Các biện pháp miêu tả tâm lí nhân vật và tập luyện sáng tác

Các biện pháp miêu tả tâm lí nhân vật và tập luyện sáng tác

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Miêu tả nhân vật có các cách nào? Làm thế nào để mô tả tâm lí nhân vật được tốt? Đây là điều mà những người mới tập viết lách, sáng tác cảm thấy khó khăn. Bài viết này sẽ nói về các biện pháp nghệ thuật dùng để miêu tả tâm lí nhân vật và cách luyện bút.

5663

1/ Các biện pháp nghệ thuật giúp miêu tả tâm lí nhân vật (hay nói dễ hiểu là các cách để thể hiện ra nội tâm nhân vật)

- Miêu tả trực tiếp tâm lí nhân vật


“Trong lòng nó tràn đầy một nỗi cay đắng mà nó cảm thấy phải trút lên đầu ai nỗi cay đắng ấy hoặc một cái gì đó cho bõ hờn” R. Tagore đã miêu tả trực tiếp tâm lý đau khổ, ghen tức của cậu bé Ninkata trong Đứa trẻ bơ vơ khi thấy mình trở thành kẻ bị bỏ rơi và đẩy ra ngoài lề từ lúc có Xatit, người em trai của Sarat xuất hiện. Do đó, Ninkata đã phá phách vô lối, đánh bạn, đánh chó, đánh cả những cái cây ven đường và rồi nó bỏ ăn, khóc thầm trong bóng tối sau những nỗ lực để Kiran quan tâm nhưng đều vô ích: “Và nó mong đợi được ai đền bù? Cuối cùng khi không có ai đến, Bà - Mẹ - Giấc - Ngủ, bằng những vuốt ve êm ái đã xoa dịu trái tim bị thương của đứa trẻ không mẹ”

R. Tagore đã miêu tả tâm trạng phức tạp với những hoảng loạn, rối bời đau khổ qua việc pha trộn các câu hỏi, câu trần thuật, câu cầu khiến xen lẫn với những lời thoại giả định: “Làm sao nó có thể hy vọng nổi cho nàng tin được nó không phải là một đứa ăn trộm, mà chỉ do muốn báo thù nó đã lấy cái giá bút, định bụng hễ có dịp là quảng ngay xuống sông? Nhưng trong một phút yếu đuối nó đã nhét chiếc giá bút ấy vào rương. “Tôi không phải là một thằng ăn cắp”, trái tim nó gào lên “Tôi không phải một thằng ăn cắp!”. Vậy thì nó là gì? Nó có thể nói gì được? Nói rằng nó đã lấy cắp, nhưng nó vẫn không phải là một kẻ cắp ư? Không bao giờ nó có thể giải thích được cho Kiran hiểu là nàng tưởng lầm biết bao và làm sao nó chịu nổi cái ý nghĩ là chị đã tìm cách dò la nó”. Bằng sự thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, qua việc miêu tả những trạng thái tâm lý hờn ghen, vỡ mộng của đứa trẻ, R. Tagore đã cho người đọc hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của những hành động của trẻ thơ đều xuất phát từ nhu cầu tình cảm, chúng thiếu thốn tình yêu thương.

+ Giả dụ như bước chân: buồn thì nặng trĩu, vui vẻ thì thường đi nhanh hơn, thoải mái thì bước chân ung dung…

+Gương mặt, cử chỉ, thần sắc…

VD: Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Kết hợp cả bên trong lẫn bên ngoài đan cài hợp lí, sẽ có được một đoạn viết miêu tả tâm lí nhân vật xuất sắc.

VD: "Cổ họng ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được". "Ông snh ra nghi ngờ, cố chưa tin vào cái tin ấy. Nhưng những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin"

“Ông giận lây và trách cứ những người trong làng phản bội. Tủi thân, ông Hai thương con, thương dân làng chợ Dầu, thương thân mình phải mang tiếng là dân lang Việt gian. Suốt mấy ngày hôm sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở xó nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài. Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, xấu hổ và nhục nhã. Cứ thoáng nghe thấy Tây, Việt gian, cam-nhông là ông lại "lủi ra một góc nhà nín thít".

