Nhà Khoảng trời của trẻ con

  • Thread starter Thread starter Nguyên
  • Ngày gửi Ngày gửi

Nhà  Khoảng trời của trẻ con

Nguyên
Nguyên
  • Thành Viên 28
Mấy hôm nay trời mưa dầm dề không dứt. Mưa nỉ non trên ngọn cây sấu trước cửa, mưa rầm rầm đập vào cửa kính, mưa ào ạt xô nghiêng tấm bạt che tạm ngoài ban công. Mưa thấm vào vết nứt trên bức tường cũ chục năm tuổi của căn phòng trọ xập xệ, tạo thành một mảng màu xấu xí. Mấy ngày nữa, khi trời hửng nắng, mảnh tường bị thấm ướt đó chắc hẳn đã kịp nổi mốc xanh lên, bắc ghế cầm giẻ hì hục cọ cả ngày cũng cọ không sạch nổi.

Tiếng sấm ì ùng vọng lại từ phía xa. Căn phòng yên ắng đột ngột vang lên tiếng cục cựa rất khẽ, hình như từ trong tủ quần áo. Cánh cửa tủ hé ra một khe nhỏ, đúng lúc ánh chớp lóe lên, xẹt qua ô thoáng trên tường.

Sau đó là sét rạch ngang trời.

Thằng Đồng giật mình, rụt tay lại, ngã ngửa ra đống quần áo lộn xộn phía sau. Nó không ngừng run rẩy, mồ hôi lạnh nhớp nháp đầy người.

“Mày ở yên trong đấy cho tao! Bao giờ tao cho ra ngoài mới được ra, nghe chưa? Hả? Mồm đâu?” Giọng nói chua loét của mẹ nó như oang oang trong đầu.

Mỗi lần nó rụt rè thò tay ra định mở cánh cửa tủ, lại như nhìn thấy mẹ đang đứng chống nạnh luôn mồm chửi trước mặt. Một phần vì như vậy, một phần là vì sợ sấm sét, nó không dám ra ngoài. Tưởng như bên ngoài cánh cửa tủ quần áo này có một con quái vật đang chực chờ sẵn, chỉ đợi nó dám bén mảng ra là nuốt chửng.

- Mẹ… Mẹ ơi… con sai rồi… xin lỗi mẹ… lần sau con không dám làm bài sai nữa… con sợ lắm mẹ ơi…

Nó lùi về sát góc tủ quần áo, cái tủ gỗ ọp ẹp phải chịu trọng lượng lớn hơn hẳn nghiêng sang một bên, hơi lay như thể sắp đổ. Tiếng tim đập vang như trống, nó co người, hai tay tự ôm siết lấy thân thể nhỏ bé của chính mình.

- Con sợ lắm… – giọng nó khản đặc, hòa lẫn tiếng sấm ì ùng và tiếng mưa rào đập xuống đất, không ai nghe thấy. Mà kể cả trời không mưa, có người nghe thấy tiếng khóc của nó, cũng chẳng ai rảnh rỗi lo chuyện bao đồng.

Vì mẹ nó là con mụ Hoàn nổi tiếng ghê gớm ở khu này. Nhắc đến con mụ Hoàn, không ai không khiếp. Tìm mãi không thấy một cái lược chải đầu cũng là lý do để mụ chống nạnh chửi váng cả mấy chục nhà xung quanh, đến lúc thằng con lò dò moi được cái lược dính đầy bụi trong gậm giường ra mới thôi. Hay như lần mấy đứa trẻ con hàng xóm đùa ác, gọi thằng Đồng là đồ con hoang không có bố, mụ xách tai từng thằng đến từng nhà mắng vốn bố mẹ chúng nó, để người lớn quanh khu dặn đi dặn lại đám trẻ đừng có chọc vào con trai mụ nữa.

Đầu thai làm con trai mụ Hoàn, là sai lầm đầu tiên của cuộc đời thằng Đồng. Sai lầm nối tiếp sai lầm, từ khi nó được sinh ra, nó làm cái gì cũng sai. Lúc chưa biết gì bĩnh ra quần cũng sai, lúc đã biết rồi thì không nấu cơm cũng sai, mải chơi cũng sai, mẹ gọi mà không thưa ngay cũng sai… dăm bảy loại sai đều là nó sai hết.

