Cuối đông đầu xuân, những chồi mai đầu tiên bắt đầu hé mắt thức tỉnh sau giấc ngủ dài. Gió xuân trỗi dậy dưới cái nắng dịu nhẹ, hôn lên má người đi đường, lướt qua mơn man da thịt. Dì tôi xách làn đi chợ, tìm mua những chú tép tươi ngon để chuẩn bị làm mẻ mắm cho kịp đợt Tết cổ truyền.
Năm nay, mùa nước bạc kéo dài, tép khan hiếm. Dì tôi im lặng thở dài.
Món mắm tép đơn giản, mộc mạc với nguyên liệu chính là tép tươi, riềng, ớt, tỏi và cơm nguội. Thế nhưng, nó để lại trong lòng những người con xa quê một nỗi niềm khó tả. Cái cay xé lưỡi của ớt, vị nồng thanh của riềng, hương tỏi thơm cùng vị bùi bùi của tép đọng lại trong tâm hồn nỗi chờ mong mơ hồ, hoài niệm về thời thơ ấu xa xôi.
Những ngày cuối năm, tôi thường được mẹ dẫn về quê ngoại. Tối đến, bên bếp than hồng ấm áp, tôi háo hức ngồi nhìn dì làm mắm. Tép rửa sạch qua hai lần nước, cho vào ít muối để ướp. Riềng thái sợi mỏng, ớt và tỏi giã nhuyễn. Cho tép, riềng, tỏi và ớt vào hũ, dì tôi nêm vào một lượng bột ngọt vừa phải, muối và đường. Tiếp đó, dì đổ một lớp cơm nguội lên trên rồi dùng lá ổi chèn kín miệng hũ ,đậy nắp lại, cất trên chạn bếp. Tôi thắc mắc “Sao lại có cơm nguội vậy dì?”. Dì cười nói “Dì chẳng biết. Bà ngoại hồi đó chỉ dì cách làm mắm, quên nói đến công dụng của cơm nguội. Nhưng lại nhắc là, cơm nguội phải để qua một đêm rồi ủ chung với mắm mới ngon”. Thông thường, tầm một tuần sau là mắm tép đã có thể dùng được. Tuy nhiên, dì tôi thường ủ mắm đến nửa tháng. Dì bảo “Như thế tép nó mới chín tới, mang đầy đủ hương vị của tép, riềng và tỏi”.
Sáng mồng một Tết, cả nhà về thăm ngoại. Đã trở thành một thói quen, khi nào cũng thế, dì dọn mâm cơm có mắm tép, dưa cải muối chua và thịt heo luộc. Dì bảo “Mong cho một năm mặc dù có chua cay, ngọt bùi như thế nào nhưng cuối cùng điều đọng lại vẫn là sự hạnh phúc, trọn vẹn”. Cơm nóng kèm mắm tép hòa quyện trong miệng, tôi hít hà xuýt xoa. Mồ hôi từng giọt to bắt đầu chảy xuống hai bên thái dương. Mẹ và dì nhìn tôi cười: “Ăn từ từ thôi kẻo nghẹn”…
Huế vốn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Trong số đó, mắm tượng trưng cho sự chân chất, mộc mạc của làng quê cố đô. Sử dụng nguyên liệu gần gũi, mắm là hồn cốt quê hương trong trái tim người Huế. Mắm dưa, mắm cà, mắm đu đủ, mắm rò, mắm sò, mắm cá, mắm tép… mỗi thứ đều mang những hương vị khác nhau nhưng tựu chung lại đều cay, nồng và đậm đà rất riêng. Dù đi đến đâu, thưởng thức món ngon quý hiếm thế nào, mỗi độ xuân về, kí ức lại gióng lên hồi chuông gọi mời những người con xa xứ tìm về với mắm, về với gia đình, quê hương thân thuộc.
…
Cuối năm, sếp giao cho hàng loạt deadline. Tôi quay cuồng trong công việc, mắt suốt ngày dán chặt vào màn hình máy tính. Thi thoảng, ly cà phê mua vội ở góc đường giúp tôi níu kéo chút tỉnh táo để rồi lại chạy đua với thời gian, nhằm kịp hoàn thành các mốc nộp báo cáo. Nghỉ trưa, đồng nghiệp lục tục kéo nhau đi ăn ở tiệm cơm tấm bên kia đường. Tôi khước từ lời mời, vì đã quá ngán với những món ăn ngập trong dầu mỡ và chất phụ gia.
Mở youtube trên laptop, tôi cắm tai nghe rồi chọn bản rap “Đi về nhà” của Đen Vâu, Justa Tee. Chìm trong giai điệu nhẹ nhàng, tôi lim dim mắt liếc nhìn ngày tháng trên cuốn lịch để bàn. “Mười lăm tháng Chạp, sắp đến rồi”.
Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
…
Trong giấc mơ, một thằng bé con ngồi lặng yên bên bếp lửa. Mắt ánh lên niềm thích thú khi nhìn đôi tay người phụ nữ đang thái riềng, giã tỏi. Ánh lửa bập bùng, loang loáng hắt lên tường vách căn nhà cũ kĩ. Gió thổi hàng tre sau hè nghe xao xác, chốc chốc rít lên nghe hun hút. Tiếng chó sủa ma văng vẳng từng hồi trong đêm khuya tĩnh lặng. Ranh giới quá khứ hiện tại bỗng chốc mơ hồ, tầng tầng kí ức chồng lấp lên nhau bất chợt đổ ập xuống liên tục như thác đổ. Một thước phim quay chậm trong tiềm thức, từng khoảnh khắc lần lượt hiện ra rồi lập tức biến mất.
