Cái tôi khao khát giao cảm với cuộc đời

Cái tôi khao khát giao cảm với cuộc đời

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Hàn Mặc Tử


Trong phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ khá đặc biệt. Nhớ đến Hàn Mặc Tử là nhớ đến một cuộc đời ngắn ngủi mà đầy bi kịch, nhớ đến một con người tài hoa mà đau thương tột đỉnh. Nhớ đến Hàn Mặc Tử cũng đồng thời nhớ đến những vần thơ như dính máu, dính não, dính hồn và nhớ đến cả những vần thơ tuy buồn đau mà trong sáng, tuy đầy hư ảo mà đẹp một cách lạ lùng. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ trong số không nhiều bài thơ như thế của Hàn Mặc Tử.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả:
Hàn Mặc Tử là người có số phận bất hạnh. Ông là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới, “ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên).

2. Tác phẩm

- Tập “Đau thương” (Thơ điên) có ba phần: Hương thơm – Mật đắng – Máu cuồng và hồn điên. Bài “Đây thôn Vĩ Dạ” thuộc phần Hương thơm, phần thơ mà theo Hoài Thanh là chưa “dính máu”.

- Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ một mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với một người con gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình, đó là Hoàng Thị Kim Cúc.

II. Đọc – hiểu văn bản

1. Nội dung

a. Khổ 1:


- Nét đẹp của bức tranh phong cảnh: Vĩ Dạ tắm trong ánh bình minh – một vẻ đẹp tinh khôi và dịu dàng rất Huế.

- Tâm trạng của nhà thơ: hoài niệm, nhớ thương, yêu mến, nuối tiếc, bâng khuâng,... tất cả cứ bàng bạc hoà vào cảnh sắc thiên nhiên khiến cho bức tranh nhuốm đầy hư ảo.

- Câu mở đầu có nhiều cách hiểu:

+ Thứ nhất, nhà thơ tưởng tượng người mình yêu cũng yêu mình nên hỏi mình nửa như trách móc, giận hờn, nửa như mời mọc tha thiết.

+ Thứ hai, đây là lời tự hỏi: sao ta không về thôn Vĩ ? Thôn Vĩ như mời, như gọi sao ta không thể ?

Dù nhớ thôn Vĩ hay yêu người thôn Vĩ thì một điều rất thực là câu thơ biểu lộ nỗi nhớ thương, niềm yêu mến không kìm nén đã bật lên thành câu hỏi. Ẩn trong giọng hỏi tha thiết ấy là một bóng hình ảo ảnh, mong manh mà vô cùng da diết. Ẩn sâu trong nuối tiếc, hoài niệm là một ước muốn được về lại Vĩ Dạ một lần. Ước muốn tưởng quá đổi bình thường nhưng lại quá đổi xa vời với Hàn Mặc Tử lúc này. Câu thơ gợi một nỗi niềm chơi vơi, vời vợi.

Thôn Vĩ Dạ hiện lên với vẻ đẹp vừa rất thực vừa như trong mơ với một loạt hình ảnh: nắng – vườn cau – vườn – lá trúc – mặt chữ điền. Ấn tượng nhất là cảnh vườn thôn Vĩ tắm trong ánh bình minh. Bằng nghệ thuật tăng cấp, nhà thơ muốn nhấn mạnh đến hình ảnh nắng: “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”. “Nắng mới lên” là nắng ban mai, cái nắng tinh khôi, non tơ, dịu dàng, sáng bóng và trong trẻo, lại được tắm mình trong cây lá ướt đẫm sương đêm nên có sự phản chiếu long lanh. Thêm vào đó bằng hai từ “nắng” đặt cạnh nhau, nhà thơ đã tạo cho nắng sự chuyển động trên cây lá, một cách diễn đạt thật tinh tế. Trong muôn nghìn cây lá của vườn tược Vĩ Dạ. Tại sao Hàn Mặc Tử lại nhắc đến hàng cau ? Rất có thể cau là loại cây cao vượt lên nên đón nắng sớm trước tiên và rất có thể xen vào đó là một niềm xao xuyến đến ngẩn ngơ vì tình duyên đôi lứa không thành (nhắc đến cau mà thiếu mất trầu) ? Hàng cau dù tắm ánh bình minh, đẹp nhưng vẫn có chút gì nao nao buồn rất khó tả.

Chính vì “nắng mới lên”, cây lá còn ướt sương đêm nên mới có cảnh: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Câu thơ vừa là một câu hỏi (vườn ai ?), vừa là một lời bình phẩm, xuýt xoa (mướt quá, xanh như ngọc). Chữ mướt toát lên vẻ mượt mà, óng ả. “Ngọc” vừa có màu, vừa có ánh. Khu vườn Vĩ Dạ lung linh màu xanh ngọc bích, óng mượt và tinh khôi dưới ánh ban mai. Hình ảnh đơn sơ mà lộng lẫy, thanh tú và cao sang.

