BỎ LẠI MỘNG TƯỞNG GIANG HỒ
- Không sao, bố không sao con ạ. Cứ tập trung làm việc đi.
Bố tiễn tôi với khuôn mặt buồn bã. Đến bác giường bên cũng gọi tôi trách móc và khuyên cần quan tâm đến bố nhiều hơn. Lão dở hơi. Suýt chút thì tôi buột miệng xả ra câu nói hỗn hào đó. May nhé. May vẫn diễn đạt vai con ngoan trò giỏi. Bảo sao tôi nổi nhất nhóm bạn hư hỏng chơi cùng.
Tự nhiên, giọng của bố hiện lên trong cơn ngủ gật. Bố bảo về nhà đi con, đừng chơi bời lêu lổng nữa. Bố nói câu đó chắc cũng hàng trăm lần rồi. Lúc nào cũng ngăn không cho tôi thể hiện sức mạnh của mình với đời. Bây giờ, băng đua xe “Hổ Vằn” mới đúng là nhà của tôi. Ở đó có các anh em “vào sinh ra tử” với tôi. Họ tôn trọng tôi, coi tôi là đại ca của họ.
Gọi thế cho oai, toàn là dân choai choai lấc cấc chơi với nhau thôi. Không tin à? Tối tối lướt ra quốc lộ ngó chút cho biết rồi về. Không thì ăn bánh cao su vào mặt là cái chắc rồi. Không thì đứng ngắm nhìn tia lửa cháy xém, tỏa ánh kim rực rỡ mỗi khi cái “chân quệt” cọ xuống mặt đường. Tiếng rít ghê rợn kêu lên. Và nó sẽ lấy đi ít nhất là vài dây thần kinh sợ hãi của người dân xấu số đứng gần đó.
- Này. Cháu ơi.
- Gì chú?
- Hình như bố cháu có gì muốn nói
- Vâng.
Có gì lát nữa tính sau. Giờ tụ hội cái đã. Sáu Râu đâu rồi! Thằng lóc chóc đi theo tôi từ hai năm trước, giờ đã thành phó tướng lẫm liệt oai phong. Dạ đại ca. Trời ơi. Oai chóc. Thằng Sáu hôm nay độ pô xe to tướng. Nghe đã cả tai. Chiếc xe tay con hầm hố, chiếc xe thằng Sáu mua bằng tiền trấn lột tụi học sinh cấp 2 đứng sừng sững như ánh hào quang. Trận đua xe này thắng chắc!
Thấy sao đại ca? Sáu Râu hất hàm hỏi. Ngực nó ưỡn lên, để lộ cục bông nhồi chèn lẹn. Nó kiếm đâu được bộ đồ đua xe, chắc hàng lậu ở đâu đó. Thế là đủ cho cuộc phê pha. Thứ tôi phê là cảm giác tung bay trên đường, nơi mái tóc cứ nhuốm bụi mà lao tới. Thạt hoành tráng, thật cao siêu. Rồi cả hội tụ tập lại, xem đứa nào còn tiền thì chung vào mua bia uống. Xong về nhà.
Đến lúc rồi đó. Sáu Râu hất đầu. Một lũ choai choai cùng đồng thanh hô to. “Đại ca vô địch.” Tôi đó. Kẻ cầm đầu băng đua xe Hổ Vằn cả đời chưa bao giờ thất bại. Chì mười mấy thằng nhưng chúng tôi chưa bị ai khuất phục. Một khu có đường rộng là địa điểm các băng nhóm tổ chức giải đua xe khét tiếng toàn tỉnh.
Đúng như dự tính, nhóm tôi đã chiến thắng. Tiền thắng cược được hai mươi triệu. Tôi cho bọn đàn em mười triệu chia nhau. Năm triệu đưa cho thằng Thanh mua thuốc cho mẹ. Nó nhờ mấy hôm nay rồi. Năm triệu còn lại, tôi vay để trả tiền điều trị cho bố.
- Nghe nói con không ở nhà mà suốt ngày đi chơi.
- Bố nghe ai nói thế? - Tôi giật mình, không dám nhìn người cha đang nằm trên giường bệnh, cố gắng lắm mới nói với con trai được vài lời. Bố chỉ lắc đầu, thở dài mấy lần. Rồi, biết thế nào bố cũng lại lôi chuyện cũ ra kể. Tôi kiếm cớ cần tĩnh dưỡng để cản không cho bố nói nhiều. Bố lại nhắc tôi nếu có thời gian thì tưới nước cho mấy cái cây bố trồng, đừng để chúng chết. Tôi lại gật đầu đại cho qua rồi đi mất.
***
“Nếu không phải là con ông thì tốt.” Tự nhiên lại nghĩ như thế. Dù sao cũng là bố. Cũng mang nửa giọt máu của ông ấy. Mẹ kiếp. Thốt ra được nửa câu cũng rảo bước đến hàng cháo. Này bà. Cho một suất cháo!
- Tôi hỏi thật. Cậu là người chăm sóc bệnh nhân được thuê à?
