[Dự thi Nhà]
CHUYỆN VỀ NHỮNG CHIẾC ĐÈN
- Linh Ann
Đêm mùa thu, sương phủ xuống bên ngoài mái hiên đem theo chút hơi lạnh vào trong căn phòng. Đây là một cửa hàng bán đồ hàng mã, khắp nơi treo các loại đèn Trung Thu đủ màu sắc. Nào là đèn Cá Chép, nào là đèn Bươm Bướm, đèn Thỏ Ngọc, còn có cả những chiếc đèn hiện đại chạy bằng pin đủ hình dáng đẹp đẽ, mới tinh, sạch sẽ đặt ngay ngắn trên kệ tủ.
Trong góc tối, nơi bị cái tủ đựng đồ che khuất, đèn Ông Sao nhỏ tí thút thít khóc. Rồi như sợ đêm xuống, không gian tĩnh mịch, Đèn làm phiền đến giấc ngủ của người khác nên chỉ một lúc nó lại nín lặng. Nó cố cử động, che đi cái vết rách trên cơ thể mình. Nhưng gió lọt qua khe cửa lại cứ thổi, cứ thổi làm cho vết rách kêu “sột soạt”.
“Hừm. Nửa đêm nửa hôm, khóc với chả lóc, giờ thì sột soạt nhức cái tai. Bộ không định cho ai ngủ hay sao?” - Một tiếng nói bực tức vang lên bên tai.
Đèn Ông Sao giật bắn mình. Nó không dám cố sức nữa. Nhưng cơn gió lọt qua khe cửa cứ như trêu tức nó mà rít lên một hồi khiến cho lớp áo từ giấy bóng kính của nó lại phát ra âm thanh “rạt rạt”.
“Đấy! Lại nữa! Cái Đèn rách mà ông chủ giữ làm cái gì không biết?” - Tiếng chanh chua lại cất lên. Lần này thì Đèn Ông Sao đã nghe rõ là ai vừa nói. Chính là chị đèn Bươm Bướm. Nó tủi thân ra mặt. Nhưng cũng chẳng dám lên tiếng gì. Trong cái cửa hàng này nó vốn đã bị lãng quên từ hồi tháng Bảy. Sau khi ông chủ bày nó ra bên ngoài mặt tiền cửa hàng, chẳng may bị một cái móc nhỏ xé toạc lớp áo đẹp đẽ ra, cứa vào cả da thịt nó đau điếng. Khi ấy ông chủ vốn định ném luôn đi. Nhưng bà chủ tiếc của lại giữ bảo:
“Cứ để đấy, lúc nào dán lại là được. Bỏ đi cũng uổng.”
Nhưng rồi nó chờ ngày này qua ngày khác ở cái góc phòng này cũng chẳng thấy ai mang xuống để giúp nó chữa vết thương trên người. Rồi cứ thế, cứ thế nó bị quên lãng cũng đã gần tròn tháng.
Đèn Bươm Bướm hậm hực thêm mấy câu nữa thì cũng chịu đi ngủ. Chỉ còn lại Đèn Ông Sao vẫn buồn bã với vết thương trên người, mắt hướng ra ngoài cửa kính mà nhìn ông trăng đã dần tròn.
…
Sáng hôm sau, ông chủ mở cửa hàng từ sớm. Ông khéo léo bày các loại đèn và đồ chơi trung thu ra mặt tiền để khách hàng nhìn vào đã muốn sà tới. Chị đèn Bươm Bướm, anh đèn Cá Chép, rồi bạn bè đèn Ông Sao đều lần lượt được treo ở những chỗ dễ nhìn nhất. Ai nấy đều ra sức khoe mẽ để lọt vào mắt mấy cô bé, cậu bé vào cửa hàng. Chỉ riêng Đèn Ông Sao nhỏ vẫn nằm trong xó, chẳng ai thèm ngó đến. Nó cũng chẳng còn mong chờ nữa, mặc kệ người qua, người lại.
“Mẹ ơi! Cái đèn bươm bướm này đẹp quá đi!” - Một cô bé nơ hồng, mặc chiếc váy công chúa bồng bềnh, phía sau còn đeo thêm một đôi cánh thiên thần trông cực kỳ đáng yêu reo lên, tay chỉ về phía chị Bươm Bướm mà khen ngợi.
Chị Đèn Bươm Bướm thấy vậy, mắt bừng sáng lên, dưới ánh nắng, đôi cánh được sơn sửa tỉ mỉ, mặc áo sặc sỡ được thể khoe mẽ càng thêm lung linh.
“Cô bé à. Cô bé chọn chị là đúng rồi đấy. Chị sẽ cùng cô bé đi chơi Trung thu thật vui vẻ.” - Chị Đèn Bươm Bướm sung sướng nói. Ánh mắt đầy vẻ tự mãn.
Cô bé đương nhiên không nghe thấy tiếng chị Đèn Bươm Bướm nói. Nhưng Đèn Ông Sao và các bạn trong cửa hàng đều nghe rõ mồn một.
“Chúc mừng chị Đèn Bươm Bướm nhé! Cuối cùng cũng tìm được bạn chơi Trung thu cùng rồi.” - Trong cửa hàng, tiếng chúc mừng lần lượt vang lên.
Đèn Ông Sao vẫn buồn bã. Nó giữ im lặng. Nó cũng tự thấy mình ích kỷ khi nhìn bóng chị Đèn Bươm Bướm đi xa dần cùng với cô bé nọ mà nó chẳng hề nói được một câu chúc mừng.
Quả nhiên, có kẻ chú ý đến thái độ của nó:
“Biết ngay mà. Cậu Đèn Ông Sao ghen ghét chị Đèn Bươm Bướm nên một lời chào cũng chẳng thèm nói với chị ấy. Đã xấu người còn xấu cả nết.”- Đèn lồng Siêu Nhân châm chọc nói.
Tiếng ồn ào rộ lên trong cửa hàng. Nhưng bởi vì gió thu thổi nên ông chủ nghe cứ như tiếng gió bên tai vậy. Ông vẫn cần mẫn, tỉ mẩn lau dọn và bày biện.
Đèn Ông Sao bị nói trúng tim đen cũng lấy làm xấu hổ. Nước mắt ngắn dài rơi trên lớp áo xanh, đỏ, vàng sặc sỡ. Nước mắt rơi xuống vết rách thì xót quá khiến nó phải cố nhịn mà không bật thành tiếng kêu.
“Kìa kìa, lại có mấy cậu bé đang tới đó. Chắc chắn lần này bạn Đèn Lồng Siêu Nhân sẽ được chọn thôi!” Anh Đèn Cá Chép nói, kéo sự chú ý của tất cả về phía bên ngoài cửa hàng.
Ngay lập tức, một tốp năm sáu cậu bé ăn mặc thời trang, mặt mũi trắng trẻo, thơm tho dắt tay bố mẹ bước vào cửa hàng.
“Mẹ! Con muốn mua đèn siêu nhân.”
“Còn con muốn mua kiếm hiệp sĩ.”
“Không, em chọn kiếm hiệp sĩ rồi. Anh chọn cái khác đi.” Mấy cậu bé bắt đầu huyên náo.
Chúng đi vòng quanh cửa hàng, tay chân ngọ nguậy không yên, sờ hết thứ nọ lẫn thứ kia. Thậm chí, cậu bé lớn nhất còn rút hẳn cái kiếm ra khỏi bao khua khoắng loạn xạ cả lên khiến cho mấy anh bạn Đèn Lồng Truyền Thống sợ chết khiếp.
“Ấy ấy. Cậu bé ơi, đừng làm thế, đừng làm thế.”
Nhưng cậu bé nào có nghe ra. Cậu ném cái kiếm xuống giỏ đựng đồ chơi, rồi tay lại lượm một cái Trống bỏi xoay tít mù khiến cho cửa hàng vốn đã ồn lại càng ồn hơn. Anh Cá Chép đang ở gần nhất không chịu nổi mà lấy vây bịt tai lại, nhăn nhó kêu:
“Ối ối! Đừng thổi nữa mà. Đừng thổi nữa!”
Lúc này, Đèn Ông Sao vẫn tựa ở sau cái góc tủ. Nó chẳng thèm quan tâm đến sự vụ lộn xộn đang diễn ra mà phóng tầm mắt về phía con đường đầy màu sắc của đồ Hàng Mã này.
Bỗng, nó nhìn thấy một cậu bé lem luốc, tay xách theo một cái túi ve chai, tần ngần đứng trước cửa hàng, ánh mắt buồn bã nhìn mấy cậu bé trong này.
Đèn Ông Sao bật dậy, nó cố thò mặt ra ngoài cửa kính để nhìn cho rõ hơn, nhưng cái đuôi của anh Diều lại cứ lật phật che mất khiến nó nhìn chẳng rõ ràng.
“Mẹ! Ăn mày kìa mẹ!”
Cậu bé lớn nhất lúc nãy chỉ ngón tay mập mạp của mình về phía bóng dáng nhỏ nhắn, gầy guộc lem luốc bên ngoài kia. Cậu ta vừa tò mò lại vừa tỏ thái độ cười cợt.
“Này, mấy đứa nhìn kìa, ngoài kia có tên rách rưới đang đi xin ăn.”
“Nào! Không được nói thế đâu con. Con mau chọn đồ nhanh lên chúng ta còn về nào.”
Nghe tiếng cậu bé, người mẹ tỏ vẻ không hài lòng nhưng cũng chỉ nhắc nhở qua loa mấy câu rồi giục cậu tìm đồ.
Trong cửa hàng bắt đầu vang lên những tiếng nài nỉ mua cái này cái kia của khách hàng nhí, rồi lại có tiếng quát mắng của người lớn vì con cái không chịu nghe lời. Lộn xộn thêm một lúc lâu, cuối cùng đoàn người cũng rời đi. Mà anh Đèn Cá Chép, bạn Đèn siêu nhân, Đèn Kéo Quân, đèn Ô Tô,... cũng đã vui vẻ nằm trong tay chủ nhân mới, chúng vẫy tay chào ông chủ và những đồ chơi ở lại.
…
Trời muộn dần, rồi bóng tối kéo đến. Trong cửa hàng chẳng còn mấy thứ. Các anh chị em, bạn bè đèn lồng đã rời đi hết, chỉ còn lại Đèn Ông Sao và những đồ hàng mã có thể bán quanh năm là ở lại.
Lúc này, Đèn Ông Sao lại thấy cậu bé nghèo khổ nọ trở lại con phố, đứng tần ngần nhìn vào bên trong. Đèn Ông Sao giật thót mình giống như vừa bị bắt quả tang nhìn trộm.
“Cậu ấy đang nhìn mình sao?” Nó tự hỏi. Rồi nó quay phải, quay trái chẳng thấy ai ở hướng mắt mà cậu bé nhìn ngoài chính mình.
Mất một lúc, Đèn Ông Sao thấy cậu bé lưỡng lự bước về phía cửa hàng, vừa vặn lúc ông chủ đang chuẩn bị dọn sạp.
“Bác ơi!” Tiếng nói êm dịu cất lên.
Đèn Ông Sao dỏng tai nghe, cậu bé nói khá yếu ớt, nhưng lại là âm thanh dễ chịu nhất trong ngày hôm nay Đèn Ông Sao được nghe.
“Có chuyện gì vậy?”
“Bác ơi, hôm nay đã là mười bốn… cháu thấy cái đèn ông sao sau cánh tủ… nó rất đẹp. Bác có thể để lại cho cháu không ạ?” - Cậu bé nói với giọng rất lễ phép.
Ông chủ nhìn cậu bé, rồi lại quay nhìn về phía cái tủ, nơi Đèn Ông Sao đang ở đó.
Đèn Ông Sao đột nhiên thấy vô cùng kích động. Nó như không tin vào tai mình nữa.
Cậu bé vừa khen nó đẹp.
Cậu bé cũng muốn có nó.
“Cháu thích cái đèn đó à?” - Ông chủ cất tiếng hỏi cậu bé.
Ánh mắt cậu bé sáng lên, lấp lánh còn hơn những ngôi sao ngoài kia, thay vì nói, cậu gật đầu lia lịa.
“Vậy để bác lấy cho cháu.”
Vừa nói, ông chủ bắc cái ghế cao lên, cầm lấy cái cán đèn màu hồng đậm. Đèn Ông Sao rất vui. Nó như muốn reo vang. Nhưng rồi nó lập tức nhớ tới cái vết thương trên người nó.
“Mình bị rách như vậy, cậu bé liệu có thích hay không?”
“Đây. Nhưng cái đèn này bị rách rồi. Mà bây giờ bác không tìm được keo dán.” - Ông chủ nói, rồi thổi đi lớp bụi bám trên người Đèn Ông Sao.
Cậu bé cầm lấy cán đèn, hơi ấm từ tay cậu truyền vào cán. Ánh mắt không rời chiếc đèn, cứ như cậu chưa từng thấy thứ gì đẹp đẽ và kỳ diệu đến thế.
Cậu bé mân mê cái cán đèn, nhẹ chạm vào vết rách trên lớp áo bóng kính xanh, đỏ vàng rồi thốt lên:
“Nó thật đẹp.”
“Nếu cháu thích bác tặng cho cháu, dẫu sao hôm nay cũng mười tư rồi, mai bác đóng cửa không bán hàng nữa.” - Ông chủ chăm chú nhìn cậu bé mà nói.
Đèn Ông Sao thấy cậu bé nhảy cẫng lên. Nó cũng nhảy múa trên tay theo cậu bé. Miệng rối rít vui mừng:
“Bác nói thật chứ ạ? Bác tặng cháu cái đèn ông sao này ạ?”
…
Đèn Ông Sao cũng không biết nó đã trở về cùng cậu bé như thế nào. Chỉ biết suốt dọc đường từ cửa hàng về căn nhà ọp ẹp này cậu bé nâng niu nó trong lòng, còn lấy cái bao nhỏ chắn cho nó vì sợ gió làm nó rách thêm. Nó còn nghe thấy tiếng hát vang lên từ miệng cậu bé, xuất phát từ niềm hạnh phúc tận con tim:
“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan.”
Nó được cậu bé đặt trịnh trọng trên cái đình màn ngủ. Cả đêm thỉnh thoảng nó vẫn thấy cậu bé ngước nhìn nó mà thích thú hát.
…
Rằm tháng Tám.
Ánh trăng tròn vành vạnh treo giữa bầu trời thu, rọi ánh sáng xuống dưới mặt đất.
Tiếng trống ếch vang lên rộn rã, múa Lân tưng bừng, đám trẻ cầm đèn chạy theo chú Tễu.
Đèn Ông Sao cũng được tham dự. Cậu chủ nhỏ đã dùng băng dính dán vết rách của nó lại. Dường như sợ đám đông kia làm hỏng đèn ông sao của mình mà cậu bé đi cách họ một đoạn. Nhưng dù là vậy, đèn ông sao cũng vui lắm. Nó dõi mắt nhìn xung quanh. Thật nhộn nhịp. Cậu chủ nhỏ cũng rất vui, cậu nhảy chân sáo suốt dọc con đường.
Phía trước, những chiếc đèn rực rỡ lóa mắt, những chiếc đèn chạy bằng pin thì vừa lấp lánh vừa cất lên những giai điệu vui tươi, thậm chí còn có những chiếc đèn Vũ Công biết nhảy múa. Đám trẻ thích thú cầm đèn ra so với nhau, chúng chơi đến tận tối muộn.
“Ồ. Nhìn kìa, kia có phải đèn Ông Sao rách không?”
Đèn Ông Sao đột nhiên nghe thấy tiếng cười rinh rích. Nó quay sang nhìn.
Phía đó là chị Đèn Bươm Bướm đang nằm trong tay cô chủ nhỏ của mình. Bên cạnh còn có đèn Siêu Nhân và những người bạn mới khác.
Đèn Ông Sao chẳng đáp lời. Nó mặc kệ chị ta. Lần đầu tiên trong suốt cả tháng qua nó nghe lời người khác gọi là “Đèn Ông Sao rách” nó không còn thấy buồn nữa.
“Cái đèn vũ công của cậu đẹp quá.” Cô chủ nhỏ của chị Đèn Bươm Bướm cất tiếng nói.
Cô bé thả chị đèn Bươm Bướm xuống, vươn tay đón lấy cái đèn Vũ Công hiện đại trên tay cô bạn.
Chị Đèn Bươm Bướm rơi xuống, kêu “á” một tiếng.
Chỗ chị rơi xuống là một cái thanh thép nhỏ dùng để buộc cái nan tre rơi ra từ đèn của ai đó. Nó xé toạc cánh bướm đẹp đẽ của chị ra.
“Ôi! Cánh bươm bướm của cậu bị rách rồi kìa.” Cô bạn thốt lên.
Cô bé vội vã nhấc cán đèn lên, soi dưới ánh sáng nhìn rõ thấy lớp bóng kính trên cái cánh chị Đèn Bươm Bướm đã bị rách ngang một đường, trông vô cùng khó coi.
Đèn Ông Sao thấy chị đau đến phát khóc. Lúc này cô chủ nhỏ của chị nhíu mày một cái:
“Hừ. Rách mất rồi. Biết vậy mình không chọn nó.” Nói rồi, cô bé cầm đèn ném “vút” một cái ra xa.
“Đừng ném tôi mà. Đừng mà.” - Tiếng chị đèn Bươm Bướm hốt hoảng la lên.
Nhưng mà đã muộn mất rồi.
Chị rơi phịch xuống. Còn chưa kịp hoàn hồn thì đoàn múa lân quay lại, đám trẻ chạy chơi dẫm luôn lên người chị. Thanh âm của thanh nan tre gãy bị nhấn chìm trong tiếng trống, tiếng huyên náo, tiếng nhạc điện tử phát ra.
Đèn Ông Sao đứng ở xa, sợ đến run người. Nó hét ầm ĩ:
“Chị Đèn Bươm Bướm! Chị Đèn Bươm Bướm!”
…
Ngày hôm sau, Đèn Ông Sao thức dậy sau một đêm Trung Thu. Nó vẫn được đặt trịnh trọng trên cái đỉnh màn của cậu bé. Nó dụi mắt nhìn xuống bên dưới. Cậu chủ nhỏ của nó đang hì hụi sửa một cái gì đó.
Ánh mặt trời chiếu vào căn nhà nhỏ lụp xụp. Đèn Ông Sao thấy rõ lớp bóng kính sặc sỡ đang rách bươm trên tay cậu bé.
Là chị Đèn Bươm Bướm.
