CANH CHUA CƠM MẺ LỤC BÌNH
Mùa nước tràn đồng người Miền Tây xoay ra xoay ra xoay vô lại đụng ngay thế kẹt như bánh mỳ kẹp thịt. Ở dưới thời nước dâng lên, ở trên thời mưa trút xuống. Ngoại ngồi trên bộ chỏng, kéo cái khăn rằn trên đầu xuống quấn cổ, lụi hụi ngắt mớ đọt lục bình non. Lóng rày con nước nổi, ì ạch đem phù sa về đắp bồi cho nhánh sông đỏ nặng, cho mương vườn liếp rẫy tốt tươi. Mấy trảng lục bình dập dình xanh, non mướt mắt. Mùa này là mùa cá đồng, mùa lục bình trổ bông tím ngát. Mùa của hương đồng cỏ nội. Ai nếm thử phong vị dân dã một lần là cả đời hỏng dễ gì quên cho được.
(Lục bình non - Văn học trẻ). Ảnh: Internet.
Lục bình vốn đã quá quen với dân miệt sông nước. Mấy đứa nhỏ mới mở mắt cũng đã thấy lục bình dập dềnh trôi ngoài sông. Hễ nhắc tới miền Tây người ta lại nhớ những đám bông tim tím đi về mải miết.
Từ lâu, lục bình cũng được dùng nhiều trong ẩm thực. Hay ăn nhất thì có bông lục bình chấm mắm, bông lục bình xào tép rong,…Bông ăn sống hay nấu chín đều ngon hết sẩy. Ấy vậy mà có món độc đáo: canh chua cơm mẻ nấu với đọt lục bình non và cá đồng mới gọi là “trúng sách” chứ. Hôm tôi từ thành phố về, đi đường mắc mưa ướt lạnh như con chuột ngộp nước. Ngoại nhóm cái bếp lửa bằng nhúm lá dừa mụt với mấy nhánh chà nửa khô nửa ướt, kêu “Mồ tổ cha bây. Khô ráo không về để đi mưa gió vậy con. Dữ ác à. Để ngoại nấu miếng canh rồi cơm nước cho ấm bụng. Canh chua cơm mẻ lục bình bây ưa lắm nghen”.
Mèn đéc ơi, gì chứ canh chua cơm mẻ, lục bình nấu với cá đồng chắc hẳn phải thuộc hàng những món “ngon thần sầu” mà lại dễ nấu nhất. Chỉ cần ủ sẵn một keo cơm mẻ để trong chạn chén, ngồi trước nhà vớt mấy đám lục bình lừng lững trôi ngang rồi ngắt lấy đọt non nhuốt trong cùng, sẵn tay dỡ cái lưới bắt về ít con cá trắng. Vậy là có cái ấm bụng rồi. Đọt lục bình mùa lũ vừa mập vừa mềm lại còn thơm mùi phù sa nữa. Vị ngọt thanh quyện với cá đồng tươi tạo ra một hương vị rất đặc trưng. Cái đặc trưng còn được dặm lại rõ ràng hơn bởi vị chua của cơm mẻ. Cách nấu canh chua cơm mẻ lục bình cũng y thinh như canh chua thông thường. Có điều canh gần chín thì nêm bằng nước cơm mẻ cho tròn vị.
Cơm mẻ lấy từ keo ra phải cẩn thận, chỉ được dung muỗng sạch để lấy. Sau đó tán nhuyễn, múc một vá nhỏ nước canh đang nấu trong nồi để hòa vào cơm mẻ đã mịn rồi mới dùng hỗn hợp nêm nếm cho nồi canh vừa ăn. Ở đây người ta có thể nấu canh chua bằng chanh, bằng trái giác, trái bần,…Mỗi kiểu đậm đà khác nhau. Nhưng mùa lũ, sa mưa trên mâm cơm có tô canh chua cơm mẻ lục bình nấu với cá đồng thì kiểu gì cũng hết trọi cơm cháy dưới đít nồi. Món ăn nhà nghèo không chỉ ngon vì thấm đẫm hương tình vị nghĩa mà còn vì ngoài kia trời mưa, nước dâng, lạnh lạnh cả nhà ngồi bên nhau vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Người thì nói về cây trái trong vườn, về vụ mùa năm sau; người thì kể chuyện cái chén, cái lu, con chó, con gà, chuyện bên nhà hàng xóm…
Người Miền Tây quê tôi thường thủ thỉ với nhau: ‘Muốn ăn mắm chốt, bần chua. Đợi mùa nước nổi ăn cho đã thèm’. Còn tôi mỗi năm đợi tới mùa nước nổi, sa mưa kiểu gì cũng phải lặn lội về quê để được thèm thuồng húp một muỗng canh chua cơm mẻ lục bình bên mâm cơm của Ngoại.
Mỹ Thuận.