- Cô nói quái gì thế?
- Ô sin kiểu như cậu chỉ tổ làm người bệnh chết nhanh thôi.
Tự nhiên sống mũi nghèn nghẹn. lắp bắp hai tiếng “bà..bà” rồi vụt chạy về bệnh viện. Không đủ dũng cảm để hỏi. Thì ra người bệnh ăn uống không giống như bình thường. Tôi đã ốm bao giờ đâu mà biết. Từ bé đã bị bố gọi là thằng con trời đánh. Thằng phá xóm phá làng. Cứ về nhà là kiểu gì cũng bị bố mắng vì có người đến phàn nàn với bố. Thế thì tôi mặc kệ, đã mang tiếng xấu rồi thì tôi sẽ trở thành người xấu luôn. Đó là quy luật phổ biến của cuộc đời. Kệ xác đi mà sống. Cứ thế, tôi tụ tập đám trẻ lêu bêu ở khu phố, thành lập một nhóm giang hồ nhóc. Thế là sướng rồi. Nghĩ linh tinh rồi đã bước chân đến bệnh viện. Phòng bố nằm chỉ có hai người. Lạ thật. Không đóng nhiều tiền mà vẫn được phòng này. Kệ đi, chăm bố xong rồi té.
- Đi làm việc của con đi. Con bảo con làm giao hàng mà.
- Vâng. Đúng ạ. Con đi đây.
Đặt bịch hộp cháo xuống bàn, tôi lao vội ra ngoài bệnh viện. Bọn nó đang đợi. Hôm nay phải cho bọn từ Nam Định xuống biết mùi. Gọi một lúc, có hai mươi tay đua sẵn sàng làm một cuộc để đời. Con đường quốc lộ chưa bao giờ vắng như hôm nay. Trời tối, đền đường lác đác vài cái, quá hoàn hảo để đua. Công an cũng chẳng tăm hơi, chắc họ không ngờ có một cuộc đua xe sẽ được tổ chức ở đây.
Tôi hất hàm hỏi Sáu Râu:
- Chuẩn bị hết chưa? Xăng đủ chưa?
- Đủ rồi đại ca. Tối nay độ một trăm củ đấy. Đủ làm bữa phè phỡn
- Ngon!
Tiếng rú ga bắt đầu nổi lên ào ạt. Cửa nhà dân hai bên đường cửa đóng then cài. Dường như họ biết sẽ có một trận bão đi qua. Không một tiếng động. Không một bóng người. Cơn bão lớn sắp diễn ra. Canh bạc cuối cùng trong cuộc đời đua xe của tôi. Tôi phải để lại cho băng cái gì đó.
- Một trăm củ là đủ rồi. Chiến mày!
Sau tiếng hô của tôi, đoàn đua bắt đầu lao vào màn đêm. Quãng đường quốc lộ dài mấy chục cây, có cảnh giới đầy đủ mỗi đoạn đường. Tín hiệu báo về tất cả đều an toàn. Không có công an mai phục là đủ. Xe tôi rồ ga rồi tăng tốc. Tay phải ặn ga vẫn run run. Lúc trưa, tôi ra góc bệnh viện, ngồi bệt xuống cầu thang suy nghĩ. Ông bệnh nhân cạnh giường của bố mắng tôi. Ông không muốn bố tôi khổ. “Ông thì biết gì?” Tôi hét lên như thế nhưng lại cúi gằm mặt. Lão già đó nói không sợ dù biết tôi là đầu gấu. Lão chỉ ngồi trên giường kể lể. Lão không có con.
- Ha ha, ông không có con thì biết gì mà nói.
- Chú biết, cháu không coi trọng chú. Nhưng dù sao chú cũng lớn tuổi nên có thể cũng có gì đó có ích cho cháu. Chú là dân lái xe nhiều năm rồi, cuối đời bị bệnh phải nằm viện lâu năm nên cũng thấy thiều thảm cảnh trong viện lắm rồi. Nhiều người bị tai nạn giao thông lắm. Họ liệt hết cả người, sống không bằng chết. Lúc ấy, chỉ ước được về nhà. Dù cháu có thể thấy chán nhưng nhà là nơi cháu sẽ cảm thấy bình yên nhất vì có khung cảnh quen thuộc, có những người thân yêu luôn quan tâm đến mình.
Tôi im lặng. Ông ấy nói đúng. Tôi cũng hiểu, cái nhóm bạn bè giang hồ mình chơi chùng cũng chẳng tốt đẹp gì. Hôm trước, một thằng trong băng quệt vào người đi đường. Người đó phải vào viện, không biết bị sao. Thằng nhóc trốn biệt, sau đó bị công an bắt. Sáu Râu đã cắt đứt mọi liên quan đến thằng cu. Tôi cũng không biết tính sao, âm thầm gửi cho nó chút đồ tiếp tế vào trại.