-------------
Ảnh: st
Chú thích: Trích bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên
CHUYỆN VỀ NHỮNG CHIẾC ĐÈN
- Linh Ann
Đêm mùa thu, sương phủ xuống bên ngoài mái hiên đem theo chút hơi lạnh vào trong căn phòng. Đây là một cửa hàng bán đồ hàng mã, khắp nơi treo các loại đèn Trung Thu đủ màu sắc. Nào là đèn Cá Chép, nào là đèn Bươm Bướm, đèn Thỏ Ngọc, còn có cả những chiếc đèn hiện đại chạy bằng pin đủ hình dáng đẹp đẽ, mới tinh, sạch sẽ đặt ngay ngắn trên kệ tủ.
Trong góc tối, nơi bị cái tủ đựng đồ che khuất, đèn Ông Sao nhỏ tí thút thít khóc. Rồi như sợ đêm xuống, không gian tĩnh mịch, Đèn làm phiền đến giấc ngủ của người khác nên chỉ một lúc nó lại nín lặng. Nó cố cử động, che đi cái vết rách trên cơ thể mình. Nhưng gió lọt qua khe cửa lại cứ thổi, cứ thổi làm cho vết rách kêu “sột soạt”.
“Hừm. Nửa đêm nửa hôm, khóc với chả lóc, giờ thì sột soạt nhức cái tai. Bộ không định cho ai ngủ hay sao?” - Một tiếng nói bực tức vang lên bên tai.
Đèn Ông Sao giật bắn mình. Nó không dám cố sức nữa. Nhưng cơn gió lọt qua khe cửa cứ như trêu tức nó mà rít lên một hồi khiến cho lớp áo từ giấy bóng kính của nó lại phát ra âm thanh “rạt rạt”.
“Đấy! Lại nữa! Cái Đèn rách mà ông chủ giữ làm cái gì không biết?” - Tiếng chanh chua lại cất lên. Lần này thì Đèn Ông Sao đã nghe rõ là ai vừa nói. Chính là chị đèn Bươm Bướm. Nó tủi thân ra mặt. Nhưng cũng chẳng dám lên tiếng gì. Trong cái cửa hàng này nó vốn đã bị lãng quên từ hồi tháng Bảy. Sau khi ông chủ bày nó ra bên ngoài mặt tiền cửa hàng, chẳng may bị một cái móc nhỏ xé toạc lớp áo đẹp đẽ ra, cứa vào cả da thịt nó đau điếng. Khi ấy ông chủ vốn định ném luôn đi. Nhưng bà chủ tiếc của lại giữ bảo:
“Cứ để đấy, lúc nào dán lại là được. Bỏ đi cũng uổng.”
Nhưng rồi nó chờ ngày này qua ngày khác ở cái góc phòng này cũng chẳng thấy ai mang xuống để giúp nó chữa vết thương trên người. Rồi cứ thế, cứ thế nó bị quên lãng cũng đã gần tròn tháng.
Đèn Bươm Bướm hậm hực thêm mấy câu nữa thì cũng chịu đi ngủ. Chỉ còn lại Đèn Ông Sao vẫn buồn bã với vết thương trên người, mắt hướng ra ngoài cửa kính mà nhìn ông trăng đã dần tròn.
…
Sáng hôm sau, ông chủ mở cửa hàng từ sớm. Ông khéo léo bày các loại đèn và đồ chơi trung thu ra mặt tiền để khách hàng nhìn vào đã muốn sà tới. Chị đèn Bươm Bướm, anh đèn Cá Chép, rồi bạn bè đèn Ông Sao đều lần lượt được treo ở những chỗ dễ nhìn nhất. Ai nấy đều ra sức khoe mẽ để lọt vào mắt mấy cô bé, cậu bé vào cửa hàng. Chỉ riêng Đèn Ông Sao nhỏ vẫn nằm trong xó, chẳng ai thèm ngó đến. Nó cũng chẳng còn mong chờ nữa, mặc kệ người qua, người lại.
“Mẹ ơi! Cái đèn bươm bướm này đẹp quá đi!” - Một cô bé nơ hồng, mặc chiếc váy công chúa bồng bềnh, phía sau còn đeo thêm một đôi cánh thiên thần trông cực kỳ đáng yêu reo lên, tay chỉ về phía chị Bươm Bướm mà khen ngợi.
Chị Đèn Bươm Bướm thấy vậy, mắt bừng sáng lên, dưới ánh nắng, đôi cánh được sơn sửa tỉ mỉ, mặc áo sặc sỡ được thể khoe mẽ càng thêm lung linh.
“Cô bé à. Cô bé chọn chị là đúng rồi đấy. Chị sẽ cùng cô bé đi chơi Trung thu thật vui vẻ.” - Chị Đèn Bươm Bướm sung sướng nói. Ánh mắt đầy vẻ tự mãn.
