Chữ người tử tù, trát bút trong nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân đã được mệnh danh bằng những chữ tôn vinh nhất: Bậc thợ cả văn xuôi, “người quốc ngữ” tài hoa, “cây bút quái kiệt”, “người thợ kim hoàn” chữ nghĩa… Có người nói đến “ma lực của ngôn ngữ” Nguyễn Tuân. Ở ông “mỗi chữ đều như có dấu ấn riêng”. Giới nghiên cứu ca tụng những bữa tiệc ngôn từ trên trang văn Nguyễn Tuân và đề cập đến việc soạn một từ điển ngôn ngữ Nguyễn Tuân – với những “phố Phái”, “huyện đảo”… mà nhà văn này đã góp vào kho từ vựng chung của tiếng Việt. Người ta hiểu rằng cả một vùng trời lung linh ngôn ngữ ấy là tinh kết của một cuộc sống từng trải, si mê góp nhặt từng mảy vàng tiếng mẹ đẻ…Cùng bài viết này tìm hiểu về Nguyễn Tuân và tài năng dùng từ của ông trong thể hiện nhân vật hết sức tài tình.

Nguyễn Tuân - kẻ say chữ như thợ săn say máu. Khát vọng vươn tới cái đẹp đến độ cực đoan, để những con chữ, những trang văn là những “huyết thư” được đúc bằng xương máu cốt tủy. Nguyễn Tuân chơi với tiếng ta như cách làm xiếc để cho ra những truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút trác tuyệt. Chữ người tử tù là một tác phẩm thể hiện tài năng, văn cách đầy bản lĩnh và rất mực cá tính của Nguyễn Tuân. Danh nho kì tài Huấn Cao và cảnh cho chữ đẹp chưa từng trong tác phẩm đã nói lên được sự cao thượng tột đỉnh của nghệ thuật khi đối diện với hiện thực đời sống.

Nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù, hình tượng từ một trí giả thế kỉ XIX là Cao Bá Quát. Cao Bá Quát văn võ toàn tài, tinh thần trong sáng, khí chất ngút trời. Là người nghĩa khí nên khi chứng kiến sự nhiễu nhương của bọn hôn quân dung chúa đương thời mà ông không màng tới việc khoa bảng. Đến nửa đời mới ra kinh ứng thí và ghi tên đầu bảng vàng. Thế nhưng vừa vào cửa quan đã vội lao vào cửa ngục cũng vì bốn chữ “hành hiệp trượng nghĩa”. Nay từ cái vang bóng một thời đó, Nguyễn Tuân đã nhào nặn nên hình tượng Huấn Cao “Chọc trời khuấy nước mặc dầu - dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, vừa tài hoa, vừa khí phách vừa thiên tính thiện lương, biểu dương một cốt cách phi phàm.

Vì đó là hình ảnh mà Nguyễn Tuân cảm tác mà viết Chữ người tử tù, cho nên tôi muốn thêm chữ để nói về Cao Bá Quát. Một xã hội mà mọi ứng xử của kẻ sĩ nằm trong vòng cương tỏa của khuôn đúc Nho giáo, Cao Bá Quát không giả vờ khiêm tốn nhún nhường, cũng không chịu cam khuất khom lưng trước quyền lực và lại càng không chịu chấp nhận lánh tục lụy, bàng quan dòm thế sự như những đồng bối. Tại sao ông khác trí sĩ Bắc Hà xưa (như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan) chấp nhận sự bài xích, rời khỏi triều đình quay về mở trường dạy học ở đất Thăng Long? Tại sao một dòng nòi “Cửa Khổng sân Trình” như Ông Cao lại bất đồng chính kiến và quay lưng với triều đình? Những câu hỏi lớn đó trong khuôn khổ bài viết này sẽ bỏ ngỏ.

Ông chỉ là một hạt bụi cô độc, tung tẩy trong giới hạn của đất trời.

chữ người tử tù trát bút trong nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Tuân.jpg

(Chữ người tử tù, trát bút trong nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Tuân)

Các học giả đã từng lý giải về sự “tháo củi sổ lồng” của ông khỏi cái bối cảnh xã hội lúc đó, do sự suy tàn của một vương triều và nhận thức vượt trước thời đại về sự “lão hóa” của ý thức hệ. Tất cả những xung động đó đã thúc đẩy cá nhân ông “vượt ngưỡng” với những thiết định xưa cũ và trở thành một cánh chim chẳng hợp bầy. Nguyễn Tuân từ cái sùng mộ một cá thể độc lập, một bước chân bản lĩnh, đơn độc hành nhân nẻo vắng cuối buổi Hán học suy tàn đó mà viết nên một thời vang bóng. Dường như tiền bối họ Cao đồng dạng với tư duy và khát vọng tự do tư tưởng của tác giả.

Sự tài hoa của Huấn Cao thể hiện ở những con chữ. Những nét nghệ thuật đưa dẫn từ tim óc, đổ xuống giấy trắng thanh tân một cách kì diệu, kết tụ tinh hoa của đất trời và thiên tính. Đó là tâm huyết, hoài bão, sự trí dũng của người cầm bút, ngòi bút như lưỡi gươm, cảm dũng ứa tràn ra ơn cho đời: “Có được chữ ông Huấn mà treo là có được vật báu trên đời” (Chữ người tử tù- Nguyễn Tuân).

Cảnh thời lúc đó, khi chính sự rơi vào bế tắc, muôn dân khổ sầu, vua quan tàn nhẫn đã gieo rắc thảm trạng đói kém đau thương. Huấn Cao đã dùng “văn lo vận nước, văn hóa võ / võ thấu lòng dân, võ hóa văn”. Chính vì sự hiên ngang, bất khuất mà Huấn Cao đã trở thành tử tù, bị kết tội phản quốc theo luật lệ bất lương của xã hội bấy giờ. Trong cảnh tù ngục xảo trá vô luân, Ông Huấn gặp một Viên quản ngục biết yêu cái đẹp, khát khao tột cùng của viên quan coi ngục là được Huấn Cao tặng cho những nét chữ cuối cùng trước khi lên đoản đầu đài. Bất chấp sái phép, Quản ngục đã ra sức biệt đãi với ông Huấn.

Bằng thứ văn chương điêu luyện đậm sắc tính hoài cổ một thời quá vãng, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công những nét tính cách của bậc đại trí quyền trượng. Huấn Cao hiện lên là một con người nghĩa hiệp và không màng lợi danh: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Sống với bầy cầm thú, người như Huấn Cao lại bộc lộ được khí chất cao đạo của mình, không màng tới cái chết, coi khinh lẽ tầm thường của sự phục tùng giả trá. Ông vẫn phóng khoáng, thản nhiên mà nhận rượu thịt từ viên quản ngục và tận hưởng nó như một thú vui lúc bình sinh mà mình xứng đáng được nhận lấy. Sự cặn bã của xã hội lúc bấy giờ Huấn Cao nhìn bằng nửa con mắt, thái độ Ông Huấn cực kì khinh bạc. Trước sự khép nép của viên quan coi ngục Huấn Cao dóng giọng khí khái: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ cần có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”(Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân). Không chỉ đứng trước sinh tử, sự kiện trọng đại của cuộc đời mà Huấn Cao mới thể hiện tư thái cao vọng như thế, mà trước sau như một con người ông khi đối diện với sự đớn hèn của thực tại vẫn thể hiện sự kiêu mạn mà coi thường như vậy. Trong cái khung cảnh tăm tối, đen dúa nơi ngục thất nói riêng và xã hội phong kiến suy hèn nói chung, hình tượng Ông Huấn hiện lên như mãnh hổ đầy khát vọng uy quyền và công lý.

Sau bức chân dung về một nhân cách lớn, Nguyễn Tuân đưa nét bút của mình vẽ hình tượng Huấn Cao với một tâm hồn thanh cao, một tài năng thiên bẩm. Trước sự thành kính của viên quan coi ngục, sau những lần phủ phục trước cái đẹp để được tặng chữ, Huấn Cao đã nhận ra sự chân tín của viên quản ngục mà quyết định tặng chữ để không bạc đãi “một tấm lòng trong thiên hạ” (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân). Sau khi cho chữ, Huấn Cao đã trút tâm can mà tâm tình với viên quản ngục:“Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi” (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân). Sự chí tình đó, đã thể hiện được phẩm hạnh, cốt cách và đạo đức cao đẹp của nhân vật Huấn Cao. Trên cái khí chất, tướng mạo đẹp oai đó là một nhân cách cao thượng, con người thuần lương tuyệt đối.

Huấn Cao kiêu bạc là thế, oai dũng là thế, nhưng khi thấu được những tấm lòng đồng vị với cái đẹp thì đã vui vẻ mà cho chữ mà tỏ lòng cảm khái vô tư. Cái đẹp, tình yêu, lý tưởng là một là thống nhất. Dù nơi bùn nhơ uế bẩn, nơi tàn nhẫn bất lương nhưng chỉ cần có những tấm lòng thì cái đẹp lại lên ngôi, tỏa sáng giữa ngàn đao vạn đòn của thực tại bùng nhùng bất nhẫn.

Nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật thư họa là một thú vui tao nhã, thể hiện sự khoáng đạt và trí huệ trong cốt cách người xưa. Mỗi nét chữ là sự xuất thần “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), trút bỏ cả tâm trí lên từng nét uyển chuyển, nhịp nhàng mang rõ tâm tư, tình cảm, phong vị của người viết. Huấn Cao nổi tiếng quái kiệt trong từng nét bút: “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm.” Chữ Huấn Cao đẹp vuông thành sắc cạnh, là điển mẫu, mô phạm cho hậu thế noi gương về cả tài nghệ và tư cách. Ai có chữ của ông Huấn thì như nhặt được vinh hoa phú quý. Người xưa trọng chữ nghĩa như cách giữ dìn gia đạo. Và chữ nghĩa của các bậc Nho gia, kẻ tầm thường không thể nào với tới… cho nên cổ nhân tìm tri kỉ không dễ. Hay việc viết, cho, tặng chữ không phải là việc tùy tiện mà nó là điều rất mực thiêng liêng.

Với ý thức cao độ về bản thể, giá trị cốt cách của một bậc nhân sĩ trí thức. Huấn Cao khẳng định: “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi” (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân). Và lần này như một ngoại lệ, ông cho chữ viên quản ngục. Thực ra trong khoảnh khắc cuối đời, ngẫu nhiên tương phùng nơi oan khiên tàn độc, Huấn Cao đã gặp được tri âm - chính là viên quan coi ngục, một người say mê cái đẹp và nhận ra giá trị đích thực của chữ nghĩa mà đã xin được tặng chữ bằng tận đáy lòng một bầu máu nóng chân tình đập mạnh mẽ trong huyết quản. Nguyễn Tuân đã khắc tạc bằng bốn chữ “biệt nhỡn liên tài” để nói về trái tim cao khiết của viên quản ngục.

Sinh tử là sự kiện tất yếu và quan trọng của cuộc đời. Khi sinh ra ai cũng bình thường, nhưng cái chết thì có thể là sự phi thường. Huấn Cao đối diện với tử thần bằng một tấm lòng trung chính, sự cao vọng và cả đôi mắt sáng suốt nhận ra được bản chất cuộc sống và sự nhiệm màu của cái đẹp trong việc động lòng người. Giây phút cuối cùng, ông không dùng sự “uy dũng bất năng khuất” của mình giống như lúc bình sinh chiến đấu để che chở nhân dân mà ông đã dùng nghệ thuật để thay súng gươm mà cải hóa một con người, để lại cho đời những giọt mực linh diệu. Chính cái đẹp là chân lý, là đạo đức là cái nhân bản nhất của một con người.