Tiếng rú ga cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Đội Nam Định có thằng vượt lên trước. Phải đuổi theo giữ vững khoảng cách. Tiếng hò reo ầm ĩ bị gió thổi át đi. Xung quanh loáng thoáng câu chửi của người đi đường. Đêm đẹp quá. Đèn đường chỉ phủ một đoạn, đến gần hết quốc lộ thì không còn đèn sáng. Khúc quay vòng để lượn lại khá an toàn. Tôi bóp ga, vọt mạnh đến khúc cua, ép sát xe xuống mặt đường. Xoạch… chân quẹt làm đường tóe lửa. Cứ vui chơi cho thỏa thích đi. Hôm nay sẽ là ngày cuối.
Rầm… Tôi ngã ra đường. Lồm cồm bò dậy. Ai đó quật tôi ngã xuống.
***
Bàn gỗ mà lạnh toát. Trước mặt tôi là tờ giấy trắng tinh. Phía trên chỉ có vài chữ ghi họ tên. “Thôi, cháu viết đi. Thành khẩn khai báo rồi chú xem xét.” Chú công an trước mặt trông lớn tuổi, nghiêm nghị. Tôi sợ công an không? Sợ chứ.
- Sợ mà sao còn dám đua xe? Cháu không nghĩ đến bố mẹ à?
- Mẹ cháu mất rồi.
- Còn bố cháu trong viện ai chăm? Cháu chắc bỏ nhà đi bụi rồi chứ gì. Người ta cướp nhà có khi cháu cũng không biết đâu nhỉ. Để bố bệnh tật phải đi nhờ công an giúp lấy lại nhà.
Tôi gục xuống. Những giọt nước mắt tội lỗi cứ tuôn rơi. Biết sợ thì đã tốt rồi phải không. Thôi bình tĩnh đi cháu. Chú công an vẫn dùng lời lẽ nhẹ nhàng nói với tôi.
- Cháu bình tĩnh đi. Nếu cháu nghĩ đến bố thì về sau đừng đua xe nữa.
Hối hận thì đã muộn rồi. Tội đua xe trái phép cộng với tổ chức cá cược đã đem đến cho tôi bản án nghiêm khắc. Không gì có thể quay lại. Chỉ còn duy nhất một điều nuối tiếc.
Ký ức đột nhiên ập đến. Cái ngày trước khi đua cuộc cuối cùng. Ngày mà tôi tưởng sẽ đem vinh quang lại cho băng nhóm rồi “giải nghệ”. Danh vọng giang hồ, rồi cái cảm giác thắng cuộc dần dần kéo tôi vào con đường tội lỗi. Bố đã cầu xin tôi đừng đi đua xe nữa. Bố biết tất cả rồi. Có thể ông cảm nhận được. Có thể chú giường bên đã nói với ông.
- Bố xin lỗi vì bố không tốt. Bố không nên đánh con, mắng con. Con muốn làm gì cũng được. Chỉ cần con không làm đầu gấu, không đua xe nữa. Bố chỉ cần con ở nhà với bố thôi. Rồi hai bố con trồng cây, làm nông cũng đủ sống lương thiện rồi.
- Con không thích. Con muốn có tiếng tăm. Bố cứ ở nhà một mình đi!
Tôi đã hét vào mặt bố như thế. Lúc đó, tôi ra đi và sống vạ vật với băng đầu gấu. Hết tiền, tôi lại về nhà kiếm cơm ăn và bố lại lặng lẽ mua đồ để sẵn ở nhà cho tôi. Bây giờ bố phải mổ. Tôi không ở đó. Bất hiếu. Đáng chết. Tôi tự gào thét trong đầu. Chú cùng phòng bệnh với bố đến thăm và tiếp tế cho tôi. Ông không mắng, cũng không nặng lời dù tôi đã làm nhiều chuyện xấu. Ông chỉ kể cho tôi quãng đời trai trẻ cũng lầm đường lạc lối của mình. Ông cũng lầm tưởng mình không có nơi nào để đi, nghĩ băng nhóm chính là nhà mình, nhưng ông đã thay đổi vì hiểu rằng mình đã sai. Bây giờ ông cũng có một gia đình như mọi người bình thường khác. Ra tôi lại đặt cái mộng tưởng xưng bá trong chốn giang hồ hơn là một ngôi nhà thực sự để về, thứ tôi đang có mà lại dễ dàng vứt bỏ.
- Cháu cố gắng cải tạo tốt. Tình hình của bố cháu đang tiến triển tốt. Chú ra viện rồi. Chú sẽ thỉnh thoảng ghé qua nhà thăm bố cháu.
Tôi lại khóc. Lần này, tôi chỉ còn biết nhận cái ơn của chú bệnh nhân cùng phòng bố và không biết khi nào có thể báo đáp. Như lời chú, tôi cần phải cố gắng để được ra tù sớm. Khi đó, tôi sẽ làm lại cuộc đời.
Năm năm sau đó. Một vườn cây mọc lên bởi hai bố con. Tôi ở nhà, cùng bố.
Tác giả: Đinh Thành Trung
Bài dự thi viết chủ đề "nhà" trên Văn học trẻ
(ảnh minh họa từ internet)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: