Không gian, thời gian trong tiểu thuyết qua tác phẩm “Người đẹp say ngủ” – Y.Kawabata.

Không gian, thời gian trong tiểu thuyết qua tác phẩm “Người đẹp say ngủ” – Y.Kawabata.

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật, nó có vai trò to lớn trong việc tái tạo thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người. Trong bài viết này, nhóm chúng tôi sẽ tập trung vào làm rõ sự thể hiện của không gian, thời gian nghệ thuật và vai trò của nó trong một tác phẩm tiểu thuyết cụ thể, đó là tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” – Y.Kawabata.

Về thời gian nghệ thuật

Trong Người đẹp say ngủ tồn tại nhiều kiểu thời gian: thời gian theo mùa, thời gian dòng ý thức, thời gian đồng hiện… Các kiểu thời gian này đan xen với nhau tạo thành nhiều lớp thời gian mang giá trị thẩm mỹ cao. Thời gian nghệ thuật ở đây chính là thời gian trong cách nhìn của tác giả thông qua những cảm xúc, hồi tưởng của ông Êguchi. Vì thế, thời gian nghệ thuật của tác phẩm cũng chính là thời gian của nhân vật.

Trong tác phẩm, nhà văn nhắc đến các mùa với những sắc màu khác nhau. Mốc thời gian mở đầu tác phẩm là mùa thu: “một thứ gì đó rơi trên đám cỏ mùa thu úa vàng”. Và điều đó đã gợi lên nỗi buồn của một ông già đang run sợ trước tiếng gọi của thần chết. Bước vào cổng ngôi nhà Người đẹp say ngủ, Êguchi bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi của mưa bụi. Rồi mưa bụi chuyển sang thành tuyết rơi từng mảng lớn” và ông dỏng tai nghe thời tiết: “bầu trời mùa đông u ám ngay từ sáng về chiều chuyển thành và cảm thấy hình như gió mùa đông đang lướt trên những mỏm núi ven biển”. Nhìn những bông hoa trà nở rộ vào mùa xuân rực rỡ dưới ánh mặt trời, những cây hoa lan, hoa anh đào khoe sắc gợi nên vẻ đẹp của tạo hoá và sự sống đang bừng sôi, Êguchi như thấy mình trẻ lại và khao khát tìm lại quãng đời tuổi trẻ của mình đã qua và muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Vẻ đẹp của từng mùa hiện lên qua những diễn biến tâm trạng và sự rung động sâu sắc của Êguchi trước sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Đó là sự cảm thức về thời gian luân chuyển theo mùa, là vòng quay của cuộc đời con người và cuộc sống.

Trong năm đêm đến “ngôi nhà bí mật”, nằm cạnh những cô gái đẹp say ngủ, Êguchi đã có những liên tưởng, hồi ức không thống nhất về trình tự thời gian. Đó là sự nhớ lại những người tình, những người đàn bà mà ông từng chung sống hoặc quan hệ xác thịt. Thậm chí, những giấc mơ khi ngủ ở ngôi nhà này đã đưa Êguchi về với những miền xa thẳm của ký ức thời gian gắn với những người mà ông từng quen biết. Thời gian không đồng chiều mà bị ngắt quãng, đảo lộn trước sự nhớ lại của nhân vật Êguchi. Các sự kiện trong tâm lý nhân vật diễn ra theo tuyến tính, liên tục không gấp khúc, gãy đoạn. Đó là những dòng suy tư về cuộc đời chứ không phải là sự liên tục của dòng thời gian lịch sử. Tất cả những kỷ niệm mà ông Êguchi nhớ lại bất chấp sự trôi chảy của thời gian đã ám ảnh tâm hồn ông và luôn gợi lên những hình ảnh sống động. Lần thứ hai trở lại “ngôi nhà bí mật”, toàn bộ những hình ảnh, các cuộc đối thoại giữa ông với các cô con gái và người vợ hiện lên rõ nét. Lần thứ năm đến ngôi nhà chứa, nhìn thấy đôi môi tam giác duyên dáng của cô gái đang say ngủ, ông nhớ lại cái hôn với người yêu năm xưa. Chính hình ảnh cô gái mà Êguchi gặp lần cuối ở ngôi nhà bí mật này đã gợi nhớ và đồng hiện thời gian quá khứ về kỷ niệm với người con gái mà ông đã hôn cách đây gần năm chục năm.
Thời gian hiện tại “gợi nhớ quá khứ” để cùng đồng hiện trong không gian và thời gian hiện hữu cũng là một dạng thức thời gian xuất hiện trong Người đẹp say ngủ. Quá khứ, hiện tại và cả tương lai cùng đồng hiện để soi chiếu vào nhau làm cho khoảng thời gian trở nên trọn vẹn và sâu sắc hơn. Thời gian đồng hiện đã kết nối cuộc đời các nhân vật với nhau tạo thành một chuỗi dài các sự kiện trong một hệ thống thẩm mỹ.

