Ảnh: Chợ nổi Phong Điền (Sưu tầm)
CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN – TÌM MÃI MỘT DƯ ÂM
Còn khoảng vài km nữa là đến chợ nổi Phong Điền. Từ hướng Cái Răng, chiếc xuồng máy chở khách du lịch ôm sát lộ vòng cung xuôi dòng về chợ nổi. Đã hai mươi năm xa xứ, nhiều lần về thăm quê hương, nhưng đây là lần đầu tôi về với thân phận của một khách tham quan chợ nổi bằng đò dọc. Cảnh vật hai bên bờ sông không khác xưa là mấy làm lòng tôi bồi hồi nhớ về những ngày tháng không thể nào quên.
Những năm đói kém ấy, nhờ khúc sông này mà cả nhà tôi được no đủ hơn người. Tôi học hết lớp 12 và thi đậu vào ngành sư phạm Ngữ văn của trường Đại học Cần Thơ cũng nhờ quãng sông này. Sông đã nuôi tôi trong suốt những năm cấp ba và bốn năm đại học. Để rồi sau khi ra trường, tôi quay gót bỏ đi biệt cho đến tận hôm nay.
Tôi còn nhớ, vào những ngày giáp tết đầy sương này, ngày nào hai má con cũng ngược xuôi trên sông để buôn bán mưu sinh. Sáng đi học. Tối về đi ghe với má. Ai cũng bảo tôi nghỉ học có chồng đi để ghe có người phụ giúp. Chứ con gái, lại còn đang đi học, sức vóc đâu mà gánh vác. Mỗi lần có ông chủ ghe nào ngỏ ý, tôi đều bảo con sắp thi 12, thế rồi qua chuyện.
Công việc mua bán trên sông tính ra vẫn còn nhàn. Đồng vốn ít, không cần bỏ công chăm sóc hoa màu cây trái, không lo chuyện được mất mùa. Chỉ cần có một chiếc ghe chèo hoặc ghe máy, có vài trăm làm vốn thì mỗi ngày đã có thu nhập kha khá. Thế nhưng những người làm nghề buôn bán ở ngã ba chợ nổi cũng có cái khổ riêng. Trong lúc mọi người còn đang cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp thì giữa đêm, tôi và má đã phải lật đật chuẩn bị nào cần xé, nào cân, nào đòn gánh…để “ra khơi”. Dù nước ròng hay nước lớn, dù trời mưa gió có lạnh cắt thịt cắt da thì từ một hai giờ sáng, chiếc ghe chèo của má đã neo đậu ở vàm sông Cây Cẩm cách chợ nổi khoảng vài km. Má nói đậu ở đây dễ mua hàng. Vì tâm lí của người nông dân là muốn bán nhanh để về sớm, ngủ một giấc cho khoẻ để sáng mai ra đồng, có bán rẻ một chút cũng không sao. Nhờ đó mà má con tôi ăn nên làm ra.
Ngày nào cũng vậy, trong khi má đang bận tính toán sổ sách của chuyến hàng ngày hôm qua thì tôi chui đầu vào ánh sáng chiếc đèn cốc yếu ớt để học bài. Chốc chốc, má lại dùng đèn pin rọi thật xa về hướng con rạch đối diện tìm xem có chiếc ghe chở trái cây hoặc rau màu của các nhà vườn gần đó chèo ra. Mỗi lần như thế, má huơ huơ cây đèn pin nhỏ xíu để làm hiệu cho người bán chèo ghe áp sát vào ghe chúng tôi. Sau một hồi trả giá, nói năm ba câu chuyện về mùa màng, chuyện lời lỗ, thì y như rằng má tôi thu về được đầy ắp một ghe nào là cam, quýt, mận, xoài…Thế rồi má chèo lái, tôi ngồi mũi phụ bơi, cứ thế hai má con ngược dòng ra chợ nổi. Giờ này chắc khoảng gần bốn giờ sáng. Trời đầy sương, chỉ cần huơ tay trước mặt là không phân biệt được ngón ngắn ngón dài. Chúng tôi đi trong gió, trong sương, vượt lên dòng nước chảy xiết mùa gió chướng cho đến khi gặp rất nhiều ngọn đèn chập chờn cao thấp như những đóm lửa ma trơi ngoài bờ mả, thế là đến chợ.