Cô bé đương nhiên không nghe thấy tiếng chị Đèn Bươm Bướm nói. Nhưng Đèn Ông Sao và các bạn trong cửa hàng đều nghe rõ mồn một.
“Chúc mừng chị Đèn Bươm Bướm nhé! Cuối cùng cũng tìm được bạn chơi Trung thu cùng rồi.” - Trong cửa hàng, tiếng chúc mừng lần lượt vang lên.
Đèn Ông Sao vẫn buồn bã. Nó giữ im lặng. Nó cũng tự thấy mình ích kỷ khi nhìn bóng chị Đèn Bươm Bướm đi xa dần cùng với cô bé nọ mà nó chẳng hề nói được một câu chúc mừng.
Quả nhiên, có kẻ chú ý đến thái độ của nó:
“Biết ngay mà. Cậu Đèn Ông Sao ghen ghét chị Đèn Bươm Bướm nên một lời chào cũng chẳng thèm nói với chị ấy. Đã xấu người còn xấu cả nết.”- Đèn lồng Siêu Nhân châm chọc nói.
Tiếng ồn ào rộ lên trong cửa hàng. Nhưng bởi vì gió thu thổi nên ông chủ nghe cứ như tiếng gió bên tai vậy. Ông vẫn cần mẫn, tỉ mẩn lau dọn và bày biện.
Đèn Ông Sao bị nói trúng tim đen cũng lấy làm xấu hổ. Nước mắt ngắn dài rơi trên lớp áo xanh, đỏ, vàng sặc sỡ. Nước mắt rơi xuống vết rách thì xót quá khiến nó phải cố nhịn mà không bật thành tiếng kêu.
“Kìa kìa, lại có mấy cậu bé đang tới đó. Chắc chắn lần này bạn Đèn Lồng Siêu Nhân sẽ được chọn thôi!” Anh Đèn Cá Chép nói, kéo sự chú ý của tất cả về phía bên ngoài cửa hàng.
Ngay lập tức, một tốp năm sáu cậu bé ăn mặc thời trang, mặt mũi trắng trẻo, thơm tho dắt tay bố mẹ bước vào cửa hàng.
“Mẹ! Con muốn mua đèn siêu nhân.”
“Còn con muốn mua kiếm hiệp sĩ.”
“Không, em chọn kiếm hiệp sĩ rồi. Anh chọn cái khác đi.” Mấy cậu bé bắt đầu huyên náo.
Chúng đi vòng quanh cửa hàng, tay chân ngọ nguậy không yên, sờ hết thứ nọ lẫn thứ kia. Thậm chí, cậu bé lớn nhất còn rút hẳn cái kiếm ra khỏi bao khua khoắng loạn xạ cả lên khiến cho mấy anh bạn Đèn Lồng Truyền Thống sợ chết khiếp.
“Ấy ấy. Cậu bé ơi, đừng làm thế, đừng làm thế.”
Nhưng cậu bé nào có nghe ra. Cậu ném cái kiếm xuống giỏ đựng đồ chơi, rồi tay lại lượm một cái Trống bỏi xoay tít mù khiến cho cửa hàng vốn đã ồn lại càng ồn hơn. Anh Cá Chép đang ở gần nhất không chịu nổi mà lấy vây bịt tai lại, nhăn nhó kêu:
“Ối ối! Đừng thổi nữa mà. Đừng thổi nữa!”
Lúc này, Đèn Ông Sao vẫn tựa ở sau cái góc tủ. Nó chẳng thèm quan tâm đến sự vụ lộn xộn đang diễn ra mà phóng tầm mắt về phía con đường đầy màu sắc của đồ Hàng Mã này.
Bỗng, nó nhìn thấy một cậu bé lem luốc, tay xách theo một cái túi ve chai, tần ngần đứng trước cửa hàng, ánh mắt buồn bã nhìn mấy cậu bé trong này.
Đèn Ông Sao bật dậy, nó cố thò mặt ra ngoài cửa kính để nhìn cho rõ hơn, nhưng cái đuôi của anh Diều lại cứ lật phật che mất khiến nó nhìn chẳng rõ ràng.
“Mẹ! Ăn mày kìa mẹ!”
Cậu bé lớn nhất lúc nãy chỉ ngón tay mập mạp của mình về phía bóng dáng nhỏ nhắn, gầy guộc lem luốc bên ngoài kia. Cậu ta vừa tò mò lại vừa tỏ thái độ cười cợt.
“Này, mấy đứa nhìn kìa, ngoài kia có tên rách rưới đang đi xin ăn.”
“Nào! Không được nói thế đâu con. Con mau chọn đồ nhanh lên chúng ta còn về nào.”
Nghe tiếng cậu bé, người mẹ tỏ vẻ không hài lòng nhưng cũng chỉ nhắc nhở qua loa mấy câu rồi giục cậu tìm đồ.
