Dự thi  Đêm ngủ rừng

Tham gia cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi”

Truyện ngắn
: ĐÊM NGỦ RỪNG

Sùng A Ly là người con của mảnh đất nghèo khó nhất của cái huyện miền Tây thuộc tỉnh này. Học xong trường nội trú được huyện tạo điều kiện cho đi học tiếp trường Sỹ quan Lục quân. Mặc dù được đi học tiếp thu nhiều cái của những người miền xuôi nhưng Ly vẫn không mất đi cái bản sắc vốn có của người H’Mông. Học xong nguyện vọng của Ly muốn về huyện đội công tác vừa gần nhà vừa có điều kiện đem những cái học được về truyền thụ cho bà con dân bản nơi đây. Những năm đầu mới ra trường chấp hành sự phân công của tổ chức Ly phải về đơn vị chủ lực của Quân khu rèn luyện, công tác một thời gian rồi sau đó mới dần dần được về gần. Mãi mấy năm gần đây mới thực sự về lại quê hương theo đúng nguyện vọng ban đầu. Trải qua các cương vị công tác ở các đơn vị Ly đã tích lũy được cho mình rất nhiều kiến thức bổ ích và cũng học được nhiều điều.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, cán bộ các cơ quan ban ngành huyện đều được phân công về các xã, thôn, bản phụ trách địa bàn giúp nhân dân thực hiện Chương trình Quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Ly được phân công phụ trách hai xã Khao Mang, Hồ Bốn, là hai xã nghèo nhất huyện, nhất tỉnh nằm trên trục đường sang đất Than Uyên của Lai Châu.

Là cán bộ của huyện đội được phân công xuống xã, Ly tập trung hướng dẫn cho lực lượng dân quân tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập các nội dung liên quan đến quân sự, tham gia bảo vệ trật tự, an ninh chính trị địa bàn, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra… Đồng thời Ly kiêm luôn việc cùng với cán bộ các ban ngành của huyện lặn lội xuống các bản sâu, xa nhất để vận động bà con bỏ những nếp sống xưa cũ tiếp cận với những cái mới để cải thiện đời sống thường ngày. Từ việc ăn ở ra làm sao, chăn nuôi trồng trọt như thế nào, giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt làm sao để bảo đảm sức khỏe, việc tận dụng những đồng vốn hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm làm sao để nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống… đến việc vận động không tảo hôn, sinh con sớm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, rồi vận động cho trẻ con đi học…

Là người địa phương nên việc thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào nơi đây hết sức thuận lợi đối với Ly, nhất là việc nói và nghe tiếng của người H’Mông, một điều khó khăn đối với những cán bộ vùng xuôi lên công tác. Người H’Mông ở đây không phải ai cũng có thể nói tiếng Kinh để mà trao đổi, chuyện trò.

Chính trong những lần đi xuống bản như thế mà Ly gặp được Liên, một cô cán bộ văn hóa của Phòng Văn hóa huyện.

Bữa ấy, chuẩn bị đi xuống xã Ly nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ “Anh là anh Ly bên huyện đội ạ”, giọng con gái ngọt ngào rót vào tai. “Vâng, tôi đây, cô là…”, “Em là Liên bên Phòng Văn hóa mới về được phân công phụ trách các xã cùng với anh, nếu anh không phiền có thể cho em đi cùng xuống xã được không ạ?”, “Được thôi, cô ở chỗ nào tôi đến đón…”, nói xong Ly nghĩ thầm chắc lại tay nào bên ấy phím rồi đây…

Lâu nay Ly thường xuống xã một mình hoặc cùng lắm là cũng mấy tay bên các phòng ban khác, bữa nay có thêm một cô gái nhỏ nhắn ngồi sau xe đi cùng chợt có cảm giác khác lạ.

Suốt quãng đường xuống xã Ly được biết Liên ở dưới tỉnh mới được điều lên trên này công tác, do chưa quen với các phong tục tập quán của người dân nơi đây và chưa biết tiếng H’Mông nên khi được phân công xuống địa bàn các xã Liên biết sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vận động bà con. Rất may được anh phó phòng cho biết Ly là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác bám nắm địa bàn và cũng đang phụ trách các xã Liên được phân công. Như người chết đuối vớ được cọc, Liên liền xin số rồi liên hệ với Ly, thông qua đó nhờ Ly truyền thụ cho chút ít kinh nghiệm khi xuống các thôn bản vùng cao.

Liên không thuộc tuýp người phụ nữ xinh đẹp nhưng được cái ưa nhìn, dáng người mảnh mai, ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe không choang choảng như mấy bà chị bên chi hội phụ nữ mà Ly từng tiếp xúc. Một điều đặc biệt thu hút cái nhìn của Ly ngay từ ban đầu đó là hai cái lúm đồng tiền xinh xinh tròn xoe trên hai má Liên mỗi khi cô nở nụ cười duyên dáng. Sau này mỗi khi nghĩ về Liên là Ly lại nhớ đến hai cái lúm đồng tiền ấy đầu tiên….

du-lich-Thac-do-quyen-mytour-2.jpg

Vậy là từ đó họ như một cặp bài trùng mỗi lần đi bản. Có đường xe đi thì họ đèo nhau trên chiếc Win cũ của Ly, hết đường xe thì gửi xe ở nhà dân rồi cùng nhau leo núi, xuyên rừng, vượt qua những nương ngô, vạt lúa, những luống cải nở hoa rực rỡ để đến với các bản làng heo hút, thậm chí có bữa còn vứt xe ở các chòi trông nương rẫy của đồng bào, lúc quay lại vẫn còn y nguyên tư thế dựng ban đầu. Đi với Ly dần dần Liên học được cách làm sao tiếp cận và thuyết phục bà con nghe theo mình, làm theo mình hướng dẫn chứ không theo “cái lý của người H’Mông bao lâu nay vẫn thế có sao đâu”. Làm cán bộ văn hóa, để tuyên truyền cái văn hóa cho đồng bào hiểu thì cần phải hiểu cái văn hóa nguồn cội gốc rễ của đồng bào H’Mông nơi đây thì mới có thể làm được. Cái gì vẫn còn giá trị thì động viên bà con tiếp tục giữ vững và phát huy, cái gì thấy lạc hậu cũng từng bước vận động bà con hướng đến cái mới tiến bộ hơn, nhất là việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người H’Mông vùng cao nơi đây. Liên đã biết vận dụng linh hoạt việc tuyên truyền lý thuyết kết hợp với hình ảnh. Đã có những bữa mang cả máy tính, máy chiếu lên bản vừa chiếu phim vừa kết hợp tuyên truyền cho bà con, Liên nhận thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt. Qua đó Liên cũng thấy việc thiếu thốn về văn hóa như việc xem, nghe nhìn, đọc…cũng làm cho người dân lạc hậu đi rất nhiều, nhất là việc hiện nay một số khu vực chưa có điện đến nơi, mà có thì cũng chưa có bao nhiêu nhà có được thiết bị nghe nhìn…Được xem bộ phim chiếu trên máy chiếu thôi mà cả bản háo hức đi rủ nhau đi từ chiều chiếm cái chỗ đẹp nhất để ngồi không khác gì thời xưa có phim màn ảnh rộng về quê, cái mà đối với người thành thị bây giờ nó đã trở nên quá bình thường đến nỗi chẳng mấy ai còn ra rạp xem phim màn ảnh rộng nữa.

Những người dân bản cũng đã quá quen thuộc với hai người. Hầu như đi đến đâu cũng đều được người dân nhiệt tình chào đón. Không phải cỗ bàn cao lương mỹ vị gì, chỉ là những bát rượu thơm nồng mới nấu, những bắp ngô ngon ngọt mới vặt về hay những chiếc bánh dày, bát cơm nếp nương nồng đượm hương vị vùng cao. Nhưng quý hơn hết họ cảm nhận được cái tình, sự chân thành của bà con. Sự chân tình chất phác hoang sơ như núi rừng nơi đây không nhuốm màu giả tạo.

Và cũng chính trong những lần rong ruổi với nhau trên những quãng đường rừng như thế, Ly cảm nhận thấy giữa hai người như có mợt điều gì đó cứ gắn quyện lại với nhau, hiểu nhau hơn qua những câu chuyện. Có những lúc trên những đoạn đường vắng vẻ ngồi nghỉ với nhau, trao nhau những ngụm nước từ chiếc bình tông, những miếng xôi thơm dẻo người dân nắm cho, ngắm nhìn những giọt mồ hôi bên bết những sợi tóc mai trên má Liên, ngắm nhìn đôi lúm đồng tiền mỗi khi Liên nhoẻn miệng cười Ly chợt thấy như thằng đàn ông bên trong đang quẫy cựa, như thúc giục một điều gì đó sâu kín mà Ly không dám bộc lộ ra ngoài.
Ba mươi tuổi, một chàng trai H’Mông như Ly nếu như ở nhà thì được cho là một gã trai có vấn đề, bởi hầu hết những gã trai H’Mông ngấp nghé 20 hoặc ngoài 20 tuổi đều đã kiếm cho mình một người vợ, thậm chí có nếu tảo hôn chỉ mười mấy tuổi đầu là đã có con, có những gã trai mới gần 40 tuổi đã lên chức ông rồi. Chỉ trừ những nhà nào nghèo quá không có đủ tiền thách cưới của nhà gái thì cũng cố gắng kiếm được vợ khi tuổi 30 đã cận kề. Đằng này….Mặc dù bố mẹ có ý giục nhưng những tháng ngày lăn lộn hết đơn vị đến đơn vị khác Ly cũng chưa có chút thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu một người con gái nào. Và trong thâm tâm Ly cũng chưa thấy trái tim mình rung động hay lỗi nhịp với một người con gái nào mà mình từng gặp dù rằng từ khi về huyện không phải không có những người đã từng rất thích Ly.

le-hoi-tet-nguoi-mong.jpg

Trong dịp nhân ngày Đại đoàn kết, hai người đã lặn lội lên tận bản xa nhất của huyện để dự cùng bà con. Một ngày vui thật vui với mọi người nơi đây. Quanh bên đống lửa được đốt lên giữa bản Ly và Liên trong vòng tay của mọi người dập dìu nhảy những điệu nhảy của người H’Mông trong tiếng khèn réo rắt vui nhộn, trao nhau những bát rượu được cất ra từ những hạt lúa mới gùi trên nương về, nồng nàn, êm và thấm đến mềm môi…Liên nhấp vài ngụm đã ửng hồng hai đôi má, long lanh đôi mắt và cặp lúm đồng tiền như cứ hút mắt Ly trong vòng nhảy, trong tiếng khèn, trong những lời chúc tụng, gán ghép và những tiếng cười giòn giã vang vọng khắp núi rừng….

Mải vui với niềm vui chung, đến khi ngước mắt nhìn lên cái mặt trời đã chuẩn bị trốn sau dãy núi cao nhất, đằng xa đâu đó một khoảng mây đen dập dềnh như muốn kéo đến. Ly vội dắt Liên ra khỏi vòng múa rồi chào mọi người để ra về, từ bản xuống chỗ gửi xe lại còn cả một quãng đường núi quanh co khó đi. Đã lên đây hai ngày rồi, nay phải xuống thôi, Ly bảo vậy khi mà trưởng bản và mọi người níu kéo ở lại.

Mùa đã sang đông, ngày trên núi ngắn hơn ngày dưới xuôi. Khi mà mặt trời trốn sau những rặng núi cũng là lúc bắt đầu sương mù ẩn nấp ở đâu đó ùa ra bủa vây các đỉnh núi, rồi trườn xuống các khe, các thung lũng và tràn khắp rừng, mịt mùng, đặc quánh. Liên nhanh chóng bám theo bóng Ly phía trước rảo bước trên con đường đất lổn nhổn đá, ngoằn ngoèo và hẹp, một bên là vách núi, một bên là khe sâu. Bản ở lưng chừng núi, trượt xuống con dốc dài, lội qua con suối cạn lại vượt lên một ngọn núi cao ngất, những con đường chênh vênh như sợi chỉ mảnh bám vào vách núi, gió núi vi vút như chơi trò vờn đuổi với hai người cuốn theo những đám lá rừng xào xạc. Ly phải lấy chiếc đèn pin giắt ở thắt lưng ra để rọi đường, ánh sáng từ chiếc đèn ba pin rọi lên đường như chiếc bát con nhập nhòa mờ tỏ.

Đang mải miết bước chợt Ly nghe có tiếng ì ùng như tiếng sấm đâu đó vọng về. Trời mỗi lúc một sẫm lại. Gió trên cánh rừng phía trước quẫy mạnh rào rào. Trên đỉnh Yan Yan Chay chợt như có thanh đại đao khổng lồ chém mạnh xé toạc bầu trời rách toang vụt xuống ánh chớp chói lòa, một tiếng “Oành” như nổ ngay trên đầu. Liên giật mình đánh thót níu chặt lấy cánh tay Ly. Ly vẫn trấn tĩnh như thường lẩm bẩm “Sợ là lại có mưa rồi. Mà sao lại có kiểu mưa lạc mùa thế này vào những ngày cuối năm vậy nhỉ? Không biết là điềm gở hay là may đây…”. Quay sang Liên vẫn còn đang níu tay mình Ly bảo “Mưa đến nơi rồi, điệu này chắc không về kịp lấy xe rồi, mình tìm chỗ trú mưa đã…”, “Trú ở đâu giữa rừng thế này, mà mình cũng chủ quan không mang theo áo mưa nữa chứ”, “Thì ai nghĩ mùa này có mưa. Nếu tôi nhớ không nhầm thì kiểu gì quanh đây cũng có lán trông nương của dân, mình lên đấy trú tạm”. Ánh đèn pin của Ly loang loáng soi ngược lên sườn núi rọi tìm. Được một quãng nữa thì thấy thấp thoáng phía trên quả là có cái chòi trông nương của dân thật. Hai người rẽ ngang những gốc ngô khô quắt ngược dốc bò lên khi mà những tiếng lộp bộp của hạt mưa đang đuổi theo sau lưng. Cái lán nằm dưới một gốc cây to, khi hai người chui được vào thì bên ngoài những hạt mưa cũng quất ràn rạt trên ngọn cây, gió núi ù ù, sấm chớp đuổi nhau nhì nhằng trên những đỉnh núi…
Cơn mưa trái mùa tưởng nhanh đến nhanh đi, nghĩ rằng một chốc thôi thì dứt, rồi hai người lại lần mò đi ra lấy xe rồi về, việc đi đêm hôm như thế này cũng đã trở thành quen rồi. Nhưng ai ngờ mưa vẫn cứ dai dẳng, nhùng nhằng mãi chẳng chịu bỏ đi. Ly đốt đống lửa leo lét trong lán sưởi ấm xua đi cái lạnh trên núi ùa về như xuyên thấu qua da qua thịt. Đêm đó hai người ở lại trong cái lán canh nương của đồng bào, họ phân công nhau người ngủ người thức để canh chừng thú rừng và cả…thú người nếu có. Những giấc ngủ chập chờn giữa tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sấm chớp ì ùng. Nằm nghe tiếng thở của rừng, nhìn ngọn lửa leo lét cháy, Liên chợt cảm thấy đêm nay mùi cây cỏ giữa rừng hoang sao cứ nôn nao lòng dạ đến lạ lỳ. Một cơn gió lạnh thổi qua đem theo cả tiếng kêu buồn của con thú rừng lạc mẹ đâu đấy. Nằm ở góc lán Liên khẽ co người lại nhìn bóng Ly chập chờn trên vách. Bất giác Liên chợt thấy thân gái dặm trường, thân gái giữa núi rừng mênh H’Mông mới mỏng manh nhỏ bé làm sao. Đã đi cùng Ly nhiều nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên hai người ở trong tình cảnh như thế này, những lần trước nều có nghỉ thường nghỉ ở nhà dân mỗi người một nhà hoặc mỗi người một nơi hoặc nếu có đi đường thì cũng chỉ sánh vai nhau đến nơi cần đến. Với Ly cũng vậy.

Thấy Liên nằm thiêm thiếp co mình lại, Ly bèn cởi chiếc áo khoác ngoài định đắp cho Liên. Liên ngại ngùng chợt vục ngồi dậy làm Ly giật mình “Liên không ngủ chút nữa đi”, “Em không ngủ được, hay anh tranh thủ ngủ đi…”. Ly ậm ừ rồi khoác chiếc áo lên người Liên rồi sóng vai ngồi xuống bên cạnh. Nửa đêm gió núi lạnh ngắt, cả hai đều thức ngồi nghe gió thổi hoang vu trên ngọn rừng. Bất giác Ly nắm nhẹ lấy những ngón tay mảnh dẻ của Liên đặt ngay bên cạnh mình, Liên khẽ rung lên một chút nhưng không rút tay ra. Lần đầu tiên Ly chính thức nắm bàn tay con gái như thế này, không phải cái nắm tay xã giao, nó còn hơn thế nữa. Tay Liên mềm mại, âm ấm, run run như nhịp đập trái tim của người thiếu nữ lần đầu tiên được tiếp xúc với một người khác giới. Một sự xúc động đột ngột dâng lên trong ngực, Ly quay người lại, hướng về cái khuôn mặt con gái sáng trắng như trăng rằm ngự ngay ở bên cạnh mình. Khuôn mặt ấy vẫn lặng im, chỉ có đôi mắt hơi nhắm lại. Như một sự gợi mở, như một sự mời gọi. Lúc này Ly chợt hiểu ra cái cảm giác mỗi khi đi bên Liên là gì. Và kể cả cái cảm giác vắng Liên thì Ly chợt thấy thiêu thiếu, Ly biết đó là cái gì rồi. Có những điều chỉ bằng cảm nhận nhưng chưa thể nói thành lời. Ly run run đưa đôi môi khô rát của mình định tìm đến bờ môi mọng đang chúm chím của Liên thì cô chợt tỉnh, nhẹ rút tay ra, mặt bỗng trở nên khác hẳn “Đừng…anh Ly!”, giọng Ly hụt hẫng “Liên, sao lại thế?”, “Em biết anh đang nghĩ gì. Nhưng sao trước giờ anh không nói gì với em cả?”, “Thì bây giờ cũng đã có muộn đâu? Tôi thương em, Liên à”, Ly nhìn thẳng vào đôi mắt trong veo của Liên, đôi mắt ấy chợt thoáng nét buồn. Liên cụp mắt không dám nhìn thẳng vào mắt Ly, “Sao bây giờ anh mới nói, giá như anh nói sớm hơn, bây giờ em đã có…anh ấy cũng là một người lính như anh, lính biên phòng”.

Ly cảm thấy như có một gáo nước lạnh xối mạnh vào ngực mình giữa đêm đông buốt giá. Ly tỉnh hẳn. Vậy ra bấy lâu nay với những hành động của mình Ly tưởng rằng Liên hiểu được những điều thầm kín, sâu lắng nhất trong tâm hồn mình, nhưng hóa ra Ly nhầm sao? Có lẽ chính sự im lặng của Ly đã làm Liên hiểu lầm chăng? Ly chợt nghĩ có nên tranh đấu để kéo Liên về phía mình hay không khi mà người đàn ông của Liên cũng là một người lính như mình lại đang trấn giữ biên cương tổ quốc. “Em ngủ một chút đi, để tôi trông chừng cho, đêm nay chắc không về xã được đâu, mai sáng mình đi vậy, đêm còn dài đấy”, Ly quay sang Liên bảo rồi tiện tay cời cho đống lửa bùng lên. “Không! Em sẽ cùng thức anh, mấy khi được thức một đêm giữa rừng nghe gió hú thế này, sau đợt này chắc em xin nghỉ một thời gian, chúng em dự định đợt này làm đám hỏi, sang năm thì cưới”. Liên bướng bỉnh nói vậy nhưng chỉ một lát sau, cái mái đầu xinh xinh của cô đã tin cậy ngả lên vai Ly từ lúc nào, từ đó phát ra những tiếng thở đều đều, nồng nàn. Ly ngồi im không dám cựa và hệt như trong chuyện của một nhà văn lãng mạn nào đó được đọc được từ hồi còn đi học, như có sương rừng, cả sao trời, cả vũ trụ chênh chao đang đậu xuống vai mình…Bất chợt như có một điều gì tan vỡ lạo xạo trong Ly, đắng đót…

Nửa đêm về sáng cơn mưa tạnh hẳn trả lại cái tĩnh lặng của rừng lại càng tăng thêm sự tĩnh lặng của lòng Ly. Phần đêm còn lại trôi qua ngọt như mật ong rừng. Một đêm hiệp sĩ, một đêm lãng mạn mà nếu không ở rừng thì làm sao con người có thể được nếm trải đến tận cùng cái ý nghĩa sâu thẳm của nó, cũng như Ly, nếu không ở rừng đêm nay có lẽ Ly vẫn chưa hiểu được lòng mình.

Tiếng chim rừng chí choét gọi nhau đi kiếm ăn chợt vang lên khiến Liên giật mình tỉnh giấc. Trời chuyển sáng. Ngọn lửa giữa lán đã tàn chỉ còn chút hơi ấm của mấy cục than hồng. Ly vẫn ngồi lặng im như pho tượng đá giữa rừng làm chỗ tựa cho Liên trong một giấc ngủ say, chiếc áo của Ly vẫn ủ ấm cho Liên suốt một đêm dài. Chỉ một đêm nay thôi, ngày mai có lẽ con tim mỗi người theo một hướng, cho dù họ có cùng sánh vai bên nhau trên những con đường rừng đây đó.

Thế nhưng hai cái lúm xoáy đồng xu kia vẫn cứ ảm ảnh và in mãi trong Ly không rời…

********

unnamed.jpg

Cái tết của người H’Mông, Ly đi một mình xuống bản mà không có Liên.

Năm nào cũng thế, cứ khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi những bắp ngô trên gác bếp đã khô, lúa đã đóng cẩn thận vào bồ là lúc người H’H’Mông bắt đầu ăn tết. Người H’H’Mông ăn tết cổ truyền theo lịch riêng của mình, lịch của người H’H’Mông đều đặn mỗi năm 12 tháng, không có tháng nhuận. Với người H’H’Mông, để quyết định ăn tết hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Người H’H’Mông ăn tết thường vào dịp lạnh nhất trong năm,kéo dài gần 1 tháng. Nếu nhà nhà cùng đi chơi tết thì năm đó mùa màng bội thu…Mỗi năm, một gia đình trong bản sẽ được giao làm chủ tế để tổ chức lễ hội vui chơi tết cho cả bản. năm nay ở đây đến lượt nhà gìa Su.

“Cán bộ Ly, uống đi chứ, nay là cái tết của người H’Mông mình mà, cán bộ Ly có phải là người H’Mông không đấy, hay là chê cái rượu của người H’Mông mình không ngon thế?”. Già Su thấy Ly uống vẻ cầm chừng bèn giục.

“Già Su đừng nói thế, tao vẫn là người H’Mông mình đấy chứ. Nhưng uống nhiều rồi, say quá lại không biết đường về tao lại bị cấp trên kỷ luật đấy”.

“Cấp trên cũng là người H’Mông mình cả đấy, không sao đâu, say quá ở lại mai về, cán bộ Ly về với bản thế này là vui lắm rồi, đừng để mất vui…”.

Những ly rượu thóc nồng nàn trong vắt, sóng sánh, miếng bánh dầy dẻo quánh tan trong miệng vẫn còn vương mùi hương thơm của nếp mới, đó là món bánh dày truyền thống của Tết người H’Mông, được làm từ thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người H’Mông trồng ở mảnh đất tốt nhất. Ngoài kia đám trai gái H’Mông đắm mình rộn rã trong tiếng khèn, trong điệu nhảy, trong những trò chơi lảy pao, đánh quay, múa hát, đánh cầu lông gà. Những gã trai H’Mông uốn mình nhún nhảy mang theo những điệu khèn bè réo rắt vui tươi lượn vòng quanh những đứa gái H’Mông xúng xính trong những bộ quần áo mới đủ sắc màu với đôi mắt lóng lánh dõi theo những tiếng khèn, những vồng ngực nảy nở bên trong những bộ áo quần căng cứng của các gã trai. Đôi má của đám con gái ửng hồng như vừa đứng lên từ những bếp lửa, tay cầm quả pao sẵn sàng ném vào những gã trai mà mình thích.

Là người H’Mông, từng tham gia những cái tết của người H’Mông ở khắp các bản làng nhưng mỗi lần như vậy Ly vẫn thấy có một điều gì đó tươi mới, rộn rã, không hề cũ. Bên những bếp lửa hồng được uống những bát rượu thóc ủ lâu năm thơm nồng, ăn miếng bánh dầy từ nếp mới mang đậm hương vị núi rừng, ngắm nhìn trai gái vui chơi những trò chơi cổ truyền, tham gia vào những lễ hội của bản làng…Mỗi năm, mỗi bản làng lại có những nét riêng trong những cái chung của tết người H’Mông.

Chiều dần tàn. Sương xuống sớm, mênh mang như muốn phủ trắng cả núi rừng. Cái lạnh se sắt theo gió từ đâu ùa về làm mọi người ai cũng se sẽ khép lại vạt áo và nó cũng thổi bùng lên những bếp lửa hồng sưởi ấm cho những bàn tay lạnh cóng.
Rượu đã ngấm bốc lên đỉnh đầu, đôi mắt Ly đã thấy nhập nhòa những bóng người đang cụng ly trong nhà của già Su. Chếnh choáng. Ly chệnh choạng đứng dậy đi ra cửa sau. “Cán bộ Ly đi đâu đấy?”, tiếng già Su với theo. “Tao đi vệ sinh, xong rồi vào”. Bất chợt hai bóng người đàn bà H’Mông ở đâu đi đến xốc hai nách Ly dìu ra cửa “Cán bộ say rồi, để tao giúp cho”, “Ơ, tao đã say đâu, để tao tự đi”, “Ngoài này gió lắm, để chúng tao giúp…”. Ly tóng ngóng ngượng ngùng líu ríu đưa tay định kéo khóa quần nhưng toàn trượt. Một bàn tay chợt thò ra kéo giúp, “Đừng làm thế, tao xấu hổ lắm”, giọng Ly ríu lại, “của mày cũng như của chồng tao có gì mà ngại, nhanh lên rồi vào…”…

Gió núi vẫn vi vút gần xa. Không gần bếp lửa mà Ly vẫn cảm thấy hai má nóng bừng, cái nóng bừng của một gã trai H’Mông chưa vợ, chưa một lần được biết mùi vị đàn bà… “Thôi, kệ tao…”. Ly chợt giằng ra khỏi hai người đàn bà H’Mông đã có chồng dạn dĩ, rồi lao vào lùm cây phía trước.

16023-xa-lat-4-600x440.jpg

Những cơn gió làm Ly tỉnh táo hơn. Muốn tìm một chút yên tĩnh, Ly đi ra sườn núi phía sau. Trời mờ mịt, vẫn những cơn gió núi xàn xạt trên những ngọn cây. Bất chợt Ly thấy vẩn vơ một nỗi buồn lẫn trong những cái vui.

“Cán bộ Ly nay có gì buồn à? Sao không vào vui tiếp với mọi người đi”. Tiếng một người con gái nhẹ nhàng vang lên sau lưng làm Ly giật mình ngoái lại. Là Mây. Người con gái H’Mông xinh nhất nhì của bản. Người mà thi thoảng Ly vẫn thấy đâu đó trong đám đông, trong bữa cơm ngày tết… luôn có những ánh mắt len lén nhìn mình.

“Không sao đâu, ra đây cho tỉnh chút thôi”. Ly trả lời khi thấy Mây ngồi xuống cạnh mình.

“Có phải tại chị Liên năm nay không đi cùng với cán bộ Ly không? Sao năm nay cán bộ Ly lại đi một mình thế?”. Tiếng Mây mang theo hơi ấm như phả vào tai Ly những đắng đót sâu kín tận đáy lòng. Làm sao Mây lại có thế nhận ra những điều ấy nhỉ? Tại sao Mây lại có hiểu rõ lòng Ly như thế?

Ừ, có lẽ đúng thế. Nhưng Ly biết nói sao đây…

“Chị Liên về đi với người ta rồi Mây à…”. Ly trầm ngâm nhìn bóng núi mờ xa trong sương chiều chậm rãi nói.

“Chị Liên không quay lại đây nữa à cán bộ Ly? Mây tưởng chị Liên với cán bộ Ly là một đôi như đôi chim rừng chứ, sao chị Liên lại đi với người ta?”. Mây ngước nhìn Ly hấp háy hỏi.

“Ừ, mình thương Liên nhưng không dám nói ra nên Liên về thương người khác mất rồi Mây à, mai mốt Liên vẫn trở lại đây với mình, với bà con nhưng trái tim Liên bị bắt đi nơi khác mất rồi, Mây có hiểu không?”.

“À, Mây hiểu rồi, vì thế mà cán bộ Ly bữa nay buồn, uống bát rượu, ăn miếng thịt không thấy ngon phải không? Mà sao cán bộ Ly không thương cái người H’Mông mình mà lại đi thương cái người dưới xuôi ấy, trước sau gì họ cũng về xuôi, có ở mãi với người H’Mông mình đâu…”. Mây chăm chú nhìn vào mắt Ly.

Chuyện tình cảm Mây không hiểu được đâu…”.

“Ai bảo Mây không hiểu, chỉ có cán bộ Ly không chịu hiểu thì có. Thế hẳn nào chị Liên bỏ đi là phải”, giọng Mây ra chiều ngúng nguẩy.

“Mây trẻ con thì hiểu gì…”.

“Ai bảo Mây trẻ con, năm nay Mây cũng hai mốt tuổi rồi đấy nhé, nếu Mây gật đầu thì đã có mấy đám rước Mây về làm vợ rồi….”, Mây ngoan cố nói.

“Sao Mây không gật đi để cho mình ăn cỗ với”, Ly quay sang trêu Mây.

“Tại vì….mà sao cái đầu cán bộ Ly cứng như gỗ trên rừng hay là ngốc như con cún nhà Mây mà lại không hiểu thế…”. Mây nghếch mặt lên lại nhìn chăm chắm vào mắt Ly. Ly thấy như trong ánh ấy như có một ngọn lửa đang rừng rực cháy lên niềm khao khát yêu thương…Bất chợt Ly nhớ lại những lần về đây công tác luôn gặp đâu đó hình bóng của Mây lấp ló dõi theo mình, từ sau cánh cửa, hàng cây, sau những bóng người múa hát, sau những tiếng khèn ngày hội, sau những chén rượu đầy…

“Hôm nào Mây đi chợ phiên dưới huyện, cán bộ Ly cho Mây vào chỗ cán bộ chơi nhé?”, Mây bất chợt hỏi và ngóng chờ câu trả lời từ Ly.

“Được chứ, Mây xuống rồi mình sẽ dẫn Mây đi chợ phiên…”.

Ly chợt thấy như ánh mắt Mây lung linh sáng lên như ngọn nến trong đêm, con tim như đập nhanh hơn từng nhịp, một niềm vui se sẽ đang nhộn nhịp trong con người Mây…Ly cảm nhận thấy rõ điều ấy.

tetcotruyennguoimong.jpg


Sac-xuan-o-ban-nguoi-Mong-1-1518718310-400-width500height287.jpg


ban_mong_eaph.jpg



HẾT.
Nguyễn Công Đức
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
dân bản miền tây miền xuôi quân khu que huong trường nội trú truyen ngan đêm ngủ rừng
1K
2
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.