Ngã ba sông Phong Điền lúc tờ mờ sáng huyên náo đến lạ kì. Những ai đã từng đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh sẽ nhận ra ngay cái không khí náo nhiệt đầy huyền bí và mà cũng vừa ma mị giống như không khí của những gia đình các thế hệ Hồ ly đùa giỡn trong đêm. Tiếng người mua kẻ bán, tiếng trả giá hơn thua, tiếng rao bán của mấy chị bán bánh mì, tiếng sóng vỗ vào mạn ghe, tiếng máy chạy tành tạch, tiếng gọi nhau í ới…đã tạo nên một thứ âm thanh đặc trưng, hỗn tạp. Đi chợ nổi vào ban đêm, chỉ có những người giàu kinh nghiệm sông nước thì mới giữ cho ghe không chìm. Những ai yếu tay chèo hoặc không có óc phán đoán thì ôi thôi chỉ có ngồi mà vịn chặt cong ghe. Hầu như ngày nào cũng có vài chiếc ghe tam bản bị chìm ngay đoạn sông nước xiết. Trong tít tắc, dưới áp lực của sóng nước, chiếc ghe nhỏ đã nằm gọn dưới lường của chiếc ghe lớn dài vài chục thước. Thế là phải một phen hú vía. Tôi và má cũng đã trải nghiệm cảm giác ấy một vài lần trước khi trở thành người chèo ghe chuyên nghiệp trên quãng sông tấp nập và dữ dội này.
Năm giờ ba mươi sáng, ngay sau những tia nắng ấm áp đầu tiên xuất hiện thì cũng là lúc má bán xong. Ngồi đợi ông chủ mua hàng tính tiền, hai má con ăn vội tô bún rêu cua của một chiếc ghe gần đó. Ngồi ăn bún ngay trên sông cũng giống như đóng chính một phim hành động. Sóng nước dập dềnh, gió thổi lành lạnh, tiếng máy nổ sát tai, những ghe xuồng trước mặt có thể thình lình đâm thẳng vào người bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà trở nên thú vị. Ăn uống xong xuôi, hai má con quay ghe chèo nhanh về nhà. Vội rửa mặt thay đồ, tôi khoác lên chiếc áo dài trắng tinh tươm cùng lũ bạn qua đò ngang rồi lội bộ đến trường.
Chiếc đò dọc chở khách du lịch đang đi thật chậm qua ngã ba sông. Dãy nhà sàn hai bên bờ giờ đây đã giải toả. Chính quyền xã đã xây công viên ven sông chạy dài từ cầu Trà Niềng đến cầu Tây Đô ngay trên nền những ngôi nhà xập xệ ấy. Nhìn từ dưới sông, chợ Phong Điền giờ đã thay đổi nhiều. Nhà mới mọc lên san sát. Phố xá cũng tấp nập và náo nhiệt hơn xưa. Bất giác tôi thèm nghe tiếng rao đêm của dì năm bán hủ tiếu. Thèm tiếng mặc cả ồn ào lúc chợ đông. Thèm nghe tiếng bất kì một âm thanh hỗn tạp nào từ chợ nổi. Mặt sông vẫn lững lờ và quạnh hiu. Tôi chợt khẽ thở dài mà tự bảo với mình rằng, chợ nổi quê mình giờ chỉ còn lại chút dư âm.
Cuộc thi viết "Mùa Tết" Văn Học Trẻ 2023. Chủ đề 2: chậm
Tản văn, Ký: Chợ nổi Phong Điền - tìm mãi một dư âm
Tác giả: Triều Anh
Những năm đói kém ấy, nhờ khúc sông này mà cả nhà tôi được no đủ hơn người. Tôi học hết lớp 12 và thi đậu vào ngành sư phạm Ngữ văn của trường Đại học Cần Thơ cũng nhờ quãng sông này. Sông đã nuôi tôi trong suốt những năm cấp ba và bốn năm đại học. Để rồi sau khi ra trường, tôi quay gót bỏ đi biệt cho đến tận hôm nay.
Tôi còn nhớ, vào những ngày giáp tết đầy sương này, ngày nào hai má con cũng ngược xuôi trên sông để buôn bán mưu sinh. Sáng đi học. Tối về đi ghe với má. Ai cũng bảo tôi nghỉ học có chồng đi để ghe có người phụ giúp. Chứ con gái, lại còn đang đi học, sức vóc đâu mà gánh vác. Mỗi lần có ông chủ ghe nào ngỏ ý, tôi đều bảo con sắp thi 12, thế rồi qua chuyện.
Công việc mua bán trên sông tính ra vẫn còn nhàn. Đồng vốn ít, không cần bỏ công chăm sóc hoa màu cây trái, không lo chuyện được mất mùa. Chỉ cần có một chiếc ghe chèo hoặc ghe máy, có vài trăm làm vốn thì mỗi ngày đã có thu nhập kha khá. Thế nhưng những người làm nghề buôn bán ở ngã ba chợ nổi cũng có cái khổ riêng. Trong lúc mọi người còn đang cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp thì giữa đêm, tôi và má đã phải lật đật chuẩn bị nào cần xé, nào cân, nào đòn gánh…để “ra khơi”. Dù nước ròng hay nước lớn, dù trời mưa gió có lạnh cắt thịt cắt da thì từ một hai giờ sáng, chiếc ghe chèo của má đã neo đậu ở vàm sông Cây Cẩm cách chợ nổi khoảng vài km. Má nói đậu ở đây dễ mua hàng. Vì tâm lí của người nông dân là muốn bán nhanh để về sớm, ngủ một giấc cho khoẻ để sáng mai ra đồng, có bán rẻ một chút cũng không sao. Nhờ đó mà má con tôi ăn nên làm ra.
