Hướng dẫn  Đề thi thử vào lớp 10 năm 2022

Đề bài:​

Câu 1

Bài thơ: Hy Vọng

Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành
Nỗi buồn đánh thức hy vọng

Giữa thế giới không nhiều may mắn
Ta học cách vừa lòng với mình
Chia sẻ sự bình tâm của cỏ

Mãi khi giữa đêm chợt thức
Bập bềnh ý nghĩ xót xa:
Anh còn có thể, không thể...?

Thăm thẳm ngày xưa bình an
Vời vợi ngày mai chói nắng...

(Nguyễn Khoa Điềm)

Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ trong đoạn thơ.

Câu 2. Phải chăng lên đường là biện pháp duy nhất để tới nơi? Viết 200 chữ thể hiện suy nghĩ của em

Câu 3

Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn…(Lê Đạt). Bằng hiểu biết về bài thơ Đồng chí – Chính Hữu, liên hệ với bài thơ Ông đồ - Vũ Đình Liên để làm sáng tỏ ý kiến trên.

đề thi 2022.jpg

(Đề thi vào lớp 10 năm 2022 có hướng dẫn và bài làm mẫu - Diễn đàn Văn học trẻ)​

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI​

Câu 1.​

Hiệu quả của biện pháp tu từ trong đoạn thơ:

Nhân hóa: đá dạy ta/ Cỏ - bình tâm/ nỗi buồn đánh thức hy vọng/

Ngoài ra, cách dùng biện pháp tương phản đối lập giữa tính chất sự vật như: đá – mềm mỏng, sự tàn nhẫn – điều lành, nỗi buồn – hy vọng

Sử dụng các biện pháp tu từ trên có tác dụng nhấn mạnh đến tính chất sự việc cần hướng đến của con người. Từ những vật vô tri cũng có thể dạy ta những bản tính tốt đẹp, đồng thời nhấn mạnh tính chất biện chứng, đa diện của cuộc sống. Giữa những sự vật tưởng chừng đối lập nhau lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đặc biệt trong những sự vật, hiện tượng tưởng chừng tiêu cực, bi quan lại lóe lên những hi vọng tươi đẹp, lạc quan. Từ đó, tác giả gửi gắm thông điệp về niềm hi vọng trong bài thơ.

Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm từ chính nhan đề của bài thơ: hi vọng. Dù cuộc đời có đầy chông gai và thử thách, không nhiều may mắn, không dễ dàng, nhưng ngay cả trong những điều tưởng chừng bi quan, tăm tối, thất vọng nhất vẫn có thể tìm thấy niềm hi vọng. Hãy trân trọng quá khứ, trân trọng bản thân với những gì mình đang có ở hiện tại và nuôi giữ niềm hi vọng vào tương lai.

Câu 2:​

Trong cuộc sống ai cũng sẽ đi trên con đường của riêng mình. Dù theo cách này hay cách khác, họ cũng sẽ tìm ra lối đi, cách đi riêng để có thể đạt được ước mơ, mục đích mình mong muốn. Tuy vây cũng có những người còn đang loay hoay chưa tìm ra cách chính phục ước mơ của mình, thành ra cứ chần chừ và đứng yên. Nhưng họ không hiểu: “Lên đường là phương tiện duy nhất để thành công”. Chỉ có sẵn sàng bước đi, bản thân thực sự hành động thì chúng ta mới có thể đến đích. Điều đơn giản ấy không phải ai cũng hiểu.

Lên đường là không phải chỉ cách thức hành động, mà là cụm động từ chỉ trạng thái của con người bắt đầu một công việc nào đó. Bắt đầu lên đường, cũng như bắt đầu làm việc, bắt đầu phấn đấu, bắt đầu tiến hành mọi cách để hoàn thành được mục đích của mình. Trong cuộc sống có một quy luật đơn giản là chỉ có khi ta bắt đầu bước chân, lên đường, ta mới có thể đến nơi. Trong những công việc khác cũng vậy, nếu bạn bắt đầu mua dụng cụ, lên các bước thực hiện, bắt tay vào nấu nướng, bạn mới có thể có một chiếc bánh thơm ngon hoàn chỉnh. Nếu muốn đỗ ĐH, bạn nhất định phải học tập siêng năng và có phương pháp đã, thì mới có thể dùng chính những cố gắng ấy để bước qua cánh cổng trường ĐH mà bạn luôn khao khát, ước mơ. Muốn chứng minh tình cảm chân thành của mình, bạn không thể giữ mãi tình cảm đơn phương trong lòng mà nhất định phải dùng hành động để thể hiện mới mong có chuyển biến.

Nhiều khi trước những mục tiêu, ước mơ của đời mình, chúng ta chần chừ, e ngại vì thấy nó quá xa xôi. Ta thấy bản thân thiếu điều này, lại thấy giai đoạn kia trong quá trình thực hiện quá khó khăn, tự nghĩ bản thân chắc không vượt qua nổi, hay chưa sẵn sàng để vượt qua mà cứ chần chừ, e ngại mãi. Ta cứ liên tục chần chừ, chần chừ, để ngày hôm nay trôi đi, chờ đợi một ngày mai nào đó tới, mà không biết đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội quý giá.

Thời cơ tốt là yếu tố vô cùng cần thiết quyết định thành công của một công việc. Nhưng nếu bản thân chúng ta không luôn ở trong tư thế sẵn sàng, sẵn sàng đối mặt với thử thách, sẵn sàng trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng để trải qua quá trình “đi đường”, thực hiện ước mơ, thì chúng ta sẽ mau chóng để vụt mất cơ hội một cách vô ích thôi.

Mặc dù luôn ở trong tư thế sẵn sàng và quyết tâm vượt qua thử thách, đi đến cùng con đường đã chọn là rất cần thiết, nhưng chỉ có bản lĩnh không thôi chưa đủ, chúng ta nhất định phải luôn trau dồi kiến thức, kĩ năng để phát triển bản thân bởi vì mục tiêu của chúng ta là gì, dù nó cao xa hay gần gũi, dù quá khó để đạt được hay dễ dàng đạt tới thì dù thành công hay thất bại, thứ chúng ta cần đạt được trước tiên vẫn là bài học làm người. Cũng có thể trên bước đường đời, ta lỡ đi sai hướng, đi sai đường, rơi hoàn cảnh u tối, nhưng chúng ta vẫn nhất định phải vượt qua, bằng tất cả bản lĩnh của mình, không thành công thì thành nhân mà! Nhưng trong cuộc sống không có dưới một con đường cho chúng ta lựa chọn nên bạn và tôi, mỗi chúng ta không nhất thiết phải cố đi theo một con đường có sẵn và luôn sợ hãi đi lầm đường, bởi như Lỗ Tấn từng nói:

“Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”

Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường và chuẩn bị bước vào kì thi Đh, một bước ngoặt trong đời học sinh, tôi nhận thấy bản thân cần phải nỗ lực cố gắng rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là phải luôn luôn bước đi, luôn luôn phấn đấu. Dù kết quả thế nào thì tương lai sau này làm người, đi trên đường đời có nhiều ngã rẽ, lựa chọn đi theo con đường chân chính là vô cùng quan trọng. Hãy cứ đi thôi, nhưng đừng đi theo những lối mòn .

Câu 3.​


I. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

Biết cách làm bài nghị luận văn học: kết cấu sáng rõ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết giàu cảm xúc

II. YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

– Nắm vững kiểu bài nghị luận hỗn hợp: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích.
– Chọn dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp yêu cầu để phân tích, chứng minh.

Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Giải thích những vấn đề liên quan đến nhận định:

– Đọc một câu thơ hay: Tiếp nhận, cảm thụ những tác phẩm thơ có giá trị về nội dung và hình thức.
– Một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn: tác phẩm văn học đó sẽ mang đến cho con người những cảm xúc, tình cảm tốt đẹp, giúp con người biết khao khát, biết ước mơ, biết đấu tranh để bảo vệ và vươn tới một cuộc sống tươi đẹp hơn, giàu tình yêu thương hơn.

=> Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt khẳng định giá trị, thiên chức của thơ nói riêng, văn học nói chung. Với chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, đối thoại… thơ ca sẽ bồi đắp cho người đọc những tình cảm tốt đẹp, hướng con người đến thế giới tốt đẹp.

2. Bàn luận:

Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt là hoàn toàn chính xác dựa trên đặc trưng của văn học. Cụ thể:

– Đối tượng của văn học là hiện thực đời sống mà con người là trung tâm. Mục đích hướng tới của văn học là vì con người.
– Thiên chức của văn học là mang đến cho con người giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ, hướng con người đến chân- thiện- mĩ.
– Văn học, đặc biệt là thơ, xuất phát từ tình cảm cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ. Nhà thơ khi sáng tác văn học đã gửi gắm những tình cảm cảm xúc mãnh liệt, những trăn trở suy tư, những thông điệp triết lí nhân sinh sâu sắc đến người đọc thông qua tác phẩm của mình. Người đọc đến với tác phẩm văn học sẽ rung cảm, xúc động, và nuôi dưỡng cho mình những tình cảm, khát vọng cao đẹp.

3. Phân tích, chứng minh:

– Bài thơ “ Đồng Chí” của tác giả Chính Hữu:

+ Giới thiệu tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

+ Phân tích bài thơ ở phương diện hình thức và nội dung để thấy được những cảm xúc, tình cảm, lí tưởng tốt đẹp mà tác phẩm đã nhen nhóm trong lòng người đọc: Tình thương mến giữa những người đồng chí đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu. Tình đồng chí góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và phẩm chất của những người lính. Tình yêu quê hương, gia đình và tấm lòng ưu quân ái quốc của tác giả đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, thái độ kính trọng với những người lính giữ nước vì hòa bình trong quá khứ trong lòng người đọc…

– Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên:

+ Giới thiệu tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

+ Phân tích bài thơ ở phương diện hình thức và nội dung để thấy được những cảm xúc, tình cảm, lí tưởng tốt đẹp mà tác phẩm đã nhen nhóm trong lòng người đọc: Tấm lòng nhân đạo và khát vọng tìm kiếm tri âm của tác giả thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm cảm thương, nuối tiếc đối với một lớp người, một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó khiến bạn đọc biết trân trọng cái đẹp và giá trị tinh thần, biết quý trọng giá trị văn hóa mà một lớp người đi trước đã từng xây dựng.

4. Mở rộng, nâng cao vấn đề:

– Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt không chỉ dừng lại ở chức năng và giá trị của thơ ca mà còn đối với tác phẩm văn học nói chung.

– Quan niệm ấy cũng mở ra bài học cho nhà văn và người đọc. Với nhà văn, để những tác phẩm văn học thật sự khơi dậy những tình cảm tốt đẹp nơi người đọc cần có những tác phẩm có giá trị nội dung và hình thức, đặc biệt phải giàu tình cảm, cảm xúc. Với người đọc, cần biết đồng điệu và xây đắp cho mình những tình cảm tốt đẹp mà các tác phẩm văn học mở ra.

Lưu ý :

– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng; giám khảo cần thảo luận kỹ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.

– Cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.

Bài làm​

Văn chương bao đời nay vẫn được tôn xưng là nơi kí thác tình cảm và cái nhìn về cuộc sống đa chiều của các bậc thánh hiền. “Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.”(Trích trong Nhất ký của Nguyễn Văn Thạc). Còn nói như Lê Đạt: “Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện với những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn”.

Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó phải chứa đựng nột cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho người gần người hơn. (Đời Thừa — Nam Cao). Người xưa quan niệm văn chương chỉ là một trạng thái bộc lộ ra khỏi những dòng cảm xúc của con người, chúng va chạm với thanh điệu của cuộc sống hình thành nên một thứ gọi là hình ảnh thơ. Vậy thì văn chương tức là mỗi mảnh ghép của tạo hóa, một mảnh ghép là một hình ảnh của những số phận khác nhau: Hạnh phúc có, tuyệt vọng có, đau khổ có… Có ý kiến cho rằng văn học chỉ ngấm ngầm chứa đựng và phản ánh lại hiện thực của cuộc sống. Nói cách khác, văn học đơn giản chỉ tái hiện và kể lại những sự việc diễn ra trong đời sống hằng ngày, hay quá trình sáng tạo ra văn chương của người nghệ sĩ cốt lõi chỉ là hôm nay anh ta muốn bộc lộ những hỉ, nộ, ái, ố của chính mình? Liệu rằng đó có phải chức năng của văn học hướng đến yếu tố chân – thiện – mĩ hay không? Không! Thiên chức của người nghệ sĩ là sáng tạo ra cái đẹp từ chất liệu cuộc sống và thiên chức của văn học nói chung là nâng đỡ và giáo dục con người. Theo quan niệm về văn chương của Lê Đạt: Văn học nói chung và thơ ca nói riêng phải gợi cho người đọc một sự thức tỉnh trong tâm hồn, người nghệ sĩ phải làm sao để từng ý thơ được viết ra là “một bến đò gió nổi”, một cơ hội trong suốt lộ trình dài đằng đẵng của cuộc sống, một ý nghĩ muốn khao khát thoát khỏi sự ràng buộc của cuộc đời. Mồi vẫn thơ cất lên phải có sự va chạm giữa tâm hồn và cảm xúc con người, ý thơ cho ta một thứ khát khao mãnh liệt với cuộc đời, hình ảnh của thơ tóe lên trong tâm trí của mỗi người với những quan niệm về nhân sinh, quan niệm về cái đẹp. Đến khi từng giai điệu trong thơ hoàn toàn dừng hẳn thì con người lại có một “khao khát sang sông”, một mong muốn thay đổi số phận, một thúc đẩy lên đường hướng thiện với những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn. Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt khẳng định giá trị, thiên chức của thơ nói riêng, văn học nói chung. Với chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, đối thoại… thơ ca sẽ bồi đắp cho người đọc những tình cảm tốt đẹp, hướng con người đến thế giới tốt đẹp.

Chính nhà thơ Chính Hữu đã sớm nhận thức được điều đó và gửi gắm chúng vào thơ ca của mình:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao, lẽ đương nhiên, hình ảnh những người lính, những anh bộ đội sẽ trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hi vọng của cả dân tộc.

Sinh ra ở một đất nước vốn có truyền thống nông nghiệp, những người lính vốn là những người nông dân theo bước chân anh hùng của những nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa. Đất nước bị kẻ thù xâm lược, Tổ quốc và nhân dân đứng dưới một tròng áp bức. Anh và tôi, hai người bạn mới quen, đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó. hai câu thơ vừa như đối nhau, vừa như song hành, thể hiện tình cảm của những người lính.

Từ những vùng quê nghèo khổ ấy, họ tạm biệt người thân, tạm biệt xóm làng, tạm biệt những bãi mía, bờ dâu, những thảm cỏ xanh mướt màu, họ ra đi chiến đấu để tìm lại, giành lại linh hồn cho Tố quốc. Những khó khăn ấy dường như không thể làm cho những người lính chùn bước:

Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Họ đến với cách mạng cũng vì lí tưởng muốn dâng hiến cho đời. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Chung một khát vọng, chung một lí tưởng, chung một niềm tin và khi chiến đấu, họ lại kề vai sát cánh chung một chiến hào... Dường như tình đồng đội cũng xuất phát từ những cái chung nhỏ bé ấy.

Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cái cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất, nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thơ của bài thơ cũng như mảnh mai hơn. Dường như Chính Hữu đã thổi vào linh hồn của bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu. Hồi ức của những người lính, những kỉ niệm riêng tư quả là bất tận:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Cái chất nông dân thuần phác của những anh lính mới đáng quý làm sao! Đối với những người nông dân, ruộng nương, nhà cửa những thứ quý giá nhất. Họ sống nhờ vào đồng ruộng, họ lớn lên theo câu hát ầu ơ của bà của mẹ. Họ lớn lên trong những gian nhà không mặc kệ gió lung lay. Tuy thế, họ vẫn yêu, yêu lắm chứ những mảnh đất thân quen, những mái nhà thân thuộc....

Nhưng... họ đã vượt qua chân trời của cái tôi bé nhỏ để đến với chân trời của tất cả. Đi theo con đường ấy là đi theo khát vọng, đi theo tiếng gọi yêu thương của trái tim yêu nước. Bỏ lại sau lưng tất cả những bóng hình của quê hương vẫn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. Dầu rằng mặc kệ nhưng trong lòng họ vị trí của quê hương vẫn bao trùm như muốn ôm ấp tất cả mọi kỉ niệm.

Phải chăng chất lính đã thấm dần vào chất thi ca, tạo nên dư vị tuyệt vời cho tình Đồng chí. Nói đến thơ trước hết là nói đến cảm xúc và sự chân thành. Không có cảm xúc, thơ sẽ không thể có sức lay động hồn người, không có sự chân thành chút hồn của thơ cũng chìm vào quên lãng. Một chút chân thành, một chút lãng mạn, một chút âm vang mà Chính Hữu đã gieo vào lòng người những cảm xúc khó quên.

Bài thơ Đồng chí với nhịp điệu trầm lắng mà như ấm áp tươi vui; với ngôn ngữ bình dị dường như đã trở thành những vần thơ của niềm tin yêu, sự hi vọng, lòng cảm thông sâu sắc của một nhà thơ cách mạng. Phải chăng, chất lính đã thấm dần vào chất thơ, sự mộc mạc đã hòa dần vào cái thi vị của thơ ca tạo nên những vần thơ nhẹ nhàng và đầy cảm xúc, chỉ biết đọc lên những vần thơ ấy, bạn đọc và nhất là những người học trò thế hệ sau hiểu hơn về những người lính cụ Hồ năm xưa, hiểu hơn nỗi vất vả, hi sinh của những người lính ấy để từ đó càng yêu thêm quê hương đất nước mà các anh đã giữ gìn bằng xương máu.

Cũng nhờ những câu thơ ấy, kích thích lên trong mỗi trái tim thanh thiếu niên sự kính yêu nể phục những người mặc áo lính trước đây và bây giờ, nảy lên trong lòng những quyết tâm gìn giữ và phát triển đất nước. Thơ - thúc đẩy người đọc nghĩ về cái cao cả và tốt đẹp hơn.

Trong những ngày Tết đến xuân về náo nức trên mọi nẻo đường, người yêu thơ lại khẽ lắng mình trong một nhịp thơ giản dị đầy nhân văn của nhà thơ Vũ Đình Liên: bài thơ "Ông đồ". Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.

Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.


Những lời khen thật hào phóng, nhưng nghĩ kĩ đó chỉ là lời khen của những người ngoài giới bút nghiên. Đi viết câu đối thuê, bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo nghiệp khoa bảng. Đỗ các thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì cũng ông cử, ông tú, chứ ông đó là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành, danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, hay xem lí số ở nơi đô hội như có lần Tản Đà đã làm. Ngày tết, mài mực bán chữ ngoài vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của nho gia. Chữ thì cho chứ ai lại bán. Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý và cũng thán phục cái thú chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ, nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang cho ông đồ, có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều, nó là cái tình của người đời vào hồi vận mạt của ông. Tác giả giới thiệu: cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ nhiều nhặn gì đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ trên cương vị người bán, thì đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống được, có thể tồn tại trong cái xã hội đang biến động này. Nhưng cuộc đời đã không như thế mãi, cái ý thích của người ta cũng thay đổi theo thời cuộc. Lớp người mới lớn không có liên hệ gì để mà quyến luyến cái thứ chữ tượng hình kia. Cái tài viết chân, thảo, triện, lệ của ông đồ chữ tốt kia, họ không cần biết đến:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu..

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay


Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kẻ đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi, Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ "đắt khách" nào có thấy gió mưa. Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa rơi trên mặt giấy, nó rơi và nằm tại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động của ông đồ rồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Như vậy cũng chỉ với tám câu, bốn mươi chữ, đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này tới đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.

Năm nay đào lại nở - Ông đồ đã từng kiên nhẫn ngồi đấy, nhưng năm nay không thấy ông đồ xưa. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Chúng ta thấy được trong bài thơ số phận của ông đồ và nhất là thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về: Những người muôn năm cũ. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ. Câu thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.

Đọc bài thơ, mỗi người không chỉ thấy được vẻ đẹp văn hóa một thời xa xưa, một nét đẹp mà đến nay đã vắng bóng, từ đó niềm xúc động nghẹn ngào, tiếc nuối trong lòng mỗi người càng tăng thêm. Và, những vần thơ lúc này đây lại làm dấy lên trong mỗi người yêu thêm giá trị văn hóa dân tộc và quyết tâm tìm hiểu, quý trọng những gì của lớp người đi trước để lại cho chúng ta.

Lê Đạt đã đưa ra một quan niệm văn học sáng suốt về chức năng giáo dục của văn chương. Ông cho rằng: thơ phải cất lên từ biển cuộc đời và bay cao từ luồng gió nghệ thuật. Nghệ thuật làm cho thơ trở nên đẹp đẽ và gieo vào lòng người đọc một khát khao đổi mới, hướng đến một chân trời tốt đẹp. Một nhà thơ tài năng phải là một người thợ lặn lành nghề, lặn sâu vào đại dương cuộc sống để gạn lọc những xô bồ của hiện thực, từ đó giáo dục và nâng đỡ con người được “khao khát sang sông”. Nghề sáng tác văn chương là một sứ mệnh cao cả, không phải bất kì người nghệ sĩ nào cũng có thể thực hiện được, văn chương sáng tác nên phải hay, phải mang tính giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn của con người. Đó mới chính là sứ mệnh, trách nhiệm vĩ đại của văn học nói chung và thơ ca nói riêng.

Qua hai bài thơ "Đồng chí" và "Ông đồ", mỗi bài thơ lại để lại cho chúng ta những suy nghĩ về nét đẹp những suy tư mà tác giả đã gửi gắm để từ đó yêu thêm những con người, yêu thêm quê hương đất nước và nguyện sống đẹp hơn để những giá trị ấy bền mãi.

PC - Văn học trẻ

 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
hy vong một khao khát sang sông một thúc đẩy lên đường hướng thiện nguyễn khoa điềm ông đồ quan niệm của nhà thơ lê đạt đọc một câu thơ hay đồng chí
5K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.