Cảm nhận về bài thơ “Bắt nạt”

Cảm nhận về bài thơ “Bắt nạt”

Giữa ồn ào mang tên Nguyễn Thế Hoàng Linh, mình đọc được bài viết rất hay của Yên Nguyên. Mình yêu bài thơ “Bắt nạt” xinh xắn, dễ thương này và chia sẻ lại cho các bạn cùng đọc. Đây là một bài viết về Cảm nhận về bài thơ Bắt nạt rất hay.

BẮT NẠT - BÀI THƠ VUI VỀ MỘT CHUYỆN KHÔNG VUI

(Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh)
Ai trong tuổi ấu thơ mà chẳng từng bị bắt nạt. Lũ bạn bè nhiều khi quá đáng lắm, chúng chế nhạo mái tóc ngố mới cắt của ta, chúng vảy mực vào tấm áo trắng đồng phục, chúng ngáng chân để ta ngã sóng soài trước mặt bao nhiêu người, chúng đá bóng vào người ta, chúng gán ghép ta với một đứa bạn “đáng ghét” nào đó và trêu chọc ta đến là khổ sở… Bị bắt nạt, ta không muốn đến trường, không muốn bị hành hạ như một con mèo con run rẩy, không muốn nghẹn ngào khóc trong bóng tối cầu thang hay góc toilet. Đôi khi, trong giấc ngủ, ta giật mình hét lên vì mơ bị bắt nạt. Và cái chính là, bố mẹ, thầy cô giáo chỉ nghĩ đó là trò nghịch tai quái nhưng vớ vẩn, vô hại. Người lớn không biết rằng bị bắt nạt đáng buồn vô cùng. Thế nên, khi có người hiểu cho nỗi buồn bị bắt nạt, người ấy chắc chắn là một “đứa trẻ” về tâm hồn, tính cách, suy nghĩ.

5764

Cảm nhận về bài thơ Bắt nạt​

Nguyễn Thế Hoàng Linh là một “đứa trẻ” như vậy đó. Anh ấy đã viết bài thơ Bắt nạt, một bài thật hay trong tập Ra vườn nhặt nắng. Nhưng đừng nghĩ anh ấy viết về nỗi buồn bị bắt nạt nhé, Hoàng Linh quá hiểu điều đó, anh ấy sẽ không gợi lại những vết thương trong tâm hồn trẻ em đâu. Bài thơ chỉ chê trách hành động bắt nạt:

Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

Chẳng cần phân tích gì nhiều, nhà thơ khẳng định bắt nạt là một thứ xấu xí, không cần cho ai hết (cả người bắt nạt lẫn người bị bắt nạt). Điều này thật đúng, bởi người bị bắt nạt sẽ tổn thương vô cùng, buồn bã vô cùng. Nhưng người bắt nạt cũng đâu nhận được niềm hạnh phúc từ việc hành hạ người khác. Bị căm ghét vì thói xấu bắt nạt, ấy chẳng phải là mất mát sao? Vì thế, nhìn ở phía nào cũng thấy đúng như tác giả đã nhắc “bất cứ ai trên đời/ đều không cần bắt nạt”.

Vì bắt nạt không cần cho ai trên đời, vậy thời gian tốt đẹp nhất sẽ dành cho bao việc hay ho chúng mình có thể làm:

Tại sao không học hát

Nhảy Hip-hop cho hay?

Người thích bắt nạt là người muốn thể hiện sức mạnh. Nhưng sức mạnh thiếu gì cách để phô bày:

Sao không ăn mù tạt

Đối diện thử thách đi

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?

Lời thơ vang lên tinh nghịch, dí dỏm quá. Nhà thơ còn nhấn đi nhấn lại “Sao không ăn mù tạt/ Sao không trêu mù tạt?”. “Trêu mù tạt” là trò gì mà lạ vậy? Đọc câu thơ, ta hiểu mù tạt không chỉ là một món gia vị, nó còn là một “đứa bạn” để trẻ thơ chơi cùng, trêu đùa và nhận thử thách. Với trẻ con, vị cay xộc của mù tạt quá ghê gớm, nên chịu đựng thử thách với món mù tạt, thậm chí có thể trêu đùa với mù tạt là một câu chuyện đáng nể. Nó đáng để thử hơn nhiều so với việc bắt nạt bạn. Những câu thơ này mách khẽ: bắt nạt kẻ yếu không làm ta mạnh lên. Sức mạnh thực sự là khi ta đặt mình trong thử thách với bản thân. Vượt qua những giới hạn của chính mình mới thật là giỏi.

Khổ thơ tiếp theo là một cái nhìn đầy thương yêu, cảm thông đối với những nạn nhân của bắt nạt:

Những bạn nào nhút nhát

Thì là giống thỏ non

Trông đáng yêu đấy chứ

Sao không yêu, lại còn...?

Những câu thơ trìu mến, dịu dàng ấy liệu đã đủ để những kẻ bắt nạt nhận ra: cái yếu đuối nhút nhát không phải là kém cỏi, hèn nhát mà là hiền hậu đáng yêu. Cùng là một biểu hiện, nếu biết nhìn nhận sẽ thấy nét đẹp đẽ, dễ thương của bạn bè, sẽ biết trân trọng người khác một cách đúng mức. Sẽ thấy bắt nạt kẻ yếu chẳng khác gì đạp gãy những đóa hoa dại li ti trong vườn, hay làm đau một chú cún con bé bỏng. Khi có thể chà đạp lên sự yếu ớt mong manh của người khác, cuộc sống này sẽ ra sao? Vì lẽ đó, những vần thơ tiếp theo đã thay đổi nhịp điệu, thay đổi âm hưởng:

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Trên khắp trái đất tròn

Đừng bắt nạt mèo, chó

Đừng bắt nạt cái cây

Đừng bắt nạt ai cả

Vì bắt nạt dễ lây

Cụm từ “đừng bắt nạt” được lăp lại liên tục trong đoạn thơ là thái độ phủ định mạnh mẽ của tác giả đối với thói xấu bắt nạt. Với Nguyễn Thế Hoàng Linh, bắt nạt là căn bệnh dễ lây. Khi đã lây lan, căn bệnh đó sẽ hủy hoại từ cái cây ngọn cỏ, từ con mèo con chó đến người lớn, trẻ con. Và đáng buồn nhất, nó có thể hiển hiện trong thái độ của nước này với nước khác. Nó có thể phủ bóng đen lên khắp trái đất tròn. Bắt nạt là thói xấu không thể coi thường.

Hai khổ cuối của bài thơ dẫn ta đến với những điều thật giản dị mà sâu lắng. Khổ trên là lời cảnh báo “bảo nếu cần bắt nạt/ thì đến gặp tớ ngay”. Giọng thơ có vẻ gì như hăm dọa, rằng những kẻ bắt nạt sẽ gặp phải đối thủ đáng sợ hơn nhiều. Nhưng khổ cuối bỗng mở ra một ý nghĩ thật hiền hậu:

Cứ đến bắt nạt tớ

Bị bắt nạt quen rồi

Vẫn không thích bắt nạt

Vì bắt nạt rất hôi!

Cái từ “hôi” mới bất ngờ làm sao! Sự xấu xí đáng ghét của thói bắt nạt được miêu tả bằng cách nói gần gũi, giản dị. Ta dễ dàng mường tượng ra cái xấu đó, biết nó gây khó chịu, biết nó cần được loại bỏ nhưng không xem nó là ác quỷ. Dù xấu xí, thói bắt nạt vẫn có thể thay đổi. Trẻ con rất hiền, trẻ con có thể nhận ra cái xấu cái tốt nhưng ghét đó lại quên ngay đó. Trẻ con bao dung cả những đứa bạn đã xấu thói với mình. Là một người lớn mang tâm hồn trẻ thơ, Nguyễn Thế Hoàng Linh rất hiểu trẻ con ở tính cách trong trẻo hiền hòa ấy. Vì thế, Bắt nạt không có cái giọng phê phán nghiệt ngã. Ngược lại, bài thơ lắng đọng ở một sự cảm thương kín đáo. Không chỉ nạn nhân của hành vi bắt nạt đáng thương, người bắt nạt cũng cần được giúp đỡ để họ nhận ra cái xấu cái ác và biết cách thoát khỏi sai lầm. Sự giúp đỡ trong bài thơ đến từ thái độ khước từ nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên định của nhân vật “tớ”. Dù thế nào, “tớ” cũng không biến mình thành kẻ bắt nạt. “Vì bắt nạt rất hôi”. Nhờ thế, bài thơ không biến thành bài học đạo đức nặng nề. Nó hài hước, vui vẻ dù viết về một chuyện không vui.

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh sáng tác từ khi rất trẻ. Sinh năm 1982, đến nay anh đã có gia tài là cả ngàn bài thơ được nhiều người yêu thích. Thơ viết cho thiếu nhi của Hoàng Linh không bao giờ đặt mục đích khuyên bảo, dạy dỗ. Thơ anh khám phá nét hồn hậu, trong ngần nhưng không thiếu phần sâu sắc của thế giới trẻ thơ. Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh là đồng dao hiện đại rất gần gũi với những người đọc nhỏ tuổi. Bắt nạt là một bài thơ hội đủ những điều đáng yêu ấy.

Yên Nguyên - Viết xong, ngày 14/6/2021
 
Từ khóa
bắt nạt cảm nhận về bài thơ bắt nạt nguyễn thế hoàng linh
2K
0
1

Tiến 2021

Thành Viên
27/5/21
94
41
18,000
32
Xu
0
Cảm nhận bài thơ "Bắt nạt' - Nguyễn Thế Hoàng Linh rất hay và ý nghĩa: Cái từ “hôi” mới bất ngờ làm sao! Sự xấu xí đáng ghét của thói bắt nạt được miêu tả bằng cách nói gần gũi, giản dị. Ta dễ dàng mường tượng ra cái xấu đó, biết nó gây khó chịu, biết nó cần được loại bỏ nhưng không xem nó là ác quỷ. Dù xấu xí, thói bắt nạt vẫn có thể thay đổi.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top