Bằng thủ pháp đối lập Nguyễn Tuân đã phóng bút diệu kì mà xây dựng nên bối cảnh cho chữ tài hoa tuyệt thế và rất mực cảm kích. Cái đẹp trong tác phẩm được họa với sự thanh cao, long trọng, lụa tràng, mực thắm, bàn tay xuất thần, nét mực vinh diệu, đối lập với thực trạng xã hội là cảnh nhà ngục tối tăm, chật vật… đó là ẩn dụ của sự độc ác, dơ bẩn của chế độ phong kiến đương thời. Một hình ảnh kì vĩ, người nghệ sĩ đang sáng tạo tuyệt vời trên gông xiềng, gông kìm trói buộc. Bên cạnh là thầy thơ lại bưng chậu mực khép nép và viên quản ngục khúm núm cất giữ đồng tiền kẽm đánh dấu ô… chắp tay vái lạy người tử tù cho chữ một cách cung kính. Trước cái đẹp gông kìm, xiềng sắt bổng hóa “sợi tơ sen trói mãnh hổ”. Cái đẹp sản sinh từ sự ngự trị tuyệt đối của cái ác, không ngừng vươn tỏa và tàn hủy mọi xấu xa bất nhân. Giá trị đích thực của hình ảnh cho chữ đó chính là cái thiện lương khi đã tràn trụa thì sẽ xua tan mọi tội ác trên đời để tôn vinh sự ngời sáng của chân lý.

Ảnh tượng Huấn Cao là biểu tượng của nghệ thuật, vai trò của nghệ thuật trong việc lương dân hóa trái tim của nhân loại. Không ai khác, chỉ có Nguyễn Tuân người yêu cái đẹp đến độ cực đoan mới có thể thấu triệt được sự nhân bản tột cùng của cái đẹp khi mong manh như sợi tơ nhưng có thể “khuyến thiện trừng ác”, cảm hóa con người, trao đi những tấm lòng, những khát khao vươn tới cái thuần khiết, rỗng lặng đến độ toàn bích.

Cái tài hoa đi cùng cái khí phách. “Nét chữ- nết người” một nét chữ mỹ diệu, quyền trượng như chữ của Huấn Cao thì đương nhiên biểu dương khí phách hiên ngang, tầm hồn quả cảm, đạo đức trong sáng của một bậc trượng nghĩa.

Nguyễn Tuân đã kết hợp những thanh âm hiện đại cùng với những hạt bụi hoài cổ để tạo nên Chữ người tử tù. Dựng cốt truyệt độc đáo, cách dùng từ điêu luyện, hàm súc, sâu sắc. Thể hiện được những nét vẽ nội tâm cực kì tế vi bên cạnh những ảnh tượng về nhân vật, về cảnh cho chữ có một không hai, Nguyễn Tuân đã nói lên tiếng nói lý tưởng của chính mình ngày đó, một thanh niên trí thức với sự nhiệt thành, hoài bão, ý chí, nghị lực và một lòng cho sự cao đẹp trong bản thể con người và thanh bình cho đất đất muôn đời.



Trần Quốc Tuấn​
 
Từ khóa Từ khóa
cái tài hoa đi cùng cái khí phách chữ huấn cao đẹp vuông thành sắc cạnh chu nguoi tu tu hình tượng huấn cao với một tâm hồn thanh cao hoài cổ một thời quá vãng một tấm lòng trong thiên hạ nghệ thuật tạo hình của nguyễn tuân nguyen tuan sự tài hoa của huấn cao xây dựng nên bối cảnh cho chữ tài hoa tuyệt thế
496
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.