Duy chỉ có sự tồn tại của nó là sai lầm của mụ Hoàn, với người chồng trước. Mà cũng chẳng biết nên gọi là người chồng, người chồng trước, hay là bố của con trai mụ, bởi vì hai người mới chỉ dọn về ở với nhau, chẳng đăng kí cũng chẳng cỗ bàn gì cả. Ở với nhau được hai năm, người đàn ông đột ngột bỏ đi, đi biền biệt không về. Chị Hoàn nhà quê chân chất thật thà một mình làm lụng vất vả nuôi con, vò võ chờ chồng, sau vài năm đã thành con mụ Hoàn mà cả làng trên xóm dưới đều chết khiếp.

Và mụ cũng chẳng còn ăn dầm nằm dề ở sau cái lũy tre làng của nhà quê nữa.

Lại nói về thằng Đồng. Nó lầm lì ít nói, sau mấy lần gây hấn với đám trẻ trong xóm thì chẳng có đứa nào thèm chơi cùng, đứa nào đứa nấy tránh nó như tránh hủi. Nó loanh quanh trong phòng trọ rách nát này, tự bày trò ra chơi một mình. Mà mỗi lần bực bội trong người, mụ Hoàn lại lôi nó ra đánh, đánh chán thì nhốt nó vào tủ quần áo.

Hôm nay cũng vậy, chỉ là trước khi đi bán hàng, mụ Hoàn quên thả thằng con ra khỏi tủ, cũng quên luôn dặn nó bật đèn khi trời sẩm tối. Đây chẳng phải lần đầu tiên nó bị mẹ nó quên mất. Nó sợ tối, sợ sấm sét, nhưng chẳng có nỗi sợ nào to bằng sợ bị mẹ đánh, nên nó cứ ngồi lì trong tủ quần áo. Đến lúc nào mẹ nó sực nhớ ra thì sẽ nhờ người trông hàng, hớt hải chạy về mở cửa. Hoặc như hôm nay, trời mưa to gió lớn, chính nó cũng chẳng biết mẹ có về được hay phải trú nhờ mái hiên nhà ai đó.

“Xoạt… xoạt…”

Ba giờ sáng, mưa tạnh. Chỉ còn từng cơn gió rít qua, cuốn tấm bạt rách cọ vào bức tường thấm nước mưa. Tiếng lạch cạch chìa khóa tra vào ổ vang lên, sau đó là tiếng gọi của mụ Hoàn.

- Thằng Đồng! Mày có dậy ngay không thì bảo? Ngủ trương mắt ếch lên, thấy trời mưa cũng không biết đường thu quần áo vào! Mai nó mốc xanh mốc đỏ cả ra thì tao vẽ ra tiền cho mày mua quần áo mới à? Tiền chứ có phải lá mít đâu?

Căn phòng vắng lặng, chỉ có giọng mụ Hoàn the thé, chua loét và ngoa ngoắt, len qua khe hở cánh cửa tủ quần áo, đập thẳng vào màng nhĩ thằng Đồng. Tai nó ù ù, đầu óc ong ong, cánh tay chực đưa ra đẩy cửa tủ lại rụt về.

Nếu nó ra khỏi tủ, chẳng sớm thì muộn mẹ nó sẽ lại phạt nó chui vào tủ lần nữa. Hoặc là cho nó một bữa cháo lươn nhớ đời vì tội không thu quần áo vào trước lúc trời đổ mưa.

- Thằng Đồng đâu rồi? Mày chết dấm chết dúi chết bờ chết bụi đâu rồi mà tao gọi mày không ừ hử gì? Tao mà tóm được mày thì mày chết với tao! – mụ Hoàn rít lên, tiện tay bật công tắc điện.

Phòng trọ bé tí xập xệ sáng bừng lên trong một giây. Phòng của hai mẹ con bé đến nỗi một cái bóng đèn mười mấy watt cũng đủ để soi rõ từng ngóc ngách. Trong mắt mụ Hoàn, phòng trọ rách nát này là chốn nương thân, là nơi neo đậu, còn trong mắt thằng Đồng, là nơi ngục tù. Chẳng đáng để được gọi là một căn nhà.

Căn nhà của thằng Đồng, khoảng trời của thằng Đồng, có khi chỉ bé bằng cái tủ quần áo ở trong góc kia thôi.

Mụ Hoàn lăm lăm cây roi, xồng xộc khắp phòng tìm thằng con giời đánh đang trốn trận đòn từ trên trời rơi xuống.

Bên tai thằng Đồng dồn dập tiếng bước chân của mụ mẹ đang phát điên, nó không dám thở mạnh, co rúm người lại, nép sát vào góc tủ. Trong một giây vẩn vơ nào đó, nó đã nghĩ, lúc nãy bị sét đánh chết quách đi có khi còn sướng hơn ngồi đây đợi mẹ đánh đòn.

Cái tủ quần áo ọp ẹp tuổi đời mười mấy năm không chịu được cân nặng của một thằng nhóc chưa đầy mười tuổi, cho dù thằng nhóc đấy chân tay khẳng khiu như cái que, cả người chỉ có da bọc xương. Trọng tâm lệch sang một bên, cái tủ đổ sập xuống. Thằng Đồng nãy giờ vẫn trốn trong tủ lóp ngóp bò ra, mặt cúi gằm chẳng dám nhìn bàn tay đang lăm lăm cây roi và bản mặt gườm gườm như nhìn thấy kẻ thù của mẹ nó.

- Mẹ cha nhà nó! Mày trốn trong tủ quần áo làm gì hả? Tủ quần áo hỏng rồi! Tao bán con mẹ mày đi để mua tủ mới nhá? Từ giờ mày cởi truồng luôn cho tao! Ối giời ơi sao tôi khổ thế này?

- Mẹ bảo con không được ra ngoài mà… - giọng thằng bé run run.

Giọng nó không át được tiếng chửi càng ngày càng thậm tệ và tiếng roi vun vút từ bàn tay của người đàn bà quen làm việc nặng. Nó cắn môi, nhắm tịt mắt vào, thầm nghĩ: “Đúng rồi, lúc nãy mà ra ngoài để sét đánh chết, thì giờ sẽ không bị đòn đau!”

Từ lúc thấy thằng con như bộ xương khô di động bò ra từ trong tủ cùng với đống quần áo lộn xộn, mụ Hoàn đã nhớ chuyện mình phạt nhốt nó trong tủ hồi chiều. Nhưng cái sai nào chẳng là lỗi của thằng Đồng! Mụ là mẹ nó, mụ có sai bao giờ đâu! Mụ đã sống khổ sống sở bao nhiêu năm nay, nhịn ăn nhịn mặc để lo cho nó, ấy thế mà nó còn không biết điều. Thấy trời mưa vẫn ở lì trong tủ, không chịu ra thu quần áo đang phơi. Cái thằng lầm lì này đang chống đối mụ thì có, nghe lời cái nỗi gì!

Mụ thật chẳng hiểu tại sao mình lại phải sống đời với cái của nợ này nữa. Sao thằng bố nó bỏ đi không mang nó đi quách cho rồi? À, mụ quên béng mất, lúc thằng bố nó bỏ đi, mụ còn chưa đẻ nó ra.

- Gần sáng rồi, có để cho người ta ngủ không hả? Ồn ào cái gì?

Tiếng quát vọng lên từ tầng dưới, tiếng đàn ông oang oang. Mụ Hoàn đanh mặt, ném roi xuống đất, xồng xộc lao ra vịn tay vào lan can rướn người xuống gầm gè:

- Bà dạy con bà liên quan gì đến bố con nhà mày? Mày thích chõ mõm vào chuyện nhà người khác không?

- Dạy con cũng đừng có ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác! Nhà chị đóng cửa vào đánh cãi chửi nhau trong nhà cũng chẳng ai quản đâu. Chị làm loạn cả xóm lên, ồn ào mọi người không ngủ được tôi mới nói. Chị… - là vợ của người đàn ông ban nãy, nói chuyện mềm mỏng hơn nhiều so với chồng.

- Bà cứ thích chửi váng cả làng lên đấy! Mẹ bố chúng mày làm gì được bà? – mụ Hoàn cong mông lên, cao giọng thách thức – Mày tưởng nhà mày có thằng đàn ông là ngon à? Cả làng cả xóm ra đây mà xem, nhà nó bắt nạt đàn bà trẻ con!

Người phụ nữ tầng dưới nhíu chặt mày. Nhà chị mới chuyển đến đây vài tháng, được nghe hàng xóm kể về con mụ điên ở tầng trên vài ba lần rồi, nhưng đến hôm nay mới được mục sở thị cái sự điên của mụ.

Những con mụ điên như mụ Hoàn thì không biết nói lý lẽ. Hoặc là, trong tư tưởng của mụ, cái gì mụ tin là đúng chính là lẽ phải.

- Em vào nhà nghỉ đi, để anh giải quyết! – người đàn ông ôm vai vợ, đẩy người vào trong nhà.

Một tay anh ta giấu sau lưng, không để vợ nhìn thấy con dao bầu mình đang cầm. Chuyện thế này, cứ để đàn ông gánh vác là được rồi. Suy cho cùng, mụ Hoàn có ghê gớm đến đâu cũng chỉ được cái miệng, đứng trước sức lực của đàn ông, mụ chẳng làm được trò trống gì cả. Trước giờ quanh xóm người ta không gây hấn với mụ là vì ngại phiền chứ không hẳn là vì sợ. Hoặc là vì thương hại người đàn bà đèo bòng một đứa trẻ con.

Người đàn ông đi thẳng lên tầng trên, từng bước chân giẫm vào cầu thang gỗ kẽo kẹt nghe rợn cả người.

Mụ Hoàn thấy người ta lên tận nơi thì trợn trừng mắt, chống nạnh định tuôn ra một tràng chửi rủa. Nhưng mụ còn chưa kịp nói gì, thì đối phương đã vung tay, con dao bầu sắc lẻm chém thẳng vào tấm ván cửa. Ánh chớp lóe lên từ chân trời phía xa, đôi mắt lạnh tanh của người đàn ông nhìn thẳng vào mặt mụ Hoàn.

- Bà có im đi được không?

Lần này, giọng anh ta rất nhẹ nhàng, như thể đang thương lượng. Mụ Hoàn lại không dám hé miệng ra nữa. Mụ kéo tay thằng Đồng, giấu nó ra sau lưng, người mụ run bần bật, nhưng vẫn cố chấp chắn trước mặt thằng con.

Mấy mươi năm sống trên đời, mụ chưa từng trải qua cảm giác này. Mồ hôi lạnh tuôn xối xả, chảy dọc sống lưng, thấm ướt cả cái áo lao động mụ chưa kịp thay ra. Lòng bàn tay mụ cũng mướt mải mồ hôi, nhớp nháp.

Thằng Đồng đứng im sau lưng mẹ, không nói gì cả. Nó sống như một con thú con, mà thú hoang con chẳng có điểm mạnh gì ngoài trực giác trời sinh khi đối mặt nguy hiểm. Nó biết, con thú mẹ ngày ngày dọa dẫm cắn cổ nó, gặp phải thú ăn thịt thì cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất là đóng vai con mồi mà thôi.

Bàn tay đầy vết chai nắm lấy cán dao, dùng lực giật ra một cái. Con dao dễ dàng rời khỏi tấm ván cửa, tấm ván gỗ dưới bàn tay của một thằng đàn ông trưởng thành khỏe mạnh chẳng khác gì miếng đậu phụ. Người đàn ông dứ dứ con dao trước mặt mụ Hoàn, không nói không rằng quay người đi xuống.

Vết dao trên tấm ván cửa sâu hoắm.

Tiếng bước chân nhỏ dần rồi biến mất sau câu hỏi “Anh làm gì vậy?” đầy mỏi mệt của người phụ nữ tầng dưới. Thằng Đồng ngơ ngác giương mắt nhìn mẹ nó tự dưng ngồi bệt xuống nền gạch hoa cũ, ôm chặt lấy nó khóc tu tu.

5748



Ấy thế mà cái tủ ọp ẹp có tuổi đời mười mấy năm hãy còn chưa hỏng. Mụ Hoàn dựng nó lên, vơ đống quần áo vào trong, vẫn có thể dùng được tiếp. Chỉ có điều mụ không dám nhốt thằng con vào tủ nữa. Nó làm sai cái gì thì đánh một trận, phạt úp mặt vào tường là xong.

