Đề thi Đề thi thử số 12 kì thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022

Đề thi Đề thi thử số 12 kì thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022

Đề thi thử số 12 môn Ngữ văn giúp các bạn học sinh 9 ôn tập và đạt thành tích cao trong kì thi Tuyển sinh lớp 10 năm 2022.

xkk (51).png

ĐỀ THI THỬ
Số 12
Fourm Văn Học Trẻ
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 120 phút


Phần I. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (3 điểm):

Đọc đoạn trích sau:


Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đổi bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chíp vào trong máy tính? Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Câu 1.
Theo tác giả một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy là gì?

Câu 2. Xác định một phép liên kết được sử dụng trong các câu: “Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.”

Câu 3. Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong những câu: “Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chíp vào trong máy tính?”

Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận không ? Vì sao ?

Phần II. LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1. (2,0 điểm)


Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người.

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích tình cảm sâu nặng của ông Sáu dành cho con trong đoạn trích Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)


Các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết cùng chủ đề:
TẠI ĐÂY
 
Từ khóa
kì thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 tuyển sinh lớp 10 tuyển sinh lớp 10 năm 2022
447
0
1

Trần Ngọc 2021

Moderator
24/5/21
754
435
63,000
32
Xu
219,411
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Câu
Nội dung
1
- Theo tác giả một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy là: Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đổi bình thường.
2
- Phép nối: Nhưng
- Phép lặp: Chúng ta
- Phép thế: điều đó
3
Tác dụng của câu hỏi tu từ:
- Khẳng định vai trò, sự đóng góp của người quét rác trên những đường phố, người dọn vệ sinh bệnh viện, người tưới nước những luống rau, người gắn những con chíp và máy tính. Đồng thời bày tỏ thái độ trân trọng của tác giả dành cho những con người làm công việc bình thường bên cạnh những con người làm công việc đem lại vị thế cao sang.
- Tạo giọng điệu sôi nổi, mạnh mẽ; lập luận logic, giàu sức thuyết phục.
4
- Bày tỏ quan điểm: có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần.
- Lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
1
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn theo những cách khác nhau nhưng cần tập trung làm rõ sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người. Có thể theo hướng sau:
- Cuộc sống luôn vận động, việc vươn lên từng ngày là đòi hỏi tất yếu để mỗi người hòa nhịp và bắt kịp với sự thay đổi ấy.
- Việc vươn lên từng ngày tạo động lực giúp ta phát huy năng lực, chinh phục ước mơ và hòa thiện bản thân.
- Việc vươn lên từng ngày là lối sống tích cực để mỗi người góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn
* Bàn luận:
+ Cuộc sống luôn vận động và phát triển đòi hỏi con người phải có ý thức sống tích cực.
+ Người biết vươn lên hằng ngày trong cuộc sống là người dễ đạt tới sự thành công. Ngược lại, nếu không biết vươn lên thì sẽ trở thành kẻ tụt lùi, trì trệ thậm chí lạc lõng
+ Vươn lên trong cuộc sống để khẳng định giá trị sống bản thân, hoàn thành vai trò, trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
- Phản đề: Phê phán những người thiếu tinh thần cầu tiến, sống dựa dẫm, ĩ lại.
* Bài học nhận thức và hành động:
+ Có ý thức sống: Tôn trọng bản thân và xã hội;
+ Tích cực học tập, có tinh thần học hỏi, trau dồi các chuẩn mực đạo đức, kĩ năng sống.
+ Rèn luyện nghị lực, bản lĩnh vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
+ Tạo dựng ước mơ, mục tiêu sống tốt đẹp
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
2
a. Đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận: Có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
- Thân bài: Triển khai được các luận điểm làm rõ được nhận định.
- Kết bài: Khái quát được nội dung nghị luận
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tình cảm sâu nặng của ông Sáu dành cho con trong đoạn trích Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:
* Giới thiệu sơ nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận
* Cảm nhận về tình cảm của ông Sáu dành cho con:

- Giới thiệu khái quát: Ông Sáu đi kháng chiến từ lúc con gái chưa đầy tuổi, khi về thăm nhà con đã 8 tuổi, trớ trêu thay con không nhận ông là cha. Đến lúc nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu phải ra đi.
- Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con, nhưng chiếc lược ngà chưa đến tay con thì ông Sáu đã hy sinh.
- Đặt nhân vật vào tình huống truyện đầy éo le, bất ngờ Nguyễn Quang Sáng diễn tả thật cảm động tình cảm của ông Sáu dành cho con từ lúc về thăm nhà đến khi trở về khu căn cứ.
* Tình cảm ông Sáu dành cho con khi về thăm nhà:
- Sau những ngày tháng xa cách, đến lúc được về thăm nhà, tình người cha cứ nôn nao trong người ông, xuồng chưa cập bến ông đã nhún chân nhảy nhót lên, vội vàng bước dài, kêu to “Thu! Con” bé Thu ngơ ngác, lạ lùng còn ông thì không ghìm nổi xúc động, giọng lặp bặp run run “Ba đây con!” Nhó con bao nhiêu ông càng khao khát mong gặp con bấy nhiêu nên khi bé Thu sợ hãi bỏ chạy ông “đứng sững lại, hai tay buông xuống như bị gãy nhìn theo con”… Hụt hẫng, đau đớn và thất vọng.
- Trong ba ngày ở nhà, ông chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con, mong chờ một tiếng gọi ba của con. Nhưng con bé bướng bỉnh không chịu nhận và gọi ba khiến ông vô cùng đau khổ “quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười”. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên ông phải cười vậy thôi.
- Trong bữa ăn ông gắp thức ăn cho con “miếng trứng cá to vàng để vào chén nó” thể hiện tình yêu thương, chăm chút, muốn bù đắp cho con. Nhưng nó đã từ chối sự quan tâm của ông “lấy đũa soi vào chén rồi bất thần hất cái trứng ra” khiến ông giận quá, không kịp suy nghĩ đã vung tay đánh con. Điều đó cho thấy ông khao khát mong được con nhận mình đến nhường nào.
- Chỉ đến lúc chia tay, ông mới được hưởng hạnh phúc làm cha, được nghe tiếng gọi “Ba” của con, rồi “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Hạnh phúc thật ngắn ngủi, vì nhiệm vụ ông lại phải từ biệt con để lên đường. Tình yêu con của người lính cách mạng thật cảm động, vì tiếng gọi của Tổ quốc, họ sẳn sàng gác tình riêng để làm nhiệm vụ.
* Tình cảm của ông Sáu dành cho con trong những ngày ở chiến trường.
- Khi vào chiến trường: thiếu thốn, gian khổ, nguy hiểm vẫn không làm ông nguôi nỗi nhớ con. Bao nhiêu tình cảm yêu thương, nhớ nhung, ông dồn vào việc làm cây lược ngà, món quà kỉ niệm cho con (dẫn chứng: tìm ngà voi, chưa từng chiếc răng lược, khắc chữ, đem lược ra ngắm nghía)
à Chiếc lược ngà đối với ông không chỉ là chiếc lược bình thường mà là vật kỉ niệm, chứa đựng bao tình thương và nỗi nhớ của ông đối với con gái yêu. Chiếc lược là niềm an ủi, động viên ông trong những ngày tháng gian khổ. Từ khi cây lược hoàn thành ông càng mong được gặp con.
- Khi bị thương nặng: không còn đủ sức trăn trối điều gì, ông đưa tay vào túi móc cây lược đưa cho bạn và nhìn hồi lâu, mọi lời dặn dò trao gởi đến con đều thể hiện trong ánh mắt cuối cùng ấy. Cái nhìn “không đủ lời lẽ để tả lại” đã nói lên tất cả tình yêu của ông dành cho con. Có thể nói chiếc lược ngà là biểu tượng cho tình cha con, một tình cảm thiêng liêng và bất diệt của ông Sáu, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã dành cho con.
* Đánh giá chung:
- Bằng cốt truyện chặt chẽ, hấp dẫn với nhiều tình huống bất ngờ mà hợp lí, cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất đã góp phần thể hiện chân thật mà cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.
- Khẳng định lại vấn đề: Với tình cảm thiêng liêng và sâu nặng mà ông Sáu đã dành cho con “Chiếc lược ngà” xứng đáng được gọi là “Bài ca về tình phụ tử”.
- Qua truyện người đọc thấm thía những mất mát không gì bù đắp được của con người trong chiến tranh và càng trân trọng tình cảm cao đẹp trong tâm hồn họ.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top