Hồ Xuân Hương - giai thoại thân thế và cuộc đời

Hồ Xuân Hương - giai thoại thân thế và cuộc đời

Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, có nhiều lưu truyền về thân thế, cuộc đời và các tác phẩm bà để lại, song tất cả đều còn là tranh cãi và suy đoán. Bài viết này tham khảo nguồn wiki để cho các bạn có tư liệu hoàn chỉnh, gần chính xác nhất về Hồ Xuân Hương.

5870


(ảnh minh họa nữ sĩ Hồ Xuân Hương - ảnh mạng)​

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hiện tại vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ và đa số đều được viết bằng chữ Nôm. Bà được nhà thơ hiện đại Xuân Diệu mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương theo dòng chảy chung đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình, có nhiều người cho rằng đặc sắc của thơ bà là "thanh thanh tục tục".

Không có bất cứ tư liệu cổ điển nào chép về lai lịch và hành trạng của Hồ Xuân Hương, bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân di mặc của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ấn hành tại Hà Nội năm 1916. Cũng vì cớ đó, việc có hay không một nhân vật tên Hồ Xuân Hương hiện còn là câu hỏi ngỏ.

1/ Gia thế

Học giới nhất quán rằng Hồ Xuân Hương sinh vào năm 1772, ở phường Khán Xuân (nay thuộc địa phận Bách Thảo viên Hà Nội). Hồ Xuân Hương là ái nữ của Sinh đồ Hồ Phi Diễn, người hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Còn theo học giả Trần Thanh Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh, cũng người Quỳnh Đôi, Hồ Sĩ Danh là em cùng cha khác mẹ của Kinh Dương hầu Hồ Sĩ Đống. Thân mẫu của Hồ Xuân Hương là bà lẽ tên Hà Thịnngười trấn Hải Dương.

Trong thế cuộc xoay vần đầy nhiễu nhương cuối thế kỷ XVIII, Hồ Xuân Hương vẫn được hưởng những năm tháng ấu thơ êm đềm ở một dinh thự lớn tên Cổ Nguyệt đường ven hồ Tây, bấy giờ là chốn phồn hoa đô hội bậc nhất xứ Đàng Ngoài. Sau khi mãn tang cha, mẹ bà tái hôn với người khác. Dù ít phải ràng buộc trong gia giáo nghiêm khắc như mọi nữ lưu cùng thời, Hồ Xuân Hương vẫn hội tụ được tư chất thông minh và hiếu học.

2/ Lưu lạc và qua đời

Hồ Xuân Hương cũng được cưới gả từ rất sớm như mọi con cái trâm anh thế phiệt bấy giờ, nhưng dẫu qua hai lần đò đều không viên mãn. Ban sơ, bà làm lẽ của một hào phú có biệt hiệu Tổng Cóc. Tuy chỉ là cai lính nhưng Tổng Cóc vốn thuộc dòng dõi văn nhân, ông rất chuộng ca ngâm và mến luôn cái tài làm thơ của người vợ lẽ. Để chiều lòng bà, Tổng Cóc đã cất một thủy tạ rất lớn cho Hồ Xuân Hương ở, vừa tránh phiền lụy với vợ cả vừa thỏa thưởng thi phú. Chung sống với Tổng Cóc được một thời gian khá lâu thì Hồ Xuân Hương dứt áo ra đi với một cái thai. Có thuyết cho rằng, bà bỏ đi sau khi Tổng Cóc đã đột ngột từ trần; nhưng cũng có thuyết cho rằng bà không chịu được điều tiếng dị nghị của vợ con Tổng Cóc và người làng; lại có thuyết nói bản tính phóng đãng khiến Hồ Xuân Hương khó ngồi yên một chỗ, bà trốn đi cùng tình quân là Phạm Viết Ngạn.

Vào ngày Hồ Xuân Hương trở dạ, Tổng Cóc đến đòi đón con về, nhưng người nhà họ Phạm nói lại là đứa bé đã mất khi vừa lọt lòng. Trong hôn sự lần này, Hồ Xuân Hương làm lẽ của Tú tài Phạm Viết Ngạn, bấy giờ tại nhiệm tri phủ Vĩnh Tường. Nhưng duyên phận chỉ được 27 tháng thì ông phủ Vĩnh Tường tạ thế.

Có nhiều thuyết về quãng đời sau đó của Hồ Xuân Hương, như việc bà cưới thêm vài người chồng nữa, việc bà hỏi mượn tiền thi hữu để mở hàng bán giấy bút mực, hoặc giai thoại về các mối tình trăng hoa và văn chương, nhưng mức độ khả tín chưa được xác định rõ ràng.

Hồ Xuân Hương được cho là mất vào năm 1822. Trong cuốn sách: “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” của ông Hồ Sỹ Bằng (nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh) đã dày công nghiên cứu và khẳng định các nhà nghiên cứu thiên về thuyết mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương nằm ở nghĩa địa ven hồ Tây. Mộ bà trước đây được xây vuông, đặt ở ven nghĩa địa Đồng Táo. Trải qua dòng thời gian biến thiên đất bồi đắp lở, sông nước hồ Tây ngày càng rộng lớn, mỗi lần kết cấu địa tầng thay đổi do điều kiện tự nhiên và nghĩa địa Đồng Táo bị chìm xuống lòng hồ cùng một số nghĩa trang khác.

Ngày 16 tháng 3 năm 2003, Ông Vũ Hồ Luân (nhà nghiên cứu Hà Nội cũng là con cháu dòng họ Hồ) gặp ông Hồ Sỹ Bằng, kết hợp với nhà nghiên cứu sử dòng họ Hồ Việt Nam, Hồ Bá Hiền (Trưởng Ban Sử, Trưởng ban Liên lạc dòng họ Hồ tại Việt Nam) cùng với hậu duệ của tộc Hồ đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội đã tập hợp ra một nhóm 8 người, trong đó có bốn người họ Hồ thuộc Trung chi II ở Quỳnh Đôi, là hậu duệ đời thứ sáu của Hồ Xuân Hương để đi tìm mộ bà ở Hồ Tây nhưng không có kết quả. Cho đến nay, mộ bà đang nằm ở đâu trong lòng hồ vẫn là dấu hỏi cho hậu thế.

3/ Tình duyên

Tổng Cóc vốn là biệt hiệu mà người quen biết đặt cho Chánh tổng Nguyễn Bình Kình, tự Công Hòa. Nguyên quán của ông ở làng Gáp, xã Tứ (nay thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ông là cháu của quan nghè Nguyễn Quang Thành, bản thân cũng một lần đi thi Hương nhưng không đỗ đạt. Sau Tổng Cóc đăng trình, lên đến chức cai cơ nên thường được gọi là Đội Kình. Kết quả của hôn sự này được cho là một đứa trẻ vắn số.

Còn theo Phạm gia tộc phả và Triệu tông phả, ông phủ Vĩnh Tường tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn (khi thăng chức Đồng tri phủ Phân phủ Vĩnh Tường thì cải thành Viết Lập), tên cúng cơm là Đại, tự Thành Phủ. Nguyên quán của ông ở hương Trà Lũ, xã Xuân Trung, phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Các tư liệu này cũng cho biết, Hồ Xuân Hương sinh cho ông một người con tên Phạm Viết Thiệu.

Ngoài ra, có nhiều giai thoại truyền khẩu về lối sống phong lưu của nữ sĩ họ Hồ, như việc bà là một hoa nương thanh sắc vẹn toàn, và những mối tình bên thơ rượu với Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hầu, Trần Ngọc Quán, Trần Quang Tĩnh, Phan Huy Huân, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên...

4/ Tác phẩm

Văn bản được nhận diện cổ nhất có chép thơ Hồ Xuân Hương là Quốc văn tùng ký do Hải Châu Tử Nguyễn Văn San (1808 – 1883) soạn năm Minh Mệnh thứ 14 (1834), nhưng chỉ vài bài. Hầu hết di tác của nữ sĩ họ Hồ được gom trong cuốn Xuân Hương thi tập, Phúc Văn Đường tàng bản ấn hành tại Hà Nội năm 1930. Trong sách có khoảng 60 bài nhưng lẫn cả thơ của nhiều tác giả khác, nay chưa truy nguyên được tất cả. Tuy nhiên, văn bản đáng quý nhất là Lưu hương ký với bài tựa của Phan Huy Huân, được học giả Trần Thanh Mại phát kiến và công bố trên thi đàn vào năm 1964. Trước đó không lâu, năm 1962, đã có học giả Trần Văn Giáp đăng trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) 5 thi phẩm chữ Hán được cho là của Hồ Xuân Hương. Nhưng mãi đến năm 1984, học giả Hoàng Xuân Hãn mới dịch nghĩa và đăng trên tập san Khoa Học Xã Hội (Paris), lại đặt nhan đề lần lượt là Độ hoa phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thủy vân hương.

Thơ Hồ Xuân Hương luôn được trình bày theo phong cách thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp được nhận định là điêu luyện nhưng phần chữ Nôm nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Ý tưởng trong thơ cũng rất táo bạo, dù là điều cấm kị đối với lễ giáo đương thời. Cho nên, Hồ Xuân Hương được xem như hiện tượng kỳ thú của dòng thi ca cổ điển Việt Nam khi tích cực đưa ra cái nhìn đối lập với truyền thống đạo đức, nhưng không vì thế mà tự trở nên suy đồi. Tựu trung, các di tác phần nào cho phép hậu thế thấy thực trạng tang thương ở thời đại bà sống và cả quá trình mục rữa của nhiều lề lối cũ.

“Tập thơ "Lưu hương ký" mang bút danh của nữ sĩ do ông Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với một nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ viết về tâm sự và những mối tình của mình với những người bạn trai. Đọc kỹ người ta thấy có một khoảng cách khá xa giữa tập thơ Nôm của Xuân Hương và "Lưu hương ký", chủ yếu là về phong cách biểu hiện. Trong "Lưu hương ký" có cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm. Riêng phần thơ chữ Nôm trong "Lưu hương ký" nếu so sánh với thơ lâu nay được coi là của Xuân Hương thì hai bên vẫn có sự khác nhau. Thơ cữ Nôm trong "Lưu hương ký" có rất nhiều từ Hán Việt, giọng thơ lại hiền lành chứ không góc cạnh, gân guốc như ở "Xuân Hương thi tập". Vì lý do trên, để bảo đảm tính khoa học, các nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng lại ở tập thơ Nôm còn "Lưu hương ký" được coi là một tập thơ để tham khảo. ”

— Trích giáo trình văn học của Đại học Cần Thơ


Các bài thơ được cho là của Hồ Xuân Hương để lại cho đời, đã có nhiều ảnh hưởng tới nền văn học nước nhà thế hệ sau. Tác phẩm của Hồ Xuân Hương cũng được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh như bài "Bánh trôi nước" lớp 7 và "Tự tình II" Ngữ văn lớp 11
 
Từ khóa Từ khóa
ho xuan huong tác giả hồ xuân hương tác phẩm của hồ xuân hương
2K
3
1
Trả lời
MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG

Hồ Xuân Hương là kỳ nữ, kỳ tài; là Bà chúa thơ Nôm của văn học Việt Nam trung đại. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ văn của bà còn những bí ẩn, và cũng có nhiều giai thoại.

1. Đọc thơ để chữa thẹn

Một buổi sáng, Hồ Xuân Hương đi chợ về, vừa bước vào ngõ nhà mình (ngôi nhà lá ở hồ Tây - Hà Nội được nữ sĩ đặt tên là “Cổ Nguyệt đường”) gặp lúc trời mưa, sân có bùn lầy, nên bà bị trượt chân và ngã sóng soài. Khi ấy, trong nhà nữ sĩ, có nhiều chàng văn nhân, nho sĩ đang ngồi đợi đều trông thấy… và có người đã cười ồ! Vừa chống tay đứng dậy, Hồ Xuân Hương vừa ứng khẩu đọc hai câu thơ Nôm theo thể thất ngôn đường luật để chữa thẹn:

Giang tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài


Nghe vậy, các chàng trai đều im bặt và tỏ ra mến phục Bà hơn.

