe khách chiều trung thu quá đông đúc. Xung quanh chỉ toàn mùi hơi người xộc lên óc, anh vặn gạt cửa sổ hé ra chút để lấy hơi thở trong lành bên ngoài ùa vào người. Làn gió đêm nhẹ nhàng mơn man trên cặp kính dày, bất giác khiến yết hầu anh di chuyển để nuốt vào một hơi mùa thu…

Thằng bé nhỏ quắt, đen nhẻm vô tư cười đùa với chúng bạn trong xóm nghèo. Bắn bi, chơi súng tóp, chơi trận giả,… chẳng có gì là chúng nó chưa thử qua. Tiếng mẹ gọi vang vọng khắp con ngõ, từng đứa ùa về nhà như chim về tổ, chỉ còn Phong trơ trọi giữa cánh đồng. Mẹ có gọi Phong đâu? Nó tiu nghỉu ném cành cây khô trong tay vào bụi rậm rồi lầm lũi ra về. Biết bao lâu rồi, nó những mong trong tiếng gọi về ăn cơm kia có nhắc đến tên mình, nó mong được ùa về nhà, mong được mẹ mắng: “Mang cái “dạ” về đây”, thậm chí mong được mẹ vụt vào mông cho mấy cái khi ham chơi về tối. Thế nhưng quãng đường từ bãi đất ruộng về nhà cứ dài mãi, dài mãi mà chẳng có ai gọi về.

Cổng nhà mở toang, nhà cửa vẫn tối om, thằng bé bước vào trong im lặng, tự tắm giặt, tự vào bếp nấu cơm, tự dọn dẹp nhà cửa. Ánh đèn duy nhất trong căn nhà cứ leo lét đung đưa theo gió mùa hè. Bóng nó càng gầy hơn, những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán. Phong dọn cơm ra mâm rồi ngồi phe phẩy chiếc quạt nan. Tiếng xe đạp của bố lách cách vào đến sân, thằng bé dõng dạc chào rồi lấy khăn và quần áo đưa cho bố. Những lúc như thế bố luôn cười tươi và xoa đầu nó, những nỗi buồn ban chiều chợt tan đi trong gió đêm hè. Bố làm công nhân cho một xưởng cơ khí ở làng bên, thường xuyên phải tăng ca muộn để kiếm thêm chút tiền lo cho Phong đi học. Vì thế thằng bé cũng quen với cuộc sống tự lập như một người lớn, tự lo cho bản thân, tự quán xuyến công việc trong nhà, tự học hành không cần ai phải nhắc nhở. Mẹ mất khi Phong được bốn tháng, trong ký ức của nó chỉ là hình ảnh mẹ trên bàn thờ, nụ cười hiền, ánh mắt sáng là thứ duy nhất mẹ để lại cho Phong. Từ bé, bố là bố, bố cũng chính là mẹ…Phong ngồi đung đưa hai chân trên bậc thềm từ trái cửa xuống sân, ngắm mặt trăng sáng rực trên đỉnh đầu.

- Hai bố con ăn cơm chưa?

Tiếng cô Thi vọng từ dậu ruối bên cạnh nhà làm nó giật mình.

- Con chưa cô ơi?

Thằng bé nhanh mồm miệng đáp lời, hai chân đã chạy đến bên bờ rào vì nó biết thế nào cô Thi cũng cho đồ ăn, hoa quả. Cô cười, với tay đưa cho Phong:

- Chiều cô thảy được ít ổi găng, cầm về hai bố con ăn cho vui. Nhưng ăn vừa thôi không mai lại táo bón nhé.

Thằng bé nhoẻn miệng cười, cầm quả ổi cắn rột một miếng ngon lành.

- Bố con vừa về, lát ăn cơm xong cô Thi sang chơi.

Nó tót về thềm ngồi đung đưa chân vui vẻ ăn. Nó biết cô ngại, chẳng khi nào thấy cô sang chơi nhà. Mấy đứa nhóc chơi cùng nó thường kể cô có tướng sát chồng, lấy hai người đều mất sớm, vì thế nên mới ba mươi cô đã ở vậy, không con cái, không người thân. Bố mẹ cô không còn, nhà chồng thì đoạn tuyệt, con cái cô chẳng có. Chẳng thế mà cô coi Phong như con, có đồ ăn thì thường để dành phần nó. Trong tâm hồn bé nhỏ của nó, cô Thi rất quan tâm đến bố con nó; nhưng cứ nhắc đến sang chơi nhà hay gặp bố nó là cô tìm cách từ chối.

Bố bước lên nhà, mâm cơm đơn giản chỉ có rau muống luộc với hai quả trứng rán nhưng hai bố con vui vẻ ăn hết bay nồi cơm.
Đêm mùa hè oi nóng, chiếc quạt con phe phẩy kêu lên o o. Chắc nó cũng quá già cỗi để gồng gánh chiếc cánh đã ngả màu nâu vàng. Bố thì thào:

- Mai bố được lấy lương, bố mua cho con chiếc quạt mới nhé. Con cố ngủ đi.

Thằng bé Phong dụi đầu vào tay bố, miệng còn cười vui vẻ nhưng mắt đã nhắm nghiền, thong dong trong giấc mơ có chiếc quạt mới vù vù. Nhiều đêm mơ màng tỉnh giấc, nó thấy bóng bố liêu xiêu trên bậc hè, ánh trăng nuốt trọn bờ vai bố, mái tóc phơ phơ bạc đung đưa trong gió đêm.

Mẹ mất đúng vào rằm tháng Tám, nên ngày phá cỗ nào của xóm, bố cũng xin khất để về làm cơm giỗ mẹ. Riết rồi Phong cũng quen. Ngoài làng xóm xập xình tiếng cười tiếng nói, trong căn nhà cũ chỉ có ánh đèn hắt lên bóng hai bố con. Thằng bé hiểu chuyện đến đau lòng. Nó thường ngồi im khi bố thắp hương lên bàn thờ mẹ và thì thầm với mẹ rất lâu. Bố nói gì nó không nghe được, nhưng ánh mắt bố long lanh chỉ trực trào ra ngoài. Bố nén lại rất nhanh. Bữa cơm vẫn chỉ có bố và Phong. Ăn xong bố giục Phong đi chơi trung thu cùng chúng bạn, để bố dọn dẹp cho. Dù nghèo khó, nhưng bố luôn cố gắng thức đêm làm cho con khi thì chiếc đèn lồng xoay, khi thì chiếc đèn ông sao đơn giản. Tuổi thơ của Phong cũng không có gì thua kém bạn bè. Chỉ là, Phong không còn mẹ nữa.


6658


Miên man trong những nghĩ suy vu vơ, Phong ngả theo từng đợt xe nghiêng. Trên xe đông đúc chật chội, nhưng anh cảm nhận mọi người đều có chung một nỗi niềm: mong mỏi về nhà. Quãng đường về nhà dù có phải đứng suốt, nhưng họ đều thấy đáng. Những người cha người mẹ mang trung thu về với đứa con thơ, những cô cậu sinh viên háo hức trở về đón một đêm phá cỗ mà chỉ nơi quê mới có. Càng lớn lên, con người ta mới hồi tưởng nhiều về những ký ức tuổi thơ, những ký ức không khi nào còn lấy lại được nữa. Đêm trăng tròn, gió hiu hiu thổi, lũy tre làng đung đưa theo những tràng cười trẻ thơ. Những cụ già phả khói thuốc lào, uống ngụm trà kêu “khà” một tiếng sảng khoái. Những ông bố trổ tài dựng lều trại, những người mẹ tất bật mua quà bánh, thứ quả bày mâm cỗ trung thu. Tết trung thu không chỉ là tết của trẻ em, mà là tết đoàn viên, tết của tất cả mọi người. Còn với Phong, Tết trung thu là ngày giỗ mẹ, là trở về nhà, ăn cùng bố một bữa cơm trên chiếc bàn gỗ đã gần gấp đôi tuổi của anh bây giờ.

Anh đi làm xa nhà đã mấy năm, nhiều lúc công việc cuốn anh đi, thời gian ở bên bố cũng vì thế mà ít dần. Bố cũng đã gần tuổi ngũ tuần, sức khỏe trở trời như thời tiết. Nhưng bố vẫn hàng ngày đạp chiếc xe lạch cạch đi làm, kẽo kẹt mở cánh cổng nhà trở về, ngồi ăn cơm một mình bên bàn thờ mẹ. Phong biết bố thương cô Thi, cô Thi thương hai bố con, nhưng cả hai người dường như chưa tưng bao giờ nghĩ đến một hạnh phúc cho riêng mình. Bố hay nói cô Thi là người phụ nữ bất hạnh và vất vả suốt cuộc đời, còn cô hay nhìn Phong rồi nói ước gì cô có một đứa con như Phong. Sương muối đã phủ trắng dần mái đầu của hai con người cô đơn, nhưng định kiến xã hội không cho họ bước chân qua dậu ruối ngăn cách hai mảnh sân nhà.

Phong chen chúc để bước xuống được khi cửa xe mở, cảm thấy may mắn khi quãng đường về nhà ngắn hơn những người con đang chờ đợi trên chuyến xe kia. Bụi đất cuốn lên khi bánh xe lăn đi tiếp. Anh chợt cười, lũy tre làng như cúi xuống thấp hơn đón người con trai trở về. Thấp thoáng xa xa, dưới ánh trăng vằng vặc, bóng cha nghiêng nghiêng đi lại trước cổng nhà. Nước mắt anh rưng rưng, nơi cánh cổng anh từng chờ bố đi làm về mỗi tối.

- Bố…
- Con…

Hai người đàn ông dìu nhau vào căn nhà cũ. Phong thắp một nén nhang rồi chắp tay trước di ảnh mẹ, anh thầm thì cùng mẹ rất lâu. Bữa cơm quen thuộc trên chiếc bàn cũ, những món ăn giản dị quen thuộc ngày nào, Phong sắp thêm một chiếc bát đặt bên cạnh bố rồi nhẹ cười:

- Bố đợi con. Năm nay mình mời cô Thi sang ăn cơm cùng bố nhé.

Mảnh sân nhỏ tràn ánh trăng, tiếng trống tùng dinh vang khắp xóm. Dưới mái ngói dày nắng dạn mưa, cô Thi là tuổi thơ, bố là Nhà…
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
gió đêm mua thu trung thu về nhà xe khách chiều xóm nghèo
893
2
3
Trả lời
hi, cảm ơn bạn đã chia sẻ tác phẩm đầu tay của mình lên diễn đàn.

Xin góp ý chút, bạn tạo khoảng trắng giữa các đoạn (thêm 1 enter). Và thay dấu đầu câu hội thoại bằng ghạch đầu dòng.
 
  • Like
Reactions: VHT
hi, cảm ơn bạn đã chia sẻ tác phẩm đầu tay của mình lên diễn đàn.

Xin góp ý chút, bạn tạo khoảng trắng giữa các đoạn (thêm 1 enter). Và thay dấu đầu câu hội thoại bằng ghạch đầu dòng.
Viet PhongVâng cảm ơn bạn ạ. Mình đã sửa lại bài viết rồi. Rất mong được mọi người góp ý ạ
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: VHT

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.