Một ngày, ảnh hưởng của cơn bão số bảy khiến trời đất nặng nề tối sầm xuống từ lúc năm giờ chiều. Mụ Hoàn buông một tiếng thở dài, cầm tấm bạt cũ che lại xe hàng đặt dưới cầu thang tầng một, buộc chặt bốn góc bạt lại.

- Mẹ ơi, hôm nay mẹ không đi bán hàng à? – thằng Đồng thỏ thẻ.

Hai bàn tay nó xoắn vào nhau. Cả ngày dài đằng đẵng, nó chỉ mong sớm đến giờ mẹ đi bán hàng. Lúc đó, nhà của nó, thế giới của nó sẽ là cả một căn phòng, thay vì khoảng trống tối đen như mực trong tủ quần áo, hay là góc tường cúi xuống chỉ nhìn thấy mấy ngón chân đen nhẻm.

Nghe thấy câu hỏi của con, mụ Hoàn không vội trả lời, mà lại buông thêm một tiếng thở dài não nề. Tiếng thở dài thườn thượt, dài hơn ban nãy. Sắp mưa rồi, mưa to gió lớn, sấm chớp bão bùng, mụ có đội mưa đội gió ra ngoài cũng chẳng bán được hàng.

Mụ lắc đầu, hất hàm ra hiệu cho thằng con đi lên cầu thang.

Trời càng ngày càng xầm xì, càng lúc càng thấp xuống, mây đen sà ngang ngọn cây, chỉ chực chờ một tiếng hiệu lệnh là thả mưa rơi lộp độp, dội vào nền đất. Rồi tiếng hiệu lệnh đó cũng vang lên, bằng tia sét rạch ngang trời, sấm ù ù vọng lại từ bốn phương tám hướng.

- Cô gì ơi!

Bước chân đang dợm bước lên cầu thang của mụ Hoàn khựng lại. Mụ từ từ quay đầu ra sau.

Trong tầm mắt của mụ, có bóng một người đàn ông mặc áo mưa, đội cái mũ cối cũ. Chẳng rõ mặt ngang mũi dọc ra sao, nhưng cái giọng nói đó, cả đời mụ cũng không quên được.

- Cô gì ơi, cho tôi hỏi, ở khu này có phải có một cô tên là Hoàn hay không? – người đàn ông nọ chạy vài bước đã tới trước mặt hai mẹ con, giọng run run hỏi – Có phải không cô?

- Không có!

Mụ Hoàn quay ngoắt sang hướng khác, không nhìn ông ta.

- Ơ, mẹ, Hoàn không phải là tên mẹ à? – thằng Đồng nhanh nhảu chỉnh lại lời của mẹ.

Trong thế giới của thằng Đồng, trên đời này chỉ có một người tên là Hoàn, chính là mẹ của nó. Thế thì người đàn ông kia tìm cô Hoàn, cũng tức là tìm mẹ nó rồi. Nó chẳng hiểu sao mẹ nó lại không nhận ra đấy là tên mình, mà nó cũng không cần hiểu.

- Mình có trách tôi không?

Mụ Hoàn cắn răng nhấc bổng thằng Đồng lên, chạy thẳng qua mấy chục bậc cầu thang, vào phòng. Chưa kịp đóng cửa, người đàn ông kia đã đuổi theo sát nút, lấy tay chặn cửa lại, không cho mụ đóng. Mụ ôm thêm một thằng trẻ con, giằng co không lại ông ta, liền thả thằng con đang ngơ ngác xuống.

- Mình trách tôi cũng phải. Nhưng tôi không định bỏ rơi mẹ con mình… Tôi đi làm ăn thật, mấy năm sau cầm tiền về thì mẹ con mình đã bỏ làng bỏ nước mà đi. Tôi đi tìm mình mãi…

Người đàn bà quắp thêm một đứa trẻ con, bỏ xứ mà đi, dựa vào một cái xe đẩy bán đồ ăn đêm để duy trì cuộc sống. Người đàn ông bỏ xứ mà đi, làm lụng vất vả, kiếm tiền đặng nuôi vợ nuôi con, nhưng về đến nhà thì thấy nhà cửa tan hoang, vợ con đã chẳng còn ở đó từ lâu lắm rồi. Ai khổ hơn ai, ai buồn hơn ai, không ai biết được.