2. Đọc thơ để chuộc lỗi

Một buổi sáng, Hồ Xuân Hương cùng chị em phụ nữ đang giặt quần áo ở một bến nước ven hồ Tây. Bỗng, trên con đường cái gần chỗ ấy, có một đoàn người (quan và lính) đi qua. Đây là đoàn người mà vị quan chỉ giữ một chức vụ không lớn trong triều đình; song lại thích có “tiền hô hậu ủng” (lính đi trước kiệu quan loa báo dẹp đường, lính đi sau kiệu quan cầm giáo bảo vệ). Toàn thể chị em đều đứng dậy nghiêm trang, im lặng, ngừng việc giặt giũ. Riêng Hồ Xuân Hương tỏ vẻ không hề hay biết, vẫn chổng mông, cúi khom người, tay vỗ đôm đốp vào đống váy, áo đã ngâm nước. Thấy vậy, vị quan cho dừng kiệu, rồi sai lính xuống gọi Hồ Xuân Hương lên để trị tội “phạm thượng”. Nhưng, biết Hồ Xuân Hương là người quen, lại là nhà thơ, nên vị quan ấy chỉ ra lệnh cho Bà đọc thơ để chuộc lỗi. Suy nghĩ chốc lát, Hồ Xuân Hương thong thả đọc hai câu thơ Nôm theo thể thất ngôn đường luật:

Võng đào ông lớn đi trên ấy,
Váy đụp bà con vỗ dưới này.


Biết không thể “trị tội” được Hồ Xuân Hương, vị quan đã giục quân lính đi ngay. Hồ Xuân Hương và chị em được một bữa cười nói hả hê, vui vẻ.

3. Đọc thơ để "cà khịa"

Sau khi lên ngôi và tiến ra Bắc Hà, đặt quan chức mới củng cố ngai vàng, Nguyễn Ánh cho dân chúng treo đèn kết hoa, chào mừng tân triều.

Khi một viên quan khâm sai được lệnh đi công tác ở các tỉnh, quan chức Thăng Long cũng dựng cổng chào và đến xin câu đối của Hồ Xuân Hương. Bà đã cho câu đối:

Thiên tử tinh kỳ đương bản diện,
Tướng quân thanh thế áp tam thùy.


Câu này theo nghĩa hay ho có nghĩa là:

Vế 1: cờ xí của nhà vua đăng đầy khắp chốn, quá uy danh đến nỗi che hết nửa mặt người.

Vế 2: Uy danh của vị tướng khâm sai cũng rất lớn, bao trùm cả 3 cõi.
Những tưởng câu này nghe rất hay, nhưng sau khi ngẫm nghĩ kỹ, người dân và quan binh đã hiểu ý nghĩa của câu đối theo một hướng hoàn toàn khác:

Vế 1: Cờ của vua Gia Long che nửa mặt người - câu này quá bình thường, chẳng có gì là khen vua cả vì cờ lệnh của hoàng đế đúng là một nửa (cờ hình tam giác).

Vế 2: Uy danh của vị tướng khâm sai bao trùm cả 3 cõi - câu này 100% là chê, Vì trước đó, trong bài thơ vịnh cái quạt, bà đã dùng "3 cõi" này để mô tả cái quạt bị méo, dù banh ra cỡ nào cũng không che đủ bốn góc, cũng giống như uy danh tướng khâm sai dù đi công tác khắp các tỉnh cũng chưa đủ bao trùm cả nước.

4. Dùng câu đối để đuổi khéo chú Khách

Có một chú Khách (tức là chàng trai người Trung Quốc ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây) chạy loạn sang Việt Nam, làm nghề bán kẹo lạc đường. Biết tiếng văn chương tài giỏi của Hồ Xuân Hương, bèn tìm đến Cổ Nguyệt đường (nhà Hồ Xuân Hương ven hồ Tây) để làm quen, tán tỉnh với ý đồ lấy làm vợ. Hồ Xuân Hương không muốn tiếp chuyện anh chàng này, đã ra vế xướng và thách đối với điều kiện: nếu đối được thì sẽ tiếp tục ngồi chơi, nếu không đối được thì phải ra khỏi nhà ngay lập tức. Vế xướng của Hồ Xuân Hương như sau:

Chân đi hài hán, tay bán bánh đường, miệng nói líu lường, ngây ngô ngây ngố.

Vế xướng của Hồ Xuân Hương có nghệ thuật chơi chữ ở chỗ kết hợp một số động từ (đi, bán, nói) với một số danh từ, tính từ vừa thể hiện rõ nguồn gốc, nghề nghiệp, phong thái bất thường của chú Khách, vừa chỉ tên gọi một số triều đại phong kiến nổi tiếng của Trung Quốc: Hán - Đường - Ngô. Chú Khách ấy không đối được, đành phải bước ra khỏi Cổ Nguyệt đường.

Nguồn: Khoa học xã hôi và Nhân văn Nghệ An
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.