Ngày nào cũng vậy, trong khi má đang bận tính toán sổ sách của chuyến hàng ngày hôm qua thì tôi chui đầu vào ánh sáng chiếc đèn cốc yếu ớt để học bài. Chốc chốc, má lại dùng đèn pin rọi thật xa về hướng con rạch đối diện tìm xem có chiếc ghe chở trái cây hoặc rau màu của các nhà vườn gần đó chèo ra. Mỗi lần như thế, má huơ huơ cây đèn pin nhỏ xíu để làm hiệu cho người bán chèo ghe áp sát vào ghe chúng tôi. Sau một hồi trả giá, nói năm ba câu chuyện về mùa màng, chuyện lời lỗ, thì y như rằng má tôi thu về được đầy ắp một ghe nào là cam, quýt, mận, xoài…Thế rồi má chèo lái, tôi ngồi mũi phụ bơi, cứ thế hai má con ngược dòng ra chợ nổi. Giờ này chắc khoảng gần bốn giờ sáng. Trời đầy sương, chỉ cần huơ tay trước mặt là không phân biệt được ngón ngắn ngón dài. Chúng tôi đi trong gió, trong sương, vượt lên dòng nước chảy xiết mùa gió chướng cho đến khi gặp rất nhiều ngọn đèn chập chờn cao thấp như những đóm lửa ma trơi ngoài bờ mả, thế là đến chợ.
Ngã ba sông Phong Điền lúc tờ mờ sáng huyên náo đến lạ kì. Những ai đã từng đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh sẽ nhận ra ngay cái không khí náo nhiệt đầy huyền bí và mà cũng vừa ma mị giống như không khí của những gia đình các thế hệ Hồ ly đùa giỡn trong đêm. Tiếng người mua kẻ bán, tiếng trả giá hơn thua, tiếng rao bán của mấy chị bán bánh mì, tiếng sóng vỗ vào mạn ghe, tiếng máy chạy tành tạch, tiếng gọi nhau í ới…đã tạo nên một thứ âm thanh đặc trưng, hỗn tạp. Đi chợ nổi vào ban đêm, chỉ có những người giàu kinh nghiệm sông nước thì mới giữ cho ghe không chìm. Những ai yếu tay chèo hoặc không có óc phán đoán thì ôi thôi chỉ có ngồi mà vịn chặt cong ghe. Hầu như ngày nào cũng có vài chiếc ghe tam bản bị chìm ngay đoạn sông nước xiết. Trong tít tắc, dưới áp lực của sóng nước, chiếc ghe nhỏ đã nằm gọn dưới lường của chiếc ghe lớn dài vài chục thước. Thế là phải một phen hú vía. Tôi và má cũng đã trải nghiệm cảm giác ấy một vài lần trước khi trở thành người chèo ghe chuyên nghiệp trên quãng sông tấp nập và dữ dội này.
Năm giờ ba mươi sáng, ngay sau những tia nắng ấm áp đầu tiên xuất hiện thì cũng là lúc má bán xong. Ngồi đợi ông chủ mua hàng tính tiền, hai má con ăn vội tô bún rêu cua của một chiếc ghe gần đó. Ngồi ăn bún ngay trên sông cũng giống như đóng chính một phim hành động. Sóng nước dập dềnh, gió thổi lành lạnh, tiếng máy nổ sát tai, những ghe xuồng trước mặt có thể thình lình đâm thẳng vào người bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà trở nên thú vị. Ăn uống xong xuôi, hai má con quay ghe chèo nhanh về nhà. Vội rửa mặt thay đồ, tôi khoác lên chiếc áo dài trắng tinh tươm cùng lũ bạn qua đò ngang rồi lội bộ đến trường.
Chiếc đò dọc chở khách du lịch đang đi thật chậm qua ngã ba sông. Dãy nhà sàn hai bên bờ giờ đây đã giải toả. Chính quyền xã đã xây công viên ven sông chạy dài từ cầu Trà Niềng đến cầu Tây Đô ngay trên nền những ngôi nhà xập xệ ấy. Nhìn từ dưới sông, chợ Phong Điền giờ đã thay đổi nhiều. Nhà mới mọc lên san sát. Phố xá cũng tấp nập và náo nhiệt hơn xưa. Bất giác tôi thèm nghe tiếng rao đêm của dì năm bán hủ tiếu. Thèm tiếng mặc cả ồn ào lúc chợ đông. Thèm nghe tiếng bất kì một âm thanh hỗn tạp nào từ chợ nổi. Mặt sông vẫn lững lờ và quạnh hiu. Tôi chợt khẽ thở dài mà tự bảo với mình rằng, chợ nổi quê mình giờ chỉ còn lại chút dư âm.
Cuộc thi viết "Mùa Tết" Văn Học Trẻ 2023. Chủ đề 2: chậm
Tản văn, Ký: Chợ nổi Phong Điền - tìm mãi một dư âm
Tác giả: Triều Anh
Sửa lần cuối: