Hình như chúng ta đang dễ nổi cáu với cha mẹ?

Hình như chúng ta đang dễ nổi cáu với cha mẹ?

Rồi một ngày, cha mẹ sẽ già đi. Rồi một ngày, chúng ta sẽ chẳng còn là đứa trẻ ngây thơ ngày nào còn nằm trong vòng tay âu yếm của họ. Thời gian vốn dĩ không chờ đợi một ai. Nó luôn trôi đi như tự thân số phận đã định đoạt. Hiện tại rồi sẽ trở thành quá khứ, tương lai sẽ là thứ mà con người không thể đoán trước. Sự thật vẫn luôn vốn rất nhẫn tâm. Chúng ta chấp nhận điều đó, và chúng ta càng hối tiếc nhiều về điều đó. Nhưng càng hối tiếc bao nhiêu, nỗi đau càng nhiều bấy nhiêu

Càng lớn, tôi nhận ra những đứa trẻ càng dễ nổi cáu với cha mẹ. Kì thực, trong thâm tâm của chúng vốn chẳng hề xấu xa, bỉ ổi, hay có dấu hiệu của sự vô đạo đức, bất hiếu. Chúng không kiềm chế được cảm xúc của mình, chúng nhạy cảm với những điều cha mẹ làm cho chúng mà trước đây chúng coi như là một sự hiển nhiên. Chúng e ngại hơn với việc ôm hôn người cha, người mẹ của mình. Thậm chí, nó coi đó là việc làm đầy sến súa. Đôi khi, chúng dễ tức giận vì sự can thiệp quá sâu xa vào đời sống từ cha mẹ. Vốn dĩ, ấy chỉ là nằm trong mong ước con mình được sống giữa một sự đời an nhiên của những mái đầu đã lấm tấm bạc. Chúng vừa đáng trách, nhưng cũng vừa đáng thương. Chúng vừa đáng giận, mà cũng cần được thông cảm, thấu hiểu

Hồi bé, đứa trẻ nào cũng thích được vỗ về, âu yếm. Thậm chí, cha mẹ chỉ cần rời chúng nửa bước là tiếng khóc đã òa lên, rơi từng giọt trên gò má. Từng giờ, từng phút, vào lúc ăn, lúc ngủ, cha mẹ đối với chúng như hình với bóng. Giường như sự chăm sóc tận tình, tận tụy ấy đã xuất phát từ thuở lọt lòng. Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng “ cuộc đời có thể phản bội chúng ta. Bạn bè có thể đâm sau lưng chúng ta. Duy chỉ có cha mẹ là mãi trung thành với tình yêu cháy bỏng dành cho từng sinh mệnh mà mình đã mang nặng 9 tháng 10 ngày để đón chào”. Đến tận hơi thở cuối cùng, tình yêu ấy vẫn mãnh liệt như ngày nào. Nó chỉ có hơn chứ chẳng bao giờ vơi đi. Bởi thế, những đứa trẻ sơ sinh mới luôn cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên cạnh cha mẹ của chúng

Nhưng rồi thời gian, chính thời gian giường như đã làm vơi đi cảm giác ấy trong chúng. Những đứa trẻ ấy lớn khôn theo năm tháng. 5,10, 15 rồi 19 tuổi. Chúng ít ở nhà hơn, mà cũng ít muốn được quan tâm nhiều như cách chúng đã được nhận từ thời bé thơ. Sự nổi cáu ấy bắt nguồn từ việc xung đột giữa hai thế hệ, khi thế hệ của những bậc phụ huynh với con cái là cách xa khá nhiều. Sự nổi cáu ấy bắt nguồn từ việc cha mẹ phản đối, cấm kị những thứ mà chúng ta cho rằng là chân lí, là đáng hành động. Ở đây, tôi sẽ không bàn chuyện ai đúng, ai sai. Trong mỗi một câu chuyện, kẻ nào cũng sẽ tìm cách để biện minh, bảo vệ chính kiến của bản thân mình. Sự nổi cáu ấy còn bắt nguồn từ việc càng ngày, con cái càng đòi hỏi một không gian riêng tư đáng kể. Thậm chí, chúng cảm thấy không cần thiết phải nói chuyện với cha mẹ mình mà đáng ra đó là điều buộc phải làm. Ta thường xem ấy là thời gian để những tâm hồn học cách đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau nhưng kì thực, những đứa con ấy đã và đang tự mình thu hẹp khoảng thì giờ quý giá ấy.