Chỉ là, mụ Hoàn biết, mụ đã chẳng còn là cô Hoàn chân chất thật thà ngày xưa nữa. Đứng trước mặt mụ, cũng chẳng còn là anh Đan nhà quê mới nói vài câu mặt đã đỏ lựng lên rồi. Lần này gặp lại, căn phòng trọ xập xệ bốc mùi chẳng phải là tổ ấm mà mụ và người trước mặt từng chung tay gây dựng.

Mụ mím chặt môi, đôi mắt ráo hoảnh chẳng có nước mắt trùng phùng, chỉ có ngơ ngác mà khó hiểu. Mụ không hiểu. Mấy năm nhẹ tênh như thế, những nỗi khổ mà mụ từng trải qua có ai thấu cho, và ai sẽ trả cho mụ thời son trẻ? Gã đàn ông về rồi thì sao? Mái nhà chắp vá liệu có phải là nhà?

- Con… chắc là con trai của bố nhỉ? Đã lớn thế này rồi… - người đàn ông nhìn sang mặt nhóc gầy như que củi đang đứng sau lưng mẹ - Bố là bố của con đây!

Thằng Đồng nhìn chằm chằm người đàn ông xa lạ hồi lâu, rồi bất ngờ co cẳng chạy. Nó không chạy ra ngoài, mà chạy vào trong phòng, quen cửa quen nẻo chui tọt vào trong tủ quần áo.

Co rúm trong góc tủ, nó thở phào:

- Trong này vẫn là tốt nhất!


Tác giả: Nguyên
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021
 
2K
2
2
Trả lời
Làm sao mới có thể diễn tả hết cảm xúc của Đức khi đọc tác phẩm này của Nguyên nhỉ? Cả thế giới có tỷ người thì cũng chẳng kiếm được bao người thật sự có được một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Điểm nổi bật mà Nguyên đã khắc họa khiến cho Đức xúc động và có nhiều cảm tưởng là ở hình ảnh thằng Đồng. Người lớn có thể đổi thay mọi thứ một khi họ bị tổn thương, duy chỉ có trẻ con sẽ tìm đủ mọi cách để chúng luôn được hạnh phúc, dù đó là nơi rực rỡ ánh sáng hay tối tăm tận cùng. Nếu người lớn cũng lạc quan được như tâm hồn trẻ thơ thì mọi sự khổ đau cũng dễ dàng hóa thành hạnh phúc. Chỉ đôi dòng cảm nhận vậy thôi! Đức đang tập viết truyện ngắn nên cũng học hỏi được nhiều điều từ sáng tác của bạn. Cảm ơn Nguyên!
 
Làm sao mới có thể diễn tả hết cảm xúc của Đức khi đọc tác phẩm này của Nguyên nhỉ? Cả thế giới có tỷ người thì cũng chẳng kiếm được bao người thật sự có được một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Điểm nổi bật mà Nguyên đã khắc họa khiến cho Đức xúc động và có nhiều cảm tưởng là ở hình ảnh thằng Đồng. Người lớn có thể đổi thay mọi thứ một khi họ bị tổn thương, duy chỉ có trẻ con sẽ tìm đủ mọi cách để chúng luôn được hạnh phúc, dù đó là nơi rực rỡ ánh sáng hay tối tăm tận cùng. Nếu người lớn cũng lạc quan được như tâm hồn trẻ thơ thì mọi sự khổ đau cũng dễ dàng hóa thành hạnh phúc. Chỉ đôi dòng cảm nhận vậy thôi! Đức đang tập viết truyện ngắn nên cũng học hỏi được nhiều điều từ sáng tác của bạn. Cảm ơn Nguyên!
Thiện ĐứcCảm ơn Đức đã đồng cảm với truyện ngắn này. "Thằng Đồng" và cả "mụ Hoàn" là những nhân vật khiến Nguyên trăn trở rất lâu trước khi bắt đầu viết, bởi lẽ sợ rằng mình sẽ viết không "tới", không lột tả hết được thứ mình muốn truyền tải. Thật may mắn khi những người ghé qua và nán lại ít lâu để đọc truyện ngắn của Nguyên, như Đức, có thể để lại đôi dòng tâm sự. Cảm ơn Đức rất nhiều.
 
  • Love
Reactions: Thiện Đức

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.