Về không gian nghệ thuật

Trong Người đẹp say ngủ, tồn tại chủ yếu ba loại không gian: không gian thiên nhiên vũ trụ, không gian huyền ảo và không gian tâm tưởng. Cả ba loại không gian đó đều gắn với nhân vật Êguchi, ngôi nhà và đều xuất phát từ không gian hiện tại (ngôi nhà) để mở rộng ra các kiểu không gian khác.

Không gian thiên nhiên vũ trụ trong Người đẹp say ngủ được nhà văn miêu tả có sự kết hợp giữa không gian hẹp và không gian rộng, nhưng nhìn chung phần lớn nhân vật hoạt động trong một tầm không gian nhỏ được kiến tạo bởi tầm mắt của họ. Thế giới ngoại cảnh thường được khúc xạ qua thế giới nội tâm của nhân vật, là cái cớ để mở rộng cảm xúc gợi lên những suy nghĩ bên trong tâm hồn nhân vật.

Không gian nhỏ hẹp – không gian căn phòng nơi Êguchi đến cùng với những cô gái đẹp say ngủ là điểm tựa để từ đó các kiểu không gian khác lần lượt hiện ra theo sự hồi tưởng và cảm nhận của nhân vật: “Êguchi đưa mắt quan sát căn phòng tám chiếu này. Căn phòng giản dị, không có gì bí mật. Nước sơn của bức vách cùng mầu với nước sơn của các bức tường xung quanh”. Khu vườn nơi ngôi nhà bí mật toạ lạc có “một vườn cây khá rộng so với ngôi nhà nhỏ này. Mấy cây thông và mấy cây phong to. Những lá thông nhọn in hình trên bầu trời đêm…” và “những đồng trúc cũng như bằng bạc chạm… những cây gai và cây tóc tiên đang nở hoa. Một dòng suối trong vắt đi ngược lên đến một ngọn tháp hùng vĩ tung những hạt nước li ti lấp loáng dưới ánh mặt trời…”. Những cảnh vật thiên nhiên trên tạo nên một thế giới thực phong phú, đa dạng với đủ các sắc màu. Nhưng đôi lúc, cái thế giới thiên nhiên ấy cũng trở nên hư hư thực thực không định hình khi nhân vật Êguchi đang mải miết nghĩ suy về cuộc đời về con người và cuộc sống đầy biến động: “Tiếng sóng đập vào vách đá vọng lại từ nơi nào xa lắm...”. Như vậy, từ không gian căn phòng tám chiếu và cảnh vật xung quanh “ngôi nhà bí mật” đã mở ra một thế giới đầy sống động gắn với đời sống sinh hoạt của con người.

Trong Người đẹp say ngủ, Êguchi có ba lần nằm mơ về những con người và sự việc khác nhau trong những không gian đậm đặc hư ảo .Trong giấc mơ của nhân vật, những không gian huyền ảo hiện ra dưới nhiều màu sắc khác nhau. Đó thường là những nơi xa lạ, khó xác định huyễn hoặc, đầy tính ngẫu hứng, là đảo vắng, sa mạc hoang vu, là những nơi mà nhân vật không biết đó là thiên đường hay địa ngục.

Quá khứ và hiện tại, hiện thực và ảo ảnh như hoà nhập vào nhau làm nhoà đi cái không gian thực. Và, khi sự kháng cự của ý thức và lý trí nhường chỗ cho vô thức là khi con người lạc vào một thế giới vô định. Không gian trong những giấc mơ và trong sự phản chiếu ánh sáng của tấm rèm nhung màu đỏ là một không gian đa sắc. Ở đó có sự nhập nhoà giữa bóng tối và ánh sáng, giữa mộng và thực, giữa hiện tại và quá khứ…Đó là không gian của những nỗi đau, niềm hạnh phúc, là sự hồi tưởng, là sự cảm xúc biến đổi của tâm trạng trải dài trong dòng ý thức của nhân vật. Cùng với dòng chảy của thời gian, không gian tâm tưởng đang trôi chảy trong tâm thức Êguchi và những gì đang xảy ra xung quanh khiến ông không bỏ qua và luôn lặng lẽ suy nghĩ, chiêm nghiệm bằng cách riêng của mình.

Thời gian và không gian nghệ thuật trong Người đẹp say ngủ được nhà văn Y.Kawabata phản ánh dưới nhiều bình diện khác nhau mà chủ yếu là thông qua sự cảm nhận và tâm trạng của nhân vật. Những biểu hiện của các loại không gian - thời gian nghệ thuật trong tác phẩm “Người đẹp say ngủ” (Y.Kawabata) là những đặc trưng thi pháp đặc sắc mà nhà văn sử dụng để khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật.

Qua bài viết, sự thể hiện và vai trò của không gian thời gian trong tiểu thuyết Người đẹp say ngủ đã được làm rõ. Không gian, thời gian là những phạm trù tất yếu trong tiểu thuyết để làm nên vẻ đẹp nhân vật, biểu diễn tài hoa của nhà tiểu thuyết và làm nên sức sống vĩnh hằng cho tác phẩm.
 
Từ khóa
hình thức nghệ thuật kawabata không gian nghệ thuật không gian tâm tưởng người đẹp say ngủ thời gian nghệ thuật
514
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top