(Làng)

+Thông qua ngôn ngữ nhân vật: đối thoại – độc thoại nội tâm:

Độc thoại nội tâm như những lời : “không, mình không phải là kẻ xấu, mình chỉ làm thế vì muốn tốt cho bạn ấy thôi mà”

Đối thoại với chính mình: đó là khi bản thể tự tách mình làm mấy linh hồn để tự đối thoại với nhau. Rõ nhất là kiểu có 1 kẻ xấu và một kẻ tốt trong cơ thể đang xúi giục nhân vật.

VD: “Lấy đi, mày đang cần số tiền đó đóng học mà”

“Không, mày không thể làm thế, đó là tiền mồ hôi công sức của người ta, mày làm như vậy nhỡ cả gia đình người ta tháng này không có cái ăn thì sao?”

“Thiếu ít tiền đó với họ cũng chẳng khác là bao, chỉ có mày không có số tiền ấy thì sẽ bị đuổi học thôi”

-> Trong trường hợp này, tùy vào diễn biến bạn muốn nhân vật lấy số tiền hay trả lại mà để cho kẻ ác – kẻ thiện trong nội tâm nhân vật cãi thắng.

Đối thoại với nhân vật khác cũng góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật khi ta kết hợp với miêu tả trạng thái, cử chỉ:

VD1: - Chính mày lấy trộm tiền của tao phải không?
- Không, không phải cháu, cháu chưa hề thấy số tiền đó. Mồ hôi cậu ứa ra, căng thẳng, môi nói mấp máy không rõ lời

VD2: Hôm sau, nó đi ngang qua xoài ấy, nó thấy có cái biển treo trên đó ghi “Cấm hái xoài”

Hôm sau nữa, vẫn cái biển đó, xuất hiện thêm chữ, ghi là: “Cấm hái xoài, tao bắt được tao đập tụi bây”

Ngày thứ ba đi qua, cái biển trên cây xoài đã thay bằng cái biển khác: “Thôi, coi như chú xin mấy đứa, đừng hái nữa mà”

Chỉ qua chuyện cái biển báo, mà ta có thể tưởng tượng ra nội tâm người viết: Từ bực tức, tới nóng nảy, cuối cùng là trạng thái bất lực.

-Miêu tả gián tiếp

+ Thủ pháp sử dụng thiên nhiên: khung cảnh đối lập để thể hiện sự tương phản giữa môi trường bên ngoài (đẹp đẽ, nhộn nhịp, sáng rọi) với cảm xúc trong lòng (u buồn, đau đớn, tối tăm)

VD: Trong tác phẩm “Cuộc chia tay của những con búp bê” có đoạn Thành và Thủy phải chia tay nhau, tạm biệt mái trường, vì gia đình tan vỡ, hai anh em gắn bó cũng phải cách xa, Thủy không được đi học nữa, buồn bã biết mấy, ấy thế mà cảnh vật bên ngoài vẫn nắng đẹp, mọi người vẫn nhộn nhịp đi lại như không có chuyện gì xảy ra. Trạng thái của cảnh vật bên ngoài đối lập như thế để gia tăng tính xót xa trong tâm trạng nhân vật, và cũng như thể hiện thế giới bên ngoài, tâm lí những người bên ngoài không hề thay đổi vì nỗi buồn cá nhân của bọn trẻ

+ Cũng có thể miêu tả khung cảnh thiên nhiên cộng hưởng với tâm trạng nhân vật hoặc dùng thiên nhiên để ám chỉ tâm trạng con người. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

VD: “Tuần trăng khuyết trời tối đen, không có tiếng chim hót. Cây vải bên bể nước nom như một vết mực giây trên một cái nền nhạt màu hơn. Gió nam đang chờn vờn quẩn quanh trong bóng tối như một kẻ mộng du; những vì sao trên bầu trời mắt thao láo không chớp nhìn xuyên qua bóng tối cố gắng dò dõi một bí ẩn sâu xa nào đó” à thiên nhiên mang nhiều dáng vẻ khác nhau, lại nói về màn đêm tối, giống như sự mông lung của nhân vật.

2/ Thực tế, cần làm gì để cải thiện khả năng viết miêu tả tâm lí nhân vật?

-Quan sát, phỏng đoán, nhớ kĩ các trạng thái của con người trước những sự việc. Sự thể hiện tâm trạng cũng phụ thuộc vào tính cách mỗi người, độ tuổi, học thức...

Người có tính hướng nội, đứng trước sự việc vui, buồn mức độ thấp đều không thể hiện rõ rệt trên gương mặt. Người hướng ngoại sẽ có nhiều kích động thể hiện rõ ở gương mặt hơn. Người lớn tuổi trải qua sóng gió cuộc đời nhiều cũng ít thể hiện trạng thái kinh ngạc trước những điều mới lạ hơn người trẻ tuổi.

-Đọc, học tập cách miêu tả của tiền bối: Muốn học được kĩ năng viết tâm lí tốt không có cách nào khác ngoài đọc thật nhiều để xem người ta viết như thế nào, khi tả đoạn trạng thái đó người này viết thế này, người kia viết thế kia, “nhái” cách viết của người ta, áp nó vào nhân vật của mình. Sự học tập truyền thừa này đã là con đường ngắn nhất.

- Tự góp nhặt từ ngữ miêu tả phong phú, vốn từ nhiều bao giờ cũng có lợi trong việc thể hiện cái bạn muốn trình bày (cố gắng cải thiện lỗi sai chính tả, loại bỏ ngôn ngữ nói đưa vào văn viết, đưa từ ngữ địa phương tần suất vừa phải, đủ hiểu, đủ ấn tượng).

-Tập viết các đoạn miêu tả ngắn, ở cùng sự việc với các đối tượng khác nhau.

Ví dụ. Hãy miêu tả tâm trạng của một học sinh lớp 9 khi nhìn thấy giấy trúng tuyển (điểm thi và xác nhận trúng) vào một trường danh tiếng.
  • Liên mở tờ giấy ra. Trời ơi, nó trúng tuyển rồi. Mặc dù nó đã chắc chắn mình đỗ được vào ngôi trường Chu Văn An mà nó luôn mơ ước, nhưng mấy ngày qua, nó vẫn luôn hồi hộp không thôi, nhỡ có chuyện gì bất thường xảy ra phá vỡ dự định của nó. Đến hôm nay, cầm tờ giấy thông báo, nó đã có thể yên tâm, lòng nó đang reo hò từng cơn, nó rất muốn nhảy cẫng lên. Ánh mắt Liên rạng rỡ hẳn, không che giấu niềm vui, khóe môi nó cong lên từ lúc mở tờ giấy, nó ôm tờ giấy báo vào lòng, trong đầu hiện lên nụ cười của mẹ nó khi biết tin này.
  • Liên mở tờ giấy ra, ngay lập tức nó gào lên: “Ôi, bố mẹ ơi, con trúng rồi” vừa nói nó vừa nhảy cẫng lên, nó ôm con Mai, bắt tay thằng Chí, vỗ vai cái Thanh, khoe hết với mọi người. Liên vui quá, ngày nào nó cũng đi ra đi vào mong ngóng tới ngày này, cuối cùng cũng được như mơ ước. Nó cười toe toét, đạp xe như bay về nhà, nó muốn lan tỏa niềm vui này tới tất cả mọi người.
Đây là hai ví dụ mình viết để các bạn hình dung về việc tưởng tượng các khả năng có thể xảy ra ở cùng một đối tượng, cùng một hoàn cảnh nhưng tính cách khác nhau hoặc là cùng một nhân vật, 1 tính cách nhưng đặt vào các hoàn cảnh khác nhau. Các bạn có thể áp dụng cách này để tự tập theo cách này.

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.

- Phong Cầm -
Văn học trẻ
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
các biện pháp miêu tả tâm lí nhân vật làm thế nào để miêu tả tâm lí nhân vật miêu tả tâm lí nhân vật
841
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top