Thật xa, thật xa…
Năm nay, mùa nước bạc kéo dài, tép khan hiếm. Dì tôi im lặng thở dài.
Món mắm tép đơn giản, mộc mạc với nguyên liệu chính là tép tươi, riềng, ớt, tỏi và cơm nguội. Thế nhưng, nó để lại trong lòng những người con xa quê một nỗi niềm khó tả. Cái cay xé lưỡi của ớt, vị nồng thanh của riềng, hương tỏi thơm cùng vị bùi bùi của tép đọng lại trong tâm hồn nỗi chờ mong mơ hồ, hoài niệm về thời thơ ấu xa xôi.
Những ngày cuối năm, tôi thường được mẹ dẫn về quê ngoại. Tối đến, bên bếp than hồng ấm áp, tôi háo hức ngồi nhìn dì làm mắm. Tép rửa sạch qua hai lần nước, cho vào ít muối để ướp. Riềng thái sợi mỏng, ớt và tỏi giã nhuyễn. Cho tép, riềng, tỏi và ớt vào hũ, dì tôi nêm vào một lượng bột ngọt vừa phải, muối và đường. Tiếp đó, dì đổ một lớp cơm nguội lên trên rồi dùng lá ổi chèn kín miệng hũ ,đậy nắp lại, cất trên chạn bếp. Tôi thắc mắc “Sao lại có cơm nguội vậy dì?”. Dì cười nói “Dì chẳng biết. Bà ngoại hồi đó chỉ dì cách làm mắm, quên nói đến công dụng của cơm nguội. Nhưng lại nhắc là, cơm nguội phải để qua một đêm rồi ủ chung với mắm mới ngon”. Thông thường, tầm một tuần sau là mắm tép đã có thể dùng được. Tuy nhiên, dì tôi thường ủ mắm đến nửa tháng. Dì bảo “Như thế tép nó mới chín tới, mang đầy đủ hương vị của tép, riềng và tỏi”.
Sáng mồng một Tết, cả nhà về thăm ngoại. Đã trở thành một thói quen, khi nào cũng thế, dì dọn mâm cơm có mắm tép, dưa cải muối chua và thịt heo luộc. Dì bảo “Mong cho một năm mặc dù có chua cay, ngọt bùi như thế nào nhưng cuối cùng điều đọng lại vẫn là sự hạnh phúc, trọn vẹn”. Cơm nóng kèm mắm tép hòa quyện trong miệng, tôi hít hà xuýt xoa. Mồ hôi từng giọt to bắt đầu chảy xuống hai bên thái dương. Mẹ và dì nhìn tôi cười: “Ăn từ từ thôi kẻo nghẹn”…
Huế vốn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Trong số đó, mắm tượng trưng cho sự chân chất, mộc mạc của làng quê cố đô. Sử dụng nguyên liệu gần gũi, mắm là hồn cốt quê hương trong trái tim người Huế. Mắm dưa, mắm cà, mắm đu đủ, mắm rò, mắm sò, mắm cá, mắm tép… mỗi thứ đều mang những hương vị khác nhau nhưng tựu chung lại đều cay, nồng và đậm đà rất riêng. Dù đi đến đâu, thưởng thức món ngon quý hiếm thế nào, mỗi độ xuân về, kí ức lại gióng lên hồi chuông gọi mời những người con xa xứ tìm về với mắm, về với gia đình, quê hương thân thuộc.
…
Cuối năm, sếp giao cho hàng loạt deadline. Tôi quay cuồng trong công việc, mắt suốt ngày dán chặt vào màn hình máy tính. Thi thoảng, ly cà phê mua vội ở góc đường giúp tôi níu kéo chút tỉnh táo để rồi lại chạy đua với thời gian, nhằm kịp hoàn thành các mốc nộp báo cáo. Nghỉ trưa, đồng nghiệp lục tục kéo nhau đi ăn ở tiệm cơm tấm bên kia đường. Tôi khước từ lời mời, vì đã quá ngán với những món ăn ngập trong dầu mỡ và chất phụ gia.
Mở youtube trên laptop, tôi cắm tai nghe rồi chọn bản rap “Đi về nhà” của Đen Vâu, Justa Tee. Chìm trong giai điệu nhẹ nhàng, tôi lim dim mắt liếc nhìn ngày tháng trên cuốn lịch để bàn. “Mười lăm tháng Chạp, sắp đến rồi”.
Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
…
Trong giấc mơ, một thằng bé con ngồi lặng yên bên bếp lửa. Mắt ánh lên niềm thích thú khi nhìn đôi tay người phụ nữ đang thái riềng, giã tỏi. Ánh lửa bập bùng, loang loáng hắt lên tường vách căn nhà cũ kĩ. Gió thổi hàng tre sau hè nghe xao xác, chốc chốc rít lên nghe hun hút. Tiếng chó sủa ma văng vẳng từng hồi trong đêm khuya tĩnh lặng. Ranh giới quá khứ hiện tại bỗng chốc mơ hồ, tầng tầng kí ức chồng lấp lên nhau bất chợt đổ ập xuống liên tục như thác đổ. Một thước phim quay chậm trong tiềm thức, từng khoảnh khắc lần lượt hiện ra rồi lập tức biến mất.
Thật xa, thật xa…
Tên ảnh : Món mắm tép trong kí ức
Nguồn : Kì Phong
Nguồn : Kì Phong