Trong cửa hàng bắt đầu vang lên những tiếng nài nỉ mua cái này cái kia của khách hàng nhí, rồi lại có tiếng quát mắng của người lớn vì con cái không chịu nghe lời. Lộn xộn thêm một lúc lâu, cuối cùng đoàn người cũng rời đi. Mà anh Đèn Cá Chép, bạn Đèn siêu nhân, Đèn Kéo Quân, đèn Ô Tô,... cũng đã vui vẻ nằm trong tay chủ nhân mới, chúng vẫy tay chào ông chủ và những đồ chơi ở lại.
…
Trời muộn dần, rồi bóng tối kéo đến. Trong cửa hàng chẳng còn mấy thứ. Các anh chị em, bạn bè đèn lồng đã rời đi hết, chỉ còn lại Đèn Ông Sao và những đồ hàng mã có thể bán quanh năm là ở lại.
Lúc này, Đèn Ông Sao lại thấy cậu bé nghèo khổ nọ trở lại con phố, đứng tần ngần nhìn vào bên trong. Đèn Ông Sao giật thót mình giống như vừa bị bắt quả tang nhìn trộm.
“Cậu ấy đang nhìn mình sao?” Nó tự hỏi. Rồi nó quay phải, quay trái chẳng thấy ai ở hướng mắt mà cậu bé nhìn ngoài chính mình.
Mất một lúc, Đèn Ông Sao thấy cậu bé lưỡng lự bước về phía cửa hàng, vừa vặn lúc ông chủ đang chuẩn bị dọn sạp.
“Bác ơi!” Tiếng nói êm dịu cất lên.
Đèn Ông Sao dỏng tai nghe, cậu bé nói khá yếu ớt, nhưng lại là âm thanh dễ chịu nhất trong ngày hôm nay Đèn Ông Sao được nghe.
“Có chuyện gì vậy?”
“Bác ơi, hôm nay đã là mười bốn… cháu thấy cái đèn ông sao sau cánh tủ… nó rất đẹp. Bác có thể để lại cho cháu không ạ?” - Cậu bé nói với giọng rất lễ phép.
Ông chủ nhìn cậu bé, rồi lại quay nhìn về phía cái tủ, nơi Đèn Ông Sao đang ở đó.
Đèn Ông Sao đột nhiên thấy vô cùng kích động. Nó như không tin vào tai mình nữa.
Cậu bé vừa khen nó đẹp.
Cậu bé cũng muốn có nó.
“Cháu thích cái đèn đó à?” - Ông chủ cất tiếng hỏi cậu bé.
Ánh mắt cậu bé sáng lên, lấp lánh còn hơn những ngôi sao ngoài kia, thay vì nói, cậu gật đầu lia lịa.
“Vậy để bác lấy cho cháu.”
Vừa nói, ông chủ bắc cái ghế cao lên, cầm lấy cái cán đèn màu hồng đậm. Đèn Ông Sao rất vui. Nó như muốn reo vang. Nhưng rồi nó lập tức nhớ tới cái vết thương trên người nó.
“Mình bị rách như vậy, cậu bé liệu có thích hay không?”
“Đây. Nhưng cái đèn này bị rách rồi. Mà bây giờ bác không tìm được keo dán.” - Ông chủ nói, rồi thổi đi lớp bụi bám trên người Đèn Ông Sao.
Cậu bé cầm lấy cán đèn, hơi ấm từ tay cậu truyền vào cán. Ánh mắt không rời chiếc đèn, cứ như cậu chưa từng thấy thứ gì đẹp đẽ và kỳ diệu đến thế.
Cậu bé mân mê cái cán đèn, nhẹ chạm vào vết rách trên lớp áo bóng kính xanh, đỏ vàng rồi thốt lên:
“Nó thật đẹp.”
“Nếu cháu thích bác tặng cho cháu, dẫu sao hôm nay cũng mười tư rồi, mai bác đóng cửa không bán hàng nữa.” - Ông chủ chăm chú nhìn cậu bé mà nói.
Đèn Ông Sao thấy cậu bé nhảy cẫng lên. Nó cũng nhảy múa trên tay theo cậu bé. Miệng rối rít vui mừng:
“Bác nói thật chứ ạ? Bác tặng cháu cái đèn ông sao này ạ?”
…
Đèn Ông Sao cũng không biết nó đã trở về cùng cậu bé như thế nào. Chỉ biết suốt dọc đường từ cửa hàng về căn nhà ọp ẹp này cậu bé nâng niu nó trong lòng, còn lấy cái bao nhỏ chắn cho nó vì sợ gió làm nó rách thêm. Nó còn nghe thấy tiếng hát vang lên từ miệng cậu bé, xuất phát từ niềm hạnh phúc tận con tim:
“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan.”