Câu thơ thứ ba xuất hiện chữ “ai” thật đặc biệt – vừa không xác định lại vừa xác định, vừa xa vời lại vừa cụ thể, vừa hư lại vừa thực. Cái tài của thi nhân là đã hư ảo hoá một khung cảnh rất thực và hiện thực hoá những gì tưởng chỉ thấy trong mơ khiến câu thơ có vẻ đẹp cám dỗ không thể nói hết.

Câu thứ tư là câu thơ khó lí giải nhất. Hình ảnh gây nhiều tranh luận nhất là hình ảnh “mặt chữ điền”. Nhìn chung câu thơ cần được hiểu theo nghĩa cách điệu hoá. Hàn Mặc Tử muốn diễn tả một vẻ đẹp hài hoà giữa người và cảnh: thanh tú, mềm mại (lá trúc) và vuông vức, đầy đặn (mặt chữ điền) để gợi lên sự gắn bó hài hoà của một vẻ đẹp kín đáo, ẩn hiện mà thâm trầm rất Huế.

b. Khổ 2:

Màu sắc hư ảo bao trùm lên toàn cảnh. Vĩ Dạ vừa mới hừng đông thoáng một thoắt đã là Vĩ Dạ huyền ảo trong đêm trăng.

Câu 1 và 2 với một loạt hình ảnh nối tiếp: Gió theo lối gió/mây dường mây/Dòng nước buồn thiu/hoa bắp lay,... Nỗi buồn của nhà thơ như làm một với nhịp điệu chầm chậm, nhè nhẹ, buồn buồn mênh mang và sâu thẳm của Huế. Lối điệp từ “gió” và “mây” không phải để nhấn mạnh thêm cường độ của gió hay sắc thái của mây mà đẩy gió mây ra đôi đường ngăn cách.

Hay nhất ở câu thứ hai là chữ “buồn thiu” đặt giữa câu thơ. Đấy không chỉ là cái buồn lặng lẽ của dòng nước lững lờ trôi chảy mà đấy còn là cái buồn lan toả thấm sang ‘hoa bắp lay” bên sông. Chữ “lay” tự nó không vui, không buồn, nhưng đặt trong câu thơ nó lại có gì hiu hắt. Mấy chữ “hoa bắp lay” như tác động tới sâu thẳm tâm linh người đọc.

Hai câu thơ chứa đựng một nỗi buồn bâng khuâng, man mác, một nỗi buồn thật khó tả, khó gọi tên, nỗi buồn cứ tan ra, loang ra và đọng lại rưng rưng trong cõi hồn thi nhân.

Bước sang câu thứ 3 và 4, thi nhân dường như rơi vào thế giới của mộng ảo: “Thuyền ai ...nay ?”.

Người đọc bị quyến rũ, bị mê hoặc bởi “sông trăng” và con thuyền chở trăng trên sông. Đây quả là một hình ảnh thi vị, tài hoa. Liên tưởng tinh tế của thi nhân đã tạo ra những hình ảnh lãng đãng trôi giữa hai bờ hư thực. Dòng nước tắm ánh trăng sáng rỡ bỗng rùng mình hoá thành dòng trăng hay là ánh trăng tan ra và tuôn chảy thành dòng nước ? Trăng ở đây không rùng rợn, ma quái mà lung linh, kì ảo, một ánh trăng chưa nhuốm “đau thương”. Có lẽ đây là trăng của năm xưa, trăng của hồi ức đang theo gió, theo mây trở về. Hình ảnh con thuyền chở trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng để cập bến thời gian cho kịp giờ ân ái là một hình ảnh kì ảo. Những hình ảnh như thế này vẫn thường xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử. Đó là cái đẹp thuộc về một thế giới khác, một thế giới “cơ hồ của riêng Hàn Mặc Tử”.

Hai câu thơ làm thành hai câu hỏi: Thuyền ai đó ? Có chở trăng về kịp tối nay không ? Từ “kịp” có chút gì khắc khoải, mơ hồ, huyền bí. “Tối nay” không biết là tối nào, nhưng nếu không “kịp” chắc không còn cơ hội có thêm một tối nào nữa, chắc sẽ là tuyệt vọng và vĩnh viễn đau thương. Dường như con người tội nghiệp mong ngóng và hi vọng kia đang chạy đua với thời gian vì biết quỹ thời gian của đời mình chẳng còn được bao nhiêu. Biết đâu tối mai, vầng trăng vụt tắt, cuộc chia lìa vĩnh viễn sẽ đến. Câu thơ đẹp mà vẫn gợi cảm giác bâng khuâng, xót xa.

Toàn bộ khung cảnh trong khổ thơ thứ hai là một thế giới ảo. Hồn thi nhân chìm vào cõi mông lung. Ở đó có hẹn hò, có chờ đợi, có phấp phỏng một niềm hi vọng đau đáu và có cả dự cảm chia lìa, có thất vọng ngay trong hi vọng, có rạo rực bâng khuâng và có cả niềm đau thương nhoi nhói,... Hàn Mặc Tử quả là một hồn thơ đầy bí ẩn.

c. Khổ 3

Đến khổ thơ thứ ba, giọng thơ khắc khoải đã trở nên gấp gáp, khẩn thiết hơn. Thi nhân đối diện với chính mình, mơ về một bóng giai nhân tưởng chỉ như một ảo ảnh:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?


Cụm từ “khách đường xa” lặp lại hai lần, kết hợp với chữ “mơ” ở đầu câu thơ bộc lộ một nỗi khắc khoải gần như tuyệt vọng. Bóng giai nhân vừa hiện lên đã chợt biến thành hư ảo bởi đó chỉ là hình bóng trong mơ. Hình ảnh giai nhân trong thơ Hàn Mặc Tử luôn biểu tượng cho sự tinh khiết, trinh trắng. Vì thế, màu áo trắng cứ như một ám ảnh kì lạ. Cụm từ “nhìn không ra” là một cách nói để cực tả sắc trắng “trắng một cách kì lạ, bất ngờ” (Chu Văn Sơn). Đây không còn là màu sắc thực mà thuộc màu của tâm tưởng. Nhà thơ đã chìm vào tâm tưởng để nhìn thấy màu áo của kí ức với vẻ tinh khiết, chói loá như hư ảo. Câu thơ tạo nên một ảo ảnh bất ngờ nhưng có lí. Màu trắng tự nhiên choán hết cảm xúc khiến bài thơ tả cảnh thiên nhiên trở thành một bài thơ tình yêu – thứ tình yêu đơn phương khó xác định. Đó là một khát vọng tình yêu đẹp nhoà trong kí ức.

Hai câu kết dẫn người đọc đi xa hơn vào cõi tâm tưởng. “Ở đây” là ở đâu ? Là Vĩ Dạ của một thời mộng đẹp mà thi nhân đang nhìn thấy sau tấm bưu ảnh ? Hay “trong này”, nơi thi nhân đang ôm mộng yêu đương trong nỗi cô đơn. Có lẽ chữ “đây” trong Đây thôn Vĩ Dạ là không gian của thế giới “ngoài kia” còn chữ “đây” trong khổ kết là thế giới “trong này”. Giữa hai thế giới cách nhau vừa đúng một tầm tuyệt vọng.

Cả bài thơ như dồn hết mọi tâm tư ở câu cuối: “Ai biết tình ai có đậm đà ?” Hai chữ “ai” lặp lại bộc lộ tâm trạng bâng khuâng, xót xa, trong đó có gì như cầu mong có gì như tự an ủi, dẫu biết không còn hi vọng nhưng chỉ một chút “ai biết” cho “tình ai” cũng là đủ lắm rồi. Có lẽ câu cuối là lời đáp cho câu mở đầu: “Ai biết tình ai có đậm đà ?” mà về chơi thôn Vĩ ? Thật ra, có ai hỏi Hàn đâu và chắc gì có người yêu thương Hàn ? Hàn đang sống trong tưởng tượng đó thôi. Niềm thiết tha với cuộc đời đã biến thành những câu hỏi khắc khoải như xoáy vào tâm can người đọc. Bởi xét đến cùng, đau thương chính là biểu hiện tột cùng của khát vọng tình yêu không biến thành hiện thực. Người không yêu đời tha thiết sẽ không day dứt đến thế khi linh cảm thấy mình sắp phải lìa đời.

2. Nghệ thuật

- Trí tưởng tượng phong phú.

- Nghệ thuật so sánh, nhân hoá; thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ,...

- Hình ảnh sáng tạo, có sự hoà quyện giữa thực và ảo.

3. Ý nghĩa văn bản

- Bài thơ thể hiện tình cảm yêu mến đối với thiên nhiên, con người xứ Huế và nỗi buồn sâu kín trong dự cảm tình yêu, hạnh phúc chia lìa của nhà thơ.

- Bài thơ là một tư liệu quý về vẻ đẹp của một vùng văn hoá xứ sở.

- Tác phẩm khẳng định niềm khao khát hạnh phúc; tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, đất nước, con người Hàn Mặc Tử nói riêng và các nhà thơ mới nói chung.

- Hình ảnh thơ độc đáo, đẹp, gợi cảm; ngôn ngữ trong sáng tinh tế, đa nghĩa; các biện pháp nghệ thuật: câu hỏi tu từ, điệp từ, nhân hoá được sử dụng thành công.​
 
Từ khóa
ai biết tình ai có đậm đà? có chở trăng về kịp tối nay? han mac tu sao anh không về chơi thôn vĩ? đây thôn vĩ dạ
652
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top