Và rồi, kết quả của một của cãi vã luôn là sự tổn thương từ hai phía. Chúng ta bắt đầu có cảm giác hối hận, tìm cách nói lời xin lỗi nhưng liệu còn kịp? Còn kịp hay không khi trái tim người mẹ, tâm hồn người cha đã xé nát tâm can, đã đau đến xương thịt vì những lời nói mang tính sát thương cao từ đứa con của mình. Dẫu vô tình hay hữu ý, tôi nhận ra rằng sự sát thương đâu chỉ xuất phát từ những lời nói lắm lúc nặng nề của cha mẹ, ấy còn là từ hành động bộc phát của đứa con trẻ thơ

Thiết nghĩ, cha mẹ vốn không có nhiều thời gian như chúng ta nghĩ. Thậm chí, con người ta luôn nghĩ rằng họ sẽ luôn ở đấy, bên cạnh và chờ đợi chúng ta. Con người khi đã quen thuộc với một điều gì ấy thì sẽ luôn xem đó là điều dĩ nhiên, cho đến một ngày họ mất đi. Cha mẹ sẽ già, rồi thời gian sẽ chẳng còn lại bao nhiêu. Nếu đợi đến lúc con cái họ trưởng thành, đợi đến lúc chúng chín chắn đủ nhiều để tìm cách kiềm chế cảm xúc thì khi ấy cha mẹ chúng liệu có còn? Hay họ sẽ chứng kiến sự trưởng thành của đứa con mình từ một thế giới khác. Càng nói, con người sẽ càng cảm thấy đau lòng vì điều ấy. Mối quan hệ của những đứa trẻ và cha mẹ chúng vốn dĩ không đáng như vậy, chúng có thể trở nên tốt hơn nếu cả hai cùng học cách thay đổi. Sự nỗ lực xóa bỏ khoảng cách, ranh giới giữa các thế hệ với nhau, lắng nghe nhiều hơn, chấp nhận và ủng hộ đối phương là điều cần thiết. Đừng bao giờ trút sự tức giận lên người đã mang nặng đẻ đau chúng ta. Đành rằng những đứa con – họ cũng có cảm xúc, có cũng sẽ bị tổn thương và có quyền được nổi giận theo bản năng bên trong. Nhưng cha mẹ của chúng ta cũng sẽ bị tổn thương, thậm chí là chịu đựng tổn thương nhiều hơn chúng ta

Dễ nổi cáu với cha mẹ là điều đáng trách. Chúng ta không thể biện minh cho hành động ấy là bởi căng thẳng từ công việc, áp lực từ cuộc sống, mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội. Chúng ta không thể không đặt mình vào vị trí của cha mẹ mình, hiểu cảm giác của nó, biết được họ đang nghĩ gì. Có một thứ tình yêu đẹp nhất trên thế giới này là tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Hãy để nó luôn tuyệt diệu như thế ấy. Bởi nó chính là viên thuốc chữa lành chúng ta.. Bởi nhờ có tình yêu ấy, con người mới được tồn tại giữa một thế giới diệu kì. Thiết nghĩ, những đứa trẻ ấy của sau này cũng là những người cha người mẹ, cũng phải học cách lắng lo cho mái ấm của riêng mình. Khi ấy, chúng ta càng hoài niệm về hình bóng của người cha, người mẹ năm nao. Tôi mong, sự hoài niệm ấy là hoài niệm đầy hạnh phúc chứ chẳng phải là thứ khiến con người hối hận, day dứt tới mãi về sau
 
  • cha-me-tre-giao-duc-con-cai.jpg
    cha-me-tre-giao-duc-con-cai.jpg
    161.5 KB · Lượt xem: 160
435
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.