Nó được cậu bé đặt trịnh trọng trên cái đình màn ngủ. Cả đêm thỉnh thoảng nó vẫn thấy cậu bé ngước nhìn nó mà thích thú hát.
…
Rằm tháng Tám.
Ánh trăng tròn vành vạnh treo giữa bầu trời thu, rọi ánh sáng xuống dưới mặt đất.
Tiếng trống ếch vang lên rộn rã, múa Lân tưng bừng, đám trẻ cầm đèn chạy theo chú Tễu.
Đèn Ông Sao cũng được tham dự. Cậu chủ nhỏ đã dùng băng dính dán vết rách của nó lại. Dường như sợ đám đông kia làm hỏng đèn ông sao của mình mà cậu bé đi cách họ một đoạn. Nhưng dù là vậy, đèn ông sao cũng vui lắm. Nó dõi mắt nhìn xung quanh. Thật nhộn nhịp. Cậu chủ nhỏ cũng rất vui, cậu nhảy chân sáo suốt dọc con đường.
Phía trước, những chiếc đèn rực rỡ lóa mắt, những chiếc đèn chạy bằng pin thì vừa lấp lánh vừa cất lên những giai điệu vui tươi, thậm chí còn có những chiếc đèn Vũ Công biết nhảy múa. Đám trẻ thích thú cầm đèn ra so với nhau, chúng chơi đến tận tối muộn.
“Ồ. Nhìn kìa, kia có phải đèn Ông Sao rách không?”
Đèn Ông Sao đột nhiên nghe thấy tiếng cười rinh rích. Nó quay sang nhìn.
Phía đó là chị Đèn Bươm Bướm đang nằm trong tay cô chủ nhỏ của mình. Bên cạnh còn có đèn Siêu Nhân và những người bạn mới khác.
Đèn Ông Sao chẳng đáp lời. Nó mặc kệ chị ta. Lần đầu tiên trong suốt cả tháng qua nó nghe lời người khác gọi là “Đèn Ông Sao rách” nó không còn thấy buồn nữa.
“Cái đèn vũ công của cậu đẹp quá.” Cô chủ nhỏ của chị Đèn Bươm Bướm cất tiếng nói.
Cô bé thả chị đèn Bươm Bướm xuống, vươn tay đón lấy cái đèn Vũ Công hiện đại trên tay cô bạn.
Chị Đèn Bươm Bướm rơi xuống, kêu “á” một tiếng.
Chỗ chị rơi xuống là một cái thanh thép nhỏ dùng để buộc cái nan tre rơi ra từ đèn của ai đó. Nó xé toạc cánh bướm đẹp đẽ của chị ra.
“Ôi! Cánh bươm bướm của cậu bị rách rồi kìa.” Cô bạn thốt lên.
Cô bé vội vã nhấc cán đèn lên, soi dưới ánh sáng nhìn rõ thấy lớp bóng kính trên cái cánh chị Đèn Bươm Bướm đã bị rách ngang một đường, trông vô cùng khó coi.
Đèn Ông Sao thấy chị đau đến phát khóc. Lúc này cô chủ nhỏ của chị nhíu mày một cái:
“Hừ. Rách mất rồi. Biết vậy mình không chọn nó.” Nói rồi, cô bé cầm đèn ném “vút” một cái ra xa.
“Đừng ném tôi mà. Đừng mà.” - Tiếng chị đèn Bươm Bướm hốt hoảng la lên.
Nhưng mà đã muộn mất rồi.
Chị rơi phịch xuống. Còn chưa kịp hoàn hồn thì đoàn múa lân quay lại, đám trẻ chạy chơi dẫm luôn lên người chị. Thanh âm của thanh nan tre gãy bị nhấn chìm trong tiếng trống, tiếng huyên náo, tiếng nhạc điện tử phát ra.
Đèn Ông Sao đứng ở xa, sợ đến run người. Nó hét ầm ĩ:
“Chị Đèn Bươm Bướm! Chị Đèn Bươm Bướm!”
…
Ngày hôm sau, Đèn Ông Sao thức dậy sau một đêm Trung Thu. Nó vẫn được đặt trịnh trọng trên cái đỉnh màn của cậu bé. Nó dụi mắt nhìn xuống bên dưới. Cậu chủ nhỏ của nó đang hì hụi sửa một cái gì đó.
Ánh mặt trời chiếu vào căn nhà nhỏ lụp xụp. Đèn Ông Sao thấy rõ lớp bóng kính sặc sỡ đang rách bươm trên tay cậu bé.
Là chị Đèn Bươm Bướm.
-------------
Ảnh: st
Chú thích: Trích bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên
Sửa lần cuối:
- Từ khóa
- trung thu đêm mùa thu đèn ông sao